Thư Viện Hoa Sen

Từ Quả Ha-lê-lặc Trong Phật Điển Đến Cây Chiêu Liêu Ở Việt Nam

06/06/20184:20 SA(Xem: 13933)
Từ Quả Ha-lê-lặc Trong Phật Điển Đến Cây Chiêu Liêu Ở Việt Nam

TỪ QUẢ HA-LÊ-LẶC TRONG PHẬT ĐIỂN
ĐẾN CÂY CHIÊU LIÊU Ở VIỆT NAM

Chúc Phú
Viết để tặng bạn tôi, Thiền môn-Bác sĩ.

Hạt khô Haritaki  thương phẩm
Hạt khô Haritaki thương phẩm

Ha-lê-lặc (訶黎勒[1], 訶梨勒[2]) có khi được viết A-lê-lặc (呵梨勒[3], 阿梨勒[4]), Ha-lợi-lặc (訶利勒)[5], Ha-lê-đát-khê (訶梨怛雞)[6]… là những cách phiên âm khác nhau của từ Phạn-ngữ harītakī (हरीतकी)[7], tên của một loại cây trong cổ thư y học Ấn Độ với danh pháp khoa học là Terminalia Chebula, do nhà thực vật học người Thụy-điển Anders Jahan Retzius (1742-1821)[8] công bố vào năm 1789.

Cổ thư Ấn giáo và kinh điển Phật giáo đã nhiều lần ghi nhận về loài cây này trong việc điều trị bệnh tật. Điều đáng quan tâm nhất, chính Đức Phật đã từng sử dụng chế phẩm từ quả cây harītakī (हरीतकी). Trong kinh văn Phật giáo từ Hán tạng cho đến Nikāya đã nhiều lần ghi nhận về dược tính cũng như khả năng trị liệu từ loại cây này.

Điều ngạc nhiên nhất đối với người viết là loài cây Ha-lê-lặc (訶黎勒) đã có mặt ở Việt Nam ngay từ thuở xa xưa và hiện còn tồn tại với tên gọi là cây Chiêu liêu hay còn gọi là cây Kha-tử (訶子). Khảo cứu về một loài cây có nhiều điều liên quan đến cuộc đời Đức Phật, hành hoạt của các bậc thánh Tăng và được y văn Ấn Độ ghi nhậnmục tiêu chính của khảo luận này.

1.    Cây Ha-lê-lặc trong Phật điển.

Trong kinh điển Phật giáo, cây Ha-lê-lặc được ghi nhận như một vị thuốc với những công dụng khác nhau. 

Cụ thể, theo kinh Tăng-nhất A-hàm, trong cuộc hội kiến với Đức Phật, vị Phạm-chí Lộc-đầu (鹿頭) đã triển khai khả năng thần biến của mình khi chỉ ra bệnh nguyên dẫn đến nhiều cái chết. Trong trường hợp do bệnh nặng từ các khớp xương dẫn đến cái chết, vị Phạm-chí đã chỉ ra cách thức chữa trị là: nên dùng quả Ha-lê-lặc hòa chung với mật rồi cho uống, thì bệnh sẽ lành (當取呵梨勒果,并取蜜和之,然後服之,此病得愈)[9].

Trong kinh Trị thiền bệnh bí yếu pháp (治禪病祕要法), một tác phẩm y văn và thiền định Phật giáo, đề cập đến những phương cách chữa trị bệnh tật trong khi tu thiền ở chốn A-lan-nhã, đã hướng dẫn cách điều trị năm bệnh nội phong làm cho ngũ tạng ngưng trệ như can phong, tâm phong, phế phong, tì phong và thận phong (五風入咽)[10], khi phong lực cường thịnh, liền khởi cuồng điên (風力強故,最初發狂) thì nên cho vị hành giả đó dùng bơ và mật cùng với quả Ha-lê-lặc[11].

Trong kinh Trung Bộ, theo tự thuật của tôn giả Bạc-câu-la (薄拘羅) kể từ khi xuất gia đến nay đã tám mươi năm, nhưng thân không tật bệnh; trong khi hành hóa đó đây nhưng tôn giả chưa hề mang theo y dược, dù chỉ là một mẫu nhỏ cây a-li-lặc vàng (harītakīkhaṇḍa)[12]. Bản kinh tương đương ở Hán tạng cũng xác nhận điều tương tự[13]. Lý giải tại sao tôn giả Bạc-câu-la cả đời không bệnh tật, luận Đại-trí-độ ghi rằng: Như tỳ-kheo Bạc-câu-la, vào thời Đức Phật Tỳ-bà-thi, đã cúng dường chúng Tăng  một quả Ha-lê-lặc, được sanh thiên chín mươi mốt kiếp, ở cõi người thì thọ quả an vui, thân thường vô bệnh[14].

Quả harītakī ở Ấn Độ
Quả harītakī ở Ấn Độ

Với Đức Phật, ngài đã một lần tự tay hái loại quả này. Câu chuyện hóa độ đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa khi ngài vừa thành đạo là một trong những bằng chứng. Theo tác phẩm luật tạng Mahavagga, khi cùng đạo sĩ này trở về trú xứ của vị ấy để thọ thực, Đức Phật bảo ông ta đi trước, sau đó, bằng thần lực Ngài đã đến rừng harītakī ở một nơi rất xa và hái một ít quả và về lại trú xứ ấy trước cả Uruvelakassapa. Ngay đó, vị đạo sĩ bện tóc đã nhận ra khả năng thần biến của ông ta thua xa vị Sa-môn trẻ tuổi là Đức Phật và đã nghiêng mình kính ngưỡng[15]. Luật Tứ-phần (四分律)[16], Kinh Tăng-nhất A-hàm (增壹阿含經)[17], kinh Quá khứ hiện tại nhân quả (過去現在因果經)[18], cũng đề cập đến câu chuyện này và chỉ khác biệt ở một vài chi tiết.

Một lần khác, theo luật Tứ-phần, do Đức Phật thọ dụng bánh mật nên thân khởi nội phong (由食麨蜜故,身內風動) [19]. Vị thọ thần ở khu rừng đó đã dâng quả Ha-lê-lặc với lời cẩn bạch rằng:

Kính bạch đức Thế Tôn, do ăn cơm khô trộn với mật nên gió trong thân Ngài di động. Nay xin Ngài dùng trái cây này để làm vị thuốc trừ bệnh nội phong[20].

Câu chuyện Đức Phật thọ dụng trái Ha-lê-lặc để trừ nội phong (內風) cũng được ghi lại trong kinh Thái tử thụy ứng bổn khởi[21] (太子瑞應本起經), kinh Chúng hứa ma ha đế (眾許摩訶帝經)[22] và cả trong luật Thập tụng (十誦律)[23].

Như vậy, trong kinh điển Phật giáo, Ha-lê-lặc được dùng như một vị thuốc chữa nhiều bệnh và đặc biệt được Đức Phật dùng quả này để trừ nội phong. Điều đó cho thấy Ha-lê-lặc là một loại cây dược liệu đặc thù trong đời sống Ấn Độ cổ đại.

2.    Dược tính và công dụng của Ha-lê-lặc trong y văn Ấn Độ.

Căn cứ vào tác phẩm Toḍarānanda Ayurveda Saukhyam, bộ bách khoa của Ấn Độ được Rājā Toḍarāmala soạn thảo ở thế kỷ XVI, triển khai nền y thuật Āyurveda (आयुर्वेद) cổ xưa. Tác phẩm này đã ghi nhận nhiều thông tin về xuất xứ, tên gọi, dược tính và chủ trị của loài cây harītakī (हरीतकी), viết bằng ngôn ngữ Sanskrit và được tiến sĩ Vaidya Bhagwan Dash (1934-2015) biên dịchchú giải. Những thông tin về loài cây harītakī trình bày ở đây được tổng hợp từ tác phẩm này[24].

2.1  Nguồn gốc, tên gọi và tánh vị.

Trước hết, sở dĩ loài cây này được gọi là harītakī xuất phát từ ba lý do sau.

-    Loài cây này mọc ở nơi trú ngụ của thần Siva (hara), ở trong núi Hymalaya

-    Vì nó luôn xanh tươi (harita) bởi điều kiện tự nhiên

-    Chữa trị  (harate) được nhiều chứng bệnh.

Thứ hai, có bảy phân loài harītakī theo đặc thù tên gọi và công năng chữa trị.

1.Jivantī: bởi vì nó làm tăng trưởng tuổi thọ (jīvana), được dùng để chữa trị nhiều loại bệnh tật

2. Pūtanā: do chức năng thanh lọc (pāvana) nên có tên đó, được sử dụng cho các bệnh ngoài da.

3. Amṛta: ví hình dáng của nó giống với trái trường sanh (amṛta), có chức năng làm sạch cơ thể.

4.Vijayā: Vì nó làm cho người sử dụng được chiến thắng (vijaya), loài này có thể chữa trị nhiều loại bệnh tật.

5. Abhayā: Vì nó dẹp tan mọi sự sợ hãi (bhaya), được dùng để chữa trị các bệnh về xương cốt.

6. Rohiṇī: Bởi nó bổ sung (rohāt) nhiều thuộc tính (guṇas) làm cho vết loét chóng lành.

7. Cetakī: Bởi nó giúp phát triển tâm trí (cetanā), được sử dụng từng phần ở dạng bột.

Thứ ba, mỗi thành phần cây harītakī chứa những tánh vị khác nhau như:

Vị ngọt: trong phần thịt của hạt

Vị chua: trong thân và lõi cây

Vị cay: trong phần vỏ của hạt

Vị đắng: trong cuống trái

Vị chát: ở phần vỏ cây.

Do đặc hữu cả năm tánh vị như vậy, nên harītakī có khả năng tác động lên cả ba thành tố (tridoṣa: त्रिदोष) cơ bản của cơ thể con người[25]. Do bởi vị chua nên ngăn ngừa nội phong (vāyu); do vị ngọt và đắng nên tác động lên mật (pitta); do vị cay và chát nên phòng ngừa và chữa trị các bệnh về đàm (kapha). Như vậy về cơ bản, harītakī có khả năng chữa trị tất cả bệnh tật của con người.

2.2  Công năng, tác dụng chủ trị và chống chỉ định.

Mặc dù có thể sử dụng cả thân, vỏ cây và hạt nhưng tác dụng chữa bệnh chủ yếu được chiết xuất từ hạt. Cổ thư Ấn Độ đã ghi nhận rất nhiều công năng đặc hiệu của cây harītakī, bao gồm.

Lá và quả cây Chiêu liêu với danh pháp khoa học làTerminalia Chebula
Lá và quả cây Chiêu liêu với danh pháp khoa học là
Terminalia Chebula

Về tác dụng bồi bổ, trái cây này kích thích tiêu hóa (dīpana), tăng cường trí nhớ (medhya), chống ô-xy hóa (rasāyana), nhuận trường (sara), bổ não (buddhi prada), kéo dài tuổi thọ (āyuṣya), sáng mắt (cakṣuṣya).

Vể phương diện chữa bệnh, harītakī chữa hen suyễn (śvāsa), ho (kāsa), rối loạn tiết niệu, bao gồm cả tiểu đường (prameha), bệnh trĩ (arsas), các bệnh ngoài da, kể cả bệnh phong (kuṣtha), phù thủng (śotha), bệnh đau bụng, gồm cả bệnh cổ trướng (udara), nhiễm ký sinh trùng (kṛmi), khàn tiếng (vaisvarya), bệnh tiêu chảy (grahaṇī doṣa), táo bón (vibandha), bệnh sốt rét (viṣamajvara), bướu quái (gulma), viêm màng nhĩ (ādhmāna), ung nhọt (vraṇa), nôn mửa (chardi), nấc cụt (hikkā), ngứa (kaṇḍū), bệnh tim (hṛdāmaya), bệnh vàng da (kāmalā), đau bụng (śula), dạ dày đầy hơi (ānāha), bệnh lá lách (plihā).

Có ba phương cách sử dụng trái harītakī.

 Khi dùng để nhai thì sẽ kích thích sức mạnh tiêu hóa, dùng ở dạng cao để dán thì có khả năng làm sạch ruột, dùng để uống sau khi đun sôi nhằm trị táo bón, sau khi sao vàng tán nhuyễn thì dùng để chữa cả ba loại bệnh gồm phong, mật, đàm.

Về phương diện kết hợp chữa trị.

Khi dùng chung với muối thì có tác dụng phòng ngừa và chữa trị các bệnh về đàm (kapha). Khi dùng chung với đường thì sẽ chữa các bệnh về mật (pitta). Khi dùng chung với bơ (ghee) thì sẽ chữa được các phong bệnh (vāyu). Khi dùng chung với mật mía (guḍa) thì có thể chữa mọi loại bệnh.

Mặc dù có tác dụng bồi bổ và chữa trị cho rất nhiều loại bệnh, thế nhưng cũng có những trường hợp không thể sử dụng harītakī (हरीतकी).

Đó là người quá kiệt sức trong những hoạt động việt dã, hành hương. Người quá ốm yếu, hốc hác, da dẽ nhăn nheo. Người quá khô gầy do tuyệt thực. Người bệnh nặng về đường mật (pitta). Phụ nữ có thai và những người suy nhược hoàn toàn.

Từ những tác dụng to lớn của cây harītakī, giới Phật giáo nói chung và chốn thiền môn nói riêng đã tiếp nhậnsử dụng loại cây này.

2.3  Cây Ha-lê lặc trong đời sống thiền môn.

Từ những tác dụng phổ quát trong việc bồi bổ thân thểtrị liệu bệnh tật, ngay từ thời Đức Phật, có một số vị tỳ-kheo được Đức Phật cho phép thọ dụng các chế xuất từ Ha-lê-lặc (訶黎勒) như là một vị thuốc gắn liền với đời sống, gọi là chung thân dược (終身藥) hoặc gọi là tận hình dược (盡形藥).

Luật Tứ-phần, ghi:

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn đang ngồi trên giường dây (繩床)[26], lúc ấy có tỳ-kheo bệnh, vâng theo lời dạy của thầy thuốc, dùng trái Ha-lê-lặc. Phật dạy:

Cho phép tỳ-kheo bệnh, nếu có nhân duyên thì suốt đời được dùng ha-lê-lặc[27].

Theo tác phẩm Nam hải ký quy nội pháp truyện (南海寄歸內法傳), quyển ba, của ngài Nghĩa Tịnh (635-713) đã ghi nhận một phương thang rất mực đặc hiệu về loại cây này.

Có một phương thuốc gọi là Ba vị bằng nhau (三等丸) có thể trị lành nhiều chứng bệnh hiểm nạn. Đó là, lấy vỏ quả Ha-lê-lặc, gừng tươi và đường cát, ba thứ bằng nhau. Trước tiên, giã vụn gừng tươi và vỏ quả Ha-lê-lặc, lấy một chút nước vừa đủ hòa tan đường cát và trộn cả ba thứ đó với nhau vo lại thành viên. Mỗi ngày uống mười viên, xem đó là liều cố định, không kiêng kỵ điều gì. Nếu bị nhiễm kiết lỵ, uống không quá ba liều thì khỏi, có thể chữa chứng dạ dày đầy hơi, trừ phong, tiêu thực, vì lợi ích của nó rộng rãi nên phải đề cập. Nếu không có đường cát thì dùng mật ong cũng được. Nếu như mỗi ngày nhai một quả Ha-lê-lặc cho thấm cổ họng thì không bệnh tật suốt cả cuộc đời[28].

Tư liệu về việc sử dụng tinh chất của trái Ha-lê-lặc, còn được ghi nhận trong kinh Đại-bát niết-bàn (大般涅槃經), gọi là nước Ni-bà-la (尼婆羅水)[29]. Theo tác phẩm Nhất thiết kinh âm nghĩa, nước Ni-bà-la chính là nước của trái Ha-lê-lặc và còn được gọi là thang thuốc siêu việt (無勝湯)[30].

tính chất kỳ diệu như vậy nên nhiều vị Tăng nhân Ấn Độ đã lấy giống cây này đem trồng ở những vùng đất mà mình du hóa. Khi đến Trung Hoa, do tên Ha-lê-lặc (訶黎勒) trùng tên với vì vua khai quốc thời Hậu Triệu (後趙:319-351) là Thạch-lặc (石勒:247-333), vì kiêng kỵ húy, nên đã đổi thành Kha-tử (後趙時避石勒諱改曰訶子)[31].

 Theo Tứ phần luật danh nghĩa tiêu thích (四分律名義標釋) của ngài Hoằng Tán (弘贊:1611-1685) ghi nhận rằng, trước chùa Pháp Tánh (法性寺) ở Quảng Châu có khoảng bốn mươi đến năm mươi cây Ha-lê-lặc do các vị Tăng nhân Ấn Độ đem trồng. Trong chùa có giếng cổ (古井), mỗi khi trái chín, nhà chùa thường dùng trái này làm phương thang đãi khách. Trước hết, hái năm trái Kha-tử (訶子五枚) đem giã cùng một miếng Cam thảo (甘草一寸), dùng gàu gỗ múc nước giếng lên nấu sôi, có màu như trà mới chế. Phong tục ở các nước Nam Hải rất quý trọng thức uống này (南海風俗.尚貴此湯)[32].

Cũng theo tác phẩm Tứ phần luật danh nghĩa tiêu thích (四分律名義標釋), loài cây Kha-tử sanh trưởng ở các nước Nam Hải, Ái Châu và có cả Việt Nam (生南海諸國.及交愛州).

3.    Ha-lê-lặc hay cây chiêu liêu ở Việt Nam

Việt Nam, tên gọi Chiêu liêu chỉ cho nhiều loại cây thân gỗ với danh pháp khoa học khác nhau. Chẳn hạn, cây Chiêu liêu có vân gỗ rất đẹp, thuộc nhóm I,  dùng làm gỗ gia dụng và làm sàn gỗ, còn  có tên là Muồng đen hay Muồng xiêm với danh pháp khoa học là Senna Siamea, thuộc họ Đậu (Fabaceae). Cây Chiêu liêu này không phải là loài cây mà bài viết muốn đề cập đến.

Điều bài viết quan tâm là cây Chiêu liêu thuộc chi Chiêu liêu hay chi Bàng (Terminalia), thuộc họ Trâm bầu (Combretaceae).

 Trong chi Chiêu liêu này có tới gần 200 loài thân gỗ, mọc ở khu vực nhiệt đới trong số đó có một số loài có tác dụng chữa bệnh.  Theo Viện dược liệu Việt Nam, các loại chiêu liêu như Chiêu liêu nước (Terminalia calamansanai), Chiêu liêu gân đen (Terminalia nigrovenulosa), Chiêu liêu ổi (Terminalia corticosa) …đều có dược tính trong thân, vỏ, hạt.

Đặc biệt, đối với cây Chiêu liêu xanh, người Ba-na gọi là cây Cà-lích[33] và cũng được cộng đồng người Việt gọi là cây Kha-tử (訶子), với danh pháp khoa học Terminalia Chebula hoàn toàn trùng khớp với cây Ha-lê-lặc (訶黎勒) hay cây harītakī (हरीतकी) theo Phạn ngữ.

Theo tác phẩm Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của giáo sư tiến sĩ Đỗ Tất Lợi[34], cây Chiều liêu (sic) còn gọi là Kha-tử (訶子) có tên khoa học Terminalia Chebula. Do tôn trọng tác giả, trong đoạn tư liệu về cây Kha-tử dưới đây, chúng tôi trung thành với văn phong của tác phẩm dù có vài từ chưa nhã ngữ.

Cây cao từ 15-20m, lá mọc đối, cuống ngắn, quả hình trứng, thon, dài từ 3-4cm, rộng từ 22-25mm, hai đầu tù, có năm cạnh dọc, thịt đen nhạt, khô, cứng và chắc. Vào tháng 9-10-11, quả chín, hái về phơi khô là được.

Cây Kha-tử hay câu Chiều liêu chỉ mới thấy mọc ở miền Nam, Campuchia, Lào, Ấn Độ, Miến Điện và Thái Lan. Trước đây, Trung Quốc cũng nhập của Ấn Độ, hiện nay có thể tự túc. Trồng ở Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây.

Về thành phần hóa học. Trong Kha-tử có tới 20-40% tanin bao gồm a-xít Ellagic (C14­H6O8)[35], a-xít Galic (C7H6O5)[36] và a-xít Luteic (C14H8O9). Lượng tanin có khi lên tới 51,3% nếu quả thật khô. Ngoài ra, còn có a-xít Chebulinic (C41­H­­34­O27 )[37] với tỉ lệ thủy phân 3-4%

Về công dụng.­ Kha-tử là một vị thuốc chuyên dùng chữa đi ỉa lỏng lâu ngày, chữa lỵ kinh niên, còn dùng chữa ho mất tiếng, di tinh, mồ hôi trộm, trĩ, lòi dom, xích bạch đới.

Liều dùng. Ngày uống 3-6 gam dưới dạng thuốc sắc, thuốc viên.

Điều đáng chú ý khi dùng Kha-tử thì dùng liều nhỏ thì cấm đi ỉa, liều lớn lại gây đi ỉa. Liều cầm đi ỉa là 3-6 gam.

Đơn cử hai đơn thuốc có Kha-tử.

Chữa Xích bạch lỵ: Kha-tử 12 quả. 6 quả sống, 6 quả nướng bỏ hạt, sao vàng tán nhỏ. Nếu lỵ ra máu thì dùng nước sắc cam thảo mà chiêu thuốc. nếu lỵ ra mũi không, dùng nước sắc cam thảo trích.

Chữa ho lâu ngày: Kha-tử 4 gam, Đãng sâm 4 gam, sắc với 400ml nước cô đặc còn 200ml chia 3 lần uống trong ngày.

Có thể nói, một trong những lý do để công trình Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của giáo sư Đỗ Tất Lợi được giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996, một giải thưởng cao quý nhất trong xã hội Việt Nam hiện nay, là do những đóng góp thiết thực của ông trong việc chỉ ra nhiều nguồn dược liệu quý hiếm hiện cóViệt Nam, mà đặc biệt ở đây là cây Kha-tử.

Từ việc xác định danh pháp khoa học, tên gọi địa phương và tác dụng dược lý cũng như công năng chữa trị của cây Chiều liêu hay cây Kha-tử, công trình nghiên cứu của giáo sư Đỗ Tất Lợi đã gián tiếp xác nhận rằng, loài cây này cùng tên với cây Ha-lê-lặc (訶黎勒) hay cây harītakī (हरीतकी) trong Phật điển.

4.    Nhận định và đề nghị.

Có những lời dạy của Đức Phật trong kinh điển khó đưa ra bằng chứng để người khác tin hiểu, nhưng cũng có những lời dạy có thể chứng minh bằng hiện thực sinh động. Những tư liệu về cây Ha-lê-lặc là minh chứng cụ thể cho trường hợp này.

Với những ghi chép cẩn thận và khoa học từ cổ thư y thuật có cội nguồn từ Āyurveda (आयुर्वेद), Ha-lê-lặc (訶黎勒) hoặc harītakī (हरीतकी), đã được nhiều ngành hóa dược ngày nay quan tâm, các nhà khoa học đã tìm ra những tinh chấttác dụng bồi bổ sức khỏe cũng như ngăn ngừa và chữa trị nhiều loại bệnh tật của con người[38]. Để dược tính của loại cây này phát huy toàn bộ hiệu quả, nên chăng cần có sự chung tay nghiên cứu của các ngành khoa học liên quanViệt Nam.

Từ tư liệu lịch sử cho thấy, cây Ha-lê-lặc (訶黎勒) có nguồn gốc lịch sử gắn với Đức Phật, vừa tạo ra bóng mát, vừa có thể làm món thức uống dân dã, thanh tao, vừa cung cấp nguồn dược liệu mà xưa nay phải nhập từ nước ngoài thì cần được khuyến khích trồng trọt, trong chốn thiền tự hoặc bất cứ nơi đâu. May mắn thay, điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của Việt Nam hoàn toàn phù hợp, đây là một tín hiệu đáng mừng cho ngành dược liệu nói riêng và con người Việt Nam nói chung.



[1]大正藏第 24 冊 No. 1448 根本說一切有部毘奈耶藥事, 卷第一.

[2]大正藏第 01 冊 No. 0026 中阿含經, 卷第八, 薄拘羅經

[3]大正藏第 01 冊 No. 0001 長阿含經, 卷第十八,世記經

[4]大正藏第 15 冊 No. 0620 治禪病祕要法, 卷上.

[5]大正藏第 18 冊 No. 0893c 蘇悉地羯羅經, 卷上

[6]大正藏第 27 冊 No. 1545 阿毘達磨大毘婆沙論, 卷第一百八十一

[7] M.Monier-Williams, A Sanskrit English Dictionary. Springfield,VA: Nataraj Books, 2014, p. 1292.

[8] CRC World Dictionary of Medicinal and Poisonous Plants. Boca Raton: Taylor & Francis Group. 2012. p.2181

[9]大正藏第 02 冊 No. 0125 增壹阿含經, 卷第二十, 聲聞品第二十八,四

[10]大正藏第 15 冊 No. 0620 治禪病祕要法, 卷上

[11]大正藏第 15 冊 No. 0620 治禪病祕要法, 卷上. Nguyên văn: 行者服食酥蜜及阿梨勒

[12] Kinh Trung Bộ, tập 2, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2012, tr.457

[13]大正藏第 01 冊 No. 0026 中阿含經, 卷第八, 薄拘羅經.Nguyên văn:乃至一片訶梨勒; 大正藏第 16 冊 No. 0683 佛說諸德福田經: Nguyên văn: 我往聽經.聞法歡喜,持一藥果,名呵梨勒,奉上眾僧.緣此果報,命終[30]昇天,下生世間,恒處尊貴,端正雄傑,與眾超絕,九十一劫,未曾有病.

[14] 大正藏第 25 冊 No. 1509 大智度論, 卷第二十二. Nguyên văn: 如薄拘羅比丘,鞞婆尸佛時,以一呵梨勒果供養眾僧,九十一劫天上,人中受福樂果,常無疾病

[15] Mahavagga, chương Trọng yếu, tụng phẩm thứ ba, đoạn 45, những điều ký diệu khác. Tỳ kheo Indacanda, dịch.

[16]大正藏第 22 冊 No. 1428 四分律, 卷第三十一, 受戒揵度之一

[17]大正藏第 02 冊 No. 0125 增壹阿含經, 卷第十五, 高幢品

[18]大正藏第 03 冊 No. 0189 過去現在因果經, 卷第四

[19]大正藏第 22 冊 No. 1428 四分律, 卷第三十一, 受戒揵度之一

[20] Luật Tứ-phần, quyển 4, HT. Thích Đỗng Minh dịch, NXB. TP. Hồ Chí Minh, 2006, tr.39.

[21]大正藏第 03 冊 No. 0185 太子瑞應本起經

[22]大正藏第 03 冊 No. 0191 眾許摩訶帝經, 卷第七

[23]大正藏第 23 冊 No. 1435 十誦律, 卷第三十九

[24] Dash, Vaidya Bhagwan. Materia Medica of Ayurveda-based on ayurveda saukhyam of Todarānanda. New Delhi: Concept Publishing 1980. p.12-17.

[25] Kinh Kim Quang Minh, phẩm chữa trị bệnh khổ. 4 loại bệnh, Phong nnihe65t đàm va bệnh hỗn hợp.

[26] Một loại giường truyền thống dệt bằng dây của Ấn Độ, gọi là charpoy.

[27]大正藏第 22 冊 No. 1428 四分律, 卷第四十二. Nguyên văn: 爾時世尊在繩床中,時有病比丘,醫教服呵梨勒,佛言:聽病比丘有因緣盡形壽服呵梨勒

[28]大正藏第 54 冊 No. 2125 南海寄歸內法傳, 卷第三. Nguyên văn: 又三等丸能療眾病復非難得,取訶黎勒皮,乾薑,沙糖,三事等分,擣前二令碎,以水片許和沙糖融之併擣為丸,旦服十丸許以為度,諸無所忌.若患痢者,不過三兩服即差,能破胘氣除風消食,為益處廣故此言之.若無沙糖者,飴蜜亦得.又訶黎勒若能每日嚼一顆咽汁,亦終身無病

[29]大正藏第 12 冊 No. 0374 大般涅槃經, 卷第十三

[30]大正藏第 54 冊 No. 2128 一切經音義, 卷第二十六. Nguyên văn: 尼婆羅水(此云無勝湯亦云呵梨勒汁)

[31]卍新續藏第 20 冊 No. 0361 金光明經照解, 卷下

[32]卍新續藏第 44 冊 No. 0744 四分律名義標釋, 卷第二十八.

[33] CRC World Dictionary of Medicinal and Poisonous Plants. Boca Raton: Taylor & Francis Group. 2012. p.3696-3697.

[34] Giáo sư Tiền sĩ Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. NXB. Y học, 2004, tr.427-428.

[35] Với những nghiên cứu chuyên sâu, a-xít Ellagic có tác dụng chống tế bào ung  thư đại tràng, tuyến tiền liệt và bệnh bạch cầu, ngăn chặn ung thư cổ tử cung. Xem, Sepúlveda L, Ascacio A, Rodríguez-Herrera R, Aguilera-Carbó A, Aguilar CN. 2011. Ellagic acid: biological properties and biotechnological development for production processes. Afr J Biotechnol. 10:4518–4523.

[36] A-xít Galic có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, chống ung thư, trỗ trợ tim mạch…Xem, Gebreselema Gebreyohannes,  Mebrahtu Gebreyohannes. 2013.  Medicinal values of garlic: A review. Academicjournals. 5: 401-408.

[37]A-xít  này có nhiều tác dụng, đã được kiểm nghiệm trong thực tế lâm sàng, một trong số tác dụng là chóng ho, nhuận tràng, lợi tiểu, kháng khuẩn, chống ung thư…Xem,  DV Surya Prakash, Dr. Meena Vangalapati. 2015.  Purification of Chebulinic acid from the Composition of Medicinal herbs by Column Chromatography. Journal of Pharmacy and Biological Sciences. 10:83-86.

[38] CRC World Dictionary of Medicinal and Poisonous Plants. Boca Raton: Taylor & Francis Group. 2012. p.3696-3697

Chúc Phú
Thư Viện Hoa Sen


Tạo bài viết
29/11/2010(Xem: 77628)
26/12/2021(Xem: 5472)
02/02/2024(Xem: 2011)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: