Thư Viện Hoa Sen

- Phía trước là hố thẳm

02/09/20189:50 SA(Xem: 8197)
- Phía trước là hố thẳm

NHỤY NGUYÊN
SƯƠNG KHÓI PHẬN NGƯỜI
Nhà xuất bản Ananda Viet Foundation


Phần II
CÕNG NGHIỆP BÊN BỜ VỰC THẲM

 PHÍA TRƯỚC LÀ HỐ THẲM

 

Gặp được Phật pháp là phước báu duyên phận nhiều đời, “trăm nghìn vạn kiếp nan tao ngộ”. Ân sư của tôi dạy rằng có thân người trong đời này như là đi du lịch, hết thọ mạng lại trở về ác đạo và đó chính là quê nhà của những người có cơ hội gặp Phật pháp lại không buông xả thế gian dụng tâm cầu giải thoát. Hàng trí thức cho thấy họ đã tích thiện nghiệp từ rất nhiều kiếp, bởi sở tri chướng che tánh linh vi diệu của căn mạng nên không tin mình đang trôi theo nghiệp lực. Ngược lại nhiều người bị xem khờ khạo, đời nay nghe khuyên theo Phật liền tận tâm buông xả niệm Phật cầu về Cực lạc. Thượng hay hạ căn, kẻ sang hay hèn phải dò vào Phật pháp mới thấu. Học pháp hàng ngày tức ta sống trong pháp. Phật dạy gì nghe nấy, gắng phụng hành bằng cả tâm sức và lòng kính ngưỡng. Những bài giảng kinh của bậc cao tăng người tu đọc nhiều lần, mỗi lần sẽ giúp chiêm nghiệm thêm điều mới - là nét kỳ diệu của Phật pháp. Chúng ta chưa cảm được niềm hạnh phúc tột cùng lúc thành Đạo, chưa hình dung ra cảnh giới vi diệuCực Lạc, hơn thế sống giữa trần gian từ nhỏ nên cuộc đời này vẫn luôn có sức hút ghê gớm khó cưỡng. Nhìn xuống sẽ thấy loài vật chỉ biết đến không gian nhớp nhúa; chúng vẫn thấy “hạnh phúc” trong sự khốn cùng oan nghiệt ấy. Con chó biết rằng phân dơ thì chúng đã không ăn! Càng xem nhẹ tài danh, sắc dục, ăn uống, ngủ nghỉ sẽ càng gần Phật tánh hơn. Những gì thuộc thế gian đều huyễn mộng. Thân tứ đại là thật, song già cả hết nhân duyên thì đất nước gió lửa ấy tan rã bốn đường, chỉ còn thần thức tồn lưu trong sự xiềng xích của mọi ham muốn, tùy vào nghiệp lực đưa vào các nẻo luân hồi thống khổ.

Người trẻ không tinh tấn dụng công không chừng muộn, nói chi đến người nghỉ hưu rồi vẫn còn mông lung Phật pháp quả không gì đáng tiếc hơn. Sự Đời lúc mất rồi, nhiều khi con càng “có hiếu”, mẹ cha nơi chín suối càng chịu đọa đày. Đám tang to, nhiều chúng sinh bị giết hại. Nghiệp ấy chắc chắn họ phải nhận một phần bởi lúc chết không tin Phật, không khuyên con cháu đừng hại vật, không khuyên con cháu ăn chay, làm đám chay và phục thiện. Rồi thay vì tụng kinh niệm Phật, phóng sanh vào 7 ngày “thất”, chúng lại mổ heo bò khuếch trương sự “hiếu”. Cái hiếu đó chính là... bất hiếu; cha mẹ “cộng nghiệp” bị đọa xuống cảnh giới thấp hơn. 

 

Tránh nghiệp Tam đồ, trước nhất phải khuôn mình vào Thập thiện. Ân sư tôi bảo đây là tiêu chuẩn thấp nhất trong nhà Phật, không có nấc thấp hơn nữa. Cần cố viên thành cho được 80% như lời của Thiện tri thức nhắc nhở; không phải làm 8 điều còn 2 điều gác lại. Trái với Thập thiệnThập ác, không có cái "ở giữa". Ta phạm sát sanh như cố ý giết một con kiến, đã là "nhất ác" rồi. Ta mua năm con cá sống, dẫu ăn một và phóng sanh bốn cũng “ác” nữa rồi. 80% của “thiện” đầu tiên có thể chấp nhận được khi ta ăn mặn (nguyên ủy là ăn mạng) theo Tịnh nhục: không giết vật để ăn, không thấy nó bị giết và không nghe tiếng nó kêu khi bị giết; tập ăn chay trong những ngày rằm, mồng một, nâng lên 4 ngày, 8 ngày, 10 ngày, nửa tháng. Đức Phật dạy Ngài A Nanđại chúng Tỷ khưu trong kinh Lăng Nghiêm, ngay đến “năm thứ tịnh nhục, thịt kia đều do thần lực tôi hóa sanh ra, vốn không có mạng căn. Xứ Bà la môn các ông, đất đai phần nhiều nóng bức, lại thêm cát đá, rau cỏ không sanh được; tôi dùng sức đại bi gia bị, nhân sức đại từ bi, giả gọi là thịt và các ông cũng nhận được cái vị như thịt; làm sao, sau khi Như Lai diệt độ, người ăn thịt chúng sanh, lại gọi là Phật tử”. Ngài còn dạy: “Muốn thế gian này vĩnh viễn không còn kiếp đao binh, chẳng có chiến tranh thì trừ phi chúng sanh không ăn thịt”.

Trong alaya thức mỗi người chứa quá nhiều ấn tượng, là những “âm bản” của hết thảy sự vật hiện tượng thâu vào qua sáu căn, là chủng tử dữ liệu trì níu khiến những kiếp sau ta khó thể thăng lên được. Thập thiện nghiệp là nấc thang cơ bản xác định một sinh mệnh có thể tiến hay lùi trong hành trình tiến hóa tâm linh. Trong kinh Địa Tạng tả cảnh Thánh Nữ Bà la môn lúc niệm Phật đến nhất tâm bất loạn, xuống “âm” thăm mẹ mình vừa mất, Quỷ vương hỏi mẹ cô trước có bài Phật báng Pháp không liền biết hiện thọ báo ở tầng địa ngục nào. Quả chưa nhỡn tiền chính vì họ còn phước; họ đang vét phước, đang vay phước để sống. Ngân hàng phước đức dường như vô tận, tự nhiên lấy dùng không cần một thế chấp giấy tờ nào ngoài sự phải trả ở Tam ác đạo và hơn thế còn “liên đới” cháu con còng lưng gồng gánh đến bạc tóc. Người hành chánh pháp chẳng dại vay mượn phước đức sống hoài sống phí để rồi thọ khổ muôn đời sau. Ở đời nếu như người thân hoặc bất cứ ai cho mình tài vật (là cho chứ không mượn); cho nghĩa là họ sẽ không lấy lại. Họ không lấy song họ còn nhớ, còn... tiếc; họ còn nhớ tiếc, mình còn nợ, sẽ phải trả cho người khác, hoặc nợ ấy được chuyển hóa thành bệnh tật, nạn nghiệp, trừ phi ta hành thiện bố thí (tài vật, pháp và vô úy). Trong Lục độ, bố thí ba la mật: không có người cho, không có vật cho và không có người được nhận. Ta giúp ai điều gì quên ngay lúc đó, (sẽ không khởi ý niệm khoe), mới trọn phước. Ai mượn gì, trả cũng tốt, không trả cũng hoan hỷ... Soi thêm vào Bát chánh đạo càng rõ mình hơn. Học Phật thấu đáo là người rốt ráo chỉnh lại những gì chưa đúng trong cuộc sống, với cư sĩ nhất là nghề mưu sinh. Quán nhậu (sát nghiệp), nghề phục vụ sự sa đọa... Con người giàu có thường nghĩ đến hưởng lạc. Tụ điểm ăn chơi càng cao cấp, số chúng sanh bậc thấp khổ nạn càng lớn. Thay vì một con vật bị giết, món gan phải dùng đến rất nhiều sinh mạng. Trên thế giới thật không ngẫu nhiên thiên tai địch họa từng ập vào những nơi thác loạn và nơi gieo rắc bi ai cho nhân loại.

Cuộc sống chúng ta căn bản ngụp lặn trong phiền não. Phiền não như rác rưởi người ta vứt vào nhà; thay vì vất ngược trở ra, ta tận dụng "tái chế" sử dụng. Không gì là vô nghĩa. Phật tánh vĩnh viễn chẳng mất ở bất cứ ai. Lúc chịu hết nghiệp tội, chó cũng sẽ chuyển kiếpgiác ngộ... Các bậc đại sư ví dụ: ti vi có rất nhiều kênh thì trong người ta cũng có chân tâm, tâm quỷ, tâm a tu la, tâm súc sanh. Ta chỉ có thể bật và xem được một kênh mà thôi. Bật kênh Sài Gòn thì các kênh khác đều lặn; cũng như bật kênh Phật thì các kênh khác trong người sẽ chìm. Một kẻ sát nhân tức kênh ác quỷthỉnh thoảng hắn vẫn khởi tâm thương người, ấy là hiện tượng "nhiễu sóng" qua kênh Thiện; đích thị đời hắn vẫn bật kênh tà đạo.

Nhớ một hôm qua thăm ông hàng xóm đã hom hem, ông tâm sự hai năm nay thấy cảnh người chết mà rụng cả tóc. Đang yên đang lành bỗng nằm liệt đến thúi thịt thúi xương mới chết nổi. Người thì suốt ngày than sao từ nhỏ đến lớn không gây nghiệp lại bi đát nỗi này. Tôi bảo đời người kiếp này nối kiếp khác trùng trùng vô tận, có lên được cõi Phật mới hết sinh lão bệnh tử. Chết là sự kiện quan trọng nhất đời người. Bây giờ ông không lo dặn dò con cháu thì lúc qua bên kia cứ là nhận thêm nghiệp chúng “gửi” xuống. Ông hỏi là sao? Tôi bảo, ví như bây giờ ông dặn con cháu, đám của ba tuyệt đối không sát sanh, nếu như sau này chúng mổ heo gà thì ông ít tội; còn giờ không dặn dò, mai sau chúng sát sanh cúng kiếng giỗ kị lo ráng đỡ. Ông gật gù, nhưng vẫn bảo mấy đứa con cứng đầu lắm. Tôi bảo: Vậy để con viết cho một tờ giấy, ông cứ cất trong túi, lúc biết mình yếu thì lòi ra, bảo đây như là “di chúc”, đứa mô không nghe theo xem như bất hiếu!

Ông hoan hỷ, nhờ. Tôi viết: “Lời dặn của ông B. với con cháu. Đời người ai rồi cũng chết. Cha giờ tuổi cao, nghĩ về cái chết rất thoải mái. Cha ngày đêm luôn cầu Phật được ra đi nhẹ nhàng, không đau đớn và mong có chút phước siêu sanh cõi Tịnh. Các con nghe lời cha dặn như sau: Nếu thấy cha yếu thì tắm rửa thay quần áo, để cha nằm yên, con cháu không được vây quanh thương tiếc. Lúc cha đi rồi con cháu không được chạm vào người cha trong vòng ít nhất 9 tiếng đồng hồ; phải giữ yên lặng và tuyệt không than khóc. Trước đó nên mời quý sư đạo hữu về niệm Phật giúp cha, hoặc các con ngồi quanh niệm Phật; cha sẽ cùng niệm “A Di Đà Phật” cầu sanh Cực Lạc. Cha mất rồi con cháu không nên sát sanh trong suốt 49 ngày, kiêng cữ, làm nhiều việc thiện, cúng dường Tam bảo, phóng sanh; động viên nhau niệm Phật hồi hướng...”.

 

DƯỚI CHÂN NGÀI ĐỊA TẠNG

Một chiều ngang qua vùng Hải Lăng - Quảng Trị, tôi dừng chân viếng tượng Địa Tạng. Địa Tạng - kho tàng Tâm, nơi sinh ra các Pháp. Địa Tạng - cuốn hiếu kinh trong đạo Phật được mười phương chư Phật tới dự thính ghi lại nội dung quan trọng: khi Phật nhập diệt đã phó thác cho Bồ tát Địa Tạng giáo hóa cõi ta bà (gồm tam thiên đại thiên thế giới). Bồ tát nguyện cứu vớt hết thảy chúng sinh nơi địa ngục (Địa ngục vị không thệ bất thành Phật). Bây giờ tôi đang ngồi dưới chân Ngài, nghĩ về cái chết.

Người ta sẽ hỏi: Người trẻ, nghĩ đến cái chết bây giờ có quá sớm? Câu trả lời: Không quá muộn song chẳng còn sớm nữa. Cái chết đến với chúng ta bất cứ lúc nào. Không ai dám khẳng định người đang hấp hối sẽ chết trước một thanh niên khỏe mạnh. Cái chết sẽ đến thình lình, chóng vánh. Nó khiến chúng ta không kịp trở tay, không kịp nói những điều cần nói và làm những điều cần làm. Tần Thủy Hoàng thời thịnh trị dễ chừng xoay được cả trái đất nhưng việc tìm thuốc trường sinh thất bại. Cuối cùng cái chết thảm thương đến với ông ngoài dự liệu. Không ai sống mãi trừ các vị tu chứng, các vị niệm Phật đạt nhất tâm thành phiến, chư Phật và Bồ tát. Người thường ai chẳng đi đến cái chết. Nhận thức biết mình sẽ chết, sao không chuẩn bị? Đời người, phần lớn có mấy chục năm, người ta lại dùng lượng thời gian đó sống vì dục lạc lợi dưỡng ngược chiều với Đạo. Chuẩn bị cái chết mà chỉ viết tờ di chúc phân chia của cải, lo trước đám tang mình là nghĩ hết sức cạn.

Dượng tôi là giảng viên đại học môn Lý; một người hiền lành, sống giản dị, cần kiệm; dượng không tin thế giới tâm linh. Nghỉ hưu trên chục năm dượng phát hiện ung thư; mổ lần thứ hai, bệnh viện trả về. Thời gian chưa đầy tháng, ông còn tỉnh táo lo việc chung gia đình và lên kế hoạch đám tang. Sợ phiền đến con cháu và mọi người, ông dặn không được để dài ngày...

Nhờ duyên phước, con ông mời các cô ở chùa về niệm A Di Đà Phật cầu tiếp dẫn. Các cô không phiền gì gia đình, đến cả bữa cơm cũng tự mua lấy, thay nhau trì niệm từ 7 giờ sáng đến 6 giờ tối. Vài người trong nhà không hiểu bắt đầu khó chịu, bảo dượng không muốn nghe A Di Đà Phật nên không muốn đi. Tội nghiệp, các sư cô đến niệm Phật những giờ phút cuối dượng tôi an lòng về bên kia, ai ngờ dượng vẫn còn... khỏe. Hiểu ý vài người thân của dượng, các cô lặng lẽ ra về. Sáng hôm sau nữa ông mới mất; nghe tin các sư cô liền tới lại. Ngoài đời có ai tự nguyện giúp vô tư như vậy? Chỉ có tấm lòng hướng nguyện của người tu mới làm được thế. Các cô dặn ít nhất để dượng tôi nằm yên, tuyệt đối không ai chạm vào trong vòng 8 tiếng, và các cô niệm Phật trong suốt thời gian đó. Thêm một nguyên cớ để số ít người nhà dượng tôi bằng mặt mà không bằng lòng.

Đạo Phật giải thích rất thỏa đáng: khi một người ngừng thở, phải cần từ 8 đến 12 tiếng tạm đủ để thần thức người có duyên lành rời hẳn thân xác. Người vừa ngừng thở như nồi nước sôi nhấc khỏi lửa, khoảng vài phút thì “lặng sóng”; lúc đó ai đụng vào liền đau đớn chẳng khác ta nhúng tay vào nồi nước nóng, (trong kinh ví như rùa sống lột mai). Người cố chấp cứng nhắc cho đạo Phật dành cho những ai tu, mình không tu cớ gì thực hành như trên. Truyền giảng giáo Pháp, Phật Thích Ca không phân biệt đẳng cấp thứ bậc, màu da, Ngài chỉ nói chân tướng nhân sinh vận hành tự nhiên trong vũ trụ. Cái chết cũng là sự chung, chẳng riêng ai. 

Trong đám tang của dượng, có một người đến cùng vẫn muốn thấy linh hồn tròn méo thế nào mới tin. Tôi hỏi có phải tất cả kiến thức có trong đầu anh hầu hết do học. Anh gật. Vậy anh đã đọc về sự sống sau cái chết? đã đọc phía bên kia cõi sống? đã “xem” cảnh giới thân trung ấm? cụ thể hơn là thế giới người âm từ các nhà ngoại cảm. Anh lắc. Vậy sao lúc người ta đem ra trước mặt các loại sách quý đó do các vị tu chứng hóa thân, các vị từ cõi âm, từ cõi Phật trở lại viết ra, sao anh không ngó qua.

Vẫn biết không phải cứ thông minh uyên bácthẩm thấu nhân quả luân hồi, bởi Phật pháp vào mỗi người bằng đường Tâm. Đạt Lai Lạt Ma 14 lần đầu thai hóa độ chúng sanh với đầy đủ minh chứng được cả thế giới thừa nhận. Ngài Karmapa Pagshi được chính các đệ tử tuyên nhận tái sinh của Karmapa Dusum Khyenpa, dựa trên chính những chỉ dẫn được để lại cho đệ tử bởi vị tiền nhiệm ấy”. Đại sư Gedun Drub thị thịch vào năm 1474 ở tuổi 84. Hai năm sau, người ta buộc phải tuyên nhận đứa trẻ Sangye Chophel ra đời vào năm 1476 tại Tanak ở vùng Tsang bởi những gì đứa trẻ đó nói ra không chút sai trật về cuộc đời trong quá khứ”. Tại Việt Nam: có dạo đứa bé khoảng mươi tuổi giảng pháp không thua một vị tu học suốt nửa đời người. Hay một trường hợp thật khác: người mẹ trên mình có hình xăm, con vừa lọt lòng cũng có hình xăm y chang; khoa học sao có thể giải thích. Đạo Phật thừa nhận việc người đã mất vẫn nhận được ý nguyện của người sống; điều này cũng áp dụng được giữa người sống với nhau nếu có nội lực tâm linh. Ai đó căm thù ta nhưng ta luôn luôn cảm thương, một lòng nguyện cho họ tốt hơn, lúc gặp tự dưng sự ghét và căm thù đó phần nhiều được hóa giải. Sóng tâm ấy không hạn định thời không. Dượng tôi may phước vừa được các cô niệm A Di Đà Phật suốt 8 tiếng, lại có con cháu nguyện sinh. Riêng tôi luôn luôn “nhắn nhủ” ông hãy buông mọi bám luyến chuyên niệm Phật; duyên quá sâu sẽ được tiếp dẫn, theo các Ngài chứ không theo bất cứ ai, kể cả người thân. Kinh Địa Tạng viết, lúc lâm chung oan gia trái chủ sẽ biến hiện làm quyến thuộc “rủ” họ vào ác đạo báo thù xưa. Nam mô A Di Đà Phật hướng về vùng sáng. Vừa qua núi, linh hồn trở thành... mê hồn - hoang mang, đức lại mỏng nên thường sợ hãi chạy qua vùng đen - dễ nghiệp sinh, lâm vào tam đồ. Cho dù không tu, con người hấp hối và suốt nhiều giờ các thức rời khỏi, A Di Đà Phật cứ dội vào tâm não; cầm duy nhất câu đó qua bên kia đã thật nhiều hy vọng sanh cõi lành. Người sắp chết với vô vàn ý nghĩ về con cháu, vợ chồng, bè bạn, của cải, danh vọng; ý nghĩ nào quá mạnh trong thời khắc tắt thở sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tái sanh. Người sắp chết nhập tâm A Di Đà Phật, sác xuất tạp niệm len vào những giây cận tử càng ít, cơ hội Phật độ hoặc sanh vào thiện đạo càng lớn. Chẳng rõ dượng tôi đã tới đâu, song ít ra ông ít đau trong khoảng thời gian các thức chưa rời hẳn. Đó là niềm an ủi lớn khiến tôi đỡ ân hận khi dượng đau yếu lại không có bên an ủi.

Ai cũng sẽ hao hụt người thân. Hiểu đúng về phía bên kia cõi chết, chúng ta sẽ bớt đau khổ. Chính sự khóc lóc thương xót người sắp về nơi vĩnh hằng là mang tội bởi họ sẽ luyến níu không bước nổi về vùng sáng mà chui vào màn tối hoặc bị ngạ quỷ, bị âm binh sai khiến hoặc đơn giản ở lại “sống” bên mồ mả của chính họ. Đa phần những linh hồn (còn ngoài mộ) là những “người” đánh mất nhiều cơ hội giải thoát trước hết trong 49 ngày. Các nhà ngoại cảm từng trò chuyện với nhiều trường hợp chết đã mấy trăm năm. Không dứt được cái tình, họ ở lại quanh quẩn bên người thân, chẳng ngờ trượt đà chứng kiến cảnh con cháu chít chắt nối nhau về trời, mình vẫn còn đứng đó. Chuẩn bị cái chết đúng nghĩa, là sống đời thanh đạm không tham ái, không để tám ngọn gió thế gian (lợi dưỡng - không lợi dưỡng, danh vọng - không danh vọng, vui - buồn, khen - chê) cuốn theo dòng uế nhiễm xã hội; là bào mòn tham sân si mạn, thanh lọc thân tâm, phá chấp bản ngã. Chuẩn bị cho cái chết, chúng ta sẽ không còn sợ hãi cái chết nữa. “Nếu bạn thương yêu những cái cây, mặt trời hoàng hôn, những con chim, chiếc lá rơi; nếu bạn nhận biết được những người đàn ông và phụ nữ đang rơi nước mắt, những người nghèo khổ, và thực sự cảm thấy tình yêu trong quả tim của bạn, liệu bạn sẽ sợ hãi chết? (Cuộc đời trước mặt - Krishnamurti).

Dải ngân hà có hàng trăm tỉ vì sao. Trái đất thậm chí còn nhỏ hơn cả chấm sáng dày đặc trên bầu trời? Con người trên trái đất, bé xíu biết bao! Khoa học đã tìm ra sự sống trên sao hỏa. Điều đó cho ta mường tượng về cuộc sống của lớp người nào đó từng tồn tại cho tới lúc sao hỏa khô kiệt bởi văn minh công nghiệp, họ đã di trú tới một hành tinh khác (như trái đất chẳng hạn). Sau bao nhiêu thời gian, (vùng đất hoang hóa) sao hỏa hồi sinh, trong lúc trái đất đang già cỗi... Cuộc sống trần ai chỉ là lát cắt đồng đại trong thăm thẳm chiều thời gian vũ trụ. Nếu ta chỉ tính “cái chớp mắt” này mà không muốn hiểu con người còn phải trằn qua hàng tỉ kiếp trước và hàng trăm nghìn kiếp kế tiếp nếu không hành Đạo, sẽ thấy rất nhiều bất công oan trái. Chưa thể nhìn xa, cũng nên sáng suốt nghĩ về sự chết; xem đây như một môn học rất bình đẳng với các loại kiến thức khác chúng ta đã học. Giác, là việc giữ tâm thanh tịnh trước mọi cảnh trần. Nương vào "A Di Đà Phật" như ta đi trong đêm tối nương vào ngọn đuốc sáng. Nhuần nhuyễn rồi Phật hiệu thành máu huyết căn mạng, thành kim chỉ nam dắt ta thoát khỏi rừng người chằng chịt nhân duyên đổ bóng về miền cực lạc

Tạo bài viết
12/02/2016(Xem: 10696)
19/05/2022(Xem: 8238)
17/08/2012(Xem: 45534)
15/05/2016(Xem: 26177)
18/01/2018(Xem: 29260)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: