Thư Viện Hoa Sen

Từ Câu 11 Đến Câu 20

03/10/20204:18 CH(Xem: 6340)
Từ Câu 11 Đến Câu 20
100 CÂU HỎI PHẬT PHÁP (TẬP 2)
Thích Phước Thái
Nhà xuất bản Quang Minh

11. Khi hộ niệm cho người sắp lâm chung phải tụng niệm như thế nào mới đúng?

Hỏi: Trong khi chúng con đi hộ niệm cho người sắp lâm chung, có người thì tụng kinh, có người thì chỉ niệm Phật, có người bảo phải niệm Phật thật to tiếng thì người sắp chết mới nghe, nhưng ở trong bệnh viện làm sao chúng con niệm to tiếng được. Vậy xin hỏi phải làm như thế nào mới đúng?

Đáp: Vấn đề hộ niệm cho người sắp lâm chung thật rất quan trọng. Có thể nói, vai trò của người hộ niệm trong lúc nầy, là có nhiệm vụ thay đức Như Lai để cứu giúp cho người bệnh sớm được vãng sanh về cõi Phật. Trước khi hộ niệm, người hộ niệm cần phải biết rõ, nếu trường hợp bệnh nhơn chưa đến nổi bệnh nặng lắm, thì người hộ niệm có thể tụng Kinh A Di Đà , niệm Phật, hồi hướng, chú nguyện.

Còn nếu thấy người bệnh có vẻ trầm trọng, thì người hộ niệm nên nhiếp tâm niệm hồng danh Phật A Di Đà. Tuyệt đối, không nên tụng niệm gì khác. Tất cả chỉ thành tâm mà niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà thôi. Có thể niệm bốn chữ hoặc sáu chữ tùy ý. Điều nầy còn tùy thuộc vào thói quen niệm Phật của người bệnh khi còn mạnh khỏe. Chúng ta nên chịu khó tìm hiểuhằng ngày người bệnh niệm Phật như thế nào. Thường niệm bốn chữ hay sáu chữ. Phải hỏi rõ thân nhân của người bệnh để biết. Nếu người bệnh bình nhật thường niệm sáu chữ, thì người hộ niệm nên niệm sáu chữ. Còn như người bệnh thường niệm bốn chữ A Di Đà Phật, thì người hộ niệm cũng nên niệm bốn chữ. Điều nầy cũng rất quan trọng, vì đó là hợp ý theo thói quen của người bệnh. Nếu niệm hợp ý với người bệnh, thì họ sẽ phát khởi tâm hoan hỷniệm Phật theo mình. Như thế, thì việc hộ niệm mới có kết quả cao. Cho nên, người hộ niệm cần nên biết rõ việc nầy.

Một điều quan trọng hơn nữa, mà người hộ niệm cũng cần phải biết. Trước khi bắt đầu niệm Phật, thì một người đại diện trong số những người đến hộ niệm (thường là một vị Tăng, hoặc Ni, nếu khôngchư Tăng Ni, thì người cư sĩ cũng được) nói vài lời thức nhắc cho người bệnh nhớ lại sở hành niệm Phật và những việc tu tạo phước thiện hằng ngày của mình. Như cúng dường, bố thí, ăn chay, tụng niệm v.v… Nhất là, nên nhắc lại bản nguyện của đức Từ Phụ Phật A Di Đà.

Như nói Phật tử hay liên hữu hãy lắng nghe cho thật kỹ: “Đức Phật A Di Đà dạy chúng sanh ở trong thế giới mười phương, khi lâm chung niệm danh hiệu ta mười niệm, ta không rước về cõi nước Cực lạc của ta, thì ta thề không làm Phật”. Hôm nay, thể theo lời Phật dạy, chúng tôi đến đây hợp lực cùng gia quyến để giúp cho Phật tử hay liên hữu niệm Phật để được vãng sanh về cõi Phật không còn khổ đau nữa. Xin Phật tử hay liên hữu phải nghe rõ từng chữ từng câu rồi trong lòng khởi niệm Phật theo chúng tôi.

Mục đích là để cho người bệnh nhớ lại mà có thêm niềm tin vững chắc mạnh mẽ hơn. Sau khi nói vài lời pháp ngữ khai thị xong, thì bắt đầu cử bài tán Phật và rồi đại chúng đồng niệm Phật. Nếu như đông người, thì có thể phân ra từng ban thay phiên nhau mà niệm Phật liên tục. Đồng thời những thân nhân của người bệnh nên vì người thân của mình mà hết lòng hợp lực cùng với những vị hộ niệm mà cùng nhau chí thành niệm Phật. Phải niệm cho rõ ràng từng chữ, từng câu.

Nếu trường hợp người bệnh ở trong bệnh viện, thì mọi người niệm âm thanh không nên to tiếng lắm và cũng không được nhỏ tiếng lắm. Nếu niệm lớn tiếng quá, thì sẽ dễ gây ra tiếng ồn và làm cho người khác gần bên khó chịu. Nghĩa là niệm âm thanh vừa đủ nghe là được. Thỉnh thoảng, vị duy na đánh một tiếng khánh gần tai người bệnh để thức nhắc cho người bệnh khỏi hôn mê.

Điều quan trọng trong lúc niệm Phật những người hộ niệm cần phải niệm cho hòa âm nhịp nhàng với nhau. Điều nầy cũng rất quan trọng. Không nên ỷ mình âm thanh tốt mà niệm cao tiếng lấn át tiếng người khác. Niệm Phật âm thanh chỏi nhau như thế, thì gây ra thật khó nghe và làm cho người bệnh không mấy hài lòng dễ chịu. Mỗi người cần nên để ý mà tiếp hơi phụ lực với nhau và phải niệm cho liên tục. Nên nhớ, lúc nầy người bệnh bị cơn bệnh hoành hành đau nhức thật khó chịu. Người hộ niệm và trong thân quyến phải nên chú ý không nên làm phật lòng trái ý người bệnh. Vì như thế người bệnh dễ sanh phiền não và có hại cho việc vãng sanh rất lớn.

Tóm lại, khi người bệnh nặng sắp lâm chung, thì chúng ta chỉ nên một lòng cùng nhau niệm Phật, tuyệt đối không nên tụng Kinh Chú gì khác. Như thế, sẽ làm cho người bệnh không được nhứt tâm niệm Phật. Vì trong lúc nầy, người bệnh không muốn nghe gì nhiều. Đồng thời phải niệm Phật tùy theo thói quen của người bệnh hằng ngày đã niệm. Mọi người nên thay phiên nhau niệm Phật cho liên tục. Và cũng không nên niệm to tiếng quá gây ồn ào khó chịu cho người khác. Chúng ta phải tôn trọng giữ gìn sự yên tĩnh cho những người khác ở trong bệnh viện. Đại khái, chúng tôi chỉ xin nêu ra một vài điều căn bản cần thiết trong lúc hộ niệm mà thôi. Thiết nghĩ, người hộ niệm cũng cần nên học hỏi nghiên cứu để hiểu rõ thêm.

12. Ý nghĩa của câu: Ý hòa đồng duyệt như thế nào?

Hỏi: Về sáu phép lục hòa Phật dạy, trong đó có phép hòa thứ sáu là Ý hòa đồng duyệt, con chưa hiểu rõ phép hòa nầy như thế nào? Kính xin thầy hoan hỷ giải đáp cho chúng con rõ.

Đáp: Ý hòa đồng duyệt, chữ duyệt có nghĩa là vui vẻ. Đây là phép hòa quan trọng trong sáu phép hòa. Vì những phép hòa kia: từ Thân hòa đồng trụ, Khẩu hòa vô tránh, Lợi hòa đồng quân, Kiến hòa đồng giải và Giới hòa đồng tu, đều là ngọn ngành, mà phép hòa nầy mới là cội gốc. Ý là những tư tưởng suy nghĩ không dừng trong tâm thức của chúng ta. Theo Duy Thức học, thì Ý thức rất là hệ trọng hơn hết. Vì nó là động cơ chính thúc đẩy miệng và thân. Cho nên, luận về công trạng, thì nó đứng đầu, mà nói về tội lỗi, thì nó cũng đứng trước (công vi thủ, tội vi khôi). Vì thế, sống trong gia đình, hoặc trong một đoàn thể, muốn cho mọi việc đều được hòa thuận êm ấm, thì mỗi người cần phải giữ gìn ý tứ tâm địa của mình. Nếu người nào cũng khéo biết gìn giữ kiểm soát thật kỹ ở nơi tâm ý của mình, không cho nó tự do buông lung phóng dật, nghĩ xằng tính bậy, thì chắc chắn khi hành động hoặc nói năng, tất nhiên là mỗi người sẽ được hòa khí an vui. Trái lại, nếu ý tứ bất hòa, tư tưởng thường chống trái xung đột với nhau, gây ra cảnh ganh ghét thù nghịch, thì không làm sao giữ được thân và miệng hòa ái được.

Bởi ý tưởng là cái gốc mà thân và miệng là cái ngọn. Nói rõ hơn thân và miệng chỉ là công cụ của ý thức. Ý thức là chủ nhân ông có quyền quyết định sai sử. Nếu trong tâm tưởng của mỗi người bất hòa, thì dù cho có cố gắng giữ thân và miệng được hòa khí bao nhiêu, thì đó cũng chỉ là giả trá che đậy ở bên ngoài mà thôi. Có khác nào như một lớp sơn đẹp đẻ tô phết lên một tấm gỗ mục ruỗng nát. Một khi mỗi cá nhân không còn kềm chế được tâm ý, thì việc tranh chấp đấu đá bằng những hành động của thân và miệng chắc chắn sẽ xảy ra. Chừng đó, không có một thế lực nào ngăn chận được, khi mà tư tưởng bất hòa gây nên sự xung đột ác liệt.

Xưa nay, những cuộc chiến tranh xảy ra cảnh tàn sát đẩm máu kịch liệt với nhau, tất cả cũng đều do ý thức chủ động mà ra. Vì hai bên bất đồng quan điểm, trở nên thù nghịch và rồi đưa đến tình trạng tranh chấp bắn giết lẫn nhau. Người ta thường nói, đó là chiến tranh ý thức hệ. Cùng có đồng một quan điểm lập trường giống nhau, thì tạo thành một phe nhóm. Khác quan điểm lập trường thì tạo thành phe nhóm khác chống đối lại. Đó là hậu quả của sự xung đột bất hòa của ý thức.

Nếu là Phật tử cùng sinh hoạt chung trong một môi trường tu học, muốn cho sự sinh hoạt của đoàn thể đó được nhịp nhàng tốt đẹp, thì việc giữ gìn ý hòa đồng duyệt nầy rất là quan trọng. Thân có hòa, khẩu có hòa, nhưng ý không hòa, thì trước sau gì đoàn thể đó cũng sẽ gây nên tình trạng xung đột chống đối nhau và rồi trước sau gì nhứt định cũng sẽ tan rã. Thế nên, Phật dạy người Phật tử mỗi người phải luôn giữ gìn cái tâm ý của mình, đừng để nó khởi nghĩ những điều bất thiện xấu ác mà gây ra cảnh bất hòa xung đột chia rẽ với nhau. Được như vậy, thì bản thân, gia đìnhxã hội mới có được một cuộc sống chung hợp hòa thuận an vui và mới thực sự có hạnh phúc vậy.

13. Lạy sám hối có thực sự tiêu nghiệp không?

Hỏi: Mỗi khi lạy sám hối, thú thật chúng con chưa hiểu rõ việc lạy và đôi khi không tin rằng lạy sám hối sẽ được tiêu tan nghiệp chướng. Đa số thường có tâm lý sợ lạy 108 lạy, vì tuổi già yếu như chúng con mà lạy như thế thì quá mệt. Nếu như không lạy đủ số như vậy, thì không tiêu được nghiệp chướng hay sao? Kính xin thầy hoan hỷ giải thích điều nầy cho con được rõ.

Đáp: Khi làm một điều gì, thiết nghĩ, người Phật tử chúng ta cũng nên tìm hiểu kỹ càng qua việc làm đó. Có thế, thì chúng ta mới có thể tránh được những điều tai hại bất lợi cho mình trong hiện tại cũng như mai sau. Như Phật tử đã biết, lạy sám hối, là một trong nhiều pháp môn Phật dạy. Đã là pháp môn, nếu chúng ta chịu khó hành trì đúng pháp, tất nhiên là chúng ta sẽ được lợi ích rất lớn. Muốn thế, trước tiên, chúng ta phải biết qua ý nghĩa của hai chữ sám hối. Và sám hối như thế nào mới đúng pháp và tiêu tội chướng? Đó là những vấn đềchúng ta cần phải tìm hiểu.

Sám nguyên tiếng Phạn là Samma, Trung Hoa dịch là hối hóa. Còn chữ hối là Hán ngữ, ghép hai từ ngữ Phạn và Hán lại thành hai chữ sám hối. Sám nghĩa là ăn năn lỗi trước, còn hối là chừa bỏ lỗi sau. Nói gọn là ăn năn chừa lỗi. Hồng danh sám hối là một trong bốn cách sám hối. Để Phật tử hiểu rõ hơn, tôi xin dẫn trong Kinh thường nêu ra có bốn cách sám hối như sau:

1. Tác pháp sám hối.

2. Thủ tướng sám hối.

3. Hồng danh sám hối.

4. Vô sanh sám hối.

1. Tác pháp sám hốiđây là pháp sám hối thuộc phần sự tướng. Nghĩa là phải có lập giới đàn và cung thỉnh thanh tịnh Tăng chứng minh. Người nào tự thấy mình có tội lỗi, thì ra trước đại chúng hoặc một vị thầy có đầy đủ giới đức để tự phát lồ bày tỏ những lỗi lầm mà mình đã phạm phải. Phải bày tỏ một cách chí thànhhết lòng thành khẩn ăn năn cải hối những lỗi lầm mình đã gây ra. Đồng thời phải phát nguyện từ nay trở đi mình sẽ không bao giờ tái phạm nữa. Một lòng thành kính sám hối như vậy, khi giới thể được thanh tịnh tức là hết tội.

2. Thủ tướng sám hối: Pháp nầy cũng thuộc về phần sự tướng, nhưng khó hơn pháp trước. Pháp sám hối nầy chỉ dành cho những người có trình độ cao, hoặc không có chư Tăng Ni thanh tịnh chứng minh. Đây là pháp sám hối thuộc về quán tưởng và khi sám hối đương sự phải đến trước tượng Phật hay Bồ tát thành tâm lễ bái, trình bày những tội lỗi đã phạm và nguyện ăn năn chừa bỏ. Cứ thật hành như thế cho đến khi nào thấy được hảo tướng như: thấy hào quang hay hoa sen báu, thấy Phật, Bồ tát xoa đầu v.v… thì mới thôi.

3. Hồng danh sám hối: pháp sám hối nầy cũng thuộc về sự tướng do ngài Bất động pháp sư đời Tống bên Trung Hoa soạn ra. Đây là pháp lạy 108 lạy, mà quý Phật tử thường lạy ở chùa hoặc ở nhà. Pháp lạy sám hối nầy, đối với người trọng tuổi già yếu như Phật tử thì không mấy thích hợp cho lắm. Tuy nhiên, đối với những ai mạnh khỏe, thì pháp lạy sám hối nầy rất có lợi, vì vừa tiêu trừ tội chướng mà cũng vừa có thêm sức khỏe. Nhưng muốn tiêu trừ phiền não tội chướng, thì hành giả khi lễ bái phải chí thành kính lễ.

Trong mười đại nguyện của Bồ tát Phổ Hiền, nguyện trước tiên là “lễ kính chư Phật”. Tuy hình thức lễ bái đơn giản, nhưng có hiệu quả rất cao là diệt trừ được động cơ tạo nghiệp và hai thứ phiền não gốc. Vì khi hành giả lễ bái, thì động cơ tạo nghiệp của thân bị đình chỉ. Đồng thời khi lễ lạy, thì hành giả dẹp trừ được tâm ngã mạn cống cao và hướng về Phật với lòng tin vững chắc không còn nghi ngờ.

Như vậy, là phá trừ được hai thứ phiền não gốc “mạn” và “nghi”. Nên nói lạy Phật có phước là ở chỗ đó. Và khi thân lạy, miệng thì xướng danh hiệu Phật, thế là khẩu nghiệp được thanh tịnh. Khi khen Phật đó là chánh kiến, tất nhiên tà kiến không có. Và trong khi lễ lạy, thì tâm ý nương vào câu hiệu Phật, thế là tâm ý được thanh tịnh. Chỉ một hành động lạy Phật đơn giản như thế mà dứt trừ được ba nghiệp tạo tội của thân, miệng, ý. Vì thế, nên nói lạy Phật sám hối sẽ được tiêu trừ tội chướng.

Tuy nhiên, trong trường hợp của Phật tửtrọng tuổi yếu đuối, không thể đứng lên lạy xuống được. Theo tôi, tốt hơn hết là Phật tử chỉ cần chí thành niệm Phật thì cũng được tiêu trừ tội chướng. Phật tử nên biết, giáo pháp Phật dạy có vô lượng pháp môn, tùy theo căn cơ, tuổi tác, sức khỏehoàn cảnh của mỗi người mà có thể ứng dụng hành trì cho thích hợp. Nếu thật hành đúng pháp theo lời Phật Tổ dạy, thì tất cả cũng đều được lợi ích. Về cách lễ Phật, ngoài Sự lễ ra, còn có Lý lễ nữa. Về Lý lễ, trong kinh thường nêu ra có bốn cách:

- Phát trí thanh tịnh lễ.

- Biến nhập pháp giới lễ.

- Chánh quán lễ.

- Thật tướng bình đẳng lễ.

Bốn cách lễ trên đều thuộc về lý, nên rất khó cho hành giả thật hành. Tuy nhiên, nếu ai thật hành được, thì lợi ích không thể nghĩ bàn.

4. Vô sanh sám hối: pháp sám hối nầy thuộc về lý sám hối. Phải là bậc thượng căn mới có thể thật hành nổi. Có hai cách quán: “quán tâm vô sanhquán pháp vô sanh”. Vì bản tâm của chúng ta thường hằng vắng lặng sáng suốt, bất sanh bất diệt. Tội có ra là do tâm tạo. Đó là tâm vọng tưởng. Do bất giác khởi vọng tạo nghiệp. Tâm nầy không thật có. Tâm đã không thật, thì tội làm sao có thật được ? Vì tội do tâm sanh, mà tâm vốn không sanh, thì tội cũng không có. Đó là tánh tội vốn không. Hằng sống với thể tánh nầy, thì mọi tội lỗi sẽ không còn. Thí như bóng tối dù trải qua hằng triệu tỷ năm, nhưng khi có ánh sáng của ngọn đèn chiếu vào, thì bóng tối kia sẽ tan biến ngay. Vì thể của bóng tối vốn không thật. Nên kinh nói :

Tội tùng tâm khởi, tùng tâm sám.

Tâm nhược diệt thời, tội diệt vong.

Tội vong tâm diệt lưỡng câu không,

Thị tắc danh vi chơn sám hối.

Nghĩa là :

Tội từ tâm khởi thì cũng phải từ tâm mà sám. Khi tâm đã thực sự vắng lặng rồi, thì tội kia cũng không còn. Tội không, tâm lặng, cả hai đều không thật có, được vậy, mới thật là chơn sám hối. Đến đây, thì không còn gì phải bàn luận là tội hay không tội. Vì đã vượt ngoài hai phạm trù đối đãi nhị nguyên : “ bặt dứt chủ thể và khách thể ”. Đó là hình ảnh của một con người siêu việt hiên ngang tự tại qua lại trong bầu trời tự do giải thoát vậy.

14. Làm sao trị được bệnh hôn trầm?

Hỏi: Là người trọng tuổi như chúng con, mỗi khi niệm Phật con thường hay ngủ gục. Như vậy có cách nào trị hết bệnh ngủ gục nầy không? Xin thầy hoan hỷ chỉ cách cho con.

Đáp: Đây là một chứng bệnh không riêng gì Phật tửđa số người tu đều mắc phải. Người mắc chứng bệnh hôn trầm nầy cũng không phải dễ trị. Người tu sợ nhứt là hai chứng bệnh: “hôn trầmtán loạn”. Chính hai thứ tập khí sâu nặng nầy nó làm chướng ngại rất lớn trên bước đường tu tập của chúng ta.

Có người lúc bình thường, họ ngồi lại tán ngẫu những chuyện bù khú thị phi tạp nhạp ở thế gian với nhau cả buổi, mà họ không bao giờ biết buồn ngủ là gì. Vì lúc đó, họ quá hăng say đam mê với những câu chuyện mà họ đang nói. Hằng ngày, họ huân tập những hạt giống đời quá sâu nặng, nên khi gặp nhau bắt đài đúng tần số thì họ phát thanh huyên thuyên không bao giờ biết nhàm chán mỏi mệt. Trái lại, hễ khi tụng kinh hay niệm Phật thì con ma hôn trầm buồn ngủ bắt đầu xuất hiện. Nó cảm thấy chán nản mệt mỏi uể oảibuồn ngủ. Những tập khí nầy, không phải chỉ mới huân tập trong hiện đời mà nó còn huân tập trong nhiều đời nữa. Chính do sự huân tập đó, nên khi gặp cơ duyên là nó hiện hành phát khởi rất mạnh mẽ.

Có người khi họ đam mê ghiền chơi một thứ gì đó, như cờ bạc chẳng hạn. Có thể nói, họ ngồi ỳ một chỗ suốt cả ngày, thậm chí quên cả ăn uống, mà họ không bao giờ cảm thấy mệt mỏi buồn ngủ. Nhưng khi ngồi tụng kinh hoặc niệm Phật hay nghe pháp v.v… chỉ cần trong giây lát thôi, là họ bắt đầu ngủ gà ngủ gật rồi. Lý do tại sao? Tại vì hạt giống Phật pháp của họ rất cạn mỏng yếu kém. Người nào mắc phải chứng bệnh hôn trầm nầy, thì Phật gọi người đó đang bị chìm sâu vào trong hang quỷ.

Về phương cách đối trị, trong kinh nêu ra có nhiều cách. Nhưng ở đây, chúng tôi chỉ xin nêu bốn cách thôi, rồi tùy ý Phật tử chọn lựa xem cách nào phù hợp và có hiệu quả nhứt, thì Phật tử cố gắng thực hiện.

1. Nếu trong lúc đang ngồi niệm Phật hay tụng kinh mà nó muốn buồn ngủ, Phật tử không thể kềm chế được, thì Phật tử nên đứng lên lạy Phật sám hối, vì đó là nghiệp chướng của mình quá sâu nặng.

2. Phật tử cũng có thể đứng lên đi kinh hành niệm Phật ở trong nhà hoặc ngoài sân, tùy theo khung cảnh và thời điểm thích hợp.

3. Nếu không lạy Phậtđi kinh hành, thì Phật tử cũng có thể dùng phương pháp sổ tức niệm Phật. Nghĩa là niệm Phật bằng cách đếm số theo hơi thở. Như niệm câu hiệu Phật có thể chia ra làm hai, như hít vào niệm “Nam Mô A”, thở ra “Di Đà Phật” . Hít vô thở ra thầm đếm một. Cứ đếm như thế cho tới số mười rồi bắt đầu đếm trở lại. Điều quan trọng của phương pháp nầy là phải nhớ số câu theo hơi thở cho rõ ràng. Nếu nhớ không rõ là phải niệm đếm lại. Vì chăm chú như thế, nên con ma ngủ nó sẽ biến mất.

4. Chúng ta cũng có thể dùng phương pháp Chỉ Quán. Phương pháp nầy, Phật Tổ dạy chúng ta nên chọn một đề mục để quán. Như quán “thân bất tịnh” hay quán “nhân duyên” v.v… Khi chúng ta quán phân tích chia chẻ sâu vào, lúc đó những hệ thần kinh trong não bộ của chúng ta bắt đầu làm việc căng thẳng, do đó, nên con ma buồn ngủ sẽ tan biến ngay. Tuy nhiên, khi quán một hồi mà tâm ta bị loạn động, thì hãy lập tức dùng Chỉ, tức là dừng vọng tưởng. Như dùng hơi thở hay câu niệm Phật để tâm ta an trụ vào đó. Đó là phương cách trị bệnh tán loạnhôn trầm rất hữu hiệu.

Việc tu hành muốn có kết quả tốt đẹp, chúng tôi thiết nghĩ, mỗi hành giả nên cố gắng kiên trì thực tập. Nhất là đối trị những tập khí sâu dầy trong hiện đời cũng như nhiều đời, không phải là chuyện dễ làm. Tuy nhiên, Có nỗ lực công phu bền chí hành trì, thì chúng ta mới có thể vượt qua những chướng ngại thử thách lớn lao trong sự tu hành. Kính chúc phật tử chóng đạt thành sở nguyện.

15. Như thế nào mới trị được bệnh vọng tưởng?

Hỏi: Khi hành trì niệm Phật, con tưởng ngồi một mình chỗ yên vắng thì không bị vọng tưởng. Nhưng trái lại, càng thanh vắng chừng nào thì tâm con càng loạn tưởng nhiều chừng nấy. Hễ con cố đè nén, thì chỉ được một chút thôi, rồi bao nhiêu thứ nghĩ nhớ lung tung cũng đâu vào đấy. Vậy xin thầy từ bi hướng dẫn cho con phương pháp nào để tâm con được yên lúc niệm Phật?

Đáp: Bệnh nầy là bệnh chung của người tu. Dù chúng ta tu bất cứ pháp môn nào, tham thiền, niệm Phật, tụng kinh, trì chú v.v… ít nhiều gì cũng đều có vọng tưởng dấy khởi. Nếu như bặt dứt hết vọng tưởng, thì đã thành Thánh nhân rồi. Được thế, thì còn nói tu hay không tu làm chi nữa. Vì còn vọng tưởng, nên chúng ta mới tu. Mục đích của sự tu hànhchúng ta muốn dẹp trừ hết vọng tưởng. Vì chính nó là đầu mối dẫn chúng ta đi tạo nghiệp thọ khổ. Nhưng muốn diệt trừ nó, không phải là chuyện dễ dàng. Nhất là đối với những người sơ cơ mới bước chân vào đạo tập tu. Khi ứng dụng tu, thì vọng tưởng tạp loạn dấy khởi lên rất mạnh. Đó là do những thứ tập khí nhiều đời cũng như hiện đời mà chúng ta đã huân tập. Nếu là người tu lâu, hành trì miên mật, thì lũ vọng tưởng phiền não sẽ giảm bớt và yếu đi nhiều. Tuy nhiên, Phật tử nên nhớ, vọng tưởng dấy khởi mạnh hay yếu, tương tục hay gián đoạn, thô hay tế, tất cả còn tùy theo sức huân tu hằng ngày của mỗi người.

Trường hợp của Phật tử, Phật tử nghĩ rằng, khi ngồi chỗ thanh vắng niệm Phật thì không bị vọng tưởng dấy khởi. Nghĩ thế là lầm to. Vì càng thanh vắng, vọng tưởng càng dấy khởi mạnh bạo. Lý do, là vì khi Phật tử đối cảnh xúc duyên, tâm ý Phật tử luôn luôn phan duyên theo cảnh. Khi ấy, Phật tử không biết đâu là cảnh và đâu là vọng tưởng. Hai cái đang hòa quyện hợp nhứt với nhau, do đó nên Phật tử không thể phân biệt tách rời ra được. Đó là lúc Phật tử hoàn toàn sống theo cảnh động. Nhưng khi Phật tử ngồi niệm Phật chỗ thanh vắng, bấy giờ Phật tử có chút tâm yên nên mới nhận ra không biết bao nhiêu thứ vọng tưởng lăng xăng dấy khởi.

Thật ra, đó là những pháp trần. Vì khi Phật tử tiếp xúc với cảnh duyên, thì khi ấy sáu căn thu nhiếp sáu trần, nên mọi hình ảnh của sáu trần đều rơi rớt lưu vào trong tâm thức. Đến khi ngồi một mình niệm Phật ở chỗ thanh vắng, thì lũ chúng nó có cơ hội phát khởi rất mạnh bạo. Cho nên người tu hành khi tham thiền, quán tưởng, niệm Phật v.v… thì rất sợ lũ pháp trần nầy. Tuy nhiên, khi nó dấy khởi, Phật tử không nên đè nén hay đàn áp chúng nó, mà chỉ cần Phật tử nên sáng suốt nhìn kỹ vào bộ mặt thật của chúng. Khi có chánh quán chiếu soi thì chúng nó sẽ tan biến ngay. Cho nên, khi hạ thủ công phu, Phật tử đừng sợ vọng tưởng khuấy rối, mà chỉ sợ Phật tử không sáng suốt tỉnh thức kịp thời để nhận diện rõ bộ mặt thật của chúng đó thôi. Vì chúng là giả dối không thật, nên khi biết rõ chúng rồi, thì chúng không thể làm hại gì mình được.

Khi niệm Phật, Phật tử nên nhớ là phải nhiếp tâm vào câu hiệu Phật. Miệng niệm tai nghe âm thanh rõ ràng. Tâm luôn theo dõi từng lời, từng chữ của câu hiệu Phật. Khi đang niệm, bỗng tạp niệm xen vào, Phật tử đừng sợ chỉ cần biết nó một cách nhẹ nhàng, thì nó sẽ lặng xuống. Bấy giờ Phật tử cứ tiếp tục niệm Phật. Điều quan yếu của pháp môn niệm Phật là phải tâm niệm. Miệng niệm tai nghe không chưa đủ mà phải chú tâm niệm. Niệm như thế lâu ngày, vọng tưởng sẽ giảm bớt dần và đến khi nào tâm được thuần thục, thì Phật tử sẽ dần đạt được nhứt tâm bất loạn. Nhưng bước đầu bao giờ cũng rất khó khăn. Tôi thành thật khuyên Phật tử không nên nản chí. Cổ Đức có dạy: “niệm Phật không khó mà khó ở bền lâu. Bền lâu không khó mà khó ở nhứt tâm”. Kính chúc Phật tử có nhiều sức khỏe tinh tấn niệm Phật và sẽ có ngày đạt thành sở nguyện.

16. Làm sao phân biệt được Xá lợi Phật thật?

Hỏi: Khi con có dịp chiêm bái Xá lợi của Phật và của chư Thánh Tăng, nhưng con vẫn còn có thắc mắc làm sao biết đó là Xá lợi Phật thật? Có mấy loại Xá lợi? Và làm sao để việc thờ cúng Xá lợi được đúng phép?

Đáp: Vấn đề nầy, thú thật, chúng tôi cũng không thể trả lời một cách xác quyết dứt khoát rõ ràng. Vì chúng tôi cũng chỉ y cứ vào những dữ kiện, tài liệu chứng minh do các bậc Thầy truyền lại. Còn vấn đề tin hay không là quyền của mỗi người.

Trong quyển “Những Chuyện Niệm Phật Vãng Sanh Lưu Xá Lợi” xuất bản năm 2000 tại Hoa Kỳ, do cư sĩ Tịnh Hải sưu tầm, có dẫn chứng ghi lại lời của Thượng Tọa Như Điển nói về việc tôn thờ Xá Lợi Phậtchứng minh xác quyết đâu là Xá Lợi Phật thật. Chúng tôi xin được trích dẫn một vài đoạn nguyên văn ở trang 178 để chứng minh như sau:

“Theo Thượng Tọa Như Điển, một phần lớn di chuyển về Thiên cung, một phần di chuyển về Long cung. Xá Lợi Phật có ba phần, một loại lớn bằng mút đũa, một loại bằng hạt gạo, một loại bằng hạt mè. Xá Lợi bằng mút đũa hiện không còn nữa. Xá Lợi bằng hạt gạo cũng không còn. Bây giờ duy nhứt còn Xá Lợi bằng hạt mè.

Xá Lợi có ba đặc tính. Hiện chùa Viên Giác có 8 viên Xá Lợi. Không phải ai cũng thấy được Xá Lợi. Có người phải đảnh lễ đủ ba ngàn lạy, trừ người có phước duyên từ trước. Muốn biết thế nào là viên Xá Lợi thật, phải làm bằng cách như thế nầy:

1. Đem hai bát nước để hai bên. Một bên để gạo, một bên để mè. Đầu tiên để gạo vào nước, thì gạo sẽ chìm, rồi lấy Xá Lợi để vào nước, Xá Lợi cũng chìm.

2. Lần thứ hai, lấy gạo ra và bỏ lại một nửa vào chén nước. Gạo vẫn chìm. Nhưng lần thứ hai lấy Xá Lợi ra và bỏ một lần nửa như gạo, nhưng lần nầy Xá Lợi không chìm.

3. Bây giờ lấy mè bỏ vào nước, ta sẽ thấy mè nổi trên nước như Xá Lợi. Nhưng nếu để Xá Lợi cách nhau khoảng 10 ly thì Xá Lợi tự động di chuyển. Điều nầy chứng tỏ pháp thân thanh tịnh Tỳ Lô Giá Na Phật vẫn còn tồn tại trong cõi này.

Cho nên người nào có phước, thờ Xá Lợi thì Xá Lợi sẽ lớn lên. Còn người nào vô phước mà thờ Xá Lợi thì Xá Lợi bay bổng đi nơi khác, mặc dù đang được cất giữ trong một cái tháp. Đó là sự linh thiêng của Xá Lợi, và cũng là đặc tính thứ nhứt.

Còn đặc tính thứ hai là Xá Lợi tự động di chuyển. Nội thấy đặc tính nầy thì quý vị cũng đủ đảnh lễ rồi. Không có một vật gì ở thế gian nầy khi đã chìm rồi lại nổi, không có một vật gì tự động di chuyển hết.

Đặc tính thứ ba là Xá Lợi có năm màu. Đây là màu hào quang của Đức Phật. Đó cũng chính là màu lá cờ Phật giáo do một Đại Tá Mỹ tên là Henri Olscostt đề nghị. Ông này khi qua Tích Lan, thấy hào quang năm màu của Phật, mới đề nghị lấy năm màu đó làm màu cờ Phật giáo. Năm màu này là:

1. Màu xanh (lá cây và nước biển) tượng trưng cho niềm tin là Tín.

2. Màu vàng tượng trưng cho Tinh tấn.

3. Màu đỏ tượng trưng cho sự nhớ nghĩ tức là Niệm.

4. Màu trắng tượng trưng cho Định.

5. Màu cam tượng trưng cho Trí tuệ.

Về việc Xá Lợi có thể di chuyển không, thì theo ông Tịnh Hải thuật lại lời của Thượng Tọa Như Điển kể lại như sau:

“Tại rừng Câu Thi Na – nơi Đức Phật nhập Niết Bàn – có một ngôi chùa tên là Song Lâm. Trước đây do một Ni Sư người Trung Hoa dựng lên, sau nầy Ni Sư cúng lại cho Hội Phật Giáo Linh Sơn của Hòa Thượng Huyền Vi, do Sư Cô Trí Thuận trụ trì chùa nầy. Chùa có ba viên ngọc Xá Lợi của Đức Phật. sau đó Sư Cô qua Mỹ, đến Houston, Texas, có mang theo một viên Xá Lợi cúng dường cho một chùa ở đây, cũng mang tên chùa Linh Sơn. Vị trụ trì bận việc nên đem viên Xá Lợi bỏ vào một tủ khóa lại; nhưng sau đó mở khóa ra xem lại thì viên Xá Lợi biến mất, tìm mãi không ra.

Ba tháng sau, Sư Cô Trí Thuận từ nước ngoài trở về Ấn Độ thì thấy viên Xá Lợi kia đã nằm sẵn trong tháp.

Tóm lại, Xá Lợi rất quý, nhưng nếu không biết cách gìn giữ thì Xá Lợi sẽ tự động giã từ mà trở về chốn cũ”.

Còn hỏi Có mấy loại Xá Lợi? theo Phật Học Từ Điển của ông Đoàn Trung Còn, ông có nêu ra Xá Lợi của Phật gồm có 2 loại chính:

1. Toàn thân Xá Lợi: Như Phật Đa Bảo đã tịch, nhưng Xá Lợi của Ngài là toàn thân thể vẫn ngồi trong bảo tháp.

2. Toái thân Xá Lợi (Xá Lợi nát ra): như Xá Lợi Phật Thích Ca hiện thờ trong các chùa tháp.

17. Tụng kinh như thế nào mới đúng cách thức?

Hỏi: Con thường tụng kinh ở nhà, nhưng con không hiểu rõ phải tụng niệm như thế nào mới đúng cách thức? Và thời khóa tụng niệm cũng như phải tụng kinh nào mới thực sự phù hợp? Kính xin thầy hoan hỷ giải đáp cho con rõ.

Đáp: Mục đích của việc tụng kinh là để chúng ta tìm hiểu nghĩa lý trong kinh qua những lời Phật Tổ dạy, rồi chúng ta đem ra áp dụng hành trì trong đời sống hằng ngày. Bởi tâm của chúng ta hằng ngày duyên theo cảnh trần không lúc nào dừng nghỉ. Khác nào như con khỉ, con vượn chuyền nhảy lung tung. Cho nên, chư Tổ bày ra những thời khóa tụng niệm là cốt yếu để cột con khỉ ý thức của chúng ta lại. Đồng thời để chúng ta đọc đi đọc lại nhiều lần mới có thể khắc ghi sâu đậm vào tâm trí của chúng ta. Bởi những lời Phật dạy nghĩa lý rất thâm sâu vi diệu, đọc qua một đôi lần không thể nào chúng ta hiểu rõ được. Do đó, nên khi tụng niệm, chúng ta phải hết lòng thành kính. Phải có tâm tha thiết trân quý những lời Phật dạy. Nếu không đặt định những thời khóa như thế, thì tâm ý của chúng ta nó dễ buông lung rong ruổi theo duyên trầntha hồ tạo tội.

Tụng kinh tuy là một hình thức lễ nghi sự tướng, nhưng nó cũng có một tác dụng lợi ích rất lớn. Vì khi chúng ta chú tâm tụng niệm, thì thu nhiếp được sáu căn, nói gọn hơn là thúc liễm được ba nghiệp: thân, khẩu, ý. Nhờ đó, mà thân tâm của chúng ta dễ được thanh tịnh.

Về cách thức tụng niệm, theo lời Phật Tổ dạy, trước khi tụng niệm, chúng ta nên rửa tay, súc miệng cho sạch sẽ và y phục phải nghiêm trang tề chỉnh. Khi ngồi, đứng phải giữ thân cho đoan chánh. Lúc lạy hay quỳ cũng phải giữ thân đoan nghiêm. Miệng tụng đọc âm thanh vừa đủ nghe. Nếu như tụng niệm một mình, thì Phật tử có thể tụng ra tiếng hoặc tụng thầm, tùy theo sức khỏe của Phật tửtùy nghi uyển chuyển linh động cho thích hợp.

Còn về thời khóa tụng niệm, thông thường là có hai thời cố định. Thời khuya thì thường là tụng chú Lăng Nghiêm và Đại bi thập chú. Còn buổi tối, thì thường là tụng Kinh Di Đà. Tuy nhiên, vấn đề nầy, còn tùy theo sở thích nhân duyên hoàn cảnh của mỗi người. Riêng về kinh tụng, lẽ ra, kinh nào chúng ta cũng có thể tụng đọc được cả. Vì tất cả đều là những lời Phật dạy. Vì kinh nào cũng có công năng thù thắngchuyển mê khai ngộ cho chúng ta. Nhưng đối với người Phật tử Việt Nam chúng ta xưa nay, từ xuất gia cho đến tại gia phần nhiều đều trì tụng những kinh như: Di đà, Hồng danh, Vu lan, Phổ môn, Dược sư, Địa tạng, Kim cang, Lăng nghiêm, Pháp Hoa v.v…

Nhiều người lại có quan niệm chọn những bộ kinh để tụng cho thích nghi với mỗi trường hợp như:

- Cầu siêu thì tụng kinh Di đà , Địa tạng, Vu lan v.v…

- Cầu an thì tụng Phổ môn, Dược sư v.v…

- Cầu tiêu tai giải bệnh thì tụng kinh Kim cang, Lăng nghiêm v.v…

- Cầu sám hối thì tụng Hồng danh.

Việc chọn lựa như thế cũng có điều hay là cho tâm chuyên nhất, và tất nhiên là dễ được hiệu nghiệm hơn. Nhưng xét về mặt công đức hay giáo lý, thì kinh nào cũng đều có kết quả mỹ mãn như nhau, nếu như chúng ta thành kính hết lòng trì tụng.

Về phần nghi thức tụng niệm, thì trong mỗi quyển kinh ở phần đầu trước khi vào phần kinh văn, đều có phần nghi thức tụng niệm. Phật tử có thể y theo đó mà trì tụng. Nếu là Phật tử tu theo pháp môn Tịnh độ, thì chư Tổ Liên Tông thường khuyên dạy chúng ta, là sau mỗi thời khóa lễ trì tụng, Phật tử nên phát nguyện hồi hướng cầu sanh Cực lạc. Đây là điều rất quan trọng Phật tử cần lưu ý. Khi phát nguyện, Phật tử nên thành tâm phát nguyện một cách chí thành tha thiết. Vì được vãng sanh hay không phần lớn là do nguyện lực mạnh mẽ của chúng ta. Đồng thời, Phật tử cũng nên hồi hướng cho pháp giới chúng sanh đều trọn thành Phật đạo.

18. Khi tụng niệm cảm động rơi lệ có lỗi không?

Hỏi: Khi con tham dự khóa tu đầu tiên, con cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Mỗi lần con đi kinh hành niệm Phật cùng với đại chúng, lòng con bỗng dưng xúc động rơi lệ. Con không hiểu tại sao có sự cảm động như vậy? Và con không biết như thế có lỗi gì không? Kính xin thầy hoan hỷ giải đáp cho con rõ.

Đáp: Điều cảm xúc tự nhiên của Phật tử đó không có gì là lỗi cả. Chẳng những không có lỗi mà nó còn biểu hiện một căn lành rất tốt. Khi mình tụng đọc một câu kinh hay nhìn tượng Phật, Bồ tát, bỗng dưng lúc đó trong lòng mình trào dâng lên một niềm xúc động sâu xa rơi lệ mà mình không thể ngăn được. Theo kinh nghiệm của chư Tổ cho biết, thì đó là một hiện tượng rất tốt bởi do thiện căn nhiều đời bộc phát. Điều nầy, đủ chứng minh rằng, trong nhiều đời Phật tử cũng đã từng gieo trồng căn lành sâu xa với Phật pháp, nên hôm nay mới có được phúc duyên hiện điềm lành đó.

Đọc sách thiền thỉnh thoảng chúng ta thấy, có nhiều vị Thiền Sư, bất chợt khi tỏ ngộ đạo lý, có vị thì khóc cả buổi; có người thì cười cả ngày. Sự cười hay khóc đó là do sự vui mừng đột khởi quá mạnh. Đó là một sự bộc phát tự nhiên trào lên tự đáy lòng sâu kín của các ngài khi tỏ ngộ đạo lý. Tuy nhiên, có điều, Phật tử cũng không nên ôm ấp mãi trong lòng điều đó. Vì như thế, sẽ dễ cho con ma bi nó đột nhập khuấy phá dẫn dắt Phật tử rơi lệ hoài.

Có nhiều Phật tử khi vận dụng công phu tu hành hay có lòng mong cầu nầy nọ, nhứt là muốn thấy những hiện tướng lạ, đó là cửa ngõ mở ra để ma dễ bề dẫn dắt. Cho nên, khi tham thiền hay niệm Phật, dù có bất cứ hiện tượng lạ nào xảy đến, Phật tử cũng đừng bao giờ để tâm chấp trước mà mang họa vào thân. Bởi tất cả đều là cảnh giả huyễn không thật. Nếu là những hiện tượng tốt, thì mình chỉ ngầm biết mà thôi. Và tuyệt đối không nên có tâm mong cầu cho cảnh đó xuất hiện. Nên noi gương Phật Tổlặng lẽ âm thầm tu hành. Nếu như trong lúc dụng công tu, có gặp điều gì chướng ngại, hay có những hiện tướng gì mới lạ, thì tốt hơn hết là Phật tử nên tìm đến những bậc chân tu (tùy theo pháp mônPhật tử đang thật hành) có nhiều kinh nghiệm tu hành mà thưa hỏi. Phật tử không nên ôm ấp để trong lòng mà có hại cho sự chướng ngại tu hành của mình. Kính chúc Phật tử chóng thành công trong sự nghiệp tu hành.

19. Khi nghe pháp tay vẫn lần chuỗi niệm Phật có lỗi không?

Hỏi: Kính bạch thầytrong lúc nghe pháp, con thấy có một vài vị tay vẫn lần chuỗi. Như thế có được không? Và có lỗi gì không?

Đáp: Theo tôi, điều nầy dĩ nhiên là có lỗi rồi. Lỗi ở đây không phải là lỗi ở nơi tay lần chuỗi mà lỗi ở nơi phân tâm. Khi nghe pháp, thì ta nên tập trung tâm ý vào những gì mà vị giảng sư đang thuyết giảng trình bày. Nếu như vừa nghe mà vừa lần chuỗi, như vậy tâm nào theo dõi để nghe và tâm nào để vào việc niệm Phật lần chuỗi? Nếu như chỉ lần chuỗi cho có lệ không cần niệm Phật, thì đó là mắc phải cái lỗi chỉ biết lần chuỗi theo thói quen thôi, kỳ thật thì không có tha thiết chú tâm vào việc niệm Phật chi cả. Như thế, đủ chứng minh rằng, vị đó chỉ thích lần chuỗi cho những hạt chuỗi của mình mau được bóng láng cho đẹp, để khoe với thiên hạ là mình chuyên niệm Phật nhiều nên chuỗi mình mới láng bóng như vậy. Đây là mắc phải cái lỗi cầu danh tướng.

Lỗi thứ hai, là khi lần chuỗi, tất nhiên là mình sẽ gây tiếng động, dù chỉ là tiếng động rất nhỏ cũng làm cho người ngồi kế bên họ bị phân tâm bực mình khó chịu. Như thế, thì mắc thêm cái tội là làm động tâm niệm của người khác. Nếu những Phật tử nào đã mắc phải lỗi lầm như thế, thì tôi thành thật khuyên Phật tử nên chừa bỏ. Vì lần chuỗi là cốt để niệm Phật. Công dụng của xâu chuỗi là như thế. Đằng nầy, lần chuỗi không phải để nhiếp tâm niệm Phật mà chỉ lần chuỗi theo thói quen thôi. Đây là điều không thể chấp nhận được. Vì lần chuỗi như thế làm sao có lợi ích?

Giả như, khi lần chuỗi mà mình có niệm Phật đi chăng nữa, thì cũng mắc phải cái lỗi lầm là khinh pháp. Vì hiện tại là giờ nghe pháp chớ đâu phải là giờ lần chuỗi niệm Phật. Như thế, chứng tỏ rằng, mình không quan tâm gì đến thời pháp thoại cả. Không quan tâm theo dõi thì thử hỏi làm sao mình có thể lãnh hội lời Phật Tổ chỉ dạy cho được. Thầy giảng sư là người thay Phật tuyên dương chánh pháp. Thầy chẳng qua cũng chỉ là trình bày lại những gì mà trong kinh điển đã nói. Nếu như khi nghe pháp mà ta không chú tâm, thì mắc phải cái lỗi lớn là xem thường lời Phật Tổ chỉ dạy.

Lần chuỗi trong khi nghe pháp là mắc thêm một cái lỗi nữa là lần chuỗi phi thời. Khi nghe pháp thì lại lần chuỗi, rồi lúc niệm Phật thì lại để tâm thích nghe chạy theo thinh trần. Việc làm đó được đánh giá là không có ngăn nắp trật tự. Người làm việc có ngăn nắp, thì giờ nào ra giờ đó. Không thể lộn xộn xà ngầu được. Hơn nữa, một người mà làm hai việc cùng một lúc, thì người đời thường nói, đó là kẻ bắt cá hai tay. Rốt lại, chỉ thêm mệt sức chớ không được lợi lạc chi cả!

Tóm lại, khi chúng ta làm một việc gì, thì phải để tâm chú ý vào việc đó. Kinh nói: “Chế tâm nhứt xứ vô sự bất biện”. Nghĩa là chú tâm vào một chỗ, thì không việc gì chẳng xong. Do đó, không nên vừa làm việc nầy lại nghĩ đến việc khác. Như thế, thì ta sẽ không thể nào có kết quả tốt đẹp được.

20. Niệm Phật chưa được nhứt tâm bất loạn, có được vãng sanh không?

Hỏi: Trong Kinh A Di Đà Phật dạy, người niệm Phật được nhứt tâm bất loạn, thì khi lâm chung Phật và Thánh chúng mới tiếp dẫn người đó về Cực lạc. Nếu chúng con niệm Phật chưa được nhứt tâm, thì khi chết chúng con có được vãng sanh hay không?

Đáp: Trong Kinh Di Đà Phật dạy, nếu hành giả nào chí tâm niệm Phật miên mật tương tục không gián đoạn, từ một ngày cho đến bảy ngày, thì người đó sẽ được nhứt tâm bất loạn và khi lâm chung sẽ được Đức Phật A Di Đà cùng chư Thánh chúng phóng quang tiếp dẫn về Cực lạc. Đồng thời, người đó sẽ lên ngay Thượng phẩm thượng sanh. Trường hợp nếu như Phật tử niệm Phật chưa được nhứt tâm, thì cũng vẫn được vãng sanh. Tuy nhiên, với điều kiệnPhật tử phải có đầy đủ tín tâmnguyện lực tha thiết mới được. Còn đạt được phẩm cao hay thấp, điều đó còn tùy theo sự nỗ lực chuyên cần công phu niệm Phật của Phật tử. Nếu Phật tử chuyên nhứt niệm Phật như trong Kinh Di Đà nói, thì chắc chắn Phật tử sẽ được vãng sanh ở vào phẩm vị cao.

Nhân đây, chúng tôi cũng xin được trích dẫn những lời chư Tổ chỉ dạy rải rác trong các Kinh điển Tịnh độ để chứng minh. Đồng thời cũng để cho Phật tử có thêm niềm tin vững chắc về pháp môn niệm PhậtPhật tử đang hành trì.

Trong quyển Hương Quê Cực Lạc do cố Hòa Thượng Thích Thiền Tâm dịch, có nêu ra những lời khuyên bảo của các bậc cổ đức về việc niệm Phật cầu vãng sanh như sau.

Đại Sư Trí Giả nói: “Muốn quyết định được sanh về Tây phương cần phải đủ hai hạnh: “yểm ly và hân nguyện”.

Thế nào là hạnh yểm ly?

Hành giả phải quán sát thân nầy đầy đủ sự nhơ nhớp, chịu nhiều nỗi đau khổ, không có chi là vui mà sanh lòng nhàm chán muốn thoát ly. Nghĩ tưởng như thế thì lửa dâm dục phiền não lần lần giảm bớt. Lại phát nguyện cầu được vĩnh viễn xa lìa cõi trần khổ lụy, không còn thọ cái nghiệp thân nam nữ, máu mủ tanh hôi, đắm mê theo ngũ dục, cầu được mau về Tịnh độ chứng thân pháp tánh trong sạch quang minh. Đó là hạnh yểm ly.

Thế nào là hạnh hân nguyện?

1. Nên nghĩ chúng sanh chìm trong biển khổ, mình là phàm phu không đủ sức cứu độ. Nay tha thiết muốn về Cực lạc, gần gũi với Phật tu hành chứng quả vô sanh, để độ thoát lấy mình, báo đáp bốn ân, cứu chúng sanh khổ não. Đó là mục đích cầu sanh.

2. Duyên tưởng báo thân của Phật sắc vàng sáng rỡ. có 84.000 tướng, mỗi tướng có 84.000 vẻ đẹp, mỗi vẻ đẹp phóng ra 84.000 tia sáng, soi khắp pháp giới nhiếp lấy những chúng sanh niệm Phật. Lại quán tưởng cõi Cực lạc bảy báu trang nghiêm, đầy đủ sự an vui mầu nhiệm mà sanh lòng ưa thích. Do đó, gắng sự bố thí, trì giới, niệm Phật, tu các hạnh lành, rồi đem hồi hướng, nguyện mình cùng tất cả chúng sanh đều được sanh về Tịnh độ. Làm như thế thì quyết định vãng sanh, và đây là hạnh hân nguyện”.

Hoài Cảm Đại Sư dạy: “Chí tâm niệm Phật tức là ý nghiệp làm lành, xưng danh hiệu Phật là khẩu nghiệp làm lành, chấp tay lễ báithân nghiệp làm lành. Do ba nghiệp ấy làm lành, nên có thể diệt tội nặng sanh tử trong tám mươi ức kiếp, nhờ hạnh nguyện nương nhau, quyết định được vãng sanh”.

Không Cốc Đại Sư dạy: “Một môn niệm Phật là đường lối tu hành thẳng tắt. Hành giả phải xét rõ thân nầy giả dối, việc thế như chiêm bao, duy cõi Tịnh độ là đáng nương về, câu niệm Phật là có thể nhờ cậy. Rồi tùy phận mà niệm Phật hoặc mau, hoặc chậm, hoặc tiếng thấp, tiếng cao, đều không câu ngại. Chỉ nên để cho thân tâm nhàn đạm, thầm nhớ chẳng quên, khi huởn, gấp, động, tịnh, vẫn một niệm không khác. Niệm như thế, ngày kia xúc cảnh chạm duyên, bỗng nhiên tỉnh ngộ. Chừng ấy mới biết cõi Tịch Quang Tịnh Độ không rời nơi đây, Phật A Di Đà chẳng rời tâm mình. Nếu lập tâm muốn cầu tỏ ngộ thì trở lại thành chướng ngại, nên chỉ lấy lòng tin làm căn bản, chẳng tùy theo tạp niệm mà thôi. Hành trì như thế, dù không tỏ ngộ, khi chết cũng được sanh về Tây phương, theo giai cấptiến tu, không còn lo thối chuyển”.

Tóm lại, qua những lời dẫn chứng của chư Tổ dạy trên, thì chúng ta chỉ cần lấy việc trì danh niệm Phật làm chánh hạnhcố gắng tu các trợ hạnh lành khác, có bao nhiêu phước đức đều hồi hướng về Cực lạc. Đồng thời, chúng ta cũng phải có niềm tin vững chắc và lập nguyện thiết tha cầu sanh Cực lạc. Bởi người tu theo pháp môn Tịnh độ, điều kiện tiên quyết muốn được vãng sanh Cực lạc là phải hội đủ hai yếu tố căn bản: Tín và Nguyện. Tin sâu, nguyện thiết, còn việc thật hành niệm Phật hoặc tu các hạnh lành, điều đó còn tùy thuộc vào sự chuyên cần hay không.

Nếu hành giả niệm Phật chuyên cần, thì sẽ đạt được phẩm cao. Còn nếu không được tinh chuyên lắm, thì sẽ vãng sanh ngự tọa ở phẩm thấp hơn. Chín phẩm liên hoa ở cõi Cực lạc là để phẩm định người hành trì niệm Phậtcõi nầy. Đó là để đánh giá sự hơn kém cao thấp trong việc niệm Phật chuyên cần hay giải đãi mà thôi. Còn như người niệm Phật được “nhứt tâm tam muội”, thưa thật với Phật tử đối với căn cơ thời mạt pháp hiện nay, thì muôn người không dễ có một. Phật tử cứ y theo lời Phật Tổ chỉ dạy mà giữ vững tín tâm nỗ lực hành trì. Được thế, thì lo gì không được vãng sanh. Đó là điều quyết chắc không còn gì phải nghi ngờ nữa cả.

Tạo bài viết
06/01/2015(Xem: 27748)
Kính thưa quý vị khá thính giả của chương trình Phố Bolsa TV. Hiện nay tôi đang có mặt ở tỉnh Surin Thái Lan cùng đòan bộ hành với sư Minh Tuệ đi Đất Phật Ấn Độ và hôm nay nơi giữa đường thì chúng ta sẽ có một buổi nói chuyện trực tiếp với sư Minh Tuệ. Những câu hỏi đã được tôi soạn ra trước nhưng không hề có việc gửi tới trước cho Sư hoặc là cho anh Đoàn Văn Báu (Trưởng đoàn)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.