Nghiên Cứu Về Vấn Đề Phủ Định Từ Trong Quá Trình Truyền Dịch: Từ Một Trường Hợp Trong Kinh Trung A Hàm

10/05/202110:25 SA(Xem: 3985)
Nghiên Cứu Về Vấn Đề Phủ Định Từ Trong Quá Trình Truyền Dịch: Từ Một Trường Hợp Trong Kinh Trung A Hàm

NGHIÊN CỨU VỀ VẤN ĐỀ PHỦ ĐỊNH TỪ
TRONG QUÁ TRÌNH TRUYỀN DỊCH:

TỪ MỘT TRƯỜNG HỢP TRONG KINH TRUNG A HÀM

Thích Nguyên Hùng

hoa sen vangNgười xưa nói ‘Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan, ly kinh nhất tự phản đồng ma thuyết.’[1] Lời cảnh tỉnh này khiến cho những nhà phiên dịch, giảng giải kinh điển hết sức do dự khi hạ bút xuống một từ, một ngữ nào đó.

Thật vậy! Trong quá trình phiên dịch kinh từ chữ Hán sang tiếng Việt, chúng tôi gặp vô số trường hợp khó khăn tưởng chừng bế tắc khi khó có thể hiểu và dịch một cách thỏa đáng một câu kinh, thậm chí một chữ trong kinh, dù về mặt từ, ngữ và văn phạm rất đơn giản. Tâm cứ phân vân do dự, rằng dịch như thế có ‘oan cho ba đời chư Phật’ chăng? Rằng, dịch như thế có vô hình chung biến lời vàng ngọc của Thế Tôn thành lời của ma chăng? Nhưng, không dịch như thế làm sao hiểu được câu kinh này?

Xin được chia sẻ với chư vị thiện tri thức trong mười phương về một trường hợp sau đây trong kinh Trung A-hàm, số 164, kinh Phân biệt quán pháp.[2]

Bản kinh này được đức Thế Tôn nói vắn tắt về pháp quán cho các tỳ-kheo nghe rồi vào thất tĩnh tọa. Sau đó, các tỳ-kheo đem nội dung pháp thoại vắn tắt này thưa hỏi tôn giả Ca-chiên-diên và được tôn giả giải thích cặn kẽ.

Pháp thoại vắn tắt của đức Thế Tôn như sau:

“Tỳ-kheo, quán như vậy, như vậy. Ngươi quán như vậy rồi, Tỳ-kheo, tâm hướng về bên ngoài, bị phân rải, tán loạn, tâm không an trú vào bên trong, không chấp thủ nhưng sợ hãi. Nhưng, này các Tỳ-kheo, hãy quán như thế nào mà sau khi các ngươi đã quán như vậy, tâm không hướng về bên ngoài, không bị phân rải, tán loạn, tâm trú bên trong, không chấp thủ, không sợ hãi. Như vậy các ngươi không còn sanh, lão, bệnh, tử nữa. Đó là tận cùng sự khổ.”[3]

Nguyên tác bản chữ Hán như sau:

「比丘!如是如是觀,如汝觀已,比丘!心出外灑散,心不住內,不受而恐怖。比丘!如是如是觀,如汝觀已,比丘!心不出外不灑散,心住內,不受不恐怖,如是不復生、老、病、死,是說苦邊。」[4]

Mới đọc qua đoạn kinh trên chúng ta không thấy có gì khó hiểu: “Này tỳ-kheo, hãy quán như vậy, như vậy! Sau khi [các] thầy quán như vậy, này tỳ-kheo, tâm chạy ra bên ngoài, tán loạn, tâm không an trú bên trong, không chấp thủ nhưng sợ hãi. Này tỳ-kheo, hãy quán như vậy, như vậy! Sau khi [các] thầy quán như vậy, này tỳ-kheo, tâm không chạy ra bên ngoài, không tán loạn, tâm an trú bên trong, không chấp thủ, không sợ hãi, như vậy sẽ không còn sanh, già, bệnh, chết. Đó là tận cùng sự khổ.”

Không chấp thủ nhưng sợ hãi’ (不受[5]而恐怖), trường hợp này có thể xảy ra trong một trường hợp cá biệt nào đó! Vì vậy chúng ta không thấy có vấn đề cho đến khi đọc lời giải thích của tôn giả Ca-chiên-diên: “Này chư Hiền, thế nào là Tỳ-kheo không chấp thủ mà sợ hãi? Chư Hiền, Tỳ-kheo không ly sắc nhiễm, không ly sắc dục, không ly sắc ái, không ly sắc khát. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo nào không ly sắc nhiễm, không ly sắc dục, không ly sắc ái, không ly sắc khát, thì vị ấy muốn được sắc, truy cầu, đắm trước sắc, trú vào sắc, nghĩ rằng ‘Sắc là ta. Sắc là sở hữu của ta.’ Khi đã muốn được sắc, truy cầu sắc, đắm trước sắc, trú vào sắc, nghĩ rằng ‘Sắc là ta. Sắc là sở hữu của ta’, thì thức nắm bắt sắc. Sau khi thức nắm bắt sắc, lúc ấy sắc biến dịch thì thức cũng bị chuyển theo sắc. Khi thức đã bị chuyển theo sắc thì Tỳ-kheo ấy sanh sợ hãi, tâm trú vào trong đó. Nhơn vì tâm không biết nên sanh khiếp sợ, lao nhọc, không chấp thủ mà sợ hãi.”[6]

Rõ ràng, lời giải thích của tôn giả Ca-chiên-diên cho chúng ta thấy đây là trường hợpchấp thủ’ chứ không phải ‘không chấp thủ’!

Một tỳ-kheo mà không lìa sự đắm nhiễm sắc, không lìa sự tham muốn sắc, không lìa sự luyến ái sắc, không lìa sự khát khao sắc thì sẽ muốn được sắc, truy tìm sắc, đắm trước sắc, bám víu vào sắc và cho rằng sắc chính là ta, sắc là sở hữu của ta. Khi muốn được sắc, truy tìm sắc, đắm trước sắc, bám víu vào sắc và cho rằng sắc chính là ta, sắc là sở hữu của ta rồi thì thức dính mắc vào sắc. Thức dính mắc vào sắc rồi thì khi sắc ấy biến đổi thức cũng biến đổi theo. Khi thức biến đổi theo sắc thì vị ấy sinh khởi trạng thái lo sợ, tâm bám víu ở trong đó. Đây rõ ràng nói về một người do tâm u mê, không hiểu biết, không nhận thức đúng thực tướng của các pháp là vô thường, vô ngã nên mới sinh tâm chấp thủ, cho rằng sắc là ta, là của ta. Tất nhiên, do chấp thủ như thế nên mới phát sinh sợ hãi khi các pháp vô thường, biến đổi, chứ tại sao lại do ‘không chấp thủ mà sợ hãi’?

Khi dịch ‘không chấp thủ mà sợ hãi’ là đã dịch đúng theo nguyên bản Hán, không lìa một chữ: 不受而恐怖. Nó đúng mọi mặt, chữ nghĩavăn phạm, nhưng rõ ràng là có mâu thuẫn với lời kinh vừa giải thích!

Để hiểu vấn đề này, chúng tôi tìm bản kinh tương đương trong Nikāya, tức là kinh số 138 thuộc Trung bộ, với tên gọi là Kinh Tổng thuyết và Biệt thuyết. Nguyên tác Pāli đoạn pháp thoại vắn tắt của đức Thế Tôn như sau:

“Tathā tathā, bhikkhave, bhikkhu upaparikkheyya yathā yathā upaparikkhato bahiddhā cassa viññāṇaṁ avikkhittaṁ avisaṭaṁ, ajjhattaṁ asaṇṭhitaṁ anupādāya na paritasseyya. Bahiddhā, bhikkhave, viññāṇe avikkhitte avisaṭe sati ajjhattaṁ asaṇṭhite anupādāya aparitassato āyatiṁ jātijarāmaraṇadukkhasamudayasambhavo na hotī”ti.”[7]

Trong đó, ‘anupādāya na paritasseyya’ Hán dịch là ‘不受而恐怖’ (không chấp thủ nhưng sợ hãi) và ‘anupādāya aparitassato’ Hán dịch là ‘不受不恐怖’ (không chấp thủ, không sợ hãi). Rõ ràng, ở đây Hán dịch đã bỏ mất một phủ định từ ‘na’ trong câu ‘anupādāya na paritasseyya.’ Về cấu trúc, ‘anupādāya na paritasseyya’ cũng chính là ‘anupādāya aparitassato,’ tức là đều ‘不受不恐怖.’ Còn ‘不受而恐怖’ được dịch từ ‘anupādā paritassanā.’ Lạ lùng thay, trong cả hai trường hợp, cố Hòa thượng Thích Minh Châu đều dịch là ‘không bị chấp thủ quấy rối’, nguyên văn như sau:

 “Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo cần phải quán sát một cách như thế nào để thức của vị ấy đối với ngoại (trần) không tán loạn, không tản rộng, tâm không trú trước nội (trần), không bị chấp thủ quấy rối. Này các Tỷ-kheo, nếu thức đối với ngoại (trần) không tán loạn, không tản rộng, tâm không trú trước nội trần, không bị chấp thủ quấy rối, sẽ không có tập khởi, sanh khởi của khổ về sanh, già, chết, trong tương lai.”[8]

Sự phiên dịch của Hòa thượng đã phần nào giải tỏa nghi ngờ của chúng tôi! Rõ ràng, dịch như thế là đã ‘ly nhất tự’, nhưng hoàn toàn phù hợp với lời giải thích của tôn giả Ca-chiên-diên sau đó, tức là phù hợp ý kinh.

Chúng tôi không biết cố Hòa thượng Thích Minh Châu đã căn cứ hay tham khảo vào nguồn tài liệu nào (vì không thấy ngài chú thích) hay bằng trực giác, tuệ giác của mình mà Hòa thượng đã dịch như thế! Bởi, xét về văn bản, bản Hán đã trực dịch đúng nguyên tác của truyền bản Pāli, nhưng hầu như Hòa thượng đã bỏ qua nguyên tác cả Pāli và Hán tạng tương đương!

Tiếp tục tìm kiếm trong Đại tạng chữ Hán để làm rõ vấn đề, chúng tôi bắt gặp một bản kinh có nội dung khá tương đồng với đoạn pháp thoại nêu trên. Đó là kinh Chấp thủkhông chấp thủ, số 43 của Tạp A-hàm, như sau:

"Thế nào là do chấp thủ nên sinh đắm trước? Kẻ phàm phu ngu si không học, đối với sắc thấy là ta, khác ta, hoặc ở trong nhau; thấy sắc là ta, là của ta nên chấp thủ. Do chấp thủ nên khi sắc biến chuyển hoặc đổi khác thì tâm cũng biến chuyển theo. Khi tâm đã biến chuyển theo thì cũng sinh khởi sự chấp thủ, đắm trước, bám víu giữ tâm tồn tại. Do bám víu giữ tâm tồn tại, do đắm trước và chấp thủ nên sinh khởi sợ hãi, chướng ngại, tâm tán loạn.”[9]

Bản kinh này tương đương với kinh Tương ương bộ, như sau:

“Ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không thấy rõ các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, người ấy quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc. Đối với vị ấy, sắc ấy biến hoại và đổi khác. Đối với vị ấy, khi sắc ấy biến hoại và đổi khác, thức tùy chuyển theo sự biến hoại của sắc. Các pháp ưu não sanh khởi do thức tùy chuyển theo sự biến hoại của sắc sau khi xâm nhập tâm và an trú. Do tâm bị xâm chiếm nên khủng bố, chướng ngại, khát vọng được sanh khởi và ưu não.”[10]

‘Do tâm bị xâm chiếm nên khủng bố’, nói cách khác là do tâm chấp thủ nên sợ hãi.

Như vậy, tất cả các bản kinh Trung A-hàm 164, Trung bộ 138, Tạp A-hàm 43, và Tương ưng bộ 22.7 đều giải thích như nhau về sự chấp thủ năm uẩn, và đó là nguyên nhân sinh ra sợ hãi. Thế nhưng, không hiểu sao cả Hán và Pāli đều có câu “không chấp thủ nhưng sợ hãi.” Lẽ nào trong quá trình truyền bản có sự sai sót chăng? Vì sao cố Hòa thượng Thích Minh Châu đã mạnh dạn dịch thành “không bị chấp thủ quấy rối”?

Tỳ-kheo Anālayo, trong tác phẩm Madhyama-āgama Studies của mình đã chứng minh rằng có lỗi truyền dẫn liên quan đến một trong ba trường hợp: 1) mất phủ định trong ấn bản PTS, 2) bổ sung phủ định trong các ấn bản châu Á, 3) bổ sung một sự phủ định trong các ấn bản Pāli và trong Madhyama-āgama tương đương.[11]

Vậy, phải chăng trường hợp trong kinh Trung A-hàm 164 (tương đương Trung bộ 138) là minh chứng cho xu hướng phủ định bị mất hoặc được thêm vào trong quá trình truyền dẫn văn bản?

Chúng tôi không đủ thẩm quyền để trả lời câu hỏi nêu trên, nhưng với những gì vừa khảo cứu, quý huynh đệ của Trung tâm dịch thuật Trí Tịnh xin mạnh dạn đề xuất cách dịch mới cho đoạn pháp thoại vắn tắt, cũng như lời giải thích của tôn giả Ca-chiên-diên sau đó trong Trung A-hàm 164 như sau:

“Này tỳ-kheo, hãy quán như vậy, như vậy! Sau khi [các] thầy quán như vậy, này tỳ-kheo, tâm chạy ra bên ngoài, tán loạn, tâm không an trú bên trong, do chấp thủ nên sợ hãi. Này Tỳ-kheo, hãy quán như vậy như vậy. Sau khi [các] thầy quán như vậy, này tỳ-kheo, tâm không chạy ra bên ngoài, không tán loạn, tâm an trú bên trong, do không chấp thủ nên không sợ hãi, như vậy sẽ không còn sanh, già, bệnh, chết nữa. Đó gọi là sự diệt tận khổ.”

“Này chư hiền! Thế nào là Tỳ-kheo do chấp thủ nên sợ hãi? Chư hiền, Tỳ-kheo không lìa sự đắm nhiễm sắc, không lìa sự tham muốn sắc, không lìa sự luyến ái sắc, không lìa sự khát khao sắc. Chư hiền, nếu Tỳ-kheo không lìa sự đắm nhiễm sắc, không lìa sự tham muốn sắc, không lìa sự luyến ái sắc, không lìa sự khát khao sắc thì vị ấy muốn được sắc, truy tìm sắc, đắm trước sắc, trú vào sắc và cho rằng sắc chính là ta, sắc là sở hữu của ta. Khi muốn được sắc, truy tìm sắc, đắm trước sắc, trú vào sắc và cho rằng sắc chính là ta, sắc là sở hữu của ta thì thức bám víu sắc. Thức bám víu sắc rồi thì khi sắc ấy biến đổi thức cũng biến đổi theo. Khi thức biến đổi theo sắc rồi thì vị ấy sinh khởi trạng thái lo sợ và tâm trú vào đó. Bởi tâm không biết nên sinh sợ hãi, phiền nhọc, do chấp thủ nên sợ hãi.

“Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Tỳ-kheo không lìa sự đắm nhiễm thức, không lìa sự tham muốn thức, không lìa sự luyến ái thức, không lìa sự khát khao thức. Chư hiền, nếu Tỳ-kheo không lìa sự đắm nhiễm thức, không lìa sự tham muốn thức, không lìa sự luyến ái thức, không lìa sự khát khao thức thì vị ấy muốn được thức, truy tìm thức, đắm trước thức, trú vào thức và cho rằng thức chính là ta, thức là sở hữu của ta. Khi muốn được thức, truy tìm thức, đắm trước thức, trú vào thức và cho rằng thức chính là ta, thức là sở hữu của ta rồi thì thức bám víu thức. Khi thức bám víu thức rồi thì khi thức ấy biến đổi, thức cũng chuyển đổi theo. Khi thức chuyển theo thức rồi, vị ấy sinh khởi trạng thái lo lắng và tâm trú vào đó. Bởi tâm không biết nên sinh sợ hãi, phiền nhọc, do chấp thủ nên sợ hãi. Này chư hiền! Như vậy gọi là Tỳ-kheo do chấp thủ nên sợ hãi.”

Từ tất cả những điều được trình bày, kính mong chư vị thiện tri thức trong mười phương cùng quan tâm, chỉ giáo nhằm góp phần soi sáng thêm những ưu tư, trăn trở của chúng tôi trong quá trình truyền dịch kinh điển.



[1] ĐTK/ĐCTT, T.48, n0.2004, p. 0263b29: “依經解義。三世佛冤。離經一字。返同魔說.”

[2] Phân biệt quán pháp kinh 分別觀法經 (T. 01. 0026. 164. 0694b13). Tham chiếu: M. 138, Uddesavibhaṅga Sutta (Kinh Tổng thuyết và Biệt thuyết); S.22.7 - III.15.

[3] Bản dịch của Hòa thượng Tuệ Sỹ.

[4] ĐTK/ĐCTT, T.01, n0. 0026. p. 0694b19.

[5] Thọ (受), có gốc Pali là upādā (thủ), nhưng Hán cựu dịch là thọ (受) sau tân dịch là thủ (取).

[6] Bản dịch của Hòa thượng Tuệ Sỹ.

[7] Mahāsaṅgīti Tipiṭaka Buddhavasse 2500, Majjhima Nikāya 138, Uddesavibhaṅgasutta, vi bản https://suttacentral.net/mn138/pli/ms.

[8] Tam tạng thánh điển Phật giáo Việt Nam, Kinh Trung bộ số 138, Tổng thuyết và biệt thuyết, trang 1051, HT. Thích Minh Châu dịch.

[9] ĐTK/ĐCTT, T02, no. 99. p. 0010c22.

[10] Tam tạng thánh điển Phật giáo Việt Nam, Tương ưng bộ, kinh Chấp thủ và ưu não, trang 522, HT. Thích Minh Châu dịch.

[11] Anālayo, Madhyama-āgama Studies, trang 506.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
08/03/2015(Xem: 12917)
23/11/2010(Xem: 76091)
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?