Chương 6: Hành Đạo, Độ Sinh -03

23/05/20235:52 SA(Xem: 926)
Chương 6: Hành Đạo, Độ Sinh -03
HƯ VÂN NIÊN PHỔ
THƠM NGÁT HƯƠNG LAN
Kiến Châu – Như Thủy – Hạnh Đoan dịch
Nhà xuất bản Phương Đông


Chương 6
HÀNH ĐẠO, ĐỘ SINH

(TT)

 

DÂN QUỐC 2 – QUÍ SỬU (1913) 74 TUỔI

Chi nhánh Hội Phật Giáo Điền-Tạng1mới vừa thành lập đã gặp phiền phức. Do trong Hội khi xử lý tài sản cùng các khoản khác đều phải có chính quyền họp xử; nhưng Trưởng ban Dân chính La Dung Hiên, luôn tìm cách gây trở ngại làm khó.

Đô đốc Thái Tùng Pha hòa giải mãi mà không được. Đức Phật sống họp chúng bàn bạc rồi mời tôi tới Bắc Kinh, gặp Thống đốc Nội các là ông Hùng Hy Linh – nhờ nhiều người hỗ trợ, mới điều được La Dung Hiên về kinh, bổ nhiệm Khả Trùng làm Tuần án sứ. Tôi trở về tỉnh Điền, tận lực hộ trì gìn giữ các Phật sự trọng yếu.

DÂN QUỐC 3 – GIÁP DẦN (1914) 75 TUỔI

Đô đốc Thái Tùng Pha tỉnh Điền về kinh, Đường Minh Canh đến thay. Tôi muốn trờ về Kê Túc nghỉ hưu, nên giao việc Giáo hội cho người khác đảm nhiệm, về núi, tôi lo trùng tu chùa Hưng Vân và chùa Hạ Dương ở La Thuyên. Mọi việc xong xuôi, tôi đi các nơi giảng kinh theo lời mời của các Trưởng lão và đến Tuyết Sơn tham bái động Thái tử, qua Duy Tây xem A đôn tử, sang biên giới Tây Tạng tham quan 13 ngôi chùa của các vị Lạt-ma rồi quay về chùa  đến hết năm.

ĐỘNG ĐẤT Ở ĐẠI LÝ

Năm này tôi đang giảng kinh tại Long Hoa Sơn, thì 4 huyện trong phủ Đại Lý phát sinh địa chấn kinh hồn, tại Đại Lý là nặng nhất: nhà cửa thành quách đều nhất loạt sụp đổ không còn gì. Chỉ có chùa viện, bảo tháp là không đổ, vẫn đứng yên như cũ. Trong cơn địa chấn đất rung chuyển nứt nẻ trầm trọng, còn phát sinh lửa dữ cháy ngùn ngụt tràn lan. Người ta tranh nhau chạy tránh nạn, thì dưới chân đất bỗng nứt ra, làm họ bị lọt xuống mắc kẹt trong đó, họ cố hết sức trèo lên, nhưng vừa ló được cái đầu thì đất liền khép lại, cắt đầu đứt lìa thân thể họ, nằm mắc lại trên đất. Cảnh tượng hãi hùng nhìn giống như người đang sống mà bị hãm trong địa ngục lửa thiêu, thảm đến mắt chẳng nỡ nhìn.

Mấy ngàn hộ dân trong thành tử nạn gần hết, sống sót rất ít. Trong đây có hai tiệm vàng: Tiệm Vạn Xương của họ Triệu và tiệm Trạm Nhiên của họ Dương – khi lửa cháy đến nhà hai gia đình này thì tự tắt. Chỗ họ ở cũng không hề bị địa chấn. Nhân khẩu mỗi nhà có mấy mươi người, nhưng tất cả đều bình an vô sự. Nguyên do là hai họ này, đời đời ăn trường trai và hay làm phước bố thí nên mới chiêu cảm được quả lành hi hữu như vậy. Ai biết chuyện cũng đều xúc động.

Đại sự năm này:

Tháng 7, Âu Châu phát sinh đại chiến, Nhật Bản tấn công Giao Châu, Thanh Đảo.

DÂN QUỐC 4 – ẤT MÃO (1915) 76 TUỔI

Mùa Xuân, giới kỳ hoàn tất.

CHUYỆN NHÀ HỌ ĐINH

Tại huyện Đặng Xuyên, có thân sĩ họ Đinh từng làm chức Hiếu Liêm triều Thanh. Ông chỉ có một cô con gái, tuổi vừa 18, chưa từng ra khỏi nhà. Một hôm, cô đột nhiên ngã lăn ra chết giấc. Tỉnh dậy, cô đổi giọng đàn ông, chỉ mặt cha mình mắng to:

– Thằng họ Đinh kia! Ta là Đổng Chiêm Bưu ở Đại Lý, Tây Xuyên đây. Mi ỷ quyền cậy thế vu oan ta làm phỉ, hại ta mất mạng, mi còn nhớ không? Ta đã đầu cáo việc này với Diêm Vương và đã được phép báo mối thù tám năm qua.

Nói xong, cô cầm dao rượt cha. Cả nhà thất kinh Ông Đinh sợ quá, phải trốn đi nơi khác lánh nạn, chẳng dám về nhà. Con quỷ ngày nào cũng đến, hễ nó nhập vào thì cô gái hình dung cử chỉ đều biến đổi, cô trở nên hung bạo dữ dằn khiến cả nhà khiếp vía, hàng xóm đều bu lại xem. Lúc đó, tôi đang ở Kê Túc Sơn, sai hai sư Tố cầm, Tố Trị đến Đặng Xuyên lo công việc.

Hai thầy đi ngang qua nhà họ Đinh, chứng kiến cảnh này liền khuyên oan hồn họ Đổng:

– Xin đừng làm thế khiến đia phương này chẳng yên!

Con quỷ bất bình nói:

– Các ông là người xuất gia, đừng có xía vào!

Hai thầy liền giải thích:

– Đành là chúng tôi cùng ông không liên quan gì, nhưng Sư phụ chúng tôi dạy: “Oán thù nên giải, không nên buộc”, thù hận càng kết càng sâu, bao giờ mới hết?

Con quỷ ngẫm nghĩ hồi lâu, rồi hỏi:

– Thầy các ông là ai?

– Là Hòa thượng Hư Vân, Trụ trì chùa Chúc Thánh.

Quỷ nói:

– Tôi cũng có nghe danh, nhưng chưa được gặp Ngài, chẳng biết Ngài có chịu truyền giới cho tôi không?

Hòa thượng là bậc đại từ đại bi, sẵn lòng độ hết những chúng sinh đau khổ, lẽ nào không chịu?

Hai vị Tăng bèn quay qua khuyên gia đình họ Đinh nên xuất tiền cầu siêu cho oan hồn họ Đổng kia. Con quỷ căm giận nói:

– Hắn làm chuyện thương thiên hại lý, tôi đếch cần tiền của hắn!

Vậy thì để người dân địa phương này bỏ tiền ra lo cho ông cho vùng này được an nhé…

Giọng con quỷ bỗng trở nên căm phẫn:

– Thù này không trả, hận tôi khó nguôi! Đã có thù thì phải báo, cớ sao phải ngừng? Hãy để tôi đi thỉnh ý Diêm vương xem sao đã… Ngày mai, hai Thầy đến đây đợi tôi.

Nói xong con quỷ đi mất. Cô gái tỉnh dậy, tỏ vẻ e thẹn, đi vào nhà. Hôm sau, con quỉ đến rất sớm, còn hai vị Tăng đến trễ. Nó trách họ thất tín. Hai thầy giải thích do phải trở về thưa chuyện với Sư phụ. Quỷ nói:

– Tôi thưa với Đại vương rồi, Ngài bảo rằng chùa Chúc Thánh là một đạo tràng rất tốt và cho phép tôi đi, nhưng hai Thầy phải đích thân dẫn tôi tới đó.

Thế là hơn chục vị thân sĩ ở địa phương đi theo hai Thầy cùng đưa con quỉ lên chùa. Chiều tối thì đến nơi, họ trình bày mọi chuyện. Hôm sau, tôi làm lễ tụng Kinh truyền giới. Mọi việc được an từ đó. Chứng kiến sự việc này, hàng nhân sĩ ở Đặng Xuyên liền lập hội, cùng đến chùa tu học lễ sám.

Đại sự năm này:

Nhật Bản lập ra 21 điều kiện, buộc ta phải thừa nhận.

DÂN QUỐC 5 (1916) BÍNH THÌN 77 TUỔI

Từ lúc cư sĩ Cao Vạn Bang hộ tông Ngọc Phật đem đi gởi đến nay đã mấy năm., tôi nghĩ đến lúc nên đón về, bèn qua Nam Dương. Nghe người phương này, phần nhiều tin Phật, tôi bèn thân hanh đến các vùng Chưởng-đạt man, cẩm-oa, Tán-lạp-tán để tham quan. Sau đó tôi đến Ngưỡng Quang lễ tháp Đại Kim rồi đi thăm Cao cư sĩ.

Đi Tân Gia Ba

Giảng kinh tại chùa Long Hoa xong, tôi lên thuyền đi Tân Gia Ba. Thuyền đến Tân Nhai, có viên quan ngoại quốc đến nói:

– Bạn tôi là Đại Tổng thống vừa lập đế chế ở Trung Quốc, ra lệnh bắt bọn phản loạn. Bất cứ kiều dân nào đến đây đều phải khám xét kỹ rồi mới được phép đi!

Thế là mấy trăm thuyền viên được đưa vào đồn tra hỏi, riêng tôi và sáu vị Tăng thì bị giữ lại, họ gán cho cái tội là theo cách mạng và trói gô lại tất. Hết đánh đập tra khảo, thì đem chúng tôi ra phơi nắng, cấm không cho cử động, hễ nhúc nhích là bị đánh và không cho ăn uống hay đi đại tiểu tiện chi cả. Họ hành hạ suốt từ 6 giờ sáng đến 20 giờ đêm. Lúc này, các vị đệ tử qui y với tôi là Hồng Thạnh Tường, Đồng Lão… hay tin, liền đến bót bảo lãnh. Phải nộp tiền thế thân cho mỗi người năm ngàn đồng, họ mới ký giấy thả. Tôi đến tiệm Thạnh Tường  qua năm và lo việc chở Ngọc Phật về.

DÂN QUỐC 6 ĐINH TỴ (1917) 78 TUỔI

Mùa Xuân, từ Đình Quan Âm, chúng tôi bắt đầu chở Ngọc Phật đi. Thuê tám người khiêng, giao hẹn rõ ràng là khi tượng đến núi Kê Túc, thì thanh toán hết phí tổn. Lộ trình này phải đi qua một đoạn đường gập ghềnh cheo leo trên núi, tốn mất mấy mươi ngày. Đường này chưa ai qua. Ngày nọ, lúc đến núi Dã Nhơn, những người khiêng thuê nghi là trong tượng Phật có giấu tiền vàng chi đó, bèn hạ tượng xuống đất, nói là khiêng không nổi nữa, ý họ muốn tăng thù lao lên gấp đôi. Tôi an ủi, năn nỉ, khuyên họ hãy cố lên. Song họ trở mặt hiện vẻ rất hung tợn, tình thế thật bất lợi. Tôi biết không thể cãi lý với họ, chợt thấy ven đường có tảng đá to, nặng gấp hai ba lần tượng Phật (độ mấy trăm cân), tôi liền bảo họ:

– Tảng đá này so với tượng Phật, bên nào nặng hơn?

Họ đáp:

– Đá nặng gấp mấy lần!.. Tôi bèn đưa hai tay nhấc bổng hòn đá lên khỏi mặt đất. Bọn họ le lưỡi, cảm phục. Bấy giờ họ mới chuyển sang hiền hòa, mềm mỏng, xá tôi và khen:

Hòa thượng quả là Phật sống!

Họ chẳng còn đòi hỏi gì nữa. Lẳng lặng khiên Ngọc Phật đến núi.

Tôi cũng thưởng cho họ rất trọng hậu. Tôi thầm nghĩ sức mình đâu có mạnh dữ vậy? In như là có thần trợ giúp.

Sau đó, tôi đến các chùa Bảo Sơn, Đằng Xung giảng Kinh.

DÂN QUỐC 7 MẬU NGỌ (1918) 79 TUỔI

Đô đốc Đường Kế Nghiêu phái người mang thư đến, cùng Tri sự huyện Tân Xuyên vào núi mời thỉnh mấy lần, bất đắc dĩ tôi phải đến Côn Minh. Lúc này đường đi khó khăn, lắm tai nhiều nạn. Huyện có cho xe và binh lính đến rước để hộ tống tôi đi, nhưng tôi từ chối hết, chỉ mang theo một cái nón, một dao cạo, một bộ cà-sa, rồi cùng đồ đệ Tu Viên lội bộ lên đường.

Ông là người ở đâu?

Đến giữa đuờng Sở Hùng, thì gặp bọn phỉ. Họ khám xét thấy phong thư của ông Đường gởi tôi nên tức giận nạt nộ giương oai, khảo, đánh. Tôi nói:

– Đừng đánh, hãy cho tôi gặp Tổng tư lệnh của các ông.

Thế là các thủ lãnh như Dương Thiên Phước, Ngô Học Hiển bước ra, quát:

– Ông là người ở đâu?

Tôi đáp:

– Là Sư ở núi Kê Túc.

– Tên gì?

Hư Vân.

Đi lên tỉnh làm gì?

Làm Phật sự.

Phật sự là cái quái gì?

– Cầu tiêu tai nạn cho nhân dân.

Bọn họ nạt:

– Đường Kế Nghiêu là thổ phỉ, sao ông lại giúp hắn? Hắn là kẻ xấu, ông mà chơi với hắn thì ông cũng là kẻ xấu luôn!

– Các ông kết luận như vậy, thật là khó nói.

– Tai sao khó nói?

– Nếu nói về mặt tốt thì ai cũng tốt, nói về mặt xấu thì ai cũng xấu.

– Vậy là ý gì?

– Nghĩa là các ông cùng với họ Đường, nếu ai cũng một lòng vì dân vì nước, lo tạo phúc cho nước, cho muôn dân, bá tánh… Thậm chí cả đến thuộc hạ của các ông cũng làm được vậy thì chẳng phải là ai cũng tốt hết sao? Còn nếu nói về xấu? – Các ông bảo họ Đường là xấu, họ Đường cũng nói các ông không tốt! Ai cũng mang thành kiến, khư khư giữ cái chấp riêng rồi kình chống nhau như nước với lửa, để xảy ra họa binh đao, làm khổ đến dân chúng. Như vậy thì chẳng phải là ai cũng xấu hết ư? Còn dân chúng, hễ theo bên này thì bị mắng là thổ phỉ, theo bên kia thì bị gán là giặc, chẳng phải là quá tội nghiệp cho họ sao?…

Cả bọn nghe nói, thảy đều bật cười. Ngô Học Hiển bảo:

– Thầy phân tích rất đúng, vậy chúng tôi phải làm sao mới ổn?

– Theo tôi, các ông không nên gây chiến mà hãy chấp nhận chiêu an.

– Làm vậy khác nào kêu chúng tôi đi đầu hàng?

– Không phải thế! Tôi nói: – “Chiêu an” – Là vì các ông đều là những bậc hiền tài – Chiêu: – tức là mời các bậc hiền sĩ của nước nhà góp tài góp sức giúp ổn định địa phương, an nước, an dân. Chỉ cẩn các ông đừng nghĩ đến lợi riêng, đoàn kết giúp nước, vậy chẳng phải là rất tốt hay sao?

– Thế thì chúng tôi phải đi đến đâu để tiến hành việc này?

– Đi tới chỗ ông Đường đế thu xếp.

Ngô phản đối:

– Không! Không được, ông Đường đã giết và bắt giam rất nhiều người của tôi. Tôi đang muốn tìm ông ta báo thù, giờ bảo phải hàng ông ta ư? Đừng hòng!

Tiên sinh chớ có hiểu lầm, tôi nói đến ông Đường thu xếp là vì sao?- Vì ông ta hiện là quan xử lý mọi việc của Trung ương, nắm quyền hành chính trong tay. Tương lai các ông cũng là quan Trung ương. Ông Đường đã giết nhiều người của ông, thì chuyến đi làm Phật sự lần này của tôi mục đích là để cầu siêu cho các binh sĩ trận vong. Thậm chí cả những người bị bắt giam, lần này đến tôi sẽ xin ông ta đại xá, phóng thích hết. Như vậy thì người của các ông cũng được thả. Nếu các ông không nghe lời tôi khuyên, chuyện chiến chinh xưa nay thắng bại rất khó định. Các ông và ông Đường đều có lực lượng và binh quyền riêng, nhưng xét về thực lực các ông khó thể so bì với ông ta. Bởi ông Đường có người, có tài sản, có quân lính bổ sung và có hậu thuẩn từ chính phủ Trung ương. Do vậy ông ta phải mạnh hơn các ông nhiều. Thật ra hôm nay tôi không hề có ý kiếm các ông để chiêu an. Chỉ là tình cờ đi ngang qua đây, gặp nhau thế này cũng là có duyên với nhau. Nếu các ông chịu vì nước ngưng đấu tranh để cho nhân dân sống an lạc, thì kẻ tu hành này không tiếc lời mà dốc sức thương thuyết giúp cho vậy.

Hai ông Dương và Ngô nghe tôi phân tích, cảm động lắm, thảy đều đề nghị tôi làm đại biểu giùm.

Tôi nói:

Đại biểu thì tôi chẳng dám. Các ông cứ đưa điều kiện của mình ra, tôi sẽ nói với ông Đường.

Sau một hồi thương nghị bàn bạc họ đưa ra sáu điều kiện:

1. Trước khi chiêu an, phải thả hết những người của chúng tôi.

2. Không được bắt chúng tôi giải tán binh lính.

3. Không được bãi bỏ chức quyền chúng tôi.

4. Đội ngũ của chúng tôi phải do chúng tôi quản lý.

5. Việc hai bên giao chiến trong quá khứ, không được truy cứu.

6. Sau khi chiêu an, binh lính hai bên phải được đãi ngộ bình đẳng.

Tôi nói:

– Xem các điều kiện này, tôi nghĩ không thành vấn đề. Sau khi thương lượng với ông Đường xong, sẽ  tin cho các ông.

Ngô nói:

– Thật làm phiền Sư phụ quá. Nếu mọi việc tốt đẹp, chúng tôi mang ơn Ngài lắm.

– Không có chi, tôi cùng thuận đường đến đó mà.

Dương, Ngô đối với tôi rất ưu ái, Tối hôm ấy, họ cùng bàn thêm nhiều việc khác, tỏ vẻ rất hoan hỷ và khẩn khoản mời tôi lưu lại doanh trại, nhưng tôi do công việc bề bộn nên sáng hôm sau đã vội cáo từ lên đường. Họ dọn điểm tâm mời tôi xong thì lo chuẩn bị xe ngựa, lộ phí, vật thực và phái người hộ tống tôi, nhưng tôi từ chối hết, chỉ nhận thực phẩm đi đường.

Xin Bồ-tát tha thứ cho con

Ra khỏi doanh trại chừng 250m thì thấy nhiều người quỳ gối trên đường hướng về tôi lạy như tế sao. Nhìn kỹ thì là những binh lính đánh tôi ngày hôm qua, họ run sợ, rối rít nói:

– Xin Bồ-tát tha thứ cho con.

Tôi bèn an ủi, khuyên họ nên làm lành lánh dữ. Họ đều cảm động rơi lệ.

Tôi đến Côn Minh, Đường phái người đón tiếp nồng hậu. Tôi ở chùa Viên Thông, đến chiều mới gặp nhau.

Đường nói:

– Tôi và Ngài đã mấy năm không gặp. Bà nội, phụ thân, xá đệ, cùng các người trong họ… đều lần lượt qua đời, lòng tôi thật bất an. Lại thêm bọn phỉ quấy rối vùng biên địa, dân không biết nương vào đâu mà sống. Tướng sĩ thương vong, cô hồn vất vưởng. Vì vậy, tôi muôn tổ chức ba việc sau:

1. Lập một đạo tràng lớn, cầu tiêu tai giải nạn, siêu độ cho các vong linh.

2. Xây dựng Đại Tùng Lâm tại chùa Viên Thông để hoằng dương Phật pháp.

3. Lập một Trường Đại Học thật tốt để giáo dục thanh niên.

Việc thứ ba tôi đã có người lo, song hai việc đầu thì ngoài Ngài ra, khó ai đảm đương.

Tôi nói:

– Ông có chí nguyện rộng lớn như thế thật là hiếm có trên đời, phải là Bồ-tát mới phát tâm được như thế. Kiến thức của tôi cạn cợt, không đủ sức để lập Tùng lâm. Trong nước ta hiện có nhiều vị cao đức. Chùa Viên Thông không phải là đất để xây dựng Tùng lâm, vì chúng trụ ở đây không hơn trăm vị. Muốn làm Phật sự cần phải khảo sát kỹ, vì thời gian không có nhiều, không nên kéo dài gây lắm mệt nhọc.

Đường thưa:

– Ngài nói địa thế chùa Viên Thông không hợp lập Tùng lâm, thật là nhìn xa trông rộng, vậy thì để sau hẵng tính. Còn việc lập đàn cầu tiêu tai sẽ phải tổ chức như thế nào?

Tôi nói:

Tâm Phật đồng một thể, cảm ứng giao nhau. Ông tổ chức việc này là vì nước vì dân, cõi âm lẫn dương đều được lợi ích. Theo thiển kiến của tôi thì trước khi làm Phật sự, xin ông hãy thực hiện ba điều:

1. Ngày bắt đầu cử hành Đại lễ, (Khai đạo tràng tụng Kinh) hãy ban hành lệnh cấm sát sinh.

2. Ân xá tù nhân.

3. Chẩn tế cho kẻ nghèo.

Đường nói:

– Điều một và ba, tôi làm được, nhưng riêng khoản hai thì thuộc bên Tư pháp Trung ương, tôi không thể tự quyết định.

Quốc gia nhiều việc, Trung ương đâu thể xem xét hết, ông chỉ cần bàn bạc với Ty Pháp Lý là có thể tiến hành, để đón thiên ân.

Đường bằng lòng. Tôi nói:

– Tôi còn một việc muốn báo cáo. Rồi tôi đem chuyện gặp Dương Thiên Phước, Ngô Học Hiển trên đường, thuật lại tỉ mỉ và khuyên Đường nên nhân dịp đại xá tù nhân này mà phóng thích những người của họ để tiện bề cảm hóa. Đường nghe nói, hoan hỷ lắm, lập tức tiến hành việc phóng thích và chiêu an.

Tôi  lại Viên Thông đến hết năm.

Năm này:

Châu Âu kết thúc thế chiến thứ nhất.

DÂN QUỐC 8 – KỶ MÙI (1919) 80 TUỔI

Mùa xuân, tôi lập đạo tràng Thủy Lục tại Đền Trung Liệt, Côn Minh. Khi Pháp hội bắt đầu khai lễ, Đường phóng thích hết tù nhân và cấm sát sinh. Trong lúc mở pháp hội, Đường phái người đến thương lượng việc chiêu an cùng Ngô, Dương. Phong cho họ làm Đại đội trưởng. Từ đó địa phương này được an ổn, hai vị Ngô, Dương trước sau không hề đổi lòng.

Nến thắp trong đạo tràng đều nở hoa

Chuyện lạ lùng nhất là, khi pháp hôi Tiêu Tai vừa khai, tất cả ngọn nến thắp trong đạo tràng đều nở hoa, giống như hình hoa sen, sáng rỡ, nhìn rất đẹp mắt. Thiện nam tín nữ vây quanh chiêm ngưỡng, thảy đều cảm động tán thán. Trải qua 49 ngày, pháp hội kết thúc. Lúc làm lễ tiễn đưa chư Thánh, thì bỗng thấy tràng phan bảo cái hiện hình giữa không trung, bay phất phới trong mây. Toàn thành đều chứng kiến cảnh này, đồng xúm nhau lễ tạ. Mọi việc hoàn tất, Đường mời tôi về tư thất, tụng Kinh cầu siêu cho thân quyến ông. Tận mắt thấy điềm lành, cả nhà phát đại tín tâm, đồng xin quy y. Tôi ở lại Côn Minh hết mùa đông.

DÂN QUỐC 9 – CANH THÂN (1920) 81 TUỔI

Sang xuân, ông Đường mời tôi lập Đạo Tràng Thủy Lục. Công việc hoàn tất, tôi tiếp tục giảng Kinh tại Tây Sơn Hoa Đình Tự, một ngôi chùa cổ ở Côn Minh. Nơi đây phong cảnh rất đẹp, nhưng Tăng không thể trụ trì, ngày một hoang phế. Gần đây, có người định đem bán cho người Âu làm câu lạc bộ, chính phủ địa phương đã phê chuẩn. Tôi thấy tiếc nên ngỏ ý với ông Đường, xin ông bảo tồn ngôi danh lam thắng cảnh này, Đường nghe lời tôi, âm thầm bàn tính với Vương Cửu Linh và Trương Chuyết Tiên, đích thân viết hồng thiếp, thiết trai cung thỉnh, mời tôi đến ở và trùng hưng chùa Hoa Đình. Ông nài thỉnh ngót ba lần, tôi mới nhận.

Cuối năm, Đường từ bỏ nhiệm sở sang Hương Cảng.

Phần phụ ghi của Sầm Học Lữ:

Hãy từ bỏ hư danh để bảo tồn thực lực

Mùa thu năm nay, tướng quân tỉnh Điền là Cố Phẩm Trân âm mưu đảo chánh Đường Kế Nghiêu để đoạt quyền chấp chính tỉnh Điền. Đường hiện nắm trong tay hơn 20 đoàn quân dự bị hùng mạnh, nhưng vì tin kính Sư nên trong đêm khuya ông bí mật đến chùa bái kiến mật thỉnh ý Ngài. Sư dạy:

– Ông tuy được lòng dân nhưng chưa thu phục được hết lòng tướng sĩ tỉnh Điền. Nếu để họa binh đao xảy ra, e rằng cả hai bên đều tổn hại. Chi bằng ông hãy từ bỏ hư danh để bảo tồn thực lực, đợi duyên ngày sau.

Đường vâng lời, liền từ chức nhường cho Cố Phẩm Trân, ngay trong đêm ba mươi tháng chạp Đường qua An Nam rồi sang Hương Cảng.

(Việc này, Sư đã thuật lại trong Niên Phổ nhưng không kể rõ chi tiết. Cách đây mười năm, lúc hầu cận bên Sư, biên giả từng được nghe Ngài kể lại nên ghi bổ sung thêm vào đây).

CẶP NGỖNG Ở CÔN MINH

Năm nay, cư sĩ Trương Chuyết Tiên đem đến một cặp ngỗng phóng sinh ở chùa Vân Thê, Côn Minh; thỉnh tôi quy y cho chúng. Khi làm lễ, cặp ngỗng đều cúi đầu lắng nghe. Thuyết giới xong, chúng ngẩng đầu lên như vui mừng. Từ đó, chúng thường theo người lên điện Phật. Thấy chúng Tăng tụng niệm thì đứng nhìn, lắng nghe, khi người đi nhiễu Phật, chúng cũng làm theo. Lâu ngày, không thay đổi, ai thấy cũng mến. Được ba năm, một hôm, con ngỗng mái đứng trước cửa chánh điện, đi nhiễu ba vòng, ngẩng đầu lên nhìn Phật, rồi thoát xác, lìa trần. Hình dạng cánh lông vẫn không đổi sắc, nó được bỏ vào hộp cây đem chôn. Con ngỗng trống còn lại không ngừng cất giọng bi thương, ý chừng rất nhớ bạn, nó bỏ ăn ngót mấy ngày, rồi cũng đến trước điện, đứng nhìn Phật thật lâu, giương cánh vỗ mấy cái rồi mẫt. Nó cũng được bỏ vào hộp đem chôn chung một huyệt với ngỗng mái.

Ông Trương bèn làm bài văn ghi chuyện vãng sinh của đôi ngỗng chùa Vân Thê:

“Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có thể làm Phật. Do lầm mê, quên bản tánh, tạo nghiệp sai lầm nên mới sinh vào đường ác, luân hồi trong ba cõi không có lúc dừng. Chúng ta may mắn được sinh vào cõi người, song từ nguồn cội so với mọi loài chúng sanh vốn là bình đẳng. Vì vậy không thể nhìn vào hình dạng khác nhau bên ngoài mà phân biệt. Như cặp ngỗng kia. miệng không ăn mặn, đi có trật tự, sống thủy chung với một bạn đời. Đại sư Liên Trì gọi chúng là đạo nhân, cũng là một loài chim khác thường vậy.

Chuyết Tiên tôi vốn thích nuôi ngỗng, nhưng vì không có đất, nên mang chúng đến chùa Văn Thê. Chùa có nuôi đàn gà phóng sinh, đa số đều bị chồn cáo bắt ăn thịt. Nhờ có đôi ngỗng, nạn chồn cáo giảm hẳn đi. Ngoài cửa chùa có đào ao phóng sinh, tôi thấy đôi ngồng hằng ngày bơi dạo trong ao, tối đến thì đi rảo canh ba cửa, rất đắc lực.

Mùa hạ năm nay, tôi đến chùa không thấy ngỗng, hỏi thăm Hòa thượng Hư Vân, Ngài bảo:

Công đức phóng sinh của cư sĩ không thể nghĩ bàn. Tháng trước, thời khóa sớm tối nào cũng thấy đôi ngỗng đứng sửng trước cửa diện, ngẩng đầu chiêm ngưỡng Phật không chớp mắt. Khi nghe chúng Tăng niệm Phật thì ngỗng giương cánh kêu to, vẻ rất hoan hỷ. Một hôm, con ngỗng mái đứng kêu to vài tiếng rồi nhắm mắt. Đại chúng bèn chôn nó ngoài chùa. Con ngỗng trống bỏ ăn hết mấy bữa, cũng không xuống hồ bơi nữa, tiếng kêu buồn bã ai oán. vẻ rất thống khổ, nhưng mỗi ngày nó vẫn lên điện chiêm ngưỡng Phật như trước. Sư Duy na thấy nó sắc nhợt nhạt, hình dung tiều tụy, không còn đẹp như trước, bèn đánh chuông dạy: “Con buồn vì mất bạn à? Đã biết chiêm ngưỡng Phật thì nên niệm Phật A Di Đà cầu sinh về Cực Lạc, dừng tham tiếc cái thân khổ não này, đại chúng sẽ giúp con niệm, nào: “Nam Mô A Di Dà Phật ”, con cần phải tịnh tâm nghe, tưởng nhớ đến. Cứ mỗi tiếng chuông là con niệm một tiếng Phật nhé”. Niệm được khoảng mấy chục tiếng thì ngỗng cúi thấp đầu xá Phật, xong đứng dậy đi nhiễu ba vòng, giương cánh vỗ một cái rồi xếp cánh co chân, nghiễm nhiên mà mất. Con ngỗng này nhờ duyên lành mà thoát được huyễn thân trong chớp mắt, trong khoảng một niệm được liễu sinh thoát tử, chẳng hổ danh Đạo nhân. Trường hợp này đâu thể nói chúng là loài chim tầm thường?

Thế nên, mang thân người, được nghe danh Phật và tin hiểu pháp môn Tịnh độ, niệm Phật nhiều năm. Quang âm thấm thoát, đến lúc mạng chung có thể giữ tâm không điên dảo, ý chẳng tham mê, nhất niệm chuyên tâm, công phu đắc thành…

Phải biết vãng sinh Tây phương là việc không dễ. Huống chi, loài ngỗng không có lưỡi để nói như chim Anh Vũ, chẳng biết ngày thường trong tâm chúng có siêng niệm Phật hay chăng? Cái chết của con ngỗng mái, đại chúng không để ý đến những thay đổi. Nhưng đến phiên con ngỗng trống, nghe nó niệm Phật mấy mươi tiếng, đi nhiễu ba vòng, vỗ cánh đứng yên mà mất. Mới biết ngỗng đến chùa ở được ba năm, sớm tối dược nghe tụng kinh niệm Phật, chắc tính giác đã được khai mở, cho nên chỉ trong hơn một tháng, ngẩng đầu quán Phật, nhờ nhất tâm quán tưởng chiêm ngưỡng tượng Phật, nương Phật lựcđược giải thoát.

Tôi thẹn mình không bằng chúng, chẳng thể im lặng bỏ qua, xin làm bài minh ghi vào đá để khuyến khích người sau.

Năm Canh Thân, Cư sĩ Hoằng Tây Trương Chuyết Tiên (Trương Phác) soạn.

DÂN QUỐC 10 TÂN HỢl (1921) 82 TUỔI

Từ khi Cố Phẩm Trân lên làm Đô đốc tỉnh Điền vào đầu xuân này, thì tháng 2 trời làm mưa liên miên không dứt, nước ngập đến nỗi có thể bơi thuyền trong thành. Mỗi ngày, ở trên thành, binh lính đều chỉa súng Đại bác bắn ầm ầm lên trời hòng xua tan mây mù nhưng vô hiệu. Từ tháng 7 trở về sau, trời không còn mưa dầm nữa mà chuyển sang hạn hán ngót mấy tháng ròng. Ngay cả vào mùa đông mà lòng sông cũng bị khô cạn, tình hình thiếu nước kiểu này, xưa nay chưa từng thấy xảy ra. Thêm nữa, vào tiết thu mà trời lại nóng bức đến nỗi dịch đau yết hầu bộc phát, làm chết mấy ngàn người. Lúc này tôi mới đến chùa Hoa Đình ở chung với Cụ Hành2 Thượng nhơn. Gặp phải năm xấu như thế này, mọi việc đành phải tạm hoãn lại.

HÓA ĐỘ GIA ĐÌNH HỌ TÔN

Một sáng nọ, chúng tôi cùng đi vào thành, quá trưa mới quay về. Khi ngồi nghỉ mát dưới một cội cây trên đường, thì tôi nhặt được một cái bao, mở ra xem thấy bên trong có các vật trang sức bằng vàng, ngọc như: vòng đeo tay, trâm cài tóc và tám ngàn đồng tiền Vân Nam và hơn vạn quan tiền Pháp. Kiểm tra xong, tôi gói lại, đợi ngươi đến hỏi. Trời sụp tối, thấy đường về còn quá xa nên tôi đành phải đem cái túi ấy theo, định sáng mai sẽ đăng báo tìm khổ chủ. Gần đến chân núi, bỗng thấy một cô gái nhảy xuống sông, chúng tôi tức tốc nhảy theo. Cô gái mặc dù đang chìm vẫn không đồng ý để chúng tôi cứu, chúng tối phải dừng hết sức mới lôi được cô lên bờ. Nhưng cô cứ đòi chết mãi, chúng tôi ép cô phải đi về chùa vì trời đã tối lắm rồi. Về chùa, cho cô thay đổi y phụcăn uống, nhưng cô không ăn. Dỗ dành, an ủi mãi, cô mới khai mình họ Châu, người Trường Sa, sinh trưởng ở Vân Nam.

Năm 18 tuổi, cha mẹ cô mở tiệm thuốc Phúc Xuân trong thành, cô là con một. Khi đó có ông Sư Đoàn Trưởng họ Tôn tìm đến nhà cầu hôn, bảo là mình chưa có vợ; cha mẹ cô tin, chịu gả. Đám cưới xong, mới hay ông Tôn đã có vợ rồi, cô biết bị lừa nhưng đành chịu vì chẳng biết làm sao hơn. Người vợ cả của ông Tôn tính rất hung ác, thường tìm đến đánh đập cô tàn nhẫn. Cha mẹ ông Tôn có can thiệp mà không được. Song thân cô thì quá sợ thế lực của ông Tôn, khiến cô lâm vào cảnh muốn sống chẳng được, muốn chết không xong. Do vậy, cô mới đánh liều gom góp ít tư trang tiền của lẻn trốn đi, định tới núi Kê Túc tìm Hòa thượng Hư Vân xin xuất gia. Cô không rành đường nên đi ròng rã mất hai ngày trời, lúc nào cũng phập phồng lo, sợ bị người đuổi theo. Không may, cô làm mất túi tiền. Bây giờ thì, không chết cũng không được.

Tôi hỏi cô về những đồ vật bị mất, cô tả đúng y. Tôi an ủi cô rồi nhờ pháp sư giảng về đại ý của việc qui y Phật cho cô nghe. Qua ngày sau, tôi báo tin cho hai họ Châu, Tôn hay. Cha mẹ chồng, ông Tôn Đoàn trưởng, bà vợ cả, song thân cô, cùng họ hàng thân tộc kéo đến mấy chục người, vào chùa phân trần, giải thích… Tôi thuyết pháp cho họ nghe. Người chồng và bà vợ cả quỳ trước điện Phật, ăn năn sám hối lỗi xưa, cùng ôm nhau mà khóc, ai trông thấy cũng xúc động. Họ ở chùa ba hôm, nam nữ già trẻ mấy chục người đều phát tâm quy y, xin thọ Ngũ giới, rồi cáo từ.

DÂN QUỐC 11 (1922) NHÂM TUẤT – 83 TUỔI

Năm này, khởi công trùng tu chùa Hoa Đình (Vân Thê), trên bờ Hồ Tây, Côn Minh, thuộc vùng núi Bích Kê.

Nguyên Thái tử thứ hai của vua A Dục đã đến nơi này, nhìn thấy một bầy chim Phượng màu xanh biếc dừng lại đây tu và thành đạo, hiệu là Thần Bích Kê, do đó mà núi mang tên này. Các đỉnh núi dựng đứng như bình phong, chùa tên Hoa Đình. Nguyên trước đây do Thiền sư Huyền Phong (đắc phápTây Thiên Mục), cùng Quốc sư Trung Phong Bổn đến nơi này khai sơn, đặt tên là Viên Giác, người sau lại gọi theo tên núi, nên đổi thành Hoa Đình.

VÂN THÊ

Mây năm trước, vùng này định đem bán cho người nước ngoài, tôi thấy tiếc nên nói với ông Đường, ông bèn mua lại và mời tôi đến trụ trì để lo việc trùng tu. Lúc đào đất được một tấm bia cổ có tên Vân Thê3, phần niên đại thì không đọc được, về sau, tôi mang tấm bia, khẳm vào tháp Hải Hội.

Thái sử Trần Du Phủ đem hoa viên của mình hiến cho Trường Nông Lâm đổi lấy nền đất của chùa Thắng Nhân, lập thành Hạ viện chùa Vân Thê. Tôi xây điện đường, liêu phòng và sửa chùa Thái Hoa, chùa Tùng Ân, cất chùa Chiêu Đề  dưới chân núi, đổi tên làng thành là Chiêu Đề Thôn.

Xử lý của rơi

Khi đi tìm gỗ trong rừng sâu, tôi nhặt được một gói đồ trong có tiền vàng, tiền bạc trị giá trên hai trăm ngàn đồng, bèn đem cho Viện Chẩn Tế của chính phủ. Mọi người bàn là chùa đang nghèo sao không sung vào của thường trụ? Tôi nói:

– Phật dạy, tu sĩ không được nhặt của quý, nay đã nhặt của rơi, tức là đã phạm giới, đem về chùa càng thêm trái. Hàng cư sĩ còn xả bỏ tài vật để gieo trồng phước điền, Tăng chúng thiếu lương thực thì có thể đi khuyến hóa, còn nhặt của rơi mà đem về chùa thì bần đạo không dám.

Đại chúng khen phải, đồng ý đem cho Viện Chẩn Tế.

Lập đàn cầu mưa

Tỉnh Điền bị hạn hán liên tiếp mấy năm liền, nhân dân bệnh khổ, dịch đau yết hầu hoành hành, người chết vô số. Bấy giờ từ tướng lãnh đến hàng sĩ dân, ai nấy đều nhớ đến công đức của Tỉnh trưởng Đường Kế Nghiêu, họ họp nhau bàn bạc và thỉnh cầu ông về nhậm chức lại. Thế là ông Đường về phục chức. Ông đến thăm chùa, thỉnh tôi lập đàn cầu mưa. Tôi cầu ba ngày, trời đổ mưa tầm tã nhưng bệnh đau yết hầu vẫn chưa hết. Ông Đường nói:

– Con nghe nói tuyết có thể làm dứt bệnh đau yết hầu, nay trời đã cuối xuân, làm sao có tuyết được?

Tôi bảo:

– Tôi sẽ lập đàn tràng, còn ông phải hết lòng cầu khẩn.

Đuờng bèn trai giới, tôi lễ tụng. Hơn một ngày sau, tuyết rơi dày hơn 30cm, dịch đau yết hầu liền chấm dứt. Mọi người đều tán thán Phật pháp mầu nhiệm khó nghĩ khó bàn.

DÂN QUỐC 12 (1923) QUÍ HỢl – 84 TUỔI

Năm này, khởi công sửa tháp Hải Hội cho bảy chúng. Khi tiến hành việc kiến trúc, đào đất sâu hơn một trượng thì phát hiện một quan tài, trên đó viết: “Lý Thái Phu Nhân ở đất Phan Dương, năm Gia Tĩnh thứ 4 (1525)” Mở nắp xem thấy thân thể, mặt mũi như còn sống. Đem thiêu thấy trong lửa hiện hình hoa sen. Tôi cho nhập tháp dành cho cư sĩ nữ.

Bên hữu chùa, có nhiều ngôi mộ cổ, nằm lộn xộn ngổn ngang. Khi tháp Hải Hội hoàn thành, tôi bốc cốt cho nhập tháp hết. Trong đây, có một ngôi mộ, bia ghi thế này:

TỲ KHEO ĐẠO MINH

“Năm Đạo Quang (1821), Tỳ kheo Đạo Minh do bị liệt chân từ thuở bé nên cha mẹ đem bỏ vào chùa. Sau khi thọ giới Cụ túc, Sư phát tâm lạy Đại Bi Sám Pháp, trì Thánh hiệu Đức Quán Thê Âm. Một đêm, Sư mộng thấy Bồ tát Quán Thê Âm bảo: – “Nước đã có sẵn, hãy đi tắm”. Sư tắm xong, không thấy Bồ tát nữa nhưng hai chân cảm thấy nhẹ khỏe. Sáng dậy, có thể bước xuống, đi bộ như người thường. Từ đó, trí huệ Sư mỗi ngày một sáng. Nhân đây mà suốt đời Sư luôn trì Thánh hiệu của Bồ tát Quán Thế Âm”…

(Nhìn quan tài Sư bị mối ăn, tạo thành hình một cái tháp vuông nhỏ 7 tầng, đủ biết đây là một vị Trụ trì xứng đáng. Lại đào được một hũ xương, có màu hoàng kim, xương dầy chừng một tấc, bộ xương đầu cân nặng 7 cân rưỡi. Niên đại không rõ).

Phụ ghi:

SỐNG THIỆN ĐƯỢC PHƯỚC

Hồ Tây  Vân Nam, Côn Minh, nhằm ngày lễ hội nên rất tưng bừng náo nhiệt, người du ngoạn nườm nượp. Năm Dân Quốc thứ 12, có gia đình Trần Tiểu Phủ cùng quyến thuộc đi trẩy hội, cả thảy 30 người đồng mua vé lên thuyền đi chơi. Mọi người đều đã lên thuyền hết, chỉ duy nhất thằng cháu nội mới sáu tuổi, là lộ vẻ rất kinh hoàng, khóc gào ầm ỹ, nó nhất định không lên thuyền. Trần phu nhân kéo thế nào nó cũng kiên quyễt trì lại, không chịu đi. Do rất cưng yêu thằng bé nên cả nhà đều bước ra khỏi thuyền, thôi không đi nữa. Trong lúc thằng bé đang khóc lóc làm ầm thì chiếc thuyền kia xuât phát. Mới chạy ra giữa sông được 250m thì thuyền quay mòng mòng, lật úp, rồi chìm lỉm, khiến tất cả hành khách trên thuyền đều bị chết đuối. Họ Trần lúc này mới hoàn hồn, hỏi thằng bé duyên cớ nào không chịu lên thuyền? Nó đáp:

– Con thấy bên đầu thuyền có một ông kẹ to lớn, mặt xanh nanh nhọn, cầm chày Kim cang, tướng mạo thật hung dữ cứ gầm gừ nhát con. Vì vậy mà con không đi.

Toàn gia họ Trần nhờ vậy mà thoát chết. Xưa nay gia tộc họ vốn hay làm việc phúc đức, giờ lại càng thêm kính tin Phật pháp. Lúc chùa Thắng Nhân  Côn Minh khởi sự xây cất, thì họ Trần hết lòng tài trợ, góp của góp sức rất nhiều.

DÂN QUỐC 13 (1924) GIÁP TÝ 85 TUỔI

Năm này, tu bổ các tháp của chư Tổ toàn núi cùng tháp Thất Phật, gồm 60 ngôi. Tu sửa tượng Phật toàn chùa, gồm 500 tượng La Hán, sửa chánh điện chùa Thắng Nhân, đúc tượng Tam Tôn Phật lớn bằng đồng, sửa Điện Tây Phương, đắp tượng Tam Thánh.

Mùa xuân, sau Giới kỳ, Thượng nhơn Cụ Hành tự thiêu, tôi vì ông làm bài ký.

SƯ CỤ HÀNH

Sư tên Nhật Biện, tự Cụ Hành, ở đất Hội Lý, mồ côi cha mẹ, phải ở rể nhà họ Tăng từ bé. Lớn lên kết hôn với con gái nhà này, sinh được hai trai, sống rất nghèo khổ. Khi tôi đến Kê Sơn, toàn gia quyến Sư gồm 8 người đều đến chùa xin làm công quả.

Năm Tuyên Thông thứ nhất (1909), Kỷ Dậu, khi rước Tạng Kinh về núi, có mở đàn truyền giới, Sư 20 tuổi, dẫn 8 người trong gia đình đến xin xuất 1 gia. Năm 21 tuổi, Sư vẫn không biết chữ, lại bị ị lãng tai, hình dung xấu xí, ngày thì lo việc đồng áng, lao động cực khổ, đêm đến lúc thúc lễ lạy, trì niệm Thánh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm. Lâu ngày, tự thuộc kinh bổn, thời khóa tụng niệm không cần người dạy, Sư rất siêng năng tinh tấn. Năm Dân Quôc thứ 4 (1915) At Mão, Sư xin phép đi các nơi tham học. Đến năm Dân Quốc thứ 9 (1920), tói ở chùa Vân Thê, Côn Minh, Sư đến phụ giúp, giữ việc trồng rau, hay lên chùa tụng niệm. Những lúc rỗi rảnh thì cắt may hoặc đan các vật dụng bằng tre, chẳng nề lao khổ. Mỗi ngày Sư trồng rau làm vườn, rau dư thì mang biếu cho người để kết duyên, Sư không chứa đồ vật dư, cũng không nói nhiều.

Khi Sư trồng rau  Hạ viện chùa Thắng Nhân, tôi thấy Sư mật hạnh hiếm có, nên mời làm Tôn chứng trong đàn giới này. Truyền giới Tỳ kheo xong, Sư xin xuống Hạ viện ở.

Ngày 29 tháng 3, sau giờ Tham Vấn trưa, Sư ra phía sau chánh điện chùa Thắng Nhân, quét dọn một khoảng đất bằng, lấy vài bó rơm, đắp Cà-sa, ngồi kiết-già, tay trái cầm khánh, tay phải cầm dùi mõ, mặt hướng về phía Tây, niệm Phật rồi tự châm lửa. Trong chùa có vài mươi người nhưng không ai hay. Người ở ngoài chùa, thấy phía bên trong có ánh lửa lớn. Mãi đến khi tìm kiếm mà chẳng gặp Sư, mọi người mới đi ra phía sau Đại Điện, thì thấy Sư đang ngồi kiết-già bất động giữa đám tro nóng, y vật vẫn như cũ, chỉ có cái mõ và cái dùi đã thành tro. Người ở Hạ viện đến chỗ tôi báo tin, hôm ấy nhằm ngày mùng 8 (là ngày Bồ Tát giới), tôi không thế hạ sơn, đành biên thư mời Trưởng ty Tài chánh là Vương Trúc Thôn, Trưởng ty Thủy lợi Trương Chuyết Tiên, tạm thay tôi lo liệu mọi việc. Trương, Vương thấy lạ bèn báo tin cho Tỉnh trưởng họ Đường biết. Ông Đường dẫn cả nhà đến xem, thấy Sư vẫn còn ngồi sừng sững bất động. Khi họ tiến lại gần trước mặt, thì toàn thân Sư mới đồ xuống thành một đống tro xương, khiến ai cũng sinh lòng kính tin. Ông Đường xin chính phủ làm lễ truy điệu ba ngày, số người đến chiêm lễ tới mấy vạn. Ông Đường làm bài tựa, xin được lấy cái khánh của Sư cất trong Đồ Thư Quán của Tĩnh.

Hai bài thơ truy điệu sư Cụ Hành:

Cô trường dục đoạn chỉ hô thiên
Thống tích thiền nhân vẫn thiếu niên
Số tải danh sơn tham yết biến
Quy lai niệm Phật hà bừa biên
Trợ hưng phạm sát đồng gian khổ
Mật hạnh công viên thượng phẩm liên
Thiêu tý dược vương cụ cúng dường
Khổng bi nhan một thượng thê nhiên.

Hoạt đáo vu kim tâm cánh hàn
Duy Sư siêu miễn bất tương can
Nhân đương mạt kiếp đa duyên lụy
Quân chí lâm chung nhật hỏa nguyên
Thế niệm nan vong sơ thái thục
Tây quy thả hướng tịch dương biên
Thương tâm lão lệ huy vô tận
Nhất thinh lưu âm thị diệu duyên.

Đau lòng nát ruột muốn kêu trời
Người đi sớm quá, tiếc không nguôi
Bao năm đi khắp nơi tham vấn
Khi về niệm Phật, cuốc cày vui
Góp sức xây chùa cùng gian khổ
Mật hạnh tròn, sinh Thượng phẩm thôi
Dược Vương thiêu tay cúng dường Phật
Sư lúc ra đi – lửa một mồi!

Đến đây càng thấy lạnh thê lương
Sư đã siêu rồi, đâu vấn vương
Người thời mạt pháp phiên lụy lắm
Riêng Sư thiêu thân đi nhẹ nhàng
Rau trái Sư trông đời nhớ mãi
Về Tây thong thả buổi tà dương
Thương tâm rơi lệ khôn cầm được
Còn tiếng khánh lưu duyên làm gương.Phụ lục phần ghi trên bia của đại chúng chùa Vân Thê:

TRÙNG TU THIỀN TỰ VÂN THÊ

(Tại ngọn Hoa Đình, núi Bích Kê)

Về phía Tây thành Côn Minh khoảng 15 cây số, có ngôi chùa cổ tên Hoa Đình, nằm trên ngọn Hoa Đình, thuộc núi Bích Kê. Phía trái tựa vào ngọn Thái Hoa, bên hữu vòng quanh ngọn Bích Kê. Bên dưới, phía trước là ao Côn Minh, thuyền bè qua lại trong đây nhìn giống hệt như lướt trong tấm gương tròn lớn. Phía đông là đồi Hồng Sơn, một dãy đồi rất đẹp, uốn éo quanh co hướng vào thành. Trên không có mây lành năm sắc bủa giăng nhìn giống như bảo cái, chung quanh cây cối sầm uất, nổi bật hai ngọn tháp cao ngất. Tự viện, cung điện ở đây nhìn rất huyền ảo, phong cảnh xinh đẹp lạ kỳ, khó mà tả hết.

Năm Diên Hựu thứ 7 nhà Nguyên (1320 – Canh Thân) Hòa thượng Nguyên Phong, Huyền Thông đã đến cất am tranh ở đây. Đến mùa xuân năm Quí Hợi, nhờ đàn việt đóng góp, am tranh đã lột xác biến thành ngôi chùa lớn. Các vị kế thừa như Đạo Khuê, Đại Nghĩa, Kỳ Phong, Tương Thành, Tuyết Song, Nguyệt Đàm, Phổ Chiếu… đều là các bậc cao tăng đời Minh.

Đầu triều Thanh, có các vị như Tánh Không, Phổ Giải, Chiếu Hoàn. Đến đời Càn Long, Gia Khánh thì có các ngài Thật Địa, Thúy Quang, Diệu Tướng, Giác Quán, Bản Sơ…chuyên tu khổ hạnh, y bát truyền nhau, đến khai khấn thôn làng ở cạnh hồ, biến khu điền trang rộng mấy trăm mẫu thành của thường trụ, mặt hồ phản chiếu sắc núi, các bậc long tượng đua nhau xuất hiện nơi đây một thời.

Từ năm Hàm Phong, Đồng Trị về sau, Phật pháp tỉnh Điền suy dần, trải qua mấy cơn binh biến, nếp cũ bị hàng tân học biến đổi, nét thuần khiết thanh tịnh của thiền môn hóa ra tro bụi, vùng đất Thánh tích của thập phương bị bọn xiển đề chiếm đoạt. Chùa lọt vào tay hạng giả Sư – tu theo kiểu cha truyền con nối, người ngụ trong đó chẳng biết gì đến tên Tam bảo, thậm chí chẳng nghe đến Giới, Định, Huệ… Thói ác huân sâu, tệ tục dẫy đầy làm nghiêng ngữa chùa tháp, mõ chuông im tiếng. Tất cả sơn trang, ruộng đất, vườn cây… của chùa, đều bị bọn côn đồ hung ác chiếm đoạt, biến làm gia sản riêng của mình. Than ôi, Phật môn suy tàn đến nỗi này, làm sao mà không khỏi đau lòng!

Núi mang tên Hoa Đình, vì từ thuở ông Sĩ Cao xây lâu đài trên đỉnh Hoa Đình, đã có chim hạc bay liệng đầy. Chữ Hoa là biểu trưng, diễn tả cảnh chim bay đầy trời thuở ấy. Do tích này mà dân tỉnh Điền gọi chùa là Hoa Đình, gọi mãi thành quen.

Theo bia ghi của Tổ khai sơn Huyền Thông, thì đầu tiên Ngài đã lập Chánh điện Đại Quang Minh, bên trong có tượng Phật Tỳ Lô, bên phải và trái trưng bày 12 chương Viên Giác nên có trương bảng đề là Viên Giác.

Vào đời Minh, khoảng năm Thiên Thuận (1457-1465), Sư Tương Thành trụ trì nơi này, quan Tổng trấn họ Mộc và quan Đô giám họ Lê xây hào thành cho chùa, đã trình lên vua, tên chùa được vua sắc phong thành là “Đại Viên Giác Tự”, tấm biển đề ấy đến nay vẫn còn.

Năm Dân Quốc thứ 9 (1920), Thiền sư Hư Vân, nhận lời ông Đường mời, rời chùa Chúc Thánh, Kê Túc, chống gậy đến đây. Cho đổi tên chùa thành “Tịnh Quốc Vân Thê Thiền Tự”. Lúc Sư sửa chánh điện, đào đất sâu hơn một trượng thì bắt gặp tấm bia cũ mờ, chỉ còn hàng chữ đầu, ghi rõ: “Trụ trì Vân Thê Tự, Long Chương, Kiến Tánh, Nhân Sơn trùng tu thường trụ bia ký”, ngày, tháng, năm đều không đọc được, chỉ sót lại một chữ Trinh, không biết có phải là Nguyên Trinh? niên hiệu của vua Thành Tông triều Nguyên? (1295-1296) Hay là sau đó mới có chùa này? Chỉ tiếc là trong sách Sơn Chí của Vân Nam không ghi rõ. Nay ngài Hư Vân đổi tên chùa, tuy tình cờngẫu nhiên lại trùng hợp với tên Vân Thê ngày xưa, há chẳng phải là túc duyên xui khiến nên hay sao?

CHÙA “THÊ VÂN” VÀ “VÂN THÊ”

Xưa, Quốc sư Trung Phong kết thảo am ở tạm bên sườn núi Cô Tô, Hàng Châu, Triết Giang. Ông Triệu Văn Mẫn cho đề tựa trên bảng ỉà “Thê Vân” Về sau am bị hư hoại. Con cháu Quốc sư Trung Phong bèn xây lại am mới ngay trên nền cũ, vẫn giữ nguyên tên xưa. Khi ông Tông Văn Hiên làm bia đề là “Thê Vân Tự Ký” để ghi nhớ nguồn gốc, tưởng niệm Tam Muội như huyễn của Quốc sư. Còn Đại sư Liên Trì lúc trùng tu “Thiền Viện Vân Thê” ở Hàng Châu đã ghi: “Núi này thường có mây lành năm sắc, nên người ta gọi là núi Vân Thê”.

Ngô Việt Tiền Vương vì Thiền sư Phục Hổ lập chùa, sau đổi thành viện tu đạo Tiên và đổi tên là Thê Chân. Đến khi ngài Liên Trì trùng hưng lại, thì đặt tên là “Cổ Vân Thê Tự” (hàm ý là “chùa Vân Thê cũ”) tức khôi phục lại tên xưa vậy.

Ngài Hư Vân đặt tên chùa này là “Vân Thê” là có ý muôn hướng dẫn Tăng tục, xa thì nối pháp Thiền như huyễn của ngài Trung Phong, gần thì xiển dương giáo lý Tịnh Độ của Đại sư Liên Trì.

Duyên xưa thầm ứng, việc lại trùng hợp. Đất Vân Nam từ xưa đến nay luôn xuất hiện mây lành. Trước khi tổ Nguyên Phong đến đây, trên núi thường có mây lành xuất hiện. Khi ngài Nguyên Phong tới sửa chùa và rước Phật về, mây còn tụ lại đẹp như bảo cái.

Ngài Hư Vân thuyết pháp khế cơ, gặp người đến cầu pháp thì dạy họ tin sâu nhân quả, dặn nên thường niệm Phật A Di Đà. Xem ra Thiền tâm thâm diệu của Sư cũng hợp với ngài Trung Phong, bi nguyện rộng lớn cũng tương đồng với ngài Liên Trì. Biết đâu chùa Vân Thê thời này cùng với chùa Vân Thê ở Hàng Châu, chùa Thê Vân ở Tô Châu sau này đồng nổi danh như nhau?

Lúc ngài Hư Vân mới đến thấy phong cảnh hình thể chùa này rất đẹp nhưng cửa điện và phương hướng xây chẳng đúng, Tổ mạch dựa vào núi không chánh, ngoài cổng Tam quan thì mé bên phải lại tựa vào vùng trũng, bị gió bấc ép. Núi bên hữu cao, mà bên tả lại thấp, tạo thành thê Bạch hổ vượng mà Thanh long yếu. Trước cổng là sườn núi phẳng, do việc khai thác núi lấy đá. Còn việc làm mộ tháp chư Tổ, dựng lập rưng bia, lại đặt nằm ngồn ngang không trật tự, gây mất mỹ quan của tổng thể. Do đó mà chùa này lúc hưng lúc phế, đạo pháp điêu linh. Phải bồi sửa lại hình thể núi để cải hướng, tạo thế tựa vào núi làm gốc.

Đầu tiên, phải dời tháp chư Tổ sang phía Đông chùa, dời Điện Thiên Vương ra trước. Còn Phật Điện, Giảng Đường, Tăng Đường tất nhiên phải nối tiếp dời theo. Riêng Ao Phóng Sinh sẽ được đào ngoài cổng, ngoài ao xây Tháp báu Thất Phật. Mô phỏng theo sự bài trí giống chùa Thiên Đồng (Ninh Ba), bốn phía tả, hữu, trước, sau là mạch núi, phải hỗ tương nhau, thì phong khí nguyên thủy mới đầy đủ. Đây là những việc làm sơ khỏi lúc Đại sư lên núi.

Sư đến vùng sơn lâm hoang vắng này, nhằm lúc đạo pháp chưa thịnh, hằng ngày Sư đích thân điều khiển công tác, cực khổ lo toan, phí tổn lại quá lớn. Ban đầu phải vay mượn, gian khổ nếm đủ, lao nhọc chẳng từ. Phải mất ba năm Sư mới mua lại được các vùng rừng núi đã mất, tính ra hơn trăm mẫu điền trang. Song gió tà càng thổi mạnh, vì những lời dèm pha của những kẻ đã dứt hết căn lành, muốn nuốt trọn của thường trụ, quen cướp đoạt của chúng Tăng. Họ vờ viện cớ phải lo việc giáo dục thực nghiệm, mượn danh hành theo chánh sách mới… để dễ bề sang đoạt. Họ kiện tụng liên miên, hầu như không bao giờ kết thúc.

Cũng giống như Đại sư Hám Sơn ngày xưa khi trùng hưng đạo tràng Tào Khê, ngài Hư Vân đảm nhiệm mọi việc và làm xong hết rồi mà ma quân vẫn cố tìm cách cản trở.

Trải qua hai năm kiện tụng, đến lúc mọi việc được minh bạch thì ngài Hư Vân cũng hết duyên với nơi này và đi qua Nam Nhạc, đến đất Khuông Lô. Ớ đây Sư lại gặp việc tương tự. Thời mạt pháp luôn có các chướng nạn như vậy xảy ra, chẳng phải một, mà rất nhiều (đi đâu cũng gặp). Cho nên, muốn đem pháp Phật giáo hoá rộng khắp, không phải là chuyện dễ.

Tổ Tuệ Viễn xưa, chiêu mộ 123 vị hiền sĩ thì nhờ có quan Thích Sử Hoàn Y trợ giúp. Ngài Trí Giả khi lập 36 cảnh chùa được các vua Trần, Tùy, ủng hộ nên tông phong mới hưng thịnh. Vào thời Nam Bắc triều, các ngôi chùa lớn ở danh sơn, rất là nhiều, tất cả đều nhờ vào lòng hảo tâm của chư đàn việt trợ giúp mà lập nên. Đầu thời Minh, Thiền sư Giác Nguyên Thiên Giới ở Tưởng Sơn, vua Thái Tổ đã đem các thửa ruộng quân tịch của mình hiến cúng cho chùa. Vì bảo hộ núi rừng, vua đã rút kiếm trao cho Thiền sư, nói: “Nêu có đạo tặc đến quấy nhiễu xin cứ trừng trị”. Đủ thấy nhiệt tâm hộ pháp của vua.

Lúc ban sơ ngài Hư Vân đến lễ đức Ca Diếp, phát nguyện chỉnh đốn núi Kê Túc chấn hưng tùng lâm mười phương, chưa đầy vài năm đã thành ngôi Thiển Tự Hộ Quốc Chúc Thánh, phí tổn hơn 30 vạn kim.

Vào năm Quang Tự, Sư lên Kinh đô thỉnh Đại Tạng Kinh, được vua ban Long Tạng, vâng chỉ về núi. Giờ, Sư trùng tu “Thiền Tự Vân Thê Tịnh Quốc”, ắt phải tốn kém nhiều, nhưng chỉ trong vài năm là hoàn thành tâm nguyện. Sư liên kết với ông Đường, giúp hộ quốc và an quốc, công lao to lớn, phước trùm thiên hạ. Sư nhận lời mời của ông Đường làm đủ các việc Phật sự lẫn phúc đức cho bá tánh… Qua đây, chúng tôi có thể nói rằng, việc Sư giao du với ông Đường cũng giống như ngài Trí Giả từng tuyên bố: “Tôi cùng Tấn vương vốn có túc duyên thâm sâu”…

Khi công việc hoàn thành, Sư giao làm bài ký, chúng tôi không dám từ chối, xin lược ghi hạnh nghiệp của Sư để mọi người đồng thấy cái nhân Bát-nhã thù thắng, khai mở lòng tin chân chánh cho chúng sinh. Sư xả bỏ vinh hoa của thế tục, xuất gia vào tuổi thanh xuân, đi bộ lễ bái đường dài, vào Thanh Lương lạy Đức Văn Thù, đốt ngón tay để báo ân cha mẹ. Lễ chùa Dục Vương cảm ứng đến xá-lợi Phật, cất thảo am nơi núi vắng, ẩn trong hang tuyết mấy năm v.v… Ngay từ đầu, chí nguyện của Sư đã vượt ra ngoài vòng lợi danh. Từ sau khi ngộ đạo ở Chung Nam, bao nhiêu sức lực còn lại, Sư dồn hết vào việc trùng hưng, xây cất, tôn tạo, trang nghiêm Tự viện, Đạo tràng, Tháp miếu… Vì muốn độ chúng sinh, giúp họ có chỗ để quay về quy hướng, có được duyên may gần lành, lánh ác, nên Sư đã cất công chuộc lại phần đất tự viện từng bị mất cho chùa, chỉ mong người sống chẳng lầm nhân quả, không gieo nhân trầm mê nơi địa ngục. Những người không hiểu lại cho đây là “nhân tạo phúc báo hữu lậu cõi nhân thiên”. Thật đáng buồn thay!

Năm Giáp Tý – Dân Quốc thứ 13 (1924), Chùa Vân Thê, Đại chúng lập bia.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
23/08/2017(Xem: 13039)
31/08/2010(Xem: 130164)
04/11/2014(Xem: 19523)
08/06/2011(Xem: 39845)
09/05/2012(Xem: 30703)
07/04/2017(Xem: 15493)
07/07/2013(Xem: 20940)
26/05/2013(Xem: 14000)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.