- Đề Tựa
- Chương 1: Xã Hội Tân Tiến Và Truy Tầm Hạnh Phúc Cho Loài Người
- Chương 2 : Không Phép Lạ, Không Bí Mật
- Chương 3 : Căn Nguyên Tuỳ Thuộc Và Bản Chất Của Thực Tế
- Chương 4 : Tái Định Mục Tiêu
- Chương 5 : Cảm Xúc Tối Thượng
- Chương 6 : Luân Lý Về Nhẫn
- Chương 7 : Luận Lý Về Hạnh
- Chương 8 : Luận Lý Về Từ Bi
- Chương 9 : Luận Lý Và Đau Khổ
- Chương 10 : Nhu Cầu Nhận Thức
- Chương 11 : Trách Nhiệm Toàn Cầu
- Chương 12 : Trình Độ Dấn Thân
- Chương 13 : Luân Lý Trong Xã Hội
- Chương 14 : Hoà Bình Và Giải Giới
- Chương 15 : Vai Trò Tôn Giáo Trong Xã Hội Tân Tiến
- Chương 16 : Lời Kêu Gọi
Nhìn chung quanh, tôi thấy không phải chỉ có chúng tôi, các người tỵ nạn Tây tạng, và thành viên của các cộng đồng lưu lạc khác, mới gặp phải khó khăn. Khắp mọi nơi và trong bất cứ xã hội nào, người ta đều chịu đựng đau khổ và nghịch cảnh — ngay cả những người thừa hưởng tự do và phồn vinh vật chất. Thật vậy, dường như sự thiếu hạnh phúc mà loài người chúng ta phải chịu đựng đa phần do chính chúng ta tác tạo. Do vậy, theo nguyên tắc, điều đó có thể tránh. Nhìn chung, tôi còn thấy, các cá nhân với hành vi hợp luân lý thường hạnh phúc và mãn nguyện hơn những người bỏ quên luân lý. Điều này minh xác niềm tin của tôi, nếu chúng ta có thể tái định hướng tư tưởng và cảm xúc của mình, và chỉnh đốn phẩm hạnh, chẳng những có thể đối phó cùng các nỗi khổ dễ dàng hơn, còn ngăn ngừa được sự khởi dậy của chúng ngay từ đầu.
Tôi sẽ cố trình bày trong quyển sách này điều tôi ngụ ý qua chuyên từ "hành vi luân lý tích cực." Làm việc đó, tôi nhìn nhận rất khó tổng hợp thành công, hoặc yếu lược thật chính xác về luân lý và đạo đức. Rất hiếm hoi, hoặc hầu như không thể có, một trường hợp trắng và đen phân minh. Cùng một hành động sẽ có nhiều sắc độ và mức độ giá trị đạo đức khác nhau trong các trạng huống khác nhau. Đồng thời, điều cốt yếu là chúng ta phải đạt một thỏa hiệp chung liên hệ đến những gì tạo thành hành vi tích cực và những gì tạo thành hành vi tiêu cực; những gì đúng và những gì sai; những gì thích đáng và những gì không thích đáng. Trong quá khứ, sự tôn trọng loài người dành cho tôn giáo còn có nghĩa là sự thật hành đạo lý được bảo tồn qua đa số tín đồ theo một đạo này hay đạo khác. Tình thế đó không còn trong hiện tại. Do đó chúng ta phải tìm ra vài phương cách khác hầu thiết lập các nguyên tắc luân lý cơ bản.
Xin độc giả đừng giả định rằng, như một Đạt lai Lạt ma, tôi sẽ đề ra một giải pháp đặc biệt nào đó. Không có gì trong các trang sau này lại chưa từng được nói đến trước đây. Thật vậy, tôi cảm thấy những quan ngại và ý tưởng trình bày nơi đây đã từng được chia sẻ bởi rất nhiều người tư duy và nỗ lực truy tìm giải pháp cho các vấn đề và nỗi khổ đau loài người phải trực diện. Khi đáp ứng các đề nghị của một số bằng hữu, và cống hiến quyển sách này cho quần chúng, hy vọng của tôi là được lên tiếng cho hàng triệu người, thuộc thành phần đa số thầm lặng, không có cơ hội phát biểu quan điểm của họ ngoài công chúng.
Tuy nhiên, xin độc giả ghi nhớ, việc học tập chính thức của tôi vốn hoàn toàn tôn giáo và có tính cách tâm linh. Từ thuở bé, ngành học chủ yếu (và liên tục) của tôi là triết học và tâm lý học Phật giáo. Đặc biệt, tôi được học các tác phẩm của chư vị triết gia tôn giáo truyền thống Geluk, truyền thống mà các Đạt lai Lạt ma trực thuộc vào. Là người xác tín vào thuyết đa nguyên tôn giáo, tôi còn học cả những tác phẩm chính của các truyền thống Phật giáo khác. Nhưng tôi tương đối ít được trình bày về tư tưởng thế tục và thời đại. Tuy vậy, đây không phải là một quyển sách tôn giáo. Lại càng không phải quyển sách về Phật giáo. Mục đích của tôi là kêu gọi một khuynh hướng về luân lý trên nền tảng toàn cầu hơn là đề ra các nguyên tắc tôn giáo.
Với lý do đó, tạo một tác phẩm cho đại chúng là một việc thiếu thử thách, và phải là công trình làm việc nhóm. Một khó khăn đặc thù phát sinh từ sự kiện ngữ học, là rất khó chuyển dịch thành ngôn ngữ hiện đại một số chuyên từ Tây tạng chủ yếu phải dùng.
Quyển sách này không muốn được viết như một luận án triết học, do đó tôi cố gắng giải thích những điều trên bằng cách nào hầu độc giả không chuyên môn hiểu được; và thật sáng sủa dễ chuyển dịch ra nhiều thứ tiếng. Nhưng khi làm thế, cố gắng thông đạt không tối nghĩa cùng các độc giả với ngôn ngữ và văn hóa khả dĩ khác biệt cùng tôi, có thể khiến một vài sắc thái ý nghĩa trong tiếng Tây tạng bị mất, một số không định ý lại cứ thêm vào. Tôi tin cậy vào sự biên tập thận trọng sẽ giảm thiểu được điều đó. Khi một lệch lạc như thế được phát hiện, tôi hy vọng sẽ sửa chữa trong đợt phát hành kế tiếp. Đồng thời, tôi xin cảm ơn Dr. Thupten Jinpa, qua mọi trợ lực của ông trong lãnh vực này, kể cả chuyển dịch sang Anh ngữ, cùng rất nhiều đề nghị. Tôi cũng xin cảm ơn Mr. AR Norman trong công trình biên tập. Tất cả thật quý báu.
Cuối cùng, tôi xin gởi lời cảm ơn đến tất cả quý vị khác đã giúp đỡ đưa công trình này đến kết quả.
— Dharamsala, tháng Hai 1999