20. Thế Nào Là Chơn Hạnh Phúc

24/12/201012:00 SA(Xem: 18079)
20. Thế Nào Là Chơn Hạnh Phúc
20. Thế nào là chơn hạnh phúc

Một thời Đức Thế Tôn ở tại Savatthi (Xá-vệ). Trong rừng Kỳ-đà (Jetavana), vườn của ông Cấp-cô-độc (Anathapindika). Có một thiên nhân, khi đêm gần tàn, với dung sắc thù thắng chiếu khắp rừng Kỳ-đà, đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, kính lễ Thế Tôn, rồi đứng một bên, thiên nhân ấy nói lên bài kệ trước Thế Tôn:

Chư Thiênloài người
Suy nghĩ về hạnh phúc
Ước mong được hạnh phúc
Chân hạnh phúc là gì?

Thế Tôn đáp kệ rằng:

Không thân cận kẻ ác
Bậc hiền trí phải gần
Cung kính người đáng kính
Ấy là chơn hạnh phúc
*
Chọn nơi lành mà ở
Đời trước đã tạo phước
Nay giữ lòng thẳng ngay
Ấy là chơn hạnh phúc
*
Hiểu rộng và khéo tay
Giữ tròn các giới luật
Nói những lời hòa ái
Ấy là chơn hạnh phúc 
*
Hiếu dưỡng mẹ và cha
Săn sóc vợ và con
Không vương vấn phiền hà
Ấy là chơn hạnh phúc
*
Biết cho và sống đúng
Giúp đỡ người và con
Hành động không chê trách
Ấy là chơn hạnh phúc
*
Ngăn trừ điều xấu ác
Dứt bỏ thói rượu chè
Chuyên cần trong Chánh đạo
Ấy là chơn hạnh phúc.
*
Kính nhường và khiêm tốn
Biết đủ và nhớ ơn
Tuỳ thời học đạo
Ấy là chơn hạnh phúc.
*
Nhẫn nhục dâng ý lành
Viếng thăm bậc tu hành
Tùy thời bàn luận đạo
Ấy là chơn hạnh phúc.
*
Trong sạch và siêng năng
Suốt thông các đạo lý
Thật hiện vui Niết-bàn
Ấy là chơn hạnh phúc.
*
Như thế là tu hành
Việc gì cũng thành tựu
Ở đâu cũng an lành
Thảy là chơn hạnh phúc.
*

Đây là một bài kinhĐức Phật dạy cho một vị Thiên nhân, nữa đêm với hào quang chiếu sáng của thân thể, toả sáng vườn Kỳ-Viên là nơi có tịnh xá cho đứ xá cho Đức Phật trú, đảnh lễ Phật, rồi xin ngài dạy cho sống như thế nào để được chân hạnh phúcchư Thiên cũng như loài người đều mong mỏi.

Tựa đề bài kinh là Maha Mangala Sutta, dịch là kinh Chân Hạnh Phúc, là điềm lành hay phúc lợi cao cả nhất. Vì động từ căn bản nó là Man, có nghĩa là hạnh phúc và cũng có thể gọi là điều lành cao tột. Đặc biệtbài kinh này không cho các thầy Tỳ-kheo làm hội chúng mà chỉ có một mình Đức Phật và một thiên nhân, người đến hỏi về hạnh phúc chân thật. Người đời thường nghe nói đến hạnh phúc, đến an lạc hay an lành thì họ nghĩ đến là vấn đề không bao giờ sờ mó tới, đạt tới vì nó cao siêu xa vời quá. Nhưng trong bài kinh này Phật dạy cho chúng ta biết những cái an lành, hạnh phúc chúng tathể đạt được bằng cách thực hiện ngay trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Vì thế, quan niệm hạnh phúc của đạo Phật rất giản dị tìm thấy ngay trong hiện tại như trong bài kinh "Nhất dạ hiền giả" nói:

Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng
Quá khứ đã đoạn tận
Tương lai lại chưa đến
*
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây
Không động không rung chuyển
Biết vậy nên tu tập
*
Hôm nay nhiệt tâm làm
Ai biết chết ngày mai
Không ai điều đình được
Với đại quân thần chết
*
Trú như vậy nhiệt tâm
Đêm ngày không mệt mỏi
Xứng gọi Nhất dạ hiền
Bậc an tịnh trầm lặng.

Đây là sự khắc khoải, ưu tư của những người thường nghĩ đến vấn đề gọi là hạnh phúc của loài người do một vị trời hỏi. Trời theo chúng ta nghĩ cũng chỉ là một loại chúng sanh thông minh hơn chúng ta, sống lâu hơn, hạnh phúc hơn chúng ta nhưng cũng nằm trong vòng sống chết, vì thế chúng ta có một quan niệm về trời khác với các đạo khác là vậy. Trong kinh điển dịch chữ chư Thiên từ nơi tiếng Phạn là Deva, Tây phương dịch là Dieu. Do vậy, quan niệm của chúng ta về chư Thiên khác với Tây phương về Dieu. Vị trời đó hỏi: chúng con là chư Thiên và tất cả loài người suy nghĩ về hạnh phúc và luôn luôn ước mong được hạnh phúc, nhưng chúng con không biết hạnh phúc là gì, mong Thế tôn dạy cho chúng con biết, quan niệm của đức Thế Tôn về hạnh phúc như thế nào? Thay vì đáp hạnh phúc như thế này, thế kia, thì Đức Phật chỉ ngay vào cái hành động cụ thể đưa lại đưa lại hạnh phúc ngay trong khi ta hành động

I.

Trước khi vào nội dung của Kinh, tôi tóm tắt sơ lược nhân danh, địa danh nơi Đức Phật ở và nói kinh này, đó là Xá-vệ (Savatthi), rừng Kỳ-đà (Jeta), vườn Cấp- cô-độc (Anathapindika) và bà Visakha cùng một vài vấn đề khác liên quan đến bài kinh này.

Trước hết tôi nói về thành Xá-vệ.

- Thành Xá-vệ: Trong Di-đà sớ sao có cắt nghĩa:

Xá-vệ tiếng Phạn gọi là Thất-la-phiệt-tất-để, Trung Hoa dịch là Văn vật, tức là lấy đức đặt tên, cũng gọi là Văn già, tức là lấy người đặt tên. Sở dỉ gọi là đức vì nước này giàu có, gồm 4 đức. Một, Trần đức, tức là trong cảnh 5 trần có nhiều thứ mỹ lệ. Hai, Tài đức, tức nước này không thiếu các thứ báu kiếm lạ. Ba, Thánh đức, tức ở đây đầy đủ 3 tạng Thánh pháp, Bốn, Giải thoát đức vì ở đây có nhiều người giải thoát không bị dục nhiễm. Do tiếng khen vang động khắp 5 xứ Thiên trúc mọi người đều nghe, nên gọi là Văn vật. Còn nói lấy người đặt tên là nước này có nhiều người có đức, được quí trọng.

- Cây của Thái tử Kỳ-đà, vườn của ông Cấp-cô- độc:

* Kỳ-đà tiếng Phạn gọi là Thệ-đa. Nói Kỳ là nói vắn tắt. Kỳ là dịch là Thiên Thắng. Chữ Cấp-cô biểu thị đạo đức. Cấp-cô là tên ông Tu-đạt-đa . Chữ vườn ở đây theo tiếng Phạn Tăng-già-lam-ma, dịch là chúng viên, là vườn nơi chúng Tăng ở. Sở dỉ có tên như thế này là vì do Kỳ-đà (Jeta) cúng thí cây và Cấp-cô (Anathapindika) mua đất làm vườn, gộp cả hai thí chủ nên gọi là vườn Kỳ-đà thọ Cấp-cô-độc.

* Kỳ-đà còn gọi là chiến thắng là vì khi vua Ba-Tư-nặc sinh thái tử, nhà vua đang giao chiến với nước ngoài được thắng trận, do đó vui mừng đặt tên cho Thái tử.

* Cấp- Cô-độc tiếng Phạn gọi là Tu-đạt-đa, dịch là Nhạo thí. Ông là đại thần của vị vua thắng trận là người ưa làm việc bố thí nên được tên tốt như vậy. Chữ Cấp-cô-độc có nghĩa từ nhỏ đã mất cha, già không con là độc. Ở đây gọi Cô độc là chỉ vào những người không ai nuôi dưỡng, không nơi nương tựa.

Riêng hai chữ cô độc, như Khổng Tử nói: Quân tử ra ơn khắp giúp kẻ ngặt. Mạnh tử nói: Văn vương làm chánh trị ở ấp Kỳ trước lo giúp đở kẻ mồ côi . Hai người đều đem lòng từ thiện phổ cập ra dân chúng, nhưng việc hoãn làm sau, việc gấp làm trước.

* Nơi chúng Tăng ở gọi là vườn, ví người học đạo cần phải ở nơi rừng cây bóng mát thanh tịnh vắng vẻ.

Người thí cây, kẻ cúng vườn, tức như kinh Niết-bàn nói: Trưởng giả Tu Đạt, người nước Xá-vệ, trước đó chưa biết Phật, nhân dịp cưới vợ vào thành Vương Xá đến nhà San-đà-na thấy Phật liền sanh lòng tin bèn thỉnh Phật về Xá-vệ. Phật sai ngài Thân tử đến nơi chọn chỗ cho chúng tăng ở, tìm được khu vườn của Thái tử Kỳ-đà. Trưởng giả hỏi giá mua. Thái tử trả lời đùa rằng: Trải vàng khắp mặt đất là giá bán. Trưởng giả đem vàng trải. Thái tử cảm kích liền bán chỗ đất ấy đông thời cúng luôn số cây trong vườn. Nhân đó lập tịnh xá. Vì Trưởng giảThái tử, cả hai đều làm chuyện tốt này, nên vườn tịnh xá được nêu tên cả hai người.

Trong cuốn "Đường về xứ Phật" của Hòa thượng Minh-Châu, Thiện-Châu, Huyền-Vi và Passadika du học ở Ấn-Độ có viết:

Kỳ-Viên nay là một khu vườn rộng độ 50 mẩu tây, nổi lên giữa cánh đồng lúa vàng bát ngát, cách kinh thành Xá-vệ cũ hai cây số.

Lúc bấy giờ Thế Tôn ở tại Vương-xá, ông Cấp-cô-độc (Anathapindika), người hay giúp đở cho kẻ nghèo khó, một triệu phú và đã có Tôn giáo, nghe danh Ngài, từ Xá-vệ lặn lội đến xin yết kiến đức Thế Tôn. Ông vào Trúc Lâm đảnh lễ Phật và cúng dường Chư Tăng. Đức Phật húa sẽ đến thăm ông tại Xá-vệ.

Về đến nhà,ông Cấp-cô-độc liền tìm một nơi xứng đáng để đón rước Đức Phật. Vườn ông rộng nhưng không đẹp. Trong thành chỉ có một hoa viên rộng và đẹp nhất nhưng lại là sở hữu của Thái tử Kỳ-đà (Jeta). Ông đánh liều đến hỏi mua. Thái tử không bán. Ông nài nỉ mãi, Thái tử cười và trả lời:

- Tôi sẽ bán nếu ông lát vàng khắp khu vườn.

Ông Cấp-cô-độc bằng lòng mua một cách sung sướngtrở về cho người nhà mang vàng đến lát. Còn một khoảng đất chưa được lát xong, nhưng vì cảm mến đạo tâm quý báu của ông Cấp-cô-độc nên Thái tử bảo: Thôi đừng lát nữa, tôi chỉ lấy một nửa số vàng và xin cúng tất cả cây cối trong vườn cho Đức Phật.

Tìm được nơi rồi, ông Cấp-cô-độc cho người thân tín sang thành Vương Xá thỉnh Phật. Vài ngày sau, ông cùng gia đình và rất nhiều người tai mắt trong thành ra đón rướcthỉnh Phật về Kỳ-Viên. Ông dâng cúng khu vườn cho Phật và Chư Tăng làm nơi thường trú. Để kỷ-niệm đạo tâm của hai thí chủ, Đức Phật đặt tên hoa viên này là Kỳ-thọ Cấp-cô-độc viên (Jetavana Anathapindikarama) 

Trên vườn Kỳ-đà này có một hồ nước mà ngày xưa Đức PhậtChư Tăng thường hay đến tắm. Giếng nước đó khi chúng tôi đến thăm nước vẫn còn trong mát. Tại nơi đây một hôm, các thầy Tỳ- kheo được mời đi thọ trai nơi khác, chỉ còn lại một mình Đức Phật ở lại tinh xá. Lúc bấy giờ Phật đang ngồi trong Thiền thất, nghe có tiếng kêu la ở dưới. Phật liền đi xuống và thấy một vị Tỳ-kheo đang nằm rên la lẫn lộn trong đồ dơ của đại tiểu tiện. Hỏi ra thì vị này đang bị bệnh thổ tả. Đức Phật mới ra cái giếng nước đó múc nước vào và tắm rửa cho vị Tỳ-kheo. Sáng hôm sau, Đức Phật cho gọi các vị Tỳ-kheo lại và dạy: Nếu ai muốn hầu hạ Như Lai thì hãy chăm sóc những người bệnh. Câu nói đó có liên quan đến giếng nước và cũng thắm đượm tình nghĩa thầy trò. Nơi đây còn có một cái bệ, chính chỗ này Đức Phật thường hay ngồi để thuyết pháp. Và bên cạnh còn có một cái tháp, chính chỗ này là hương phòng của Đức Phật ở. Phòng này hướng mặt về giếng nước và khi mặt trời mọc thì ánh sáng lan tỏa khắp vùng, trong đó có hương phòng của Ngài. Cái tháp này là để kỷ niệm nơi Đức Phật thuyết bài kinh Chơn hạnh phúc.

Sự tích này được khắc vào Bharhut trong thế kỷ thứ hai Tây lịch và Đức Phật đã nói cảm tưởng của Ngài đối với tòng lâm này như sau:

"Huê viên này là nơi thường trú tốt nhất của Như laiChư Tăng. Chư Tăng được sống yên ổn nơi đây vì khí hậu không nóng quá và lạnh quá. Thú dữ không vào đây dược. Muỗi mòng không có nên sự tỉnh lặng được hoàn toàn Huê viên này chế ngự được mưa to gió lạnh và nắng khô. Nó gây hứng cho niềm đạo niệm và Chúng Tăng có thể thiền định từ giờ này qua giờ khác một cách dễ dàng, nó thật xứng đáng làm lễ vật cúng dường cho Tăng già. Người cư sĩ bận tâm cúng dường Chư Tăng phòng xá, y thực. Bổn phận Chư Tăng là phải dạy bảo cư sĩ Chánh pháp và người nào thông ngộ Chánh pháp sẽ được giải thoát ác đạo và chứng đại Niết-bàn."

Từ đó Đức PhậtChư Tăng thường trú tại Hoa viên này. Gia đình ông Cấp-cô-độc hằng ngày hoan hỉ cúng dường tứ sự cho Chư Tăng. Nhưng một hôm ý nghĩa tốt đẹp và rộng rải sau đây đã đến với ông: "Ta sung sướng vì ta có thiện duyên được cúng dường PhậtChư Tăng. Ta sẽ được gặt hái phước quả trong đời này và đời sau. Nhưng tại sau chỉ có mình ta và gia đình ta được hưởng công đức ấy? Không được! Ta phải chia xẻ công đức cho kẻ khác. Ta sẽ kêu gọi đạo tâm của nhiều người, để họ cùng hưởng được công đức như ta."

Ông liền vào yết kiến vua Ba-tư-nặc (Parsenajit) và trình bày những điều ông nghĩ. Vốn là vị vua minh quân, hơn nữa vì kiêng nể ông Cấp-cô-độc, một ân nhân đã ủng hộ nhiều ngân quỹ quốc gia, vua liền chấp thuận. Trong 7 ngày liên tiếp, ông đi khắp các nẻo đường bắn tin cho dân chúng biết hiện có Đức PhậtChư Tăng đang ở Kỳ-Viên và kêu gọi họ đến nghe Phápcúng dường để góp phần công đức. Trong số người hưởng ứng có hai tín nữ đáng ghi nhớ hơn hết là một cô gái nghèo nhất Xá vệ và bà Visakha (Tỳ-xá-khư) giàu không kém gì ông Cấp-cô-độc.

- Cô gái nghèo: Cô này vì kính mộ Đức Phật va mến trọng cử chỉ khiêm nhường chân thành của ông Cấp-cô-độc, đã dâng cúng chiếc áo duy nhất của mình. Sau khi biết được đạo tâm của cô này, ông Cấp-cô-độc cho người đem đến biếu cô rất nhiều chiếc áo đẹp khác. Nhưng qua hôm sau cô đã từ trần và được sanh lên cõi trời Đế Thích. Nhớ lại tiền kiếp, cô đã xuống nghe Đức Phật thuyết pháp tại Kỳ-Viên.

- Bà Visakha: Bà là người giàu có rất đông con cháu, cũng đã trở thành Phật tử hộ trì Chánh pháp một cách đắc lực. Một hôm, sau khi Đức PhậtChư Tăng thọ trai tại nhà bà, bà xin Đức Phật cho phép bà đượ toại nguyện trong 8 điều:

Cúng dường y trong mùa mưa (ngoài ba y) cho các thầy Tỳ-kheo.
Cúng dường thực phẩm cho các vị Tỳ-kheo mới đến.
Cúng dường thực phẩm cho các vị Tỳ-kheo đi xa.
Cúng dường thực phẩm cho các vị Tỳ-kheo bị bệnh.
Cúng dường thực phẩm cho những người nuôi các vị Tỳ-kheo bị bệnh.
Cúng dường thuốc men cho các thầy Tỳ-kheo bệnh.
Cúng dường cháu sửa buổi mai cho Chư Tăng.
Cúng dường y tắm cho các Tỳ- kheo- ni.

Đức Phật hứa khả sau khi nghe bà giải thích đầy đủ lý do về sự cúng dường ấy. Ngày dạy: "lành thay, lành thay, Visakha. Người đã khéo xin Như Lai 8 điều trên với những lý do rất xác đáng và lợi ích. Cúng dường cho những người đáng cúng dường, chẳng khác nào gieo giống trên đát tốt và như vậy sẽ gặt hái được nhiều kết quả. Trái lại cúng dường những kẽ thiếu đạo đức, còn mang nặng dục vọng chẳng khác gì gieo giống trên đất xấu. Nắng dục vọng của người thọ lãnh làm khô chết giống công đức của người cúng dường..."

Chính Đức Phật đã tán thán bà như sau: "Người đệ tử chân thành của Như Lai luôn luôn hoan hỷ và không chút hối tiếc trong lúc cúng dường bất cứ một vật phẩm nào. Do đó u sầu tiêu sạch, công đức phát sinh. Đời sống phước lạc này giúp ngươi bước lên con đường giải thoát, vượt trên những sự triền phượcbất tịnh của con người. Sự hướng thiện ấy sẽ làm cho ngươi có hạnh phúcan lạc trong công việc từ thiện."

Ngôi tịnh xá Purarama ở về phía đông Kỳ-Viên là của bà Visakha dâng cúng cho Phật gọi là Lộc mẫu giảng đường. Bà là tín đồ thuần thành, có uy tín nhất trong vùng. Tín nữXá vệ ai ai cũng ủng hộ và chịu sự lảnh đạo của bà. Bà hết lòng ủng hộ cho Chư Tăng Ni và làm từ thiện cho người nghèo khó.

II.

Bây giờ chúng ta tìm hiểuhọc hỏi nội dung bài kinh vi diệu này của đức Thế Tôn:

Trước hết, chúng ta thấy tất cả chư Thiên, mặc dù có thân thể sáng chói, có đời sống tốt đẹp, an lạc hơn nhiều, thọ mạng lâu dài cả hàng ngàn năm so với loài người. Thế nhưng, chư Thiên cũng đang ở trong vòng sanh tử luân hồi, cũng còn phiền não nghiệp chướng cho nên chư Thiên cũng chưa được chơn hạnh phúc. Vì vậy mà vị chư Thiên này xin Phật giảng dạy cho chơn hạnh phúc, là cái hạnh phúc thật sự là như thế nào? 

Thường thường chúng ta ai cũng mong có hạnh phúc. Vậy hạnh phúc là gì? Hạnh phúc là những điều vui thích, những điều an lạc gọi là hạnh phúc. Nếu khôngan lạc vui thích thì dù ở đâu cũng cãm thấy thiếu hạnh phúc. Thế gian người ta thường nghĩ rằng: Có tiền thì mới có hạnh phúc. Có chức vị quyền cao nói đau người ta nghe nấy,phục tùng theo nấy mới là hạnh phúc. Thiếu những tính đó coi như khônghạnh phúc. Hạnh phúc đó của thế gian cũng chỉ là hạnh phúc tạm bợ, tương đối nhỏ nhoi nhất thời mà thôi. Bởi cho có vàng là hạnh phúc, thì chưa chắc vàng đó đã tạo ra hạnh phúc. Chưa có vàng thì mong cho có, có vàng rồi thì đâm ra lo, vì tiếp đó là bao nhiêu sự lo âu khổ sở, dính theo với cái vàng đó. Có người vì vàng mà bị trấn lột, bị cướp giật, giết hại. Như vậy vàng chưa chắc đã đem lại hạnh phúc thật sự cho con người. Nói vàng như vậy là để suy ra: Nhà cửa, ruộng vườn, tất cả những thứ gì từ bên ngoài đưa vào, nó chỉ đem lại cái hạnh phúc an vui nhất thời chứ không phải là thứ hạnh phúc chơn thật. Trái lại, cái hạnh phúc nào chính từ trong bản thân của mình tạo ra, tự bên trong đưa ra thì hạnh phúc đó mới là chân thật. Vui nào chính tự trong mình gây dựng nên cái vui đó mới là cái vui chân thật. Bởi cái vui đó nó không tùy thuộc bên ngoài, nó không tùy thuộc chức tước, địa vị vật chất bên ngoài, cái vui đó mới là cái vui chân thật, vĩnh cửutự tâm mình tạo lấy.

Tất cả mọi sự đều vô thường và dù sự vật gì có bền chắc đi nữa cũng đều vô thường, cho đến nhà cửa, chức tước cũng vô thường, Những thứ vô thường thì không thể đem lại cái hạnh phúc chơn thường được. Nên muốn tìm hạnh phúc chơn thường thì phải tìm tự chính nơi bản thân mình, tìm tự nơi cái tâm mình. Vì vậy Đức Phật đã dạy cho vị chư Thiên đó bài kinh Chơn hạnh phúc. Ngẫm nghĩ về bài kinh này, chúng ta thấy có một điều rất thiết thực. Nếu học tập và thực hành theo đó, chúng ta sẽ có hạnh phúc: Hạnh phúc trong từng ngày, từng giờ, từng tháng, từng năm. Khi nào chúng ta thực hành được lời Đức Phật dạy thì chính giờ phút đó chúng ta sống trong hạnh phúc.

Năm 1960 có ông Hội trưởng Hội Thông Thiên học, người Anh. Đạo Thông Thiên học này lấy một phần giáo lý của Phật giáo và một phần của Ấn giáo hòa trộn lại, tạo ra Thông Thiên học, một tổ chức có tính cách quốc tế, ông này đến Việt Nam và đến thăm tôi, nói rằng thầy cho tôi hỏi một câu. Tôi nói ông cứ hỏi. Ông nói: Đạo Phật nói về vô ngã rồi đạo Phật cũng nói nhập Niết-bàn, như vậy thì vô ngã là không ta, không ta thì ai vào Niết-bàn? Tôi nói rằng: Hỏi như vậy tức là ông chưa hiểu chi lý vô ngã và cũng chưa hiểu gì lý Niết-bàn. Vô ngã giờ phút nào là Niết-bàn giờ phút đó, chứ không nhập không xuất gì hết. Hữu ngã giờ phút nào là sanh tử luân hồi giờ phút đó. Nếu tâm ta vọng tưởng, tâm ta chấp ngã, chấp nhơn thì chính trong giờ phút đó, ngay trong tâm niệm đó đã có luân hồi, và luân hồi ngay trong vọng tưởng chấp ngã chứ không phải đợi chết rồi mới luân hồi. Nếu mai kia ta không có tâm chấp ngã, thì cũng không có luân hồi. Vậy thì Niết-bàn không phải đâu xa lạ, không phải một cái nào đó từ ngoài đưa tới mà Phật chỉ cái Niết-bàn đó ngay tự trong tâm ta, tự trong cái tâm vô ngã của chúng ta. Giờ phút nào tâm chúng ta vô ngã tức là tâm chúng ta không còn dính dáng gì cái chấp ngã, chấp nhơn, chấp chúng sanh, thọ giả, không còn dinh dáng gì đến tham, sân, si, phiền não, tật đố. Chính giờ phút đó là giờ phút an lạc nhất. Giờ phút an lạc nhất tức là giờ phút Niết-bàn. Như vậy Niết-bàn là cái trạng thái an lạc của tâm hồn. Khi tâm hồn ta không vướng bận phiền não, lo âu, không vướng bận bất cứ mộit cái gì về ngã nhơn tức giờ phút đó tạm ta an lạc mãi. An lạc đó chính là Niết-bàn. Niết-bàn tức là chơn hạnh phúc, chứ không gì khác hơn.

Bài kinh Chơn hạnh phúc này Phật dạy cũng như vậy. Ngài không nói rằng hãy làm cho có nhiều vàng mới là chơn hạnh phúc, làm cho có nhiều nhà cửa mới là chơn hạnh phúc, làm quan to chức lớn mới có chơn hạnh phúc... Ngài chỉ dạy ta muốn có dược chơn hạnh phúc thì:

Không thân cận kẽ ác
Bậc hiền trí phải gần
Cung kính người đáng kính
Ấy là chơn hạnh phúc.

Ở đoạn kệ này chúng ta chú ý ba cụm từ: không thân kẽ ác, gần kẻ hiền trí, kính người đáng kính. Vậy thế nào là:

Không thân cận kẻ ác
Bậc hiền trí phải gần?

Gần kẻ ác thì mình sẽ bị quả ác theo, gần bậc hiền trí thì mình được hiền trí theo. Đó là điều Đức Phật đã dạy rõ-ràng trong kinh Pháp Cú: "Nếu không gặp được người hơn mình để kết bạn thì thà sống một mình còn hơn là kết bạn với người ngu."

Được người hơn mình kết bạn thì mình sẽ được thăng hoa, được ngang mình kết bạn thì mình được sách tấn, nếu kết bạn vối người thua mình thì mình chỉ thua theo với họ mà thôi. Thà rằng sống một mình còn hơn kết bạn với người ngu.

Người ngu đây không có nghĩa là người u mê dốt nát, mà là người sống trong tham vọng, sống trong điên đảo, mê lầm, tật đố. Chính những điểm đó làm cho con người trở thành phàm phu. Mà gần với phàm phu thì mình cũng trở thành phàm phu, gần với bạn xấu sẽ trở thành xấu. Tục ngữ có câu: "Gần mực thì đen gần đèn thì sáng", cho nên chọn bạn mà thân cận là một điều hết sức quan trọng.

Ngày xưa, có một ông vua nọ mua về một con ngựa rất tốt, ông ra lệnh thuê một người giữ ngựa thật giỏi. Con ngựa ông mua về đang khoẻ đang tốt như vậy, nhưng không biết vì lý do gì vài hôm sau con ngựa đi cà nhắc. Có người báo lên vua biết và nói: Con ngựa của ngài khoẻ mạnh, đẹp đẽ như vậy nhưng không biết sau bữa nay nó lại đi cà nhắc? Vua biểu người nài dắt ngựa tới coi thì thấy nó đi cà nhắc thật. Vua cho người đi mời thầy thuốc về chữa. Thầy thuốc nào đến chữa cũng không biết nó mắc bệnh gì, khi hỏi thì họ nói nó ăn cũng được, ngủ cũng được, không thấy có biểu hiện gì đáng nghi, sai chi làm nấy, bảo chi nghe nấy, nhưng không biết con ngựa tại sao lại đi cà nhắc? Không có thấy thuốc nào chữa được bệnh của con ngựa này cả vì tìm không ra bệnh để kê toa.

Tiền thân Đức Phật là một vị Bồ tát trí tuệ hơn người. Người ta nghe đồn ngài ở trên núi đó nhưng cái gì ngài cũng biết hết, chắc chắn mời được ngài về thì ngài sẽ chẫn đoán được bệnh của con ngựa này. Có người tâu vua, vua cho mời ngài về để trị bệnh cho con ngựa. Khi mời ngài về thì việc đầu tiên là ngài đến quan sát hỏi thăm những người chăm sóc ngựa. Mới đầu ngài cũng chưa tìm ra bệnh, nên chưa có cách chữa. Ngài nghĩ chắc gặp anh nài thì sẽ rõ hơn và thế là ngài cho đòi anh nài lên gặp ngài. Đến khi anh giữ ngựa lên thì ngài thấy anh đi chân cà nhắc. Thấy vậy ngài đoán: À, té ra con ngựa này đi cà nhắc vì bắt chước chủ của nó đi cà nhắc. Anh này đi cà nhắc là vì anh thường kêu ngựa làm chuyện này chuyện kia, anh đi cà nhắc, con ngựa cứ ngỡ anh nài biểu nó đi cà nhắc nên nó cũng đi cà nhắc. Vì anh nài đi cà nhắc nên ngựa cũng đi cà nhắc.

Nếu chúng ta sống gần người đi cà nhắc, e một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ đi cà nhắc. Cà nhắc ở đây là u mê, điên đảo, xấu xa, bần tiện v .v... tức là những cái không ngay thẳng, không chính đáng nên gọi là cà nhắc. Con ngựa ở gần một anh đi cà nhắc nên nó cũng bắt chứơc đi cà nhắc. Vậy cho biết thân cận với bạn là quan trọng vô cùng.

Vì thế Đức Phật dạy: Muốn được hạnh phúc thì phai xa bạn ác, gần bạn lành thì chân mới khỏi đi cà nhắc được.

"Cung kính người đáng kính". Điều này rất quan trọng. Người nào là người đáng kính? Người đáng kính là người có đức, người có trí tuệ, người có hành động chân chính, người biết ăn nói lời của hiền triết, người có tagm rộng rãi, có tâm từ bi hỷ xả. Chúng ta phải phân biệt ai là người có đức độ, và tập tính của họ như thế nào đó để chúng ta biết người đó đã chứng, chứ khônh phải người ăn mặc đẹp, tốt con, cao ráo, sạch sẽ mà kêu là người đáng kính. Ở đời ai ta cũng đáng kính hết, nhưng kính đó là cách xã giao thông thường, không oán khinh ai, ai cũng kính hết, nhưng kính đó là kính bình thường. Và đây là kính để làm thầy, để học hỏi, kính noi theo, tất nhiên ta phải kính người nào mà có tâm từ bi, có trí tuệ, rộng rãi, ăn nói chân chính, có hành động ngay thẳng, không tham. Những người như vậy là người đáng kính, kính như vậy sẽ đem lại chơn hạnh phúc cho mình và cho người.

Chọn nơi lành mà ở
Đời trước đã tạo phước
Nay giữ lòng thẳng ngay
Ấy là chơn hạnh phúc.

Chọn nơi lành để ở cũng là một cách gần gũi chỗ ở. Ở đoạn trên trên nói gần gủi bạn lành thì ở đay nói gần gũi chỗ ở. Nếu nhà bạn ở gần lò sát sanh thì lâu ngày cũng nhiễm theo tính hiếu sát. Ở gần xóm đánh bạc lâu ngày cũng sẽ nhiễm tánh cờ gian bạc lận. Ở gần xóm hay gây lộn, chửi lộn thì cũng sẽ nhiễm tánh nóng nảy hay gây sự chửi bới tục tằng.

Ngày xưa bà mẹ của ông Mạnh Tử bên Trung Hoa là một vị Á thánh. Bà ta đã dời chỗ ở của con hai ba lần. Lần thứ nhất bà ta ở bên lò mổ heo nên cả ngày đêm cứ nghe heo kêu en éc trước khi chết. Nghe heo kêu, Mạnh Tử còn bé hỏi: Con chi kêu rứa mẹ? Bà nói con heo, họ đang mổ heo con ạ. Họ mổ heo để làm gì hả mẹ? Bà trả lời: Họ làm heo để cho con ăn. Bà nói lở lời như vậy, nhưng sau bà nghĩ: Mình nói láo với con thì sợ sau này con mình cũng sẽ nhiễm thói nói láo chăng? Cho nên bà ra chợ mua thịt heo về nấu cho con ăn. Từ đó bà biết rằng mình ở bên lò sát sanh thì khi con nó nghe tiếng heo kêu ét ét như vậy, sợ khi lớn lên nó cũng kêu et et thì nguy hiễm quá, nên bà ta phải dời nhà đi ở chỗ khác để con mình không nhiễm tính sát.

Bà dời đến một xóm mới nhưng xóm đó có nhiều người hay gây gổ đánh lộn, sợ con mình bắt chước theo nên bà lại dời đi một chỗ khác. May thay, nơi này lại gần một trường học. Nhờ ở gần trường nên con bà được huân tập sự học hành của nhà trường, thầy trò vô lớp và ra đường toàn nói chữ nghĩa thánh hiền, con bà bắt chước học theo nên sau này đã trở thành một vị Á thánh mà Trung Hoa gọi là đạo lý Khổng Mạnh tức Khổng TửMạnh Tử, đó là hai bậc Thánh (một bậc thánh và một bậc á thánh) của đạo Nho. Công lao nuôi dạy con thành người chính là mẹ ngày khéo dạy cho người bằng cách chọn chỗ ở mà sau này ngài là Thánh. Cho nên chọn chỗ để ở quan trọng lắm.

Đời trước đã tạo phước
Nay giữ lòng ngay thẳng.

Đời trước đã tạo phước cho nên ngày hôm nay mình được an lành hạnh phúc chính là nhờ siêng giữ lòng ngay thẳng. Vậy chúng ta cố giữ phước đừng để nó mất đi. Mỗi ngày phải làm sao bồi bổ thêm phước, chứ đừng để mất phước, tiêu hao mà không chịu bồi dưỡng thêm thì chắc chắn ngày sau không còn mà hưởng.

Hiểu rộng và khéo tay
Giữ tròn các giới luật
Nói những lời hòa ái
Ấy là chơn hạnh phúc.

Hiểu rộng và khéo tay. Hiểu rộng là hiểu lẽ phải trái trên đời. Nếu người ta có trí tuệ, có sự hiểu biết đó là hạnh phúc. Một người mà không có hiểu biết chi cả đó là người thiếu hạnh phúc. Cho nên người có trí tuệ cũng là người hạnh phúc, vì có trí tuệ mới hiểu rộng được. Nếu đem nó ứng dụng vào cuộc sống thì tùy trường hợpứng dụng, chứ không phải sự hiểu biết nào cũng đem ứng dụng được hết. Những người có hiểu biết đa số là những người có hạnh phúc và khéo tay. Khéo tay để giúp đở cho sự sống. Vụng về thì không thể nuôi được mạng sống và không thể làm ra của cải để nuôi sống gia đình. Có khéo tay thì mới làm ra của cải để nuôi sống mình, nuôi sống gia đình, giúp cho quốc gia xã hội mau giàu có.

Nên Đức Phật dạy những ai khéo tay biết tạo ra của cải để nuôi sống mình và gia đình đó cũng là chơn hạnh phúc. Vì khi khéo tay có thể tạo ra của cải thì không lo âu sợ hãi, không làm điều sai trái, đó là chơn hạnh phúc.

Giữ tròn các giới luật. Ở trong giới nào, thọ giới nào thì cố gắng giữ theo giới đó cho trọn vẹn. Giữ giới đó trọn vẹn là một công đức, là một phúc đức, đó cũng là chơn hạnh phúc.

Nói những lời hòa ái. Thật ra nói năng là một việc hết sức dễ. Mở miệng là nói, không ai cấm hết, không ai bịt miệng hết, nhưng nếu không có chánh tâm thành ý, không tập luyện lời nói hòa ái thì chắc chắn khó nói được lời hòa ái. Khi đã nói lời hòa ái thì gây ra được niềm vui cho mình, cho người, gây được sự thân thiện giữa mình giữa người. Đó là chơn hạnh phúc.

Hiếu dưỡng mẹ và cha
Săn sóc vợ và con
Không vương vấn phiền hà
Ấy là chơn hạnh phúc.

Hiếu dưỡng mẹ và cha, đó là một đức tính quý báu. Chúng ta biết Đức Phật cũng chú trọng về sự hiếu dưỡng cha mẹ lắm, chư không phải nói đạo Phật nói giải thoát là bỏ hết cha mẹ. Một trong những cái công đức để thành Phật, có công đức hiếu dưỡng cha mẹ. Thiếu sự hiếu dưỡng cha mẹ là mất một phần công đức rất lớn. Lắm người cũng vì ích kỷ, vì khóai lạc cá nhân mà quên công ơn sanh thành của cha mẹ, đó là một tội lỗi rất lớn.

Săn sóc vợ con. Vợ và con ở đời là cái duyên cái nợ. Dầu duyên dầu nợ đi nữa thì cũng có cơ hội gặp gỡ nhau. Nếu biết dung hòa săn sóc thương yêu để tạo lập cuộc sống êm đẹp cho nhau thì đó là chơn hạnh phúc. Nếu không thì vợ con sẽ trở thành mối oan gia đối đầu với mình, tạo thành một cảnh địa ngục thường xuyên trong mỗi gia đình và như vậy thì không phải là chơn hạnh phúc. Điều này nói ra thì có vẻ tầm thường, nhưng thật sự ở đời cũng có những gia đính, vì người đàn ông chỉ biết lo cho cá nhân mình, rượu chè bê bết, vợ con bỏ lăn lóc, không hay biết gì tới họ cho nên trong kinh Đức Phật nhắc nhở câu này. Nếu một người mà biết chăm sóc vợ con, hiếu dưỡng cha mẹ, không phiền hà người khác, không vương vấn bất chính với người khác, không phiền hà cha mẹ, bà con, vợ chồng thì đó là chơn hạnh phúc.

Biết cho và sống đúng
Giúp đở người bà con
Hành động không chê trách
Ấy là chơn hạnh phúc.

Biết và cho là cố ý. Ta sống ở đây không phải ta không nhớ cái mà người khác cho ta. Có người làm áo ta mới có áo mặc, có người làm ra gạo ta mới có cơm ăn, không khí cho ta hơi thở, ánh sáng mặt trời cho ta sức nóng. Nhờ tiếp thu cái của bên ngoài đưa vào, cho vào, ta mới tồn tại. Ta cũng phải biết cho lại như vậy. Có biết cho thì mới làm điều hòa sự sống của ta, sự sống của vũ trụ. Nếu không biết cho mà chỉ thu vào thì chắc chắn sẽ không làm sao an lạc cho mình cho người được.

Tôi nói một chuyện hết sức bình thường nhưng cực kỳ quan trọng. Ví như hơi thở của chúng ta, không khí mà chúng ta thở nó quý vô cùng. Thiếu cơm ăn một tháng cũng chưa chết, thiếu nước uống một ngày cũng chưa chết, thiếu áo mặc một năm cũng chưa chết, thiếu nhà ở một vài năm cũng chưa chết, nhưng thiếu không khí thở trong vài phút là chết ngay. Nhưng nếu chúng ta thấy quí mà cứ hít mãi, không thở ra thì chắc chắn cũng chết. Cho nên nếu không biết cho là nhất định chết. Ta cứ tiếp thu vào mà không cho (thải ra) thì cũng chết. Nếu cứ thu vật chất đầy kho thì nó sẽ chôn vùi chúng ta, chúng ta cũng sẽ chết, vàng bạc, châu báu, của cải nhiều cũng sẽ chôn mình, làm cho mình không bước đi được thì cũng chết ngay. Vì vậy biết cho là biết tạo hạnh phúc, không biết cho là không có hạnh phúc.

Các Phật tử nên cố gắng tìm hiểu thêm lời dạy trên. Có nhiều trường hợp có những người ở quanh mình họ đói năm ba ngày chưa có ăn trong khi mình dư dã, ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều, ăn tối, mà không nghĩ đến người đang đói là thiếu đức tính của người Phật tử, thấy sự khổ của người khác mà không cứu. Nếu ngài không có tâm từ bi khi nhìn thấy sự khổ của chúng sanh. Ngái chỉ thấy ngài là một ông vua sung sướng không thiếu thứ gì, thì chắc Ngày đã không đi tu rồi. Đằng này Ngài đi tu là một cách cho và chúng sanh là người nhận.

Kính nhường và khiêm tốn
Biết đủ và nhớ ơn
Tuỳ thời học đạo
Ấy là chơn hạnh phúc.

Ở đời, có người sống cao ngạo, kêu căng, xấc láo là người thiếu đức, người như vậy không thể có hạnh phúc. Nên biết khiêm tốn, khiêm nhường, biết đủ và nhớ ơn là người hạnh phúc. Biết đủ là biết vừa phải, hai chữ này trong nhà Phật dạy kỹ lắm. Biết đủ và thiểu dục, ít muốn và biết đủ nó gắn liền với nhau. Biết đủ là như thế nào? Biết đủ là cái mình đang hiện có đây và chúng ta bằng lòng với cái hiện có đó, nó vừa phải đối với chúng ta. Cái mình có được là vừa đủ, ví như ta có một cái áo là vừa đủ, nhưng vì tham ta cứ mong có được 10 cái áo, để một ngày thay đổ một cái thì chắc chắn là khổ chứ không làm sao mà vui được. Biết đủ là biết những cái hiện có, mình có rồi, biết chừng đó là đủ, mình không muốn thêm nữa quá tầm tay và sức của mình. Giữ được tính cách ít muốn đó là chơn hạnh phúc.

Tùy thời học đạo lý. Các Phật tử cũng tìm học như đọc kinh, đọc sách, tìm thầy tìm bạn để học hỏi thêm những điều mình chưa biết. Tôi cũng mong các Phật tử nên học. Ví dụ ta nghe câu" Nam mô A Di Đà Phật" hay là "Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật". Các Phật tử đọc luôn cả hàng chục năm như vậy, nhưng bây giờ đột ngột có người ngọai đạo nào đó hỏi: tôi nghe chị đọc "Nam mô A Di Đà Phật", nghĩa là sao chị? Chắc có nhiều đạo hữu hiểu và cũng có nhiều đạo hữu không hiểu. Vì sao không hiểu? Là bởi vì mình không tìm hiểu. Không học hỏi. Nếu có tâm học hỏi thì khi đến chùa gặp các thầy hay các đạo hữu nào thân mình hỏi: Nam mô A Di Đà Phật nghĩa là sao đạo hữu? Đạo hữu cắt nghĩa cho tôi nghe với? Tôi chắc các vị ấy cũng cắt nghĩa cho mình nghe dù sâu dù cạn, tùy theo sự hiểu biết của các vị ấy. Do vậy, tôi mong các Phật tử đi đến chùa, cái gì không biết thì đem ra hỏi, hỏi các đạo hữu quanh mình hay các thầy trong chùa. Khi này hỏi một câu, khi khác hỏi một câu, tôi chắc lâu ngày các Phật tử sẽ lần lần thắm đạo, hiểu đạo một cách sâu sắc hơn. Có học hỏithấm nhuần đạo như vậy mới là chơn Phật tử. 

Một bữa nọ có người kể lại cho tôi nghe: Ngoại đạo họ chê Phật tử mình rằng: Hôm đó họ đi vô sửa xe nơi nhà của một Phật tử, họ hỏi: Hôm nay sao anh không đi làm lễ ở chùa vì ngày rằm mà? Còn bên tôi trước khi vô đạo như vậy tín đồ bắt phải đọc kinh 3 tháng. Nghi lễ đến nhà thờ như thế nào? Đọc kinh sáng ra sao, kinh trưa ra sao, kinh chiều thế nào? Nếu hỏi chuyện cao siêu họ không biết, chứ hỏi chuyện thông thường người nào cũng biết hết. Đó là chuyện ngoài đạo, còn Phật giáo mình thì sao? Còn bên Phật giáo tôi thấy Phật tử rất đông mà khi hỏi đi chùa để làm gì thì đa số cũng chưa hiểu hết ý nghĩa. Niệm Phật A Di Đà là sao họ cũng chưa hiểu tường tận. Như vậy vô tình, mình bị ngoại đao chê là phải rời vì mình thiếu cái thành tâm để hiểu đạo của mình. Cho nên từ nay mong rằng các đạo hữu khi nào đén chùa, mình gác chuyện bên ngoài lại, nhớ cái gì chưa biết thì cứ hỏi cho biết. Tôi lấy ví dụ: Đạo hữu thấy trên chùa Từ Đàm có thờ tượng gì mà một tay chỉ lên một tay chỉ xuống là ý nghĩa ra sao đạo hữu hề, nghĩa là sao thầy hề? Các đạo hữu đến chùa cứ hỏi như vậy thay vì nói chuyện khác. Các Phật tử cứ đem chuyện thắc mắc về đạo ra mà hỏi, chắc chắn cũng có nguời trả lời không rõ, chưa đúng, nhưng cũng có nhiều người trả lời đúng.

Thế là các đạo hữu dần dần sẽ hiểu đạo hơn, hiểu kinh điển một cách thâm thuý hơn. Một tay chỉ lên trời một tay chỉ xuống đất là Ngài muốn nói: Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tônthâm thúy lắm (tức là trên trời dưới trời duy Ta là độc tôn).

Nhẫn nhục vâng ý lành
Viếng thăm bậc tu hành
Tuỳ thời bàn luận đạo
Ấy là chơn hạnh phúc.

Nhẫn nhục: Đức Phật dạy điều này cũng nhiều lắm. Trong Lục độĐức Phật dạy là Bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định, trí tuệ thì nhẫn nhục là một trong sáu độ. Vâng theo ý lành mà tu tập, viếng thăm bậc tu hành để học hỏi mà tu, biết cách tu để giải thoát

Tùy thời bàn luận đạo. Tránh bớt chuyện đi đến chùa mà nói tạp thoại, tập trung bàn luận đạo, nghe giảng pháp, tụng kinh, hành thiền. Chỗ nào chưa thông thì hỏi thầy, hỏi bạn để hiểu thêm.

Trong sạch và siêng năng
Suốt thông các đạo lý
Thật hiện vui Niết-bàn
Ấy là chơn hạnh phúc.

Bên Gia đình Phật tử có câu phát nguyện: "Phật tử trong sạch từ lời nói đến việc làm". Trong sạch trong tinh thần, trong lời nói, trong việc làm. Các Phật tử nên hiểu chữ trong sạch này là thanh tịnh. Giữ giới thanh tịnhtrong sạch; hành động ngay thẳng là hành động trong sạch; nói năng chơn thật là nói năng trong sạch. Chữ trong sạch ở trong đạo khác với chữ trong sạch ngoài đời. Ở ngoài đời nặng về vật chất, còn ở trong đạo nặng về tinh thần.

Suốt thông các đạo lý
Thật hiện vui Niết-bàn

Các Phật tử cố gắng trong một ngày mình cũng thực hiện cái vui Niết-bàn trong một phút, nghĩa là các Phật tử để trong một phút không suy nghĩ cái gì hết, không tư lự một cái gì hết, gác bỏ tất cả, ngồi một phút thư giãn, thả tâm của mình hòa nhập pháp giới vũ trụ bao la, không có ngã, không có nhơn, không có thời gian không gian gì cả. Ngồi được một phút như vậy là đã vui Niết-bàn rồi đó. Có thể một ngày nên hành trì cho đều đặn như: trước khi đi ngủ, các Phật tử ngồi thẳng mình thở vô, thở ra cho được 100 cái rồi nằm xuống, nằm xuống niệm 3 biến Bát nhã, niệm thầm trong miệng rồi đi ngủ, làm được như vậy giờ nào là an lạc giờ phút đó. Làm được như vậy là tránh khỏi mọi ưu tư, gạt bỏ tất cả phiền muộn thì sẽ có được một giấc ngủ trong lành. Các Phật tử cố gắng làm đều đặn như vậy là thể hiện cái vui Niết-bàn

Tiếp xúc với thế gian
Giữ lòng không sa ngã
Không sầu nhiễm bình an
Ấy là chơn hạnh phúc.

Tiếp xúc với thế gian, giữ lòng không sa ngã là ví dụ như đi buôn, bình thường bán một mét là 15 ngàn, trong đó cũng có lời vài ngàn rồi. Hôm nay có bà ở quê lên, nghe bên kia nói thách 50 ngàn, bà chạy qua bên này hỏi và nghe nói bán 40 ngàn. Bà lầm tưởng rẽ mua liền. Chị bán hàng cũng đon đã nài, tôi bán như rứa là rẽ lắm rồi vì thương bà đường xá xa xôi nên bán rẽ cho bà đó. Thế là bà kia mua liền. Vô tình đã đẩy họ vào chỗ mua nhầm mà mình cũng vô lương tâm. Như vậy là đã để lòng bi sa ngã. Trước một mối lớn nhu vậy tự nhiên quên cái chánh tâm của mình, mất chánh đạo của mình, quên cái từ tâm của mình trước một người từ quê ra phố không hiểu biết giá cả thị trường ra sao cả, cái tâm xiêu vẹo của mình nhu vậy là không tốt. Với việc chị thôn quê kia không biết giá cả lầm 40 ngàn mà mình đang tâm ăn lời như vậy là không nên, tâm ham lợi quá đáng... Lẽ ra mình bán cho người ta 15 ngàn thì với chị ta cũng bán 15 ngàn thôi, sao lại bán 40 ngàn! Bán ăn lời kiểu đó là thất đức. Chính tâm bị sa ngã là do hám lợi.

Tiếp xúc với thế gian
Giữ lòng không sa ngã.

Chị bán hàng quá giá cũng là cách sa ngã, lại còn cách sa ngã thứ hai là rượu chè. Tới một đám tiệc nào đó họ đem rưượu ra mời. Họ nói đó là rượu thuốc, uống một ly sống thọ 10 năm. Nghe uống 1 ly mà sống thọ 10 năm, ai mà không ham, nên uống liền. Đó là lòng sa ngã. Chứ rượu thuốc gì mà uống 1 ly, sống thọ 10 năm? Cho nên khi tiếp xúc với thế gian cố gắng giữ lòng không sa ngã, phải giữ tâm chánh đạo, giữ tâm ngay thẳng trước sau như một, là sẽ có hạnh phúcan lạc, chứ không thì nay sa bên này, mai sa bên kia thì làm sao mà bình an được. Được như vậy không sầu chính là chơn hạnh phúc.

Như thế mà tu hành
Việc gì cũng thành tựu
Ở đâu cũng an lành
Thảy là chơn hạnh phúc.

Thành tựu được như vậy thì bất cứ ở đâu cũng an lành hết vì tâm ta được bình tĩnh, sáng suốt là được an lành. Bởi an lành tự tâm ta mà ra. Hạnh phúc chơn chánh cũng ở trong tâm mà có, chứ không phải từ bên ngoài đưa vào. Khi ta thấy tâm hồn an ổn thì ở đâu cũng có hạnh phúc cả.

Hôm kia tôi có tiếp một vị Sư người ở trong Nam, bây giờ tu ở núi Hy Mã Lạp. Vị này trước kia là tại gia cư sĩ hết sức giàu. Có lần ông đi buôn ở đất nước Liên Xô cũ, đô la đổi ra tiền rúp không xuể, vì ông có cả mấy triệu đô. Đến khi thời cuộc thay đổi, tiền bạc bay hết, ông trở nên trắng tay. Ông hoảng hồn tối mũi, tối mặt không biếi đường nào mà đi cả như người từ trên trời rơi xuống đất, không biết ngã nào mà chọn lựa. Khi đó ông thuê xe đi khắp nơi mà không biết đi đâu.

May ra bữa đó ông nằm thiêm thiếp ngủ, thì bên tai có người nhắc, giở kinh ra đọc đi, nhắc đi nhắc lại hai ba lần như vậy thì ông chợt tỉnh dậy. Trước đó ông cũng có đọc kinh như Pháp Hoa, Kim Cang, Bát Nhã, nhưng đọc thì đọc qua vậy thôi, chứ khi đó tâm niệm làm giàu làm sao mà đọc cho vô, làm sao mà nhớ nổi. Khi nghe nhắc như vậy, ông mới nhớ từ từ kinh Pháp Hoa nói gì, kinh Bát Nhã nói gì, kinh Kim Cương nói gì và chợt nhớ ra lời Phật dạy: Tam giới bất an do như hỏa trạch (ba cỏi này không an như một nhà lửa), thôi tu đi. Ông chợt nhận ra nơi ông ở là nhà lửa thật, nhưng trước đó ông không thấy gì cả, mà toàn thấy là nhà vàng, nhà bạc, không có gì là lửa hết. Tự nhiên ông thấy Đức Phật dạy quá đúng, ông đang ở trong nhà lửa của địa ngục trần gian. Khi đó ông mới hồi tâm và dõng mãnh đi tu, ông tìm qua Nepal, đến núi Hy Mã Lạp để tu. 

Khi tu được rồi bấy giờ ông thấy sướng quá. Khi thăm tôi, ông khóc và nói: Ngày xưa con đắm say vàng bạc của cải, nên đi đâu cũng khổ, đến đâu cũng sợ. Bây giờ thì con tự tại lắm. Cho nên tôi cũng mong quý Phật tử niệm Phật tụng kinh làm sao cho có ích, cho thêm phước đức, có đủ thiện căn để có một dịp nào đó - cuộc đời chúng ta làm sao mà suông sẽ hết - chính trong giờ phút đó chúng ta gặp được thiện trí đức, gặp được điềm mộng lành, gặp được lời Đức Phật dạy, may ra mới được hồi tỉnh cứu thoát, chứ khi đó không có ông trời nào cứu thoát được.

Tóm lại, hạnh phúc là cái gì có thể thực hiện ngay trong đời sống của chúng ta, chứ không phải là cái gì viễn vông, xa vời không thể đạt đến được. Bài kinh mới nghe qua thì rất giản dị, nhưng đọc kỹ nó rất sâu sắc và thực tiển, nó có thể áp dụng vào trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Đây là bài kinh dạy cho tất cả những ai muốn có hạnh phúc, nhất là các Phật tử muốn có cuộc sống an lành hạnh phúc thì phải đọc tụng, chiêm nghiệm hằng ngày chắc chắn sẽ có lợi ích lớn.

Đầu năm tôi chúc tất cả các Phật tử tụng kinh niệm Phật cốt là để khai mở cái tâm, tâm trí khai mở rồi thì mới được hạnh phúc an lạc.

Chúc tất cả luôn luôn tinh tấntâm trí ngày càng khai mở. 





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
04/10/2015(Xem: 17365)
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :
Một hình chụp văn bản lan truyền qua mạng xã hội hôm 12 Tháng Tám được cho là thư thông báo rời bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (giáo hội quốc doanh) của Thượng Tọa Thích Minh Đạo, trụ trì tu viện Minh Đạo ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.