Huệ giáo
Để trở thành một người Phật tử, việc phát nguyện Quy y Tam Bảo và giữ gìn Ngũ giới là tâm nguyện, là việc cần làm đầu tiên. Do đó, chúng ta cần phải học và tìm hiểu, để thực hành hầu mang lại nhiều lợi lạc cho chính chúng ta, gia đình và khả dĩ kiến tạo một xã hội tốt đẹp.
I- Ngũ giới
Ngũ Giới là năm điều răn cấm mà Đức Phật đã chế dành cho Phật tử tại gia, là nền tảng để bước lên những giới pháp rộng lớn hơn. Ý nghĩa của năm giới nhằm mục đích giúp cho người con Phật ngăn ngừa những ý tưởng xấu ác, những hành động bất chánh và những lời nói thiếu cẩn trọng để khỏi phải hại mình hại người.
Giới nhà Phật chế ra, mục đích khiến mỗi người tự hoàn thiện lấy mình và hướng tới một con người toàn diện, chân - thiện - mỹ. Giới nhà Phật không phải là sự bắt buộc, áp đặt vào một ai mà chính là sự tự nguyện thực hiện của mỗi người nhận lãnh. Đức Phật không phải là một vị thần linh tối cao, cũng chẳng phải là vị quan tòa cầm cân nảy mực mang tích chất thưởng phạt. Ngài chỉ là một vị Thầy dẫn đường cho chúng ta thấy đâu là con đường trong sáng, cao thượng cần phải đi và đâu là con đường tối tăm cần phải tránh.
Năm giới chính là thành trì để ngăn chặn ba nghiệp xấu từ thân, miệng, ý của chúng ta và tạo một cuộc sống an bình. Sống và thực hành giữ gìn năm giới này chúng ta không rơi xuống vực sâu của tội lỗi, nghiệp chướng. Do đó, giới mang một tinh thần đặc biệt; người mà giữ được giới nào thì có an lạc và giải thoát ở giới đó. Càng khép mình trong nhiều giới thì chúng ta càng không gây thêm những nghiệp nhân trong đời sống hiện tại cũng như nhận lấy những nghiệp quả trong tương lai, và để có một đời sống thật trong sáng, không sợ hãi. Năm điều răn cấm đó là:
1. Không được giết hại.
2. Không được trộm cắp.
3. Không được tà dâm.
4. Không được nói dối.
5. Không được uống rượu.
II- Năm giới:
1. Không được giết hại:
Phật khuyên chúng ta không được giết hại, làm tổn thương đến sinh mạng từ loài nhỏ cho đến loài lớn, từ loài người đến loài vật. Vì chúng sanh ai cũng tham sống sợ chết đây là điều tất yếu, không những chỉ xãy ra giữa con người có tình thức và sự hiểu biết mà còn bao hàm cả súc sanh. Sinh mạng của mỗi loài đều có giá trị cao quý khác nhau, phải được tôn trọng. Do đó, tư tưởng giết loài vật để phục vụ cho tham dục và nhu cầu của con người là điều không thích hợp với cái nhìn của thời đại văn minh, thiếu nhân tính, bởi tình thương là yếu tố khác biệt giữa loài người và các loài khác.
Đạo Phật cấm giết hại với nhiều lý do sau:
a. Tôn trọng sự sống, sự cân bằng của loài khác: Sinh mạng là báu vật tuyệt đối mà tất cả chúng ta ai cũng muốn gìn giữ. Quý trọng sinh mạng mình lại muốn chà đạp lên sinh mạng người khác là điều vô lý. Đức Phật dạy: “...ai cũng sợ chết. Vậy nên lấy lòng mình suy lòng người, chớ giết, chớ bảo giết”.
b. Nuôi dưỡng lòng từ: Lòng từ bi của Đức Phật xem tất cả mọi loài như con, ai cũng có nỗi khổ và có quyền được kiến tạo hạnh phúc cho riêng mình, mỗi người cần nên tôn trọng. Học đức tánh từ bi của Ngài, là người Phật tử chúng ta không nên giết hại sinh vật bất cứ trong trường hợp nào. Vì lòng từ bi chúng ta không nỡ thấy con vật đau đớn, nghe tiếng kêu la khổ sở. Do đó, chúng ta không nỡ ăn thịt, không nỡ giết hại.
c. Tránh nhân quả báo ứng: Để tránh nhân sát hại cũng như nhận lãnh quả báo giết hại. Chúng ta thực hiện không giết hại sẽ có lợi ích sau:
* Phương diện cá nhân: Không sát hại, không mang tâm tàn sát lẫn nhau thì chúng ta có được tâm thái không sợ sệt lại bình an, tâm không hối hận với việc làm của mình, ngũ nghĩ được yên giấc, nhẹ nhàng không có ác mộng.
* Phương diện xã hội: Người người không mang tâm giết hại, thù oán lẫn nhau, nhà nhà không giận dữ, oán thù xâm chiếm với nhau, xã hội đó sẽ không có chiến tranh, thế giới sẽ có được hoà bình thịnh vượng, an lạc.
2. Không được trộm cắp:
Trộm cắp là lấy những vật thuộc của người khác khi họ không cho phép, không được sự ưng thuận của người có vật đó, hoặc cho đến cưỡng ép, bức bách hay lừa đảo họ để lấy.
Vì những lý do sau đây Đức Phật khuyên đệ tử của Ngài không được trộm cắp:
a.Tôn trọng sự công bằng - quyền sở hữu: Trong chúng ta ai cũng mang một tâm lý: không muốn ai lấy những gì thuộc về mình. Do đó, mang tâm lấy của người khác là một điều nghịch lý. Một xã hội văn minh, con người có tri thức thì không thể tồn tại những nghịch lý này
b. Vì lòng từ bi: Chúng ta sẽ gặp khó khăn, đau khổ khi mất mát tiền bạc, của cải, vậy người khác cũng thế. Vì lòng thương yêu và biết chia xẽ nỗi khó khăn đến với mọi người chúng ta không nên chiếm hữu của người khác bằng nhiều lý do khác nhau.
c. Tránh nghiệp quả: Lấy của người khác là một hành động xấu - lòng tham ít được con người chấp nhận - lấy những vật ít giá trị thì trở thành bất tín, vật lớn thì bị tù đày. Người giữ được giới này thì dĩ nhiên không rơi vào những trường hợp trên và không bị khinh thường, tương lai không bị sụp đổ bởi tiếng xấu.
d. Xây dựng xã hội thanh bình: Nếu con người sống trong xã hội ý thức và giữ gìn giới này chắc chắn có một xã hội mà ở đó con người không lo âu, phập phòng trong đời sống bởi xung quanh có quá nhiều sự mất mát, không lo lắng có kẻ nhìn ngó đến tài sản của mình.
3. Không được tà dâm:
Tà dâm là muốn nói sự dâm dục không đoan chính. Khởi tâm dâm dục với vợ (hoặc chồng) người, lén lút lang chạ với người khác gọi là tà. Phật cấm hàng cư sĩ tại gia không được tà dâm với mục đích để tôn trọng hạnh phúc của mọi người, bảo vệ hạnh phúc gia đình mình và gia đình người khác. Tránh oán thù và gieo quả báo xấu xa, đen tối.
a. Phương diện cá nhân: Lợi ích của việc giữ giới thứ ba được diễn tả trong kinh Thập Thiện như sau:
- Sáu căn được vẹn toàn.
- Trọn đời được kính trọng.
- Không có phiền lụy quấy nhiễu.
- Gia đình hạnh phúc, không ai xâm phạm.
b. Phương diện xã hội: Lợi ích không tà dâm được biểu hiện rõ rệt trong một xã hội không có thù hằn giữa vợ chồng này với vợ chồng khác, trẻ em không bị bỏ rơi bởi cha mẹ chúng tham dâm và xã hội sẽ cường thịnh.
4. Không được nói dối:
Nói dối là nói sai sự thật, nói thêu dệt, nói lưỡi hai chiều, nói lời hung ác.
a. Nói sai sự thật: Nói lời không thật, nói ngược vấn đề, có nói không, không nói có, trái nói phải, phải nói trái. Tóm lại, nội dung, ý nghĩa và lời nói không đi đôi với nhau.
b. Nói thêu dệt: Nói cho người nghe xiêu lòng, khó xử, nói cho người nghe mát dạ.v.v... tất cả đều là thêu dệt.
c. Nói lưỡi hai chiều: Đến bên này thì hùa theo nói xấu bên kia, qua bên kia thì ngược lại, tạo thêm sự oán thù, hiểu nhầm giữa hai bên, ngăn cách sự hòa hợp.
d. Nói lời hung ác: Là lời nói cộc cằn, thô tục, chửi rủa làm cho người nghe đau khổ, buồn rầu, chán nản, sợ hãi...
Phật khuyên không nên nói dối với những lý do sau đây:
a. Tôn trọng sự thật: Người Phật tử phải tôn trọng sự thật, nói sai sự thật sẽ bị trở ngại đường đạo - con đường đi tìm giác ngộ, sự thật.
b. Vì lòng từ bi: Nói chủ đích để dẫn người khác đến đau khổ oán thù với nhau, dẫn đến người khác vì lời nói của mình lắm lúc phải bức tử. Đó là thiếu tình thương, không có lòng từ bi. Là Phật tử phải nên thận trọng và nuôi dưỡng lòng từ.
c. Xây dựng sự trung tín: Từ cá nhân gia đình đến xã hội không ai tin mình, không ai tin ai thì sẽ không thành tựu được công việc, không thể hợp tác làm việc được bất cứ ở đâu, từ việc lớn đến việc nhỏ.
d. Tránh nghiệp báo khổ đau: Con người sỡ dĩ hại ngược lại chính mình bởi từ miệng mà sinh (họa tùng khẩu xuất) là do trong lời nói chứa đầy gươm dao. Là Phật tử, không nên sống như thế, chỉ tạo thêm nghiệp báo xấu ác.
Lợi ích không nói dối từ cá nhân đến xã hội: cá nhân được tôn trọng không gây oán thù, được tin cậy trong giao dịch, xã hội gắn bó, yêu thương và thông cảm.
5. Không được uống rượu:
Nghĩa là không được uống những chất kích thích, làm say người. Không uống, không ép người uống, không khuyến khích người khác uống say để làm não loạn tâm trí của họ. Uống để chữa bệnh thì có thể được. Đức Phật khuyên hàng Phật tử không được uống rượu vì những lý do sau:
a. Nuôi dưỡng hạt giống trí tuệ: Có rất nhiều người vì uống rượu tự biến mình thành kẻ sống như đã chết. Chết mất sự hiểu biết, cuồng loạn tâm trí, lay lất không định hướng. thuốc độc nguy hiểm nhưng đôi lúc vẫn không bằng rượu. Vì thuốc độc chỉ hại chết một đời người một lần, nhưng rượu làm tiêu tan hạt giống trí tuệ, phải chết đi sống lại nhiều lần và có thể làm chết đến nhiều người.
b. Ngăn ngừa những nguyên nhân tội lỗi: Uống rượu không chỉ phạm vào giới uống rượu mà còn có thể phạm vào nhiều giới khác nữa bởi lẽ không làm chủ được thân và tâm.
Lợi ích không uống rượu:
a. Về cá nhân: Vun trồng được hạt giống trí tuệ, giữ gìn sức khoẻ, tránh bệnh tật, tâm trí được tỉnh táo.
b. Phương diện quần thể: Gia đình yên vui, con cái ít bệnh tật, xã hội an hoà.
III- Kết luận:
Giới trong nhà Phật chính là: “Phòng phi chỉ ác” nghĩa là ngăn ngừa những hành động phi pháp, ngăn chặn những hành động độc ác. Chính đó là căn bản của giải thoát.
Giới là một trong ba môn học: Giới - Định - Tuệ, con đường dẫn tới Niết bàn an lạc.
Giới là giềng mối để thiết lập con người, gia đình và xã hội toàn thiện.