- Lời Mở Đầu của Dịch Giả bản dịch Anh Ngữ
- Cửa thứ nhất: Quán Nhân Duyên
- Cửa thứ nhì: Quán Hữu Quả và Vô Quả
- Cửa thứ ba: Quán Duyên
- Cửa thứ tư: Quán Tướng
- Cửa thứ năm: Quán Hữu Tướng hay Vô Tướng
- Cửa thứ sáu: Quán Đồng Nhất hay Dị Biệt
- Cửa thứ bảy: Quán Hữu và Vô
- Cửa thứ tám: Quán Tánh
- Cửa thứ chín: Quán Nhân Quả
- Cửa thứ mười: Quán Tác Giả (Quán Tạo Hóa)
- Cửa thứ mười một: Quán Tam Thời
- Cửa thứ mười hai: Quán Sanh
QUÁN ĐỒNG NHẤT HAY DỊ BIỆT
Các pháp đều là không. Tại sao?
Tướng và khả tướng
không giống nhau cũng
không khác nhau.
Nếu chúng không giống nhau
và không khác nhau
Thì cả hai làm sao có thể thành?
Tướng và khả tướng không giống nhau và cũng không khác nhau. Nếu không thể lập sự đồng nhất hay dị biệt của chúng thì chúng không thể thành. Vì vậy, tướng và khả tướng đều là không. Khi mà tướng và khả tướng là không thì tất cả vạn vật đều là không.
Hỏi: Tướng và khả tướng thường thành. Tại sao chúng ta lại không thành? Ngài bảo rằng tướng và khả tướng cũng không giống nhau và cũng không khác nhau. Nay ngài nên nói rằng các tướng của bất cứ vật gì đều không giống, cũng không khác những khả tướng; hoặc là nói rằng sự vật có tướng một phần nào đó và có khả tướng một phần nào đó. Thí dụ, tướng của ý thức là tình trạng nhận thức; nếu không có tình trạng nhận thức thì không có ý thức. Tướng của cảm giác là tình trạng cảm nhận; nếu không có tình trạng cảm nhận thì không có cảm giác. Vậy thì tướng là đồng nhất với khả tướng.
Đức Phật dạy rằng sự tận diệt của ái dục là tướng của Niết Bàn. Ái dục là hữu vi “hữu lậu pháp” (pháp hữu vi phát tiết ra ngoài). Sự tận diệt dục vọng là vô vi “vô lậu pháp” (pháp vô vi không phát triển ra ngoài). Một người tín ngưỡng có ba tướng: họ muốn thân cận với các thiện nhân, họ mong được nghe chân lý, và họ muốn thực hành hạnh bố thí. Ba thứ đó là những nghiệp của thân và khẩu, và thuộc vào những sắc ngoại diện. Nhưng sự tín ngưỡng là ở tâm và thuộc vào những hành vi tinh thần. Nơi đây các tướng và khả tướng là khác nhau.
Chánh kiến là một tướng của Bát Chánh Đạo, và có một phần đông nhất với Bát Chánh Đạo. Sanh, trú, và diệt là những tướng khác của các hữu vi pháp; chúng có một phần nào giống như các hữu vi pháp. Do đó các khả tướng là phần nào giống như các tướng.
Vậy thì các tướng hoặc là giống, hoặc là khác, hoặc là phần nào giống như các khả tướng. Lập luận của ngài nói rằng “vì không thể thành lập sự giống nhau và khác nhau, nên các tướng và khả tướng không thể thành lập” là không đứng vững.
Đáp: Lập luận của bạn rằng các tướng là khả tướng, giống như trường hợp của ý thức, v.v..., không đứng vững. Tại sao? Vì cái mà người ta có thể biết qua tướng được gọi là khả tướng; cái đã được dùng để biết được gọi là tướng. Nhưng một vật không thể tự biết chính nó. Thí dụ, một ngón tay không thể sờ chính nó và một con mắt không thể trông thấy chính nó. Vì vậylập luận của bạn rằng ý thức vừa là tướng vừa là khả tướng không đứng vững.
Nếu tướng và khả tướng đồng nhất thì nhân và quả cũng đồng nhất. Tại sao? Vì tướng là nhân và khả tướng là quả; cả hai là một. Nhưng thật sự thì chúng không phải là một. Do đó, nếu nói rằng tướng và khả tướng là một thì không đúng.
Lập luận của bạn rằng tướng và khả tướng là khác nhau cũng không đúng. Bạn nói rằng sự tận diệt dục vọng là tướng của Niết Bàn, chứ chẳng phải dục vọng là tướng của Niết Bàn. Nếu nói rằng dục vọng là tướng của Niết Bàn thì tướng khác với khả tướng. Nếu nói rằng sự diệt trừ dục vọng là tướng của Niết Bàn thì không nên nói rằng tướng khác với khả tướng.
Bạn cũng nói rằng một người tín ngưỡng có ba tướng. Thực ra một người tín ngưỡng và ba tướng chẳng khác gì nhau. Nếu không có sự tín ngưỡng thì không có ba sự kiện đó. Vì vậy tướng và khả tướng không thể khác nhau. Vả lại, nếu tướng và khả tướng là khác nhau thì một tướng sẽ có những tướng khác, và sẽ tiếp nối vô cùng tận; nhưng đó là điều bất khả. Vì vậy, tướng và khả tướng không thể khác nhau.
Hỏi: Giống như ngọn đèn có thể soi sáng chính nó và những vật khác, vậy tướng có thể tự tỏ tướng cho chính nó và những thứ khác.
Đáp: Thí dụ của bạn về ngọn đèn đã bị đả phá trước đây, khi chúng ta bàn về ba tướng hữu vi. Ngoài ra, có vẻ như bạn tự mâu thuẫn với chính quan điểm của mình: trước đây bạn nói rằng tướng và khả tướng là khác nhau, nhưng bây giờ bạn nói rằng tướng có thể tự tỏ tướng cho chính nó và những vật khác. Điều này không đứng vững.
Bạn nói rằng tướng là thành phaần của khả tướng. Điều này không đứng vững. Tại sao? Vì ý nghĩa nằm trong sự giống nhau hoặc sự khác nhau. Những ý nghĩa về sự giống nhau và sự khác nhau bị đả phá trước đây. Vì vậy, quan điểm nói rằng tướng là thành phần của khả tướng cũng bị đả phá.
Như vậy là tướng và khả tướng của các nhân duyên không đồng nhất với nhau cũng chẳng khác biệt với nhau. Và không thể có trường hợp thứ ba nào khác. Do đó, tướng và khả tướng đều là không. Khi mà cả hai đều là không thì chư pháp đều là không.