Tuệ Hạnh dịch
BẢN DỊCH VIỆT VĂN
IV - CHÚ GIẢI VÀ BÌNH LUẬN VỀ TRIẾT LÝ TĂNG TRIỆU
B.- Lịch sử về sự thuyên giải thuộc Phật đạo
1- Thể và Dụng
Âu Dương Cảnh Vô, sáng tổ của phái Nội Học, lập nên triết lý về Thể và Dụng, cho đấy là căn bản của tất cả tư tưởng Trung Hoa. Trước khi tìm hiểu ý nghĩa và liên hệ giữa hai danh từ này, ta cần nên tìm hiểu hai dòng tư tưởng chánh của Trung Hoa trong vấn đề thuyên-giải-vũ-trụ.
Thiên mệnh. Trong sự thuyên giải theo phụ hệ của Trung Hoa, thế giới được xem như là cấu tạo có cấp bực với vị thiên tử đứng đầu, các quan ở bực dưới và chúng dân ở thấp cùng. Cơ cấu này được Ngọc hoàng Thượng đế y chuẩn và bảo trợ, Ngài là Thiên mệnh. Sự phân phối chức vụ trong giai tầng xã hội khiến giới quý tộc lãnh trách nhiệm trì giữ trật tự của thế giới và thứ dân phục vụ những người cầm quyền. Vì trạng huống lý tưởng “nguyên thủy” này cần phải luôn luôn được bảo trì, nên sự thuyên giải trật tự xã hội không hoàn toàn cứng đọng mà đòi hỏi chuyển biến và cho phép bàn thảo giữa những nhân vật quý tộc và triều đình. Thiên tử và giới quý tộc có một nhiệm vụ để thi hành, bởi vì họ có trách nhiệm đối với sự sinh hoạt của chúng dân. Theo đó, triều chính Trung cổ có thể gọi là dân chủ, bởi vì, dầu thiên tử không phải nghe lệnh ai nhưng cũng phải tuân phục theo thiên mệnh như là được định cách theo các sách Khổng học.
Âm Dương là hai lực thiên nhiên thay phiên nhau điều khiển định mệnh của con người; không có diễn tiến, hoặc thuộc vũ trụ, hoặc thuộc cá thể, có thể được nhận thức. Con người chỉ có thể nhìn thấy những biểu tượng báo cho biết một sự thay đổi sắp xảy ra, hoặc tốt đẹp hơn hoặc điềm xấu hơn. Con người có thể cố gắng tìm hiểu tương lai của mình trong Kinh Dịch, trong đó tất cả mọi hoàn cảnh vũ trụ khả thể đều được biểu thị. Họ có thể tìm nơi nương ẩn trước cơn bão tố. Nhưng họ không bao giờ dám cưỡng lại mệnh trời. Ta thấy thuyên giải này là thuận theo thiên mệnh.
Thể-Dụng. Khuôn thức này xuất phát từ triết lý của Lão Tử, mặc dù ông không dùng danh từ đó. Chắc chắn Lão Tử là người đầu tiên nhận thức được vũ trụ như là một toàn thể vô biên, trong đó con người hữu hạn không bao giờ có thể đo lường được. Toàn thể đó, Lão Tử gọi là Tự Nhiên. Tự Nhiên này sinh hoạt, và sinh hoạt theo luật riêng của nó, đi theo con đường (Đạo) của nó, với tất cả những cần thiết của sự tăng trưởng. Chính Lão Tử không cố gắng lập thành hệ thống cho tri nhận của ông; trong Đạo Đức kinh, ông chỉ trực giao với kinh nghiệm đó. Cho mãi tới năm trăm năm sau, tri nhận đó mới bị lập thành khuôn thức, bị đặt thành một hệ thống. Vương Bật, trong các chú giải của ông, sử dụng danh từ Thể-Dụng lần đầu tiên. Trong danh từ Phật học, Thể và Dụng được nhận thức như là vấn đề thuộc siêu hình; Thể là một trạng thái nguyên thủy trống không mà ôm trọn tất cả ý chỉ, chứ không phải là một bản thể cần có thuộc tính đi theo. Ý nghĩa của Thể và Dụng được đề cập tới trong Lão Tử, chương 4: “Đạo xung nhi dụng chi hoặc bất doanh”, Đạo phát ra mãi mãi tuy không cần thâu vào mà cái dụng của nó vẫn không bao giờ hết. Đạo khơi dậy từ nơi mơ hồ như giấc ngủ, biểu thị cái Đức ẩn mật. Đạo trở thành, không phải là cái này hay cái kia, nhị nguyên, mà là cái mà nó là, như thị, ngay từ khi bắt đầu khởi thủy.
Phương pháp của Vương Bật, theo Thang Dụng Đồng, thật khoa học: hệ thống này thật uyển chuyển vì Đạo đưa từ một trạng thái này đến một trạng thái khác. Tuy Lão Tử không nói đến điều này, nhưng chắc chắn là ông cũng đã từng ám chỉ đến Tự Nhiên diễn tiến từ một trạng thái tàng ẩn đến một trạng thái biểu lộ. Trạng thái này được định giá; trạng thái nguyên thủy là cực lạc trong khi trạng thái tiếp sau là hoại diệt. Và kết luận về một tự nhiên thuộc đạo đức được lập thành: trở về với nguồn gốc. Sống thuận theo hòa điệu của vũ trụ và cuối cùng, như tự nhiên, con người đạt đến bất tử. Sự thuyên giải của Lão Tử là thuộc tôn giáo, vì nó đòi hỏi một quyết định và khiến chúng ta trách nhiệm lấy chính tương lai của chúng ta. Trong ba học thuyết Thiên Mệnh, Âm Dương và Thể Dụng kể trên, chỉ có học thuyết về Thể Dụng là được các nhà triết lý ở thế hệ sau tiếp tục bàn thảo đến.
2- Thánh nhân
Lão Tử phủ định quyền can thiệp vào cuộc sống riêng tư của con người. Cuộc sống riêng tư chỉ liên thuộc đến vận hành tự nhiên của vũ trụ, tức Đạo, vốn thay thế Thiên mệnh. Các triết gia đạo sĩ không chống đối chính quyền, họ chỉ đòi hỏi quyền quên lãng chính quyền để mà hướng về một nếp sống cao cả khác, với một ý thức toàn thiện, tuy có vẻ như là mâu thuẫn. Đạo giáo là một sử dụng riêng tư của cá nhân, trong khi Khổng giáo là một tôn giáo quốc gia, là những luật lệ và tín điều, là những biểu lộ thiêng liêng không ai có quyền bàn cãi. Đạo giáo là một triết học, là tác phẩm của con người vốn lên tiếng phủ nhận thần quyền. Do đó mà hình ảnh về Thánh nhân của Lão Tử cứ thay đổi luôn luôn mãi cho đến cận đại và vẫn sống còn, vẫn điều hành tư tưởng con người.
Điều mà Lão Tử trao đến cho chúng ta là một kinh nghiệm có thể lặp lại bất cứ lúc nào ngay cả bởi những người trưởng thành từ những truyền thống sai biệt khác. Kinh nghiệm, là vì nó dựa trên dữ kiện, hoàn toàn biệt lập với tín điều. Mặc dầu học thuyết của Lão Tử không khoa học nhưng đấy là một triết lý trong ý nghĩa là nó bàn đến những vấn đề thiết thực và mở rộng con đường cho suy tư tạo tác.
Mỗi một con người chúng ta đều nhìn cùng một thế giới, nhưng những gì chúng ta nhìn thấy đều tùy thuộc vào ý nghĩa của chúng đối với phương vị mà mỗi chúng ta đứng. Dầu sao, thì mọi bản thể học đều có một căn bản đạo đức; chúng ta không cần phải kinh dị về những gì chúng ta nhìn thấy nếu chúng xuất hiện cách khác đi. Trước thời đại khoa học, khảo cứu là một tìm tòi về điều có ý nghĩa. Đây là điều mà con người thích thú hướng về. Bởi vì, ta cần phải biết rằng ta là ai, và ta sẽ phải đi về đâu; chúng ta cần phương hướng. Cho nên khi Lão Tử khám phá ra con đường mà vạn vật đi theo (Đạo), thì đồng thời ông cũng khám phá ra con đường mà ta phải theo và tạo nên một hình ảnh lý tưởng: đấy là con người vốn hoạt động như là Toàn Thể (Vũ Trụ) hoạt động, tức là như Thiên Nhiên vốn ngự trị thế giới mà không tự ý phá hủy nó, không tư hữu nó.
Chúng ta không thể biết ai là người chính thức tạo nên hình ảnh của Thánh nhân. Trong Đạo Đức kinh, Lão Tử đề cập đến hình ảnh đó như là Thiên Nhiên (Ngã Tự Nhiên). Theo đó, cuộc bàn luận về Thánh nhân phải là bắt đầu trước năm 300 trước TL. Chúng ta phân vân ngay cả điều có thể có một bầu không khí hy vọng được cứu rỗi ngự trị miền Nam Trung Hoa bấy giờ, bởi vì, khác hẳn với Ngọc hoàng Thượng đế, Tự Nhiên là một đấng ngự trị toàn thiện nếu ta cho là có một đấng như thế.
Triết lý của Lão Tử là một triết lý dựa trên kinh nghiệm, không phải trên truyền thống giáo điều nào. Nhưng mà những yếu tố thần bí được pha lẫn vào đó, Thượng đế quyết chắc là thuộc nam tính, ngài ngự trị, nhưng mà Tự Nhiên (Thánh nhân) lại thuộc nữ tính: người hay nàng bảo hoài. Cả Thánh nhân lẫn Đạo không phải là những ý tưởng trừu tượng, mà là hình ảnh được thuyên giải và do đó lại là đối tượng cho những thuyên giải mới. Hình ảnh và thế lực không phải là sẵn sàng định nghĩa được; chúng không thể được minh chứng qua khảo cứu trong thiên nhiên. Chúng chân thật nếu thích hợp với hình ảnh của thế giới mà chúng ta có trong đầu óc. Hình ảnh này có thể thay đổi, và cùng với nó, những động tác và đặc thái của những hình ảnh tham dự trong đó. Điều này đưa ta đến suy nghiệm và thảo luận về Đạo.
3- Suy nghiệm về Đạo
Chúng ta đã đề cập đến Vương Bật là người đã nhận thức được Đạo như là một diễn tiến từ một trạng thái này đến một trạng thái khác, từ thể đến dụng. Thế giới tự biểu lộ, khai triển ý chí của nó, thế giới biến thành. Những trạng thái này, Lão Tử phân biệt gọi là bản, căn cơ, và mạt, kết tận; dụng ngữ thể và dụng không xuất hiện trong tác phẩm của ông, theo ý kiến Thang Dụng Đồng. Lão Tử gọi “Mẫu” (vạn vật chi mẫu) cũng đồng như là cái mà Trang Tử gọi là “bản” (phù hư tịnh điềm đạm, tịch mạc vô vi giả, vạn vật chi bản dã). Sự biến thái từ nguyên gốc cho đến tận mạt của vũ trụ, ông nhận thức như là suy hoại. Sau Bản Phác, thì xuất hiện Đại Tợ, đây là phần tiêu cực của cái đã xuất hiện trước khi mà con người chưa bị nhiễm ô và khi mà Đức (Đại Tợ) còn ngự trị và chưa ai nghĩ đến tách rời khỏi vị trí mà y được đặt để vào để mà theo đuổi những quyền lợi vị kỷ riêng tư.
Ta có thể nghĩ rằng trong hình ảnh đó của Lão Tử, thời gian cũng bị liên hệ tới. Điều này đúng, nhưng mà, khi nào mà sự phản phục đòi hỏi đến trạng thái nguyên thủy, thì liên hệ thời gian tan biến đi và trạng thái nguyên thủy, như là mục tiêu đích thực, trở nên là đặc thái của hiện tại, ngay cả trong tương lai tính, bởi vì trạng thái nguyên thủy này vẫn còn chưa được hiện thực hóa. Ý tưởng, khi nào mà chúng còn chưa bị hạn cuộc vào trong hệ thống, thì chúng còn mang nhiều phương diện và lịch sử của ý tưởng đó còn tùy thuộc chặt chẽ vào phương diện nào mà chúng được chú trọng đến.
Vương Bật hạn thâu sự trực ngộ của Lão Tử vào học thuyết duy nhất là diễn tiến. Sự biến thái từ thể đến dụng xuất hiện xuyên qua thời gian. Khác với Lão Tử, Vương Bật chú ý đến lịch sử thuộc vũ trụ. Điều này có thể diễn đạt như sau: trước tiên, không có gì tất cả, rồi vạn vật đa diện vốn tạo thành thế giới của chúng ta xuất hiện, và rồi sinh ra Có. Hữu sinh ư Vô, là vậy, theo Lão Tử, ch. 40. Vương Bật bảo tri thuyết về “Bản Vô” chống lại với tất cả ai cho rằng chủ trương này khó tin mà đề xướng “Bản Hữu”. Phần “Vô”, trong cuộc tranh luận xoay quanh hai dụng ngữ “bản hữu” và “bản vô” này, ta có thể tìm thấy trong “Vật Bất Chân Không luận” của Tăng Triệu và học phái Bản Vô.
4- Suy nghiệm về đặc tính của Tự Nhiên
Trong Đạo học, Tự Nhiên được nhận thức như là “như thế”, “tự tại”, nghĩa là hiện hữu cách độc lập, không bao giờ hệ thuộc bởi điều kiện ý chỉ của một luật tắc vũ trụ, hay bởi tự ý chính nó. Vạn vật nảy nở, tứ thời tuần tự vận hành, các hiện tượng thiên nhiên diễn tiến theo dòng vận chuyển tiền định: trong Tự Nhiên, vẫn có trật tự, vốn là cái lý trong “thiên địa chi lý, vạn vật chi lý”. Demiéville nói, vạn vật được bổ sung bằng những gì mà chúng cần thiết. Trong Tự Nhiên, có một tri tính. Người, bà mẹ của vạn vật, nghe thấy được những cần thiết đó (cảm) và hồi đáp những cần thiết đó (ứng). Trong Phật giáo, vào những thời kỳ về sau, ý nghĩa của hai dụng từ này bị thay đổi; câu thông dụng “cảm nhi hậu ứng” chỉ còn có nghĩa là những lời kinh tụng đã được các vị Phật nghe thấu đến mà thôi. Lão Tử cho rằng có một cái Thần trong vũ trụ (ch.6: cốc thần bất tử; ch. 21: đạo chi vi vật, kỳ trung hữu tượng) vốn không thể hiện hữu nếu không có đặc tính và cũng không thể được cho rằng có thể tri nhận và hành động như là một nhân tính.
Trung Hoa là nơi duy nhất mà vấn đề này được chú trọng đến đương thời như là một vấn đề và được bàn thảo khúc chiết. Không có giải đáp nào được tìm thấy, lẽ đương nhiên, nhưng mà vấn đề vẫn được trì giữ sống động xuyên qua ngôn từ. Cảm và ứng ghi lại ý nghĩa về sự tri nhận và phản ứng kể trên do vốn dĩ không phải là tri nhận và phản ứng có định ý của con người.
5- Ảnh hưởng của Phật giáo
Nói cách vắn tắt, những điều trên đây cho ta thấy tình hình của môi trường thứ ba, khi mà Phật giáo bắt đầu khơi dậy chú ý và hứng thú trong học giới bấy giờ đang nghiên cứu Lão Tử và Trang Tử. Hai tác phẩm này, cùng với Dịch Kinh, tạo nên ba bộ kinh mà ta gọi là Tam huyền. Ở thế kỷ thứ tư, những ai thảo luận về Phật giáo cũng giản dị tiếp tục bàn đến cùng một tài liệu vốn được tin rằng những vấn đề triết học đều đồng dạng. Điều đó không thay đổi cho đến khi La Thập đến Trường An năm 402.
Đối với triết gia Trung Hoa, ngay cả với các tăng sư, Đức Phật luôn luôn là vị Thánh nhân, và đã từng được gọi như thế. Hay nói đúng hơn, hai hình ảnh hòa lẫn vào nhau: Đức Thích Ca Mâu Ni và Thánh nhân của Lão Tử. Trong các kinh điển Đại thừa, Đức Phật là một hình ảnh vũ trụ và đối với các triết gia, những kinh điển này gây cho họ nhiều hứng thú hơn là lịch sử cuộc đời trần thế của Người. Ai, họ tra vấn, là người có thể xuất hiện trong thế giới rồi trở về lại miền cực lạc bên kia? KinhPháp Hoa cho ta biết là Đức Phật xuất hiện để mà giáo pháp. Tịnh Danh kinh diễn tả cuộc đời của Người trong dân gian một cách sống động hơn là trong kinhĐại Bát Niết Bàn của Nam tông. Và Bát Nhã Ba La Mật Đa kinh, lúc bấy giờ chỉ một phần được dịch sang Hán văn, tất phải hàm chứa sự thật tối hậu. Bởi vì Bát Nhã là vị Thánh nhân trong hình ảnh một nhà tiên tri vốn tri hiểu và khai thị, trong kinh điển, sự bí mật của điều bất tử, và thế lực bao quát của Tự Nhiên, vốn được các nhà đạo sĩ hăng say cầu tầm.
Đối với quần chúng, Đức Phật là vị Thượng đế mà họ chưa từng tôn thờ trước kia. Từ bi và hỷ xả, đạo đức và vô tư, đấy là hình ảnh của Người được trình bày qua nghệ thuật và văn học, tất nhiên Người thâu phục được niềm tin của quần chúng cách dễ dàng. Họ cúng dường và cầu nguyện, học trì giữ luật nghi và cầu mong được phước đức cho cuộc đời này và trong những kiếp tái sinh.
Các triết gia, hay đúng hơn là những nhà “tầm chân” như là họ từng được gọi, khi tầm cầu chân lý không phải như là những nhà học giả chú ý đến những tính chất lịch sử, mà như là những người đào bới bảo vật bị chôn lấp từ xưa, hay như là những kẻ bệnh hoạn đi tìm linh dược. Do đó, trong những thể tài được thảo luận, ta không tìm thấy thể tài nào về tín điều độc đoán của Phật học như được bàn cãi ở Ấn Độ. Con người Trung Hoa luôn luôn tra vấn, và, mặc dầu họ tìm thấy giải đáp trong các kinh điển, nhưng những giải đáp này không phải là điều mà một học giả Ấn Độ có thể thâm hiểu được. Từ đó, một bức tường ngộ nhận chia cách hai vùng Phật giáo.
Những thuyên-giải-vũ-trụ không thể di chuyển nhưng mà chúng có thể khích lệ với nhau. Ý tưởng luôn luôn bị ngộ nhận; chúng có vẻ như là có thể tự hòa hợp vào trong hình ảnh của đối tượng, nhưng mà thật ra thì chúng bị đặt để vào trong đó. Ảnh hưởng chỉ khả thể bằng cách ngộ nhận. Đức Phật không bao giờ có thể vượt qua biên cương để đến Trung Hoa như là một nhà chinh phục từ Ấn Độ, nhưng mà, khi như là vị Thánh nhân Trung Hoa vốn từng tiến đến Thiên Trúc để truyền giáo cho dân “man di” (nhìn từ phương diện Trung Hoa) ở đấy, thì Người được tiếp nhận nồng nhiệt. Đối với Hán nhân, Đức Phật lên tiếng nói bằng Hoa ngữ; chỉ có cách đó Người mới biến thái được vương quốc của những nhà con trời. Cuối cùng, vào thế kỳ thứ 7, khi mà các bản kinh Phạn văn được thông hiểu theo ngôn ngữ học, bấy giờ chúng mới tồn tại như là tài liệu cho những nghiên cứu học giả, nhưng mà chúng lại hoàn toàn vô dụng đối với quần chúng mê tín.
6- Tăng Triệu
Trong Triệu luận, diễn trình của sự tiến hóa văn học được đề cập đến. Tất cả những khuôn mặt của truyền thống Trung Hoa được trì giữ. Nào là Thánh nhân, nào là vị Thần ngự trị trung tâm của vũ trụ, nào là những thế lực phù trợ Tự Nhiên để thúc đẩy thế giới vận hành. Bát Nhã cảm và ứng như là Tự Nhiên đó.
Vấn đề đặt để ra cũng y nguyên. Bát Nhã có tri nhận không? Có hành động không? Cả đến Trung đạo cũng biến thái thành một hình tượng khác trong Triệu luận. Trung đạo của Tăng Triệu không giống như của Đức Phật lịch sử Cù Đàm, cũng không như của Long Thọ. Với Tăng Triệu, từ ngữ này biểu lộ sự động tĩnh của hai trạng thái vũ trụ, bất tịnh và tịnh, Tợ và Chân. Đối với Phật gia Ấn Độ, điều này có thể hoàn toàn vô nghĩa, bởi vì đạo Phật nguyên thủy không biết đến vũ trụ như là một toàn thể liên hợp.
Ngôn ngữ của Tăng Triệu vắn tắt và các luận cứ thật vô cùng thâm sâu, người đương thời phần đông không thâm hiểu nổi. Cuộc tầm cầu của Tăng Triệu về một ngôn ngữ mà với nó, Tăng Triệu có thể diễn đạt được ý nghĩa của vô tận; sự tri nhận minh bạch của Triệu về điều tương phản tiềm tàng trong Hiện Hữu; ý tưởng của Tăng Triệu về sự sống như là một ý thức vũ trụ bừng dậy; tất cả đều gây ảnh hưởng cho chúng ta như là hoàn toàn tân tiến và có thể khích lệ tư tưởng Tây phương khi mà ta đã quen thuộc với điều lạ lùng ngoại tại của chúng.
7- Sau Tăng Triệu
Triệu luận kết thúc một thời đại. Sau đó, ta không còn nghe nói đến Thánh nhân và những thuộc tính của Người nữa, hay đến Vô trong liên hệ với Hữu nữa. Nhưng mà chúng ta cũng có thể nói rằng Triệu luận lập nên khởi điểm cho một thời đại mới: Luận quét sạch văn trường thời bấy giờ để dọn môi trường cho những vấn đề mới được nêu lên trong mỗi bộ kinh điển mới được dịch sang Hán văn. Trong nhóm những kinh điển đó, quan trọng nhất là Duy Ma Cật, Niết Bàn, Thập Địa, và sau cùng là Kim Cương Danh Bát Nhã Ba La Mật. Những bản dịch Thế Thân và Vô Trước của Chân Đế và Huyền Trang được học tập, nhưng chỉ được bàn thảo đến trong thời gian rất gần đây mà thôi, qua sự hô hào của Hùng Thập Lực, Châu Thúc Giạ và những học giả thuộc Tam Thế Hội ở Bắc Kinh. Kinh Lăng Già rất ít ảnh hưởng ở Trung Hoa.
8- Kết
Tăng Triệu được cho là sáng tổ của Tam Luận tông. Điều này quả không đúng. Nhưng mà ý tưởng của Tăng Triệu về Trung đạo, đề xướng qua mệnh đề: tức tợ tức chân, vốn không phải là Trung đạo theo Long Thọ nhận thức, được Cát Tạng thâu thập và áp dụng cách vô ý vào những chủ đề khác. Tam Luận tông tan rã ngay sau khi vị sáng tổ của nó tịch diệt. Điều quan trọng hơn là vấn đề ảnh hưởng của Tăng Triệu trên Thiền học Trung Hoa. Vì Tăng Triệu không có đệ tử, hoặc là các đệ tử đều bị tàn sát theo sư phụ, nên ảnh hưởng của Tăng Triệu phải là do nơi tác phẩm, chứ không phải do nơi con người của Tăng Triệu. Tác phẩm của Tăng Triệu, chắc chắn là được giới Thiền học phổ đọc, nhất là trong Lâm Tế tôn, tuy rằng ảnh hưởng của Luận có thể là yếu kém hơn một vài kinh điển khác. Những người theo Nam Thiền chính yếu chú trọng đến sự giải thoát cá nhân, trong khi Tăng Triệu lại trầm tưởng về những vấn đề bản thể học.