Thích Nhật Từ
Hiệu chỉnh: Phú Tuệ, Thích Nữ Tâm Minh
Nhà xuất bản Phương Đông 2010
Chương 3: Vai trò phụ nữ
Tiếp cận các học thuyết
Vượt qua mặc cảm tự ty
Giá trị tuệ giác và giác ngộ
Cách tân vì lợi lạc
Bình đẳng và vô ngã
Bố thí ba la mật
Kính bạch thầy! Trong chương trình phát thanh Đuốc Tuệ, chúng con đã phỏng vấn thầy về ảnh hưởng chuyến đi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Để nội dung phong phú, thêm nhiều màu sắc, nữ đạo hữu Minh Tín cùng trong hội Đuốc Tuệ xin được hỏi thầy.
Cư sĩ Minh Tín (CSMT): Kính bạch thầy! Hôm nay con rất may mắn được gặp thầy. Có điều vướng mắc, xin thầy giải đáp giúp con. Tại sao trong những buổi giảng kinh, thuyết pháp hay các khoá tu học ở những nơi công cộng, phái nữ lúc nào cũng chiếm đa số, phái nam thì rất nhỏ? Phải chăng, quý ông quan niệm việc tu học, đi chùa, sám hối dành cho đàn bà con gái?
Thích Nhật Từ (TNT): Rõ ràng, phải thừa nhận đạo Phật là tôn giáo đầu tiên trong lịch sử nhân loại đề cập đến vai trò người nữ. Dĩ nhiên, khi đề cập đến và đẳng thức hoá vai trò ấy về phương diện đạo đức cũng như tuệ giác là ngang với người nam. Đức Phật không hề có dụng ý chỉ truyền đạo cho nữ giới. Tất cả những đạo lý quan trọng trong tư tưởng nhà Phật như Từ, Bi, Trí, Dũng và tinh thần vô úy, dấn thân, tự lực, giúp đỡ người với lòng vị tha vô ngã rất phù hợp với nam tính, hay nói cách khác là của đấng mày râu. Sở dĩ trong các ngôi chùa, tự viện hoặc những nơi tu học đại đa số nữ giới tham gia, ít đấng mày râu, là do cách tổ chức hành chính của những giáo hội, tự viện nơi đó.
Sơ lược truyền thống tụng niệm
Theo chúng tôi, nghi thức Phật tử Việt Nam tụng niệm ảnh hưởng nhiều từ đời nhà Thanh của nền Phật giáo Trung Hoa nặng theo khuynh hướng Tịnh Độ tông. Cách thức Tịnh Độ tông là một bản giao hòa rất lớn giữa ba truyền thống Thiền tông, Mật tông, Tịnh Độ song song có mặt lúc bấy giờ.
Một nội dung bao hàm ba hình thức, rõ ràng nó chứa đựng được nhu cầu tu học của quảng đại quần chúng. Rất tiếc, theo chúng tôi, thời kinh buổi khuya dành cho tu sĩ hoàn toàn thuộc và đặt nặng về Mật tông, thời kinh cúng ngọ là đạo lý “uống nước nhớ nguồn” dành cho giới xuất gia hướng về Tam bảo hoặc phương pháp quán Tam đức lục vị trong món ăn để thấy được giá trị của tâm linh, thiền quán và chính pháp vượt lên trên giá trị thực phẩm thông thường mà người đời cho đó là những hương vị quan trọng nhất.
Thời công phu chiều dành cho giới xuất gia và tại gia nhằm mở rộng lòng từ bi đối với các loài động vật kém may mắn, đặc biệt là loài ngạ quỷ do bị tiếc nuối vì tình cảm còn quyến luyến với tính cách vợ chồng, con cái, anh em, bạn hữu hoặc chết bất đắc kỳ tử không được siêu sinh. Bài kinh công phu chiều muốn giúp các loài kém may mắn trên hiểu được luật vô thường và vô ngã của cuộc đời để họ có thể từ bỏ cảnh giới khổ đau, trở về cảnh giới của con người với đầy đủ giá trị an vui hạnh phúc. Thời kinh buổi tối, thường gọi là thời kinh Tịnh Độ, thông thường các chùa hay trì tụng hai bản kinh Phổ Môn Quan Thế Âm được mệnh danh nghi thức cầu an và bản kinh A Di Đà mệnh danh nghi thức cầu siêu làm cho Phật tử. Thông thường các đấng mày râu nghĩ, nghi thức đó không có không gian dành cho mình vì họ không muốn thấy sự có mặt của mình trong ngôi chùa mà họ không đóng góp giá trị gì.
Chúng tôi cho rằng, một trong những yếu tố khiến nam giới không đến chùa do nghi thức tụng niệm không chứa đựng nội dung của sự dấn thân. Ví dụ, những bài kinh về hạnh phúc, từ bi, vô ngã, kinh Thiện Sinh, cách thức tề gia trị quốc bình thiên hạ, kinh dạy về sự tự lập hoặc rất nhiều những bài kinh khác có giá trị trong kho tàng kinh điển của đức Phật. Yếu tố thứ hai do cơ cấu tổ chức đặt quá nặng về tín ngưỡng, không đặt nặng về sự sinh hoạt cộng đồng nên bỏ lỡ cơ hội sử dụng nguồn chất xám nam giới có thể cống hiến cho sự phát triển Phật giáo.
Có thể thấy rất nhiều người đóng vai trò Duy Ma Cật, Cấp Cô Độc và rất nhiều người đủ vai trò có thể làm những việc tương tự chư Tăng, tức là giảng kinh thuyết pháp. Thế mà những vai trò đó vẫn không được xem trọng, khuyến khích một cách công khai từ phía các giáo hội. Do vậy, trong rất nhiều thế kỷ qua tại Việt Nam, chất xám cộng đồng của đấng mày râu không có dịp toả sáng trong sự phát triển Phật giáo. Yếu tố thứ ba, do hiểu sai khái niệm rất quan trọng, tinh thần tự giác, đến với đạo Phật là thông qua sự tự giác hiểu theo tự ý thức, tự mình nhắc nhở bản thân chứ không phải hiểu nghĩa tự giác quan trọng hơn, bản chất của đạo Phật là tự mình làm đạt được giác ngộ chứ không nương vào tha lực, dù của Thượng đế, Thần linh hoặc biến dạng tha lực của chư Phật hay của Bồ tát.
Tiếp cận các học thuyết
Dĩ nhiên, khi hiểu sai thì khó có thể hành đúng được. Vì thế nên cứ nghĩ, nơi nào có sự ràng buộc khuyến tấn thì đi, còn nơi nào thiếu sự khuyến tấn thì ở nhà cũng có thể làm những công việc này. Hỗ trợ cho học thuyết sai lầm đó, học thuyết Phật tại tâm rất nguy hiểm, nếu hiểu sai dẫn đến không may mắn cho tiến trình hành trì của mình trong cuộc sống. Học thuyết Phật tại tâm không phải do chư Phật thuyết mà chư Tổ nói để thấy được giá trị tuệ giác có sẵn trong con người, thay vì tìm kiếm bên ngoài, và hãy trở về chính bản thân để sống với giá trị cao siêu huyền diệu. Nếu lấy học thuyết đó làm cơ sở biện hộ, đến chùa hoặc tới một cộng đồng sinh hoạt Phật giáo cũng không có Phật mà hãy trở về với bản thân thì giá trị vẫn được ngang nhau. Với tư cách cộng sự viên, người dấn thân và người thực hành Bồ tát hạnh, nếu quan niệm như vậy sẽ đánh mất cơ hội dấn thân vào các ngôi chùa nên ảnh hưởng giao thoa trong cộng đồng dưới sự hỗ trợ, có mặt của giới nam bị liệt tắt. Vì vậy, phải hiểu học thuyết Phật tại tâm là học thuyết biểu thị đừng quá nương vào tha lực chứ không phải học thuyết yêu cầu chỉ ở nhà cũng đạt được giá trị lợi ích của cộng đồng. Sự tham khảo đắc lực và hỗ trợ rất nhiều cho học thuyết này là, chúng ta biết đức Phật Thích Ca dù đã phát hiện ra phương pháp thiền quán Tứ niệm xứ, 16 pháp quán niệm giúp Ngài chuyển hóa những khổ đau thành hạnh phúc và khi thành tựu đạo quả giác ngộ rồi nhưng mỗi ngày Ngài vẫn ngồi thiền. Dĩ nhiên, không phải Ngài ngồi thiền để chuyển nghiệp mà để minh chứng rõ cho học trò kế cận phải sử dụng phương tiện đó cho cuộc đời mỗi người được hạnh phúc, an vui.
Những ai phát biểu, đã hiểu được Phật pháp, đọc tụng được kinh điển, có khả năng làm Phật sự thì cần gì phải đi chùa là sai lầm. Liên tưởng đến đức Phật, dù là Như Lai Thế Tôn, Ngài vẫn làm công việc của người từng có mặt trong lịch sử nhân loại. Cho nên, dẫu những kiến thức, những vấn đề biết gần hoặc ngang với quý thầy cũng không có gì để thỏa mãn mà hãy tâm niệm, có được kiến thức đó sẽ góp một cánh tay, gánh vác trách nhiệm cùng quý thầy, sư cô với những người xuất gia nói chung, làm công việc truyền bá Phật giáo cho cộng đồng.
Khi người cha, anh hoặc em đến chùa làm Phật sự, rõ ràng các thế hệ con em sẽ mạnh dạn dấn thân nhiều hơn trong các công việc tương tự. Vì thế, từ phương diện cộng đồng đến phương diện sinh hoạt tu học, ở chùa hoặc tại gia đình, thì sự có mặt của người làm vẫn đóng vai trò rất lớn để cả nam lẫn nữ đến chùa không bị rơi vào trạng thái cô đơn, tức là vợ hoặc chồng chỉ đi một mình. Có trường hợp chồng đi mà không có sự đồng tình của người vợ hoặc ngược lại và do đó, không bao giờ tìm được trạng thái hài hoà trong sinh hoạt gia đình.
Nếu nghĩ đến tinh thần trách nhiệm là phải chia sẻ những giá trị tinh thần đã đạt được cho những người thân thương nhất thì không bao giờ đánh mất cơ hội để người kia đi một mình, đi trong tình trạng hưởng ứng rất ít hoặc thậm chí bị chống đối. Phối hợp với những điều vừa nêu chúng tôi nghĩ, khi giáo hội Phật giáo có những sự cách tân tạo không gian tâm linh, vai trò vị trí họ đóng góp được thì nam cư sĩ có thể dấn thân vào sinh hoạt Phật giáo nhiều hơn. Một điều nữa, người nam cũng cần sự đóng góp tích cực trong việc hỗ trợ nữ giới như mẹ, vợ, con gái của mình trên con đường thực tập Phật pháp, giảm bớt khuynh hướng tín ngưỡng hoặc những yếu tố cuồng tín để đạo Phật có diện mạo giống dụng ý đức Phật đã gửi gắm cho cuộc đời. Khi tháo gỡ được những dây tầm gửi mê tín, các khuynh hướng phong tục tập quán bị ảnh hưởng quá nhiều của các tôn giáo khác trong đạo Phật thì lúc đó sẽ thấy đạo Phật như tấm gương rất sạch và có thể tương phản, soi rọi hạnh phúc cho cả gia đình, cộng đồng hay toàn nhân loại.
Chúng tôi mong giới tri thức Phật giáo, đặc biệt là giới nam, cần đóng góp vai trò nhiều hơn. Đức Phật trong lịch sử, Ngài không chỉ có ba chúng Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, cận sự nữ mà Ngài luôn luôn nói, phải có vai trò của cận sự nam nữa. Trong thời đại của Ngài, nếu các vị cao Tăng có 10 vị đại đệ tử thì bên Ni cũng có 10 vị đại cao Ni, từng có 10 vị đại cư sĩ nam và 10 vị đại cư sĩ nữ, đạo Phật có bốn chân vậy thì luôn đứng vững trong sự nhập thế cũng như mang lại lợi ích cho cộng đồng. Chúng ta đã biết rất rõ, có những việc Phật sự với tư cách tại gia dấn thân dễ dàng hơn người xuất gia. Chẳng hạn, một giáo chức trên học đường mang hình tướng thầy tu giảng dạy về triết học Phật giáo thì chắc chắn những người khác tôn giáo cho người đó đang giảng đạo chứ không phải đang trình bày một triết thuyết trung lập, có chất liệu về tuệ giác rất mang lợi ích tới nhiều người.
Nếu với tư cách cư sĩ tại gia làm giáo sư, giảng viên của trường đại học thì rõ ràng người học hay sinh viên, học sinh sẽ tiếp nhận một cách khách quan hơn. Tương tự, khi đưa Phật giáo vào trong các lĩnh vực kinh tế, văn học, nghệ thuật và mọi lĩnh vực khác thì thuận lợi hơn cách dấn thân của một nhà sư. Ngược lại, có những vai trò về hoàng pháp, hành đạo, người tại gia không thể làm được thì lúc ấy quý thầy, quý sư cô dấn thân. Cho nên, vai trò của cư sĩ nam không thể thiếu như đức Phật từng khẳng định, giống ngôi nhà gồm bốn chân. Ý thức được vậy, các đấng Phật tử mày râu nên cần dấn thân nhiều hơn nữa, ít nhất đem giá trị lợi ích cho gia đình mà mình là thành viên rất quan trọng.
CSMT: Theo con, tại thế tục từ lâu cũng đã có và tốn rất nhiều giấy mực nhưng con muốn thưa với thầy, vấn đề bình đẳng giữa nam và nữ trong Phật giáo nói chung, trong giới xuất gia nói riêng. Con được biết, lúc Thế Tôn còn tại thế, Ngài cũng đưa ra vấn đề bình đẳng giữa nam và nữ, Ngài đã xoá bỏ ngăn cách giai tầng xã hội, xoá bỏ mọi thiên kiến giữa Tỳ kheo và Tỳ kheo ni. Nhưng đến ngày hôm nay, nền văn minh tiến bộ vượt bậc mà con thấy những thay đổi định kiến đó không được thực tế hoá, nếu có thì ít thôi và hầu như đều còn nằm trong văn tự và ngôn ngữ, thành ra, con chưa thấy sự tiến triển gì để thay đổi tính bình đẳng giữa nam với nữ, xuất gia với tại gia. Thường thường, người nam nhìn người nữ nếu không nói coi thường thì là xem nhẹ, coi họ không có giá trị nhiều và hầu như người nữ khiến người ta sa đoạ vào cạm bẫy tội lỗi. Con thấy như thế đôi lúc không đúng. Xin thầy cho con hiểu rõ vấn đề đó trong giới luật, thứ nhất về vấn đề bình đẳng nam nữ, thứ hai là làm thế nào để trút bỏ những mặc cảm đè nặng trên tâm thức người nữ bao đời. Con nghĩ, mặc cảm đó không có nơi tự thân người nữ, điều làm họ không cất lên được tiếng nói riêng và có vị trí chính đáng trong cuộc sống. Đôi lúc, những mặc cảm tự ty đó đẩy họ thụt lùi, tự rút lui mà không thể vươn cao được. Xin thầy cho biết suy nghĩ của thầy về vấn đề đó?
TNT: Hai câu hỏi cô vừa nêu đụng đến sự khủng hoảng sinh hoạt cộng đồng Tăng lữ trong suốt mấy mươi thế kỷ, kể từ khi đức Phật nhập Niết bàn đến ngày hôm nay. Sở dĩ chúng tôi quan niệm nó như sự khủng hoảng bởi hiện thực đang diễn ra một cách rất khập khiễng về vai trò của Tăng và Ni trong đời sống cộng đồng tu sĩ cũng như vai trò dấn thân về giáo dục, hoằng pháp và công việc Phật sự nói chung.
Vượt qua mặc cảm tự ty
Trước nhất, xin trả lời vế thứ hai của câu hỏi. Mặc cảm tự ty của nữ giới đã làm cho rất nhiều người có khả năng mà không có cơ hội đóng góp. Trong nhà Phật thường đề cập đến ba tình huống so sánh, so sánh hơn, bằng và kém. So sánh hơn mang lại cống cao ngã mạn, so sánh bằng mang đến tự phụ và so sánh kém để lại mặc cảm tự ty. Nếu hai so sánh đầu làm con người cường điệu, bơm phồng giá trị của mình từ một thành mười, từ viên sỏi thành một hòn đá, thậm chí thành cả sơn hà đại địa thì ngược lại, mặc cảm so sánh kém đẩy con người vào trầm uất, rơi vào trong bốn bức tường của an phận thủ thường. Vì thế, rất nhiều vị Tỳ kheo Ni lỗi lạc, vốn không đủ điều kiện thuận lợi hành đạo, hoằng pháp cộng với thân phận nữ giới đã khiến họ không đóng góp được những giá trị mà lẽ ra có thể mang lại lợi ích rất nhiều cho cuộc đời. Cách thức tháo gỡ lòng mặc cảm là phải liên tưởng đến những gì đức Phật dạy trong kinh điển. Có nhiều cách liên tưởng, ở đây, xin trình bày hai phương thức đức Phật đã nêu.
Thứ nhất, phải thấy được tiềm năng của con người không lệ thuộc vào giới tính, nó nằm ở cách thức nhận định, đánh giá vấn đề dưới góc độ giá trị hành trì trong cuộc sống, khi đề cập đến góc độ đó thì tiềm năng của nam và nữ đều như nhau. Đức Phật từng nói “Tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành”. Ngài dùng cụm từ “Tất cả chúng sinh” chứ không phải tất cả người nam hay tất cả những người vượt lên trên nữ giới là Phật sẽ thành. Nói chung, cả nữ đều là Phật sẽ thành. Như vậy, Ngài đã thừa nhận tiềm năng giác ngộ, tâm linh, đạo đức, tuệ giác có đồng đều ở mỗi người. Vấn đề ở chỗ, làm thế nào để khai thác tiềm năng và biến nó từ thế giới lý tưởng trở thành thế giới của hiện thực với rất nhiều giá trị có nghĩa, phải làm để chứng minh được những cái người nữ có không thua gì người nam. Chẳng hạn, trong Tiểu Bộ kinh của kinh tạng Pàli, hai tác phẩm rất quan trọng nói về kiến giải và tiến trình tu chứng của cộng đồng xuất gia trong thời của đức Phật là, Trưởng lão Tăng kệ tập hợp các bài thi kệ giác ngộ giải thoát của các vị cao Tăng và bộ Trưởng lão Ni kệ phản ánh ngang bằng những đóng góp giá trị tâm linh của giới xuất gia Tỳ kheo Ni đã đóng góp.
Do đó, nhìn nhận khách quan bằng nhãn quan không thành kiến giới tính, không hề có thành kiến dựa vào chủ nghĩa phong tục tập quán đã định đoạt thì rõ ràng, giá trị tâm linh các vị cao Ni để lại trong Ni kệ không thua kém dù đức Phật dạy không nên so sánh. Ở góc độ so sánh hơn, bằng và thua, theo ngôn ngữ cuộc đời, vẫn có giá trị tương xứng, nếu biết áp dụng vẫn đạt giá trị an vui và hạnh phúc cho cuộc đời. Hiểu được đạo lý tiềm năng đó thì không lý do gì để những vị Tỳ kheo ni hay cư sĩ nữ phải ôm lòng mặc cảm là những người thua kém nam giới. Sở dĩ, so sánh vậy để phát huy tiềm năng vốn có chứ không phải phát triển nó dưới góc độ sân hận hay biểu lộ bản ngã để chứng minh cho đấng mày râu biết khả năng không thua, có thể bằng hoặc giỏi hơn các vị. Sự chứng minh ấy sẽ để lại giá trị phiền não. Nhà Phật dạy, khi thấy được tiềm năng thì bỗng dưng xóa hết mặc cảm tự ty vốn có.
Thứ hai, chúng tôi muốn chia sẻ là, có thể vận dụng phương pháp liên tưởng. Phương pháp này thường đặt ra một khả thể, thường nhìn sự kiện vật lý A để hình dung ra giá trị hai A, ba A đến vô số A. Có nghĩa, giá trị hình dung và mong đợi đó phải lớn gấp hai hoặc nhiều lần so với những cái đang hướng về. Đức Phật đã để lại phương pháp quán liên tưởng như vậy. Hình dung hình ảnh Long nữ chứ không phải người nữ, một con rồng cái còn có tiềm năng thành Phật, giác ngộ, làm Phật sự, dấn thân với tinh thần vô ngã, vô uý, vị tha thì tại sao những Tỳ kheo ni, nữ giới lại không thể làm được? Cho nên, thấy các loài động vật làm được thì chắc chắn con người cũng làm được. Vì thế, sự liên tưởng từ đối tượng loài vật, tức con rồng nữ tạo ra sự dấn thân tích cực hơn với tư cách người nữ, vì người nữ dĩ nhiên phải hơn con rồng nữ. Những gì con rồng nữ làm được thì người nữ có thể làm gấp hai, ba cho đến nhiều lần. Như vậy, thông qua phương pháp liên tưởng tích cực đó, bản ngã rơi rụng, mặc cảm tự ty được tháo gỡ và con người có thể dấn thân làm Phật sự nhiều hơn trong tương lai. Đó là cách thức hành đạo đóng góp được vai trò của mình và thông qua đó thấy được sự hiện hữu của bản thân với tư cách Tỳ kheo ni trong ngôi nhà Phật pháp có ý nghĩa của nó.
Ngoài ra, có thể vận dụng những kinh nghiệm của các bậc cao Ni trong lịch sử Việt Nam thời hiện đại từng làm. Xin nêu ra câu chuyện, tạm dấu tên vì liên hệ rất nhiều đến lịch sử Phật giáo Việt Nam thời cận đại. Ai đã nghe kể qua bối cảnh đó thì sẽ biết người trong cuộc là người nào.
Trong buổi đại hội Phật giáo, các vị lãnh đạo đều là những bậc cao Tăng không quan tâm đúng mức đến Ni bộ, dù giáo hội đó là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Lúc đó có một vị Ni hệ phái khất sĩ giơ tay phát biểu, tha thiết xin quý thầy tạo một cơ hội để Ni giới có thể gánh vác Phật sự nhưng cách thức biểu đạt của vị Ni này làm mấy thầy không hài lòng. Chẳng hạn, vị Ni sư đó giảng giải thế giới phương Tây là thế giới của Thiên Chúa giáo, thế giới chà đạp thân phận người nữ đến tận bùn sâu. Kể từ thế kỷ XVII, phong trào đấu tranh giai cấp dẫn đến phong trào đấu tranh bình đẳng nam nữ đã khiến vai trò nữ giới có trong lịch sử cận đại. Tại sao trong giáo hội vẫn chưa được như vậy. Lúc đó, vị cao Tăng chủ tọa buổi họp trả lời bằng cách chơi chữ mà theo chúng tôi đã để lại nhiều ấn tượng không đẹp. Ngài trả lời, mấy cô đấu tranh để làm cái gì? Bởi vì, vai trò người Ni rất lớn trong giáo hội. Có ai lên chính điện tán dương Tam bảo bằng câu nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Tăng Phật đâu, người ta đều nói Mâu Ni Phật, mấy cô không muốn còn muốn gì nữa? Hội chúng vỗ tây rầm lên rồi lắng xuống. Tất nhiên, ức chế tâm lý không được giải tỏa.
Ngày hôm ấy có vị cao Ni lớn hơn, là tác giả của nhiều bài thơ, nhiều tác phẩm Phật giáo Đại thừa rất sâu sắc với giá trị mà chưa chắc các vị cao Tăng có thể sánh bằng, có công đóng góp rất nhiều cho nền văn học Phật giáo Việt Nam thời cận đại. Vị cao Ni phát biểu rất hay, kính bạch chư tôn đức! Chúng con biết chư tôn đức với thân phận trưởng tử của Như Lai đã làm rất nhiều Phật sự cho Phật giáo. Nhờ đó, Phật giáo phát triển rất là mạnh. Chúng con nghĩ, mỗi con người chỉ có hai vai, một bên vai trái và một bên vai phải. Nếu gánh một vai thì dù có sức như lực sĩ cỡ nào đi nữa cũng làm bộ xương bị oằn một bên, về sau bị chứng bệnh nhức mỏi. Khi chứng bệnh đau nhức xuất hiện thì biết do cách làm quá tải. Như vậy, con đường dấn thân gánh vác bị hạn chế. Cho nên, vai trái còn lại quý thầy xem như không phải sở trường của mình thì xin chư tôn đức Tăng hãy nhường cho chúng con để chúng con phụ gánh bớt với quý thầy. Có thế, ngôi nhà hay cơ thể Phật giáo mới có hai vai, vai phải dành cho chư Tăng, vai trái dành cho chư Ni. Thế là chúng ta gánh được cùng lúc hai gánh Phật pháp trên vai để những công cụ, dữ liệu trên đôi gánh có thể mang lại hạnh phúc, an vui cho cuộc đời. Chúng con tin, khi về già cơ thể vật lý đó không bị đau nhức, lưng không khòm sang một bên... nên chúng con mong chư tôn đức tạo cơ hội để vai trái gánh vác những việc mà chư tôn đức đã không làm hoặc lâu lâu chư tôn đức đổi từ vai trái sang vai phải cho đỡ mỏi. Lúc ấy, hội trường vỗ tay hoan hô rầm rộ.
Trong cuộc họp, Phật giáo Việt Nam Thống Nhất đã tạo ra hai bộ, Ni bộ và Tăng bộ. Tăng bộ giữ vai trò quan trọng hơn, còn Ni bộ hoạt động độc lập, dấn thân về giáo dục, từ thiện, các vấn đề mang bản chất nữ tính nên đã tạo ra một đạo Phật Việt Nam trong giai đoạn 11 năm dấn thân, để lại nhiều ấn tượng cho cộng đồng Việt Nam trong nước trước 1975. Như vậy, nếu liên tưởng đến cách thức đặt vấn đề làm thế nào để người có truyền thống trọng nam khinh nữ quá nhiều nghĩ lại và có thể sánh bước hoặc cùng nhau nỗ lực giúp ngôi nhà Phật giáo phát triển nhiều hơn. Do đó, cách nói, biểu đạt cũng là nghệ thuật để lòng mặc cảm tự ty không xuất hiện dưới hình thức đối kháng, đối chọi mà dưới hình thức muốn đem tấm lòng dấn thân làm Phật sự đi vào cuộc đời. Lúc ấy, dù người khó tính nhất, bị ảnh hưởng truyền thống trọng nam khinh nữ nhất vẫn dễ dàng chấp nhận những đề đạt nhiệt huyết của nữ giới.
Chúng tôi nghĩ, đó là một trong những cách thức giúp tháo gỡ nỗi lòng mặc cảm tự ty vốn sẵn trong người nữ hoặc có nhưng phản ứng bị trù dập nhiều quá, không còn đủ tự tin tự đứng lên dấn thân làm Phật sự trong cuộc đời này. Ngoài ra, mỗi người có cách thế chuyển hóa riêng, tạo cho mình cách thức tiếp cận những lời Phật dạy trong kinh điển Đại thừa hay bản kinh Pàli, miễn là làm thế nào để khi áp dụng tháo gỡ được lòng mặc cảm tự ty.
Giá trị tuệ giác và giác ngộ
Trở lại câu hỏi thứ nhất, đó là câu hỏi quan trọng để cho thấy giá trị và tuệ giác của đạo Phật mà đức Phật đã nhìn về tính cách của giới tính giữa nam và nữ. Chúng ta khẳng định rất rõ, đức Phật là người đầu tiên trong lịch sử nhân loại chứ không riêng lịch sử tôn giáo và triết học Ấn Độ đã đề cao vai trò của người nữ và đã được thực hiện một cách sáng suốt, hùng dũng. Ngài thừa nhận vai trò, vị trí Ni trong giáo đoàn của Ngài với thân phận ngang bằng Tỳ kheo Tăng. Ngài dùng từ “Đồng phạm hạnh”, có nghĩa, đời sống thanh tịnh, giới đức, sự dẫn đến an vui và hạnh phúc của người nam như thế nào thì người nữ tương tự vậy, chỉ khác ở phương pháp dụng công, tâm lượng, công sức, thời gian đổ vào phương pháp luận đó như thế nào mà thôi. Đức Phật không hề nói có sự khác biệt về giới tính A hay B, nam hay nữ. Như vậy, thấy được tuệ giác rất lớn của Ngài. Tuệ giác đó đã mở ra một nền văn hóa mới cho người Ấn Độ, nền văn hóa đẩy lùi quan niệm “tam tòng tứ đức” vào quá khứ. Đừng tưởng người Trung Quốc chủ trương về tam tòng tứ đức.
Trong bộ luật Manu của Ấn Độ, quan niệm tam tòng tứ đức đã được áp dụng rất triệt để. Trong đó quy định, nếu người nữ chưa lập gia đình phải lệ thuộc 100% vào người cha, lên xe hoa về nhà chồng thì thân phận của họ bị lệ thuộc 100% vào người chồng. Thậm chí, nền văn hóa này còn quan niệm người vợ là một sở hữu tài sản của người chồng. Khi chồng qua đời trước, người vợ bấy giờ đóng vai trò người mẹ và lệ thuộc vào con trai, nếu có. Như thế, trong suốt cuộc đời người nữ, từ lúc hạnh phúc bên cha mẹ rồi về nhà chồng và tận khi người chồng ra đi trước, họ vẫn không hề có thân phận tự lập, vẫn bị giới hạn trong xó nhà với chức năng giáo dục con cái, chăm sóc bao tử của người chồng là hết, thậm chí tệ đến mức phải phục vụ hạnh phúc về giác quan tính dục.
Đức Phật đã mang lại một thân phận rất mới cho họ, đưa họ lên ngang hàng nhưng đừng bao giờ lầm lẫn giữa bình đẳng với đồng đẳng. Đồng đẳng đặt nặng về cấu trúc sinh học mà thế giới phương Tây đã đi quá đà nên biến sở trường thành sở đoản, biến những thiên tính, cá tính nữ giới thành mặt mạnh và phát huy được thì đóng góp cho cuộc đời rất lớn nhưng nhiều người mặc cảm nên muốn chứng minh, nếu người nam trở thành lực sĩ, võ sĩ, cầu thủ thì phái nữ cũng làm được. Sự đồng đẳng đó giúp họ có thể đạt được giá trị nhất định nhưng sẽ mất đi những thứ mà chắc chắn không người nào có thể làm được. Do đó, đừng đánh đồng giữa bình đẳng và đồng đẳng để xoá khoảng cách giới tính. Giới tính vẫn có nhưng nếu đi đến sự xoá bỏ thì rơi vào trạng thái pêđê, tức đồng tính. Như vậy, không phát huy được cá tính trong cấu trúc vật lý của cá tính đó.
Nhà Phật thừa nhận tiềm năng giác ngộ, đạo đức, tâm linh giữa nam và nữ để hai bên có thể cùng đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời, nhất là vai trò hạnh phúc gia đình.
Trước đây, nền văn hóa Ấn Độ cũng như nền văn hóa châu Á nói chung, cho sự thành đạt của người con trong gia đình thuộc về hệ quả của người cha, vì cá tính nghiêm nghị của người cha làm cho người con thành tựu. Ngược lại, tất cả mọi sự đổ nát, hư đốn của con cháu trong gia đình thì thuộc lỗi người mẹ hay vợ, theo cách thức “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Rõ ràng, cách thức ứng xử này đã tạo phân biệt đối xử rất lớn và đẩy phụ nữ vào trạng thái không thể phát huy được những giá trị có thể đóng góp.
Trở lại vấn đề giới thiệu Ni giới trong Tăng đoàn của đức Phật, chúng ta thấy Ngài có tuệ giác rất lớn và tinh thần vô úy vĩ đại, vì Ngài làm đảo lộn trật tự văn hóa vốn có của người Ấn Độ. Vì tuệ giác liên hệ đến chân lý, chân lý thuộc về sự lựa chọn của đại đa số nên truyền thống đó không đủ sức đẩy Ngài vào tình thế khó xử. Con đường chân lý đó mang lại giá trị cho rất nhiều người Ấn Độ thời của Ngài cũng như thời đại ngày nay. Vấn đề đặt ra ở đây là, tại sao giá trị tuyệt đối đó không được truyền thừa một cách tốt đẹp trong truyền thống phát triển của giáo hội suốt nhiều thế kỷ qua, kể từ khi đức Thế Tôn nhập Niết bàn?
Dĩ nhiên, có nhiều lý do lý giải. Lý do quan trọng liên hệ đến bản kinh Tăng Chi Bộ, khi các vị biên tập kinh điển đưa ra một cơ sở, dữ liệu để loại trừ vai trò Ni giới ra khỏi cộng đồng Tăng lữ. Các vị này cho rằng, khi đức Phật chấp nhận bà Ma-ha-ba-xà-ba-đề và các vị nữ trong hoàng thân quốc thích lúc bây giờ là Ngài có lý do. Thứ nhất, những người này từng làm mẹ nuôi, mẹ kế, vợ, chị, bà con của Ngài. Bấy giờ, nền văn hóa phân biệt đối xử giữa giai cấp cao với giai cấp thấp quá nặng trong đời sống quần chúng, và nếu không làm cho những vị Tỳ kheo Ni này an phận thủ thường thì họ sẽ đối xử theo phong tục hoàng gia dẫn đến đời sống Tăng đoàn bị lũng đoạn nên đức Phật phải đưa ra định luật Bát kỉnh pháp. Cách lý giải này có cơ sở lịch sử nhưng theo chúng tôi, nó không đứng vững vì tuệ giác đức Thế Tôn không giới hạn ở thiểu số trong hoàng thân quốc thích của Ngài.
Nếu một bộ luật đưa ra cho người nữ mà đặt nặng đối tượng hoàng thân quốc thích thì đức Phật đã tạo ra sự bất công rất lớn cho những người không xuất thân từ đó. Như vậy, tuệ giác của Ngài không xứng đáng để con người cung kính và đảnh lễ. Trái lại, tin chắc đức Thế Tôn có tuệ giác mà những con người thường, bậc vĩ nhân, bậc siêu nhân trong cuộc đời này chưa từng có được như Ngài. Cần hiểu, điều đó có thể là lý giải sau này của những người có vai trò quan trọng trong tiến trình biên tập kinh điển nên chúng tôi nghĩ đó không phải lời đức Phật. Nếu tin đó là lời đức Phật thì sẽ đẩy học thuyết bình đẳng giới tính của Ngài vào chỗ chết, không lối thoát.
Cách tân vì lợi lạc
Phải mạnh dạn cách tân để có thể tận dụng được giá trị đóng góp của 2/3 số tu sĩ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ trong đến ngoài nước, từ Đại thừa đến truyền thống Nam tông. Phân tích Bát kỉnh pháp thì thấy chỉ một điều duy nhất trong tám điều lệ có giá trị cho Ni là, Tỳ kheo Ni không được ở cách xa Tỳ kheo Tăng. Vì trong thời đức Phật, vấn đề giặc giã, trộm cướp, cưỡng bức hoặc dựa vào sự yếu kém của người nữ, người nam có thể thể hiện hành động vô lương tâm. Ở những nơi gần chư Tăng để mỗi khi có biến cố thì các pháp lữ Tăng có thể hỗ trợ một phần tích cực cho giới nữ. Bảy điều còn lại, theo chúng tôi đều không có giá trị về phương diện tu tập, mà ngược lại nó làm cho người ta hiểu lầm về những gì đức Phật dạy trong kinh điển liên hệ đến tính cách bình đẳng giới tính.
Học thuyết thứ hai đặt ra để tạo sự khác biệt và làm cho người nữ không phát huy được tiềm năng lớn của họ là, lý do đức Phật nói khi chấp nhận Ni đoàn, khi Ni đoàn có mặt trong cộng đồng sinh hoạt của Tăng lữ, thì chính pháp của Ngài tổn giảm tuổi thọ, thường giảm 5.000 hoặc 500 năm, tùy vào niềm tin ở truyền thống Bắc hay Nam tông. Số liệu không quan trọng, quan trọng là giảm tuổi thọ của chính pháp, làm lũng đoạn chính pháp, làm Phật giáo không còn vàng nguyên chất trong thời đại của đức Phật. Theo chúng tôi, điều đó sai hoàn toàn với tinh thần của đức Phật, bởi vì đức Phật thường nói, giá trị nhân quả nằm ở cách thức dụng tâm chứ không tỷ lệ thuận với khối vật chất mà con người có thể làm đối tác, dấn thân. Khi con người có dụng tâm tốt về đạo đức thì rõ ràng kết quả phải nở hoa kết trái về đạo đức, không thể đi ngược lại tính chất hạt giống đạo đức đã có. Ngược lại, tâm hướng về phi đạo đức, phi văn hóa, đi ngược với giá trị hạnh phúc an vui của cuộc đời thì quả phải hưởng là rất tồi tệ, rất xấu và không may mắn. Cho nên, có thể đặt vấn đề chính pháp nằm ở ngay nền tảng tâm của con người, ở cách thức ứng dụng hành trì lời Phật dạy, ở cách thức sống nơi mỗi người chứ không phải ở hình tướng nam hay nữ. Do đó, mạt pháp hay tượng pháp cũng lệ thuộc như vậy.
Nếu trong giai đoạn lịch sử khó khăn mà hành giả Phật giáo vẫn hành trì miên mật lời Phật dạy, dấn thân vào cộng đồng, làm các Phật sự lỗi lạc mang lại hạnh phúc an vui, nhổ đi nỗi khổ niềm đau cho quần chúng thì tin chắc, giai đoạn lịch sử đó vẫn được xem là chính pháp chứ không phải là tượng pháp. Ba khái niệm chính, tượng và mạt pháp đặt trên giá trị thời gian là điều đức Phật không chấp nhận trong kinh điển. Tức là, không đặt trên giá trị hình thức mà phải dựa vào nội dung, nội dung ở đây là tâm, lấy tâm làm nền tảng để nhận định và đánh giá vấn đề. Nếu chấp nhận giả thuyết đó, rõ ràng thịnh và suy của Phật pháp không nằm ở người nữ mà nằm ở sự hành trì và hành đạo của con người đối với cuộc đời. Nhiều giai đoạn trong lịch sử có nhiều vị Ni đóng vai trò rất quan trọng, đến độ, không có ảnh hưởng của họ Phật giáo không thể phát triển được. Chúng tôi rất tâm đắc lời phát biểu của Phật âm-Buddhaghosa là một trong những sứ giả quan trọng trong truyền thống kinh tạng Pàli. Ngài đã tuyên bố một câu rất ấn tượng về vai trò của người nữ, chúng tôi rất cung kính những người nữ vì thiếu họ sẽ không có bậc vĩ nhân, không có đức Thế Tôn trong cuộc đời này. Lời phát biểu đó giúp người ta buông bỏ những quan niệm, thành kiến sai lầm về nữ giới.
Bình đẳng và vô ngã
Nếu trung thành với những sai lầm đó thì làm giảm những giá trị đóng góp của đức Phật cho lịch sử nhân loại, điều mà ngày nay dưới ánh sáng của nhận thức bình thường cũng thấy vô lý. Cho nên, ngay cả những quốc gia như của thế giới Hồi giáo, vậy mà từng có nữ thủ tướng, nữ tổng thống, nữ bộ trưởng… tại sao trong một tôn giáo rất cách tân, chất xám của tuệ giác rất lớn lại không nằm ở con đường dấn thân hành trì của con người, tức là đạo Phật lại không đóng vai trò tiên phong trong thế giới hiện đại trong khi mấy mươi thế kỷ về trước đức Phật đã từng tiên phong? Do sự hạn chế của lịch sử, phong tục tập quán và tin vào những điều theo chúng tôi được đưa vào sau này, rồi cho nó là chân lý, là lời của đức Phật nói nên gây tổn thất rất lớn. Chỉ sử dụng một phần chất xám của Phật giáo còn lại 2/3 bị quẳng vào trong sọt rác hay để nằm yên trong viện bảo tàng thì rõ ràng sự tổn thất đó là chung chứ không phải riêng cho người nữ.
Dám đặt lại những vấn đề đó và khai thác dưới giá trị của sự phục vụ thì sẽ tháo gỡ được thành kiến đối với những người đồng phạm hạnh, với vai trò, cấu trúc sinh học cơ thể mà không thể làm những chức năng như họ đã làm. Người Trung Hoa có rất nhiều sáng tạo, sự sáng tạo đó không chừng có thể là phản ảnh lòng mặc cảm giới tính hoặc để thích ứng với chế độ mẫu hệ chịu ảnh hưởng từ ngàn xưa. Nền điêu khắc Ấn Độ đã tạc hình ảnh một vị Bồ tát không lệ thuộc giới tính nam và nữ thành hình tượng người nam có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp với hàm râu quai nón nhưng sang Trung Hoa, hình ảnh đó là hình ảnh người mẹ. Một người mẹ với tình thương bao la như biển không bờ bến, một quả địa cầu không hề phân biệt đối xử. Rõ ràng, cách thức tạo nắn tượng qua hình ảnh để cho thấy được lòng từ bi của Bồ tát Quan Thế Âm, vị Bồ tát lắng nghe trở thành tính cách người nữ khiến người ta dễ dàng thương tưởng, quy ngưỡng, cung kính, cầu nguyện vô úy của Bồ tát vào trong dòng tâm thức. Tuy nhiên, theo chúng tôi, không cần phải thay hình đổi dạng như vậy mà vẫn có thể tạo ra chất liệu rất an lạc nếu biết áp dụng chất liệu lòng từ bi đó vào cuộc sống.
Nền văn hóa Trung Hoa có nhiều tính cách tân, lợi dụng vào giá trị mẫu hệ để thay hình đổi dạng vị Bồ tát thì chúng ta không cần làm như hình thức đó, không cần thay hình đổi dạng chư Phật và Bồ tát cũng vẫn giới thiệu tính từ bi, bình đẳng nam nữ, vì giới tính của các Ngài không lệ thuộc nam và nữ nữa. Cách thức hành đạo, cách tân không cần phải làm mới lại những gì đức Phật chưa từng nói. Chỉ tạo cơ hội cho những viên minh châu đức Phật để lại trong kinh điển được thắp sáng. Vai trò của nhà hoằng pháp là không tạo ra viên minh châu mới, mà phải làm thế nào để viên minh châu đó được hiển lộ. Muốn vậy, phải sử dụng những chiêu thức tuệ giác đức Phật để lại trong kinh điển. Những chiêu thức đó là đạo lý bình đẳng và vô ngã. Chỉ hai chiêu thức này cũng giúp con người không thể nào chấp nhận những giả định đã để lại trong quá trình biên tập kinh điển cách mấy trăm năm sau khi đức Phật nhập diệt.
Tin vào học thuyết vô ngã thì rõ ràng làm gì có ngã sở hữu mà nền văn hóa Ấn Độ cho rằng nữ thuộc sở hữu của nam, vợ thuộc sở hữu của người chồng hay em gái phải lệ thuộc vào anh trai? Nếu tin 100% vào học thuyết vô ngã như một sáng tạo về tuệ giác học thuyết của đức Phật thì không thể nào chấp nhận những giả định của cuộc đời về vai trò thấp kém của người nữ và không bao giờ tạo không gian quá nhỏ cho họ. Phải nâng họ lên với vị trí ngang bằng để có thể chung vai với mọi người trong cuộc sống và như vậy, giá trị lợi lạc của sự dấn thân lớn hơn. Nếu tin vào học thuyết bình đẳng, không thể chấp nhận giả thuyết Thái tử Tu Nại Noa, người sẵn sàng bố thí vợ và con của mình cho Bà La Môn với tinh thần bố thí Ba la mật. Nếu coi vợ là một sở hữu để bố thí cho người khác thì rõ ràng chấp nhận học thuyết ngã của Bà La Môn và khi ấy không còn là Bồ tát nữa. Chúng tôi tin câu chuyện thái tử Tu Nại Noa do Bà La Môn trà trộn để phá hủy học thuyết bố thí và vô ngã của đức Phật.
Bố thí ba la mật
Muốn biết về sự bố thí Ba la mật có nhiều cách thức thể hiện. Chỉ quán theo Đại thừa, chẳng hạn, không quán về tác nhân đang tạo ra an vui hạnh phúc thông qua tặng phẩm. Không quán thọ giả như một người chấp nhận ân đức của người khác để khiến lòng tự ty mặc cảm xuất hiện như một gánh nặng của xã hội. Không quán đối vật đang diễn ra giữa tác nhân và thọ giả đó về hình thức của sự bố thí ban tặng.
Rõ ràng, bố thí cúng dường trong cách thế ấy thì đã đạt được bố thí Ba la mật. Theo quan điểm truyền thống, chỉ cần lòng hoan hỷ chánh tín trước khi dấn thân thực hiện bố thí và trong lúc làm cũng có an lạc tương tự khi làm, dù người nhận mang ơn hay trả oán cũng hoan hỷ bởi biết rằng, làm điều đó để hoàn thiện nhân cách đạo đức nên cần phải làm thì có lòng bố thí Ba la mật.
Câu chuyện của thái tử Tu Nại Noa đi ngược lại hoàn toàn học thuyết vô ngã và tuệ giác của đức Phật vì bố thí vợ cho người Bà La Môn mà chưa biết tư cách, đạo đức người đó thế nào, có thể đẩy vợ vào lầu xanh, biến thân phận vợ thành nô lệ... như vậy chỉ lợi bản thân còn người kia trở nên khổ đau, có lợi cho mình mà không có lợi người khác thì rõ ràng không phải đạo lý nhà Phật. Do đó, chúng tôi tin chắc câu chuyện thái tử Tu Nại Noa là câu chuyện phân biệt giới tính nam với nữ rất lớn trên học thuyết ngã và ngã sở hữu.
Nếu truyền bá học thuyết đó dưới góc độ Ba la mật, thì sẽ làm học thuyết bình đẳng của đức Phật đi vào chỗ chết. Dù nó được nhân danh thái tử Tu Nại Noa là tiền thân của đức Phật hay học thuyết chính tông hoặc Đại thừa cũng mạnh dạn tin nó đã đi ngược lại tuệ giác và học thuyết vô ngã, hai học thuyết này được xem như những nền tảng đóng góp rất quan trọng trong lịch sử tư tưởng nhân loại mà đức Phật Thích Ca là một nhân chứng lịch sử mang lại những giá trị đó. Suy nghĩ và tin tưởng vào điều này thì không có lý do gì đẩy vai trò, hất đi thiện chí của nữ giới muốn đóng góp với tư cách Tỳ kheo Ni hay tín nữ hoặc cận sự nữ… Do đó, có thể tạo ra ngôi nhà Như Lai có được hai bức tường, một bên là nam và một bên là nữ. Hai bức tường mới đủ sức cản phong ba bão táp của cuộc đời trong lúc dấn thân gặp nhiều chướng duyên, thử thách. Theo chúng tôi, đức Phật Thích Ca là người đáng tôn kính nhất trong lịch sử nhân loại vì Ngài đã tạo ra vai trò, vị trí rất đặc biệt cho nữ giới mà chưa từng có đạo sư tôn giáo nào, triết gia lịch sử nào có tuệ giác như đức Phật Thích Ca đã làm.
CSMT: Con xin cảm ơn thầy đã trả lời rất rõ ràng, cặn kẽ câu hỏi con đã trình! Những câu trả lời của thầy rất khai phóng, mới mẻ và có thể giúp ích cho chúng con trên con đường tu tập. Thay mặt giới nữ con xin cảm ơn thầy!