Nguyễn Thế Đăng
Sau đây chúng ta tìm hiểu đường lối và công hiệu của việc thực hành trí huệ Bát-nhã. Trí huệ Bát-nhã soi thấy tánh Không nhằm chủ yếu vào những hiệu quả nào? Người ta đạt đến cái thấy tánh Không bằng cách nào?
Kinh Đại Bát-nhã nói mục đích của kinh là đạt đến thực tại bổn nguyên và tối hậu là tánh Không. Tánh Không này còn được gọi bằng nhiều tên khác như “thật tướng của tất cả các pháp, chân như, pháp giới, pháp tánh, pháp trụ, pháp định, thật tế, tánh chẳng hư dối, tánh chẳng biến khác, tánh bình đẳng, hư không giới, bất tư nghì giới”. Nhưng kinh nói nhiều nhất về tánh Không và trí huệ Bát-nhã nhìn thấy và tương ưng với tánh Không.
1. Phá tướng để hiển tánh
Sanh tử là do tướng và tưởng. Giải thoát khỏi sanh tử là thoát khỏi hay phá trừ các tướng và tưởng. Người ta thấy thực tại tánh Không khi cởi bỏ được những tướng và tưởng che đậy trạng thái thật của chính mình và của tất cả mọi sự. Sự che đậy này là vô minh. Trạng thái thật của mình và của mọi sự là không có tự tánh hay là tánh Không.
Thế nên kinh nói: Sắc thọ tưởng hành thức là Không, vô tự tánh, vô sở hữu, bất khả đắc. Điều đó áp dụng cho tất cả các pháp, kể cả những pháp để thực hành và những pháp là mục đích của sự thực hành.
Chúng ta trích một đoạn để thấy điều này:
“Sắc bất khả đắc vì rốt ráo tịnh vậy. Thọ tưởng hành thức bất khả đắc vì rốt ráo tịnh vậy. Nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý bất khả đắc vì rốt ráo tịnh vậy…
“Địa, thủy, hỏa, phong, không, thức giới bất khả đắc vì rốt ráo tịnh vậy. Dục giới, sắc giới, vô sắc giới bất khả đắc vì rốt ráo tịnh vậy. Bốn thánh đế bất khả đắc vì rốt ráo tịnh vậy. Vô minh bất khả đắc vì rốt ráo tịnh vậy. Hành, thức, danh sắc, cho đến sanh, lão, tử bất khả đắc vì rốt ráo tịnh vậy.
“Bốn thiền, bốn vô lượng, bốn vô sắc định bất khả đắc vì rốt ráo tịnh vậy. Bốn niệm xứ bất khả đắc vì rốt ráo tịnh vậy. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo bất khả đắc vì rốt ráo tịnh vậy. Bố thí, trì giới cho đến bát-nhã ba-la-mật bất khả đắc vì rốt ráo tịnh vậy. Tu-đà-hoàn cho đến A-la-hán bất khả đắc vì rốt ráo tịnh vậy. Như Lai bất khả đắc vì rốt ráo tịnh vậy.
“Các pháp chẳng xuất chẳng sanh, chẳng mất chẳng diệt, vô nhiễm vô tịnh, vô đắc vô vi. Như vậy gọi là nghĩa rốt ráo tịnh.
“Đại Bồ-tát khi học như vậy, là đối với tất cả pháp đều vô sở học. Vì sao thế? Các pháp vốn là vô sở hữu. Nếu đối với pháp vô sở hữu như vậy, chẳng có thể thấu hiểu thì gọi là vô minh” (Phẩm Bát-nhã hành tướng, hội thứ 1).
Chúng ta thấy, trong đoạn kinh này, Không không có nghĩa là phủ định tất cả. Những cái bị phủ định ở đây là các tướng và tưởng bám che “thật tướng của tất cả các pháp”. Kinh vẫn đồng thời khẳng định thực tại tối hậu là tánh Không thanh tịnh, không bị che phủ bởi vô minh, không có sanh tử, không sanh không diệt, “vì rốt ráo tịnh vậy”.
Khi nói về tánh Không, kinh lập đi lập lại đầy đủ không bỏ sót một pháp nào. Chẳng hạn nói, “các Bồ-tát chẳng nên trụ từ sắc thọ tưởng hành thức, cho đến mười hai xứ, mười tám giới, đất nước lửa gió, bốn thánh đế, mười hai nhân duyên sanh, bốn thiền, sáu ba-la-mật, bốn niệm xứ, mười lực, mười tám pháp bất cọng cho đến nhất thiết trí tướng”, thậm chí cho đến chẳng nên trụ chân như, pháp giới, pháp tánh, thật tế…
Tiếp đó kinh nói thêm: “Nếu Bồ-tát tu hành bát-nhã ba-la-mật-đa mà không có phương tiện thiện xảo, thì bị chấp ngã và ngã sở ràng buộc quấy nhiễu, nên tâm bèn trụ sắc, trụ thọ tưởng hành thức… cho đến trụ tất cả tam muội”.
Rồi tiếp theo, “Sắc chẳng nên nhiếp thọ, thọ tưởng hành thức chẳng nên nhiếp thọ”. Lại nói “Tất cả các pháp chẳng nên nhiếp thọ, từng nhóm pháp một”. Và kết luận đoạn này, “Vì sao thế? Vì tất cả pháp tự tướng đều Không, năng thủ sở thủ đều bất khả đắc vậy” (Phẩm Vô trụ, hội thứ 1).
Với sự lập đi lập lại từng pháp một, không bỏ sót pháp nào, kinh triệt hạ, quét sạch tất cả tướng và tưởng tạo ra chấp trước mà một con người như chúng ta có thể có.
Những phá nát, cắt đứt (Năng đoạn Kim cương), triệt hạ tất cả tướng và tưởng của vô minh che phủ, làm bày lộ thực tại tánh Không, vô tướng, vô niệm, vô trụ, vô sở, vô sở hữu, bất khả đắc…
2. Trí huệ tánh Không phối hợp với các hạnh
Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, các hạnh ba-la-mật này đều được phối hợp với bát-nhã, tức là trí huệ tánh Không. Cho đến “tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh”, hạnh tổng quát và cao nhất của Bồ-tát cũng được phối hợp với trí huệ tánh Không.
“Như Lai nói trang nghiêm cõi Phật, tức chẳng phải là trang nghiêm, đó gọi là trang nghiêm”. “Tu-bồ-đề! Ý ông thế nào? Các ông chớ nói Như Lai có tưởng như vầy: ‘Ta phải độ chúng sanh.’ Tu-bồ-đề, chớ tưởng như vậy. Vì sao thế? Bởi thật không có chúng sanh nào để Như Lai độ cả” (Kinh Kim Cương).
Như chính đầu đề kinh, kinh Đại Bát-nhã, kinh Đại Trí huệ, hệ thống các kinh Bát-nhã lấy Trí huệ tánh Không làm Nền tảng, Con đường, và Quả. Trí huệ tánh Không là Nền tảng cho mọi hạnh của Con đường Bồ-tát. Cuộc đời Bồ-tát diễn tiến trên Nền tảng trí huệ tánh Không.
Bát-nhã gắn liền với sinh hoạt hàng ngày. Đi đứng nằm ngồi, nói nín, quét sân, làm ruộng, thắp hương, tụng kinh, ngồi thiền… đều gắn liền với trí huệ Bát-nhã. Thiền tông là sự thể hiện trí huệ Bát-nhã trong đời sống hàng ngày. Bởi thế nên Thiền tông vẫn phát triển mạnh mẽ trong đời sống ngày nay.
Trí huệ Bát-nhã có thể thể hiện trong mọi sinh hoạt hàng ngày. Có một nơi nào mà không có sắc thọ tưởng hành thức, có một nơi nào mà không có sắc thanh hương vị xúc pháp…? Như vậy, có một nơi nào mà không có sắc thọ tưởng hành thức Không, có một nơi nào mà không có sắc thanh hương vị xúc pháp Không.
Thực hành trí huệ Bát-nhã là tương ưng với tánh Không trong bất kỳ thời gian nào không gian nào. Cho đến lúc toàn bộ đời sống là sự hiện bày của tánh Không.
3. Đi đến vô trụ, vô tướng, vô niệm, không hý luận
Vô sở trụ, vô tướng, vô niệm, không hý luận là những từ thường được lập đi lập lại trong kinh.
“Đức Phật dạy: Đại Bồ-tát nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế mà tâm chẳng kinh, chẳng sợ, chẳng hãi, chẳng chìm, chẳng đắm, cũng chẳng lui bỏ việc cầu giác ngộ vô thượng, với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa vui mừng muốn nghe, thọ trì đọc tụng, thông hiểu rốt ráo, buộc niệm suy nghĩ, tinh tấn tu hành, tâm không nhàm mỏi. Đại Bồ-tát này luôn luôn tùy thuận tiếp nối, hướng đến nhập vào Nhất thiết trí trí. Nên thật hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế” (Phẩm Điều phục tất cả tham, hội thứ 2).
“Vui mừng muốn nghe, thọ trì đọc tụng, thông hiểu, buộc niệm suy nghĩ, tinh tấn tu hành, tâm không nhàm mỏi”, nghĩa là Văn, Tư, Tu tánh Không. Hơn nữa sự Văn, Tư, Tu này là liên tục trong từng niệm niệm: “luôn luôn tùy thuận tiếp nối, hướng đến nhập vào”. Với sự càn quét đi, càn quét lại các tướng và tưởng, tánh Không sẽ không còn bị che ngăn, dần dần hiện bày, vì tánh Không thì luôn luôn hiện tiền từ vô thủy đến vô chung.
Trong đời sống hàng ngày, với sự tùy thuận, tương ưng thường xuyên trí huệ Bát-nhã người ta đi vào tánh Không vô tướng, vô trụ, vô niệm, không hý luận.
Khi không còn chấp trước, phân biệt với các tướng, tâm người ta đạt đến vô tướng, hay là tánh Không. Vô tướng không có nghĩa là không có tướng nào cả, một màn hình hay một tấm gương trống không, mà vô tướng nghĩa là màn hình hay tấm gương vẫn có các tướng, nhưng các tướng ấy có bản chất là tánh Không, vô tự tánh, nghĩa là các tướng ấy vốn là giải thoát.
Khi không còn trụ vào các tướng, tâm người ta được tự do, trở thành vô trụ như tánh Không.
Khi không còn các niệm phân biệt của thức hư vọng (biến kế sở chấp) tâm người ta trở thành vô tâm, vô niệm như tánh Không. Vô niệm không có nghĩa là không có tư tưởng. Mà vô niệm vì bản tánh của tâm vốn là thanh tịnh, vốn là tánh Không, không thể bị ô nhiễm bởi những tư tưởng:
“Tâm này vì sao bản tánh của nó là thanh tịnh? – Bản tánh tâm này chẳng tương ưng với tham sân si và mọi thứ tâm niệm, mà cũng chẳng phải chẳng tương ưng. Xá-lợi tử, Tâm này bản tánh thanh tịnh như thế” (Phẩm Khuyến học, hội thứ 2).
Đạt đến tánh Không vốn thanh tịnh của tâm, khi những tư tưởng sanh khởi từ một tâm thanh tịnh không ô nhiễm như thế, thì chính những tư tưởng cũng thanh tịnh không ô nhiễm. Khi ấy những tư tưởng cũng chính là tánh Không, cũng chính là giải thoát.
Với một tâm vô tướng, vô trụ, vô niệm như thế, người ta tương ưng và an trụ trong tánh Không. Đó là sự giải thoát. Tâm hoàn toàn bình an, tự do và giải thoát, không còn vẩn vơ ràng buộc vào một ý niệm vi tế nào. Nó không còn nghĩ ngược nghĩ xuôi, trôi nổi theo những ý niệm vi tế, những quan điểm thế này thế nọ. Đây là một tâm “vô hý luận”.
Hý luận là những bàn luận chơi, những lý luận suông một cách vô ích về những điều không có thật. Chẳng hạn lý luận về lông rùa sừng thỏ là sanh hay diệt, dơ hay sạch, tăng hay giảm, một hay nhiều… là hý luận. Suy nghĩ bàn luận về bốn câu: có, không, vừa có vừa không, không có không không, là hý luận. Người xưa nói: lìa bốn câu, dứt tuyệt một trăm cái phủ định (ly tứ cú, tuyệt bách phi), đây là một tâm vô niệm hay tâm vô hý luận.
Ở trong chân lý tuyệt đối (chân đế) thì sắc thọ tưởng hành thức cho đến tất cả các pháp đều là hý luận. Do đó, sanh tử chỉ là hý luận.
Một tâm không hý luận là một tâm dứt bặt với mọi ý niệm sanh tử, một tâm hoàn toàn Niết-bàn.
4. Tánh Không cứu thoát tất cả
Phẩm Ma ha tát, hội thứ 1, nói:
“Khi ấy Xá-lợi tử hỏi Tu-bồ-đề rằng: Nếu tâm Nhất thiết trí trí là chân vô lậu, chẳng đọa ba cõi như vậy, thì tất cả tâm chúng sanh, Thanh văn, Độc giác cũng phải là chân vô lậu chẳng đọa ba cõi. Vì sao thế? Vì tất cả các tâm ấy cũng là bản tánh Không. Bởi vì sao? Vì pháp bản tánh Không là chân vô lậu chẳng đọa ba cõi.
Tu-bồ-đề đáp: Như vậy, như vậy. Thật đúng như lời ngài nói.
Xá-lợi tử nói: Sắc cũng phải là chân vô lậu, chẳng đọa ba cõi; thọ tưởng hành thức cũng phải là chân vô lậu chẳng đọa ba cõi. Vì sao thế? Vì sắc thọ tưởng hành thức bản tánh đều Không vậy. Bởi vì sao? Vì pháp bản tánh Không là chân vô lậu chẳng đọa ba cõi.
Tu-bồ-đề đáp: Như vậy, Như vậy. Thật đúng như lời ngài nói”.
Bản tánh của tâm Nhất thiết trí trí, tức là tâm Phật, là tánh Không. Bản tánh của tâm của tất cả chúng sanh và các bậc thánh Thanh văn, Độc giác cũng là tánh Không. Do đó, tâm của chư Phật, chư Thanh văn, chư Độc giác và của tất cả chúng sanh đều bình đẳng đồng nhất một bản tánh là tánh Không, vốn là chân vô lậu chẳng đọa ba cõi. Nói một cách cụ thể, nếu đi vào và chứng ngộ bản tánh Không của tâm mình thì tâm ấy là tâm Nhất thiết trí trí, tâm Phật.
Tánh Không là sự bình đẳng của tất cả chúng sanh và chư Phật.
Sự bình đẳng ấy không chỉ trong bản tánh, mà còn trong không gian và thời gian khác biệt: ngay lúc này đây hay bất cứ lúc nào khác, tâm chúng sanh của chúng ta vẫn cùng một bản tánh Không với tâm chư Phật. Đây là sự bình đẳng tuyệt đối, xóa hẳn mọi nhân duyên điều kiện. Nói cách khác, tánh Không đồng nhất ấy bất chấp mọi nhân duyên điều kiện, bất chấp không gian và thời gian, nghĩa là nó luôn luôn hiện tiền và thường trụ.
Sắc thọ tưởng hành thức, đất nước lửa gió cho đến vô minh, tất cả các pháp cũng đều là chân vô lậu chẳng đọa ba cõi, vì bản tánh đều Không. Sanh tử là chân vô lậu chẳng đọa ba cõi thì sanh tử ấy xưa nay vốn là Niết-bàn vậy.
Đây là điều Đại thừa thường nói, sanh tử tức Niết-bàn.
“Khi ấy Xá-lợi tử hỏi Tu-bồ-đề rằng: Nếu tất cả các pháp tâm sắc của tất cả chúng sanh, Thanh văn, Độc giác, Bồ-tát, Như Lai vì bản tánh đều Không như vậy, là chân vô lậu chẳng đọa ba cõi như vậy, thì bậc thánh và chúng sanh, nhất thiết trí và chẳng phải nhất thiết trí, đều phải là bình đẳng, không sai khác?
Tu-bồ-đề đáp: Như vậy, như vậy. Thật đúng như lời ngài nói.
Xá-lợi tử nói: Nếu các phàm thánh nhất định không sai khác như vậy, thì vì sao Như Lai thuyết phàm thánh có đủ thứ sai khác?
Tu-bồ-đề đáp: Đây cũng là Như Lai tùy theo lời nói thế tục thi thiết mới có các thứ sai khác này, chớ chẳng phải do thật nghĩa” (Phẩm Ma ha tát, hội thứ 1).
Sự sai khác sở dĩ có, đó là do hý luận của thế tục. Trong tánh Không, phàm thánh không cách hở, đồng một bản tánh Không. Nói theo kinh Viên Giác thì “chúng sanh bổn lai thành Phật”.
Như thế chúng ta thấy tánh Không cứu thoát tất cả tâm sắc, tất cả sanh tử. Đây là sự giải thoát trọn vẹn.
Như thế chúng ta thấy tánh Không đưa đến sự rốt ráo của Đại thừa: “sanh tử tức Niết-bàn”, “chúng sanh bổn lai thành Phật”.
Nguyễn Thế Đăng (Văn Hóa Phật Giáo số 179)