VẤN ĐỀ CÚNG KIẾNG
Thông Khiêm
Người dân Việt Nam đa số theo tín ngưỡng thờ ông bà, họ có thể theo các tôn giáo khác nhưng không vì thế mà tín ngưỡng này mất đi. Phật giáo đã tồn tại và phát triển mạnh tại Việt Nam là nhờ tính chất uyển chuyển của nó, có thể dung hòa giữa yếu tố thờ cúng ông bà, cha mẹ với văn hóa Phật giáo vốn có; trong khi đó Thiên Chúa giáo lại không chấp nhận tín ngưỡng thờ ông bà nên một thời gian dài tôn giáo này không thể phát triển mạnh tại Việt Nam, từ đó họ đã thay đổi và cho phép các tín đồ của họ cũng thờ ông bà và thắp nhang. Tất cả những điều đó cho thấy rằng việc thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ là quan trọng, là nét đẹp không thể thiếu đối với con người Việt Nam. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề cần bàn luận đối với tín ngưỡng cúng kiếng này. Từ việc tiến cúng chư hương linh ông bà, cha mẹ cho đến việc tiến cúng chư âm linh cô hồn là những điều cần phải lý giải. Trước khi bàn đến chủ đề trên, chúng ta thử điểm qua ý nghĩa của việc lễ lạy trong các buổi lễ truyền thống tại Việt Nam. Lạy 2 lạy là lạy người còn sống. Như lạy ông bà hay cha mẹ trong lễ Vu quy. Lạy 3 lạy là lạy Phật-Pháp-Tăng hay lạy Quân-Sư-Phụ hoặc lạy các vị Thần. Lạy 4 lạy là lạy người đã qua đời. Lạy tứ thân phụ mẫu. Lạy 5 lạy là lạy vua. Số 5 ứng với ngũ hành hay ứng với 4 phương và nơi chính giữa là chỗ ngự trị của vua. Khi tiến cúng chư hương linh nhân ngày giỗ hay làm tuần thì thân quyến thường lạy 4 lạy khi khởi đầu cúng và kết thúc lễ cũng lạy 4 lạy, với ý nghĩa cúng cho người đã quá vãng. Tuy nhiên, khi châm trà thì lạy 2 lạy, đây là ý nghĩa xem người mất như đang còn sống, đang được người thân chăm sóc qua việc dâng cơm, rót trà và chỉ có hình thức châm trà như thế mới xem hương linh như còn đang sống (lạy 2 lạy). Khi có tang ma, hiếu quyến chỉ lạy 2 lạy cho các buổi lễ (nhập liệm, thành phục phát tang) trước khi hạ huyệt, đó là ý nghĩa tuy người đã mất nhưng hiếu quyến vẫn xem họ như đang còn sống. Sau khi hạ huyệt thì các lễ về sau như làm tuần, cúng 100 ngày… hiếu quyến được phép lạy hương linh 4 lạy vì lúc này thân quyến mới thật sự xem hương linh đã chết. Trong buổi lễ tiến cúng cô hồn, mở đầu và kết thúc lễ đều lạy 4 lạy. Khi châm trà thì có lạy 3 lạy và lạy 2 lạy. Châm trà lần thứ nhất, lạy 3 lạy là lạy các vị Thần; châm trà các lần tiếp theo lạy 2 lạy là lạy các vị cô hồn, xem việc châm trà cho chư vị cô hồn là biểu hiện lòng thương giữa gia chủ đối với cô hồn, xem họ còn sống như những người đang bơ vơ lạc lõng giữa cõi đời cần được giúp đỡ. Đó là sơ lược ý nghĩa của lễ lạy trong văn hóa Việt Nam, tiếp theo là ý nghĩa của việc cúng kiếng. Có nhiều vấn đề cần tư duy và nhìn lại: Có nhiều người cho rằng, nhân ngày giỗ kỵ họ mời bà con, bạn bè và hàng xóm đến để chiêu đãi nhằm “phải không” đối với những người đã giúp đỡ mình. Vậy ý nghĩa của buổi lễ húy kỵ sẽ mất đi ý nghĩa cũng như mất đi giá trị tâm linh sâu sắc của nó, vì cúng giỗ không phải để báo hiếu, tri ân mà là để phải không với bạn bè, làng xóm! Còn rất nhiều ngày để gia quyến có thể chiêu đãi, tại sao phải đợi đến ngày giỗ mới làm, để ý nghĩa thiêng liêng giữa người sống đối với các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ bị mất đi? Hơn nữa, nếu quan niệm người còn sống sử dụng thức ăn gì thì khi chết cũng sử dụng thức ăn ấy, như vậy người sống được ăn 365 ngày để tồn tại trong một năm thì tại sao chúng ta chỉ cúng cho các hương linh duy nhất một ngày? Liệu điều đó có phù hợp với thực tế chăng, các hương linh sao có thể chịu đựng được và các hương linh không thể nhịn đói 364 ngày!? Cúng một ngày còn các ngày còn lại để hương linh đói ư? Vậy cúng giỗ có ý nghĩa gì? Lại nữa, ngoài việc thiết cúng chư hương linh, các gia chủ còn cúng cho các vị thần, các cô hồn để cầu mong bình an. Các vị thần và các cô hồn có thể tạo nên sự gia hộ cho con người thì họ cần gì phải cầu thức ăn của gia chủ hiến cúng? Họ gia hộ được cho con người thì họ cũng có thể tự tạo nên thức ăn cho chính họ. Chúng ta cúng thức ăn cho các vị thần và cô hồn, nghĩa là chính họ cũng bất lực đối với việc tạo ra thức ăn nên cần con người dâng cúng thì sao họ có thể gia hộ cho con người được? Từ những vấn đề được đặt ra như thế, chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa của việc cúng kiếng, dựa vào kinh điển nguyên thủy Phật giáo để làm rõ vấn đề này. Từ rất lâu, vấn đề cúng cho người chết đã được nêu ra trong thời kỳ Đức Phật còn tại thế. Trong Kinh Tăng Chi Bộ tập 4, do HT.Thích Minh Châu dịch, trang 595-602 ghi lại rằng:“Thưa Tôn giả Gotama, chúng tôi Bà-la-môn, cho bố thí, làm các lễ cúng cho người chết. Mong rằng, bố thí này cho bà con huyết thống đã chết được lợi ích! Mong rằng các bà con huyết thống đã chết, thọ hưởng bố thí này! Thưa Tôn giả Gotama, bố thí có lợi ích gì cho các bà con huyết thống đã chết không? Các bà con huyết thống đã chết có được thọ hưởng bố thí ấy hay không? Này Bà-la-môn, nếu có tương ưng xứ, thời có lợi ích; không có lợi ích nếu không có tương ưng xứ. Thưa Tôn giả Gotama, thế nào là tương ưng xứ, thế nào là không tương ưng xứ? Ở đây, này Bà-la-môn, có người sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, có tham ái, có sân, có tà kiến. Vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào địa ngục. Món ăn của chúng sanh ở địa ngục ăn, tại đấy, vị ấy nuôi sống với món ăn ấy; tại đấy, vị ấy tồn tại với món ăn ấy. Này Bà-la-môn, đây là không tương ưng xứ, trú ở nơi đây, vị ấy không được lợi ích của bố thí ấy…”. … Ở đây, này Bà-la-môn, có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, không có tham ái, không có tâm sân hận, có chánh kiến. Người ấy sau khi thân hoại mạng chung, sanh cộng trú với loài Người. Món ăn của loài người như thế nào, tại đấy, vị ấy nuôi sống với món ăn ấy; tại đấy, vị ấy tồn tại với món ăn ấy. Này Bà-la-môn, đây là không tương ưng xứ; trú ở đây, vị ấy không được lợi ích của bố thí ấy”. … Ở đây, này Bà-la-môn, có người từ bỏ sát sanh… có tà kiến, người ấy sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi ngạ quỷ. Món ăn của chúng sanh ngạ quỷ như thế nào, tại đấy, vị ấy nuôi sống với món ăn ấy; tại đấy, vị ấy tồn tại với món ăn ấy. Món ăn nào các bạn bè, hoặc thân hữu, hoặc bà con, hoặc người cùng huyết thống từ đấy muốn hướng cúng cho vị ấy, tại đấy vị ấy sống với món ăn ấy; tại đấy, vị ấy tồn tại với món ăn ấy. Này Bà-la-môn, đây là tương ưng xứ, trú ở đây, vị ấy được lợi ích của bố thí ấy”. Bài kinh trên Đức Phật khẳng định, con người khi còn sống thường làm những việc như: sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối và sanh tâm tham, sân, tà kiến thì sau khi chết sẽ đọa vào địa ngục hoặc súc sanh. Có ba vấn đề chính đó là thân (sát sanh, trộm cắp, tà dâm), khẩu (nói dối) và ý (tham, sân, tà kiến). Những người từ bỏ việc sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và sanh tâm chánh kiến thì sẽ sanh trở lại cõi người, hoặc sanh sang cõi trời. Người không phạm 4 giới mà sanh tâm tà kiến (không chánh kiến) thì sẽ sanh làm ngạ quỷ. Mọi người nếu phạm 4 giới và sanh tâm tà kiến thì sẽ bị đọa vào địa ngục hoặc súc sanh. Không phạm giới mà sanh tâm chánh kiến thì sẽ sanh vào cõi người hoặc cõi trời. Nhưng không phạm 4 giới mà chỉ cần khởi tâm tà kiến thì đọa ngay vào ngạ quỷ. Như vậy, có hai vấn đề chính đó là phạm giới và tà kiến. Tà kiến quyết định việc đọa trong ba đường, vì người sanh tâm tà kiến sẽ khiến cho chính họ rơi vào phạm giới, nên tà kiến rất nguy hiểm đối với con người. Vấn đề thứ hai trong bài kinh trên là người cúng luôn hưởng được lợi ích khi khởi lên tín tâm và dâng cúng, dầu điều đó không mang đến lợi ích cho người đã mất nếu người chết sanh sang địa ngục, súc sanh, loài người hay loài trời. Vấn đề thứ ba cũng ở đoạn kinh trên là người cúng chỉ cúng được cho những người thân bị đọa vào ngạ quỷ thì lúc đó người bị đọa mới hưởng được phẩm vật dâng cúng. Tương ứng xứ là thức ăn do người dâng cúng chỉ thích hợp duy nhất cho chúng sanh ở cõi ngạ quỷ mà thôi. Nên các chùa Bắc tông thường hay cúng cô hồn (cô hồn cũng thuộc loài ngạ quỷ, quỷ đói), và cúng quỷ thần (cúng đại bàng vào buổi trưa quá đường của chư Tăng, quỷ thần cũng thuộc loài ngạ quỷ.) Việc cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã quá vãng để các vị này thọ hưởng thực phẩm chỉ khi nào họ bị đọa làm ngạ quỷ thì thức ăn do chúng ta dâng cúng mới có tác dụng. Ngoài ra, nếu chư vị hương linh đọa bất cứ vào loài nào trong sáu cõi (trừ cõi ngạ quỷ) thì họ sẽ không thọ dụng được thức ăn mà chúng ta dâng cúng. Từ đây, nếu chúng ta biết chắc chắn người thân của chúng ta sau khi chết sẽ đọa làm ngạ quỷ thì chúng ta nên cúng cho họ. Ngược lại, chúng ta không biết họ sẽ đi về đâu thì mọi phẩm vật chúng ta dâng cúng đều vô nghĩa. Tuy nhiên, theo đoạn kinh trên thì khi người cúng với tín tâm, không cần biết hương linh có thọ nhận được hay không, người cúng vẫn được lợi ích. Vậy thế nào là lợi ích? Lợi ích xuất hiện khi chúng ta khởi lên tâm bố thí cúng dường cho bất kỳ ai, kể cả người ác, người ăn xin, cho đến những người mới phát tâm tu tập, người xuất gia, chư vị Thánh tăng hay chư Phật đều được lợi ích. Như kinh Dakkhiṇāvibhaṅgasutta ghi lại rằng: “Này Ânanda! Ngươi cho 100 lần đến loài cầm thú cũng không bằng quả phước cho 1 lần đến người phá giới. Cho 100 lần đến người phá giới, cũng không bằng quả phước cho 1 lần đến người có giới. Cho 100 lần đến người có giới cũng không bằng quả phước cho 1 lần đến bậc xuất gia trong sạch… Cúng 100 lần đến bậc Độc giác Phật cũng không bằng quả phước cúng 1 lần đến Đức Phật Toàn Giác. Cúng 100 lần đến Đức Phật Toàn Giác cũng không bằng quả phước cúng 1 lần đến chư Tăng. Tăng thì có rất nhiều phước báo, như thế ấy”. Lợi ích của việc bố thí xuất hiện ngay khi vị đó phát tâm và như thế mới có phước. Nhưng tùy đối tượng được bố thí mà người bố thí sẽ có phước nhiều hay phước ít. Đức Phật cho rằng bố thí cho người ác cũng đã có phước, nhưng bố thí cho người biết tu tập sẽ có phước hơn và chúng ta cứ nghĩ rằng bố thí cho một vị Phật nào đó thì sẽ có vô lượng phước đức, nhưng Đức Phật khẳng định chỉ có bố thí cho chư Tăng thì phước đức nhiều nhất. Tại sao bố thí cho chư Tăng thì có phước nhiều hơn bố thí cho một vị Phật? Vì chúng sanh là Phật sẽ thành, tuy những người xuất gia chưa chứng quả nhưng tương lai họ sẽ chứng quả như Đức Phật, nên việc bố thí cho chư Tăng (tập thể) sẽ được phước nhiều. Quan niệm dân gian cho rằng người chết sẽ đi về với tổ tiên, ông bà, nhưng không ai biết tổ tiên, ông bà sau khi chết đi về đâu. Theo đạo Phật, tạo nghiệp của con người sẽ dẫn đến đời sống tiếp theo trong 6 cõi, không phân biệt bất kỳ người nào theo bất kỳ tôn giáo nào, những ai phạm 4 giới như trên và có tà kiến thì sẽ có kiếp sau ở địa ngục hoặc súc sanh; những ai không phạm 4 giới và có chánh kiến thì sẽ làm người hoặc làm chư thiên, nhưng nếu không phạm 4 giới mà có tà kiến thì sẽ làm ngạ quỷ. Và chỉ có ngạ quỷ mới thọ dụng được thức ăn do chúng ta thiết cúng. Nên người thân của chúng ta không bị đọa làm ngạ quỷ mà chúng ta cúng tế cho họ thì họ không thọ dụng được, nhưng việc thiết cúng, bố thí đó vẫn có lợi ích. Tuy nhiên, lợi ích hay phước đức như thế vẫn không quyết định việc đầu thai của chúng ta ở kiếp sau, mà nó chỉ làm cho kiếp sau thêm sung túc hơn mà thôi. Quyết định việc đầu thai là phạm 4 giới hay không phạm 4 giới và sanh tâm tà kiến hay chánh kiến. Trong đó, tà kiến hoặc chánh kiến sẽ dẫn dắt chúng ta đi đến phạm giới hay không phạm giới và từ đó chúng ta sẽ có đời sống tiếp theo sau khi chết bị đọa lạc hay được siêu thăng. Việc cúng kiếng với mong ước chư hương linh siêu thăng là điều không thể, vì chưa có bản kinh nào trong Phật giáo khẳng định người chết được người thân cúng kiếng, tụng kinh và nhờ đó sẽ được siêu thăng. Trong thực tế, chư Tăng và Phật tử tụng kinh để hiểu nghĩa kinh, sau đó tu tập tinh tấn đúng pháp mới có thể giải thoát. Cho nên việc cúng tiến chư hương linh ông bà, cha mẹ sẽ không bao giờ giúp cho họ được siêu thoát, mà siêu thoát hay không là nhờ vào hương linh đó khi còn sống có tu tập hay không. Nếu không tu đúng pháp thì sẽ không đạt được giải thoát, điều đó là chắc chắn. Sau khi chúng ta chết đi chỉ cần nhờ chư Tăng tụng kinh thì sẽ siêu thoát, điều đó không bao giờ xảy ra, nhưng lúc tang gia bối rối hình bóng chư Tăng xuất hiện là niềm an ủi rất lớn đối với gia quyến. Nếu hương linh rơi vào cõi ngạ quỷ thì việc tụng kinh có thể tạo duyên cho hương linh đến với Phật Pháp, nhưng tùy theo vị chủ lễ mà hương linh đó chịu nghe hay không và không dễ gì hương linh đó muốn nghe là nghe được, vì những hương linh khác sẽ cản trở. Việc cúng kiếng, tụng kinh để cầu mong siêu thoát là tâm lý chung, là nghĩa cử tốt đẹp, nhưng phải tu tập chuyên cần, đúng pháp mới siêu thoát. Việc cúng cho hương linh, hương linh ấy chỉ thọ dụng được thức ăn khi hương linh đó đọa vào kiếp ngạ quỷ. Chúng ta cúng cho họ để họ được no, nhưng họ chỉ no trên ảo tưởng mà thôi và thực tế họ sẽ đói trong 364 ngày còn lại, vì chúng ta chỉ cúng một bữa ăn duy nhất. Việc cúng kiếng như thế không đem đến giải thoát cho họ, vì ngay trong bản kinh trên, Đức Phật đã nói, muốn giải thoát thì phải giữ 4 giới và có chánh kiến thì giải thoát mới có thể xảy ra. Chư Tăng điều hành buổi lễ đám ma hay lễ kỳ siêu tiến cúng chư hương linh một cách trang nghiêm sẽ đem đến nhiều lợi ích, sẽ cảnh tỉnh, cứu độ được những người còn sống biết tu tập để sau khi họ chết họ sẽ được siêu thăng. Nhân cơ hội người thân của họ qua đời, chư Tăng chia sẻ đôi điều và khuyên lơn những người còn sống thì việc hoằng pháp như thế rất có lợi ích, thiết thực và cần thiết hơn những buổi lễ dài dòng, gây mệt mỏi, tốn kém. Việc cúng kiếng hay tụng kinh không thể giải thoát, vì tụng kinh là để hiểu nghĩa kinh, hiểu thì chưa giải thoát, chỉ có tu mới giải thoát, đó là ý nghĩa chân thật. Tụng kinh để hiểu nghĩa của lời kinh Phật dạy, sau đó mới tu tập đúng pháp và đạt đến giải thoát; nhưng tụng kinh chưa hiểu ý nghĩa thì không thể tu và không thể giải thoát. Nếu không theo nguyên tắc này mà đạt được giải thoát thì không thể xảy ra. Từ đó, vấn đề cúng kiếng để mong cho hương linh siêu thoát là chuyện không hợp lý, nói như thế không có nghĩa là bài bác việc cúng kiếng, mà là để khẳng định lại phương pháp tu tập. Riêng việc cúng kiếng vẫn có ý nghĩa về mặt giáo dục như tri ân, báo ân và tạo nên sức mạnh của tình thương yêu nếu gia đình đó biết vận dụng cúng kiếng hợp lý. Hương linh đọa ngạ quỷ thì việc cúng mới có lợi ích cho hương linh, ngoài ra hương linh sống ở bất kỳ cõi nào khác thì người thân thiết lễ cúng sẽ không có ích cho hương linh. Nhưng buổi lễ cúng có thể đem đến sự sum họp gia đình, đem đến tình yêu thương hay có thể nhờ gặp nhau, chia sẻ với nhau mà có thể hóa giải được mâu thuẫn, hận thù giữa những người thân với nhau. Vì cái chết của hương linh có thể tạo nên hối hận và tâm lý mở rộng cõi lòng sẽ diễn ra trong những người còn sống. Cúng cho ngạ quỷ ăn cũng giống như chúng ta bố thí cho người ăn xin, chỉ giúp họ đỡ đói trong một ngày nhưng họ mãi mãi đói. Nếu người bố thí biết sáng tạo và có khả năng giúp đỡ lớn hơn thì họ có thể nghĩ ra cách nuôi và dạy nghề cho người ăn xin thì mới giúp cho họ thoát khỏi cảnh nghèo đói đó, bằng không họ vẫn ăn xin và mãi mãi không tự cứu đói được. Kiếp ngạ quỷ cũng như vậy, họ sẽ giải thoát nếu họ hiểu kinh Phật và biết tu tập. Họ chỉ được no trên ảo tưởng vì thức ăn ta dâng cúng vẫn còn nguyên sau khi chúng ta đã cúng xong. Để giúp cho ngạ quỷ được giải thoát, các chùa Bắc tông thường hay cúng cô hồn vào tất cả buổi chiều sau khi tụng kinh xong (công phu chiều). Công phu chiều, cúng cô hồn là cách mô phỏng lại nguyên tắc nghe kinh, hiểu kinh và tu tập thì mới giải thoát theo truyền thống của Phật giáo. Tóm lại, cúng kiếng là điều không thể thiếu đối với người dân Việt Nam, đó là biểu hiện của lòng hiếu thảo. Cúng ông bà, cha mẹ như một sự nhắc nhở, sẻ chia, không bao giờ quên công ơn cha mẹ, để mình sống tốt hơn, để chuẩn bị cho mình một cái chết tốt hơn, biết tu tập, không dựa dẫm vào ai, không cầu mong sự giúp đỡ từ ai sau khi chúng ta từ giã cuộc đời. Ngày giỗ là ngày đoàn tụ của tất cả những người con tập họp tại nhà thờ tộc, nhằm khẳng định lại giá trị để đời của ông bà cha mẹ, giá trị của kiếp làm người, vì ai rồi cũng chết như ông bà. Từ đó, nỗ lực làm việc có ích cho đời, không trái với lương tâm và được như thế chúng ta sẽ có cuộc sống tốt đẹp ở hiện tại và chắc chắn kiếp sau chúng ta cũng sẽ bình an và hạnh phúc. Những ai chỉ ngồi đó cầu nguyện mà không làm những việc thực tế liên quan để hỗ trợ cho ước muốn được thành công thì lời cầu nguyện đó là sáo rỗng. Cầu nguyện chỉ lợi ích khi chúng ta phát nguyện làm việc gì đó và nó sẽ không có kết quả khi chúng ta chỉ cầu nguyện mà không làm bất kỳ điều gì để hỗ trợ cho lời cầu nguyện đạt đến thành công. Thông Khiêm |