VẤN ĐỀ CỦA THẾ GIAN
Ajahn Lee Dhammadharo
Diệu Liên Lý Thu Linh chuyển ngữ
Ajahn Lee Dhammadharo (1907–1961), là thiền sư theo truyền thống tu trong rừng của Phật giáo Thái Lan Nguyên thủy (Thai Forest Tradition).
***
§ Sự bấn loạn đến từ chính ô uế của ta, không phải từ người khác. Bạn phải giải quyết vấn đề của mình nếu bạn muốn được bình an.
§ Bất cứ điều gì liên quan đến thế gian, cho dù có tốt đến đâu, tất cả đều là vấn đề của phiền não, khổ đau. Nếu bạn có một đô- la, bạn có cái khổ của một đô la. Nếu bạn có 100.000 đô-la, bạn có 100.000 đô-la đau khổ - bởi vì các vấn đề về tiền bạc rất nặng nề và áp lực. Còn các vấn đề của Pháp, thì nhẹ nhàng, không cần phải buộc chúng lại, mang theo bên mình: không có gì ngoài việc rũ bỏ, gạt sang một bên và buông.
§ Những thứ ta yêu thích nhất là kẻ thù lớn của chúng ta. Thứ ta yêu ít hơn, là kẻ thù nhỏ của chúng ta. Còn những thứ ta không yêu thích chút nào chỉ đơn giản là trung tính.
§ Những vấn đề của thế gian, có tốt lắm thì cũng là tốt nhưng không thật, hoặc thật nhưng không tốt. Những suy nghĩ, lời nói và hành động của người khác là những điều không đúng sự thật. Đó là những vấn đề của thế gian. Trong khi Pháp thực sự đúng, thực sự tốt và thực sự lợi ích. Đó là vấn đề của trái tim, một cái gì đó rất sâu sắc. Vì vậy, chúng ta nên biết rằng các vấn đề của thế gian không thực trong cái tốt hay tốt trong cái thực, chúng ta không nên bám vào chúng. Ta phải gạt chúng sang một bên. Nếu người khác nói chúng ta tốt hay xấu, không có sự thật nào trong lời nói của họ - bởi vì "tốt" chỉ đúng trong miệng lưỡi của người nói, và "xấu" cũng thế. Vì thế, đừng bám vào bất cứ điều gì họ nói. Thay vào đó, hãy tập trung vào những điều tốt và xấu thực sự nằm trong bạn.
§ Đừng bám vào những lời nói bên ngoài. Nếu người ta nói bạn tốt hay xấu, hoặc nếu họ nguyền rủa bạn, hãy để họ giữ những điều đó cho riêng họ. Nếu gặp chó sủa giữa đường, hãy đá nó sang một bên.
§ Chó sủa không cắn. Chó cắn không sủa, vì vậy hãy cẩn thận.
§ Tai thường lắng nghe chuyện đôi mách, là tai của gã ném bóng, không phải tai của người bình thường.
§ Đừng tin tất cả những gì bạn nghe. Nếu họ bảo bạn là con chó, hãy kiểm tra xem mình có đuôi không. Nếu không có, thì họ đã nói sai.
§ Lời khéo nói làm chủ thế gian, nhưng sư không chấp nhận điều đó. Sư thà làm chủ sự thật trong tâm. Còn lời nói, chúng là những thứ ta khạc nhổ ra, không phải thứ ta nắm giữ. Chúng không phải là chân lý. Chân lý nằm trong lòng bạn. Vì vậy, dù lời nói của bạn có khéo hay không, làm hài lòng người nghe hay không, hãy chắc rằng ít nhất là tâm ta tốt.
§ Dễ dãi và tự tại là hai điều khác nhau. Dễ dãi có nghĩa là bạn chậm rãi, dễ duôi đến độ không thể hoàn thành công việc phải làm. Bạn làm hỏng công việc và lãng phí thời gian của mình. Tự tại là có một sự thoải mái tinh tế và tươi mát trong tâm, mà không có sự căng thẳng hoặc bấn loạn nào trộn lẫn bên trong. Những người có thể tự tại theo cách này là những người mà thế giới thực sự cần - và Pháp còn cần họ nhiều hơn nữa, bởi vì sự tươi mát giống như thuốc có thể xua đuổi cơn sốt và làm dịu sự đau rát.
§ "Người phụ trách công việc" có nghĩa là người đó sử dụng chánh niệm và trí tuệ để hoàn thành công việc. Trái lại, "Công việc phụ trách con người" có nghĩa là ta thiếu sự tập trung, trí tuệ, vào giường rồi vẫn còn nghĩ đến công việc. Cuối cùng, khi "Công việc phụ trách công việc" có nghĩa là mọi thứ đều nằm ngoài tầm kiểm soát.
§ Phương châm của sư là, "Hãy tự mình tốt nhất có thể, thì mọi thứ khác sẽ phải trở nên tốt đẹp trong sự ý thức của ta." Nếu bạn không từ bỏ nội tâm tốt đẹp chỉ vì lợi ích của cái tốt bên ngoài, mọi thứ sẽ phải diễn ra một cách tốt đẹp.
§ "Đừng đốn cây đã cho bạn bóng râm." Trái lại, hãy phân bón và chăm sóc cây để nó phát triển. Đừng quên những người đã giúp đỡ bạn. Hãy làm điều tốt để trả ơn họ. Nếu bạn không thể làm điều đó bằng lời nói hoặc hành động, thì ít nhất hãy làm điều đó trong tâm bạn.
§ Nếu một người có thể giết chết lòng tốt của chính mình, thì cũng không có gì ngăn cản họ giết người khác.
§ Nếu điều bạn sắp nói không hay, hoặc không đúng, hãy giữ im lặng. Ngay cả khi nó hay và đúng nhưng không phục vụ mục đích gì, nó vẫn là điều tai hại.
§ Kẻ ngu có thể ngồi trong mỏ vàng mà không biết phải làm gì với nó. Người trí có thể lấy cát đất, cỏ cây và biến chúng thành bạc vàng.
§ Ngay khi được thừa kế một khoản tài sản khổng lồ, kẻ thiếu trí vẫn không thể ngăn mình tạo ra nhiều nghiệp xấu với tài sản đó. Trái lại, người trí dù chẳng có gì nhiều, vẫn có thể sử dụng tài sản ít ỏi đó để thiết lập cuộc sống cho mình.
§ Phần đông chúng ta biết quá nhiều đến nỗi kiến thức của chúng ta hầu như không giới hạn. Kiến thức vô giới hạn đó giống như ngọn lửa rừng thiêu rụi mọi thứ trong tầm nhìn. Nói cách khác, ta thông minh đến mức vượt qua chính mình. Ta biết điều gì là đúng và sai nhưng không thể ngăn mình làm những điều sai trái. Loại kiến thức này không phục vụ cho mục đích gì, mà chỉ có thể đem lại tai hại cho chúng ta. Đó là lý do tại sao nó giống như một đám cháy rừng vượt khỏi tầm kiểm soát, phá hủy vườn tược, ruộng đồng của mọi người. Những người như thế thực là một thảm họa. Họ biết tất cả mọi thứ trên thế gian ngoại trừ bản thân. Kiến thức không giới hạn có thể gây ra hai loại tổn hại: Bản thân người biết bị tổn hại, mà người khác cũng bị tổn hại.
§ Những kẻ vô minh dày đặc xem sự hỗn loạn là điều thú vị, giống như con cá nghĩ sóng trong đại dương là nơi để vui đùa.
§ Tham ái có nghĩa là bị ràng buộc, gắn bó với mọi thứ: những thứ của mình hoặc của người. Khi ta bị ràng buộc, thì giống như bị hút vào dòng điện cho đến khi chết. Bản chất của mọi thứ trên thế gian này là nó quay vòng trong từng khoảnh khắc, giống như một máy phát điện. Nếu chạm vào dây điện mà không có bất kỳ vật liệu cách nhiệt nào, dòng điện sẽ hút chặt chúng ta cho đến chết. Chúng ta thấy dòng điện là một cái gì đó đẹp đẽ, tươi sáng, vì vậy ta muốn chạm vào nó – nhưng nó sẽ làm ta bị điện giật. Cũng thế, nếu chúng ta bám vào mọi thứ, lòng tham muốn sẽ khiến ta bị mắc kẹt vào đó.
§ Đừng để ô nhiễm bên trong tiếp xúc với ô nhiễm bên ngoài. Nếu chúng ta có ô nhiễm mà người khác cũng có ô nhiễm, kết quả sẽ đưa đến rắc rối. Thí dụ, nếu ta tức giận mà người khác cũng đang tức giận, hoặc ta tham lam khi người cũng tham lam, hoặc khi ta đang ảo tưởng mà người cũng ảo tưởng, điều đó sẽ là đại họa cho tất cả mọi người.
§ Con người không bình đẳng, nhưng ta phải khiến trái tim mình bình đẳng đối với tất cả mọi người.
§ Nếu bạn nhìn thấy mặt xấu của người khác, hãy quay mắt nhìn lại cho đến khi bạn cũng có thể nhìn thấy mặt tốt của họ.
§ Một người có phạm sai lầm vẫn tốt hơn một người không làm gì cả, vì sai lầm có thể được sửa chữa. Nhưng nếu bạn không hành động, làm thế nào bạn biết cách sửa chữa bản thân? - vì bạn không biết bạn có sai lầm hay không. Thực ra, việc bạn không hành động chính là một sai lầm.
§ Bạn càng quan tâm đến các vấn đề của thế gian, chúng càng phân nhánh. Bạn càng quan tâm các vấn đề của Pháp, chúng càng thu hẹp và hội tụ.
Diệu Liên Lý Thu Linh 6.2022
Chuyển ngữ từ The Affairs of the World, trong sách SKILL OF RELEASE, do Tỳ kheo Ṭhānissaro Bhikkhu (Geoffrey DeGraff) biên tập và chuyển dịch sang tiếng Anh)-1995.