5. Con đường Bồ tát

10/04/20163:33 SA(Xem: 9055)
5. Con đường Bồ tát

CÕI PHẬT ĐÂU XA 
THẤP THOÁNG LỜI KINH DUY MA CẬT 
(Viết về kinh Duy Ma Cật
Nhà xuất bản Văn Học 2016 
Đỗ Hồng Ngọc

5. Con đường Bồ tát

 

Làm sao “ở nơi sinh tử mà chẳng làm việc ô trược, ở nơi Niết-bàn mà chẳng diệt độ mãi mãi », làm sao mặc áo giấy đi với ma, mà vẫn « thị hiện hàng phục chúng ma » ?  Làm sao hành tánh Không mà vẫn trồng các cội công đức ? hành Vô tướng mà vẫn độ chúng sanh ? có tam minh lục thông mà… lậu hoặc vẫn còn ? làm sao đại bi mà không ái kiến ? Con đường Bồ-tát quả là không dễ chút nào!

Nhắc lại hôm đó Bảo Tích, một thanh niên con nhà trưởng giả, cùng năm trăm bạn bè ngựa xe rầm rập đến Vườn Xoài để bái kiến Phật, xin Phật chỉ dạy các “hạnh tịnh độ”. Họ đều đã phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề nhưng chưa thể “xuất gia”, sống nếp sống đầu tròn áo vuông, ngồi yên dưới cội cây già và đi lang thang khất thực… Cùng tham dự buổi hôm đó còn có bậc Bồ-tát, A-la-hán và hằng vạn thính chúng lắng nghe lời Phật thuyết giảng.

Phật dạy: “Lành thay, Bảo Tích! Ông đã vì chư Bồ-tát hỏi Như Lai về hạnh tịnh độ. Hãy lắng nghe, lắng nghe! Hãy suy nghĩ cho kỹ. Ta sẽ vì ông mà giảng thuyết” (…)

Sau khi các vị đại đệ tử Phật từ chối không đi thăm bệnh cho Duy-ma-cật, nêu lý do này lý do khác, thực chất là tự phán về chính mình, những suy tư dằn vặt bấy lâu, nay mới có dịp bộc lộ, Phật quay sang Văn Thù nói “Bây giờ tới lúc ông phải đi rồi đó. Ông đến thăm bệnh cho Duy-ma-cật đi, nhớ nói Như Lai gởi lời ân cần thăm hỏi”.

Văn Thù đánh giá rất cao Duy-ma-cật: “ Ông ấy thấu suốt sâu xa thật tướng; thuyết diễn rành mạch yếu lý của pháp; biện tài; trí huệ không ngăn ngại; biết hết pháp thức của Bồ Tát; đắc nhập tạng bí mật của chư Phật; hàng phục chúng ma; du hý thần thông. Huệ và phương tiện  đều đến mức vẹn toàn”.

 

Nghe vậy, tất cả đều náo nức muốn được tham dự buổi tranh luận chắc chắn sôi nổi, hiển bày “diệu pháp” của hai vị thương thủ, bèn rùng rùng xin theo. Phật im lặng. Mỉm cười.

Duy-ma-cật biết Văn Thù sắp tới bèn chuẩn bị đón tiếp. Dọn sạch nhà cửa làm cho trống trơ trống hoắc, cho gia nhân đi chỗ khác chơi, chỉ còn để một chiếc giường ọp ẹp, nằm rên hừ hừ.

Trông thấy Văn Thù, Duy-ma-cật ôm ngực húng hắng ho vài tiếng rồi chào:

« Lành thay, Văn-Thù mới đến! Tướng chẳng đến mà đến. Tướng chẳng thấy mà thấy.”…

Văn Thù nhẹ nhàng đáp lại: “Như vậy đó, cư sĩ. Đến, chẳng từ đâu đến. Đi, chẳng có chỗ nào tới… »Rõ ràng Duy-ma-cật tung chiêu « vô tướng công» và Văn Thù đã đáp lại bằng « Như Lai thần chưởng ». Hai vị thượng thủ xuất chiêu chưởng phong ào ào khiến nhiều người không khỏi choáng váng.

Văn Thù bèn bảo : “Nhưng thôi, hãy tạm gác lại việc đó».

“Bệnh của cư sĩ đây, do nhân nào mà phát khởi? Bệnh sinh ra lâu chưa? Nên dứt trừ bằng cách nào? Thế Tôn gởi lời ân cần thăm hỏi ông đó”. Văn Thù nói.

Do vô minhhữu ái mà bệnh tôi sinh ra. Vì tất cả chúng sinh bệnh, cho nên tôi bệnh. Bồ Tátchúng sinh, nên vào chốn sinh tử. Có sinh tử, ắt có bệnh. Nếu chúng sinh được lìa khỏi bệnh, ắt Bồ Tát sẽ không còn bệnh ». Duy-ma-cật đáp lại.

Rõ ràng Duy-ma-cật nói câu này không nói về mình mà nhằm tới các vị Bồ-tát xuất gia và Bồ-tát tại gia « tương lai » đang có mặt lúc đó: « Bồ-tát vì chúng sinh, nên vào chốn sinh tử. Có sinh tử, ắt có bệnh » để thấy con đường chông gai trước mắt.

Sao gọi là vô minh ? Sao gọi là hữu ái ? Duyên sinh khởi đi từ vô minh. Vô thường mà tưởng là thường, khổ mà tưởng là lạc, vô ngã mà tưởng là ngã, thực tướng vô tướng mà không biết, cứ bám chặt lấy cái giả tướng hữu tướng kia… Nhưng gốc thì vô minh mà bệnh chứng thì khởi phát tại « hữu ái ». Sinh sự là ở hữu ái. Hữu ái là cái trục chính của con đường bệnh sinh vậy.

Bệnh cư sĩ đã lâu chưa ư? Vô minhhữu ái của chúng sanh đã có từ lúc nào thì bệnh tôi cũng lâu chừng ấy, còn phải hỏi!

Cách nào dứt trừ ư ? Dễ thôi. Ba căn bệnh tham sân si đã có giới, định, huệ là những thuốc đặc trị, dùng đơn thuần hay phối hợp tùy bệnh trạng. Bệnh khỏi chưa đủ mà phải làm sao cho bệnh đừng tái phát. Giải thoát chưa đủ mà còn phải giải thoát tri kiến. Phải  từ, bi, hỷ, xả để giúp mình và giúp người.  Không dừng lại ở chữa bệnh chứng mà phải dứt bệnh căn, nâng cao chất lượng cuộc sống, nghĩa là phải : thực hành lục độ ba-la-mật, thực hành thiền chỉ thiền quán, ba mươi bảy phẩm trợ đạo…  tùy căn cơ tùy bệnh trạng mà gia giảm liều lượng…

Vấn đề do vậy, phòng bệnh là chính. « Nếu chúng sinh được lìa khỏi bệnh, ắt Bồ Tát sẽ không còn bệnh ». Làm sao cho chúng sinh đừng bệnh ? Chỉ cần chấm dứt vô minhhữu ái trên con đường duyên sinh chập chùng duyên khởi đó.

Sanh bệnh lão tử. Tất yếu nó vậy. Đường dây kịch bản sẵn rồi. Bệnh không thể không có. Chết không thể không có.  Do không biết, do vô minh mà tự mình làm khổ mình thôi. « Đời tôi ngốc dại/ tự làm khô héo tôi đây… » (Trịnh Công Sơn). Hữu ái là cái trục chính của đường dây. Có ái mới có thủ. Có thủ mới sinh hữu. Sinh sự mới sự sinh !

Bệnh của Bồ tát xuất phát từ tâm Đại bi. Nếu khôngđại bi thì Bồ tát, một khi đã giác ngộ, nhập Niết-bàn cho xong ! Nhưng bởi lòng Đại Bi mà nấn ná ở lại. Đại Bi thì tốt rồi, nhưng đại bi phải không « ái kiến » nghĩa là phải bình đẳng. Đại bi mà còn « ái kiến », còn thấy thương người này ghét người kia, thương người này nhiều người kia ít thì chưa thực sự là đại bi bởi còn chưa thực sự bình đẳng.

Phật nói : « Không có giai cấp trong giọt máu cùng đỏ, trong nước mắt cùng mặn. Mỗi người sanh ra đều có Phật tánh và đều có thể thành Phật ». Phật cũng nói : « Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành». Không có chuyện độc tôn ở đây. Phật không giấu giếm điều chi, sẵn sàng « khai thị chúng sanh ngộ nhập Tri kiến Phật », để thành Phật. Bồ-tát đạo chính là con đường để thành Phật, đầy gian nan nhưng có thể.

Bình đẳng cho nên Phật không chỉ độ cho Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, A Nan… mà còn  độ cho cả Ưu Ba Ly, một người làm nghề gánh phân !

« Như bệnh của ta đây, chẳng phải thật, chẳng phải có. Bệnh của chúng sinh cũng chẳng phải thật, chẳng phải có.’ Do đó mà không khởi đại bi ái kiến đối với chúng sinh, vì đã « đoạn trừ xong phiền não khách trần ».  Còn lòng bi của ái kiến thì đối với cuộc sinh tử ắt có tâm mỏi mệt chán ngán. Nếu lìa được lòng bi ái kiến ấy, ắt không còn mỏi mệt chán ngán. Người làm tham vấn (counseller), người bác sĩ tâm lý mà không đủ năng lực, thiếu kinh nghiệm dễ để mình bị lôi cuốn, dính mắc vào các tình huống của thân chủ (clients), sẽ bị ám ảnh mà sinh mệt mỏi, chán nản, stress, thậm chí dẫn tới trầm cảm. « Vậy nên Bồ-tát không nên khởi ra việc tự trói buộc ».

Văn Thù hỏi: “Nhà của cư sĩ vì sao trống không, không có cả người hầu?”

Đáp “Tất cả quốc độ của chư Phật cũng đều Không.

Bởi vì quốc độ của chư Phật sống trong bản thể, trong thực tướng vô tướng. « Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng ». Cái gì có tướng thì chỉ là giả tướng, chỉ là hư vọng, ảo hóa đó thôi. Cho nên quốc độ của chư Phật là Không.

Lại hỏi: “Vì gì mà Không?

Đáp: “Vì Không mà Không.”

Không bất dị Sắc. Không tức thị Sắc. Dừng lại ở chân không mà chưa thấy cái diệu hữu thì thật đáng tiếc. Khi thấy diệu hữu trong chân không thì đó mới là hạnh phúc, vì không còn bám chấp.

Lại hỏi: « Không sao lại dùng Không?

Đáp: “Vì không phân biệt cái Không cho nên Không.

Lại hỏi: “Không mà có thể phân biệt được ư?”

Đáp rằng: “Phân biệt cũng là Không.”

Làm sao phân biệt được cái Không? Dù thiên hình vạn tượng bày biện ra đó, nhưng thực tướngvô tướng, là không, là duyên sinh, vô ngã, làm sao phân biệt được? Từ đó mà có sự bình đẳng, thấy sự bình đẳng. « Con sông là thuyền mây xa là buồm, từng giọt sương thu hết mênh mông » (TCS)…

“Thị chư pháp không tướng: bất sanh bất diệt bất cấu bất tịnh bất tăng bất giảm“. Thấy được không tướng thì còn phân biệt chỗ nào mà không bình đẳng cơ chứ? Dĩ nhiên Không tướng chớ không phải không có tướng. Bồ tát thì thấy cả hai, cả chân không lẫn diệu hữu: Cho nên Bồ-tát hành tánh Không mà vẫn trồng các cội công đức; hành Vô tướng mà vẫn độ chúng sanh; hành Vô tác mà tự hiện thọ thân,  hành Vô khởi mà khởi tất cả thiện hạnh…

Lại hỏi: “Không, nên tìm ở đâu?

Đáp: “Nên ở trong sáu mươi hai kiến chấp mà tìm.”

Lại hỏi: “Sáu mươi hai kiến chấp nên tìm ở đâu?”

Đáp rằng: “Nên ở trong các phép giải thoát của chư Phật mà tìm.”

Sáu mươi hai kiến chấp, có khi còn gọi là tà kiến, là những kiến giải, triết thuyết nọ kia ở thời Phật. Bây giờ thế giới phẳng, toàn cầu hóa, kiến giải còn nhiều vô số vô lượng vô biên. Thế nhưng phép giải thoát của chư Phật thì như “độc cô cửu kiếm”, vô chiêu thắng hữu chiêu. Không mới thắng được hữu. Vì diệu hữu nằm trong chân không, và “chân không” thì tìm thấy trong “diệu hữu”.

Lại hỏi: “Phép Giải thoát của chư Phật nên tìm ở đâu?”

Đáp rằng: “Nên ở trong tâm hạnh của tất cả chúng sanh mà tìm.”

Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ. Chúng sanh vô biên vì tâm vô biên. “Nhất thiết duy tâm tạo“. Thiên đàng cũng tâm mà địa ngục cũng tâm. Atula, ngạ quỷ, súc sanh, sáu nẻo luân hồi thênh thang rộng mở cũng do tâm. Phải “diệt độ“ tất cả chúng sanh, bất cứ loại nào, cho vào vô dư Niết bàn sạch trơn nhưng… chẳng có chúng sanh nào được diệt độ cả thì mới thoát! (Kim Cang). Vô lượng vô số vô biên chúng sanh cũng do tâm tạo ra, thì một khi “tâm bất sinh” thì chúng sanh hết cựa quậy! Chúng sanh mà “thành tựu“ được rồi, nghĩa là dẹp yên được rồi thì cõi Phật thanh tịnh hiện ra tức khắc vậy.

 

Duy-ma-cật tiếp: « Ngài lại hỏi vì sao tôi không có kẻ thị giả (giúp việc)? Tất cả chúng ma và các thầy ngoại đạothị giả của tôi. Vì sao thế? Chúng ma ưa thích sanh tử, mà Bồ tát thì không bỏ sanh tử; các thầy ngoại đạo ưa thích kiến chấp, mà Bồ-tát thì chẳng lay động nơi các kiến chấp.”.

Bồ-tát tự nguyện dấn thân vào đời thì cũng phải như tất cả chúng sanh thôi, nghĩa là cũng phải sống chung với ma, với các tà kiến ngoại đạo thôi. Họ phải biết “mặc áo giấy” khi cần, nhưng sẵn sàng “thị hiện để hàng phục chúng ma”. Họ cũng phải lăn lộn với các tà kiến, không xa lạ với các tà kiến đó, trái lại nhờ đó mà học được nhiều chiêu thức khác nhau để có thể dùng vô chiêu mà thắng!

Phật thì xa chứ ma thì gần. Cho nên bảo ma là thị giả, là kẻ giúp việc, gần gũi ta nhất. Ma đủ thứ, thiên ma, tử ma, ngũ ấm ma… quậy phá xà quần nên nói là ưa « sanh tử ». « Vô sanh » thì hết ma. Nhưng Bồ-tát đâu có chịu vô sanh. Bồ-tát do thệ nguyện mà nhảy qua nhảy lại hai bờ. Còn ngoại đạo thì đúng là thầy của Bồ-tát. Họ có thể đưa ra đủ thứ kiến giải, cãi nhau chí chóe, nhưng đâu có nhảy qua khỏi bàn tay Như Lai ? « Nhất thiết pháp giai thị Phật pháp ». Cái gì cũng sinh trụ dị diệt, cũng vô thường, vô ngã, cũng duyên sinh, thực tướng vô tướng đó thôi.

Lại Hỏi: “Bệnh của cư sĩ, đó là những tướng gì?
Đáp: “Bệnh của tôi không có hình tướng, không thể thấy.”

Bệnh của chúng sanh thì có… hình tướng: nào vàng da, bụng ỏng, khò khè, viêm chỗ nọ, ung chỗ kia… phải cần đến thầy đến thuốc chớ Bồ-tát đã sống trong thực tướng vô tướng lẽ nào còn thấy tướng linh tinh?
Lại hỏi: “Bệnh ấy hiệp với thân hay hiệp với tâm?”
Đáp: “Chẳng phải thân hiệp, vì tướng của thân là lìa. Chẳng phải tâm hiệp, vì tâm như ảo hóa.
Lại hỏi: “Trong bốn đại: đất, nước, lửa, gió, cái nào là bệnh?
Đáp: “Bệnh này chẳng phải đất, cũng chẳng lìa đất. Đối với các đại như: nước, lửa, gió, lại cũng như vậy. Nhưng bệnh của chúng sinh là nương theo bốn đại mà khởi. Bởi họ có bệnh, cho nên tôi bệnh.”

Chúng sanh vì chưa thấy biết như Bồ tát nên tứ đại rối loạn, bất an thì sinh bệnh thân, bệnh tâm, còn Bồ tát thì “bệnh” là vì đại bi mà bệnh.

 Dứt được những nỗi khổ của già, bệnh, chết, đó là Bồ-đề của Bồ Tát. Nếu chẳng được như vậy, sự tu tập của mình không có lợi ích về trí huệ. Tỷ như mình thắng được kẻ oán thù, mới đáng gọi là dũng. Cũng như thế, nếu mình trừ được cả già, bệnh, chết, mới xứng đáng là Bồ Tát”.

Bồ-tát mà còn có tướng ta, tướng người, tướng chung sanh, tướng thọ giả thì chẳng phải là Bồ-tát (Kim Cang). Cho nên Bồ tát phải hành thâm Bát Nhã, phải “chiếu kiến ngũ uẩn giai không“, phải thấy chư pháp không tướng bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Nếu không vậy thì Bồ-tát chẳng khác gì chúng sanh!

Tuy vậy, một trong những cái “bệnh“ đáng ngại nhất của Bồ-tát là bệnh “chấp không”. Một thứ hư vô chủ nghĩa. “Khi mình chưa có đủ Phật pháp, cũng chẳng dứt bỏ các cảm thọ…“.. Nhờ đó mà thấu cảm, nhờ đó mà thực hành đại bi. “Ví như cái thân có khổ, nên nghĩ đến những cảnh ác lụy của chúng sinh, khởi lòng đại bi. Đã điều phục cái ta rồi, cũng nên điều phục tất cả chúng sinh“.

 

Bồ Tát nên an ủi Bồ Tát có bệnh như thế nào?

Hỏi: “Bồ Tát nên an ủi Bồ Tát có bệnh như thế nào?
Đáp: “Nên nói thân là vô thường, chẳng nói chán lìa cái thân. Nói thân có khổ, chẳng nói ưa thích Niết-bàn. Nói thân là vô ngã, nhưng khuyên dạy dìu dắt chúng sinh. Nói thân là không tịch, chẳng nói tất cánh tịch diệt. Nhân bệnh mình, thương xót bệnh người. Nên nhớ các khổ não từ vô số kiếp của mình. Nên tưởng việc làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. Nhớ chỗ tu phước của mình. Tưởng tới đời sống trong sạch. Đừng sinh lo buồn. Thường khởi tinh tấn. Nên làm vị vua thầy thuốc, liệu trị các bệnh. Bồ Tát nên an ủi Bồ Tát có bệnh như những cách ấy.”

Bồ-tát có bệnh đương nhiên đã hiểu lẽ vô thường, khổ, vô ngã, duyên sinh, nghiệp báo… Nhưng Bồ-tát sơ cơ, mới phát tâm, dễ hoang mang, khi bệnh khổ thì muốn lìa cái thân cho rồi, muốn nhập Niết bàn cho xong, thấy biết vô ngã, không ta không người thì còn dìu dắt chúng sinh làm chi… Thế thì Bồ-tát “đàn anh” phải “Nên nói thân là vô thường, nhưng không chán lìa thân. Nói thân có khổ, chẳng nói nên nhập Niết-bàn…“  Chẳng những thế lấy bệnh mình mà hiểu bệnh người, ra tay giúp đỡ người bệnh như bậc y vương, không chỉ chữa cái đau mà còn chữa cái khổ, vậy mới là Bồ-tát.

Bồ Tát có bệnh làm cách nào để điều phục tâm mình ?

Lại hỏi: “Cư sĩ! Bồ Tát có bệnh làm cách nào để điều phục tâm mình?
Đáp: “Bồ Tát có bệnh nên nghĩ như thế này: Bệnh này của ta hôm nay là do các phiền não vọng tưởng điên đảo đời trước mà sinh ra. Không có pháp thật thì ai là người thọ bệnh. Tại sao vậy? Do bốn đại hiệp lại, tạm gọi là thân. Bốn đại không có chủ, thân cũng không có ta“.

Bệnh này phát khởi là do sự chấp trước cái ta. Trừ bỏ cái tư tưởng có ta và tư tưởngchúng sinh. Chỉ vì các pháp khởi, nên thân khởi, chỉ vì các pháp diệt, nên thân diệt. Lại nữa, các pháp ấy đều chẳng biết nhau. Khi khởi, chẳng nói rằng ta khởi. Khi diệt, chẳng nói rằng ta diệt“. Chẳng phải là ta. Chẳng phải của ta. Nó ở ngoài ta. Nó bày trò thôi. Ta chả có chút uy quyền nào với nó cả. Nó khơi khơi vậy. Chẳng buồn chẳng lo, chẳng ăn năn chẳng hối cải vì làm khổ ta. Nó lạnh lùng băng giá. Nhưng nghĩ như vậy thì cũng chỉ mới thấy “nhân vô ngã“, còn phải thấy pháp cũng không, cũng duyên sinh, nên cũng vô ngã nữa. Nhân vô ngã, pháp vô ngã như hai cánh chim lượn bay trên không trung.  Qua sông bỏ bè, vác theo làm chi! “Vị Bồ Tát nào bệnh, muốn diệt cái tư tưởng có các pháp, nên nghĩ như thế này: Cái tư tưởng có các pháp này cũng là tư tưởng điên đảo. Nếu điên đảo, tức là hại lớn, ta nên lìa nó”.

“Thế nào là lìa? Ấy là lìa cái ta và cái của ta“. Nghĩ “là Ta“ thì Sân sẽ nổi lên. Nghĩ “là của ta“ thì Tham sẽ nổi lên. Tham, Sân dẫn ta vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh tức khắc. Sân thì bầm gan tím ruột, đỏ mặt tía tai, đấu đá tranh giành không ngớt. “Thế nào là lìa cái ta và vật của ta? Ấy là lìa hai pháp. Thế nào là lìa hai pháp? Ấy là chẳng nghĩ nhớ những pháp trong và những pháp ngoài, thi hành lẽ bình đẳng ».

« Khi mình được lẽ bình đẳng này rồi, chẳng còn bệnh nào khác nữa ».

Lại nữa, nên quán cái thân: thân chẳng lìa bệnh, bệnh chẳng lìa thân. Bệnh này, thân này chẳng phải mới, chẳng phải cũ. Đó gọi là trí huệ. Ví dầu cái thân có bệnh, nhưng nó chẳng diệt độ mãi mãi ». Sanh bệnh lão tử. Đã có thân thì phải có bệnh, có lão, có tử thôi. Đã lập trình vậy rồi mà. Ngay trong bào thai đã có bệnh rồi cơ mà !

Văn-thù! Bồ Tát có bệnh, nên điều phục tâm mình như thế này: chẳng trụ nơi chỗ điều phục tâm, cũng chẳng trụ nơi chỗ không điều phục tâm. Lìa khỏi hai pháp ấy, đó là hạnh Bồ Tát ». Ấy là Trung đạo. Không điều phục tâm thì là kẻ ngu phu ; chăm bẩm lo điều phục tâm, chẳng biết sử dụng bệnh như một phương tiện thiện xảo để gần gũi giúp đỡ chúng sanh, dễ suy sụp, mệt mỏi, chán nản. « Tham trước mùi vị thiền định, đó là sự trói buộc của Bồ Tát».

Lại nữa, nên quán cái thân là vô thường, khổ, không, vô ngã. Đó gọi là trí huệ. Tuy cái thân có bệnh, nhưng nó thường ở chốn sinh tử, làm lợi ích tất cả chúng sinh, mà chẳng mỏi mệt chán ngán ». Cho nên Bồ-tát có bệnh, đừng buồn. Đã vào chốn « sinh tử » thì dùng bệnh làm phương tiện vậy!

Gốc bệnh vì có phan duyên.

Sao gọi là gốc bệnh? vì có phan duyên. Dính mắc. Dắt dây. Di căn. « Phan duyên với những cảnh nào? Ấy là ba cõi: Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới. Làm sao dứt trừ phan duyên? Nên dùng lẽ Vô sở trụ, vô sở đắc. Nếu không có chỗ chứng đắc, ắt không có phan duyên ».

« Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh hương vị xúc pháp sanh tâm. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm » (Kim Cang). Không có chỗ trụ lấy đâu mà phan duyên ? Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền » (Trần Nhân Tông)

Phương tiện phải đi đôi với trí huệ

Bồ-tát muốn giúp chúng sinh không thể không có “phương tiện”. Giống như thầy thuốc muốn chữa bệnh cho bệnh nhân cũng cần có phương tiện để chẩn đoánđiều trị. Thế nhưng, thầy thuốc cũng dễ lạm dụng kỹ thuật cao, lạm dụng thuốc men và hù dọa bệnh nhân. Thầy thuốc giỏi không lệ thuộc nhiều về phương tiện, biết sử dụng phương tiện đúng lúc đúng chỗ, giúp bệnh nhân mau lành bệnh và tìm thấy chất lượng cuộc sống cao hơn, tốt hơn. Điều quan trọng là kiến thứckinh nghiệm để chẩn đoán đúng bệnh, cho đúng thuốc. Khi cần dùng phương tiện hỗ trợ thì biết nên dùng đến đâu, vì người bệnh là chính (patient-centered approach). Bệnh nhân có thể đòi hỏi này khác, nhưng thầy thuốc giỏi thì không chiều ý bệnh nhân. Primum non nocere !

Chúng sinh nào thì Bồ tát đó, Bồ tát nào thì chúng sinh đó, nên cần có “sức phương tiện”, tùy căn cơ của chúng sinh mà Bồ-tát sử dụng phương tiện phù hợp, thiện xảo. Cho nên phương tiện rất quan trọng đối với Bồ-tát, nhưng phương tiện phải đi đôi với trí huệ. Phương tiện mà thiếu trí huệ thì lợi bất cập hại. Như thầy thuốc không có đủ kiến thức, kinh nghiệm, không chẩn đoán ra bệnh mà cứ bày vẻ, dùng phương tiện cầu kỳ, tốn kém,  để… hù người bệnh vậy!

Văn Thù khen Duy-ma-cật “Huệ và phương tiện của ông ấy đều đến mức vẹn toàn” là ý đó. Huệ phải đi kèm phương tiệnphương tiện luôn cần có huệ. Bày những trò mê tín dị đoan rồi gán cho là  “phương tiện” thì không nên. Phật dạy Bảo Tích “ Tùy sức phương tiện mà giúp cho chúng sinh được thành tựu”. Chiêu thức phong phú đến mấy mà nội lực không có thì cũng như không. Một khi nội lực sung mãn, có càn khôn đại nã di tâm pháp, có cửu dương thần công thì một huơ tay múa chân cũng là một chiêu thức tuyệt luân, mặc sức « tùy duyên hóa độ» vậy !

Cho nên “huệ phương tiện”, “phương tiện huệ” là phần chỉ bày khá kỹ của hai thượng thủ trong buổi giảng thuyết hôm đó.

Vậy, thế nào mới là một Bồ tát ?

“Bồ-tát ở tại sinh tử mà chẳng làm việc ô trược, trụ nơi Niết-bàn mà chẳng diệt độ mãi. Chẳng phải hạnh phàm phu, mà cũng chẳng phải hạnh hiền thánh ! Chẳng cấu uế, chẳng thanh tịnh ».

“Bồ tát tuy vượt khỏi hạnh của ma, mà vẫn thị hiện hàng phục chúng ma. Tuy quán mười hai duyên khởi, nhưng cũng vào các tà kiến! Tuy nhiếp phục tất cả chúng sinh mà chẳng luyến ái chấp trước. Tuy ưa mến cuộc xa lìa, nhưng chẳng nương theo lẽ thân tâm dứt hết »…!
Tóm lại, bài học đã được truyền trao cho các « Bồ tát tại gia » tương lai. Con đường Bồ-tát không dễ. Phải có nội lực (trí huệ). Phải có chiêu thức (phương tiện). Biết dùng «sức phương tiện». Đại bi mà không bị che mờ bởi « ái kiến ». Vô sở trụ. Vô sở đắc…

Phải thấy biết Như Lai. Sống trong  thực tướng vô tướng mà vẫn thấy diệu hữu giữa chân không. Giữ lẽ bình đẳng, không phân biệt. Theo đúng lý mà thực hành nhưng không chấp pháp. Biết bệnh của chúng sanh với bệnh Bồ-tát không hai mà chẳng phải một. Biết « an ủi » một Bồ-tát « bệnh » thế nào để không bị thối chuyển, biết điều phục tâm mà không bám chấp…

Văn Thù và Duy-ma-cật đã sắm vai, tương tác, tung hứng một cách sinh động, nhằm cụ thể hóa những lời Phật dạy, làm hành trang vào đời cho các vị Bồ tát tại gia tương lai, Bảo Tích cùng năm trăm vị con nhà trưởng giả ở Tỳ-da-ly buổi mai hôm đó vậy./.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
21/03/2014(Xem: 24157)
30/05/2014(Xem: 21945)
02/12/2018(Xem: 14605)
26/08/2016(Xem: 12011)
26/08/2013(Xem: 41691)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.