LỜI BẠT

22/07/20163:13 SA(Xem: 8331)
LỜI BẠT

AN SĨ TOÀN THƯ 
 KHUYÊN NGƯỜI BỎ SỰ THAM DỤC 
Tác giả Chu An Sỹ | Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải 
Nhà xuất bản Tôn Giáo 2016
blank

  • Thuật ngữ Phật học trong sách này
  • Bài tụng Quán bất tịnh của Pháp sư Tỉnh Am
  • Bài tụng Tứ niệm xứ của Pháp sư Tỉnh Am


LỜI BẠT


Những sách khuyến thiện mà người đọc vừa xem qua đã cau mày khó chịu, ắt không thể lưu hành rộng rãi, truyền lại về sau; nhưng vừa mở sách ra đã khiến người ta tán thưởng ngay, ắt cũng không thể truyền lại về sau. Vì sao vậy? Một đàng vì quá thâm sâu uyên áo, một đàng lại quá thô thiển cạn cợt, đều khó được người xem chấp nhận lâu dài.

 Sách này của thầy tôi, tuy hướng đến sự răn ngừa dâm dục, nhưng lại hết sức chân thành muốn giúp người vượt thoát sinh tử, e rằng cũng là quá thâm sâu uyên áo. Tuy nhiên, hằng ngày vào những lúc thanh vắng yên tĩnh, nếu đem mối lo sinh tử ra mà tự vấn lòng mình, hẳn là ai ai trong chúng ta cũng không thoát khỏi. Với cái tâm niệm biết mình không thoát khỏi như thế mà mang sách này ra nghiền ngẫm lại, ắt sẽ thưởng thức được những điều thú vị, sau đó mới hiểu ra được chỗ học thức sâu rộng cùng với tâm từ bi chí thiết của người soạn sách. Đến lúc ấy thì những kẻ trước đây cau mày ắt cũng đều sẽ hân hoan tán thưởng. Cho nên, sách này hiện nay đang lưu hành hết sức rộng rãi, trong tương lai rồi cũng sẽ được khắc bản lưu truyền không dứt, đó là điều có thể đoán chắc được.

 Viết tại Ngu sơn
 Môn đệ là Trần Tuyên Thánh Lai thị
 Kính cẩn bái lạy ghi lại


Thuật ngữ Phật học trong sách này


a-bàng
: ngục tốt nơi địa ngục, dịch nghĩa là “vô từ” (không có lòng từ).

 
A-di-đà Phật
: đức Phật A-di-đà. Phạm ngữ “a” dịch nghĩa là “vô”, “di-đà” dịch nghĩa là “lượng”. Vì đức Phật này hào quang chiếu sáng qua vô lượng thế giới, thọ mạng kéo dài qua vô lượng kiếp, phúc đức cũng là vô lượng, nên xưng danh là Phật A-di-đà.

 
A-nan
: tên một vị đệ tử Phật, dịch nghĩa là “khánh hỉ”, cũng dịch là “hoan hỉ”. Ngài sinh vào ngày Phật thành đạo, nên đặt tên như vậy. Ngài A-nan là con vua Hộc Phạn, em họ của đức Phật.

 
An-đà
: tên một nước nằm gần Ấn Độ thời cổ.

 
a-tu-la
: tên một cõi trong sáu cõi luân hồi, dịch nghĩa là “vô đoan chính”, vì chúng sinh ở cõi này, nam nhân xấu xí, nữ nhân đoan chính xinh đẹp. Cũng gọi là “phi thiên”, vì chúng sinh cõi này có phúc nhưng không có đức giống như chư thiên. Cũng gọi là “vô tửu”, vì chúng sinh cõi này chưng cất rượu không được, khởi tâm sân hận thề không uống rượu.

 
A-xà-thế
: (Ajātaśatru) tên vị thái tử con vua Bình Sa (tức Tần-bà-sa-la), dịch nghĩa là “vị sinh oán”, nghĩa là mối oán cừu từ lúc chưa sinh ra.

 
Bắc Câu-lô châu
: cõi thế giới nằm về phía bắc núi Tu-di. Người dân ở châu này đều có tuổi thọ trung bình đến ngàn tuổi, trong lòng mong muốn có y phục hay thức ăn, đều tùy ý có được đầy đủ. Sau khi mạng chung ở cõi này đều được sinh về cõi trời.

 
bà-la-môn
: dịch nghĩa là “tịnh hạnh”, hạnh thanh tịnh, trong sạch, thường chỉ hàm ý là không làm việc dâm dục. Đây là một trong bốn giai cấp của Ấn Độ thời cổ. Xem chi tiết trong kinh Trường A-hàm, kinh Tứ tánh.

 
ba-la-xoa
: tên một loài hoa, cũng đọc là tất-lợi-xoa, dịch nghĩa là “vô ưu”.

 
bát bộ
: tám bộ chúng, bao gồm
: trời (thiên), rồng (long), dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lầu-la, khẩn-na-la và ma-hầu-la-già.

 
bát công đức thủy
: loại nước có đủ tám công đức, gồm: 1. Trừng tịnh: lắng gạn trong sạch; 2. Thanh lãnh: trong trẻo mát lạnh; 3. Cam mỹ: mùi vị ngon ngọt; 4. Khinh nhuyễn: nhẹ nhàng mềm mại; 5. Nhuận trạch: thấm nhuần tươi mát; 6. An hòa: yên ổn hòa nhã; 7. Trừ được đói khátvô số khổ não; 8. Trưởng dưỡng thân tứ đại, tăng trưởng các thiện căn.

 
bát khổ
: tám nỗi khổ trong cuộc đời mà hầu hết chúng sinh đều phải trải qua, gồm: sinh ra, già yếu, bệnh tật, cái chết, thương yêu phải chia lìa, oán ghét phải gặp nhau, mong cầu không đạt được, năm ấm không hài hòa.

 
bát nan
: tám hoàn cảnh khó tu tập theo Phật pháp. Một là địa ngục, hai là ngạ quỷ, ba là súc sinh, bốn là sinh nơi vùng biên địa, năm là sinh về cõi trời trường thọ, sáu là làm người không đủ các căn, bảy là sinh vào nhà tà kiến, tám là sinh vào thời không có Phật ra đời. Có nơi giải thích thay cõi trời trường thọ là châu Bắc Câu-lô, vì cõi này cũng sống đến cả ngàn năm, nhưng giải thích như vậy là sai lầm. Có thể xem trong kinh Đại Bát-nhã, kinh Giác lượng thọ mạng.

 
bát Nê-hoàn
: tức bát Niết-bàn. Xem ở mục bát Niết-bàn.

 
bát niệm
: tám điều niệm tưởng, tức là thường nhớ nghĩ đến, bao gồm: niệm Phật, niệm Chánh pháp, niệm Tăng-già, niệm giới luật, niệm buông xả, niệm chư thiên, niệm hơi thở ra vào, niệm cái chết.

 
bát quan trai
: tức tám giới, dành cho người tại gia, có thể thọ trì chỉ trong vòng một ngày đêm. Nếu muốn thọ trì nhiều ngày thì phải mỗi ngày đều thọ giới, xả giới. Người thọ giới rồi phải quyết tâm giữ trọn thời gian, không được phạm giới. Nếu có thể trì giới này hoàn toàn thanh tịnh, tuy chỉ trong một ngày đêm nhưng nhờ công đức ấy nhất định có thể tái sinh về cõi trời.

 
bát thập tùy hình hảo
: tám mươi vẻ đẹp, hay tám mươi tướng phụ. Xem chi tiết về các tướng này trong các kinh Hoa nghiêm, Đại Bát-nhã, Tam muội hải.

 
bát vương
: tám ngày phân tiết trong năm theo âm lịch, bao gồm: lập xuân, xuân phân, lập hạ, hạ chí, lập thu, thu phân, lập đôngđông chí.

 
Ba-tuần
: tên gọi của Ma vương, cũng đọc là Ba-ti-dạ, dịch nghĩa là “cấp ác”.

 
Bồ Tát
: danh xưng đầy đủ là Bồ-đề-tát-đỏa, dịch nghĩa là “giác hữu tình”. Vì cũng tu chứng như Phật nên gọi là “giác”, nhưng chưa dứt hết vô minh nên gọi là “hữu tình”. Theo một nghĩa khác, “hữu tình” chỉ tất cả chúng sinh, Bồ Tát dùng chánh đạo giáo hóa giác ngộ chúng sinh nên gọi là “giác hữu tình”.

 
Bổ xứ chi tôn
: Phạm ngữ là A-duy-nhan, dịch nghĩa là “nhất sinh bổ xứ”, hàm nghĩa vị Bồ Tát chỉ còn một lần giáng sinh là sẽ thành Phật.

 
bồ-đề
: dịch nghĩa là “giác”, nghĩa là tỉnh thức, giác ngộ.

 
Ca-diếp Phật
: dịch nghĩa là “ẩm quang”, là thầy của đức Phật Thích-ca, là vị Phật thứ ba trong một ngàn vị Phật của Hiền kiếp.

 
Câu-thiểm-di
: tên nước, cũng đọc là Kiều-thưởng-di, thuộc miền trung Ấn Độ cổ đại.

 
Câu-thi-na thành
: dịch nghĩa là “giác thành”, vì thành này có hình tam giác.

 
Chánh giác
: dịch từ Phạm ngữ là tam-bồ-đề. Tu tập thành tựu quả Phật gọi là thành Chánh giác.

 
chân-thúc-ca
: dịch nghĩa là màu đỏ thắm.

 
Chuyển luân thánh vương
: cũng gọi là Luân vương, có bốn hạng. Kim luân vương, cai trị bốn cõi thiên hạ; Ngân luân vương, cai trị ba cõi thiên hạ; Đồng luân vương, cai trị hai cõi thiên hạ; Thiết luân vương, cai trị chỉ một cõi Diêm-phù-đề.

 
Cù-đà-ni
: cũng đọc là Cù-da-ni, dịch nghĩa là “ngưu hóa”, tức châu Tây Ngưu Hóa, là một cõi đất rộng tám ngàn do-tuần.

 
cửu phẩm vãng sinh
: chín phẩm vãng sinh. Người tu tập pháp môn Tịnh độ được vãng sinh chia làm ba phẩm là Thượng phẩm, Trung phẩmHạ phẩm, mỗi phẩm lại chia thành ba bậc là thượng sinh, trung sinh và hạ sinh, cộng tất cả thành chín phẩm vãng sinh. Ý nghĩa này được giải thích rõ ràng trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật.

 
Cưu-ma-la-thập
: tên một vị đại sư dịch giả, dịch nghĩa là “đồng thọ”. Ngài là người Ấn Độ, con vua Quy Tư. Vào đời vua Phù Kiên của nhà Tiền Tần, niên hiệu Kiến Nguyên năm thứ 9, tức là năm 373 theo Tây lịch, quan Thái sử xem thiên văn tâu lên vua có bậc hiền đức xuất hiện ở nước ngoài, nhân đó vua cho người thỉnh ngài đến Trung Hoa.

 
Dạ-ma thiên
: gọi đầy đủ là Tu-dạ-ma, dịch nghĩa là “thiện thời phân”, là cõi trời nằm trên cõi trời Đao-lợi.

 
Đao-lợi Thiên vương
: tức là vị Thiên chủ Đế-thích, hay Thích-đề hoàn nhân. Trong kinh Niết-bàn có kể ra đến mười một danh xưng của vị này.

 
Đao-lợi thiên
: cõi trời Đao-lợi, dịch nghĩa là “tam thập tam thiên” (cõi trời Ba mươi ba), nằm trên cõi trời Tứ vương, là nơi cư trú của Đế thích. Cõi trời này có ba mươi hai vị tiểu thiên tử trụ ở 8 phương, cùng vị thiên chủtrung tâm hợp thành số ba mươi ba, nên gọi tên như vậy, không phải là có ba mươi ba tầng trời từ dưới tính lên.

 
Đâu-suất thiên
: cõi trời Đâu-suất, gọi đầy đủ là Đâu-suất-đà, dịch nghĩa là “diệu túc”, là cõi trời nằm trên cõi trời Dạ-ma.

 
địa vị
: đất có mùi vị. Vào lúc thế giới ban sơ mới hình thành, vật chất được sinh ra trên mặt đất có hình trạng sền sệt như sữa đun sôi cô đặc lại, mùi vị ngon ngọt như mật ong. Chúng sinh khi ấy dùng dạng vật chất này làm thức ăn, không bao giờ phải đói thiếu.

 
Diêm-phù-đề
: tên gọi đầy đủ là Diêm-phù-na-đề, vốn là tên của một loài cây, dịch nghĩa là “tinh kim”, vì dưới cây này có vàng nên gọi tên cây như thế. Châu Nam Thiệm-bộ đặc biệt có loại cây này, do đó cũng gọi tên châu là châu Diêm-phù-đề, là một cõi đất rộng bảy ngàn do-tuần.

 
điệp
: một loài cây có hoa dùng dệt thành vải rất mịn.

 
Di-lặc
: dịch nghĩa là “Từ thị”, là họ của một vị Bồ Tát, được thọ ký sẽ thành Phật tiếp theo sau đức Phật Thích-ca, xem chi tiết trong kinh Di-lặc hạ sinh thành Phật.

 
Độc giác
: là những vị ra đời gặp lúc không có Phật, tự mình tu hành đạt được giác ngộ nên gọi là Độc giác.

 
do-tuần
: cũng đọc là do-diên, hoặc du-thiện-na, là khoảng cách giữa hai chỗ dừng nghỉ khi vị Luân vương đi tuần thú, tương tự như các dịch trạm ở Trung Hoa. Các sách nói về khoảng cách này không giống nhau, có nơi nói là mười sáu dặm, có nơi cho là ba mươi dặm, hoặc bốn mươi dặm, hoặc sáu mươi dặm, cho đến có nơi cho là tám mươi dặm.

 
Duyên giác
: là những chúng sinh nghe Phật thuyết giảng giáo pháp Thập nhị nhân duyên mà được ngộ đạo, nên gọi là Duyên giác.

 
hằng hà
: sông Hằng, gọi đầy đủ là Hằng-già (Ganga), cũng đọc là Căng-già, dịch nghĩa là “thiên đường lai”. Sông này nằm gần thành Xá-vệ.

 
hành giả
: chỉ người tu hành, thường là tu tập hành trì theo một pháp môn cụ thể nào đó.

 
Hóa lạc thiên
: tên Phạm ngữ là Tu-niết-mật-đà, dịch nghĩa là “hóa tự lạc”, là tên cõi trời nằm trên cõi trời Đâu-suất.

 
Hoan hỷ địa thập trùng giai cấp
: từ Hoan hỷ địa tiến lên mười bậc, tức là Thập địa, mười giai vị tu tập tiếp theo sau Thập hồi hướng, bao gồm: Hoan hỷ địa, Ly cấu địa, Phát quang địa, Diệm tuệ địa, Nan thắng địa, Hiện tiền địa, Viễn hành địa, Bất động địa, Thiện tuệ địaPháp vân địa.

 
Kỳ viên
: vườn cây do thái tử Kỳ-đà cúng dường lên Phật, trưởng giả Cấp-cô-độc đã mua vùng đất này để xây dựng tinh xá cúng dường đức PhậtTăng đoàn, thái tử không bán cây cối mà tự mình cũng dâng cúng, nên gọi đầy đủ là Kỳ thọ Cấp-cô-độc viên, gọi tắt là Kỳ viên.

 
La-hán
: danh xưng đầy đủ là A-la-hán, có ba nghĩa, một là giết giặc phiền não tặc, hai là không còn thọ thân tái sinh đời tiếp theo, ba là xứng đáng nhận sự cúng dường cung kính của hàng trời, người.

 
lục căn
: tức sáu căn, hay sáu giác quan, gồm có mắt (nhãn), tai (nhĩ), mũi (tị), lưỡi (thiệt), thân (xúc giác) và ý.

 
lục đạo
: sáu đường, tức sáu cảnh giới, gồm cõi trời (thiên), cõi người (nhân), cõi a-tu-la, cõi súc sinh, cõi ngạ quỷcõi địa ngục.

 
lục thiên
: sáu tầng trời [thuộc cõi Dục], gồm từ Tứ vương thiên lên đến Tha hóa Tự tại thiên.

 
Ma-da phu nhân
: danh xưng đầy đủ là Ma-ha Ma-da, dịch nghĩa là “đại thuật”, hoặc “đại ảo”, nghĩa là có thể dùng đại ảo thuật, làm mẹ sinh ra chư Phật.

 
Ma-đặng nữ
: tức Ma-đăng-già. Ma-đặng là mẹ của Ma-đăng-già, nên Ma-đặng nữ (con gái Ma-đặng) tức chỉ Ma-đăng-già.

 
Ma-đăng
: tên gọi đầy đủ là Ma-đăng-già, dịch nghĩa là “bản tính”, là tên của một dâm nữ, về sau trên Pháp hội giảng kinh Lăng-nghiêm được nghe Chánh pháp liền ngộ đạo xuất gia, gọi là Tính tỉ-khâu ni.

 
Ma-hê-thủ-la
: dịch nghĩa là “đại tự tại”, là tên vị Thiên vươngcõi trời Sắc cứu cánh, tên Phạm ngữ là A-ca-ni-trá, dịch nghĩa là “trất ngại cứu cánh”, cũng dịch là “sắc cứu cánh”. Đây là cõi trời cao nhất trong Sắc giới.

 
Ma-nhân-đề
: tên một vị trưởng giả.

 
ma-ni
: tên một loại ngọc, đúng ra là mạt-ni, dịch nghĩa là “ly cấu”.

 
Mục-liên
: tên một vị đệ tử Phật, danh xưng đầy đủ là Mục-kiền-liên, dịch nghĩa là “thái thục thị”.

 
nê-lê
: tức địa ngục, dịch nghĩa là “vô hữu” (không có), hàm ý là nơi không có chuyện vui, không có sự tha thứ.

 
ngũ ấm
: năm ấm, cũng gọi là năm uẩn, bao gồm: sắc, thụ, tưởng, hành, thức.

 
nhị thập bát thiên vương
: hai mươi tám vị thiên vương, bao gồm sáu vịDục giới, mười tám vị ở Sắc giới và bốn vị ở Vô sắc giới.

 
Như Lai
: phiên âm theo Phạm ngữ là Đa-đà-a-già-độ (Tathāgata), dịch nghĩa là Như Lai, là một trong mười danh hiệu của Phật.

 
Niết-bàn
: dịch nghĩa là diệt độ, nghĩa là đạt được niềm vui của sự tịch diệt, độ thoát nỗi khổ sinh tử. Cũng được giải thích rằng, niết là không sinh, bàn là không diệt, không sinh không diệt nên gọi là Niết-bàn.

 
phạm hạnh
: hạnh thanh tịnh. Người giữ giới không làm sự dâm dục gọi là tu tập phạm hạnh.

 
Phạm vương
: tức vị Thiên chủ cai quản thế giới Ta-bà.

 
Phất-bà-đề
: cũng gọi là Tì-đề-ha, cũng gọi là Phất-vu-đãi, dịch nghĩa là “thắng”, tức châu Đông Thắng Thần, là một cõi đất rộng chín ngàn do-tuần.

 
Phi phi tưởng thiên
: cõi trời Phi phi tưởng, là cõi trời cao nhất thuộc Vô sắc giới.

 
phù-đồ
: dịch nghĩa là “cao hiển”, chỉ ngôi tháp thờ Phật.

 
Quang âm thiên
: cõi trời Quang âm. Chư thiêncõi trời này mỗi khi nói năng thì từ miệng phát ra hào quang thanh tịnh, nên gọi tên là cõi trời Quang âm. Đây là cõi trời cao nhất trong cõi trời Nhị thiền thuộc Sắc giới. Khi thế giới xảy ra hỏa tai thì cõi trời này không bị hại tới.

 
sa-di
: dịch nghĩa là “tức từ”, dứt hết dục nhiễm thế gian nên gọi là “tức”, tâm từ cứu độ chúng sinh nên gọi là “từ”.

 
sa-môn
: dịch nghĩa là “cần tức”, nghĩa là chuyên cần tinh tấn tu tập giới định tuệ để diệt trừ, chấm dứt ba độc tham, sân, si.

 
Ta-bà
: cũng đọc là Sa-ha, hoặc Sách-ha, dịch nghĩa là “kham nhẫn”, tức là cõi thế giớiđức Phật Thích-ca ứng hóa để cứu độ, là tên gọi chung của cả một thế giới đại thiên này.

 
tam ác đạo
: như tam đồ, chỉ ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

 
Tam bảo
: Ba ngôi báu, chỉ Phật, Chánh pháp và Tăng-già. Về sáu ý nghĩa của Tam bảo, tìm xem trong sách Bảo tánh luận.

 
tam đồ
: tức ba đường ác, gồm địa ngục, ngạ quỷsúc sinh.

 
Tam giới
: Ba cõi, bao gồm cõi Dục (Dục giới), cõi Sắc (Sắc giới) và cõi Vô sắc (Vô sắc giới).

 
tam sinh
: tức tam thế. Xem mục từ tam thế.

 
Tam tạng
: toàn bộ Giáo pháp của đạo Phật, bao gồm Kinh tạng, Luật tạngLuận tạng.

 
tam thập nhị tướng
: tức ba mươi hai tướng tốt của đức Phật. Đó là: 1. Lòng bàn chân phẳng (Túc hạ an bình lập tướng, 足下安平立相). 2. Bánh xe pháp dưới lòng bàn chân (Túc hạ nhị luân tướng, 足下二輪相). 3. Ngón tay thon dài (Trường chỉ tướng, 長指相). 4. Bàn chân thon (Túc cân phu trường tướng, 足跟趺長相). 5. Ngón tay ngón chân cong lại, giữa các ngón tay và có ngón chân đều có màng mỏng nối lại như chim nhạn chúa (Thủ túc chỉ man võng tướng, 手足指 縵網相, cũng gọi là Chỉ gian nhạn vương tướng. 指間雁王相). 6. Tay chân mềm mại (Thủ túc nhu nhuyễn tướng手足柔軟相). 7. Sống (mu) bàn chân cong lên (Túc phu cao mãn tướng, 足趺高滿相). 8. Cặp chân dài thon như chân sơn dương (Y-ni-diên-đoán tướng, 伊泥延踹相). 9. Đứng thẳng tay dài quá đầu gối (Chánh lập thủ ma tất tướng, 正立手摩膝相). 10. Nam căn ẩn kín (Âm tàng tướng, 陰藏相). 11. Giang tay ra rộng dài bằng thân mình (Thân quảng trường đẳng tướng, 身廣長等相). 12. Lông mọc đứng thẳng (Mao thượng hướng tướng, 毛上向相) 13. Mỗi lỗ chân lông có một cọng lông (Nhất nhất khổng nhất mao sinh tướng, 一一孔一毛生相). 14. Thân có màu vàng rực (Kim sắc tướng, 金色相). 15. Thân phát sáng (Đại quang tướng, 大光相cũng gọi là Thường quang nhất tầm tướng, 常光一尋相, Viên quang nhất tầm tướng 圓光一尋相). 16. Da mềm mại (Tế bạc bì tướng細薄皮相). 17. Tay, vai và đầu tròn tương xứng (Thất xứ long mãn tướng, 七處隆滿相). 18. Hai nách đầy đặn (Lưỡng dịch hạ long mãn tướng, 兩腋下隆滿相). 19. Thân hình như sư tử (Thượng thân như sư tử tướng, 上身如獅子相). 20. Thân hình thẳng đứng (Đại trực thân tướng, 大直身相). 21. Hai vai đầy đặn mạnh mẽ (Kiên viên hảo tướng, 肩圓好相). 22. Bốn mươi cái răng (Tứ thập xỉ tướng 四十齒相). 23. Răng đều đặn (Xỉ tề tướng, 齒齊相). 24. Răng trắng (Nha bạch tướng, 牙白相Sanskrit: suśukla-danta). 25. Hàm như sư tử (Sư tử giáp tướng 獅子頰相). 26. Nước miếng có chất thơm, bất cứ món ăn nào khi vào miệng cũng thành món ngon nhất (Vị trung đắc thượng vị tướng, 味中得上味相). 27. Lưỡi rộng dài (Đại thiệt tướng 大舌相 hay Quảng trường thiệt tướng (廣長舌相). 28. Tiếng nói tao nhã như âm thanh của Phạm thiên (Phạm thanh tướng, 梵聲相). 29. Mắt xanh trong (Chân thanh nhãn tướng, 眞青眼相). 30. Mắt tròn đẹp giống mắt bò (Ngưu nhãn tiệp tướng, 牛眼睫相). 31. Lông trắng giữa cặp chân mày (Bạch mao tướng, 白毛相). 32. Một khối thịt trên đỉnh đầu (Đảnh kế tướng, 頂髻相).

 
tam thế
: ba đời, tức quá khứ, hiện tạivị lai.

 
tam thiên đại thiên thế giới
: thế giới ba ngàn đại thiên. Một cõi thế giới bao gồm một ngàn mặt trời, một ngàn mặt trăng, một ngàn núi Tu-di, cho đến một ngàn cõi trời Phạm thiên, được gọi là một thế giới tiểu thiên. Một ngàn thế giới tiểu thiên gọi là một thế giới trung thiên. Một ngàn thế giới trung thiên gọi là một thế giới đại thiên. Vì có sự chênh lệch ba lần ngàn, nên gọi là “ba ngàn”, nhưng thật ra chỉ là một thế giới đại thiên mà thôi.

 
tam thú
: ba con thú, là voi, ngựa và thỏ, được dùng trong ví dụ ba con thú cùng lội qua sông.

 
tam trường trai nguyệt
: ba tháng ăn chay trong một năm, bao gồm tháng giêng, tháng năm và tháng chín.

 
tam-muội
: dịch nghĩa là chánh định, tức không phải tà định, cũng gọi là chánh thọ, không còn thọ nhận các cảm thọ nên gọi là chánh thọ.

 
Tha hóa tự tại thiên
: tên Phạm ngữ là Bà-xá-bạt-đề, dịch nghĩa là “tha hóa tự tại”, là tên cõi trời nằm trên cõi trời Hóa lạc thiên, là cõi trời thứ sáu thuộc Dục giới. Cõi trời này thuộc cõi Dục nhưng tiếp giáp với cõi Sắc, xem như trung gian giữa hai cõi, có thiên ma làm thiên vương, cai quản toàn cõi Dục giới, là cõi trời cao nhất trong cõi Dục.

 
Thanh văn
: hàng đệ tử Phật nhờ được nghe âm thanh thuyết pháp Tứ đếchứng quả, nên gọi là Thanh văn.

 
thập ác
: mười nghiệp xấu ác, gồm ba nghiệp xấu ác của thân, bốn nghiệp xấu ác của miệng và ba nghiệp xấu ác của ý. Ba nghiệp của thân là: giết hại, trộm cướp, tà dâm. Bốn nghiệp của miệng là: nói dối, nói thêu dệt vô nghĩa, nói hai lưỡi, nói lời ác độc. Ba nghiệp của ý là: tham lam, sân hậnsi mê.

 
thập bát phạm thiên
: mười tám cõi phạm thiên, tức các cõi trời thuộc Sắc giới, nằm trên các cõi trời thuộc Dục giới. Vì chư thiên ở các cõi trời này đã đoạn dứt tình dục, nên gọi là phạm thiên (thanh tịnh vô dục). Mười tám cõi trời này bao gồm: Phạm chúng thiên, Phạm phụ thiên, Đại phạm thiên, Thiểu quang thiên, Vô lượng quang thiên, Quang âm thiên, Thiểu tịnh thiên, Vô lượng tịnh thiên, Biến tịnh thiên, Phúc sinh thiên, Phúc ái thiên, Quảng quả thiên, Vô tưởng thiên, Vô phiền thiên, Vô nhiệt thiên, Thiện kiến thiên, Thiện hiện thiên, Sắc cứu cánh thiên. Về ý nghĩa chi tiết, xin xem trong kinh Lăng nghiêm ở quyển 8, quyển 9.



 
Thập hạnh
: mười giai vị của hàng Bồ Tát, từ giai vị thứ hai mươi mốt đến thứ ba mươi trong 52 giai vị, được xếp ngay sau Thập trụ, bao gồm: Hoan hỉ hạnh, Nhiêu ích hạnh, Vô sân hận hạnh, Vô tận hạnh, Ly si loạn hạnh, Thiện hiện hạnh, Vô trước hạnh, Tôn trọng hạnh, Thiện pháp hạnhChân thật hạnh.

 
Thập hồi hướng
: mười giai vị tiếp theo của Thập hạnh, tức là các giai vị từ thứ ba mươi mốt đến thứ bốn mươi, bao gồm: 1. Cứu hộ nhất thiết chúng sinh ly chúng sinh tướng hồi hướng: Tức giai vị thực hành Lục độ, Tứ nhiếp, cứu hộ tất cả chúng sinh, kẻ oán, người thân đều bình đẳng. 2. Bất hoại hồi hướng: Giai vị đã có được niềm tin bất hoại đối với Tam bảo, hồi hướng căn lành này, khiến chúng sinh được lợi ích tốt đẹp. 3. Đẳng nhất thiết Phật hồi hướng: Giống như sự hồi hướng của chư Phật ba đời, tu hành không đắm trước sinh tử, không lìa bỏ bồ-đề. 4. Chí nhất thiết xứ hồi hướng: Đem các thiện căn đã tu được hồi hướng đến khắp tất cả các nơi từ Tam bảo cho đến chúng sinh để làm lợi ích cúng dường. 5. Vô tận công đức tạng hồi hướng: Tùy hỷ tất cả thiện căn vô tận, hồi hướng làm Phật sự để được vô tận công đức thiện căn. 6. Tùy thuận bình đẳng thiện căn hồi hướng: Hồi hướng các thiện căn đã tu, được Phật che chở, thành tựu tất cả căn lành bền vững. 7. Tùy thuận đẳng quán nhất thiết chúng sinh hồi hướng: Tức nuôi lớn tất cả gốc lành để hồi hướng làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. 8. Như tướng hồi hướng: Thuận theo tướng chân nhưhồi hướng các thiện căn đã thành tựu. 9. Vô phược vô trước giải thoát hồi hướng: Tức đối với tất cả pháp không để bị vướng mắc, trói buộc, được tâm giải thoát, đem thiện pháp hồi hướng, thực hành hạnh Phổ hiền, đầy đủ mọi đức. 10. Pháp giới vô lượng hồi hướng: Tức tu tập tất cả thiện căn vô tận, đem hồi hướng các thiện căn này để nguyện cầu vô lượng công đức trong pháp giới sai biệt.

 
thập lục đại quốc
: mười sáu nước lớn, chỉ những nước nằm tiếp cận với Ấn Độ thời cổ, như các nước Ương-già, Ma-kiệt-đề v.v...

 
Thập tín
: tức Thập tín tâm, hay cũng gọi là Thập tâm, chỉ mười tâm của Bồ Tát tu tập trong 10 giai vị đầu tiên của 52 giai vị, bao gồm: Tín tâm, Niệm tâm, Tinh tấn tâm, Tuệ tâm, Định tâm, Bất thối tâm, Hồi hướng tâm, Hộ pháp tâm, Giới tâm và Nguyện tâm.

 
Thập trụ
: mười giai vị của hàng Bồ Tát, từ giai vị thứ mười một đến thứ hai mươi trong 52 giai vị, được xếp ngay sau Thập tín, bao gồm: Phát tâm trụ, Trị địa trụ, Tu hành trụ, Sinh quý trụ, Phương tiện cụ túc trụ, Chính tâm trụ, Bất thối trụ, Đồng chân trụ, Pháp vương tử trụ và Quán đỉnh trụ.

 
Thất Phật
: bảy vị Phật, chỉ các vị: Phật Tì-bà-thi, Phật Thi-khí, Phật Tì-xá-phù, Phật Câu-lưu-tôn, Phật Câu-na-hàm Mâu-ni, Phật Ca-diếp, Phật Thích-ca Mâu-ni.

 
thất thú
: bảy cõi. Kinh Lăng nghiêm thêm tiên đạo (cõi tiên) vào sáu cõi (lục đạo): trời, người, a-tu-la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, gọi chung là thất thú (bảy cõi).

 
Thích-ca Mâu-ni Phật
: tiếng Phạm Thích-ca, dịch nghĩa là “năng nhân”, Mâu-ni, dịch nghĩa là “tịch mặc”, vì đức nhân có thể cứu độ muôn loài, đạo vẫn giữ theo tịch mặc vô vi, nên gọi là “năng nhân tịch mặc”. Phật, nghĩa là tỉnh giác, giác ngộ.

 
thiên nhãn
: là một trong ngũ thông. Các vị Bồ Tát và Phật đều có thiên nhãn. Tuy cũng là thiên nhãn, nhưng tùy theo sự chứng đắc mà khả năng rộng hẹp có khác nhau. Những người tu theo ngoại đạo, các vị thiên tiên cũng có thiên nhãn, các vị chứng quả Thanh văn, Duyên giác cũng có thiên nhãn.

 
Thiên Trúc
: tên gọi chỉ đất nước Phật giáng sinh, nay là [Nepal, trước đây thuộc] Ấn Độ, xưa cũng gọi là Thân Độc (身毒), là vùng đất nằm ngay giữa cõi Diêm-phù-đề, nên chư Phật trước đây xuất thế đều chọn nơi này. Ấn Độ có chu vi hơn chín vạn dặm, ba mặt giáp biển, phía bắc có dãy Tuyết sơn ngăn che, phía đông giáp Trung Hoa, phía nam kéo dài đến lãnh thổ nước Kim Địa, phía tây giáp nước A-du-già, phía bắc gặp núi Tiểu Hương, mỗi bề đều khoảng năm vạn tám ngàn dặm. Ở nước này, vào tiết hạ chí, đúng giờ ngọ giữa trưa dùng cọc đo bóng thì bốn phía đều hoàn toàn không nhìn thấy bóng, trong khi ở tất cả các đất nước khác đều phải nhìn thấy bóng.

 
Thiết vi sơn
: tên núi, Phạm ngữ là Chước-ca-la, dịch nghĩa là “Luân sơn”, cũng dịch là “Thiết vi sơn”, nằm bên ngoài bốn châu thiên hạ.

 
tỉ-khâu ni
: dịch nghĩa là “khất sĩ nữ”, tức một vị xuất gia thuộc phái nữ.

 
tỉ-khâu
: dịch nghĩa là “khất sĩ”, người đi xin, hàm nghĩa là người đi theo Phật xin Chánh pháp để nuôi dưỡng tuệ mạng, vào thế gian xin thức ăn để nuôi dưỡng xác thân. Chữ này còn có nghĩa là phá trừ xấu ác, làm cho ma quân kinh sợ.

 
Tịnh Phạn vương
: vua Tịnh Phạn, phiên âm theo Phạm ngữ là Duyệt-đầu-đàn, cũng dịch nghĩa là Bạch Tịnh. Ngài là người cai trị nước Ca-duy-la-vệ, phụ vương của thái tử Tất-đạt-đa.

 
tinh xá
: nơi đức Phậtchư tăng lưu trú. Ngày nay rất nhiều người gọi nhầm là tịnh xá. Tinh xá (精舍) hàm ý là nơi ở của các bậc trí đức tinh luyện, còn chữ tịnh (淨) hoàn toàn không có nghĩa này.

 
Tì-thủ-yết-ma
: tên một vị thiên thần, dịch nghĩa là “chủng chủng công nghiệp”. Ở Ấn Độ thời cổ, đa số những người làm thợ thủ công thường thờ cúng vị thiên thần này.

 
trà-tì
: cũng đọc là xà-duy, tức nghi lễ hỏa thiêu.

 
Tứ đại Thiên vương
: bốn vị Thiên vương ở bốn phương. Phương bắc là Đa Văn Thiên vương, phương đông là Trì Quốc Thiên vương, phương nam là Tăng Trưởng Thiên vương, phương tây là Quảng Mục Thiên vương.

 
tứ đại
: tức bốn đại, bao gồm địa, thủy, hỏa và phong. Có bốn đại bên trong và bốn đại bên ngoài. Nếu lấy thân người mà xét, thì xương thịt là địa đại, tinh huyết là thủy đại, hơi ấm là hỏa đại, sự vận độngphong đại.

 
tứ sinh
: bốn cách sinh ra của tất cả chúng sinh, gồm thai sinh (sinh bằng bào thai), noãn sinh (sinh bằng trứng), thấp sinh (sinh từ sự ẩm ướt) và hóa sinh (sinh do biến hóa).

 
Tứ vương thiên
: là cõi trời đầu tiên của Dục giới, cách mặt đất bốn vạn hai ngàn do-tuần. Cung điện cõi này gần với mặt trời, mặt trăng.

 
Tu-đà-hoàn tứ trùng giai cấp
: từ quả Tu-đà-hoàn tiến lên bốn bậc. Phạm ngữ Tu-đà-hoàn, dịch nghĩa là “nhập lưu”, vì khi chứng đắc thánh quả này được các pháp nhãn tịnh, bắt đầu dự vào dòng các bậc thánh. Từ thánh quả này tiếp tục tu tập tiến lên đến thánh quả Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, như vậy cả thảy có bốn bậc thánh quả.

 
Tu-di
: gọi đầy đủ là tu-di-lô, dịch nghĩa là “diệu cao”. Núi này do bốn món báu hợp thành nên gọi là “diệu”, cao hơn tất cả các núi khác nên gọi là “cao”. Trong bốn cõi thiên hạ thì núi này cao đến mười sáu vạn tám ngàn do-tuần, một nửa nhô lên bên trên mặt biển, một nửa chìm trong biển, trên đỉnh núi có cung trời Đao-lợi, mặt trời mặt trăng qua lại đều ở phạm vi nửa trên mặt biển của núi này.

 
Úc-đan-việt
: dịch nghĩa là “cao xuất”, cũng dịch là “tinh xứ”, tức là châu Bắc Câu-lô, là một cõi đất rộng mười ngàn do-tuần.

 
ưu-bà-di
: cũng đọc là ổ-ba-tư-ca, dịch nghĩa là “cận sự nữ”, nghĩa là người phụ nữ tại gia thường gần gũi phụng sự các vị tỉ-khâu ni. Cũng đọc là ô-ba-tát-cát, dịch nghĩa là “thiện túc nữ”, hàm ý tuy sống đời tại gia nhưng khéo tránh việc nam nữ cùng ngủ chung.

 
ưu-bà-tắc
: cũng đọc là ổ-ba-sách-ca, dịch nghĩa là “cận sự nam”, nghĩa là người đàn ông tại gia thường thân cận phụng sự vị tỉ-khâu. Cũng gọi là ổ-ba-tát-ca, dịch nghĩa là “thiện túc nam”, nghĩa là tuy sống đời tại gia nhưng khéo tránh việc nam nữ cùng ngủ chung.

 
ưu-bát-la
: dịch nghĩa là hoa sen xanh, khác với hoa ưu-đàm-bát-la.

 
ưu-đàm-bát-la
: tên một loài cây, dịch nghĩa là “linh thụy”, nghĩa là báo điềm lành. Loài cây này thường không có hoa, chỉ khi có đức Phật ra đời, hoặc vua Chuyển luân ra đời thì cây mới nở hoa.

 
Ưu-điền vương
: vua Ưu-điền. Phiên âm theo Phạm ngữ là Ổ-đà-diễn-na, dịch nghĩa là “xuất ái”, thoát khỏi ái dục. Cũng gọi là Ưu-đà-diên. (Dùng Phạm ngữ là để chỉ chữ viết của Ấn Độ ngày xưa. Người Ấn xưa kia tin rằng từ thuở ban sơ đó là tiếng nói của Phạm thiên, nên gọi là Phạm ngữ. Nhiều nơi khác vẫn quen gọi là Phạn ngữ.)

 
xá-lợi
: tức xương người sau khi hỏa thiêu, cũng gọi là “linh cốt”, những vị chứng bốn quả thánh đều có. Xá-lợi có hình dạng, màu sắc không nhất định, vô cùng mầu nhiệm linh ứng, các nạn nước trôi lửa cháy hoặc va chạm với các thứ kim loại, đá cứng đều không thể làm tổn hại.

 
xuất gia tứ chúng
: bốn chúng xuất gia, gồm: tỉ-khâu, tỉ-khâu ni, sa-di và sa-di ni.


Phần 48: Bài tụng Quán bất tịnh của Pháp sư Tỉnh Am


Lời tựa


 Đức Phật vì những chúng sinh nhiều tham dục nên chỉ dạy pháp quán bất tịnh. Thực hành pháp quán này lâu ngày thuần thục, tự nhiên trừ dứt được tham dục, có thể vượt qua được con sông luyến ái, siêu thoát sinh tử luân hồi.

 Nhân lúc thanh nhàn, tôi có xem qua bộ luận Đại trí độ, mượn lấy ý tưởng từ đó mà làm ra bài tụng này, dùng để tự nhắc nhở cảnh tỉnh bản thân, cũng là nhắc nhở cảnh tỉnh người đời.

 
Quán tưởng cái chết



 Bao nhiêu luyến ái rồi cũng dứt,
 Thân này xét kỹ được bao lâu?
 Rơi lệ khóc người đều vô nghĩa,
 Mấy ai quán xét tự ban đầu?

 
Quán xác chết trương sình


 Sinh thời bao dáng vẻ đẹp xinh,
 Thoắt chốc thành thây thối trương sình.
 Trước mắt những người đang son trẻ,
 Mai sau có thoát được tử sinh?

 
Quán xác chết với máu bầm xanh đen


 Da thịt đổi sang đỏ, trắng, vàng...
 Máu bầm xanh tím rỉ tràn lan,
 Hãy nhìn cho kỹ thân xác ấy,
 Mới hôm nào y phục xênh xang.

 
Quán xác chết hư hoại


 Da thịt ôi thôi vữa nát rồi,
 Tim gan phèo phổi lộ ra thôi.
 Nếu người sáng suốt như thật quán,
 Tham luyến gì trong đống thịt hôi?

 
Quán xác chết máu ứ tanh hôi


 Dung nhan tươi đẹp đã mất rồi,
 Tử thi đầy máu ứ tanh hôi.
 Dù muốn nhìn qua phân đẹp xấu,
 Nhưng chỉ mơ hồ một dáng thôi.

 
Quán xác chết thối rữa chảy mủ


 Xác người thối rữa khó nhìn thay,
 Nồng nặc tanh hôi muốn tránh ngay.
 Ngờ đâu thân xác hôi tanh ấy,
 Đã từng son phấn biết bao ngày.

 
Quán xác chết bị các loài thú xâu xé


 Chim, thú chia nhau bữa thịt người,
 Người từng ăn chim, thú suốt đời.
 Ba tấc hơi ngừng, người với thú,
 Cũng đều thối rữa, trắng xương phơi.

 
Quán xác chết tan rã


 Người chết hình hài cũng rã tan,
 Tứ chi, xương cốt vãi tràn lan.
 Xét kỹ hình dung xưa đẹp đẽ,
 Giờ biết về đâu giữa mênh mang?

 
Quán xương trắng


 Xương trắng nằm trơ giữa quạnh hiu,
 Khi còn đi lại ngỡ yêu kiều.
 Nhưng dáng yêu kiều xưa là giả,
 Vẻ thật ngày nay, có đáng yêu?

 
Quán xác chết hỏa thiêu


 Hừng hực bốc cao ngọn lửa hồng,
 Di hài bỗng chốc đã hóa không.
 Hãy nhìn đám khói bay lên đó,
 Có thể khởi lòng tham luyến không?

 
Những thi kệ trên chỉ nêu sơ lược điểm cốt yếu của các phép quán, chưa có sự quán xét sâu xa và phân tích kỹ. Vì thế, dưới đây tiếp tục nêu rõ hơn:


 
Quán tưởng cái chết - lần 2


 Người thân yêu nay vĩnh biệt rồi,
 Mắt nhìn chẳng nỡ, dạ bồi hồi.
 Thần thức vừa lìa ra khỏi xác,
 Di thể nhập quan khóa chặt thôi.

 Đêm khuya nhà trống đèn leo lắt,
 Gió thu trướng lạnh hắt từng hồi.
 Khuyên ai đang lúc còn sinh lực,
 Sớm tĩnh tâm, quán lúc lìa đời.

 
Quán xác chết trương sình - lần 2


 Hơi dừng thân lạnh khí phát sinh,
 Thi hài thoắt chốc đã trương sình.
 Thân thể căng phồng như túi nước,
 Bụng như dưa héo nhìn phát kinh.

 Nước rỉ từ thân bao nhơ nhớp,
 Ruồi nhặng đua nhau đến rập rình.
 Một lớp da che, không sớm biết,
 Lầm lạc bao năm đáng hận mình.

 
Quán xác chết với máu bầm xanh đen - lần 2


 Thây phơi nắng gió dãi vài phen,
 Màu sắc chuyển sang vàng, xanh đen.
 Da khô vữa nát rơi từng mảng,
 Xương cốt nửa phần cũng rã tan.

 Tai, mũi giờ đây thành hốc lõm,
 Dây gân từng đoạn đứt ngổn ngang.
 Ví như tượng đá thường câm lặng,
 Nhìn cảnh thê lương cũng lệ tràn.

 
Quán xác chết hư hoại - lần 2


 Da bọc quanh thân vừa rơi rã,
 Hình thể liền tan nát xót xa.
 Bụng như dưa nứt bày gan ruột,
 Giòi bọ từ trong khoét đường ra.

 Dây khô vô tình quấn tóc rối,
 Rêu ẩm mọc lan nát lụa là.
 Nhắn gửi người đắm mê hình sắc,
 Thôi đừng tô điểm túi phân da.

 
Quán xác chết máu ứ tanh hôi - lần 2


 Trơ trơ nằm đó khối máu đông,
 Ngàn năm bất động, người còn không?
 Bê bết lẫn trong lùm cỏ dại,
 Ngổn ngang bụi đất cũng ố hồng.

 Còn đâu ảo tưởng phân đẹp xấu,
 Đâu kẻ nam nhi, khách má hồng?
 Đáng thương kẻ mê nơi mắt thịt,
 Nhận giả làm chân, mãi chạy rông.

 
Quán xác chết thối rữa chảy mủ - lần 2


 Da mỏng bồi giấy rách khác chi?
 Thịt thối, canh thiu càng đổ đi.
 Mủ máu hôi tanh từ trong rỉ,
 Ruồi nhặng tranh nhau rúc tử thi.

 Như kẻ ăn lòng lợn nôn mửa,
 Như người tắm chó nước sạch chi?
 Nếu không ghê tởm thấu xương tủy,
 Làm sao dứt được khối tình si.

 
Quán xác chết bị các loài thú xâu xé - lần 2


 Xác quẳng ra muôn loài xâu xé,
 Có phần nào còn được vẹn nguyên?
 Chẳng đủ no lòng bao quạ đói,
 Chưa hết cơn thèm lũ chó điên.

 Ngày nay đang sống, không tự liệu,
 Lúc thân tàn, ai kẻ tương liên?
 Khi ấy không bằng loài dê, lợn,
 Thịt chúng còn mang bán được tiền.

 
Quán xác chết tan rã - lần 2


 Thịt xương bỗng chốc rã tan mau,
 Thân người chẳng biết theo về đâu?
 Nào chỉ dung nhan, hình thể mất,
 Cho đến tuổi tên cũng còn đâu!

 Mấy khóm cỏ thu, đời dài vắn,
 Thịnh suy xin hỏi gió qua cầu.
 Người ơi xin hãy xem xét kỹ,
 Ngọn nguồn sinh tử khởi từ đâu?

 
Quán xương trắng - lần 2


 Da thịt giờ đây rã tan rồi,
 Chỉ còn xương trắng nằm trơ thôi.
 Gió mưa thêm đổi màu rêu mốc,
 Nước tràn in dấu đất tinh khôi.

 Trùng kiến không mời thường kéo đến,
 Cháu con mong ngóng vắng xa rồi.
 Phong lưu một thuở giờ đâu nữa?
 Một khối sầu ôm, hồn chơi vơi!

 
Quán xác chết hỏa thiêu - lần 2


 Xương khô, lửa dữ quyện vào ngay,
 Phút giây cuồn cuộn ngút trời bay.
 Hừng hực lửa hồng, thiêu trời đỏ,
 Ngùn ngụt khói đen, phủ ngọn cây.

 Vọng niệm theo tro tàn tiêu tán,
 Chân tâm như mặt nhật hiển bày.
 Muốn thoát luân hồi vượt sinh tử,
 Phải tinh cần tu phép quán này.


Phần 49: Bài tụng Tứ niệm xứ của Pháp sư Tỉnh Am


Lời tựa
 
 
 Khi sắp nhập Niết-bàn, đức Phật có dặn lại các vị tỳ-kheo về sau hãy dựa vào phép quán Tứ niệm xứtu tập an trụ, sẽ được như Phật không khác.

 Ngày nay là thời mạt pháp, người tu chính niệm rất ít, nhìn lại pháp môn này, càng không thấy ai tu tập. Chẳng những không hiểu được nghĩa lý, mà e rằng cho đến tên gọi của pháp môn này cũng không mấy ai biết đến. Thật đáng buồn thay!
 
 Nhân lúc ở giữa núi rừng được vô sự, tôi có đọc qua phẩm Di giáo trong kinh Đại Bát Niết-bàn, liền mượn lấy ý tưởng từ đó rồi dùng vần điệu mà làm ra những bài tụng này, giúp cho người ngâm vịnh, đọc tụng có thể tăng trưởng chính niệm, trừ diệt vọng tâm.
 
 Nếu đặt những lời này gần bên chỗ ngồi, hằng ngày xem thấy có thể tự cảnh tỉnh, đồng thời cũng nhờ đó không quên đi những lời dặn dò răn nhắc của đức Thế Tôn.
 
 
Quán thân bất tịnh


 Một niệm đảo điên vừa sinh khởi,
 Huyễn thân duyên hợp đã hiện rồi.
 Một bọc chứa đầy bao máu mủ,
 Trong ngoài trên dưới rặt tanh hôi.

 Da như giấy mỏng che máu thịt,
 Dây ràng, gân buộc giữ xương thôi.
 Lông mọc trên người như cỏ dại,
 Trùng bọ trong thân khắp mọi nơi.
 
 Tim gan phèo phổi toàn nhơ nhớp,
 Khăn áo xênh xang lấp liếm thôi.
 Bốn đại vốn là hư huyễn cả,
 Sáu căn không thật quá rõ rồi.
 
 Nói năng phát tiếng nhờ hơi gió,
 Chuyển động đều do khí xoay vần.
 Gượng ép phân chia nam với nữ,
 Hư danh đối đãi lập chủ, trần.
 
 Ba thước đất gò, trăm năm dứt,
 Một nấm mồ, muôn thuở gửi thân.
 Sang hèn rồi cũng buông tay trắng,
 Hiền ngu đồng phận đáng tương lân.
 
 Luống kiếp sinh ra toàn vô nghĩa,
 Ai người nhận biết cội nguồn chân?
 
 
Quán thọ là khổ


 Hỏi xem muôn khổ từ đâu tới,
 Mới hay do cảm thọ sinh tình.
 Vừa nhận chút tình yêu với ghét,
 Bám chấp, ghét bỏ, liền khởi sinh.
 
 Ngay khi vừa thịnh, suy liền đến,
 Giờ nhục là do trước đã vinh.
 Từ trong thân thích sinh oán đối,
 Giữa chỗ vui mừng khổ phát sinh.
 
 Vương, Tạ danh gia, còn đâu nữa?
 Lưu, Tào hai nước cũng tan tành.
 Buồn vui ngẫm lại đêm trường mộng,
 Thắng bại cuộc cờ, ai nhục vinh?
 
 Sự đời luôn chẳng theo như ý,
 Đói nghèo, bệnh khổ, bóng theo hình.
 Thần tài mời gọi ít khi đến,
 Quỷ bần đuổi mãi cứ quẩn quanh.
 
 Hối hả một đời chỉ vô ích,
 Uất ức bao phen chứa bất bình.
 Không cầu, đâu ngại chi quý tiện,
 Biết đủ, thiếu dư cũng mặc tình.
 
 Diệu lý chân không vừa nhận rõ,
 Buồn lo, vui thích dứt mầm sinh.
 
 
Quán tâm vô thường


 Tâm vọng nếu không nơi bám víu,
 Thể tánh rốt cùng sẽ ra sao?
 Đuốc trong gió lập lòe chớp lóe,
 Thuyền dạt trôi mặt biển nhấp nhô.
 
 Một căn nhà mở ra sáu cửa,
 Sáu anh em cùng trải giang hồ.
 Rối rắm mỗi người một cõi riêng,
 Ngổn ngang trăm mối đều khác biệt.
 
 Màu sắc chợt vàng lại chợt xanh,
 Âm thanh khi động rồi khi tĩnh.
 Mũi ngửi thối thơm tùy mỗi lúc,
 Lưỡi nếm mặn nhạt thường đổi thay.
 
 Nóng lạnh bất chợt, thân thường biết,
 Yêu ghét hai đường, ý theo ngay.
 Trần cảnh dứt rồi, tâm an ổn.
 Tình đã không, trí bám vào đâu.
 
 Lật nhào tận đáy hang năm dục,
 Đảo ngược tầng tầng ổ sáu căn.
 Giặc cướp về cải tà quy chánh,
 Chim chóc mừng vui thoát lưới sa.
 
 Đến khi bừng ngộ lẽ thường trụ,
 Vọng niệm trùng trùng thảy tiêu ma.
 
 
Quán pháp vô ngã


 Các pháp do nhân duyên khởi sanh,
 Nào phải do người định mà thành.
 Nhân duyên có sanh ắt có diệt,
 Niệm khởi đôi bên liền phân tranh.
 
 Người muốn được hóa ra lại mất,
 Kẻ mong nhàn cứ phải chạy quanh.
 Sợ lạnh, đông triền miên không dứt,
 Ghét nóng, hạ càng chẳng qua nhanh.
 
 Nghèo khổ ước mong ngày giàu có,
 Già yếu mơ hoài lúc tuổi xanh.
 Người người ai cũng mong thuận lợi,
 Nào ai lại thích chuyện bất thành?


 Đạt tâm tự tại, ấy là chủ.
 Nay đổi mai thay, lẽ đâu thường?
 Lìa khỏi các căn, niệm nào khởi,
 Thức đã không rồi, cảnh chẳng vương.
 
 Trong ngoài xét kỹ đều không cả,
 Nơi trung gian tìm lẽ chân thường.
 Khi sáu cửa không không, vắng lặng,
 Một tòa rực rỡ dưới ánh dương.
 
 Chỉ cần duyên dứt, trần lao tận,
 An nhiên thường trụ Đại Giác Vương.





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
20/01/2014(Xem: 16675)
18/05/2017(Xem: 20714)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.