Thích Nhuận Châu dịch
PHẦN II :
PHỎNG VẤN ĐỨC ĐẠT-LẠI LẠT-MA THỨ 14 TENZIN GYATSO
L.N.Đ: Theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng, Đạt-lại Lạt-ma là hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm (Avalokiteshvara). Đạt-lại Lạt-ma thứ 14 TENZIN GYATSO sinh năm 1935, là người lãnh đạo tinh thần của hằng triệu Phật tử, người Tây Tạng (Tibetan) và Phật tử ở các quốc gia khác. Sau khi Trung Hoa chiếm đóng lãnh thổ Tây Tạng năm 1950, buộc Ngài và hằng triệu dân Tây Tạng phải sống lưu vong từ năm 1959. Ngài đã lập một chính phủ lưu vong tại vùng Dharamsala, thuộc lãnh thổ Ấn Độ. Ngài đi khắp nơi trên thế giới để truyền bá Phật pháp cũng như tìm kiếm sự ủng hộ tinh thần cho quốc gia mình. Từ khi Trung Hoa bắt đầu đàn áp dân Tây Tạng, hơn 6000 tu viện đã bị phá hủy và một triệu dân Tây Tạng bị giết chết.
Năm 1989, Đạt-lại Lạt-ma 14 được nhận giải Nobel Hòa Bình do nỗ lực cống hiến cho phong trào bất bạo động và nhân quyền trên thế giới. Bài dịch nầy được thu thập từ tập sách cuả Nhà xuất bản North Atlantic Books năm 1996, bao gồm những cuộc phỏng vấn khi ngài viếng thăm nước Pháp vào cuối năm 1993. Để dễ theo dõi, chúng tôi tạm sắp xếp theo từng chủ đề và cố gắng dịch sát với nguyên tác, dùng lối văn ghi lại rất trung thực các cuộc phỏng vấn. Những chú thích ở cuối trang là của người dịch.
SỰ CHẾT, AN LẠC VÀ MÔI TRƯỜNG
Hỏi: Theo Ngài, phải chăng cái chết chỉ là một tiến trình sinh học, một hiện tượng y khoa hay chỉ là sự biến chuyển tâm linh của từng con người? Thực sự chúng ta có cần phải đem hết sức cứu chữa để ít nhất, có thể kéo dài đời sống của nạn nhân? Hay ngược lại, phải chăng không hợp lý khi liều lĩnh để cho thân nhân của mình chịu đựng cái chết, trong khi có thể cứu chữa được nhờ kỹ thuật y khoa tối tân, và bệnh nhân bị cách ly hẳn với gia đình, cùng bạn bè thân thuộc?
Theo Ngài, cái chết tốt hay xấu? Nói chung, có phải những nỗ lực của Tây y nhằm can thiệp vào tiến trình cái chết dường như là một vấn đề khiến Ngài rất quan tâm?
Ngược lại, nếu như cái chết chỉ là một sự kiện bình thường, nên để cho người thân trong gia đình được biết và gần gũi, cho đến thời điểm nào thì sự can thiệp của y khoa nên chấm dứt? Cần có sự trợ duyên nào để chúng ta thông báo cho người thân biết họ không cần phải có tâm lý né tránh cái chết nữa?
Trả lời: Trước hết, chúng ta nên có nhận thức rõ rằng cái chết thực sự là một phần của cuộc sống, tự nó chẳng có gì xấu cả. Trong Tử thư Tây Tạng (Tibetan book of the dead) có nói: »Chết chỉ là một ý niệm«. Nói cách khác chết chỉ là biểu hiện sự kết thúc của tâm thức trọng trược nầy và sự chấm dứt của vật nâng đỡ tâm thức ấy – cái túi da hôi thối. Tiến trình nầy xảy ra ở mức độ tập trung cao nhất của tâm thức. Nhưng cả sinh lẫn tử ở mức độ vi tế của tâm thức đều chẳng phải là cái được gọi là »cực quang tâm thức«[47].
Nói chung, dĩ nhiên chết là một cái gì đó mà ta thường sợ hãi. Tuy vậy, chết – điều mà ta chẳng muốn tiếp xúc với nó chút nào cả – lại không thể nào tránh được. Đây là nguyên nhân rất quan trọng. Khi ta còn đang sống mà đã quen thuộc với ý niệm chết, nên sẽ không phải là cú sốc khi biết cái chết sẽ đến, không phải chúng ta thường suy niệm về cái chết để mong tiến trình ấy đến nhanh hơn, ngược lại, cũng như mọi người khác, chúng ta cũng muốn được sống lâu hơn. Vậy mà, ta không mời, cái chết vẫn đến. Chúng ta nên tin rằng nếu bắt tay vào việc chuẩn bị cho tiến trình chết của mình sớm hơn, thì đến khi ta tiếp xúc với tiến trình chết, ta sẽ thoải mái chấp nhận nó hơn.
Theo tôi, chẳng có một quy luật phổ quát nào được xem là sự quan tâm chu đáo thường dành cho bệnh nhân để giúp họ kéo dài mạng sống. Đó là một vấn đề rất tế nhị. Để khảo sát, chúng ta cần phải có rất nhiều yếu tố, tùy thuộc vào nhiều trường hợp riêng biệt. Chẳng hạn, nếu chúng ta tìm cách kéo dài sự sống của một người bệnh rất nặng nhưng tinh thần vẫn còn ổn định, nghĩa là chúng ta giúp cho người ấy cơ hội để họ tiếp tục tư duy về đạo lý mà chỉ loài người mới có được. Chúng ta cần phải xem xét bệnh nhân có hưởng được lợi lạc gì không, khi cố gắng kéo dài mạng sống? Ngược lại, bệnh nhân sẽ phải chịu một sự đau khổ tột cùng về thể xác cũng như tinh thần, hoặc trải qua tâm lý cực kỳ sợ hãi.
Nếu bệnh nhân đã nằm liệt giường, lại là một vấn đề khác. Ước muốn của gia đình người bệnh cũng phải được cứu xét kỹ lưỡng, cũng như sự chi tiêu một khoản tiền lớn do việc trị liệu để kéo dài mạng sống.
Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là cố gắng hết mình để bảo đảm cho người chết ra đi một cách thanh thản, trong sự trầm tĩnh và an lạc. Có sự khác biệt rất rõ ràng trong tiến trình chết của một người có tu tập và một người chưa có niềm tin tôn giáo. Bất luận trong trường hợp nào, dù người chết có niềm tin tôn giáo hay không, tôi vẫn tin sự ra đi trong thanh thản và an lạc là điều tốt nhất.
Hỏi: Vừa rồi có nhiều người thường đặt vấn đề với một vị tiến sĩ, liệu sẽ có một ngày nào đó, con người không còn bị bệnh tật nữa. Ngài có nghĩ rằng sau những trò lừa bịp ấy hoặc là sau hằng trăm buổi hội thảo như thế nầy, ngày đó sẽ đến khi thế gian nầy thực sự được gội nhuần trong niềm an lạc?
Đạt-lại Lat-ma: Tôi rất tin và tiếp tục hy vọng rằng chúng ta sẽ đạt được sự bình an nơi thế gian nầy. Nhưng dĩ nhiên sẽ phải luôn luôn có những vấn đề rắc rối nhỏ nhặt xảy ra.
Hỏi: Qua những ấn tượng rất đẹp trong phim »Tại sao Phật pháp đến phương Đông?«, chúng tôi biết được sự an tĩnh của tâm thường gắn liền với sự giác ngộ, và được vận hành trong sự tương quan mật thiết giữa con người và môi trường họ đang sinh sống. Nhưng Phật giáo cũng thừa nhận tính chất vô ngã của hiện tượng giới mà chúng tôi hiểu một cách đơn giản là »bản thể«[48]. Xin Ngài chỉ cho chúng tôi rõ những lĩnh vực mà ý niệm về »không tự tính« chứa đầy trong kinh luận Phật giáo và về cách nhận thức »tính không« của hiện tượng giới như thế nào để có thể dẫn dắt chúng tôi thay đổi cách nhìn ngay trong môi trường xã hội đương thời?
Đạt-lại Lat-ma: Người ta cho rằng các vật thể vô tri (các loài vô tình) thường không tồn tại trên cơ sở tự tính (inherent existence), mà chỉ tồn tại trên quy ước (conventional existence). Điều nầy không những đúng với các vật thể vô tri mà còn đúng đối với vạn vật hữu tình, có nghĩa là chúng hiện hữu do tâm thức (thức biến). Trên phương diện nầy, vật thể vô tri cơ bản là bình đẳng với sự hiện hữu của pháp giới hữu tình. Xét trong mối tương quan giữa ngoại cảnh và nội giới (tâm thức), theo một số trường phái triết học, đặc biệt là trường phái Du-già hành tông (yogacara) – một hệ phái thuộc Trung Quán Y tự khởi tông (svatantrika) và theo trường phái Duy thức (cittamatra), thì thế giới khách quan không hề hiện hữu, mà tất cả sự hiện hữu của pháp giới đều do ở tâm thức. Pháp giới không có sự hiện hữu trên cơ sở tự tính hoặc là ï hiện hữu đích thực, mà tính chất của các hiện tượng ấy chỉ là sự phân biệt được tạo nên bởi tâm (thức). Thế giới khách quan hiện hữu tùy thuộc vào tâm (thức), vậy nên nó tồn tại như một biểu hiện do tâm thức tạo ra. Do vậy, nó không tồn tại một cách độc lập ngoài sự quy định của tâm (thức), cũng không tồn tại độc lập trong tự tính của tâm. Do vậy, hiện tượng giới chỉ có thể được xem là tồn tại một cách khách quan.
Nói chung, Phật giáo công nhận thế giới này là tập hợp của rất nhiều vật thể cực vi – xem con người là một phần trong tự nhiên giới và bởi yếu tố nầy – tất nhiên có sự liên quan giữa kiếp người và môi trường chung quanh. Rõ ràng hạnh phúc của chúng ta tùy thuộc rất nhiều vào môi trường chung quanh. Đây là lý do tại sao kinh luận Phật giáo dạy chúng ta nên có cái nhìn chính xác về tự nhiên giới
Chẳng hạn như trong giới luật tỷ-khưu có một điều cấm không được làm ô nhiễm hoặc hủy phá cây cỏ và thảo mộc. Theo sự ghi chép về công hạnh của Đức Phật, dường như có một sự liên hệ rất mật thiết với tự nhiên giới. Không phải Đức Phật được sinh ra trong hoàng cung mà sinh ra trong công viên, dưới tàng cây sa-la. Đức Phật hoàn toàn chứng ngộ dưới cội cây bồ-đề[49] (bodhitree) và từ giã thế gian, nhập niết-bàn giữa các tàng cây Sa-la. Dường như Đức Phật rất yêu thích cây cỏ.
NHỮNG VẤN ĐỀ TRIẾT HỌC VỀ ĐẤNG SÁNG TẠO
Hỏi: Ngài thường nói rằng theo triết học Phật giáo, không có một đấng sáng tạo, không có một vị thần linh chủ tể sáng tạo ra thế giới, và điều nầy có thể vô tình cản ngăn những người có niềm tin vào thần quyền (divine principle). Xin Ngài giải thích rõ sự khác nhau giữa Kim Cang Trì. Bản Sơ Phật và Đấng Thượng Đế sáng tạo?
Trả Lời: Theo tôi được biết, Bản Sơ Phật (primordial buddha) cũng được gọi là Đức Phật Phổ Hiền[50], là thực tại tối thượng, biểu tượng cho Pháp thân – không tính – nơi mà tất cả mọi hiện tượng, thanh tịnh và nhiễm ô đều được hóa giải. Đây là giáo lý được xiển dương bởi cả Kinh thừa (sutra) và Mật thừa (tantra). Tuy vậy, trong vấn đề mà ông đang quan tâm, thì chỉ có truyền thống Mật tông mới giải thích Pháp thân (dharmakaya) theo thuật ngữ »cực quang bản hữu« (inherent clear light), chính là tâm thể. Điều nầy như thể hàm ý rằng tất cả các hiện tượng, luân hồi và niết bàn, đều sinh khởi từ bản nguyên trong sáng chiếu diệu nầy.
Ngay cả trường phái Tân dịch cũng có kết luận rằng »trạng thái an nghỉ« của một hành giả Đại Du-già – trạng thái của một hành giả đã đạt được một cảnh giới thiền định, khi có được cảm nhận vi tế nhất về cực quang từ bản tâm – nghĩa là khi hành giả còn an trú trong cảnh giới vi diệu nầy, là hành giả hoàn toàn tự tại thoát khỏi mọi thứ vi tế che mờ bản tâm, khi ấy hành giả đã được gội nhuần trong trạng thái diệu lạc.
Vậy nên chúng ta có thể nói rằng điểm linh quang chiếu diệu, cội nguồn uyên nguyên nầy, rất gần với ý niệm về một Đấng sáng tạo, vì tất cả mọi hiện tượng, dù nó thuộc về luận hồi hay niết bàn, đều lưu xuất từ cội nguồn nầy. Nhưng chúng ta phải hết sức cẩn thận khi phát biểu về cội nguồn uyên nguyên nầy, thì chúng ta mới khỏi bị dẫn đến chỗ sai lầm. Ở đây tôi không có ý nói đến sự hiện hữu đâu đó một loại ánh sáng hỗn hợp, tương tự như trong khái niệm về đấng Brahma[51] của ngoại đạo, như một nền tảng của mọi hiện hữu. Chúng ta đừng để bị nghiêng về khuynh hướng thần thánh hóa cảnh giới ánh sáng chiếu diệu nầy. Chúng ta phải hiểu rằng khi đề cập đến »điểm linh quang của tự tính« vi diệu nầy, là đang nói trên bình diện của cá nhân con người.
Cũng thế, khi ta nói về nghiệp như là nguyên nhân khởi đầu của pháp giới, chúng ta phải giải trừ ý niệm về một thực thể độc nhất được gọi là nghiệp hiện hữu hoàn toàn độc lập (với pháp giới). Đúng hơn, ý tưởng tổng thể về nghiệp được tích lũy một cách cá biệt, là ở ngay khởi nguyên về sự sáng tạo khô cứng của thế giới. Trong khi theo Mật thừa, chúng ta nói rằng pháp giới lưu xuất từ điểm linh quang nầy, chúng ta không nhìn khởi nguyên nầy như là một thực thể độc nhất, mà như là một ánh sáng vi diệu tối thượng của từng sinh thể. Chúng ta cũng có thể nhận ra từ bản tâm thanh tịnh nầy, điểm linh quang của tự tâm chính là Đức Phật Bản sơ (primordial buddha). Tất cả mọi tầng bậc của sự sống mà mọi sinh thể trải qua – chết: thân trung ấm – tái sinh – đều chẳng biểu tượng cho một điều gì khác hơn là vô số biểu hiện của cực quang ẩn mật nầy, cả về mặt tâm thức vi diệu nhất và năng lực của tâm. Khi cực quang nầy càng giảm đi sự chiếu diệu, thì quý vị càng cảm nhận sự nặng nề khó chịu.
Theo nghĩa nầy, sự chết và giai đoạn trung gian là lúc mà những biểu hiện thô phù lưu xuất từ cực quang được tái hấp thụ. Ngay khi chết, chúng ta trở về lại với cội nguồn uyên nguyên nầy và từ đó, một dạng thể hơi thô trọng hiện lên để tạo thành tiền đề cho thân tái sinh (thân trung ấm). Tại giai đoạn tái sinh nầy, cực quang hiện thành một thân thể vật chất. Lúc chết, ta cũng trở về lại nơi nguồn gốc nầy. Và cứ thế, năng lực nhận ra cực quang vi diệu nầy, cũng được gọi là Đức Phật Bản sơ, tương tự như trực nhận ra niết-bàn, còn khi không nhận ra được điểm linh quang từ bản tâm, sẽ khiến chúng ta lang thang trong những cõi giới luân hồi.
Đây là cách tôi hiểu được về Đức Phật Bản sơ. Sẽ nhầm lẫn nghiêm trọng khi hiểu về Đức Phật Bản sơ như là một hiện hữu độc lập và tự hữu từ vô thủy. Nếu chúng ta chấp nhận ý tưởng có một đấng sáng tạo độc lập, thì lời giải thích trong Lượng thích luận[52] của Pháp Xứng[53], và chương thứ 9 trong luận giải của Tịch Thiên hoàn toàn bác bỏ lần lượt sự hiện hữu của tất cả từng hiện tượng một, sẽ bị phủ nhận. Điều nầy, trở lại sẽ bác bỏ luôn ý niệm về Đức Phật Bản sơ. Quan điểm của Phật giáo không chấp nhận sự xác quyết hợp lý mà không đứng trên sự khảo sát chính xác. Nếu kinh điển diễn tả Đức Phật Bản sơ như là một thực thể tự có, thì lẽ ra chúng ta có thể phải giải thích sự quyết đoán nầy mà không cần dùng những ẩn dụ.
Hỏi: Sự quan tâm về những khám phá trong ngành vật lý thiên văn và lý thuyết »big-bang« làm khơi dậy cả hai vấn đề. Một là sự quan tâm lớn lao đến vũ trụ và một là cuộc phỏng vấn thăm dò bởi những thành viên trong thế hệ chúng ta về cội nguồn mà họ sinh ra, họ sẽ về đâu và sự hiện hữu tồn sinh của họ. Lý thuyết »big-bang« đã có một ảnh hưởng rất quan trọng trong cách nhìn vào vật chất và bản thể; lý thuyết ấy đã giới thiệu một ý niệm mới có thể chấp nhận được. Những tư liệu về cấu trúc vũ trụ, có tác dụng tương dung tương nhiếp lẫn nhau và những khám phá mới tiếp tục được công bố, là một nguồn thắc mắc vô tận. Giống như các truyền thống tâm linh khác, Phật giáo cũng khảo cứu những huyền vi của vũ trụ. Nhưng Phật giáo lại từ chối ý niệm về Đấng sáng tạo – Tại sao?
Phần nhiều các khoa học gia Tây phương nghĩ rằng cuộc sống và tâm là một kết quả hoàn hảo trong quá trình tiến hóa vật chất vũ trụ, thế nhưng họ chẳng biết vật chất hình thành như thế nào và tại sao qua một phương pháp yếu tố cần thiết để làm sinh khởi sự sống và tâm thức hoàn chỉnh như thế. Những gì họ biết rành rẽ là những nhân duyên nầy vận hành rất sát sao. Tuy nhiên, nó đã hoàn chỉnh trong vũ trụ nầy theo cái nhìn của vật lý thiên văn. Ngài đã có một cái nhìn rất độc đáo và hoàn chỉnh về vấn đề nầy. Xin Ngài hoan hỷ cho chúng tôi biết về tâm thức và mối tương quan của nó với vũ trụ vật chất.
Đạt-lại Lat-ma: Vì sao Đạo Phật không chủ trương có một Đấng sáng tạo? Đạo Phật cho rằng người ta không thể nào tìm thấy một sinh thể từ khởi nguyên của vũ trụ bởi vì nguyên nhân chủ yếu tạo nên mọi việc cũng không có sự khởi đầu. Nếu có một điểm khởi nguyên cho vũ trụ nầy, ắt cũng phải có một khởi nguyên của tâm thức. Nếu chúng ta chấp nhận tâm thức có điểm khởi đầu, thì... chúng ta cũng sẽ phải chấp nhận nguyên nhân của nó cũng phải có một điểm khởi đầu, một nguyên cớ ngẫu nhiên nào đó bỗng dưng tạo nên tâm thức, điều nầy sẽ đưa đến rất nhiều vấn đề khác.
Nếu tâm thức phát khởi mà không có nguyên nhân hoặc từ một nguyên nhân thường hằng, thì nguyên nhân ấy sẽ phải tồn tại theo một nền tảng thường hằng, luôn luôn như vậy, hoặc hoàn toàn không tồn tại. Thực ra một hiện tượng tồn tại dù chỉ trong thoáng chốc cũng chứng minh nó tùy thuộc rất nhiều yếu tố nhân duyên. Khi tất cả các duyên đã hội đủ, thì hiện tượng được sinh khởi. Khi một trong những duyên nầy vắng mặt hoặc chưa hoàn chỉnh, thì hiện tượng ấy không hiển bày. Khi những nguyên nhân được xem là vô thủy và vô chung, thì sự có mặt của con người cũng được nhìn như là vô thủy vô chung. Thế nên có một đấng sáng tạo là điều không thể chấp nhận.
Bây giờ chúng ta hãy xem xét một hiện tượng đặc biệt, một tảng băng đang tan chẳng hạn; thực vậy, nó có chỗ bắt đầu, nhưng nó được tạo ra như thế nào? Thế giới hiện tượng trình hiện như là kết quả từ sự tạo tác của các sinh thể sống trong thế giới nầy. Sự tạo tác hay nghiệp (karma), trở lại làm sinh khởi những ý định hay hành động của những sinh thể nầy khi không làm chủ được tâm thức của chính nó.
Đấng »sáng tạo ra thế giới« cơ bản chính là tâm. Trong kinh luận, tâm được mô tả là tác nhân. Kinh nói rằng tâm thức không có điểm khởi đầu. Nhưng ở đây chúng ta phải phân biệt cho được giữa tâm thức thô trọng và tâm thức vi tế. Tâm thức thô trọng phát sinh tùy thuộc vào hợp thể vật chất, tức thân thể. Đây là chứng cớ khi các bạn xem xét hệ thống dây thần kinh và chức năng của não bộ, nhưng nếu chỉ có những yếu tố vật chất tụ hội lại thôi thì chưa có nghĩa đầy đủ để tạo thành sự nhận thức.
Để có được nhận thức, có được chức năng quán chiếu và biết được một hiện tượng đang sinh khởi, cần phải có một nguyên nhân hợp nhất hoàn chỉnh. Nguyên nhân hợp nhất hoàn chỉnh cơ bản, có cùng một bản chất với kết quả, trong trường hợp nầy, chính là tâm thức vi tế. Đó chính là tâm thức thô trọng hay tâm thức vi tế đã siêu việt hẳn các tế bào do cha mẹ sinh ra ngay lúc vừa khởi niệm. Tâm thức vi tế không có chỗ khởi đầu. Nếu có, cái tâm được sinh ra từ một cái gì thì đó không phải là tâm. Thời luân Tan-tra (kalacakra tantra)[54] dạy rằng hành giả phải quay trở lại với từng hạt lân hư trần để nhận ra được nguyên nhân hợp nhất cơ bản của thế giới vật chất bên ngoài. Cũng như của thân thể con người.
Vũ trụ luận Phật giáo thiết lập vòng luân hồi của thế giới theo phương cách như sau: Đầu tiên là thời kỳ hình thành (thành), kế đến là thời kỳ vũ trụ nầy tồn tại (trụ), rồi đến giai đoạn bị tàn hoại (hoại), và tiếp theo là giai đoạn tiêu trầm để rồi biến mất (không) và tái tạo nên một vũ trụ mới. Trong cái không, tức các lân hư trần, từ các chất tử nầy mà một vũ trụ mới lại được hình thành. Chính trong những chất tử nầy mà nguyên nhân hợp nhất cơ bản của toàn thế giới vật chất được nhận thức.
Nếu chúng ta muốn mô tả sự hình thành của thế giới và thân thể vật lý của con người, mọi việc cần làm là phân tích và hiểu rõ phương cách mà các tiềm thể của các hóa chất và các phần tử mà vũ trụ có thể được cấu tạo thành hình dạng bắt nguồn từ các lân hư trần nầy. Chính là trên cơ sở tiềm năng đặc biệt của các chất tử nầy mà cấu trúc của vũ trụ và thân thể con người được tạo dựng nên. Nhưng trước khi các phần tử hoàn thiện thế giới bắt đầu tạo nên những kinh nghiệm khổ đau, hạnh phúc trong các sinh thể, thì chúng tôi phải giới thiệu ý niệm về nghiệp (karma) – đó là những hành vi thiện và bất thiện đã được thực thi và tích lũy trong quá khứ.
Rất khó xác định đâu là nơi mà sự biểu hiện tự nhiên từ tiềm thể của các yếu tố vật lý chấm dứt và đâu là ảnh hưởng của nghiệp – nói cách khác, đâu là nơi mà kết quả các hành vi quá khứ của chúng ta bắt đầu. Nếu các bạn thắc mắc cái gì là mối quan hệ giữa nghiệp và môi trường ngoại giới được hình thành bởi luật tự nhiên, thì đó chính là lúc để giải thích nghiệp là gì.
Trước hết, nghiệp có nghĩa là hành động (actions). Chúng ta phân biệt một loại nghiệp, gọi là ý nghiệp (mental karma), là yếu tố tinh thần từ sự dự tính hay tự nguyện thực hiện.Ngoài ra, còn có thân nghiệp (physical karma), và khẩu nghiệp (oral karma).
Để hiểu rõ sự liên quan giữa ba nghiệp, thân, khẩu, ý, chúng ta phải liên hệ đến kinh luận của Mật thừa. Trong Thời luân tan-tra (kalacakra tantra), đặc biệt giải thích rằng từ trong thân thể của mình, có thế tìm thấy được sự hình thành từ thô phù đến vi tế và cực kỳ vi tế của năm đại chủng[55] tạo nên bản chất vũ trụ khách quan. Do vậy nên qua cuộc phỏng vấn nầy, tôi tin rằng chúng ta phải quán chiếu kỹ mối liên quan giữa ba nghiệp thân khẩu ý của mình và năm đại chủng (element).
LỜI KHUYÊN CHO PHẬT TỬ PHƯƠNG TÂY
Hỏi: Thưa Ngài, xin Ngài cho chúng tôi, những Phật tử đang tổ chức và phát triển các cộng đồng tu học Phật pháp tại Tây phương, những lời khuyên.
Trả lời: Như tôi thường nói với các đạo hữu của mình, nếu chúng ta muốn giữ truyền thống tốt đẹp của Phật giáo đã được phát huy qua đời sống của người dân Tây Tạng, thì việc đó hoàn toàn tùy thuộc vào sự tự do ở Tây Tạng. Vì mục đích đó, các bạn đã cùng làm việc chung với nhau rồi, tôi mong các bạn tiếp tục làm việc vì sự tự do của Tây Tạng như vừa qua các bạn đã từng làm.
Chúng ta hãy cố gắng phân biệt hai từ: »Tự do« và »độc lập«. Cách dùng từ »độc lập« có chút tế nhị. Hiển nhiên là tôi đã cố gắng thiết lập sự quan hệ với chính phủ Trung Hoa và bắt đầu có những cuộc đàm phán rất nghiêm túc. Trong suốt 14 năm, tôi đã cố gắng hết sức mình, kiên trì trong cuộc tiếp xúc nầy, và nỗ lực theo đuổi không ngừng để đưa các cuộc đàm phán nầy đến kết quả tốt đẹp thông qua các cuộc thảo luận trực tiếp với chính phủ Trung Hoa.
Tôi muốn chia sẻ một số suy nghĩ của tôi với các bạn nam nữ Phật tử có mặt hôm nay. Trước hết, Phật giáo luôn luôn hài hòa với truyền thống mới, Phật giáo là một tôn giáo trước đây chưa có ở phương Tây. Do đó, rất bình thường khi các Phật tử đã tiếp thu Phật giáo với tinh thần Tây Tạng cũng sẽ thích thú khi được khuyến khích tiếp tục học tập theo một truyền thống tôn giáo khác. Điều nầy hoàn toàn tự nhiên. Tuy vậy, những người đã suy nghĩ rất nghiêm túc khi chuyển sang theo đạo Phật, đó là các bạn đã thay đổi truyền thống tôn giáo, thì rất quan trọng khi nghe những lời cảnh báo nầy. Việc ấy không thể do dự. Thực vậy, nếu một người chuyển đạo mà không suy nghĩ chín chắn, thường sẽ có rất nhiều khó khăn rắc rối dẫn đến sự rối loạn nội tâm. Thế nên tôi muốn khuyên những ai muốn chuyển sang đạo Phật hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định.
Thứ hai, khi một người tin rằng Phật pháp thích hợp với khuynh hướng của người ấy hơn, tin rằng Phật pháp có tác dụng với họ hơn, thì việc chọn lựa tôn giáo nầy hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, tính cách của con người là sau các cuộc thảo luận để phân định, những người nầy thường có khuynh hướng thích phê phán tôn giáo trước đây mình đã theo. Điều nầy phải tránh với bất kỳ giá nào. Cho dù tôn giáo cũ dường như không có gì hấp dẫn hoặc họ có vẻ không yêu thích (đây là lý do để họ thay đổi tôn giáo), đây không phải là lý do chính đáng để phê phán tôn giáo cũ, cho rằng chúng không có tác dụng gì đối với tâm linh nhân loại. Tôn giáo tiếp tục mang đến sự an lành vô biên cho hàng triệu con người. Bởi lý do nầy, là Phật tử, chúng ta phải tôn trọng quyền của người khác, vì những tôn giáo khác đã giúp đỡ rất nhiều cho hằng triệu người. Đặc biệt, chúng ta đang ở trong tiến trình nỗ lực tạo lập và duy trì sự hài hòa toàn diện trong các tôn giáo. Trong những trường hợp nầy, rất thiết yếu phải biết yêu cầu tôn trọng các tôn giáo bạn.
Thứ ba, điểm then chốt trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng là luôn luôn đặt vào sự phối hợp giữa học và tu. Dĩ nhiên, điều ấy xảy ra khi các bạn tự nguyện hiến mình vào việc học nhiều hay ít. Có nhiều người theo đuổi việc học rất nhiều, những người khác hài lòng với một tầm mức giới hạn trong việc học. Bất kỳ trường hợp nào, cơ bản là các bạn không nên cách biệt việc học với việc quán chiếu và thiền định. Các bạn cũng phải hàm dưỡng truyền thống tu niệm, trong đó các việc học, việc quán chiếu và thiền định không thể nào tách biệt nhau được.
Thứ tư, tôi muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tư tưởng không bè phái[56]. Điều nầy đôi khi xảy ra, người ta quy hướng sự phóng đại vào sự quan trọng của một hay nhiều trường phái hay truyền thống khác nhau trong đạo Phật, điều nầy dẫn đến một sự tích lũy vô số hành vi tiêu cực khi nhìn về Pháp (dharma). Sự lợi ích của tư tưởng không giáo phái là sau khi thọ nhận lời khai thị, hoặc lễ điểm đạo[57] và những lời giải thích hợp lý từ mỗi truyền thống tôn giáo khác nhau, chúng ta sẽ có sự hiểu biết về những giáo lý đa dạng. Theo kinh nghiệm cá nhân tôi, về điều nầy, khi không có tâm niệm nghi ngờ, thì thường có rất nhiều lợi ích. Do đó, nếu ta duy trì tư tưởng không giáo phái, như khi ta thọ nhận giáo lý từ nhiều truyền thống khác nhau, thì hãy suy niệm kỹ về các giáo lý ấy, rồi đưa ra thực hành. Chắc chắn chúng ta sẽ được phát triển sự hiểu biết về pháp. Đây là lý do tại sao tư tưởng không giáo phái rất quan trọng.
Truyền thống Phật giáo Tây Tạng có hai cách tiếp cận đã được nhiều học giả danh tiếng và các đại thành tựu giả[58] vận dụng. Thực vậy, trong khi có người tập trung vào việc học và tu tập về truyền thống, về di sản tâm linh của mình, thì có những người khác lại làm lan tỏa sở học và kinh nghiệm tu tập Phật pháp của mình với quan niệm không giáo phái. Truyền thống nầy đã tồn tại ở Tây Tạng trong số những bậc đại sư, và tôi nghĩ rằng ngày nay, tư tưởng không giáo phái này cực kỳ quan trọng và đó là phong cách Tây Tạng tuyệt diệu nhất để noi theo.
Điều thứ năm tôi muốn nói là trong suốt hơn 30 năm qua, Phật giáo Tây Tạng đã được truyền bá rộng rãi qua các lục địa khác nhau. Các vị Lama[59], Tulku[60] và Geshe[61] đã có nhiều nỗ lực vĩ đại để gieo trồng cho loài hoa Phật giáo Tây Tạng nở rộ khắp thế giới, và được hỗ trợ bởi hằng trăm ngàn môn đồ và học chúng. Trong suốt thời kỳ đó, có một số trường hợp hơi thiếu lành mạnh đã sinh khởi, dẫn đến một số rắc rối. Ban đầu là do niềm tin mù quáng ở một số đệ tử và cũng do một số vị thầy đã lợi dụng sự non yếu của các đệ tử. Đã có nhiều vụ tai tiếng về tài chính và lạm dụng tình dục. Những thứ ấy rồi cũng xảy ra! Kết quả là tôi phải kêu gọi ngay vào thời điểm ấy, rất cần thiết cả đệ tử lẫn thầy phải nhắm đến mục đích tâm linh – hàm dưỡng diệu pháp thanh tịnh. Đó là trách nhiệm của chúng ta, loại tất cả các hành vi bất tịnh nầy vào chỗ cáo chung.
Đức Phật dạy bốn phương pháp để cho môn đệ sống hòa hợp với nhau (tứ nhiếp pháp), bốn pháp nầy bảo đảm cho sự hoàn thiện cho mọi thành viên trong đại chúng. Sáu ba-la-mật(paramita) được thực hành để đạt đến sự hoàn thiện cho cá nhân, còn Tứ nhiếp pháp nhằm đạt đến sự hoàn chỉnh cho toàn thể đại chúng. Từ nhiếp pháp bao gồm trước hết là sự giúp đỡ về đời sống vật chất (bố thí nhiếp), rồi dùng lời nói nhu hòa trong khi giao tiếp (ái ngữ nhiếp), rồi giúp đỡ nhau trong cuộc sống (lợi hành nhiếp) và cuối cùng là ứng dụng sự tương thích giữa lời nói và hành động (đồng sự nhiếp). Trước hết, rất quan trọng khi duy trì điểm cuối cùng (đồng sự) trong tâm mình. Nếu ta không tự chủ được tâm mình, thì rất khó hướng dẫn được tâm ý của người khác. Chúng ta không biết có thể điều khiển tâm ý của người khác hay không, nhưng đó lại là việc ta muốn làm! Bất luận trường hợp nào, điểm thiết yếu cho những người tuyên bố họ muốn giúp ích người khác là họ phải làm chủ được tâm mình. Ngày nay, việc thực hành điều nầy rất quan trọng đối với những bậc thầy, họ được nhắc nhở thường xuyên về giáo lý của Đức Phật, về cách giúp đỡ người khác trong sự hài hòa giữa lời nói và việc làm.
Xin trích dẫn câu ngạn ngữ Tây Tạng. Một đệ tử không nên trao mạng mình cho một vị đạo sư tâm linh »như con chó phó thác mình cho miếng thịt«. Người đệ tử không nên vội vã đặt để niềm tin tức thì vào ngay vị đạo sư, mà nên cần có thời gian quán chiếu sâu sắc và khảo nghiệm phẩm tính của bậc thầy trước khi thiết lập sự an định tinh thần với thầy qua việc thọ nhận sự truyền giáo của thầy. Lợi lạc hơn để tiếp nhận lời dạy của thầy khi nhìn thấy trước và trên tất cả là một người bạn tinh thần. Chúng ta không nên vội vã vừa nghe lời dạy của thầy đồng thời vừa thăm dò. Dần dần, nếu qua việc quán sát, ta tin tưởng đó là một vị đạo sư đích thực, hoàn thiện phẩm chất, xứng đáng tin tưởng, thì chúng ta có thể làm theo lời chỉ giáo và xem đó chính là bậc đạo sư của mình. Chúng ta phải đừng nên vội vã.
Điểm thứ sáu mà tôi muốn đi vào trọng tâm của giáo pháp, có liên quan đến lời kinh chúng ta tụng hằng ngày: »Nguyện cho mọi chúng sinh có được hạnh phúc và nhận ra nguyên nhân tạo ra hạnh phúc nầy«. Đây là những điều chúng ta nên áp dụng trực tiếp bằng cách làm một việc gì có ích cho xã hội, dấn thân vào các hoạt động từ thiện trong cộng đồng, bằng cách nỗ lực giúp đỡ những người gặp khó khăn, chẳng hạn như giúp những người tổn thương tinh thần hay người gặp những nạn khác. Đây không có nghĩa nhất thiết phải dạy cho họ Phật pháp, nhưng tốt hơn là chính mình dùng giáo pháp để cứu giúp mọi người. Tôi nghĩ những hành động trực tiếp giúp người khác là những điều chúng ta cần nên phát huy. Đó cũng là kết quả tự nhiên xuất phát từ lời kinh hằng ngày khác: »Nguyện cho mọi chúng sinh đạt được hạnh phúc và thoát khỏi mọi khổ đau«.
Theo nguyên tắc này, nếu chúng ta mang đến điều thiện, dù chỉ cho một người, nghĩa là chúng ta đang hoàn thành lời nguyện ta vừa phát ra. Hơn thế nữa, toàn thể đại chúng trong những trung tâm Phật học nên tham dự vào các hoạt động xã hội bằng cách giúp đỡ cho những người khác và tôi nghĩ đây là điều rất quan trọng đối với vấn đề hoạt động của các trung tâm Phật giáo nầy.
Đối với người Phật tử, ăn chay không phải là sự cưỡng chế. Tuy vậy, đối với chúng ta, những người theo truyền thống Đại thừa, thì rất quan trọng. Nhưng lời dạy của Đức Phật về vấn đề nầy rất rộng rãi và uyển chuyển, các tham dự viên có quyền chọn lựa trở thành người ăn chay hay không. Nhiều cuộc hội họp lớn thỉnh thoảng được tổ chức ở các trung tâm Phật giáo, khi có các cuộc lễ hội hay các buổi thuyết pháp, tôi nghĩ nếu có nhiều người cần được phục vụ ăn uống thì việc chỉ phục vụ cho họ thức ăn chay trong suốt thời kỳ lễ hội là rất quan trọng.
Điều thứ bảy: Chúng ta thường tụng lời kinh: »Nguyện cho Phật pháp được truyền bá sâu rộng«. Nếu Tây Tạng giành lại được tự do, điều nầy chắc hẳn sẽ giúp cho sự hoằng truyền Phật pháp được sâu rộng, gồm cả Tiểu thừa, Đại thừa cũng như cả Mật thừa. Cho nên có một sự liên hệ mật thiết giữa nền tự do của Tây Tạng với sự hoằng truyền Phật pháp trên thế giới. Nếu sự kiện nầy không phải là vấn đề, nếu vấn đề cơ bản, tự do của Tây Tạng đơn giản chỉ là tiêu điểm chính trị, thì với tư cách là một tăng sĩ, một đệ tử Phật, tôi chẳng có lý do gì để có sự liên hệ như thế. Nhưng hai phương diện đều có sự liên kết rất chặt chẽ.
Dù ngay khi tôi tán trợ việc giải trừ quân bị ở Tây Tạng, tạo thành khu vực hòa bình, mặc dù thuật ngữ »giải trừ quân bị« chẳng phải là thuật ngữ Phật học, tuy nhiên dự án đó liên hệ rất mật thiết với Phật pháp. Rất nhiều người trong số các bạn ở đây là đại biểu và thành viên của nhiều trung tâm Phật giáo, đều là trong số những người đã tham dự vào phong trào tự do cho Tây Tạng. Tôi xin cảm ơn quý vị và mong quý vị tiếp tục nỗ lực, giữ trong lòng sự liên quan giữa Phật pháp và sự tự do của Tây Tạng, để ban tặng sự thực hành ý nguyện giáo pháp được hoằng truyền và phát triển sâu rộng.
Mục đích cuối cùng của tôi: các bạn phải giữ cho tâm mình an lạc và biết cách mỉm cười.