3. Tứ Y

02/12/20163:42 SA(Xem: 9282)
3. Tứ Y

XÁC ĐỊNH 
TINH THẦN VÀ LẬP TRƯỜNG TU HÀNH 
Chân Hiền Tâm 
Nhà xuất bản Tổng Hợp TP. HCM

 

TỨ Y

 

Tứ y là :

1/ Y theo pháp không y theo người.

2/ y theo nghĩa không y theo lời.

3/ Y theo trí không y theo thức.

4/ Y theo kinh liễu nghĩa không y theo kinh bất liễu nghĩa.

Phật dạy TỨ Y này cho người tu Đại thừa.

Y theo pháp, không y theo người

PHÁP là chỉ chung cho những gì ta học hỏi được từ kinh luận, cũng chỉ luôn cho những phương tiện tu hành mà ta đang thực hành, và cuối cùng là chỉ cho Pháp tánh. Pháp tánh là chỉ cho TÁNH KHÔNG của vạn pháp, là PHẬT TÁNH của chúng hữu tình.

Phần thâm sâu nhất của PHÁP là pháp tánh. Y THEO PHÁP tức là sống trở lại được với Phật tánh của chính mình. Vì thế, KHÔNG Y THEO NGƯỜI nói đây là không y theo các bậc Thiện tri thức không thuộc Đại thừa. Kinh Đại Bát Niết Bàn nói “Y nơi pháp tức là pháp tánh. Không y nơi người tức là Thanh Văn”. Thanh Văn là chỉ cho những vị lấy cái định Diệt Thọ Tưởng làm cứu cánh mà không lấy Đại Niết Bàn Pháp Thân làm cứu cánh. Quả vị của các vị chỉ mới là hóa thành chưa phải bảo sở nên các vị không thể dạy chúng ta trở về nhập lại Phật tánh của chính mình. Vì lý do đó, kinh khuyên “Không y chỉ nơi các vị Thanh Văn”.

Đây là cái chuẩn “Y theo pháp, không y theo người” thứ nhất. Nó là nền tảng cho những thứ Y THEO và KHÔNG Y THEO nói sau.

Trải dài sanh tử, ô nhiễm quá nhiều nên muốn sống lại được với Phật tánh của chính mình, ta phải có một quá trình tu hành mà kinh gọi là tiệm tu. Đây là giai đoạn mà chúng ta cần đến kinh luận, pháp môn và sự giúp đỡ của chư vị Thiện tri thức rất nhiều. Kinh luận hằng hà sa số bao nhiêu thì về LÝ, tinh thần chính cũng chỉ tập trung quanh vấn đề Duyên Khởi, mà mặt triển khai của nó là Nhân DuyênNhân Quả. Về SỰ, kinh hay luận đều dạy ta phá trừ bản ngã. Nói cách khác là phá trừ tham - sân - si. Phá trừ tham - sân - si rồi chúng ta mới có thể trở về ngộ nhập lại Phật tánh của mình. Đây là hai cái chuẩn để ta biết mình nên Y THEO PHÁP thế nào đối với kinh luận. Không có cái chuẩn này, không phải là kinh luận của Phật Tổ.

Pháp môn cũng vậy. Về LÝ, pháp môn ấy phải đáp ứng được cái LÝ đã nói trong kinh luận. Về SỰ, nó có khuynh hướng giúp ta trừ bỏ tham - sân - si và đưa tâm mình trở về VÔ NIỆM. Pháp môn nào đáp ứng đủ cả hai mặt LÝ và SỰ như thế, ta có thể yên tâm y tựa vào đó. Như pháp môn niệm PhậtTổ Ấn Quang đã dạy. Miên miên mật mật với một câu A Di Đà trong tất cả thời là lấy cái niệm ấy thay cho muôn niệm để ngộ nhập được Thực Tướng Niệm Phật. Hoặc như pháp môn BIẾT VỌNG KHÔNG THEO ta đang áp dụng đây. Nó có khuynh hướng giúp ta buông dần các niệm tưởng, đưa tâm về cảnh giới vô niệm ... đều là những pháp ta có thể y theo nếu đủ cơ duyên.

Với tiêu chuẩn kinh luậnpháp môn trên, chư vị Thiện tri thức nào dạy ta tu hành trở về ngộ nhập lại Phật tánh của mình, dạy ta phá trừ tham - sân - si thì ta nên kề cận tham học. Song vì sao đây Phật lại dạy “Không y theo người”?

KHÔNG Y THEO NGƯỜI là để ta có tầm học hỏitu hành được rộng rãi hơn, không phải là không cần đến chư vị Thiện tri thức.

Do ta hay có tâm chấp tướng rất nặng nên Phật dạy mình như thế. CHẤP TƯỚNG là không để ý đến nội dung mà cứ ôm khư khư những hình thức bên ngoài làm thứ quyết định cho mọi vấn đề. Đến với chùa chiền và tu hành theo Phật thì mình phải nương nhờ vào Tam Bảo là lẽ tất nhiên. Song nếu mình chỉ lấy hình tướng Tăng Ni làm chỗ nương tựa mà quên mất phần nội dung bên trong thì lại sinh chuyện. Như việc cô Ni tôi đã kể trên. Dạy anh tôi đừng cúng quít để người chết khỏi quấn quít bên thân nhân. Nghe dạy vậy mà làm theo là mình đang qui hướng về 3 đường dữ. Chẳng qua do chấp tướng mà ra.

Phật dạy ta nhân thiện thì quả thiện, nhân ác thì quả xấu, không dính mắc thì được siêu thoát. Phật không dạy ta mê tín dị đoan. Phật không dạy quả quít quyết định được vận mệnh của con người. Về LÝ lời dạy của Ni không đáp ứng đúng với lời Phật dạy trong kinh. Song mình vẫn làm theo vì mình tin vào hình tướng đầu tròn áo vuông của Ni. Mình tưởng có được mấy thứ ấy choàng vào người là lời nói của Ni đương nhiên có giá trị. Giá trị hay không là do trí tuệ, không phải do áo quần hay do đầu không có tóc. Mình cứ lấy hình thức quyết định luôn cho nội dung thì có ngày phơi thây cùng tuế nguyệt. Vì thế Phật dạy “Y theo pháp, không y theo người”.

Một loại chấp tướng nữa là chấp vào hình tướng giữa Tăng Nicư sĩ. Thường, thứ gì Tăng Ni làm, mình thấy có giá trị hơn của cư sĩ. Cầm một cuốn sách lên đọc thấy cũng hay đó, nhưng khi khám phá ra tác giả là một cư sĩ, bỗng dưng mình khởi niệm nghi ngờ. Cũng đều là ngôn từ chữ nghĩa nhưng khi viết đến từ Tăng Ni, mình lại viết hoa mà không viết thường như từ cư sĩ được. Đó là do lòng kính trọng Tam Bảo mà ra. Nhưng vì sự kính trọng ấy mà dính mắc vào đó rồi sinh chuyện lúc nào không hay thì sự kính trọng ấy cũng thành bịnh.

Tại ngôi chùa nọ, vì bận nên Thầy Trụ Trì mấy đợt liền không dẫn chúng tụng kinh mà để cho một cư sĩ làm chuyện ấy. Thế là có nhiều vị bực bội không yên rồi không đi chùa nữa. Vì anh chàng ấy dẫn kinh cà xịt cà đụi khiến mọi thứ rối rắm cả lên mà ở nhà thì không có gì để nói. Đằng này anh ta dẫn kinh chẳng khác Thầy Trụ Trì, chỉ vì anh ta là cư sĩ thành mấy bà cụ không chấp nhận.

Tăng dẫn chúng hay cư sĩ dẫn chúng thì tụng kinh cũng cốt để nhiếp tâm của chính mình mà thôi. Việc nhiếp tâm ấy không dính gì đến hình tướng của Thầy Trụ Trì hay anh cư sĩ. Chỉ vì một chút chấp tướng mà sinh bực bội rồi bỏ đi chùa hết mấy kỳ. Cái chấp tướng ấy làm mọi thứ trở nên đình trệ và hạn chế. Vì thế Phật dạy “Y theo pháp, không y theo người”.

Mình tu thiền, vấn đề này lại càng phải cẩn trọng. Lục Tổ khi được truyền y bát vẫn còn là hình tướng của một cư sĩ. Tuệ Trung Thượng Sĩ hay Thiền Tổ phái Trúc Lâm đều là những vị sáng đạo dưới hình thức cư sĩ. Nếu mình để cho kiểu chấp tướng trên chi phối cả nhận thức lẫn hành động của mình, thì tuy là con cháu nhà thiền nhưng chỉ có danh xuông còn thực chất thì không có. Nó nói lên niềm tin của mình đối với Phật tánh hay pháp thân chưa rõ ràng. “Phật tánh không có nam bắc”, vì sao lại so đo hình tướng Tăng Ni hay cư sĩ để mọi việc trở nên đình trệ? Chỉ một chuyện tụng kinh nhỏ nhặt thôi, mình còn chịu không được thì niềm tin thấy tánh sống đạo dưới thân tướng của một cư sĩ mình càng khó chấp nhận hơn. Đó là do niềm tin đối với Phật Tổbản thân không đủ, nên mình không đủ niềm tin đối với người. Không có niềm tin vững chắc đối với bản thân thì việc tu hành sẽ lừng chừng giữa đường.    

Nói vậy là để mình đừng chấp vào hình tướng bên ngoài khiến vấn đề tu hành của mình bị đình trệ, không phải là để sinh cái tâm hơn người. Nội lực không có, trí tuệ trần trụi, nhân quả sống chưa xong … mà lúc nào cũng như Tổ Phật ngày xưa là đang rơi vào hình thức chấp tướng ngược lại. Thay vì chấp vào hình tướng Tăng Ni, bây giờ lại rơi vào hình tướng cư sĩ. Đây là rủ nhau vào địa ngục cho đông thêm vui.

Cái chấp tướng thứ ba là chấp vào tướng giữa Tăng Ni với Tăng Ni. Đến chùa là phải tìm cho được vị nào lớn nhất trong chùa mới qui y làm đệ tử. Hoặc cạo đầu vô chùa thì phải đợi cho được Hòa thượng ra mới chịu cạo đầu. Qui y hay cạo đầu cũng chỉ là những hình tướng bên ngoài. Cốt yếu là ở phần giữ giới của mình đây. Qui y, cạo đầu rồi mà không giữ giới đàng hoàng thì dù được Phật qui y chăng nữa, cũng không thể lấy cái đó mà khoe với quỉ thần, đừng nói là qui y với Hòa thượng.

Kế là tu học thì phải tu học với ông Thầy chứ ông Trò thì chê. Cũng đúng thôi! Bởi ông Thầy thì phải hơn ông Trò. Nhưng thế gian này là thế giới duyên khởi. Thứ gì cũng có nhân có duyên của nó. Không nhân không duyên muốn cũng không được. Xưa đức Phật không độ được bà già mà đó là nhân duyên của vị đệ tử nhỏ nhất trong Tăng đoàn. Có nhân duyên rồi thì một cái nhíu mày hay một giọt nước mắt của chư vị cũng là thứ để mình ngộ đạo tu hành. Còn nhân duyên ít quá, đeo cho lắm lợi ích cũng thành hạn chế.

Hồi mới đến thiền viện đây, tôi chỉ nghe một mình Hòa thượng Trúc Lâm giảng thôi. Không đến nỗi rơi vào tình trạng chấp tướng trên, nhưng cũng là một loại chấp khá kinh khủng. Lúc ấy, không phải vì Hòa thượng là người đạo cao đức trọng, là Thầy của tất cả Tăng Ni mà tôi làm vậy. Chẳng qua vì sách của Hòa thượng giúp tôi thoát được những bế tắc lúc bấy giờ. Cũng chính vì những trang sách ấy mà tôi tìm đến thiền viện. Vì vậy trong mắt tôi chỉ có mình Hòa thượng thôi. Tôi chỉ đến thiền viện vào dịp cuối tháng và chỉ nghe mình Hòa thượng giảng, còn những vị khác cho ra rìa. Phải chi nghe qua các vị giảng một lần rồi chê thì không nói. Đằng này chỉ mới nghe “Nam mô ...” mà không phải giọng của Hòa thượng là tôi nhỏm đít bịt tai nhất quyết không nghe. Giọng gì mà kỳ cục!

Đã chấp rồi thì chấp theo kiểu nào cũng thành bịnh hết. Việc nghe pháp trở thành hạn chế. Việc tu hành cũng ảnh hưởng theo.

May là cái duyên của tôi còn lớn. Hồi mới ngồi thiền, đâu được mươi ngày thì cảnh giới lạ xuất hiện. Thấy thì bỏ qua rồi. Nhưng mấy tháng sau, vô tình đọc được cuốn Vô Niệm Niệm Phật, thấy tác giả cuốn sách diễn tả cảnh giới mà ngài gọi là Phật tánh, y hệt trạng thái tôi đã trải qua. Nghe đến hai chữ Phật tánh thì không bỏ qua được nữa, nóng lòng muốn hỏi cho ra lẽ. Nhưng không cách gì gặp được Hòa thượng. Chờ thì Hòa thượng không có. Khi Hòa thượng có thì chui vô không lọt. Đành phải chui vào cái thất bên cạnh. Chui vào thất bên cạnh rồi, mới biết là không phải chỉ có Hòa thượng mới giải quyết được sự bế tắc của mình. Sư Ông là ngọn đuốc khơi sáng niềm tin và soi rõ con đường mình đi. Nhưng trên đường đi mình cần có người gần gũi, dìu dắt, dẫn đường như những bạn đồng hành. Song qua đến Hòa thượng Thường Chiếu rồi cũng cứ chứng nào tật nấy. Tuy có mở tâm một chút, nhưng chỉ hai chứ không có vị thứ ba. Thầy biết cái bịnh cố thủ của tôi, khuyên tôi nên đi nghe giảng thường xuyên, không phải chỉ ở Thầy mà ở cả những vị khác. Từ đó việc nghe pháp của tôi có mở rộng. Quả tình, tôi tìm được rất nhiều thứ trong các buổi giảng pháp mà không phải chỉ ở Hòa thượng Trúc Lâm mới có.

Không phải tới chùa, mình mới được dạy “Y theo pháp, không y theo người”. Ngay cả ngoài đời đây đã có những câu ngụ ngôn dạy mình tương tự như thế. Kẻ không trí có lúc cũng phát biểu một câu nghe rất có lý. Đứa bé con phát biểu một câu có khi già cả đời, mình nghĩ cũng không ra. Như thằng út của chị bạn tôi, 5 tuổi. Một lần chị mua về cho con bé đầu lòng đôi sandale thì con bé mang chật, đi đổi thì làm biếng mà bỏ thì tiếc, chị tính kế dụ thằng bé mang đi học. Lúc đầu thằng bé cự, nhưng uốn ba tất lưỡi, chị dụ được thằng bé xỏ chân. Xỏ chân rồi chị lần đến mục đích cuối cùng “Con thấy đẹp chưa. Mẹ có con mắt mà! Con mang đi học người ta khen đẹp cho coi”. Thằng bé trả lời “Nhưng mẹ già rồi, mắt cũng phải mờ đi chớ!”. Cho rằng một đứa trẻ chỉ biết chơi và ăn thì mình sẽ chẳng nhận được gì trong câu nói ấy. Một câu nói thâm thúy chứa đầy Phật pháp!

Hãy lắng nghe rồi từ chối còn kịp, hơn là từ chối trước khi chưa nghe gì hết.

“Y theo pháp, không y theo người” còn mang ý nghĩa phản quang tự kỷ mà nhà thiền đã nói. Nghĩa là, không nên quan tâm đến những biểu hiện của vị Thiện tri thức mà hãy quan tâm là mình đã nhận được gì từ vị Thiện tri thức ấy. Điều này cũng chí lý thôi. Vì mình đến chùa là để tu học không phải là để phê phán hay đánh giá người khác. So sánh đánh giá hoài, chỉ làm tăng thức phân biệt của mình, là điều tối kỵ trong nhà thiền. Hướng ra phân biệt hoài thì biết bao giờ mình mới ngộ đạo và sống được với đạo? Đã không chủ tâm phát huy thức phân biệt thì đâu cần phải mất thì giờ với những biểu hiện bên ngoài của mọi người.

Quan trọng là mình học được gì ở chư vị. Học pháp với vị ấy mà tham sân mình mỗi ngày mỗi bớt, mình ít dính mắc với ngoại cảnh hơn là được rồi. Còn vị ấy thế nào không ảnh hưởng gì đến mình. Vị ấy nói nhiều mà trị được cái tật nói nhiều của mình thì cái nói nhiều ấy chính là pháp trị bịnh cho mình. Vị ấy hét mà cái hét ấy khiến mình nề nếp hơn thì cái hét ấy là pháp cho mình. Vị ấy hiền hòa mà cái hiền hòa ấy khiến mình sửa đi những tật xấu của mình thì cái hiền hòa ấy là pháp cho mình. Vị ấy cộc lốc vô tình mà khiến mình tự tại được với những yêu ghét của thế gian thì cái cộc lốc ấy là pháp cho mình. Phản quan tự kỷ theo kiểu như vậy thì hành tướng nào cũng là hóa thân của chư vị Bồ tát giúp mình tu hành. Thực hành như vậy thì không còn thì giờ đâu để hướng ra ngoài so đo phân biệt thế này với thế kia. Quan trọng là mình tha thiết với việc tu hành thì hình tướng nào cũng thành đạo đối với mình hết.

Trước tôi có một chị bạn. Kêu chị chứ cũng hơn 60 rồi. Chị theo học pháp với một Thầy thuộc hệ phái Tiểu thừa ở tận Vĩnh Long hay Long Xuyên gì đó. Tuy là Tiểu thừa, nhưng Thầy nói về Phật tánh như bên Đại thừa. Nhìn cách chị kể, tôi thấy Thầy dạy chị những phương cách rất gần với nhà Thiền. Tôi hỏi chị vì sao lại đi xa vậy chỉ để học những thứ mà ở Long Thành này cũng có. Chị nói vì Thầy “dữ dằn”. Cái dữ của Thầy mới trị được cái bịnh cứng đầu cố chấp và mớ bòng bong trong người chị. Khi nào chịu không được thì chị lặng. Nhưng khi nguôi ngoi, chị hiểu con ngựa chứng như chị nếu không có cái cứng rắn và phương thức thẳng thắn của Thầy, đến chết chị cũng không thay đổi được gì. Không bỏ được, kiếp sau trồi đầu lên chị lại phải điêu đứng vì những cái không đâu như kiếp này. Thành xa xôi bao nhiêu, bực bội thế nào, tỉnh hồn rồi chị cũng lết về với Thầy.

Mới thấy không phải chỉ có nụ cười hiền hòa, phong thái tự do tự tại mới là chân Thiện tri thức của người tu. Tự tại mà không lợi ích cho ai, chỉ khiến người thêm bê tha không giới luật thì trong vấn đề giáo hóa, cái tự tại ấy thành vô ích. Vì thế, đức từ bi không chỉ có trong phong thái dịu dàng của Bồ tát Quán Thế Âm mà cảhình tướng dữ dằn của ngài Tiêu Diệm. Ngài Duy Ma nói “Chúng sanh ở cõi này cang cường khó giáo hóa nên Phật dùng những lời cang cường để điều phục họ … Vì những người khó giáo hóa, lòng như khỉ vượn nên dùng bao nhiêu pháp để chế ngự lòng họ. Như voi ngựa ngang trái không điều phục được, cần phải đánh đập dữ tợn cho đến thấu xương mới điều phục được. Chúng sanh can cường khó giáo hóa cũng như thế. Phải dùng tất cả những lời khổ thiết mới có thể đưa họ vào khuôn khổ”. Sử dụng đúng lúc đúng nơi thì 2 hình tướng tuy trái nhau nhưng cùng chung một mục đíchlợi ích cho chúng sanh. Không y phápchỉ y người thì đi đâu mình cũng thấy trở ngại, đụng đâu mình cũng thấy rào chắn. Việc học hỏi của mình sẽ đình trệ không tiến tiển được. Vì thế Phật dạy “Y pháp bất y nhân”.

Y theo nghĩa, không y theo ngôn từ

Chữ nghĩa ngôn từ là thứ giúp con người chuyển tải ý nghĩ của mình cho người khác. Trong đạo nó là thứ chư Phật Tổ và các vị Thiện tri thức muốn chuyển tải giáo pháp cho chúng sanh. Các thứ chữ ấy gọi là LỜI. Ý nghĩa mà chư Phật Tổ muốn nói qua câu nói ấy, gọi là NGHĨA.

Có những lời khi nói lên người khác khó lầm được ý nghĩa của nó. Đó là những câu nói đơn giản như “Tôi uống nước”. Hoặc “Người Phật tử tại gia phải giữ gìn 5 giới”. Nghĩa của nó hiển khá rõ qua câu nói nên ít người lầm lẫn. Nhưng có những câu, nếu chỉ hiểu theo ngôn từ bề ngoài mà không thấu được ý nghĩa thực của nó thì vấn đề muốn nói sẽ thành sai lệch. Như câu “Quên mất tâm bồ đềtu hành các thiện pháp gọi là hành động của ma” chẳng hạn.

Nghĩa của nó là ‘Các thiện pháp chỉ có ý nghĩa khi nó được thực hành bởi một một người đã phát tâm bồ đề’. Nói cách khác ‘Mọi thiện pháp đều hồi hướng cho con đường Phật đạo mới không phải là hành động của ma’. Nếu ta hiểu câu nói đó theo từng chữ của nó, thì rõ ràng ngoài người phát tâm bồ đề ra, ai làm thiện cũng đều là ma hết. Song trong kinh Phật dạy, chỉ cần thực hành thiện pháp - như 10 thiện chẳng hạn - là sinh được ở cõi trời, đâu phải là ma. Vậy thì có gì sai lệch trong câu phát biểu trên? Sự sai lệch có là do mình y theo lời mà không y theo nghĩa, không phải bản thân câu nói ấy sai.

Từ MA mà kinh nói nay là đối với con đường Phật và Bồ tát, không phải đối với Nhân Thiên thừa mà nói. Pháp thế gian là pháp nhân duyên nên dù chỉ một lời nói, cũng không thoát được cái lý ấy. Pháp nhân duyên thì nó chỉ có ý nghĩa trong cái duyên nó đang hiện hình, ngoài những duyên đó ra nó không còn mang ý nghĩa gì nữa. Câu nói ấy được lập ra cho những vị đang đi trên con đường Phật đạo. Vì vậy, nó chỉ có ý nghĩa trong cái duyên thành Phật mà thôi. Tính chuyện thành Phật mà không chịu phát tâm Bồ đề, chỉ một mực làm phước thiện rồi nghĩ tương lai đương nhiên thành Phật là việc không thể có. Đây là gieo nhân cỏ mà tính chuyện gặt lúa thơm. Lộn nhân lộn duyên như thế nên kinh gọi việc làm ấy là ma. Hiểu như vậy, mình sẽ thấy kinh luận không mâu thuẫn nhau.

Một chuyện nhỏ xảy ra trong gia đình khiến tôi thấm thía lời dạy “Y theo nghĩa, không y theo lời này ” rất nhiều.  

Lau nhà, thường thì tôi giặt khăn còn thằng bé nhà tôi lau. Nó có bổn phận lau bàn Phật và phòng của nó. Thói quen như thế rồi nên giặt khăn xong tôi chỉ nói “Lau phòng con” hay “Lau bàn Phật” thì thằng bé hiểu là cần lau cái gì. Đương nhiên khăn lau nhà thì không thể đem lau bàn Phật dù nói “Lau bàn Phật”.

Giỗ, có người quen xưa đến thăm. Bà thấy thằng bé là con trai mà lau nhà thì tội quá, dành làm cho bằng được. Người ta nhiệt tình mà mình từ chối thì không đành nên tôi cũng để bà làm cho vui. Có điều, tôi quên bẵng từ lâu bà không còn là người thân đối với sinh hoạt của gia đình nên cứ bổn cũ soạn lại. Tôi giặt khăn, bà lau nhà. Lần này cái khăn lau nhà lau sạch ba đức Phật và đi hết một vòng bàn thờ. Không nhiếp tâm phân biệt, khó mà yên lòng với việc tất trắc của mình.

Giáo pháp của đức Phật có thứ hiển rõ ràng được như nhân quả, nhân duyên. Song có thứ không thể lấy ngôn từ mà hiển được ý nghĩa của nó như THỰC TƯỚNG của nhân quả nhân duyên. Cái không thể hiển bằng tri thức mà phải dùng tri thức để hiển, thành phải mượn chuyện trên trời dưới đất mà nói, cốt để chỉ cái không trên trời cũng không dưới đất. Như những công án hoặc những lời nói qua lại của các vị thiền sư chẳng hạn. Lật cuốn Tự Điển Thiền Tông ra, mình sẽ hiểu cái kiểu mượn lời diễn ý, treo đầu dê bán thịt chó này. Những lời nói thô ở thế gian còn vậy, huống là những chỗ tu hành thực chứng của chư vị. Không phải là những kẻ quen việc trong nhà như thằng bé con thì khó mà hiểu hết ý nghĩa của những lời nói ấy.  

Quen việc rồi, nên dù nói “Lau phòng bàn Phật” hay “Lau bàn Phật” hay chỉ nói “Bàn Phật” thì thằng bé cũng hiểu là nói đến việc gì. Nó không thấy có cái gì khác nhau trong 3 câu nói ấy dù 3 câu ấy hoàn toàn khác nhau. Nếu là người không quen việc mà có chút trí để hiểu “Đang trong cái duyên là lau nhà, khăn lau nhà không thể đem lau bàn Phật” thì hoặc là mình tìm hiểu xem câu nói ấy có ẩn ý gì, hoặc mình suy luận “Vẫn lau nhà mà phần nhà có dính đến hai chữ bàn Phật”. Song vừa không quen việc, vừa không trí nên lời sao mình cứ theo vậy mà làm. Phật không muốn mình hiểu giáo pháp tối thượng của ngài theo kiểu người không trí như thế, nên dặn dò “Y theo nghĩa, không y theo lời”.

Suy luận thì còn nói đến trúng trật, chứ quen việc rồi thì không thể nhầm lẫn, nên “Y theo nghĩa, không y theo lời” còn mang một ý nghĩa nữa : Trực nhận cho được chỗ mà ngôn từ muốn nói đó.

“Giác là tâm thể ly niệm”. Không phải chỉ hiểu trên ngôn từ rằng “Giác là tâm thể không có niệm tưởng” mà phải sống thực với cái tâm thể ấy. Phải nhận cho được cái ly niệm ấy là thế nào. Như nói đường ngọt thì phải biết đường ngọt là thế nào bằng chính cái lưỡi của mình, không phải nghe người ta diễn tả hay tự mình suy luận. Đó gọi là NGHĨA.

Trong kinh Lăng Già Tâm Ấn, Phật có nói về phần NGỮ và NGHĨA này. Ngài Hàm Thị bàn “Ngữ là ngôn giáo Như Lai nói ra Tam thừaNhất thừa. Nghĩa là đệ nhất nghĩa thánh lạc hành xứ”. Đệ nhất nghĩa là tên khác của Phật tánh hay pháp thân. Đệ nhất nghĩa thì lìa tất cả vọng tưởng ngôn thuyết. Đức Phật dùng NGỮ để chúng sanh tu hành mà nhập được NGHĨA. Nhờ NGỮ mà vào NGHĨA, chứ NGỮ không phải là NGHĨA. NGHĨA nói đây vừa mang ý nghĩa chỉ cho Đệ nhất nghĩa đế, vừa chỉ cho thứ mà phải trực nhận nó ta mới biết được. Đó là vì Đệ nhất nghĩa đế lìa ngôn thuyết vọng tưởng. Nếu cứ y vào ngôn thuyết vọng tưởng mà hiểu Đệ nhất nghĩa thì nó không còn là Đệ nhất nghĩa nữa. Không còn là Đệ nhất nghĩa thì không phải là Y THEO NGHĨA.

Y theo trí, không y theo thức

Kinh nói “Sanh diệt là thức”. Có thể coi đó là một trong các định nghĩa về THỨC. Còn định nghĩa nó rõ ràng, hình dáng nó ra sao, nó nằm ở đâu thì chịu. Chỉ có thể hiểu đại khái là, nói đến THỨC là nói đến sự liễu biệt hay phân biệt, nó có mối liên quan đến đối tượng và chủ thể. Trong sinh hoạt đời thường đây, những suy nghĩ và hành động nào mang khuynh hướng tình cảm thường tình của người đời, là mình đang bị THỨC chi phối. Vì thế, THỨC này thường đi chung với chữ TÌNH và gọi chung là THỨC TÌNH. Bị tình cảm chi phối thì mọi thứ đều có khuynh hướng vị ngã và chấp thủ : Thứ gì là tôi và của tôi, thứ ấy là chân lý.

TRÍ thì không phải THỨC. Vì thế nó mang khuynh hướng vị tha nhiều hơn. Sự việc gì được giải quyết theo TRÍ thì thường là công bằng hơn là giải quyết theo THỨC. Con mình với con người ta đánh nhau. Người bị THỨC chi phối mạnh thì không cần biết lỗi thuộc về ai. Đứa nào đụng đến con mình là mình xơi tái nó trước. Người có trí thì tìm hiểu nguyên nhân, xem lỗi nằm về phía nào rồi mới giải quyết. Người biết Phật pháp thì việc phân thắng bại giữa lũ trẻ không cần thiết. Lép một chút mà giải quyết mọi chuyện êm xuôi là được. Không để việc nhỏ trở thành cái nhân sinh việc lớn sau này giữa hai gia đình.

TRÍ không phải THỨC nhưng lại không khác THỨC, vì chúng cùng một thể mà ra. Như nước và sóng. Nước thì yên lắng, sóng thì dữ dội, nhưng chúng không hề tách lìa nhau, đều cùng một thể ướt. Chỉ là sự chuyển biến từ dạng này sang dạng khác. Do duyên gió mà nước biến thành sóng to. BÁT PHONG thổi mà lòng mình không động thì THỨC chính là TRÍ. Bát phong thổi mà mình động thì TRÍ liền thành THỨC. Thấy người ta để vàng trong tủ mà tâm chộn rộn muốn lấy, đó là THỨC. Thấy thì thấy mà không quan tâm, đó là TRÍ. Nhờ cái không khác này mà chúng sanh tu mới thành Phật. Như con ngài hóa thành bướm bướm. Khác như bò với bướm thì làm cách gì cũng không thể biến bò thành bướm được.

TRÍ và THỨC đều từ một tâm, chỉ khác nhau ở chỗ động hay không động như thế, nên kinh nói “Sanh diệt là thức, không sanh diệt là trí”. Động mới có sanh diệt. Không động thì không có sanh diệt. Lấy thẳng tâm ra để kiểm nghiệm thì sẽ hiểu vấn đề sanh diệt này : Đối cảnh mà dính với nó rồi, thế nào tâm cũng hoặc là ưa, hoặc là ghét, hoặc là thích thú, hoặc là vừa lòng, hoặc khởi nghĩ lung tung. Từ chỗ đang bình thường, bỗng thành những cảm giác như vui, buồn, thích thú hay khởi nghĩ lung tung gọi là SANH. Không ai vui hay buồn hoài cũng có lúc bình thường trở lại. Khi cái vui cái buồn ấy hết gọi là DIỆT. Còn đối cảnh mà trước sau cũng như nhau thì không có sanh cũng không có diệt. Nói sơ để mình tạm hiểu về hai từ sanh diệt. Cái sanh diệt này có thô và tế. Người tu phải hành thâm mới thấy được cái sanh diệt vi tế của tâm mình.

Kinh Lăng Già phân TRÍ thành 3 loại :

1. Trí thế gian : Như loại trí giải quyết vấn đề trên chẳng hạn. Thứ gì được dựa trên LÝ để giải quyết hợp tình thì thuộc về trí này. Nó mang tính cách đời thường nhiều, chưa dính gì đến việc tu tập xuất thế, nên gọi là trí thế gian. Trí của ngoại đạo, kinh cũng xếp vào loại trí này.

2. Trí xuất thế gian : Chỉ cho trí của Thanh vănDuyên giác. Trí này đã mang màu sắc thoát tục nên gọi là trí xuất thế. Thấy đời khổ, không, vô thường, vô ngã là cái thấy bắt nguồn từ loại trí này. Hoặc thấy các pháp đều do duyên sanh nên vô ngã, cũng là cái thấy bắt nguồn từ trí này. Song trí này, kinh Niết Bàn vẫn gọi nó là THỨC chứ không phải TRÍ. Vì sao? Vì nó còn sự phân biệt. Phân biệt nói đây không phải là phân biệt đi liền với yêu ghét của thế nhân mà là sự phân biệt giữa thế gian với niết bàn. Đó là vì trí này chưa nhận ra được thực tướng của thế gianniết bàn, nên thấy sanh tử khác niết bàn. Vì thế kinh gọi nó là THỨC nhưng không phải là THỨC TÌNH.

3. Trí xuất thế gian thượng thượng : Chỉ cho trí của các vị Bồ tát đăng địa có từng phần và toàn phần ở Phật. Trí này chính là VÔ SƯ TRÍ trong mỗi người chúng ta. Kinh Niết bàn nói “Trí tức là Như Lai. Nếu có hàng Thanh văn chẳng khéo rõ biết công đức của Như Lai, đó là thức, không nên y theo. Nếu rõ biết Như Lai chính là pháp thân, đó là chân trí, nên phải y theo”.

Căn cứ theo đây thì thấy, nhìn hình tướng Phật mà cho đó là Phật, rồi hướng ra ngoài cầu tìm là mình đang bị THỨC điều khiển chứ không phải là cái nhìn của người có trí tuệ. Người có trí tuệ cần phải phản quan tìm lại ông Phật trong chính mình.

Tóm lại, người để tình cảm chi phối nhiều, cách xử sự thường nông nỗi hơn là người có lý trí. Nhìn những việc xảy ra trong xã hội ngày nay thì rõ. Chẳng qua vì những cái của tôi và không phải của tôi mà tranh dành, cướp bóc, thù hận … xảy ra. Thế giới không khi nào an bình khi người của thế giới đó sống với THỨC TÌNH nhiều hơn với TRÍ.

Trong đạo, nếu y theo THỨC thì việc tu hành của mình không tới đâu. Tu là để hết khổ, để tâm cảnh không đến với nhau, mà mình cứ để THỨC làm chủ hoài thì không thể hết khổ, không biết bao giờ tâm với cảnh mới không hết dính nhau. Tâm không lặng thì khó mà nhận ra được thực tướng rốt ráo của tâm và cảnh. Vì thế Phật dạy “Y theo trí, không y theo thức”.

Y theo kinh liễu nghĩa, không y theo kinh bất liễu nghĩa

Kinh BẤT LIỄU NGHĨA, Tự Điển Phật Học giải thích là “Kinh không trọn nghĩa”. Kinh không trọn nghĩa là loại kinh mới nói nửa chừng, chưa nói đến chỗ rốt ráo. Suy ra, kinh LIỄU NGHĨA là kinh đã nói trọn nghĩa, là nói đến tận cùng. Song nói nửa chừng là nói cái gì và nói rốt ráo là nói ra sao?

Cả ngọn núi mà mới diễn tả một nửa hay hai phần ba ngọn núi thì gọi là nói nửa chừng, còn diễn tả luôn cả ngọn núi thì gọi là nói rốt ráo. Thức không chỉ có 6 mà còn có thức Alaida và Matna. Nhưng nếu kinh ấy chỉ nói đến 6 thức rồi ngừng, cho việc diệt được 6 thức là niết bàn của người tu … thì biết kinh đó chưa trọn nghĩa. Chưa trọn vì chưa nói đến phần thâm sâu là Alaida. Nói đến niết bàn nhưng chưa phải là niết bàn tự tánh rốt ráo, nên gọi là KINH BẤT LIỄU NGHĨA.  

Trọng tâmkinh luận thường nói đến đều loanh quanh trong mấy vấn đề Duyên Khởi, Nhân DuyênNhân Quả. Ba thứ này không có gì khác nhau. Chỉ tùy trường hợp và mức độ thô tế mà lúc thì nói Nhân Duyên, lúc thì nói Duyên Khởi v.v… Tùy duyên thì có 3 tên, chỗ rốt ráo thì không.

Kinh luận nào chỉ nói đến mặt hiện tượng tùy duyên của chúng mà không đề cập đến phần thâm sâu của chúng, gọi là kinh bất liễu nghĩa. Kinh luận nào nói đến phần thâm sâu của chúng, gọi là kinh liễu nghĩa. Phần thâm sâu ấy, kinh luận gọi là tánh không, chân như, niết bàn tự tánh, Như Lai Tạng, không - bất không, Phật tánh, pháp thân, tri kiến Phật v.v…

Đó là ý nghĩa và phân loại của kinh liễu nghĩabất liễu nghĩa.

Lên được tận đỉnh rồi thì trời cũng thấy đủ mà đất cũng thấy đủ. Còn ở lưng chừng thì vẫn còn nhiều hạn chế. Muốn lên đến đỉnh thì phải y theo bản đồ có trọn ngọn núi. Vì thế Phật dạy “Y theo kinh liễu nghĩa, không y theo kinh bất liễu nghĩa”.  

Kinh Niết Bàn nói “Liễu nghĩa gọi là tri túc, trọn không dối hiện oai nghi thanh bạch, không kiêu mạn, tự cao, tham cầu danh lợi, trong giáo pháp của Như Lai tùy nghi phương tiện không sanh lòng chấp trước. Nếu vị nào an trụ được trong những điều ấy, phải biết người này đã trụ được trong Đệ nhất nghĩa đế. Đây gọi là y theo kinh liễu nghĩa”. Kinh liễu nghĩa mà Phật nói đây là loại kinh sống mà mọi người chúng ta vốn đầy đủ. Nó là loại kinh vô tự ngài Tam Tạng thỉnh ở Tây Thiên. Loại kinh sống này chỉ tự mình trực nhận lấy. Những tướng như tri túc, không dối hiện oai nghi v.v… là những hình tướng giúp mình biết khi nào mình sống được với vốn kinh sẵn có ấy. Đây là kinh liễu nghĩa mà Phật muốn người tu phải y theo.

TRI TÚC là biết đủ. Biết đủ là có một không cầu hai, không đứng núi này trông núi nọ. Nó biểu hiện cho việc làm chủ của người tu. Tri túc thì không có tâm mong cầu. Ngài Hoàng Bá nói “Đừng nghĩ và quên mong muốn thì Phật hiện ra trước mắt”. Phật hiện, là chỉ cho Đệ nhất nghĩa đế nói đây, là kinh liễu nghĩa của chính mình.

OAI NGHI là chỉ cho những hình tướng biểu hiện bên ngoài của mình, từ cách ăn nói, đi đứng, cho đến cách sốngTHANH BẠCH là chỉ cho những gì trong sáng tự nhiên, giản dị, nề nếp, đoan chính, nghiêm chỉnh nhưng không cứng ngắt màu mè. Luận Tối Thượng Thừa ghi “ … Khi đi, đứng, nằm, ngồi, đối với ngũ dụcbát phong không để mất tâm ấy, người đó hạnh thanh bạch đã lập …”. Nghĩa là, trong cuộc sống đây, nếu mình bình thản được với những nghịch thuận của thế gian là mình có oai nghi thanh bạch. Đây là nghĩa rốt ráo của thanh bạch. Còn con người mình thế nào mình sống y theo thế ấy, không giả dối che đậy những cái dở hoặc cố khoe bày những cái hay, gọi là KHÔNG DỐI HIỆN.

Danh lợi, kiêu mạn, tự cao là những biểu hiện của ngã tướng. Nó là những tướng đi ngược lại với việc tu hành. Vô ngã thì ai tham cầu và ai tự cao? Có khi người tu bỏ được lợi mà danh thì vướng. Vì nó vi tế hơn lợi. Bố thí cúng dường tài vật mà thấy mình tốt hơn người là một dạng bỏ lợi vướng danh nói đây. KIÊU MẠN, TỰ CAO là coi mình ngon hơn thiên hạ. Đây là cái bịnh khó trị nhất của chúng sanh. Người mà không có gì trong người hết thì không biết dựa vào đâu để thể hiện kiêu ngạo chứ không hẳn đã không kiêu mạn. Còn thường, người sở đắc về thứ gì thì hay kiêu mạn về thứ đó. Người làm ra tiền nhiều thì hay tự cao về tiền bạc, người giảng pháp được nhiều người thích thì hay tự cao về tài giảng pháp v.v… Chỉ người có được ĐỊNH HUỆ BÌNH ĐẲNG thì không vướng vào bịnh này. Vì thế, không kiêu mạn tự cao là một phần trong những thứ để mình biết mình sống được với kinh liễu nghĩa của mình chưa.

Mình vướng vào những thứ này vì trí tuệ của mình thuộc loại nửa chừng. Nửa chừng là loại trí do học hỏi trên sách vở hoặc lượm lặt từ người khác mà được. Còn không thì có trí tuệ mà chưa đạt được sự thường hằng. Ngài A nan gọi cái bịnh không thường hằng này là “sốt rét cách ngày”. Những lúc sốt rét ấy, mình dễ vướng vào cái kiêu mạn tự cao nói đây. Cái kiêu mạn tự cao này gốc của nó rất sâu. Ngài Hoàng Bá gọi nó là bịnh trong niết bàn. Không giác được nó khi nó mới chớm, cũng không có Thiện tri thức bên cạnh thì buông nó không phải dễ.

Hồi mới đến thiền viện đây, một chữ a tôi cũng không biết. Chỉ biết cặm cụi làm theo những bài giảng của Thầy. Thầy nói đi hai chân thì tôi đi hai chân, Thầy nói đi bốn chân thì tôi đi bốn chân, ngoài ra không biết gì hết ... Tu 4 năm, đức ông của tôi giải Trung Luận, việc ấy đối với tôi cũng không khó. Nhưng lúc ấy không biết kiêu mạn, chỉ thấy thích thú và càng tin tưởng vào các bậc Thầy cũng như việc tu hành của chính mình. Đến khi biết bộ luận ấy là thứ khó gặm và thuộc loại cao siêu của Phật pháp thì tự nhiên mọi thứ đổi khác. Cái cổ bỗng nhiên cứng nên cái mặt không cúi xuống được. Miệng không mở thì thôi, mở ra thì bản thân mình nghe còn chướng, nói là người đối diện. Biết những tướng đó xấu nhưng càng cố sửa thì mọi thứ càng ngọng nghịu, khó chịu. Làm sao sửa được tướng bên ngoài khi gốc kiêu mạn bên trong đã đầy ắp? Biết hết, nhưng vì lỡ để nó bùng phát, không giác được nó ngay từ gốc, thành cớ sự mới ra như vậy. Phải đợi Sư Phụ dếnh một đòn chí tử, nó mới chịu nhả mình ra. Thành ai có được sở đắc gì trong việc tu hành thường muốn xa rời vị Thiện tri thức của mình để làm vương một cõi, nhưng thật ra càng có sở đắc nhiều, càng cần Thiện tri thức nhiều mới phải. Biết đó mà buông còn không được, huống là không biết mà cứ để nó phát triển. Tai họa không phải ít. Có lẽ đây là lý do vì sao thời nay nhiều người tu mình thấy có vẽ xuất chúng, lại là người gãy đổ sớm hơn những người chậm lụt. Do không ý thức được cái kiêu mạn tự cao này đây.

“Đối với giáo pháp của Như Lai TÙY NGHI PHƯƠNG TIỆN không sanh lòng chấp trước” là học đạo thì phải y cứ trên tình thần đức Phật muốn nói chứ đừng nên dính chặt vào những hình thức bên ngoài cũng như từ ngữ. Giáo pháp của Như Lai chỉ là phương tiện, tùy theo điều kiện lịch sửcăn cơ của chúng sanh từng thời mà lập, không có tính cố định. Cho nên, giữ là giữ tinh thần, không phải giữ hình tướng. Người xưa nói “Bất biến mà tùy duyên”. Giữ hình tướng mà đánh mất tinh thần là mình đã chấp trước vào phương tiện của Như Lai. Như giới không sát sanh, Không sát sanhhình tướng, còn tinh thần của việc không sát sanh ấy là để mở rộng lòng từ, để lợi ích cho chúng sanh. Đây là lý do vì sao đức Phật giết tên ăn cướp cứu 500 mạng người, Tổ Trúc Lâm cầm quân chống xâm lược. Chư vị không giữ lấy hình tướng ấy vì hình tướng ấy trong những điều kiện ấy không còn mang tinh thần đức Phật muốn nói nữa. Vì giữ tinh thần từ bi, nên chư vị có những hình tướng mình thấy trái lại với tướng không sát sanh. Đây là một ví dụ để mình hiểu về thứ “Tùy nghi phương tiện không sanh lòng chấp trước”. Đây cũng là một loại “Y theo nghĩa không y theo lời” đối với kinh điển của chư Phật.

TỔNG KẾT

Đưa ra TỨ Y trên, Phật muốn giúp người tu chúng ta không lạc bước cũng như không bỏ qua những cơ duyên tốt đẹp trên con đường trở về cội nguồn chân thật của mình. Biển Phật pháp mênh mông mà nghiệp tập của chúng ta thì vô vàn. Hạnh nguyện của chư vị Bồ tát nếu không sâu dày, nếu các vị không dùng nhiều phương tiện, nhiều hình, nhiều dạng … thì ta khó thoát được nghiệp tập của chính mình. Luận Đại Thừa Khởi Tín nói “Người ấy, trong khoảng thời gian từ khi mới phát tâm cầu đạo đến khi thành Phật, đều nương nơi chư Phật và các vị Bồ tát : Hoặc thấy, hoặc niệm về các vị. Hoặc được các vị hóa thân làm quyến thuộc, cha mẹ, người thân, người giúp việc, bạn hữu, kẻ oan gia v.v... Như vậy với tất cả mọi việc làm với vô lượng duyên hạnh”. Để giúp người tu, hóa thân của chư vị không những chỉ có thuận mà còn nghịch ... Nếu đã nhất quyết với việc tu hành thì thuận hay nghịch, xấu hay tốt đều là nước cam lồ của người tu. Hòa thượng Thường Chiếu nói “Khi việc gì xảy ra với con, đừng hướng theo đó mà hãy quay lại xem xét chính mình”. Việc chính của người tu thiền là vậy. PHẢN QUAN TỰ KỶ BỔN PHẬN SỰ.                                                  

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
20/01/2014(Xem: 16676)
18/05/2017(Xem: 20714)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.