Trả Nợ Hay Hiến Dâng - Pháp Thoại Tại Chùa Xá Lợi Ngày 03-10-2006

25/08/20179:04 SA(Xem: 6882)
Trả Nợ Hay Hiến Dâng - Pháp Thoại Tại Chùa Xá Lợi Ngày 03-10-2006
CÀNH TRIÊU NHAN 
Thích Phước Tịnh
Nhà xuất bản Phương Đông


TRẢ NỢ HAY HIẾN DÂNG
Pháp Thoại Tại Chùa Xá Lợi Ngày 03-10-2006

Sáng nay tình cờ nhìn lên tấm lịch trên tường, tôi thấy một câu thư pháp bằng chữ Việt ghi: "Hai mươi năm xin trả nợ đời".

"Hai mươi năm xin trả nợ đời" nghe sao thật ngậm ngùi! Chợt lòng tự hỏi chúng ta sống ở đây là đang trả nợ hay đang sống một đời hạnh phúc? Chúng ta có thể cho mình đang trả nợ, và cũng có người nói rằng tôi đang sống trong hạnh phúc.

Dù sống trong hạnh phúc hay khổ đau, lúc chiêm nghiệm lại cuộc đời, ba, bốn mươi năm trôi qua, ta thấy mình nợ nhân gian nhiều quá. Cho nên dù đang sống trong cao sang, danh vọng, uy quyền tột đỉnh, ta cũng cảm thấy mình đang trả nợ. Trả nợ đời, trả nợ người, trả nợ tình, trả nợ cháu con... Tuy nhiên tùy theo cách nhìn và quan niệm về đời sống mà ta có thể xem đó là nợ nần hay là dâng hiến. Và một câu hỏi được đặt ra: Người tu có trả nợ không?

Cách đây nhiều năm, trong bài diễn văn đọc tại buổi lễ khai mạc một khóa tu ở Việt Nam của hòa thượng Thanh Từ, tôi nhớ có câu: "Tôi tự xem mình là kẻ nợ của tăng ni. Tăng ni nào biết đòi thì tôi trả, ai không biết đòi thì tôi không trả". "Biết đòi" là thế nào? Nghĩa là biết đến với ngài, nương vào những điều ngài dạy để tu tập, để nuôi dưỡng tuệ mạng của mình. Đó là biết đòi. Người nào không biết đòi thì ngài không trả, nghĩa là người nào quay lưng lại, không đến với ngài thì ngài không thể trả nợ được.

Nếu nhìn vào đời sống của quý thầy, quý cô ở trên đất Mỹ hay ở tại Việt Nam, chúng ta thấy họ đều có chung một con đường lo lắng, nỗ lực, vất vả để trả nợ hay trả ơn. Trả ơn gì? Trả ơn áo cơm của đàn na, thí chủ, ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ, ơn truyền thống tâm linhđức Phật đã dày công gầy dựng, ơn tổ, ơn thầy...

Người tu phần lớn đều sống cuộc đời "an bần thủ đạo", ba y một bát thong dong, ấy vậy mà hiện nay chúng ta thấy quý thầy, quý cô, nhất là những vị trụ trì, luôn phải cố gắng, nhẫn nại, cực khổ vô cùng. Các vị ấy vất vả, bận rộn, làm biết bao nhiêu chuyện chắc chắn không phải để truyền sự nghiệp lại cho người thân, anh em ruột thịt của mình. Họ đầu tư công sức, lo lắng nhiều cho việc phát triển tự viện chính là tạo cho các thế hệ tương lai có nơi chốn học hành, tu tập. Dường như các thầy, các cô ở đâu cũng đi chung một con đường như thế.

Đôi khi chúng ta phiền trách việc xây cất chùa viện quá lớn làm hao tốn nhiều tiền của, công sức... Nhưng nếu nhìn sâu hơn ta mới hiểu "kiếp tằm nên phải rút ruột trả nợ dâu", từ bậc hòa thượng lớn cho đến vị thầy tu nhỏ đều có chung một ý hướng như vậy. Nghĩa là muốn đem hết sức mình trong cuộc sống hiện tại, thực hiện những điều tiện ích làm quà tặng cho thế hệ kế thừa, và cũng có thể hoằng dương giáo pháp của đức Phật. Phải chăng chúng ta là những người đang trả nợ tình cho nhau? Người ở ngoài đời trả nợ tình khác với người ở trong đạo. Người tu trả nợ tình là trả nợ đàn na thì chủ, nợ tổ, nợ thầy. Xa hơn nữa là tâm nguyện gửi lòng mình trả ơn đức Phật - người đã gầy dựng nên dòng chảy tuệ giác mà ta được thừa hưởngtu tập ngày hôm nay.

Ngày còn ở quê nhà, có lần tôi được một người Indonesia gốc Trung Hoa, chủ hảng Fuji Film mời đến thuyết giảng về Tam qui, Ngũ giới cho một số công nhân làm việc tại đó. Sau thời thuyết giảng, anh ngỏ ý mời tôi qua đảo Ga-lăng hay Pi-đông (ở Phi Luật Tân) đặt viên đá xây chùa. Tôi cười nói: "Anh là người ngoại quốc tại sao lại có ý xây dựng chùa Phật giáo (Việt Nam) ở một hòn đảo hoang vắng, xa tít mù, không liên hệ gì đến anh như thế?" Anh trả lời: "Thưa thầy, con có một phát nguyện là nơi nào có hình bóng đức Thế Tôn, nơi nào có tự viện dù lớn hay nhỏ con đều muốn tôn tạo để nơi đó trở thành chứng tích của đạo Phật".

Lòng nhiệt thành, mối quan tâm đối với đạo Phật của một người Indonesia sống trên một đất nước Hồi giáo không liên hệ gì đến người Việt đã biểu lộ anh là một con ngườivăn hóa, có một tâm thức thiện lành thật dễ thương. Người xưa thường dạy rằng phát tâm xây dựng già lam, tự viện thì công đức vô lượng. Công đức này chắc chắn dẫn đến một đời sống phúc lộc đầy đủ, kiếp lai sinh có thể được làm quốc vương.

Ta có thể nói nơi nào ngôi chùa Việt Nam có mặt là biểu hiện văn hóa Việt Nam có mặt. Người Việt đặt chân lên vùng đất này quy tụ lại thành cộng đồng. Niềm tự hào của chúng ta không chỉ là sự phấn đấu hội nhập được vào cộng đồng của bản địa để thành đạt sự nghiệp vật chất hay xã hội như những người di đân khác, mà chúng ta còn tự hào mình là người Việt có một nền đạo đức, văn hóa trên bốn ngàn năm rất đặc sắc và nền đạo đức, văn hóa ấy đã nuôi dưỡng bản chất con người Việt Nam qua bao thế hệ. Hai nghìn năm trở lại đây, chúng ta đã được thấm nhuần giáo lý đạo Phật. Đạo Phật đã có những đóng góp rất lớn vào nền văn hóa Việt, từ ngôn ngữ sử dụng hàng ngày cho đến cách hành xử của chúng ta đều phảng phất tinh thần đạo Phật. Do vậy người Phật tử Việt Nam đi đến bất cứ nơi nào cũng quan tâm đến việc xây cho được một ngôi chùa là điều tự nhiên:

      Mái chùa che chở hồn dân tộc

    Nếp sống muôn đời của tổ tông.
Hai câu thơ của nhà thơ Huyền Không cho ta thấy rõ gốc rễ, nguồn cội của chúng ta. Ta cần phục hồi lại gốc rễ vô minh của mình. Gốc rễ của mình là người Việt với văn hóa Việt. Dù cho ở đâu hay theo một tôn giáo nào ta vẫn không thể chối bỏ được gốc rễ Việt Nam của mình. Ta không thể để mình biến mất vào dòng chảy của xã hội người, đất nước người, vì chúng ta vẫn là dân da vàng. Ví dụ như ở Mỹ chẳng hạn, chắc gì người Mỹ chấp nhận ta là dân Mỹ thực sự (có vào quốc tịch Mỹ thì chúng ta là người Mỹ gốc Việt). Người Mỹ dù đang được thụ hưởng một nền văn minh tiến bộ nhất hành tinh, nhưng mầm mống kỳ thị vẫn nằm sâu trong tâm thức họ.

Bởi vậy, tự thân chúng ta chưa bắc được nhịp cầu cảm thông, chưa hòa nhập thực sự vào dòng sinh hoạt của xã hội Mỹ thì chùa chiền, tự viện là nơi hay nhất dẫn dắt ta đến gần đời sống tâm linh, nhất là cho giới trẻ. Hiện nay thế hệ trẻ người Việt tại Mỹ chưa thấm nhuần văn hóa Việt, và nếu có cũng rất ít, trong khi ảnh hưởng văn hóa Mỹ lại rất sâu đậm. Làm sao ta có thể trông cậy vào các cháu trong sự bảo tồn cũng như hãnh diện với di sản văn hóa Việt Nam? Những người già rồi sẽ ra đi, nên việc giữ gìn, phát huy văn hóa Việt Nam là ở thế hệ tương lai. Chúng ta phải làm thế nào để tạo nhịp cầu nối giữa hai thế hệ, tạo điều kiện để có sự gần gũi, hòa thuận trong nếp sống của một gia đình Việt. Hãy gieo vào tâm thức các con cháu ta hạt giống hiền thiện, yêu thương ngay từ khi tâm hồn còn thơ dại. Nếu chưa thể làm cho các cháu thấm nhuần đạo Phật, thì ít nhất ta hãy tập cho chúng đến gần với không khí của tự viện, chỉ dạy chúng cách thực hành những điều căn bản của đạo Phật trong đời sống hàng ngày. Các bậc phụ huynh có bổn phận và trách nhiệm truyền trao tinh thần tu học, tinh thần dân tộc cho con em mình. Đừng nghĩ những hạt mầm mình gieo là vô ích. Một mai kia bước vào đời gặp phải những khó khăn, vấp ngã, chúng sẽ nhớ đến những gì đã được chỉ dạy, nhớ đến giáo lý đạo Phật đã từng được nghe, nhớ về mái chùa ngày nào..., và sẽ tự tìm về nguồn cội của chúng.

Để giới trẻ cảm thấy vui thích, thoải mái khi đến chùa, chúng ta cần có những sinh hoạt riêng cho họ tùy theo trình độ, tuổi tác. Ngoài ra ta cần đơn giản các mặt nghi lễ, thờ cúng, bái sám, tụng niệm... Ta không thể áp dụng một cách nguyên chất hình thức sinh hoạt theo truyền thống Phật giáo Việt Nam trên đất nước này, vì như vậy tầng lớp thanh thiếu niên trẻ cảm thấy không thích hợp rồi trở nên dị ứng và sẽ rời xa. Và nếu các sinh hoạt cũng như giảng dạy Phật pháp chỉ tập trung đáp ứng cho những người già, những người lớn tuổi là chúng ta đẫ không nhìn xa vào thế hệ trẻ - thế hệ của tương lai và vô tình đẩy chúng tìm đến con đường hướng ngoại.

Chúng ta cần mạnh dạn và khéo léo để thay chuyển mình. Không thể có một "đạo Phật riêng" cho người Việt Nam trên đất Mỹ. Đạo Phật đi đến đâu là đều phải chuyển mình thích nghi với môi trường địa lý, hoàn cảnh văn hóa và tập tục của địa phương. Khi chuyển đổi được như thế thì đạo Phật mới thực sự có mặt và đóng góp những lợi ích lớn lao cho cộng đồng người bản địacộng đồng người Việt tiếp nối trong tương lai. Điều này trong quá khứ đạo Phật đã làm được. Điển hình là đạo Phật ở Trung Hoa.

Du nhập vào Trung Hoa theo dòng chảy của sự phát triển, đạo Phật đã hoàn toàn hòa mình vào văn hóa, nếp sống, lối suy nghĩ cho đến mọi hình thái nghệ thuật của người Trung Hoa. và rồi đạo Phật bám rễ vững chắc vào vùng đất mới, hình thành một đạo Phật Trung Hoa thật đặc biệt. Có lẽ khi nào chúng ta đến sinh sống nơi đây với gốc rễ bốn ngàn năm văn hiến, với hạt mầm đạo Phật thật sâu dày, chúng ta không làm được một điều gì để trả nợ hay hiến dâng cho người một tặng phẩm.
Chúng ta hãnh diện về người Việt sống trên đất Mỹ đã đóng góp ít nhiều cho thành tựu trên mọi lãnh vực từ khoa học, kỹ thuật, giáo dục...; điều đó cho thấy không phải chúng ta đến đây chỉ vì miếng cơm, manh áo. Điều quan trọng nhất của chúng ta là làm thế nào để cho người bản xứ hiểu được chúng ta muốn hiến tặng tinh thần đạo đức Đông phươngtuệ giác của đạo Phật cho họ. Làm được điều này là chúng ta không đánh mất gốc rễ, không "biến" thành người Mỹ. Chúng ta có thể vững chãi tự tin không che dấu nguồn gốc của mình. Chúng ta có thể đứng ngang hàng hoặc trực tiếp đối thoại với người, vì mình vốn có một nền tảng văn hóa đặc trưng, một bản chất thấm nhuần đạo đức và một cội nguồn tâm linhgiáo lý đạo Phật.


Thiết lập nền tảng tâm linh, đem đạo đức của xã hội Đông phương củng cố đời sống gia đình cho xã hội Tây phươngchúng ta đang trả ơn, đang dâng hiến cho đất nước đã cưu mang mình một món quà quý giá, bởi đó là những gì họ đang thiếu, mặc dù đời sống văn minh vật chất của họ dư thừa. Thế nên, sự có mặt của các sinh hoạt chùa chiền, tự viện mang nét đặc thù văn hóa Việt Nam là rất quan trọng. Ta cần làm cho đạo Phật có mặt, làm sao cho thế hệ trẻ người Việt và người Mỹ có được niềm tin sâu chắc với chánh pháp, làm sao cho họ biết thực tập để nếm được an lạc, hạnh phúc chân thật. Được như vậy chắc chắn gốc rễ đạo Phật sẽ bám sâu vào lòng đất Tây phương.

Hạnh phúc của chúng ta không chỉ là làm ra tiền, có tài sản lớn. Chúng ta cần có những người con kế thừa thông minh, tài giỏi và đạo đức. Hạnh phúc gia đình có mặt chính là nhờ sự quan tâm của chúng ta đến với người thân, ta cần dành thêm thì giờ chăm sóc con cháu để tương lai đi vào đời chúng không mang theo mặc cảm thua kém, sợ sệt. Vị ngọt của hạnh phúc cũng chính là sự san sẻ. Nói một lời dễ thương, chịu khó lắng nghe, ấy là sự tu tập gần nhất và ai cũng có thể làm được. Trong gia đình, chúng tathể hiện sự kiên nhẫn của mình khi dạy các con hay không? Thông thường cha mẹ chỉ thương những đứa con hiền, ngoan, dễ dạy; những đứa trái ý mình, tìm mọi cách dẫn giải lý do này nọ để đối kháng thì mình không thương nhiều. Do vậy, chúng ta cần nhìn lại cách nuôi dạy con cái và cách ta hành xử với người thân. Đôi khi, tuy ta sống với nhau bằng tình thân, nhưng vẫn hay tranh chấp, kèn cựa, đôi lúc chỉ một lời nói nặng cũng đủ làm cho người khác đau khổ rồi. Chúng ta đã từng làm như thế và người kia cũng vậy. Cuối cùng chỉ đưa đến buồn khổ, giận hờn. không muốn nhìn mặt nhau. Những lúc như vậy, chúng ta hãy lập tức quay nhìn lại tự mình để tập chế phục tâm hành tiêu cực, chế phục cơn giận.

Khi cơn giận bừng lên, chúng ta có thể làm một việc giản dị là không nói gì cả, đi vào phòng và đóng cửa lại. Khi ngồi yên được để quan sát tâm hành của mình, ta sẽ thấy lửa giận đang bừng cháy, tim đập rất nhanh, hơi thở nặng nề, mệt mỏitâm thức đầy xao động bất an. Ta hãy thầm nhủ: "Tội nghiệp mình quá! Giận là tự sát". Và hình như cơn giận bắt đầu dịu xuống... Đó là phương pháp điều phục cơn giận. Điều phục được cơn giậnđiều phục được nỗi buồn, điều phục được mọi cảm thọ. Xét cho cùng, giận chỉ là một cảm thọ của tâm, mà ta là người nhận biết, là người đang quan sát cơn giận. Nếu có một chút kinh nghiệm tu tập, ta sẽ nhận rõ sự giận hờn có cùng một nhịp điệu vận hành như thiên nhiên, vũ trụ; nó cũng thành, trụ, hoại, không, như cây cỏ nẩy mầm, ra lá cho hoa kết trái rồi úa tàn, rơi rụng.

Tôi xin kể một kinh nghiệm điều phục cơn giận, và đây cũng là câu chuyện vui. Trong chùa tôi vào mùa hè, có một bà cụ hay trồng bắp cho chùa. Khi bắp có trái thì ai muốn ăn cũng được; không hỏi, không mời bà một tiếng nào mà bà vẫn cười rất tươi. Tâm bà tốt vô cùng. Nhưng một hôm, ni sư trụ trì, vốn là con gái của bà, vô tình dẫm chết mấy cây ớt bà trồng trên vuông đất nhỏ dưới tàng cây cà phê. Thế là bà càu nhàu từ chiều đến tối, kể lể đủ thứ chuyện, rằng mảnh đất do bà mua, toàn bộ nay không thuộc về bà nữa, bà chỉ còn chút rẻo đất để trồng ớt mà cũng bị dẫm chết... Ai nghe cũng cảm thấy khó chịu. Tôi nghĩ chắc bà sẽ nói đến khuya nếu không làm cho bà im tiếng. Tôi liền bảo: "Tôi có trồng ít cà phê trong chùa, nếu bà cần đất rộng thì tôi chặt hết cà phê để trả lại đất cho bà. Vậy bà khỏi rầy rà nữa nhé". Nói là làm liền. Tôi lấy cưa ra cưa hết mấy cây cà phê. Bà hốt hoảng: "Thôi, tôi lạy ông, tôi không nói nữa, tôi không nói nữa".

Sáng hôm sau, tôi được nghe bà tâm sự với ni sư con gái của bà là "Ông thầy này nóng còn hơn lửa. Người tu hành gì mà sân si quá! Mới nghe cằn nhằn mấy tiếng mà ngay tối hôm qua ổng chặt trụi mấy cây cà phê".

Đôi khi có những chuyện lớn như con voi mà ta vẫn nhịn được, nhưng có khi lại nổi cơn giận với một việc rất nhỏ như trường hợp của bà cụ mà tôi vừa kể. Có những chuyện nhỏ nhoi không đáng gì, thế mà ta cực lòng lo nghĩ, tính toán đủ thứ rồi giận hờn không đâu. Bài học từ bà cụ nói trên có thể giúp ta quy chiếu lại tự hỏi mình: Có phải ta đã từng làm như vậy? Nếu ta có khả năng buông bỏ mọi việc trên đời thì bất cứ điều gì xảy đến cũng sẽ qua đi rất nhẹ nhàng, việc lớn có thể chuyển thành nhỏ và việc nhỏ trở thành không có gì. Ở đây có một điều ta cần nhớ: giận chỉ là một trong những cảm thọ của tâm. Ta thường lầm lẫn xem cảm thọ là mình, lầm lẫn này tuy nhỏ nhưng mang đến tác hại rất lớn, bởi vì nó sẽ dẫn dắt hành xử của ta dựa vào cảm thọ đó.

Xét cho một cách thấu đáo, vạn vật từ tài sản, nhà cửa, xe cộ thuộc sở hữu của con người, cho đến cỏ cây, đất đá, cầm thú, côn trùng... trong thế giới tự nhiên, tất cả đều đi theo con đường sinh, trụ, dị, diệt và cái gần nhất là thân ta cũng đi theo một tiến trình như vậy. Mặc cho chúng ta có chăm sóc thân thể thật kỹ bằng những phương tiện y học hiện đại thì tóc cũng sẽ đổi màu, da sẽ không còn tươi nhuận, sức khỏe ngày càng suy giảm. Ngành y khoa thẩm mỹ dù tiến bộ đến đâu cũng không giữ cho con người được trẻ mãi, cũng không đem đến cho chúng ta đời sống bất tận.

Bước vào sâu hơn nữa, vui buồn, khổ đau, hờn giận... cũng chỉ là những sở hữu của ta. Tại sao gọi là sở hữu của ta mà không phải là ta? Thử nhìn kỹ lại ta, sẽ thấy những vui, buồn chợt đến rồi đi; những sầu khổ, bất an hay hân hoan, hạnh phúc cũng chẳng ở lâu với chúng ta bao giờ. Ai mà không muốn giữ lại niềm vui dài lâu cho mình? Thế nhưng trong niềm vui đã cài sẵn nỗi buồn và có hạnh phúc nào mà không thấp thoáng bóng dáng sầu khổ bên trong. Vậy cái gì gọi là thật? Cái gì là ta?

"Quay về nương tựa Phật" là quay về nương tựa nguồn tuệ giác nơi chính mình; chúng ta nguyện quay về làm phát khởi tâm Bồ đề, làm tỏa sáng tâm Phật của mình. Cái gì là tâm Phật tỏa sáng của mình? Xin lấy ví dụ, khi mình giận, thì giận là cảm thọ đến đi, sinh diệt. Nhưng khi nhận biết ta đang giận thì cái "nhận biết" cơn giận đó không đến đi, không sinh diệt. Nó vẫn thường hằng, vẫn luôn có mặt. Sự nhận biết này có hai bước để ta thấu hiểu và thực tập. Thông thường, lúc đầu ta nhận biết bằng tiếng nói của ý thức: "Đây là cơn giận có mặt"; và sự nhận biết này có tiếng nói thì thầm. Nhưng khi thực tập quán chiếu đã quen, ta không cần nói thầm nữa. Khi cơn giận biểu hiện, ta chỉ cần hồi tâm nhận biết cơn giận đang có mặt, tức khắc cơn giận là cái bị ta nhận diện. Và ta lúc đó chính là năng lượng tỉnh sáng, nhận biết cơn giận ngay hiện tại, chứ không phải là cơn giận. Khả năng nhận biết không lời ấy là năng lượng giác ngộ vốn có bên trong mà lâu nay mình bỏ quên. Vì quên nên ta thấy mình là cơn giận, là nỗi bất an... và thương ngập lặn, nổi trôi theo dòng sông cảm thọ. Nếu thực tập sâu sắc, luôn nhớ mình là người đứng trên bờ nhận diện mọi tâm hành, cảm thọ đang diễn hành, đến đi liên tục là ta cắt được dòng chảy sinh tử luân hồi và lúc nào cũng an trú trong vùng trời "tâm bản nhiên" của chính ta. Chúng ta tu tập là mời gọi năng lượng chánh niệm biểu hiện ra để biết dừng lại. Nếu biết thực tập dừng lại quán chiếu trong khi nói, khi làm, chắc chắn đời sống chúng ta sẽ thể hiện được phẩm chất thanh cao, an bình; tạo được môi trường đẹp đẽ để nuôi dưỡng người thân của mình và mọi người chung quanh.

Sống như vậy, người ta "hai mươi năm xin trả nợ đời", còn mình dù có bốn mươi hay năm mươi năm trên đời cũng không phải trả nợ gì. Bởi vì đời sống chúng ta một khi biết sống và tu tập sâu sắc, đó chính là tặng phẩm ta dâng cho đời, cho người và cho nhiều thế hệ tương lai. Mỗi ngày chúng ta trong đời sống là một sự hiến dâng. Nguyên tắc là muốn tặng quà thì phải có quà mình mới tặng được, trong lòng có tình thương, mình mới tặng cho người món quà tình thương, lòng có an vui mới tặng được an vui cho người. Cho nên khi cùng thực hiện một việc, cùng tiêu tốn năng lượngthời gian như nhau, nếu làm với tâm thức trả nợ thì ta sẽ cảm thấy mệt mỏi, nặng nề, chán nản, phiền muộn, bất an; nhưng với tâm nguyện hiến dâng, phục vụ thì lòng mình sẽ thênh thang, an vui và hạnh phúc. Nếu ta quan niệm như câu hát "hai mươi năm xin trả nợ đời" thì không những hai mươi năm, mà cả đời ta sống cũng chỉ để trả nợ. Trả nợ cả đời thì quả thực bất hạnh vô cùng!

Giáo lý đạo Phật chính là phương thuốc có công năng chữa căn bệnh tử sinh ngàn đời của con người. Đời ta trầm luân gánh nặng mang hoài, nếu không gặp được chánh pháp đức Phật thì làm sao ta biết được con đường thực tập để chấm dứt dòng phiền não sinh tử. May mắn trong kiếp sống này, ta có nhiều bậc thầy xuất hiện, tặng cho món quà quý báupháp hành của Phật. Nhận lấy món quà này, nếu thực tập nghiêm túc ta sẽ điều phục được thân tâm, chế ngự được giận hờn, buồn khổ, ganh tị, bất an... đem đến cho ta an bình, tịnh lạc, hạnh phúc ngay trong hiện đời. Xin hãy đón nhận và uống vào những viên thuốc giáo lý của đức Phật để chữa lành căn bệnh ngàn đời của chúng ta. Việc này ai cũng có thể làm được; và chắc chắn trong hiện tại, tối thiểu chúng ta cũng sẽ là tặng phẩm cho người thân, cho gia đình và cho xã hội. Bấy giờ tâm nguyện của ta là sự hiến dâng, chứ không phải là tâm hành trả nợ.
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
20/01/2014(Xem: 16867)
18/05/2017(Xem: 20922)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.