Tôi tập tu

20/04/20184:25 CH(Xem: 11928)
Tôi tập tu

TÔI TẬP TU
Diệu Liên Lý Thu Linh

 

di chuaTrước những bất như ý của cuộc đời, tôi đã bao lần buột miệng nói những câu đại khái như:

-Giá mà tu được cho khỏe.
-Chán quá, đi tu cho rồi.
-Phải dè, hồi nhỏ đi tu…

Toàn là những lời tán thán trong một phút “hận đời”, để rồi sau đó quên tu luôn.

Vậy mà bữa nọ, giữa lúc không ngờ nhất, tôi “bị” hỏi: - Có muốn tập tu không?

-Dạ? Tôi há mồm, nhìn Ni Sư trụ trì chùa V.P, tưởng rằng mình đã nghe nhầm. Ni sư nhìn tôi cười hiền, giải thích:

- Là cô đến đây tập tu với chúng một ngày đó mà. Ở luôn ở chùa một ngày từ sáng đến chiều. Đọc kinh nghe thuyết pháp…

   Một ngày tu. Cái ý nghĩ ngộ nghĩnh đó hấp dẫn tôi, một kẻ vừa chân ướt chân ráo bước vào cửa Phật, và hoàn toàn mù tịt về pháp học lẫn pháp hành, nên tôi gật đầu tại chỗ chẳng chút ngần ngừ.

   -Dạ, tu chớ. Một ngày thôi mà…

   Gật đầu rồi, đêm đó tôi mới thấy lo, trằn trọc không ngủ được. Bao câu hỏi khởi lên trong tâm.  Ni Sư nói tu như chúng, sống như chúng…dầu chỉ một ngày, là như thế nào?  Có phải là sáng mai tôi không được trang điểm?  Chà, để mặt trắng nhợt vậy coi chắc ghê lắm! Môi không son chắc sẽ tím tái như thây ma. Rồi chân mày không vẽ làm sao mà ra đường như thế được. Càng nghĩ, tôi càng thấy mình quả là đã bị điều kiện hóa đến nô lệ cho những thứ ấy. Chỉ cái ý nghĩ ra đường mà không tô son, đánh phấn đã làm cho tôi thấy “đau khổ” rồi, nói gì đến chuyện tu?

   Mà rồi không phải chỉ có chuyện trang điểm. Còn những thứ lặt vặt khác mà trước đây chẳng bao giờ tôi phải quan tâm đến, thí dụ túi nải.  Đâu có thấy sư cô nào ở trong chúng đeo túi xách đâu? Vậy mai không được mang túi xách thì lược này, khăn tay này để đâu? Tiền mang theo mình để đâu? Không mang tiền theo mình à, làm sao được, rủi không ăn cơm được ở chùa, tiền đâu mua cơm ở tiệm…  Ôi thôi, cả trăm những thắc mắc “trần tục” như thế làm cho tôi thấy cái ý nghĩ ngày mai đi tập tu… nghe rờn rợn. Như một người lính trước khi ra chiến trường, sợ không thắng nổi quân thù, tôi trước ngày tập tu, lo đến mất ngủ, không biết ngày mai, mình có chịu trận nổi suốt cả ngày.

   Bảy giờ sáng tôi đã có mặt ở chùa, trong bộ đồ xấu nhất, và mặt mày trắng bợt. (Nói nhỏ nha, dù đã tranh đấu lắm, tôi cũng không thể ít nhất không vẽ sơ đôi chân mày, và mang phòng thủ một cái túi xách).

   Trong sân chùa, hôm đó vui như hội. Bao nhiêu là người. Phần đông là các bà. Nhìn vào, tôi muốn té ngữa. Ôi thôi, tôi lầm rồi. Tập tu đâu có “thê thảm” đến thế! Nghĩa là các bà vẫn áo dài – dầu chỉ một màu vàng – tha thướt. Mặc mày vẫn phấn son lộng lẫy.  Bên hông vẫn kè kè những chiếc bóp da đủ kiểu. Tôi thấy mình thiệt là ngớ ngẩn.  Tập tu thôi mà...

   Mở đầu cho ngày này là thời khóa đọc kinh Hoa Nghiêm. Bài kinh dài khoảng một tiếng. Già, trẻ, bé lớn, ai cũng nghiêm trang quỳ gối. Tôi không biết phải làm sao khi đầu gối của mình chỉ mới sau hai phút đã run lên bần bật. Tôi đành ngồi xuống, thầm hổ thẹn về sự “già nua” trước tuổi của cơ thể mình. Tôi nhìn quanh coi có ai cười không, nhưng ai cũng đang say sưa với những câu kinh. Có người còn không cần cả sách. Ra người ta tu giỏi hơn mình nhiều!

   Sau đó thư giãn hơn (nghĩa là có thể ngồi thoải mái, hai chân duỗi thẳng, lưng dựa tường…), tôi chăm chú nghe một vị thầy được thỉnh đến thuyết pháp.  Hôm đó tôi đã học được rằng không phải thấy ai tu cái gì là mình a dua theo cái đó. Gặp thiền theo thiền, gặp tịnh độ theo tịnh độ, mà còn phải tùy căn cơ của mình, và phải cẩn trọng trong việc chọn mặt gửi vàng. Một người thầy lầm lạc có thể dẫn chúng ta đi sai đường mà không hề biết. Thà ngàn năm không ngộ, còn hơn một phút sai lầm. (Đó là những điều tôi rút ra được từ bài giảng của Thầy, không biết có hiểu sai ý Thầy không?)

   Rồi cũng đến giờ thọ trai.  Lần đầu tiên tôi biết ý nghĩa của hình ảnh người tu cầm bát cơm với những ngón tay giơ lên mà hồi giờ tôi vẫn ngỡ là làm bùa phép mê tín dị đoan gì đó.  Giờ mới biết đó là những lời cảm ơn trân trọng đối với người đã làm ra hạt cơm trong chén, là lời cầu nguyện cho bao người khác cũng có miếng cơm ăn. Lần đầu tôi học ăn nhỏ nhẻ, từ tốn, ăn trong im lặng.  Biết tửng miếng cơm mình bỏ vào miệng, nhai, cảm giác đó như thế nào trong miệng.  Bữa cơm thật đạm bạc, chỉ có canh, rau và cơm. Thú thật, tôi chỉ có thể lùa canh nuốt cho no, hẹn bụng, tối nay sẽ ăn bù cho sự kham khổ này (tội lỗi làm sao!)

   Trưa, mọi người trải chiếu nằm nghỉ bên nhau, không một chút phân biệt. Người nằm bên trái tôi là một chị bán rau cải ở chợ đầu mối.  Chị hỏi tôi có buôn bán ở chợ không, sao trông quen quá. Bên phải tôi là một cô giáo đã nghỉ hưu. Ai cũng đến đây mong tìm một ngày tĩnh lặng, bình an cho tâm hồn, bỏ qua dù chỉ một ngày những lo toan vất vả trong cuộc sống.

   Trưa, lạ chỗ, nằm đất đau lưng, tôi không ngủ được. Tôi mở mắt nhìn ra cửa sổ. Trên cao, trời xanh trong.  Những đám mây trắng lững lờ trôi. Gió ngoài vườn tuôn qua cửa, mát như quạt. Rồi không biết lúc nào, tôi ríu mắt lại. Giấc ngủ nhẹ nhàng đến.

   Chiều về, em hỏi tôi:

 - Hôm nay tu được những gì? Nói nghe coi.

   Tôi cười, không nói.

   Không biết nói làm sao với em. Một ngày tu, mà thật sự cũng chưa hẳn là tu như chúng. Nghĩa là chúng tôi vẫn được phục vụ hết mình. Nước đã có người lo. Cơm đã được bày cỗ. Ăn xong cũng chẳng phải rửa chén. Có tập chăng là tập sống tĩnh lặng bên cạnh bao người. Tập soi lại mình. Tập bỏ qua hết mọi thứ bên ngoài cổng chùa để chú tâm hướng nội. Vậy mà tôi đã thấy khó làm sao!

   Thật là, “Ai bao tu là dễ?”

Diệu Liên Lý Thu Linh
Thư Viện Hoa Sen


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
14/05/2011(Xem: 104521)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.