- Người sắp lìa đời và những người thân chung quanh

28/11/20183:51 SA(Xem: 10453)
- Người sắp lìa đời và những người thân chung quanh
365 LỜI KHUYÊN TÂM HUYẾT
của ĐỨC ĐẠT-LAI LẠT-MA
Cẩm nang cho cuộc sống ngày nay
Đức Đạt-lai Lạt-ma
Matthieu Ricard ghi chép và sắp đặt bản gốc
Hoang Phong chuyển ngữ


II

SUY TƯ VỀ CÁC BỐI CẢNH TRONG CUỘC SỐNG

Suy tư về người sắp lìa đời và những người thân chung quanh

   

106

 

            Giây phút lìa đời thật quan trọng, vì thế cần phải chuẩn bị trước. Nên hiểu rằng cái chết không sao tránh khỏi được. Hãy chấp nhận nó như là thành phần bất khả phân của sự sống. Nếu sự sống có một điểm khởi đầu thì tất nhiên nó cũng phải có một điểm chấm dứt. Tìm cách tránh né sự thật đó chỉ là chuyện hoài công.

 

            Nếu cách suy nghĩ trên đây sớm ăn sâu vào sự suy tư của chúng ta thì khi cái chết xảy đến với mình thì nó sẽ không hiện ra như là một sự kiện bất ngờ hay một biến cố bất bình thường. Nhờ đó chúng ta sẽ đủ nghị lực tiếp cận với nó một cách khác hơn (thanh thản, không sợ hãi, mình và nó hay nó và mình thì cũng chỉ là như thế, lúc nào cũng là đôi bạn đồng hành trong sự chuyển động của thế giới hiện tượng).

 

107

 

            Quả thật là hầu hết chúng ta đều cảm thấy ghê rợn mỗi khi nghĩ đến cái chết của chính mình. Chúng ta dành ra phần lớn đời mình để gom góp của cải, hoạch định vô số các dự án lớn lao, cứ như là mình sẽ còn sống bất tận, không một mảy may tin rằng rồi đây mình cũng sẽ chết vào một ngày nào đó, biết đâu ngày ấy cũng có thể là ngày mai, hoặc trong một chốc lát nữa đây mình cũng có thể sẽ ra đi và bỏ lại tất cả.

 

108

 

            Theo Phật giáo thì thật hết sức quan trọng là ngay trong lúc này chúng ta phải luyện tập cách mà mình sẽ ra đi như thế nào để được tốt đẹp nhất. Khi các chức năng của sự sống (tức là sự vận hành của các cơ quan trong cơ thể) chấm dứt thì các cấp bậc thô thiển của tâm thức theo đó cũng sẽ tan biến hết (tư duy, ý niệm, xúc cảm, các cảm nhận, trí nhớ..., tất cả đều lần lượt tan biến hết)thành phần tri thức tinh tế, khi đó không còn lệ thuộc vào cơ sở vật chất (tức thân xác hay các thành phần vật lý) nữa sẽ hiện ra, tạo ra dịp may duy nhất giúp những người tu tập cao thâm đạt được Giác Ngộ (họ sẽ nhận biết được thể dạng trống không tinh tế nhất của tri thức hiện lên qua sự diễn tiến của quá trình của cái chết và lưu lại vĩnh viễn trong thể dạng đó, không chuyển sang quá trình đảo ngược tức là sự tái sinh). Chính vì thế nên trong kinh sách, nhất là các kinh Tan-tra (1), người ta thường thấy nêu lên rất nhiều phương pháp thiền định nhằm chuẩn bị cho cái chết khi nó đến với mình (đó là các phép thiền định nhằm khởi động và theo dõi quá trình diễn tiến của cái chết giả tạo/simulation. Đến khi cái chết thật xảy ra với mình thì người tu tập sẽ theo dõi được sự diễn biến của cái chết thật ấy của chính mình. Vào lúc thể dạng tinh tế mang bản chất trống không của tâm thức hiện ra với mình thì người tu tập sẽ lưu lại trong thể dạng trống không tuyệt đối đó - gccncntV).

 

(1) Tan-tra trong Phật giáo là các kinh căn bản của Kim Cương Thừa  (gcts)

 

109

 

            Nếu bạn là người có đức tin (có nghĩa là theo các tôn giáo độc thần) thì đến khi cái chết gần kề hãy nên hồi tưởng lại đức tin ấy của mình để cầu nguyện. Nếu tin có Trời thì các bạn cứ nghĩ rằng dù hết sức đáng buồn khi sự sống chấm dứt, thế nhưng nhất định là Trời có cái lý của Ngài mà bên trong có một cái gì đó thật sâu xa mà mình không hiểu nổi. Cách suy nghĩ ấy nhất định sẽ có thể trợ giúp các bạn (đó là cách giúp mình bớt sợ hãi, và dù đấy chỉ là một cách tự đánh lừa mình, thế nhưng sự thanh thảntin tưởng đó sẽ giúp mình tái sinh trong một hoàn cảnh an bình hơn, phù hợp với các xu hướng tâm thần của mình trong lúc hấp hối. Thế nhưng dầu sao đi nữa thì mình cũng không sao tránh khỏi hậu quả tạo ra bởi các hành động của mình khi còn sống và cả trong các kiếp sống trước đó trong quá khứ. Tất cả các tông phái Phật giáo đều cho rằng thể dạng tri thức trong giây phút cuối cùng rất quan trọng vì nó sẽ hướng sự tái sinh của mình trong một bối cảnh phù hợp với thể dạng tri thức cuối cùng đó).

 

110

 

            Nếu là người Phật giáo và tin vào sự tái sinh thì cái chết cũng chỉ là một sự thay đổi lớp vỏ bên ngoài tức là thân xác, tương tự như thay quần áo mới khi quần áo cũ đã rách. Khi cơ sở chuyển tải vật chất, dưới tác động của các nguyên nhân bên trong (nghiệp ghi khắc trên dòng tri thức) và bên ngoài (thân xác với các thứ bệnh tật, sự già nua, v.v...), trở nên bất lực không còn duy trì được sự sống nữa, thì đấy sẽ là lúc phải buông bỏ nó để thay vào đó bằng một cơ sở chuyển tải mới. Cái chết diễn ra qua tác động của sự lôi kéo đó giữa các điều kiệncơ duyên, không có nghĩa là một sự chấm dứt vĩnh viễn (mà chỉ là một sự chuyển động mang tính cách trói buộc và níu kéo triền miên giữa nguyên nhânhậu quả, khiến chúng ta không bao giờ sống mãi mãi được hay chết luôn một cách vĩnh viễn: nguyên nhân này đưa đến hậu quả kia, hậu quả kia lại đưa đến nguyên nhân khác, cái chết và sự sống cũng vậy, chúng lệ thuộc vào nhau, quấn quýt và xoay vần với nhau, để cùng nhau chuyển động, có nghĩa là hiện lên và tan biến bất tận trong thế giới hiện tượng - gccncntV).

 

111

 

            Mỗi khi đề cập đến bản chất phù du của mọi hiện tượng (kinh sách Phật giáo gọi bản chất này là "Vô thường"/Impermanence, tiếng Pa-li là Anicca, tiếng Phạn là Anitya) thì phải luôn hiểu rằng nó có hai cấp bậc khác nhau. Cấp bậc thứ nhất mang tính cách thô thiển, dễ nhận thấy và thật hết sức hiển nhiên, chẳng hạn như sự chấm đứt của sự sống hay bất cứ một sự kiện nào cũng vậy (mọi hiện tượng đều ở thể dạng liên tục chuyển động và đổi thay: một hiện tượng hiện ra và sau đó sẽ chuyển thành một hiện tượng khác, chẳng hạn sự sinh hiện ra và chuyển thành cái chết, đó là cấp bậc thô thiển dễ nhận thấy. Cái chết chuyển thành sự tái sinh cũng phải chuyển qua một số hiện tượng khác khá phức tạp khó nhận biết hơn mà thôi). Thế nhưng bản chất phù du/vô thường nêu lên trong Bốn Sự Thật Cao Quý (còn gọi là Tứ Diệu Đế) thì tinh tế hơn nhiều, đó là bản chất nói lên tính cách tạm thời của sự hiện hữu (cấp bậc thứ hai này của bản chất vô thường nêu lên một cách gián tiếp qua Bốn Sự Thật Cao Quý, sẽ được giải thích trong các lời ghi chú dưới đây).

Sự hiện hữu của mình chẳng hạn sở dĩ tồn tại và đang diễn biến là nhờ vào sự liên kết và tương tác giữa thật nhiều điều kiện. Thế nhưng các điều kiện đó không đứng yên mà luôn biến động, khiến sự hiện hữu của mình cũng phải luôn ở trong tình trạng chuyển động và đổi thay. Đến một lúc nào đó khi các điều kiện ấy -  tùy thuộc vào nghiệp của mình và liên hệ với các cơ duyên bên ngoài - không còn giữ được sự tương tác và liên kết với nhau nữa, thì lúc đó sự hiện hữu của mình cũng sẽ không còn giữ được nguyên vẹn thể dạng trước đây của nó nữa, mà phải biến đổi để trở thành một thể dạng hiện hữu khác. Sự chuyển biến liên tục đó là nguyên nhân tạo ra "khổ đau" cho chính nó tức là sự hiện hữu, và cũng là của chính mình: đấy là Sự Thật Thứ Nhất trong số Bốn Sự Thật Cao Quý, làm nền tảng cho toàn bộ giáo lý Phật gíáo. Bản chất chuyển động của mọi hiện tượng tức là vô thường cũng cho biết là sự "khổ đau" đó của sự hiện hữu cũng có một nguyên nhân làm phát sinh ra nó: đấy là Sự Thật Thứ Hai. Nếu  sự "khổ đau" của sự hiện hữu là một hiện tượng vô thường và có một "nguyên nhân"  làm phát sinh ra nó, thì nếu loại bỏ được "nguyên nhân" ấy của nó thì nó sẽ không hiện ra được nữa: đấy là Sự Thật Thứ Ba. Nếu sự tan biến của "khổ đau" là một hiện tượng vô thường do một nguyên nhân tạo ra thì cũng sẽ có một "phương pháp" hay một "Con Đường" để hóa giải nó, đó là cách biến nó trở thành một thể dạng khác đúng theo ý muốn của mình, thể dạng đó gọi là sự Giải Thoát: đấy là Sự Thật Thứ Tư.

 

Cấu trúc của Bốn Sự Thật Cao Quý do đó nhất thiết được dựa vào bản chất vô thường mang tính cách níu kéo và trói buộc của mọi hiện tượng, còn gọi là Nguyên lý Tương liên/ Interdependence/ tiếng Pa-li Paticcasamuppada/ tiếng Phạn Pratityasamutpada. Khi đã hiểu được tính cách vô thườngtrói buộc đó của mọi hiện tượng thì cũng sẽ hiểu được bản chất của sự sống là gì, cái chết và sự tái sinh là gì, nguyên nhân của những sự chuyển động đó là gì, và cả sự Hóa Giải tất cả các thứ ấy là gì? Bốn sự Thật Cao Quý cũng chỉ là các sự lôi kéo tất nhiên của các hiện tượng: 1) khổ đau - 2) nguyên nhân mang lại khổ đau - 3) sự chấm dứt của nguyên nhân  khổ đau - 4) sự Giải Thoát - gccncntV)

 

112

 

            Thiền định hướng vào các cấp bậc thô thiển của vô thường (sự chuyển động lộ liễucụ thể của các hiện tượng) sẽ giúp mình ý thức được sự hiện diện này của mình (sự sống của mình đang có) trong hiện tại thật là quý báu, điều đó khiến mình bám víu quá đáng vào cái khoảng thời gian ngắn ngủi mà mình còn lại trong kiếp sống này. Chỉ khi nào đã trút bỏ được gánh nặng tạo ra bởi sự bám víu đó thì khi ấy mình mới ý thức được là việc tu tập hầu chuẩn bị cho các kiếp sống tương lai sẽ quan trọng đến dường nào.

 

113

 

            Đối với những người có đức tin, và dù họ có chấp nhận hay không chấp nhận hiện tượng tái sinh đi nữa, thì khi cái chết bất thần xảy đến với mình thì điều quan trọng hơn cả là phải làm cho các tư duy phát sinh từ tri thức thô thiển (các sự lo sợ, đau buồn, hoang mang, hốt hoảng, bám víu, thương tiếc, v.v. tức là các cảm nhận sơ đẳng nhất về bản chất phù du/vô thường) phải chấm dứt, bằng cách gợi lên thật minh bạch đức tin vào Thượng Đế bên trong chính mình, hoặc bất cứ một thể dạng tâm thần tích cực nào khác (chẳng hạn như tình thương nhân loại, sự toại nguyện trong kiếp sống vừa qua, tình thương yêu hướng vào những người nghèo khổ hay tất cả chúng sinh, v.v.). Tốt nhất là duy trì được một tâm thức càng trong sáng càng tốt, bằng cách loại bỏ tất cả những gì có thể khiến tâm thức bị u mê (thể dạng tâm thần cuối cùng trong khi quá trình của cái chết đang diễn tiến sẽ hướng sự tái sinh phù hợp với thể dạng tâm thần đó của mình). Tuy nhiên nếu người hấp hối đau đớn quá mứcnội tâm mất hết khả năng khơi động một thái độ thuận lợi, thì tốt hơn hết không nên để người hấp hối ra đi trong tình trạng hoàn toàn ý thức (trước các sự đau đớn đang hành hạ mình). Trong trường hợp này nên sử dụng các loại thuốc an thần hoặc thuốc ngủ, đó cũng là một giải pháp tốt (một người chết trong tình trạng đau đớn, hốt hoảng, tức giận hay lo sợ quá mức sẽ có xu hướng tái sinh trong một bối cảnh tương tự).

 

114

 

            Đối với những người không tin vào một tôn giáo nào, cũng không bước theo một con đường tâm linh nào, có nghĩa là sự suy nghĩ của họ tách ra ngoài các quan điểm mang tính cách tín ngưỡng về thế giới, thì điều quan trọng hơn hết đối với họ trong lúc lâm chung là phải giữ được sự bình thản, thư giãn, và phải ý thức thật minh bạch trong nội tâm mình là cái chết cũng chỉ là một quá trình tự nhiên, thuộc thành phần của chính sự sống (1).

 

(1) Lời khuyên trên đây có thể chỉ là một sự dư thừa (costless, gratis). Thật vậy, đối với những người không tín ngưỡng nói chung thì phía sau cái chết sẽ chẳng có gì cả. Thế nhưng trong trường hợp này Đức Đạt-lai Lạt-ma với tư cách là một người Phật giáo cho biết rằng không thể nào hình dung được tâm thức phi-vật-chất lại có thể biến mất một cách đơn giản trước cái chết vật chất của thân xác, bởi vì mỗi thứ mang một bản chất khác nhau. Tri thức tinh tế sẽ tiếp tục con đường của nó xuyên qua thể dạng trung gian giữa cái chết và sự tái sinh. Nó sẽ hòa nhập vào một thân xác mang hình tướng khác, thân xác đó sẽ được hình thành thích nghi với các hành động trong quá khứ của người quá cố và cả thể dạng tâm thần của người này vào lúc cái chết đang diễn tiến. Vì lý do đó qua các lời khuyên tiếp theo dưới đây, Đức Đạt-lai Lạt-ma sẽ nói đến "các sự bất lợi có thể xảy ra với ngưòi quá cố nếu người này có các xu hướng tâm thần tiêu cực" - gcts).

 

115

 

            Trong khi chăm sóc cho một người sắp ra đi thì các bạn phải chú ý đến cá tánh và cả căn bệnh của người ấy, nhất là phải hiểu người ấy có tin vào một tôn giáo nào hay không, tức là tin hay không tin vào sự tái sinh, và sau đó là cố tránh với bất cứ giá nào không được sử dụng các phương pháp gây chết không đau (euthanasia). Hãy cố gắng tối đa giúp người hấp hối thư giãn bằng cách tạo ra một bầu không khí an bình chung quanh người ấy. Nếu các bạn tỏ ra hốt hoảng thì tâm thức của người hấp hối cũng sẽ bị xao động bởi đủ mọi thứ tư duy hiện ra với họ, khiến họ cảm thấy bất an, theo Phật giáo thì đấy chính là cách mà các bạn tạo ra các xu hướng tâm thần tiêu cực cho người hấp hối (kêu gào, khóc than, ôm chặt, xô lắc người hấp hối, v.v..., là cách tạo ra các xu hướng tâm thần tiêu cực - các xúc cảm bám víu của người ra đi - hướng sự tái sinh của người này vào các hoàn cảnh bất lợi).

 

116

 

            Nếu người hấp hối có cùng một tôn giáo với mình thì các bạn nên gợi lại các phương pháp tu tập mà người này đã quen từ trước (Tinh độ, Thiền học, Kim cương thừa, v.v.), hoặc ngược lại nếu người hấp hối không có cùng một tín ngưỡng với mình thì chỉ nên giúp họ khơi động lại đức tin của họ. Trước cái chết, tâm thức của người hấp hối thường mất hết sự sáng suốt, vì thế sẽ là vô ích nếu các bạn gợi lên với họ một phép tu tập hoàn toàn xa lạ hoặc chưa quen luyện tập (một cách vắn tắt là không nên mang các phép tu tập Phật giáo để khuyên giải những người hấp hối không phải là người Phật giáo, vì có thể họ sẽ chẳng hiểu gì cả mà còn có thể khiến họ hoang mang thêm). Khi tri thức thô thiển (các sự suy nghĩ miên man cũng như các xúc cảm đủ loại, chẳng hạn như lo sợ, hoảng hốt, tiếc nuối, hận thù, cầu xin, van vái, v.v.) đã tan biến hết và tri thức tinh tế (các cảm nhận cũng như các các ảo giác thuộc vào các cấp bậc tinh tế khác nhau hiện lên xuyên qua quá trình của cái chết) bắt đầu hiển hiện thì khi đó duy nhất chỉ có sức mạnh mang lại từ sự tu tập của mình từ trước cùng các tư duy tích cực lúc sắp lìa đời mới có thể giúp được mình mà thôi (có nghĩa là sự luyện tập về quá trình của cái chết trước đây khi mình còn sống mới có thể giúp mình theo dõi được các biến chuyển của dòng tri thức xuyên qua sự diễn tiến của quá trình cái chết, hầu nhận biết và chủ động được thể dạng tinh tế nhất của dòng tri thức đó, có nghĩa là sự trống không/tánh không của sự hiện hữu của chính mình để "dừng lại" với thể dạng đó, không chuyển sang giai đoạn tiếp theo là quá trình đưa đến sự tái sinh - gccncntV).

 

117

 

            Khi đã rơi vào tình trạng hôn mê (coma) thì người bệnh chỉ còn giữ được hơi thở vào và ra, tư duy không còn hiện lên nữa. Nếu không còn cách nào giúp người sắp lìa đời thoát ra khỏi tình trạng vô thức thì vẫn cứ tiếp tục trợ giúp người ấy trong tình trạng đó. Nếu gia đình khá giả và người sắp lìa đời được mọi người yêu quý đến độ sẵn sàng hy sinh tất cả để kéo dài sự sống của người ấy, thì thật hết sức quan trọng là nên cố gắng, dù chỉ kéo dài thêm được một ngày cũng vậy. Mặc dù việc đó chẳng ích lợi gì đối với người sắp lìa đời thế nhưng cũng có thể giúp những người thương mến họ được toại nguyện.

 

            Khi đã không còn hy vọng nào giúp cho tri thức của người hôn mê hoạt động trở lại, và nếu sự cố gắng đó quá tốn kém khiến gia đình phải gặp khó khăn, hoặc tạo ra các vấn đề nghiêm trọng (duy trì sự sống thực vật/vegetative life cho một người hôn mê thật sâu và não bộ không còn hoạt động nữa, sẽ đòi hỏi một sự chăm sóc khó khăn và tốn kém, khiến gia đình phải bán nhà hay mang nợ...), thì tốt hơn là nên thốt lên lời "tạm biệt".

 

118

 

            Theo quan điểm Phật giáo thì phải làm tất cả những gì có thể làm được nhằm giúp người sắp lìa đời không quá đau đớn, tuy nhiên và dầu sao đi nữa thì người ấy cũng không sao tránh khỏi các sự đau đớn do chính mình gây ra cho mình (nghiệp do mình tạo ra cho mình). Nói một cách khác thì nguyên nhân mang lại sự đau đớn cho người ấy chính là các hành động (karma/nghiệp) do người ấy tạo ra và hậu quả mang lại bởi các hành động đó thì không sao tránh khỏi được. Tệ hại hơn nữa là nếu người ấy đang ở vào một nơi thiếu các điều kiện thuận lợi về vật chất (sống trong một nơi hay một xứ sở nghèo nàn, không thuốc men, bệnh viện...), hoặc sinh ra dưới một thể dạng hiện hữu khác không ai chăm sóc mình (chẳng hạn thú vật thường không có khả năng giúp đỡ nhau khi đau ốm, bị thương tích hoặc trong lúc hấp hối), thì tình thế sẽ còn thê thảm hơn nữa. Vì thế, trong lúc còn có những người chung quanh chăm lo và trợ giúp mình, thì cũng nên chịu đựng sự đau đớn với cái thân xác mà mình đang có (sự chịu đựng đó là một cách nhận chịu nghiệp do mình tạo ra cho mình, chấp nhận sự đau đớn là một cách thanh toán "món nợ" đó, hoặc ít ra cũng làm cho nó "nhẹ bớt" đi, không nên giữ lại để kéo dài thêm sự đau đớn đó trong các kiếp sống tương lai).

 

                                                                                                Bures-Sur-Yvette, 21.12.18

                                                                                                 Hoang Phong chuyển ngữ

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
21/03/2014(Xem: 24155)
30/05/2014(Xem: 21945)
02/12/2018(Xem: 14601)
26/08/2016(Xem: 12011)
26/08/2013(Xem: 41690)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.