Hồi Sinh Mảnh Vườn Tâm

27/01/20193:38 CH(Xem: 5696)
Hồi Sinh Mảnh Vườn Tâm
NGÀY MỚI CỦA TÂM
Tác giả: Chùa Hoằng Pháp
Nhà xuất bản Văn Hóa Văn Nghệ

HỒI SINH MẢNH VƯỜN TÂM

Tôi chưa từng dám nghĩ rằng, trong cuộc đời mình cũng có lúc tôi ngồi đây và chia sẻ với mọi người về sự nhiệm mầu của Phật pháp. Bởi trước đây tôi hoàn toàn không tin Phật, và giả như lúc ấy Phật có đứng trước mặt thì tôi vẫn không tin. Dù rằng mẹ tôi là một cư sĩ tại gia, vẫn thường tụng kinh ở nhà và mỗi tháng hai lần đến chùa thọ Bát Quan Trai. Mẹ thường hay lấy cớ nhờ tôi chở đi chùa để tôi có cơ hội gieo duyên với Phật pháp, nhưng tôi chỉ đưa mẹ tới cổng, không bao giờ bước chân vào chùa cùng mẹ. Nhiều lúc mẹ và những đạo hữu của bà thường gọi tôi vào lễ Phật và xá chào quý thầy nhưng tôi một mực từ chối, cứ ung dung cho xe chạy về nhà. Một khi trong lòng đã không tin thì dù ai nói gì cũng vậy, dù mẹ có khuyên răn hay tìm cách khuyến hóa bao nhiêu thì tôi cũng nhất định không nghe. Tôi còn nghĩ, tại sao mình phải lạy những tượng đá vô tri vô giác đó; mấy thầy cũng là người giống mình thôi mà tại sao phải xá chào. Tôi không nghe, nhưng cũng không cản mẹ đi chùa vì nghĩ rằng đi chùa là chuyện của mấy cụ già đi tìm niềm vui và sự an nhàn.

Nhưng riêng với hai đứa con, tôi nhất quyết không đồng ý cho chúng theo mẹ và chị đi chùa, tụng kinh, ăn chay. Tôi la rầy chúng và cấm không cho ăn chay. Tôi không hề biết mình làm như vậy là đã đoạn tuyệt nhân lành với Phật pháp của các con. Có một sự việc mà cho đến bây giờ nghĩ lại trong lòng tôi vẫn còn hối hận rất nhiều. Chuyện là khi anh chị và mẹ xảy ra chuyện xào xáo, bất hòa, nhưng sau đó anh chị cũng đã hối hận và biết đi chùa Quy y Tam Bảo và thầy có đến nhà để giúp anh chị và mẹ hàn gắn tình thân. Nhưng tôi lại cảm thấy không bằng lòng về việc này. Tôi cho rằng thầy “rảnh rỗi”, thầy “dư hơi”, tôi thấy phiền vì phải tiếp đãi nước nôi. Sau này ngẫm lại tôi mới thấy, thực ra thầy đã làm một điều rất tuyệt vời, vì chính thầy đã giúp gia đình tôi được sống vui vẻ, hạnh phúc đến tận bây giờ.

Khi vô minh, ta cứ nghĩ rằng mình hay, mình đúng, mà không hề hay biết mình đang gây ra rất nhiều tội nghiệp. Bản thân tôi cũng vậy! Tôi là một chủ doanh nghiệp nhưng mỗi khi bạn bè gọi điện rủ đi từ thiện, cứu trợ chỗ này chỗ nọ tôi đều gạt đi, vì luôn nghĩ đó là những chuyện vô bổ, không có ích lợi gì, chuyện mình lo chưa xong mà hơi đâu lo chuyện thiên hạ. Thế nên, tôi chỉ tập trung vào những việc mang lại lợi ích thiết thực cho cá nhân, cho công ty mà thôi.

Việc đầu tiên phải kể đến là việc tiếp đãi đối tác để ký kết hợp đồng. Hầu như những công việc này đều chỉ diễn ra trên bàn nhậu. Bản thân tôi tuy là phụ nữ nhưng cũng không ngoại lệ. Không những thế, vì muốn cho công ty của mình ngày một phát triển, tôi đứng ra tổ chức những cuộc giao dịch, triển lãm, hội chợ và hội thảo ở vùng sâu vùng xa. Càng đi nhiều tôi lại càng nhậu nhiều, mặc dù điều này đối với một phụ nữ Á Đông có vẻ không phù hợp cho lắm! Tại các cuộc ăn nhậu, những đối tác thường hẹn đến nhà hàng lớn. Ở đó, chúng tôi mặc sức ăn nhậu những món đặc sản trên đời. Tôi không hề biết rằng chính những thú vui ăn uống ấy lại đẩy tôi vào nghiệp sát sinh.

Trong những cuộc vui trên bàn nhậu, tôi cao hứng bưng rổ tôm sống đổ vào nồi nước đang sôi, mặc cho chúng vùng vẫy, giãy giụa... rồi cứ thế lấy nắp đậy lại, xong thỉnh thoảng mở ra dìm chúng xuống. Lúc đó, tôi lấy làm thích thú vì những việc như vậy lắm! Rồi có những lần, tôi cùng đối tác đi đến các nhà hàng hải sản tươi sống. Tại đó, khi chúng tôi chỉ tay vào con cá nào thì lập tức nó sẽ được đem đi chế biến thành món ăn phục vụ chúng tôi. Những người đầu bếp cũng rất biết cách để thỏa mãn thú vui ăn uống cho thực khách. Ví dụ như chế biến món cá thì anh đầu bếp phải làm sao để khi cá được bưng lên bàn nhậu phải còn trong trạng thái nửa sống nửa chín, hai cái mang nó vẫn còn phập phồng thở, còn hai mắt nó vẫn thô lố nhìn. Người ta cho rằng ăn vậy mới ngon. Sau này nghĩ lại, tôi mới thấy sợ, sợ cái cách thức con người thỏa mãn thú vui ăn uống của mình. Một số người nào đó muốn phải ăn con vật khi nó còn đang nửa sống, nửa chín - lúc mà chúng còn đang cảm nhận được sự đau đớn, sợ hãi và bất lực. Như vậy đúng là con người chúng ta đang ỷ mạnh hiếp yếu, tôi ỷ vào sức mạnh của mình, tôi dùng hết lực đè những con tôm xuống nước sôi, và rồi bản năng sống khiến chúng vừa giận dữ vừa hoảng sợ, vùng vẫy nhưng đành bất lực vì chúng quá yếu ớt. Phải chăng đó chính là cách ăn tàn nhẫn nhất của con người? Không thể khẳng định được điều này, song tôi nghiệm ra rằng, cho đến tận giờ tôi vẫn ám ảnh khi nghĩ tới những cuộc vui ăn uống của mình. Sau này, đọc lại trong kinh Pháp Cú, tôi mới biết đức Phật cũng đã dạy: “Ai ai cũng sợ gươm đao, ai ai cũng sợ chết, vậy chớ giết và chớ khiến người giết”. Ấy vậy mà tôi đã có một thời vô minh như thế!

Đó mới chỉ là việc ăn, còn việc nhậu và hút thì tôi cũng không thua kém gì đàn ông. Khi vào nhà hàng, các khách hàng luôn yêu cầu những loại rượu đắt tiền nhất. Rồi cứ như thế chúng tôi chúc tụng nhau hết ly này đến ly khác, hết chai này đến chai khác. Đến khi bản thân uống không nổi thì tôi vẫn hô to chúc mừng, xong rồi đổ hết xuống đất. Mãi cho đến sau này, tôi mới nhận ra việc làm này quả thật hết sức hoang phí. Chúng tôi hoang phí thức ăn và cả những đồ uống đắt tiền; ăn không hết thì bỏ, uống không hết thì đổ. Trong khi rất nhiều người không có miếng ngon để ăn, không có tiền để sắm một manh áo ấm… Rồi đến việc hút, khách hàng đa phần là đàn ông, mà làm ăn với người ta lẽ nào họ mời hút thuốc tôi lại từ chối. Thế là tôi cũng làm bộ, mở bao thuốc ra để lên miệng rồi châm lửa hút. Ban đầu tôi cũng thấy hơi choáng và khó chịu nhưng dần rồi cũng quen. Nên thành thử từ đó về sau dù không đi nhậu thì mỗi ngày tôi vẫn có thể hút hết một bao thuốc, mà hút một cách rất sành điệu nữa là đằng khác!

Thế rồi, nhân duyên của tôi đối với Phật pháp cũng rất nhẹ nhàng như cơn mưa dầm thấm đất vậy. Năm đó, vì công việc làm ăn của công ty có nhiều tiến triển nên tôi lên Hóc Môn để mua một miếng đất mở phân xưởng nước uống đóng chai. Vào thời điểm ấy, dân cư còn thưa thớt, đường sá chưa mở rộng như bây giờ. Cũng vì phải chăm lo công việc ở phân xưởng nên có những lúc tôi phải ở lại. Có những buổi chiều một mình đứng trên sân thượng nhìn cảnh trời mây u tịch, không một bóng người qua lại, vào đêm lại thêm những tiếng ếch nhái kêu rần trời, lúc đó tự nhiên tôi thấy buồn vô cùng. Tôi thấy mình cũng lạ thật, xưa nay đi Đông đi Tây, làm ăn bốn phương chưa khi nào thấy buồn mà tự nhiên hôm đó lại thấy lòng mình chùng lại! Tôi có cảm giác nhớ cha mẹ và những người thân. Tôi thấy một sự cô đơn, trống trải dâng đầy trong lòng. Tôi nhớ lời mẹ dặn trước khi lên lập phân xưởng: “Hóc Môn không xa nhà mình là bao, nhưng dù sao cũng là nơi xa lạ con chưa từng sinh sống. Con lên đó một mình không người thân cận thì con phải lập nơi thờ cúng ông bà và thờ Phật”. Rồi tôi lân la dò hỏi và được người ta chỉ đến một ngôi chùa nhỏ nằm trong một con hẻm. Và lần đầu tiên trong đời tôi biết chắp tay bạch thầy. Tôi trình bày những điều mình đã trải qua và thầy hứa sẽ tới giúp. Tôi thỉnh hình mẹ Quan Thế Âm về thờ và đó cũng là một nhân duyên để tôi từng bước đến với Phật pháp. Từ chỗ hay tới lui chùa chiền, quý thầy cũng dần biết đến tôi, nên mỗi khi chùa có lễ quý thầy đều mời tới dự. Sau nhiều lần đến tụng kinh và gieo duyên với chùa chiền, tôi được thầy trụ trì hướng dẫn quy y và được đặt Pháp danh là Quảng Thông. Từ đó tôi mới chính thức xây dựng một điện thờ Tam Bảo trên sân thượng – nơi mà trước đây tôi từng ngồi hóng mát và bày biện những tiệc nhậu linh đình trên ấy.

Đó mới chỉ là hạt mưa nhân duyên đầu tiên rơi xuống mảnh vườn tâm tôi. Còn nhân duyên thực sự khiến cho tâm tôi bừng tỉnh ngộ để thay đổi con người lại bắt nguồn từ nỗi đau khổ về bệnh tật. Lẽ tất nhiên, chuyện gì phải đến thì sẽ đến. Bản thân tôi đã gây nên tội nghiệp sát sinh nên “nhân quả công bằng” tôi phải chịu căn bệnh sỏi thận ứ nước bên trong. Nếu ai mới nghe qua chắc sẽ nghĩ rằng đó cũng là bệnh thường thôi, uống thuốc là sẽ hết, nhưng sự thực là căn bệnh của tôi rất nguy hiểm cho tính mạng. Cơn bão bệnh này đem đến những cơn đau dữ dội, đau quằn quại tưởng chừng như không chịu nổi. Tôi còn nhớ có lần người nhà đưa tôi đến phòng cấp cứu gặp lại người quen là bác sĩ thì sự đau đớn làm tôi quên mất sĩ diện của bản thân. Tôi níu áo cậu ta kêu than, cầu xin cậu ấy cứu mình. Cậu ấy cũng thấu hiểu được cơn đau mà tôi đang chịu đựng nên an ủi, trấn an tinh thần tôi, rồi từ từ điều trị cho tôi bớt đau đớn. Nhưng đó mới chỉ là trị liệu ban đầu để giảm bớt những cơn đau, còn thực sự sỏi thận vẫn còn đó. Cậu ấy bàn với tôi, có hai cách để giải quyết căn bệnh, một là bắn tia laser tán nhuyễn sỏi thận và uống thuốc, hai là mổ lấy ra (thời đó chưa có kỹ thuật mổ nội soi như bây giờ mà phải mổ hở). Nhưng mà hai cách này cũng không đảm bảo là cho kết quả một trăm phần trăm như ý. Tôi bảo cậu ấy cho tôi thời gian về bàn bạc với gia đình rồi sẽ quay lại điều trị.

Về nhà suy nghĩ tôi vẫn chưa biết mình nên làm thế nào. Trong khi đó, những cơn đau cứ tiếp tục hành hạ khiến tôi không ngày nào được yên. Lúc đó, tôi mới biết quý tiếc thân xác mình, mới thấy sợ mất nó. Bản thân có được tia hy vọng nào thì nhất định tôi phải thử. Tình cờ tôi tìm đến thăm người bạn cũ, anh cũng thực hành tu thiềnăn chay trường. Tôi tâm sự cùng bạn, rồi anh khuyên bệnh là do duyên nghiệp gây ra nên bản thân phải nhận lãnh. Bạn khuyên rằng: Chuyện mổ thận bây giờ hãy tạm gác lại, nếu có đức tin thì hãy hành thiền để trị bệnh. Tôi nghe vậy giống như là người chết đuối bắt được phao, đúng như lời người ta nói: “Có bệnh thì vái tứ phương”. Lúc này, tôi đồng ý nghe theo bạn.

Ngồi thiền kiết giàniệm Phật để chữa bệnh nghe có vẻ đơn giản quá! Nhưng mà thực tế thì mọi chuyện không dễ dàng! Ngày đầu tiên tập ngồi, lưng mỏi, chân tê, đau chịu không nổi, muốn bỏ cuộc bao nhiêu lần nhưng dần dần, mỗi ngày cố gắng một chút, tôi cũng ngồi được. Nhưng đến lúc ngồi kiết già được rồi thì lại buồn ngủ, không tập trung được! Tôi đã không thể nhiếp tâm thì làm sao niệm được danh hiệu A Di Đà Phật. Thế nhưng vì nghĩ đó là cứu cánh nên tôi phải kiên trì đến cùng. Ngày này qua tháng nọ, rồi tôi cũng đã ngồi được thuần thục và có thể chú tâm vào câu Phật hiệu. Khi ngồi yên lặng thì cũng là lúc tôi nhìn thấy quá khứ hiện về, tôi nhớ lại những việc mình đã làm, những tội lỗi đã gây ra, những cuộc ăn chơi hoang phí, sát sinh hại vật,… để rồi hiểu được vì sao hôm nay tôi lại mang thân bệnh khổ thế này. Sau đó, tôi phát tâm trường chay. Tôi vẫn kiên trì ngồi thiền, niệm Phật đồng thời cũng theo dõi bệnh tình của mình, tôi thấy mỗi lần kiểm tra là mỗi lần sỏi thận nhỏ lại một chút. Dần dần bây giờ tôi chỉ còn lại một dấu vết nhỏ là di chứng của viên sỏi thận, nhưng nó không còn gây đau đớn cho tôi nữa.

Vào thời điểm đó không hiểu vì nhân duyên gì mà có lần tôi đến chùa Hoằng Pháp, Thầy trụ trì lại tặng cho tôi một VCD Làm sao tránh hiểm họa chiến tranh. Xem xong đĩa, tôi lại càng thấy tội lỗi mình chất chồng. Từ đó, tôi càng quyết tâm trường chay và tổ chức phóng sinh để trả lại nợ xưa. Vì chính tôi đã từng làm rất nhiều con vật phải chết trong đau đớn. Giống như trong câu kinh tôi thường tụng mỗi ngày: “Tội từ tâm khởi đem tâm sám. Tâm được tịnh rồi, tội liền tiêu”. Tôi rất hoan hỷtin tưởng vào việc làm của mình, nhưng bỗng một hôm tôi nghe người bạn bảo không nên đi phóng sinh nữa, vì nếu phóng sinh càng nhiều thì người ta bắt càng nhiều các con vật, vậy là tôi thêm tội chứ không có gì tốt cả. Nghe xong trong lòng tôi cũng thấy hoang mang, nhưng cũng thêm một duyên may nữa là tôi lại được gặp quý thầy, quý thầy tặng tôi cuốn Phóng sinh vấn đáp. Đọc xong tôi không còn sợ về việc phóng sinh của mình nữa, vì trong đó tôi tâm đắc nhất hai câu “phóng sinh có phước của người phóng sinh, người bắt thì có tội của người bắt”.

Từ khi tin sâu Phật pháp, tôi như bừng tỉnh giữa cơn mê, như được tắm gội trong dòng nước pháp, thân thể tôi được khỏe mạnh, tâm tôi được an lạc. Cảm giác này trước đây tôi chưa từng có được! Dù có tiền cũng không thể mua được những giây phút an lạc, thảnh thơi ấy, nên tôi khẳng định đạo Phật đã đem lại cho tôi tài sản tinh thần lớn lao và niềm hạnh phúc vô biên. Để đền đáp ơn sâu mà chư Phật đã ban cho, tôi dành thời gian còn lại của mình để hiến dâng cho Phật pháp, tôi kêu gọi bạn hàng và những người thân của mình tham gia những hoạt động từ thiện. Tôi thường tổ chức những chuyến thiện nguyện cứu trợ đồng bào vùng sâu vùng xa và cũng thường ủng hộ học bổng cho các em học sinh nghèo hiếu học. Những dịp lễ Tết tôi theo quý thầy, cô phát quà cho những người già neo đơn, cũng là hoạt động ý nghĩa để tạo môi trường làm phước cho mọi người gần xa, người góp công, người góp của. Rồi cứ mỗi trưa Chủ Nhật hằng tuần tại phân xưởng của tôi đều tổ chức nấu cơm chay từ thiện, mỗi lần hơn 500 phần cơm. Tôi muốn nhân việc này giúp mọi người tập quen dần với việc ăn chay để giảm bớt đi nghiệp sát sinh, và biết đâu trong số ấy có người nhờ đó mà biết đến Phật pháp nhiều hơn. Bên cạnh đó tôi cũng tổ chức cúng thí thực cho những vong hồntụng kinh cho họ nghe để họ nương theo lời kinh mà tu hành, sớm được đầu thai làm người để không còn vất vưởng nơi trần gian.

Thời gian này, tôi đã ý thức được tầm quan trọng của việc xây đắp đời sống tâm linh tốt đẹp nên cũng khuyên các con ăn chay niệm Phật, nhưng bây giờ khác xưa rồi, chúng không còn nghe lời tôi nữa. Chúng bảo: “Ngày xưa tụi con ăn chay theo bà ngoại thì mẹ nói là ăn chay sẽ bệnh, bây giờ mẹ lại khuyên con ăn chay, mẹ nói hai lời, không tốt rồi”. Tôi nghe vậy biết là ngày xưa mình đã sai khi chính mình đã đoạn đi cái căn lành với Phật pháp của con mình, nên giờ chúng mới phản ứng lại như vậy. Nhưng bằng tấm lòng của một người mẹ tôi nhẹ nhàng nói: “Hồi xưa mẹ chỉ biết làm ăn, buôn bán, đi chỗ này chỗ nọ nên bản thân mẹ cũng đã gây tạo nhiều tội lỗi. Thật ra mẹ vô minh mà mẹ đâu có biết, nên mẹ mới hành xử với các con như vậy! Còn bây giờ mẹ qua biết bao gian nan của cuộc đời, nay mẹ cũng đã hơn 50 tuổi, đó cũng là quãng thời gian mẹ nếm trải những đau khổ, vấp ngã để rút ra cho mình những bài học lớn. Đó là bài học của cả cuộc đời đã qua của mẹ, lẽ nào mẹ biết mà mẹ không dạy lại cho các con?”. Thế rồi từ từ, kiên nhẫn mãi, cộng thêm mỗi ngày tôi đều khấn nguyện hồng ân Tam Bảo gia hộ, hai con cũng đã nghe lờiphát tâm trường chay. Đó là niềm vui lớn nhất trong cuộc đời tôi kể từ khi biết Phật pháp.

Thêm một điều nữa, những công nhân làm việc nơi xưởng của tôi đã biết học theo tôi tụng kinh và trường chay. Lúc đầu có lẽ vì các em tò mò muốn biết vì sao một người phụ nữ như tôi, cũng gọi là có chút tiền bạc, đi lại bằng xe hơi, mà không hiểu vì sao lại ăn uống kham khổ như vậy. Từ chỗ các em thắc mắc, tôi lại sẵn có kinh sách, băng đĩa, tôi cho các em tìm hiểu. Dần dần các em cũng đã hiểu được việc làm của tôi và phát tâm thực hành theo. Tôi rất vui mừngtuổi trẻ là tuổi rất dễ sa ngã bởi những cám dỗ của xã hội nhưng các em lại biết tụng kinh lễ Phật mỗi tối và trường chay. Tôi lấy làm mãn nguyện vì điều này lắm!

Kể từ khi đến với Phật pháp, đời sống của tôi có thêm nhiều niềm hạnh phúc lớn, niềm vui của sự an lạcthanh thản, không như những cuộc vui hoang phí nơi những bữa tiệc rượu của tôi ngày xưa. Niềm hạnh phúc ấy lạ lắm, hạnh phúc khi mà ta được đem niềm vui trao cho những người khác nữa. Cách đây không lâu, tôi cùng quý sư cô tổ chức một chuyến cứu trợ về miền Tây. Sau khi phát hết quà cho người dân rồi vẫn còn dư lại một số phần quà, sư cô mới bảo rằng, mình sẽ chạy dọc con sông này xem còn gia đình nào khó khăn thì mình cho họ. Thuyền máy cứ chạy dọc trên con sông, đến một ngôi nhà lá nọ có một ông cụ đang ngồi chẻ lạt, còn cụ bà đang cầm dao bổ củi. Khi đoàn tàu dừng lại, tôi mang phần quà đến trao cho bà cụ, bà ngơ ngác nhìn tôi rồi vội vàng đứng dậy phủi hai tay ôm lấy món quà của tôi, bà cười. Và nụ cười của cụ bà in sâu trong tâm trí tôi, tôi nghĩ khi mình tặng quà cho người ta thì họ vui một còn bản thân ta lại vui tới mười. Tôi vẫn nhớ cảm giác của ngày hôm ấy, lòng tôi cứ thấy lâng lâng vui sướng vì đã làm được những việc ý nghĩa.

Đọc đến đây chắc quý vị cũng sẽ thắc mắc rằng tôi là người làm kinh doanh, phải thường xuyên gặp gỡ, ký kết hợp đồng với đối tác mà lại trường chay như vậy có ảnh hưởng đến công việc không. Phải nói thật rằng, ban đầu việc trường chay ảnh hưởng rất nhiều đến công việc làm ăn của tôi. Bởi vì trước đến giờ các đối tác đều hẹn đến những nhà hàng, quán nhậu để ký hợp đồng, mà tôi lại ăn chay thì thật là bất tiện cho cả hai phía. Thế nhưng, tôi đã hướng đến con đường tâm linh thì tôi sẽ quyết đi cho trọn. Ngày xưa đức Phật còn bỏ cả ngai vàng điện ngọc để ra đi tìm con đường giải thoát, huống chi tôi đây chỉ có một công ty nhỏ bé này. Nhưng thực ra tôi cũng không cần phải bỏ công ty, bỏ kinh doanh để theo Phật pháp. Tôi vẫn có thể cùng lúc làm được hai việc ấy một cách vẹn toàn. Vì dần dần bạn làm ăn cũng hiểu và thông cảm cho tôi, đến bây giờ thì công việc không còn trở ngại gì nữa.

Qua câu chuyện của mình, tôi cũng không dám khuyên răn ai điều gì, chỉ là tôi đang chia sẻ bằng tất cả sự trải nghiệm của bản thân. Tôi mong, mọi người cũng sẽ nhận ra được những điều mà tôi đang muốn nói. Chúng ta không nên vì thú vui ăn uống mà giết hại những con vật tội nghiệp và rồi dửng dưng trước sự sợ hãiđau đớn của chúng. Cũng đừng chôn vùi đời mình trong những buổi tiệc nhậu xa hoa. Nó chỉ đem lại cho chúng ta một tấm thân bệnh tật và một tâm hồn trống rỗng mà thôi!

Nhân vật: Phật tử Quảng Thông

Nhận định của thầy Thích Chân Tính

Phật tử Hứa Thị Thanh Vân - Pháp danh Quảng Thông, tuy là người nữ nhưng có lẽ tính cách có phần nam tính. Bản thân cô không dính vào những tệ nạn như ma tuý, trộm cắp, cũng không ăn nhậu đến nỗi tan nát hạnh phúc gia đình. Ở đây cô chỉ có những hành động (có thể là những nguyên nhân trong tương lai dẫn đến sa đọa, tội lỗi) chẳng hạn như: không tin Phật pháp, cấm con ăn chay, chê bai quý thầy, chỉ ham làm ăn cho thật giàu mà không biết bố thí, trong việc giao tiếp làm ăn thì tập uống rượu, hút thuốc, sát sinh hại vật để thỏa mãn khẩu vị của mình. Nếu không biết Phật pháp, chắc chắn đó là những nguyên nhân để trong tương lai dẫn đến sa đọa, nhưng nhờ có căn lành, cô đã gặp được Phật pháp. Cũng là một con người ấy nhưng trước đây chưa hiểu Phật pháp thì đi vào con đường tội lỗi, sa đọa, bây giờ khi hiểu Phật pháp lại hướng về con đường tốt đẹp, cao thượng. Vậy nên, nếu tất cả mọi người đều hiểu biết Phật phápthực hành lời Phật dạy thì cuộc đời này sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều.

Trong câu chuyện về cuộc đời cô, tôi thấy có những điểm hay mà quý Phật tử tu học cần lưu ý. Thứ nhất, cô từ bỏ được rượu, thuốc lá, phát nguyện ăn chay trường mà công việc làm ăn vẫn thành đạt. Lâu nay chúng ta vẫn nghĩ rằng muốn làm ăn thì phải ăn nhậu, phải sát sinh. Vậy thì cô Vân là minh chứng cho chúng ta thấy ăn chay vẫn làm ăn thuận lợi thành công, chứ không phải cứ đến nhà hàng ăn nhậu mới thành công. Thứ hai, trước đây cô thường sát sinh để ăn, nhưng bây giờ phát nguyện ăn chay, không những ăn chay lại còn biết phóng sinh. Điểm thứ ba, tuy là chủ một doanh nghiệp nhưng cô sống rất đơn giản. Khi cô đến đây, tôi không nghĩ rằng cô là một chủ doanh nghiệp, bởi nhìn bề ngoài rất đơn giản, thế nhưng lại có cái tâm rất quý ở chỗ biết tiết kiệm bản thân mình để làm những việc lợi ích cho mọi người bằng những hành động từ thiện xã hội, cứu giúp những người khó khăn hoạn nạn. Và điều đặc biệt nữa là cô đã chuyển hóa được nhân viên của mình biết quy y, biết ăn chay, biết tụng kinh niệm Phật. Đây cũng là một tấm gương rất đáng trân trọng cho những Phật tử là chủ những doanh nghiệp làm thế nào để hướng nhân viên của mình biết quy y Phật pháp, biết ăn chay, niệm Phật.

(Biên tập từ chương trình Phật Pháp Nhiệm Mầu kỳ 5)



Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
15/12/2015(Xem: 10935)
11/12/2018(Xem: 13604)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.