Tỉnh Giấc Mộng Đời

27/01/20194:11 CH(Xem: 5403)
Tỉnh Giấc Mộng Đời
NGÀY MỚI CỦA TÂM
Tác giả: Chùa Hoằng Pháp
Nhà xuất bản Văn Hóa Văn Nghệ


TỈNH GIẤC MỘNG ĐỜI

Anh là người miền Nam nhưng theo cha mẹ công tác về Đà Nẵng và sinh sống đến nay. Cha mẹ anh sinh được năm người con trai, anh là con trai trưởng trong gia đình. Hiện anh đã lập gia đình và sinh được hai con, một trai một gái. Gia đình anh sinh sống bằng nghề kinh doanh nhà hàng ăn uống. Từ nghề mưu sinh của mình, anh đã gây nên bao nhiêu tội nghiệp giết hại chúng sinh và chính anh cũng phải trả giá cho những việc làm ấy.

Cuộc đời của anh không chỉ kinh doanh buôn bán từ những con vật sống mà anh còn là người mang nghiệp giết hại chúng sinh rất nặng. Chính từ trong nghề nghiệp của mình, anh đã nghĩ ra nhiều phương thức giết hại chúng sinh để mua vui cho khách hàng, nhằm lôi kéo khách đến quán ngày một đông hơn. Có lẽ con người là loài duy nhất trên thế giới nghĩ ra những điều tốt đẹp nhất nhưng cũng là loài nghĩ ra những thứ dã man nhất. Chẳng hạn anh không giết con vịt theo cách thông thường. Đầu tiên anh cho cắt lấy máu của con vật ấy ba lần (nhưng vẫn để con vật sống tiếp) để phục vụ món tiết canh cho khách, đến lần thứ tư anh mới cho nó chết hẳn. Để chiều tính hiếu kỳ của khách, anh đem con vịt ấy ra cắt tiết ngay tại bàn ăn và thả vào lồng cho nó tiếp tục ăn uống, cứ như thế đủ ba lần cho đến khi chúng không còn khả năng lấy tiết nữa, anh sẽ cho giết chúng lấy thịt. Những vị khách lấy làm vui thích trước cách thức kinh doanh của anh. Thậm chí họ còn dành cho anh nhiều lời khen tặng vì biết làm hài lòng khách.

Từ đó, anh còn nghĩ ra cách chế biến những món ăn khác nữa để rồi gieo rắc đau thương cho bao nhiêu chúng sinh vô tội. Anh nghĩ ra món “cá lóc chiên xù hồng đào”. Đó là món ăn mà người đầu bếp sẽ chiên con cá làm sao mà bộ ruột phải còn đỏ, còn máu ửng hồng. Hay là món “tôm nhảy”, người ta cho những con tôm còn sống vào nồi có rất ít nước giấm, để khi nồi vừa đủ độ nóng thì những con tôm sẽ nhảy lên tìm cách thoát thân, nhưng không tài nào thoát ra được, và chúng sẽ cong quắp thân mình lại rồi chết. Cứ như thế oán hận, đớn đau của chúng sinh ngập tràn trên những bàn ăn mà mọi người vẫn hả hê chúc tụng, vui vẻ.

Trải qua một thời gian kinh doanh, gia đình anh có một nguồn thu kha khá. Cuộc sống đủ đầy và dư dả về tiền bạc khiến anh sinh ra ăn chơi sa đọa. Sau những giờ vắng khách chính là giờ anh cùng những ông chủ khác tụ tập đi chơi từ khoảng 10 giờ đêm đến 3-4 giờ sáng. Anh đi đến chỗ những cô gái làng chơi và ném tiền vào đó để mua vui. Chưa thỏa mãn với những thú vui ấy, anh còn tự kiếm tìm niềm vui cho mình trong dục vọng ăn uống. Anh muốn trước khi ăn con vật nào anh phải chứng kiến sự đau đớn, hoảng sợ, kêu thét của chúng. Anh rất lấy làm vui thích trong việc tìm kiếm những món ăn và những cách ăn có phần dã man. Chẳng hạn khi ăn thịt chó, anh cho rằng những con chó bị giết chết một cách tức tưởi thì ăn thịt mới ngon. Cho nên anh sẽ đem con chó ấy bỏ vào bao dìm xuống nước cho chết mặc cho con chó giãy giụa, kêu thét, sợ hãi thế nào. Hoặc anh sẽ dùng vật nặng đập đầu cho con chó chết tức tưởi rồi đem đi xẻ thịt.

Sẵn có tiền nên hễ nghe ở đâu có món ăn gì lạ, ngon, bổ là anh tìm tới. Anh còn vào tận miền Nam nhờ bạn dắt đi ăn món óc khỉ - đây là món ăn mà cả thế giới đều lên án vì sự tàn ác của nó. Thế nhưng nhiều người vẫn kiếm tiền bằng hình thức kinh doanh này, và những đại gia lắm tiền nhiều của rất thích ăn món óc khỉ. Một con khỉ còn đang sống hồn nhiên sẽ bị người ta bắt trói bên dưới một cái bàn vuông có khoét lỗ sao cho vừa một mỏm đầu con khỉ trồi lên. Người phục vụ cũng sẽ nhanh tay dùng một con dao rất bén phạt ngang chỗ đầu trồi lên của con khỉ. Mặc cho những tiếng kêu đau đớn xé lòng, anh và những đại gia ngồi đó sẽ thản nhiên cười đùa, vui thích vắt chanh vào não khỉ rồi dùng muỗng múc não khỉ ăn trong sự đau đớn tột đỉnh của con vật. Khi con khỉ lịm đi và rồi chết hẳn, lúc đó người ta sẽ đem con khỉ ấy đi nấu cao để ngâm rượu uống.

Anh vô tình biến việc sát sinh và nỗi đau đớn của những con vật làm niềm vui của mình. Anh tỏ ra khoái chí trước những trò giết hại động vật. Anh nhốt con mèo sống trong giỏ tre, bên ngoài bọc giỏ sắt và đè vật nặng lên để con vật tội nghiệp không nhảy ra được. Rồi anh múc từng ca nhỏ nước sôi tưới từ từ lên mình con vật sao cho nó hoảng sợ nhảy quanh giỏ tre, khi ấy lông của con vật sẽ bị tróc ra từ từ trong đau đớn. Có lẽ ai cũng sẽ thấy sợ hãirùng mình trước việc này, nhưng bản thân anh thì không hề động lòng thương xót. Anh bảo cũng đã từng uống máu tươi trực tiếp ở cổ con bò. Cho nên, trên đời này có những việc tưởng chừng như khiến nhiều người rùng rợn thì anh lại thản nhiên. Có khi đi đường gặp người bị xe tông nát thây, anh cũng bình thản lượm xác lại một chỗ mà không hề run tay. Đối với anh việc nhìn thấy máu me, chết chóc là điều bình thường, không có gì đáng sợ vì đó là tính chất nghề nghiệp hằng ngày của anh đã là như vậy.

Sau khi chán chê những trò giết chóc động vật, anh muốn tìm thú vui mới lạ, anh bảo người bạn rằng anh muốn ăn một miếng thịt của con vật nào mà thân thể nó vẫn đang còn sống. Người bạn kinh hoàng tưởng anh nói giỡn chơi, không ngờ anh làm thật. Anh cầm con dao thật bén bảo bạn “Mày cho tao xin cái đuôi con bò nhà mày”. Nói rồi anh ra trói ghì con bò vào gốc cây rồi dùng con dao bén bất ngờ chặt đứt đuôi con bò, dùng vôi ăn trầu bịt vào chỗ vết thương, rồi mặc cho con bò đau đớn, anh đem phần đuôi bị đứt của nó làm thành món ăn của mình.

Cuộc sống trong vô minh tội lỗi cứ thế trôi qua, anh không hề nhận ra ác nghiệp mình đã gây tạo. Mãi cho đến năm 2004, nghiệp báo của những hành động trong quá khứ bắt đầu xảy đến cho anh và gia đình. Bản thân anh phải chứng kiến cái chết của những người thân của mình. Đầu tiên là tang ông ngoại vợ. Người già chết đi cũng là lẽ đương nhiên của quy luật sinh tử, thế nhưng người ông này lại rất quý mến anh. Hôm ông nằm giường bệnh, ông gọi anh về, lúc đó mấy người dì bên vợ đang đút cháo cho ông nhưng ông lại muốn anh cho ông ăn. Anh nâng cổ ông lên, đút được muỗng đầu tiên, rồi muỗng thứ hai, đến muỗng thứ ba thì ông nấc lên và chết trên tay anh một cách rất đau đớn. Cũng vì việc này mà anh bị họ hàng bên vợ trách vì không biết cách cho ông ăn nên ép ông phải nghẹn mà chết!

Đúng ba tháng sau, một người cậu của vợ và cũng là bạn được anh giới thiệu nhận một công trình xây dựng. Đến lúc thi công dỡ máng xối của ngôi nhà thì bất ngờ máng xối đổ sập xuống và đè người cậu chết rất thê thảm, xương sườn bị ép đẩy ra ngoài. Và cũng chính anh là người nhặt lại những mảnh xương nhét vào lại nơi cơ thể người cậu ấy. Từ đó anh lại tiếp tục bị mang tiếng và bị một người bạn từ mặt, xa lánh vì sự việc ấy.

Ba tháng sau nữa, mẹ vợ anh cũng bị bệnh cảm gió, đau đầu được anh đưa đi bệnh viện kiểm tra sức khỏe. Bác sĩ khuyên nên để bà ở lại bệnh viện vài ngày cho khỏe rồi về. Nhưng không ngờ trong vài ngày ở lại bệnh viện, mẹ vợ anh không hiểu vì nguyên do gì chết bất đắc kỳ tử trên giường bệnh. Lần này anh lại tiếp tục bị gia đình bên vợ càng thêm xa lánh: “Cái mạng mày đi tới đâu cũng làm người ta chết!”

Anh cũng nghĩ mọi chuyện xui rủi như vậy là kết thúc rồi, không ngờ ba tháng sau người em trai của anh cũng bị tai nạn chết. Ngày hôm ấy anh có một linh cảm không hay, ruột gan nóng như có lửa đốt, anh muốn tìm gặp em trai ngay lập tức mà không liên lạc được. Sau cùng anh tìm được số điện thoại người quen nơi cơ quan em trai mình thì được người ta cho biết em trai anh đang đi nhậu ở gần đó. Anh cũng thấy yên tâm hơn một chút, nào ngờ vài tiếng đồng hồ sau anh nhận được tin báo em trai mình bị tai nạn chết. Cũng vì sự việc này mà anh bị ba anh từ mặt. Bởi vì ông cho rằng chính vì anh mà em trai anh chết. Lời trách móc này cũng không phải là không có lý do. Vì trước đây, khi làm ăn buôn bán khấm khá, anh dự định mở tiếp một nhà hàng cho thuê phục vụ tiệc cưới. Em trai anh cũng vì vụ mua bán gỗ cho nhà hàng mới đi nhậu với người ta. Anh bất chợt nghĩ về cuộc đời con người, sống thì lao tâm khổ tứ đủ điều mà chết sao dễ dàng, chóng vánh quá! Cuối cùng anh sinh ra chán nản và cảm giác không còn thiết tha với đời nữa. Bởi gia đình, người thân, họ hàng ai ai cũng mắng chửi, cũng coi thường xa lánh anh. Đám tang em trai, mẹ anh cũng thỉnh quý thầy về tụng kinh cầu siêu, nhưng lúc ấy anh vẫn còn bị vô minh che lấp nên không đủ duyên lành để tin vào Phật pháp. Hơn nữa với tâm trạng chán nản, hoang mang anh không còn tin vào điều gì!

Khoảng vài tháng sau cô ruột của anh lâm bệnh phải nằm viện, người thân trong gia đình thay nhau trực. Điều lạ là không hiểu điều gì xui khiến mà đến phiên người khác trực thì không sao, đến phiên anh trực thì cô anh chết ngay hôm đó. Anh suy nghĩ về điều lạ thường ấy, anh thấy rằng dường như bằng cách nào đó, bằng tư tưởng hoặc hành động mà chính anh đã gián tiếp gây nên cái chết cho họ. Cứ thế đời sống của anh bỗng chốc tụt dốc không phanh. Khoảng thời gian này nhà hàng kinh doanh ế ẩm, nhân viên sợ chủ không trả lương nên cũng xếp gói ra đi. Anh hùn vốn kinh doanh bất động sản với bạn bè, nhưng trong khoảng thời gian anh lo tang lễ cho người thân người ta bung đất ra bán mà không đưa lại cho anh đồng nào. Anh tuyệt vọng vì trắng tay!

 Những việc không như ý cứ thế đến dồn dập, không lâu sau anh lại nằm mơ thấy cùng một giấc mơ trong ba đêm liên tiếp. Anh mơ thấy mình vác cuốc đào hai cái huyệt, một cái còn trống không có người, còn một cái anh nhìn xuống thấy mặt em trai mình đang nằm. Sau đêm thứ ba nằm mơ, anh mới kể lại cho mẹ nghe và bà cũng tỏ ra lo lắng, nhất định không cho đứa em trai ra khỏi nhà. Người em trai bị mẹ giữ trong nhà từ ngày mồng 1 đến ngày mồng 5 tết, nhưng sang đến ngày mồng 6 thì đứa em năn nỉ mẹ anh xin cho ra ngoài gặp bạn bè. Và kết quả là em trai anh bị tai nạn và chết. Hôm ấy anh cũng ở nơi chân núi gần nơi em trai bị tai nạn, anh nhìn thấy người ta chở người chạy đi cấp cứu mà không biết đó là ai, về đến nhà mới hay em trai mình đã chết. Anh nhớ đến giấc mơ của mình mà thấy sợ hãi! Anh run lẩy bẩy rồi té xuống bất tỉnh. Mấy tiếng đồng hồ sau anh tỉnh lại nhưng tinh thần anh cũng không còn vững vàng. Anh đau khổ tột độ, và tuyệt vọng, nhưng anh bây giờ không còn là gỗ đá nữa mà tinh thần thể xác đều rệu rã hết, sợ sệt, hoang mang xâm chiếm tâm can khiến anh không yên ổn.

Trong lúc lo tang lễ cho em trai, có người khuyên rằng, gia đình có người chết liên tục thì nên có một người phát tâm ăn chay trường. Lúc đó anh nghĩ bụng chắc người nhà anh không ai ăn chay trường nổi, rồi nghĩ thế nào anh lại quyết định phát tâm ăn chay 49 ngày, còn trường chay thì anh chưa dám. Nghe vậy, người ấy lại bảo anh: “Cái tội của mày là phải ăn cơm chay người ta cúng linh, chứ không được ăn cơm nấu đâu”. Mà trên bàn thờ linh thì chỉ có một chén cơm in với chén muối đậu và chai nước tương. Anh nghĩ bụng nếu ăn như vậy thì làm sao sống nổi, nhưng dù sao lời nói cũng đã nói ra rồi, không thể rút lại được!

Những ngày đầu ăn chay, cảm giác ăn cơm cúng linh sao mà nhạt miệng khủng khiếp, anh phải đóng cửa không dám bước ra đường vì sợ thèm đồ ăn mặn. Được ba ngày trôi qua, đến ngày thứ tư thì anh không muốn ăn chay nữa, anh cực kỳ thèm mặn, mấy lần định bỏ cuộc nhưng rồi anh nghĩ đến lời hứa của mình, anh lại cố gắng. Anh đứng trước bàn thờ, nhìn di ảnh đứa em trai, thấy thương em nên anh gắng ăn cho xong bữa. Cuối cùng cũng qua được bảy ngày. Đến ngày làm tuần thất đầu cho em xong, khi mọi người đã về hết, anh bỗng nghe nhà bên bốc lên mùi thơm của đồ ăn mặn, lại trúng món anh thích, cơn thèm ăn mặn cứ lẩn quẩn trong đầu óc anh. Anh đến bàn thờ thắp cho em trai nén nhang, xong anh nhớ nhà mình cũng có thờ mẹ Quan Thế Âm, anh nghĩ bụng chắc mẹ Quan Thế Âm này cứu được mình đây, thử một phen xem sao. Cũng là lần đầu tiên anh biết thắp nhang lạy Phật, anh cầu xin Phật phù hộ cho anh được hoàn thành tâm nguyện. Xong xuôi anh đi nghỉ ngơi đôi chút, đến buổi chiều tối anh dắt xe ra đi lên mộ hai đứa em trai. Nghĩa trang cách nhà anh khoảng ba mươi cây số. Trên đường về ngang qua một ngôi làng đang bị giải tỏa, anh thấy trong ngôi nhà nọ có một người lớn tuổi và bốn thanh niên đang làm thịt một con heo bị trói trên chiếc ghế băng dài. Đến gần, nhìn xéo qua cánh cổng nhà, anh không còn thấy con heo nữa mà thấy một ông già bị đâm vào cổ. Lúc này trời nhá nhem tối, anh dừng lại và dụi mắt vài lần, mở ra vẫn thấy ông già nằm với vết máu. Anh dừng ngay xe lại chạy vào trong nhà, đẩy bốn người thanh niên và người đàn ông lớn tuổi ra rồi la lớn: “Mấy ông giết người!” Người đàn ông lớn tuổi nạt lại: “Mày là thằng điên, mày điên vừa vừa thôi để cho tao điên với, người ta làm heo mà mày kêu giết người cái gì, cút khỏi nhà tao ngay!” Còn anh vẫn một mực cãi lại và bị ông ta tát cho hai bạt tai, anh quay cuồng đầu óc, nhìn lại thì thấy đúng là con heo. Anh ngại ngùng xin lỗi rồi đi ra. Ra tới ngõ, lúc chuẩn bị lên xe đi tiếp thì ông già lại hiện ra trước mặt anh, vệt máu vẫn còn chảy nơi cổ, khi ông già cất tiếng: “Chú ơi!” thì anh bỗng sợ toát mồ hôi. Anh nhắm mắt lại và run lẩy bẩy, một luồng khí lạnh tỏa khắp người. Chừng một phút sau, anh cố trấn tĩnh, bước lại gần và hỏi: “Ông là ai?” Ông già trả lời: “Tôi là ông nội của thằng lớn tuổi nhất vừa đánh chú, còn mấy đứa thanh niên kia là cháu cố của tôi”. Anh hỏi: “Vậy sao mà ông lại bị con cháu đem ra giết như thế?”. Ông nói: “Miếng đất mà chú đang đứng đây, ngày xưa là lò mổ, tôi là ông chủ đã chết cách đây 40 năm, vì quả báo mà tôi mỗi năm phải làm một thân heo để chúng giết thịt mà cúng tôi. Năm nay là năm thứ 40 rồi, chú vào nói giúp con cháu tôi để chúng nó nhờ Phật mà cứu tôi”. Sau khi nghe xong, anh bàng hoàng nhưng rồi anh cũng hứa với ông cụ sẽ giúp ông. Anh quay lại ngôi nhà nói với người đàn ông lớn tuổi: “Chú cứ bình tĩnh để con kể cho chú nghe một câu chuyện rồi chú xác nhận xem có đúng hay không đã”. Sau khi nghe anh kể lại câu chuyện thì người đàn ông sợ quá, run rẩy vứt cả chiếc ghế và con heo xuống dòng sông trước cửa nhà: “Đúng thế! Ông nội chú đúng như thế! Thôi chú biết rồi, để đó rồi chú lo, chú sẽ mời thầy cầu siêu độ giải oan cho ông nội! Chú cảm ơn cháu!” Trên đường đi anh mới nghĩ sao mẹ Quan Thế Âm linh quá, anh mới cầu xin một chút mà đã linh nghiệm. Từ đó, anh không dám nghĩ tới ăn mặn, đi đâu thấy con vật gì anh cũng nhìn nó ra con người cả. Vậy là anh quyết tâm ăn chay trường vì đã có lòng tin vào Tam Bảo.

Khi đã có niềm tin nơi Tam Bảo, anh nhớ lại những sự việc trước kia xảy đến cho vợ chồng anh, đó là một điềm báo trước nhưng anh đã không biết hồi đầu chuyển ý. Lúc vợ anh mang thai đứa con đầu lòng, anh vui mừng lắm, ngày nào cũng chở vợ đi ăn thịt chó để dưỡng bào thai như lời người ta mách bảo. Món này cũng là món anh ghiền, nên hai vợ chồng anh chở nhau đi ăn quán thường xuyên. Nhưng bổ đâu không thấy, chỉ thấy vợ anh bị ốm nghén đến 9 tháng 10 ngày. Thấy vậy, người ta lại bảo bào thai có khỏe mạnh thì mới hành người mẹ như thế, không phải lo làm gì. Anh cũng yên tâm như vậy. Nhưng đến khi sinh, đứa bé chỉ nặng có 1,8kg phải nuôi lồng kính. Mất một tháng sau bé mới được xuất viện. Trong thời gian về nhà, bé lại bị vàng da. Nghe người ta bảo là vàng da sinh lý, thời gian sau sẽ tự hết. Nhưng rồi hơn một tháng trôi qua mà đứa bé vẫn không khỏi, da ngày càng vàng hơn, xuất hiện triệu chứng co giật. Anh đưa vào bệnh viện xét nghiệm thì mới hay con mình bị “tắc đường mật dẫn lên gan”. Bác sĩ bảo hết cách, nhưng may sao lúc đó có một bác sĩ mới tu nghiệp ở Úc về, gặp ca bệnh của con anh thì ông phẫu thuật thành công, mở được ống mật dẫn qua gan bình thường. Con anh lúc đó hai tháng tuổi mà chỉ được 2,5kg.

Sau khi xuất viện về nhà được chừng ba tháng thì trên người bé có nhiều lông măng. Đây cũng là điều thường thấy ở những đứa trẻ sơ sinh, và sẽ tự rụng đi sau một thời gian. Nhưng riêng với con anh thì lại khác. Qua vài tháng sau thì lông ở tay và chân đều rụng, chỉ riêng lông trên lưng lại có dấu hiệu dài hơn. Anh chạy chữa cho con đủ mọi phương thuốc, từ thuốc Tây cho đến thuốc Bắc nhưng vẫn không thuyên giảm. Người ta khuyên anh hãy chấp nhận khiếm khuyết đó của đứa bé. Nhưng anh thương con, nhất định không chấp nhận điều đó, vẫn cố gắng tìm cách chữa cho con. Về sau có người giới thiệu một thầy thuốc Nam rất giỏi. Anh vừa nói bệnh cho ông nghe thì ông phán ngay một câu: “Cha con mày bị trời hành rồi! Nghe mày nói là tao biết rồi, do mày ăn thịt chó nhiều quá nên con mày mọc lông chó chứ gì!” Anh nghĩ bụng mình chưa kể chuyện ăn thịt chó nuôi bào thai mà sao ông lại biết, nhưng anh thấy việc đó không quan trọng, quan trọng là xin thầy bốc thuốc chữa bệnh cho con gái. Ông này mới bảo anh phải bỏ ăn thịt chó thì mới giúp, anh cũng hứa suông cho qua chứ thật sự thời điểm đó anh chưa biết sợ nhân quả là gì. Ông bốc cho anh ba thang thuốc, phần thì nấu tắm, phần thì sắc uống. Sau mười ngày, lông trên người bé rụng dần và khỏi hẳn.

Bệnh của con gái nhỏ vừa khỏi thì đến lượt anh bị chứng đau đầu, đau khủng khiếp, mỗi khi cơn đau xuất hiện anh phải đập đầu vào tường để cảm thấy bớt đau nhức. Đi khám bác sĩ bảo anh có triệu chứng của bệnh nhũn não. Nghe kết luận của bác sĩ, anh cảm thấy chán nản và cố giấu gia đình về bệnh của mình, tiếp tục ăn chơi như trước. Sau này tình cờ anh gặp được một người giúp anh chữa được hết bệnh. Người ấy cũng đã khuyên anh ăn chay và nên tu dưỡng tâm tánh. Nhưng lúc ấy còn u mê nên anh đã vội gạt đi. Sau này, khi đã giác ngộ Phật pháp rồi, ngẫm lại anh mới thấy rõ căn bệnh xảy đến với anh và con gái là những điềm báo ứng đầu tiên, nếu anh sớm tỉnh ngộ thì sẽ không có những chuỗi ngày đau khổ, hụt hẫng về sau. Còn giờ đây anh đã tin Phật rồi, không một chút nghi ngờ, anh cũng sợ những chuyện báo ứng nên cũng không còn nghĩ đến việc ăn thịt chúng sinh nữa.

Về sau, anh có duyên lành gặp được sư phụ hiện tại của mình và xin vào Đà Lạt để thầy chỉ dạy nhiều hơn trong việc tu tập. Hôm ấy anh đến đúng lúc mọi người đang tụng kinh Địa Tạng, thầy mời anh vào tụng kinh cùng đại chúng. Tụng tới đâu anh thấy tội của mình nằm hết trong đó, không có chỗ nào là không có. Anh trì tụng kinh Địa Tạng trong mười ngày liên tiếp, đến ngày thứ mười thì cơ thể anh bỗng ngứa dữ dội, lại giống như có gì cắn rứt trong da thịt rất khó chịu. Anh bạch lại với thầy, thầy điềm nhiên bảo: “Con gây ra cho chúng sinh biết bao nhiêu đau đớn như thế, bây giờ nó mới cắn rứt con có một chút vậy có ăn thua gì!” Anh nghe xong thật sự đã nhận ra tội lỗi của mình và nguyện thành tâm sám hối. Mỗi ngày đều trì tụng kinh Địa Tạng, một ngày tụng một bộ khoảng ba tiếng rưỡi đồng hồ. Mỗi lần tụng xong anh đều thấy trong người ngứa ngáy khó chịu, khoảng bốn ngày sau thì trên da thịt anh xuất hiện những vết cộm đỏ có hình thù những con vật, rất ngứa. Chính sư Thích Minh Bạch là người cầm tay anh vuốt ve những hình thù đó và niệm Phật cho chúng. Lạ lùng thay, mỗi lần làm như thế thì vết mẩn đỏ lặn xuống. Từ đó anh càng có niềm tin vào Phật phápkiên trì thực hiện những điều mình đã phát nguyện là không giết hại chúng sinh để nuôi dưỡng thân mạng mình.

Nhân vật: Phật tử Nhật Trung

Nhận định của thầy Thích Chân Tính

Trong cuộc sống, chúng ta sát sinh hại vật đôi khi vì nghề nghiệp, đôi khi vì thỏa mãn thú tính của mình, thế nhưng chúng ta ít khi nào nghĩ đến những quả báo, nghĩ đến hậu quả mà mình đã làm. Đợi đến khi bản thân có đau bệnh, gia đình có chết chóc, lúc đó thì mới thấy rằng mạng sống rất quý. Anh sát hại thú vật lấy làm vui, giết thú vật để ăn thịt mà không thấy được nỗi đau đớn, sợ hãi của một chúng sinh. Khi mình đau bệnh mình cũng thấy khổ, mình có người thân mất mình cũng đau, thế mà mình dửng dưng trước cái chết của những loài động vật. Không những dửng dưng mà lấy đó làm trò tiêu khiển, nhìn cái chết của con vật mình lại vui, lại thích thú, trong khi bản thân mình đau đớn một chút là thấy đã quá khổ rồi. Như bản thân anh nói là khi đau đầu chịu không nổi phải đập đầu vào tường, rồi thân người nổi ngứa chịu không nổi, vậy mà anh lại vạt đầu con khỉ, rồi rưới nước sôi lên mình con mèo, giết con chó, chặt đuôi con bò...

Nhân câu chuyện anh có người con mọc lông ở phía đằng sau lưng, chúng tôi nhớ đến câu chuyện thời Lý, vua Lý Thần Tông bỗng một hôm bị bệnh cuồng, miệng gầm lên như hùm, thân mình thì mọc đầy lông như con hổ. Thời đó quan quân đã tìm hết tất cả danh y ở trong nước đến để chữa trị nhưng không khỏi. Một hôm nghe ở ngoài, trẻ em hát “Tập tầm vông, tập tầm vông. Có ngài Nguyễn Minh Không chữa bệnh Minh Tông hoàng đế”, triều đình bèn cho người đi tìm thiền sư Minh Không. Lúc vào hoàng cung, có rất nhiều danh y đang ngồi để bàn tính việc chữa trị cho nhà vua, thấy ngài Minh Không vào, mặc quần áo cũ kỹ thì họ xem thường, thậm chí khinh ngài. Ngài không bận tâm, ngài bảo những vị quan trong triều, lấy một cái đinh đóng vào cái cột và nói rằng: “Người nào rút được cái đinh này ra thì sẽ có thể chữa bệnh cho hoàng đế”. Ai cũng lắc đầu, không ai có khả năng rút được cây đinh ra khỏi cây cột. Cuối cùng ngài cầm cây đinh và rút ra rất nhẹ nhàng, mọi người tròn mắt ngạc nhiênthán phục. Lúc đó ngài bảo quan quân đưa vào gặp vua, khi gặp vua, ngài nói: “Bậc đại trượng phu làm chủ mọi người mà lại cuồng loạn như vậy hay sao?” Tự nhiên nhà vua nghe xong dịu người lại và có chút gì đó sực tỉnh, không còn la hét như trước nữa. Sau đó ngài Minh Không bảo người nấu một nồi nước, ngài bỏ cái đinh vào nấu, rồi ngài nói lấy nước này để tắm cho vua, và thực sự là sau khi tắm xong thì tất cả lông rụng hết.

Cả hai câu chuyện này đều do nghiệp báo của chúng ta. Đức Phật dạy trong kinh Tăng Chi Bộ: “Ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, là quyến thuộc, là điểm tựa. Tất cả hành động của ta làm thiện hay ác, ta sẽ trở thành người thừa kế của chính chúng”. Như vậy, khi chúng ta đã tạo nhân, thì từ nhân đến quả sẽ trải qua một quá trình đó là duyên, nhân duyên đầy đủ thì ra quả. Trong Quy Sơn Cảnh Sách có đoạn nói rất rõ: “Giả sử bá thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong, nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thọ.” Nghĩa là, khi chúng ta đã gieo nhân rồi thì không sớm thì muộn cũng sẽ ra quả. Nếu ra sớm gọi là “hiện báo”,nếu qua đời sau trổ quả gọi là “sinh báo” và qua nhiều đời sau nữa mới ra quả gọi là “hậu báo”. Cũng giống như mình trồng cây, nếu là cây ớt thì thời gian ra quả ngắn, cây đu đủ thì thời gian ra quả lâu hơn, và nếu cây mít, cây xoài thì lâu hơn nữa…

Qua câu chuyện của Phật tử Nhật Trung, chúng ta thấy rằng nhân quả theo ta như hình với bóng. Ngày hôm nay nếu chúng ta là người Phật tử chân chính thì cố gắng lấy đó làm bài học và phải chọn cho mình một nghề chân chính. Trong đạo Phật, đức Phật dạy chính mạng - nghĩa là nuôi mạng chân chính. Nuôi mạng chân chánh, đức Phật dạy ta tránh năm nghề: 1. Buôn bán vũ khí; 2. Buôn bán người; 3. Buôn bán thịt; 4. Buôn bán rượu; 5. Buôn bán thuốc độc. Buôn bán thịt ở đây là đức Phật dạy không nên làm nghề đồ tể, vì nghề này chắc rằng không sớm thì muộn chúng ta sẽ lãnh lấy hậu quả hiện đời hoặc đời sau, mà quả báo của việc sát sinh này là bệnh tật, là chết yểu, là phải bị mang thân cầm thú. Anh Nhật Trung cũng do nhân duyên căn lành được gặp Phật pháp, được hồi đầu và biết tu tập. Mong rằng anh sẽ cố gắng nỗ lực, tinh tấn sám hối để nghiệp chướng dần dần tiêu trừ, hiện đời và đời sau sẽ được an lạc.

(Biên tập từ chương trình Phật Pháp Nhiệm Mầu kỳ 31)

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
15/12/2015(Xem: 10931)
11/12/2018(Xem: 13603)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.