Nhà xuất bản Văn Hóa Văn Nghệ
Tôi sinh năm 1963 trong một gia đình thuộc tầng lớp trung nông ở huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Truyền thống của gia đình tôi từ trước đến nay chỉ thờ cúng ông bà, tổ tiên và không có chút hiểu biết gì về Phật pháp. Ba mẹ sinh được năm người con, trong đó tôi là con gái duy nhất. Mặc dù không khá giả gì cho lắm nhưng ước nguyện của ba mẹ là phải nuôi năm anh em tôi ăn học đến nơi đến chốn. Sự thật là ước nguyện ấy cũng đã thành hiện thực. Hai người anh trai và hai em trai của tôi đều chọn theo nghề giáo, duy chỉ có tôi thì ba mẹ lại muốn theo nghề y với hy vọng sau này về già sẽ có người cận kề chăm sóc sức khỏe. Theo lời ba mẹ, tôi thi vào Đại học Y TP. HCM, nhưng năm ấy tôi thi trượt hệ đại học, được chuyển về học Trường Trung cấp Y tế thành phố Nha Trang. Năm 1982 tôi tốt nghiệp và được bố trí công tác tại Phòng Y tế của huyện Diên Khánh. Nhưng rồi sau đó, do nhu cầu công việc và cũng xét thấy năng lực của tôi nên huyện ủy điều động tôi về công tác tại ban tuyên giáo. Vậy là tôi bỏ ngành y để về hoạt động trong lĩnh vực chính trị.
Vốn xuất thân trong gia đình không hiểu biết Phật pháp, lại thêm sống đời sống của một công chức nhà nước, tôi đã không có nhiều cơ hội và nhân duyên để tìm hiểu về đời sống tâm linh. Tôi không biết đến nhân quả, tội phước, cứ thế bị hấp lực của đồng tiền cuốn vào dòng đời. Kết cục là gia đình phải lâm vào cảnh suy sụp về kinh tế.
Năm 1987 tôi lập gia đình, chồng tôi cũng hoạt động trong ngành y. Đồng lương công chức của hai vợ chồng tuy không nhiều, nhưng cũng tạm đủ lo cho cuộc sống gia đình. Đôi khi đó lại là niềm mơ ước của nhiều người trong hoàn cảnh xã hội lúc đó. Nhưng vì dục vọng muốn làm giàu, muốn kiếm thật nhiều tiền, nên ngoài thời gian làm ở cơ quan, tôi còn làm thêm nghề ấp trứng vịt lộn. Nghề này do anh trai tôi học được rồi anh truyền lại cho cả mấy anh em cùng làm, duy chỉ có một người em sống trong Sài Gòn là tránh được nghề này. Khi tôi quyết định làm nghề ấp trứng vịt lộn thì chồng tôi phản đối, vì anh cũng có chút ít hiểu biết về Phật pháp. Anh nói đó là nghề sát sinh, nhưng tôi cương quyết không nghe. Tính tôi xưa nay rất ngang bướng, cái gì tôi muốn là tôi sẽ làm cho bằng được! Hơn nữa, xưa nay tất cả mọi việc trong gia đình, từ tiền bạc cho đến những vấn đề khác, tôi đều tự quyết định, không để anh tham gia một ý kiến nào.
Mỗi buổi sáng đi làm, tôi chở hai giỏ trứng vịt lộn hai bên, một đứa con nhỏ phía trước trông rất tội nghiệp. Trên đoạn đường bảy cây số từ nhà đến cơ quan, tôi bỏ sỉ trứng lại cho những quán ăn dọc đường. Đến cơ quan lại lao vào làm việc, đến trưa ăn vội bữa cơm tập thể xong lại lật đật xách giỏ chạy đi Nha Trang bỏ trứng cho các quán để kịp một giờ ba mươi về làm việc. Chiều tan sở tôi đón con về, dọc đường tôi lại lấy trứng từ những chủ nuôi bỏ đầy hai giỏ rồi đem về ấp. Cứ như vậy, ngày này qua ngày nọ tôi làm như điên, làm ngày làm đêm. Thực ra mà nói tôi cũng không phải nghèo khổ thiếu thốn gì cho lắm, chẳng qua vì tôi quá mê tiền. Cái gì vào tay mình là tôi phải “mua tận gốc, bán tận ngọn”. Hồi đó, nhà trồng một vườn chuối 200 cây nhưng tôi không bán cho thương lái, mà cứ ba giờ sáng tôi dậy chặt từng buồng chuối rồi chở tới chợ bán. Tiền đến tay là tôi xếp cho thật phẳng rồi cất dần để sắm vàng. Giả sử ngày đó nhà hết gạo mà chưa có tiền mua thì tôi cũng không bao giờ lấy tiền đó ra xài, tôi chờ ngày hôm sau bán trứng có lẻ dư tôi mới mua gạo. Bản tính tôi hà tiện, thậm chí hà tiện với chính bản thân mình. Lúc ấy kiếm cũng được khá nhiều tiền, cũng có thể được gọi là khá giả nhưng chưa bao giờ tôi đi sắm sửa áo quần đẹp để mặc cho sang, tôi chỉ sắm vừa đủ để đi làm, không bao giờ dám phung phí đồng tiền vào những việc không cần thiết. Rồi tôi tiếp tục làm thêm một việc nữa là làm chủ hụi, nhưng tôi không chơi hụi tiền mà chơi hụi vàng. Những người chơi trong hội đều là dân buôn bán, có kinh tế khá giả mới được tôi cho chơi.
Mọi việc tôi làm đều trôi chảy, suôn sẻ cả, nhưng chỉ được một thời gian thì bắt đầu xuống dốc, những việc không như ý cứ thế tới dồn dập khiến cho tôi trở tay không kịp. Chỉ mấy năm sau, chuyện làm ăn của tôi không còn được như trước. Tôi bị người ta giật hụi liên tục, công việc ấp trứng trước giờ vẫn làm đều đều, bỗng nhiên nay lại hư hết cả. Vẫn kỹ thuật ấy, vẫn chu kỳ hai mươi ngày ấy, mà giờ ấp lứa nào, bị hư hết lứa đó. Mà mỗi một lần ấp không phải là ít, cứ ba ngày là sản xuất ra 2000 trứng đều bị ung hết, thành ra lỗ nặng. Mà bản tính tôi cũng gan lì, thua lỗ như thế nhưng tôi vẫn chưa chịu từ bỏ, vẫn muốn làm tiếp. Ròng rã suốt hai tháng trời cầm cự, cuối cùng tôi phải bỏ cuộc vì nợ nần quá nhiều. Mà không chỉ riêng mình tôi, anh trai đầu làm nghề ấp trứng cũng lâm vào nợ nần vì ấp ra trứng ung hết cả. Anh thứ hai bị tai nạn chấn thương sọ não vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu, tốn kém không biết bao nhiêu tiền của. Còn đứa em trai kế, bỗng một hôm đang khiêng hai giỏ trứng vịt lộn tự nhiên thấy ra máu nhiều, nhập viện bác sĩ bảo bị ung thư bàng quang. Vài năm sau cậu ấy mất. Sau này hiểu Phật pháp rồi tôi mới biết đó là cộng nghiệp của cả mấy anh em chúng tôi.
Đến nước này, tôi đành chấp nhận nghỉ việc ở nhà, thế nhưng trong lòng luôn cảm thấy khó chịu, buồn phiền. Từ chỗ sắm hai ba chiếc xe một lúc, giờ phải đạp chiếc xe đạp, nên thấy cuộc đời mình sao mà bi đát. Ba mẹ khuyên tôi về nhà một thời gian để ổn định lại tinh thần, rồi từ từ kiếm chỗ buôn bán lại. Nhưng ở gần nhà thì mặt tôi ai cũng biết, trước nay làm ăn khấm khá, có của ăn của để, giờ phải ngồi lê bán từng quả trứng, người ta sẽ nói ra nói vô làm sao mà chịu được! Nghĩ vậy, tôi tự ái đạp xe 20 cây số xuống Nha Trang kiếm một cái quầy bán trứng. Mỗi ngày kiếm được chút ít thôi, nhưng dần dà tôi học được những mánh khóe của nghề. Từ đây tôi lại tiếp tục con đường làm giàu mà không suy nghĩ rằng điều mình làm là đúng hay sai. Tôi chỉ biết là làm cách nào để kiếm lời thật nhiều. Ở vùng quê tôi đất rộng, người ta nuôi gà công nghiệp nhiều, tôi bèn đi tới các trại lựa mua những quả trứng nhỏ nhỏ, sao cho thật giống quả trứng gà ta, rồi đem xuống Nha Trang bỏ lại với giá cao. Trứng gà công nghiệp tôi mua chỉ khoảng ba, bốn ngàn đồng một chục nhưng đem bán lại với giá của trứng gà ta là khoảng chín, mười ngàn đồng một chục. Vậy là vốn tôi bỏ một mà lời ba. Một ngày như vậy, tôi bán khoảng trăm rưỡi trứng chứ không ít. Bởi vậy tôi kiếm tiền nhanh lắm, cứ khoảng ba, bốn ngày tôi lại sắm được một chỉ vàng. Tôi cũng kiếm được cả mấy cây vàng nhờ việc này. Nhưng tôi giấu, không cho chồng biết. Đến khi anh biết, anh cương quyết không cho tôi bán nữa. Anh bảo làm ăn như vậy thì của thiên trả địa, tiền lương tháng của anh vậy cũng đủ rồi, bảo tôi nên nghỉ ở nhà. Vốn đã từng thất bại một lần, lại thêm ba mẹ cũng can ngăn, nên tôi mới chịu nghe theo, nghỉ không bán nữa. Nói là nghỉ ở nhà vậy thôi chứ tính tôi xưa nay vẫn thế, không chịu ngồi yên. Tôi bảo chồng, giờ nhà mình có sẵn tre, anh đi chặt tre về đóng chuồng nuôi gà. Nói mãi thì chồng tôi cũng đồng ý. Lứa đầu nuôi 200 con, cứ gần đến ngày đẻ trứng là chúng lăn ra chết sạch. Lúc đó tôi xót của, tiếc đứt ruột gan, còn chồng tôi thì bảo tiền bạc này là tôi đi lấy của người ta, giờ đem về thì nó cũng ra đi, không tồn tại được đâu. Vậy mà tôi không tin, vẫn cứng đầu tiếp tục nuôi. Lần thứ hai tôi cũng nuôi 200 con, nhưng được khoảng tháng rưỡi cũng bị bệnh dịch chết. Càng thất bại tôi càng quyết làm tới cùng. Tôi bảo chồng dọn dẹp, mua thuốc về vệ sinh lại chuồng trại. Xong xuôi, một tháng sau tôi tiếp tục nuôi 200 con nữa. Lần này nuôi được suôn sẻ cho đến ngày gà đẻ bói mỗi ngày được một, hai chục trứng, tôi mừng thầm trong bụng. Chẳng ngờ năm bữa sau bỗng nhiên chúng lăn ra chết gần hết. Chồng tôi nói thôi không nuôi gà nữa! Tôi đồng ý không nuôi gà nữa, nhưng quay sang lại muốn nuôi heo kèm theo nấu rượu để lấy bã hèm cho heo ăn. Nhưng chồng tôi không đồng ý cho tôi nấu rượu. Vậy là đợi chồng đi làm rồi, tôi ở nhà lén mua đồ về nấu rượu, đặt anh vào thế chuyện đã rồi. Ban đầu tôi nuôi mười con nhưng mà đến khi bán còn được năm thôi. Vậy là lần tiếp theo tôi lại nuôi gấp đôi lên. Và mỗi đợt như vậy bán ra chỉ được một nửa, còn nửa còn lại không hiểu lý do gì cứ bị chết dần. Tôi bắt đầu nản! Chồng tôi bảo cứ gieo cho lắm rồi bây giờ gặt quả ác, thôi bây giờ không được làm gì nữa! Lúc này bản thân cũng đã quá mệt mỏi và chán nản, nên lần này tôi nghe lời. Lúc trước khi tôi còn làm chủ hụi, tính tình tôi cũng hung dữ và ghê gớm lắm, ai mà thiếu tiền là tôi tới xiết đồ đạc hết, vào nhà gặp gì tôi lấy thứ đó, giả dụ nhà đó bán bánh mì là tôi lấy bánh mì, lấy ăn không hết thì tôi đem vứt, tôi phải làm sao cho hả dạ mình thì mới thôi. Chồng tôi bảo con người tôi cứ như là nô lệ của đồng tiền vậy, cả đời bị đồng tiền chi phối.
Giữa lúc tình hình kinh tế gia đình đang sa sút, chồng tôi đã ước nguyện ba điều, một là mong duyên may nào đó có thể vực được kinh tế gia đình lên, hai là tìm được một ngôi chùa theo pháp môn Tịnh độ để vợ chồng cùng tu tập, cuối cùng là cầu nguyện chư Phật gia hộ cho tôi được có nhân duyên hiểu biết và tin sâu Phật pháp. Tôi nghĩ rằng ước nguyện thứ ba ấy, chính là ước nguyện quý báu nhất của chồng tôi.
Rồi nhân duyên ấy cũng đến thật, lúc ba chồng tôi mất, phía gia đình anh có thỉnh quý thầy về tụng kinh. Không hiểu vì sao khi nghe tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng tụng kinh, trong tâm hồn tôi bỗng lóe lên một tia sáng, một niềm tin khó tả. Sau đó đứa em ở Thành phố Hồ Chí Minh gửi về cho tôi hai đĩa Khuyên người niệm Phật và Kiếp luân hồi. Từ đó, nghe xong tôi cứ trăn trở mãi về những lời pháp ấy, rồi tôi lân la dò tìm xem ở gần nhà tôi có chùa nào tu theo pháp môn Tịnh độ không. Và rồi tôi tìm được chùa Linh Sơn Pháp Ấn là chùa tu theo pháp môn Tịnh độ. Hôm ấy tôi đến chùa, đạo tràng đang niệm Phật, tôi cũng vào niệm Phật. Lắng nghe những âm thanh trầm bổng của lục tự hồng danh, lòng tôi bỗng thấy bình yên đến lạ! Lúc này, không còn nhớ đến xung quanh, tôi hòa mình vào tiếng niệm Phật, bất giác miệng khẽ niệm theo. Rồi tôi đến gặp thầy trụ trì xin quy y. Thầy bảo tuần sau là vía đức Phật A Di Đà, thầy có quy y cho một số Phật tử nữa và hẹn vợ chồng tôi hôm ấy đến. Thầy quy y cho hai vợ chồng, tôi pháp danh Nguyên Ngộ, còn chồng tôi là Nguyên Tánh. Từ đó, nhận thấy được nhiều lợi lạc trong việc hành trì Phật pháp nên tôi cũng khuyên mẹ quy y.
Việc quy y đã mang đến phước duyên lớn, giúp tôi có nhiều thuận duyên để chuyên tâm tu học. Thiện duyên kế tiếp thiện duyên, được sự giúp đỡ từ bạn đồng tu, tôi bắt đầu tu học ở Hoằng Pháp từ khóa tu Phật thất lần thứ 38. Sau khóa đó tôi thấy tâm hồn mình có nhiều biến chuyển, tôi được thấm nhuần những lời pháp vàng ngọc của quý thầy. Hiểu được giá trị đích thực của cuộc sống, tôi phát tâm sám hối và nguyện từ đây về sau không bao giờ làm những điều ác nữa, chỉ quyết chí làm những việc thiện. Kể từ đây, khóa Phật thất nào tôi cũng tham gia. Có những khóa mà gần nhà không có bạn hữu nào đi, tôi cũng một mình bắt xe đi cho bằng được. Được sự ủng hộ hết mực từ chồng, tôi phát tâm cúng dường cho các chùa, chùa nào thiếu gì là tôi cúng. Tôi nghĩ tiền bạc này cũng như là lộc trời cho, giờ tôi hiểu đạo rồi thì cũng phát tâm để phụng sự cho đạo pháp, không giữ lại nữa.
Về gia đạo thì ngày càng yên ấm, con tôi thi đậu Đại học Y Dược, cũng với tâm nguyện tốt đẹp của cháu là được chữa bệnh cứu người và có cơ hội thực hiện công tác thiện nguyện đối với xã hội. Một điều may mắn nữa của tôi đó là được người chồng hết mực ủng hộ việc tu tập của mình. Tôi cứ việc thoải mái đi đến chùa để làm việc Phật sự, phụng sự chúng sinh, phụng sự Tam Bảo. Tôi đã phát nguyện không từ một việc gì của chùa cả, việc gì khó không ai nhận thì tôi sẽ làm. Nhớ lại, ngày xưa tôi hành xử với chồng mà cảm thấy xấu hổ! Chồng tôi, là một người hiền lành, có chút hiểu biết về Phật pháp, anh cũng phát tâm ăn chay. Ban đầu mới cưới nhau về, tôi cũng chịu khó nấu chay cho anh ăn. Được vài tháng thì tôi nghĩ nhà chỉ có ba người (tôi, chồng tôi và ba chồng) mà phải nấu hai mâm chay mặn phiền quá nên tôi không nấu chay nữa. Tôi đi chợ chỉ mua thức ăn mặn thôi, để xem anh thế nào. Vậy là anh nhất định ăn cơm muối ớt suốt một tuần. Thấy tôi vẫn tỏ thái độ dửng dưng, anh tới tiệm mua đồ chay về ăn. Ngày đầu anh mua về, tôi đem cho chó ăn, tới ngày thứ hai, thứ ba tôi cũng làm như vậy. Nhưng mà anh cũng vẫn nhẫn nhịn. Rồi dường như thấy tôi ngang ngược, cứng đầu quá nên anh mới xuống nước cầu xin Quan Thế Âm cho anh được ăn mặn. Cho đến bây giờ khi đã hiểu sâu về lời Phật dạy rồi, tôi mới biết tội mình gây tạo nhiều đến mức nào. Đáng lẽ khi chồng mình phát tâm ăn chay thì tôi phải hết lòng ủng hộ, và tạo mọi thuận duyên cho anh, đằng này tôi lại tỏ thái độ hung dữ, thiếu tôn trọng anh như vậy.
Qua câu chuyện cuộc đời mình, tôi mong muốn những ai chưa hiểu Phật pháp, chưa tin nhân quả thì hãy quay đầu lại, kẻo thời gian không chờ đợi ai cả, nếu có cơ hội, có nhân duyên thì đừng bỏ lỡ. Điều thứ hai, tôi cũng muốn chia sẻ rằng tiền bạc không thuộc về ta, nó đến rồi đi, mong mọi người hãy cố gắng hành trì để gieo nhân thiện trong kiếp này.
Nhân vật: Phật tử Nguyên Ngộ
Nhận định của thầy Thích Chân Tính
Trước đây Phật tử Nguyên Ngộ cũng là một người trí thức trong xã hội, tuy nhiên do có những nhận thức chưa đúng đắn, không tin nhân quả tội phước, nghiệp báo luân hồi, chỉ tin theo chủ nghĩa hiện thực nghĩa là chạy theo vật chất, tìm cầu vật chất và coi đó là hạnh phúc trong cuộc đời. Từ chỗ có những suy nghĩ tìm cầu hạnh phúc vật chất mà cô đã lao vào kiếm tiền một cách mù quáng, đã từng bán hột vịt lộn, làm chủ hụi, và nếu như người đóng hụi đó đóng chậm hoặc không có khả năng đóng thì cô xiết đồ đạc của họ. Khi làm ăn thất bại cô đã chuyển qua nuôi gà, nuôi heo, nấu rượu, nhưng tất cả những công việc này cũng không khả quan mà gia đình mỗi ngày một sa sút.
Làm việc kiếm tiền và chạy theo đồng tiền, đó hình như là tâm lý chung của tất cả những người chưa nhận thức được Phật pháp. Trong cuộc sống có những người quá chạy theo đồng tiền, cũng có những người vì cuộc sống họ phải kiếm tiền. Hai việc này có thể nói hơi khác một chút, một người vì cuộc sống phải kiếm tiền, đồng tiền họ kiếm ra là do mồ hôi nước mắt và từ những nghề lương thiện; người thứ hai cũng kiếm tiền mà kiếm một cách say mê và không nghĩ gì đến nhân quả, từ chỗ mải mê kiếm tiền làm giàu mà con người phát sinh ra rất nhiều thói hư tật xấu và làm những việc tội lỗi. Như cô Nguyên Ngộ, chúng ta chưa biết trước đó cô có là người dễ thương hay không, nhưng khi lao vào kiếm tiền thì rõ ràng cô trở thành một người rất hung dữ, bất chấp nhân quả. Ông bà ta xưa có câu “Lòng tham không đáy”, câu này để nói về trường hợp của cô thì quả thật rất đúng! Tiền bao nhiêu cũng không thấy đủ, lao vào kiếm tiền cho thật nhiều, nhưng khổ nỗi kiếm được tiền mà cũng không dám xài! Do không nhận thức được Phật pháp cho nên mới si mê, nghĩ rằng có tiền nhiều là mình hạnh phúc, thế nhưng rõ ràng càng lao vào kiếm tiền thì con người càng trở nên hung dữ, lạnh lùng. Vì tiền mà con người tham nhũng, bóc lột, trộm cướp, giết người,… Rốt cuộc chúng ta dồn hết cuộc đời của mình để làm ra tiền, để mong có hạnh phúc nhưng hạnh phúc chúng ta chưa thấy thì khổ đau đã có trước mắt. Bởi khi ham muốn càng tăng thì khổ đau càng nhiều!
Tuy cô lấy một người chồng biết Phật pháp, thế nhưng duyên chưa đủ để giác ngộ, và chính cô lại là người cản trở việc tu học của chồng. Ông chồng cũng khéo léo và hiền lành, nên mới phát nguyện với đức Quan Thế Âm Bồ Tát cho ăn mặn để gia đình êm ấm. Sau một thời gian do làm ăn thất bại, hơn nữa nhờ nhân duyên người cha chồng mất, tuy đây là điều bất hạnh của gia đình, nhưng do nhân duyên này cô đã được tiếp xúc với Phật pháp qua những thời kinh của các thầy. Hạt giống Bồ Đề của cô do duyên này mà nảy mầm, từ đó cô lại được người em là Phật tử đem băng đĩa về, cô được nghe và giác ngộ. Khi giác ngộ rồi cô đã nỗ lực tu tập và cũng là những tấm gương rất sáng. Tính tình của cô lúc chưa hiểu Phật pháp rất cương trực, làm gì là quyết định làm, không ai cản được. Từ tính cách đó mà sau khi giác ngộ, hiểu Phật pháp lại trở thành một điểm rất lợi, đó là khi tu thì cũng rất quyết chí. Có thể thấy khi mê thì cũng quyết chí làm ác, khi ngộ rồi cũng quyết chí tu tập làm thiện.
Như cô tâm sự, mỗi khi đến chùa cô đều làm việc hết lòng, dù là việc khó cũng không từ chối và đã làm là làm đến nơi đến chốn. Nếu Phật tử chúng ta ai cũng có được tâm như vậy thì Phật pháp sẽ ngày càng hưng thịnh. Bởi, nhờ Phật pháp mà chúng ta biết thay đổi nhận thức, thay đổi cuộc sống của mình từ mê mờ đến sáng suốt, từ một người làm điều tội lỗi trở thành một con người làm những điều tốt đẹp, biết tu nhân tích đức. Chính vì vậy mà chúng ta mỗi người đều nên chung tay góp sức làm sao cho mọi người đều hiểu Phật pháp. Và đó là tâm nguyện tốt đẹp của người Phật tử. Khi mình ăn một món gì ngon đều muốn cho mọi người thưởng thức, cũng như vậy, khi mình hiểu được Phật pháp, đón nhận được những lợi ích từ lời Phật dạy, bản thân cũng mong muốn mọi người hiểu được Phật pháp và đạt được lợi ích như mình. Đó là tâm Bồ Tát, là tâm của người con Phật.
(Biên tập từ chương trình Phật Pháp Nhiệm Mầu kỳ 22)