TỦ SÁCH PHẬT PHÁP ỨNG DỤNG
CHÓ RỪNG VÀ SƯ TỬ
Tác giả: Thích Chân Tính
Nhà xuất bản Văn Hóa Văn Nghệ TPHCM 2019
Kính chào quý Phật tử, kính chúc quý vị có một ngày an vui, hạnh phúc và tinh tấn trên con đường tu học Phật pháp.
Kính thưa quý vị, hiện nay thầy đang ở trong thất tại chùa Hoằng Pháp. Thầy đã chuyển chỗ ở từ Củ Chi về chùa Hoằng Pháp và tiếp tục nhập thất chứ chưa ra thất, chưa có tiếp xúc với Phật tử cũng như chưa làm các Phật sự. Xin báo tin mừng cho quý Phật tử, thầy đã đọc xong bộ kinh Nikāya. Thật ra, thầy đọc để ghi chép chứ không phải để ghi nhớ, bởi vì một bộ kinh Nikāya rất dày, rất nhiều không thể đọc một lần mà nhớ hết được. Thầy nghĩ mình đọc cả đời cũng chưa chắc nhớ và hiểu hết được lời đức Phật dạy trong kinh. Do đó, lúc đọc thầy ghi chép lại những gì cần thiết để sau này khi cần có thể tra cứu. Thời gian thầy nhập thất tại Củ Chi cho đến nay đã được sáu tháng. Hiện tại, thầy tiếp tục nhập thất tại chùa Hoằng Pháp để nghiên cứu thêm kinh điển, vì về đây có điều kiện thuận lợi là kinh sách rất nhiều, còn nhập thất trên Củ Chi thì sách vở không được đầy đủ.
Vừa về đến chùa vài ngày, thầy có nhận được lá thư của một cô thí chủ, không biết cô này là Phật tử hay chưa. Lá thư này không phải là thư tình mà là thư... tiền. Khi nghe chắc quý vị cũng thắc mắc, tại sao lại là lá thư tiền. Bây giờ, thầy sẽ đọc cho quý vị nghe:
“Nam mô A Di Đà Phật.
Kính gửi thầy trụ trì chùa Hoằng Pháp. Thầy cho con xin lại số tiền hôm con đưa cho thầy và gửi, số tiền là:
Sáu mươi triệu VNĐ,
Hai nghìn đô la Mỹ,
Bốn lượng vàng SPS,
Bốn chỉ vàng.
Còn nhiều nữa, nhưng số kia con để cúng dường. Thầy trả cho con số tiền trên, nếu thầy không trả cho con là thầy mắc nợ con đó.
Nam mô A Di Đà Phật.”
Đọc xong, thầy hết sức ngạc nhiên và có hỏi chư Tăng trong chùa, người gửi lá thư này với số tiền mà cô ta cúng cho chùa có đúng hay không. Các chú thị giả nói trước đây cô đó có đến cúng tiền một vài lần và cũng có gửi cho chư Tăng chuyển cho thầy. Có những lần cô ấy đến cúng trực tiếp cho thầy, thời gian cách nay đã hơn một năm rồi. Bây giờ thầy cũng không hình dung ra được cô này trẻ hay già, cao hay thấp, mập hay ốm, trắng hay đen, tóc dài hay ngắn, mũi cao hay thấp, mắt một mí hay hai, miệng rộng hay hẹp, tai dài hay ngắn, tất cả tướng chung hay tướng riêng gì thầy cũng không nhớ. Bởi vì ai đến cúng dường tịnh tài thầy đều đưa cho Thủ quỹ và nhập vào trong quỹ của chùa để sử dụng cho Tam bảo. Vì thế khi nhận được lá thư này, thầy hết sức ngạc nhiên và không hình dung ra người cúng đó là ai.
Trong cuộc đời xuất gia tu học của thầy, cho đến nay đã là bốn lần người ta đòi nợ, mà thầy thì chẳng mượn nợ ai. Người ta cúng xong rồi đòi lại. Lần thứ nhất, cách đây khoảng mười lăm năm, có một cô Phật tử đến tham dự Khóa tu Phật thất, cô ấy mang dầu ăn, nước tương, bột ngọt, đường, muối và các vật dụng nhà bếp, các thực phẩm, v.v... Khi cúng, cô cũng có đến trình với thầy, thầy tán thán việc làm của cô và nói cô phát tâm cúng dường thì hoan hỷ mang xuống nhà bếp. Sau đó, cô đem toàn bộ vật phẩm cúng dường xuống nhà bếp. Có lẽ, cô nghĩ mình cúng dường như vậy sẽ được ưu tiên trong việc tu tập. Do vậy, cô không chấp hành nội quy của khóa tu và chư Tăng cũng đã nhắc nhở nhiều lần, nhưng cô không nghe, cuối cùng quý thầy đành phải cho cô thẻ vàng. Như quý vị biết, nếu bị thẻ đỏ thì phải ra khỏi khóa tu. Khi cho thẻ vàng, cô xin Ban tổ chức đi về. Trước khi về cô đến gặp thầy và xin lại tất cả những gì mà cô đã cúng hôm trước. Thầy nói cô đã cúng những thứ đó cho chùa rồi, bây giờ biết cái gì mà trả lại. Cô nói những thứ đó cô đều nhớ hết. Thầy cho người mời quý thầy ở dưới bếp lên văn phòng và nói, cô này hôm trước có cúng thực phẩm và các vật dụng nhà bếp, hôm nay cô xin đi về và đòi lại. Bây giờ, các thầy đưa cô xuống bếp xem coi cái gì của cô thì trả lại. Đó là lần thứ nhất.
Lần thứ hai, có một sư cô, cũng lớn tuổi rồi, đến chùa Hoằng Pháp gặp thầy. Sư cô đắp y, đảnh lễ, tác bạch, hiện tại cô có một ngôi chùa muốn cúng cho thầy để làm Phật sự, vì cô lớn tuổi rồi không làm được gì, để chùa trống và không có Phật tử đi lại tu học thì phí quá. Thấy thầy ở chùa Hoằng Pháp làm rất nhiều Phật sự đem lại lợi ích cho mọi người, cho nên con xin phát tâm cúng ngôi chùa để thầy hoằng pháp lợi sinh. Với tâm thành của sư cô, thầy nghĩ rằng, là người xuất gia, nếu thuận duyên ở đâu, có đủ khả năng thì nhận chùa để hoằng pháp lợi sinh và thầy đã nhận lời, sau đó giao cho một đệ tử đến chùa đó ở. Thời gian sau, sư cô làm đơn gửi lên Giáo hội đòi lại chùa. Thầy nghĩ rằng lúc sư cô cúng thì mình nhận, bây giờ sư cô đòi thì mình trả lại, khỏi phải phiền phức. Đó là lần thứ hai.
Lần thứ ba, một nữ Phật tử đến gặp thầy, trình bày là cô có một cái tịnh thất, xây dựng trên miếng đất của ông bà để lại. Trước đây, cô cũng có mời một số Tăng Ni về đó ở tu tập, hoằng pháp nhưng các vị chỉ ở được một thời gian rồi lại đi, do vậy cô muốn cúng tịnh thất đó cho thầy để hoằng pháp lợi sinh. Với tâm thành của cô, thầy nhận lời và lần này rút kinh nghiệm, trước khi nhận thầy yêu cầu cô phải làm giấy tờ sang tên đất, sổ đỏ cho thầy đầy đủ. Lần trước thì giao cho đệ tử, nhưng lần này các Phật tử cũng kinh nghiệm, nói thầy chịu khó đứng tên. Thật ra thầy không muốn đứng tên đâu, bởi vì hiện tại thầy có hơn ba mươi chi nhánh ở trong và ngoài nước. Những nơi mới mua đất sau này thành lập chùa thầy cũng để cho chư Tăng đứng tên, nếu nơi nào mình cũng đứng tên hết thì rất phiền phức. Thế nhưng lần này, chư Tăng trong chùa cũng như Phật tử nói thầy chịu khó đứng tên, sau khi xong thủ tục giấy tờ rồi thì chuyển lại cho đệ tử cũng được. Bây giờ để cho đệ tử đứng tên chưa chắc người chủ đồng ý, vì họ cúng cho thầy chứ không phải cúng cho chư Tăng, do vậy thầy cũng tùy duyên. Sau đó, bà chủ đất sang tên sổ đỏ qua cho thầy, về mặt pháp lý đã đầy đủ, về Giáo hội cũng có giấy quyết định bổ nhiệm trụ trì. Một thời gian sau khi nhận tịnh thất rồi, chư Tăng về hoạt động, Phật tử cũng quy tụ tu tập rất đông, đang phát triển, hưng thịnh thì cô này đòi lại tịnh thất. Thưa lên tòa án để lấy lại. Thầy nghĩ rằng người ta cúng thì mình nhận, người ta đòi thì mình trả. Chẳng lẽ, cả ngày mình ăn rồi đi theo người ta để mà thưa kiện thì cũng phiền phức. Nói một cách nào đó, về mặt pháp lí, về mặt Giáo hội thì thầy giấy tờ đầy đủ hết. Nếu người chủ có thưa kiện, thầy cố tình không trả thì cũng không làm gì được. Vì khi cúng có giấy tờ đàng hoàng, sổ đỏ sang tên cho thầy rồi, Giáo hội bổ nhiệm trụ trì rồi, họ không thể nào lật ngược được. Thế nhưng thầy nghĩ, bây giờ mình có thắng, có được cái tịnh thất đó thì gia đình con cháu họ đến quấy rầy cũng phiền phức, thôi trả họ cho xong. Khi trả rồi thầy cảm thấy nhẹ người hẳn đi. Trước đây chưa trả mình phải lo làm sao cho nơi đó phát triển, xây dựng cơ sở, tổ chức khóa tu, làm đủ thứ việc, vừa tốn công vừa tốn của. Bởi vì tâm nguyện hoằng pháp lợi sinh thì phải làm như vậy thôi. Đó là lần thứ ba mà người ta cúng rồi đòi lại.
Và hôm nay là lần thứ tư. Trong thư, cô này viết: “...đưa cho thầy và gửi...”, xin thưa quý vị, thầy đâu phải là chủ ngân hàng mà đem tiền đến gửi, ai cúng chùa thì đem đến cúng và tiền cúng đó thầy nhập vào quỹ để sử dụng cho Tam bảo. Quý vị biết hiện nay chùa Hoằng Pháp có hơn ba mươi chi nhánh trong và ngoài nước, số tiền nếu đáp ứng cho ba mươi chi nhánh để xây dựng, phát triển cơ sở và các Phật sự thì cả nghìn tỷ đồng cũng không đủ. Hiện nay, mỗi tháng ở chùa Hoằng Pháp chi tiêu không dưới năm trăm triệu, đó là sự thật, con số này chưa kể đến tiền xây dựng. Chùa đang xây dựng tòa nhà đa năng gồm một tầng hầm, một tầng trệt, ba tầng lầu mỗi tầng khoảng một nghìn ba trăm mét vuông, với số tiền dự định là hơn năm mươi tỷ. Như vậy, nếu mỗi tháng chi tiêu cho công trình xây dựng này một tỷ rưỡi thì ba năm mới đủ. Cho nên số tiền mà cô thí chủ cúng, tính ra khoảng hơn hai trăm triệu, khi nhập vô quỹ chỉ một tháng là hết rồi, bây giờ còn đâu nữa.
Thời đức Phật còn tại thế, có một thương nhân ở Xá Vệ, rất giàu có nhưng cũng rất keo kiệt, không dám ăn xài gì hết và cũng không cho ai một đồng xu cắc bạc nào, không giúp đỡ ai được cái gì. Bản thân ông ăn thì cháo cám với tương chua, còn cao lương mỹ vị không dám ăn. Mặc thì quần áo vải thô, xấu, lụa là gấm vóc thì không dám xài. Đi xe thì cũ kĩ, ọp ẹp, còn những xe đẹp đẽ trang hoàng lộng lẫy thì không đi. Nói chung cả đời ông ấy không dám ăn xài, tiền thì có rất nhiều và cuối cùng khi ông chết, không có con thừa kế, vua Ba Tư Nặc (Pasenadi) phải đến thu tài sản đó sung vào công quỹ. Một hôm, vua Ba Tư Nặc đến gặp đức Phật, trình bày việc của thương nhân giàu có này. Đức Phật mới nói là không phải ở kiếp này, mà ở kiếp quá khứ ông cũng như vậy. Đức Phật kể quá khứ ông là một thương nhân rất giàu có nhưng cũng keo kiệt. Một hôm, trên đường đi đến cung vua có việc, ông gặp một vị Độc Giác Phật đi khất thực, tự nhiên ông phát khởi thiện tâm, muốn cúng dường cho vị sư này, thế là ông đến gặp vị sư và hỏi sư từ sáng đến giờ sư đi khất thực đã có ai cúng gì chưa. Vị sư trả lời là chưa. Ông nói, vậy thỉnh sư về nhà con, hôm nay con xin được cúng dường. Thế là ông cho người đưa vị sư về nhà của mình và dặn người nhà làm món ăn thượng vị dâng cúng lên cho vị sư này. Người nhà nghe lời ông làm món ăn đặc biệt dâng cúng lên cho sư. Sau khi chuẩn bị xong, họ để thức ăn vào trong bát của sư và sư đứng dậy đi về. Khi vị sư này vừa đi ra khỏi nhà thì thương nhân này từ cung vua cũng trở về nhà kịp lúc vị sư vừa bước ra. Thương nhân mới hỏi vị sư đã nhận được vật phẩm cúng dường chưa. Sư trả lời có rồi và mở bát cho vị thương nhân này xem. Khi thương nhân nhìn thấy bát cơm này ngon quá, ông ta mới tiếc, nghĩ rằng phần cơm này mà để cho những người làm công trong nhà mình ăn thì chắc có lợi hơn, thế là ông cứ tiếc mãi. Đức Phật nói là do phước báu ông cúng dường cho nên đời này được giàu có, nhưng do ông ta tiếc của nên quả báo không hưởng được gì, nghĩa là có của mà không được hưởng.[1]
Câu chuyện thứ hai, một hôm Xá Lợi Phất (Sāriputta) bạch với đức Phật:
– “Bạch đức Thế Tôn, con thấy có người buôn bán bị thất bại, không được như ý; có người buôn bán thành tựu như ý muốn và thành tựu ngoài ý muốn, nghĩa là sao?
Đức Phật trả lời:
– Này Xá Lợi Phất, ở trong quá khứ có những người hứa cúng dường cho một vị sư hoặc một ngôi chùa nào đó, thế nhưng họ không giữ lời hứa, do vậy họ bị quả báo đời nay buôn bán thất bại, không được như ý muốn. Có người đời trước hứa cúng dường cho chư Tăng hoặc cho ngôi chùa nào đó và họ đã thực hiện đúng lời hứa và hơn cả lời hứa đó nữa. Do vậy, đời nay họ buôn bán thành tựu như ý muốn và thành tựu ngoài ý muốn”.[2]
Qua đó để cho quý Phật tử thấy rằng, khi mình đã phát tâm cúng dường thì đừng có suy nghĩ gì nữa hết, công đức phước báu đó chúng ta sẽ hưởng trong tương lai. Nếu mình cúng rồi mà còn tiếc, còn nghĩ mình có cúng hoặc là những trường hợp như chúng ta vừa được nghe, cúng rồi đòi lại thì như vậy chúng ta mất đi cái phước. Đôi khi mình lại tạo thêm khẩu nghiệp, vì sao? Vì lúc mình cúng là tự phát tâm, chứ không phải thầy mượn nợ, mà bây giờ đi đòi nợ. Thực tế, thầy cũng đâu có mượn mà đòi. Một người khi cúng dường cho ai thì người nhận đương nhiên mắc nợ, nhưng là nợ ân tình, không phải nợ mượn, nợ tiền bạc; bởi vì khi cúng có nghĩa là mình cho, tặng hay biếu, không phải là cho mượn, nên không có quyền đòi lại. Một số Phật tử nữ mến mộ chư Tăng, dâng cúng tịnh tài, tịnh vật và cứ như thế cái ân tình người nhận nặng quá, cuối cùng nợ ân tình thì trả ân tình. Thế là đi ra đời trả nợ ân tình cho người đó. Còn thầy thì khi quý vị cúng là cúng cho Tam bảo, không phải cúng riêng cho thầy. Thầy không có giữ tiền, tất cả tiền cúng vào chùa Hoằng Pháp thầy đưa vào quỹ và để dùng chung cho đại chúng, chứ thầy không dùng riêng. Như vậy, thầy có nợ thì chỉ là nợ ân tình thôi, mà cũng không phải là ân tình riêng nào, bởi vì người ta cúng cho chùa chứ không phải là cúng cho thầy. Bây giờ thầy lớn tuổi rồi, cũng không ra đời để mà trả nợ ân tình được. Thật ra ở ngoài xã hội, người bảy mươi tuổi cũng còn lấy vợ. Thầy so với những người bảy mươi thì cũng vẫn còn trẻ. Thế nhưng, thầy nghĩ rằng mình không có dại gì ra đời lấy vợ, chỉ khổ chứ chẳng sướng gì. Mình vừa lớn tuổi, vừa già, vừa xấu, các cô sẽ đi tìm những người nào trẻ hơn, đẹp hơn rồi ngoại tình hắt hủi mình. Chưa kể lúc nào cô ta tức giận việc gì, có khi còn chửi mình nữa. Không kể đến những trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn như cô nàng bị tai nạn hay tai biến mạch máu não, hoặc bị đột quỵ nằm một chỗ thì đời mình coi như cũng tiêu luôn. Cả đời phải đi lo cho người vợ, hầu hạ vệ sinh, tiêu tiểu tại chỗ, đây là một đại họa coi như chôn vùi hết cuộc đời của mình rồi. Cho nên, thầy không có dại gì mà ra đời lấy vợ. Nói vậy cho vui thôi.
Ngày xưa thời đức Phật còn tại thế, ông Cấp Cô Độc (Anāthapiṇḍika), bà Tỳ Xá Khư (Visākhā), vua Tần Bà Sa La (Bimbisāra), vua Ba Tư Nặc, v.v... các vị vua chúa, trưởng giả, đại thí chủ cúng dường cho đức Phật và chư Tăng rất thành tâm. Như ông Cấp Cô Độc từ lúc gặp Phật cho đến khi mạng chung luôn luôn thành tâm, tất cả tiền bạc ông có đều phát tâm cúng dường không suy nghĩ gì hết. Bà Tỳ Xá Khư cũng vậy. Còn hiện nay có nhiều người cúng dường nhưng vẫn còn vướng vít vào chuyện cúng dường, vui thì không sao, buồn thì đòi lại, đôi khi gây khó khăn cho chư Tăng đủ thứ chuyện. Chúng ta đã phát tâm thì phải thật lòng mà cúng, không có việc cúng rồi đòi lại. Nếu mà cô này cúng cho thầy một chiếc xe ô tô bốn chỗ, bảy chỗ hay mười hai chỗ hoặc là bộ bàn ghế, hoặc là tủ lạnh, hoặc là tượng Phật, hoặc là cặp đèn thờ, chuông, mõ, v.v... bây giờ cô đòi lại thì thầy sẽ sẵn sàng trả, bởi vì những đồ vật đó vẫn còn. Tiền cúng vào chùa đã dùng hết rồi thì lấy đâu mà trả. Như vừa nãy thầy đã trình bày, một tháng chùa Hoằng Pháp chi tiêu không dưới năm trăm triệu, số tiền cô đó cúng vào chùa một tháng là bay hết rồi, một năm nay là không còn nữa. Do vậy, thầy mong cô thí chủ này hiểu và thông cảm cho. Thầy cũng cầu nguyện Tam bảo chứng minh gia hộ cho con từ hôm nay cho đến cuối đời đừng có gặp thêm trường hợp như thế này, bốn lần rồi, đừng có gặp lần thứ năm nữa.
Cuối lời, thầy kính chúc quý Phật tử có một ngày tu tập thanh tịnh và an lạc.
[1] Kinh Tiểu Bộ tập IV, Chuyện tiền thân, Chương sáu, Phẩm sáu bài kệ, 390. Chuyện chim Mayhaka.
[2] Kinh Tăng Chi Bộ tập I, Chương bốn, Bốn pháp, VIII. Phẩm không hý luận, (IX) (79) Buôn bán.