XÂY DỰNG ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO TRONG KINH DOANH
TÍNH VÔ THƯỜNG TRONG KINH DOANH
Theo triết lý Duyên khởi của Đức Phật: “Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt”. Mọi thứ trên thế gian này đều có mối tương quan mật thiết với nhau, không ai có thể sống một mình, con người có vô số mối liên hệ chặt chẽ với cộng đồng và môi trường xung quanh. Vậy nên trong kinh doanh, việc tìm kiếm đối tác thực thi các chủ trương, chiến lược và dự án dựa trên tinh thần đôi bên cùng có lợi sẽ vô cùng quan trọng. Nhà quản trị phải xây dựng thương hiệu và tiềm lực doanh nghiệp, tạo lòng tin với đối tác. Lòng tin trong Phật giáo xuất phát từ Duyên khởi, là yếu tố quyết định sự tồn vong doanh nghiệp.
Cũng từ triết lý Duyên khởi, chúng ta nhận ra bản chất cuộc đời vốn là vô thường. Tất cả đều thiết lập trên nền tảng nhân duyên sinh diệt. Con người và thế giới phải vận động không ngừng, mới kích thích nền kinh tế. Mỗi quốc gia cần chủ động sáng tạo để thích ứng với môi trường sống và hoàn cảnh cụ thể. Ở từng doanh nghiệp, sự nhạy bén là yếu tố quan trọng, quyết định thành bại trong nền kinh tế thị trường đầy biến động.
Ý thức vô thường trong kinh doanh sẽ giúp doanh nhân Phật tử nhận thức quy luật biến động thị trường, để luôn nỗ lực tạo ra những sản phẩm mới về mẫu mã và chất lượng nhằm hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Đồng thời thích nghi với hoàn cảnh sống, để có những đối sách, chiến lược kinh doanh phù hợp trong tương lai. Điển hình khi dịch Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp đã chủ động thay đổi cách thức quản lý, điều hành. Nhờ vậy, kinh tế nước nhà mới có thể vượt qua khủng hoảng, xác lập trạng thái bình thường mới.
Khái niệm vô thường cũng giúp các doanh nhân luôn hướng niệm về thực tại hiện hữu, từ bỏ tư duy sáo mòn, bảo thủ, làm động lực tự phấn đấu. Sáng tạo vốn là khả năng tiềm ẩn của mỗi người. Vô thường là động lực lớn để nhà lãnh đạo thúc đẩy toàn doanh nghiệp tiến bộ không ngừng.
Một người lãnh đạo giỏi là người biết khai thác tiềm năng và tạo cơ hội cho cán bộ nhân viên thăng tiến với tinh thần duyên khởi, khiến mọi thành viên trong tổ chức sẵn sàng đóng góp tối đa, cống hiến hết mình vì sự nghiệp phát triển của doanh nghiệp. Vô thường và biến động không ngừng của vạn vật là nhân tố quyết định, xác lập lòng tin giữa lãnh đạo doanh nghiệp với công nhân và người tiêu dùng của mình.
Theo kinh Thiện Sinh, người chủ với nhân công có mối quan hệ hữu cơ, gắn kết trong mọi hoàn cảnh đã, đang và sẽ xảy ra. Người làm lãnh đạo phải đảm bảo năm bổn phận: một là giao việc hợp khả năng; hai là làm ăn thích hợp thời khắc; ba là khen thưởng hợp với công lao; bốn là lo thuốc khi bệnh tật và năm là cho phép nghỉ ngơi thích hợp.
Trong khi đó, nhân công cũng cần đáp ứng đủ năm bổn phận: một là siêng năng, dậy sớm làm việc; hai là chu đáo trong việc được giao; ba là chân thật, không hề trộm cắp; bốn là làm việc lớp lang, có phương pháp và năm là bảo vệ danh giá của lãnh đạo. Sự tương hỗ ấy giúp tạo dựng lòng tin bền vững giữa lãnh đạo với nhân công. Để khi khó khăn, công nhân vẫn trung thành, tận tụy làm việc, tự hào về cơ quan chủ quản của mình. Và khi doanh nghiệp phát triển, thu nhập của người lao động cũng được nâng cao.
TÍNH VÔ NGÃ TRONG KINH DOANH
Việc vận hành triết lý Duyên khởi còn tạo ra tinh thần vô ngã trong tư duy mỗi người. Từ đó, giúp các nhà quản trị doanh nghiệp ý thức rõ mọi người đều bình đẳng với nhau, không chèn ép cục bộ, nâng cao tinh thần hợp tác, đoàn kết vì lợi ích chung đơn vị. Những ý kiến, đóng góp mới mẻ, tích cực sẽ được đúc kết thành phương châm hành động, để cho ra các sản phẩm chất lượng cao, giá thành rẻ, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng, mang về lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Tinh thần vô ngã còn giúp con người biết hy sinh những quyền lợi riêng tư để hướng đến lợi ích cộng đồng. Nếu lãnh đạo và công nhân có tiếng nói chung, năng suất lao động sẽ tăng lên rất nhiều. Khi văn hóa vô ngã được vận hành thiết thực, ranh giới giữa nhà quản trị doanh nghiệp và công nhân sẽ không còn khoảng cách trong chuyên môn lẫn trong ứng xử. Lãnh đạo sẵn sàng lắng nghe tiếng nói của công nhân và ngược lại, công nhân luôn tuân thủ các nguyên tắc điều hành của lãnh đạo.
Khoa học và kỹ thuật là nền tảng phát triển kinh tế. Vận hành văn hóa Duyên khởi giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp thu tư tưởng và phương pháp khoa học kỹ thuật hiện đại. Ngay trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, văn hóa Duyên khởi, vô ngã, vô thường càng thúc đẩy tiến bộ trong tất cả lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế và khoa học kỹ thuật. Do đó, việc chú trọng công tác bồi dưỡng chuyên môn sẽ giúp tập thể doanh nghiệp nâng cao năng lực và năng suất lao động, quyết định thành bại trong kinh doanh.
Cuối cùng, triết lý Duyên khởi cũng góp phần xây dựng đạo đức Phật giáo trong kinh doanh. Nếu chiêm nghiệm giáo lý trong các bản kinh dạy về đời sống vật chất và tinh thần cho Phật tử tại gia, ta sẽ thấy đức Phật hết sức quan tâm đến động cơ và nội dung đạo đức của mọi chính sách phát triển kinh tế. Lợi nhuận và tăng trưởng kinh tế phải xây dựng trên nền tảng giáo lý nhà Phật, thọ trì đạo đức từ những nguyên tắc Phật giáo mới có thể bền vững.
Chú thích:
* Thượng tọa Tiến sĩ Thích Phước Đạt – Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương
Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
- Từ khóa :
- triết lý
- ,
- duyên khởi
- ,
- xây dựng
- ,
- Đạo Đức
- ,
- Phật Giáo
- ,
- Kinh Doanh