- 1 Sơ lược thân thế và sự nghiệp hoằng pháp của Đức Phật Thích Ca
- 2 Tiến trình tu chứng và thành đạo của Phật Thích Ca
- 3 Mục tiêu của đạo Phật là gì?
- 4 Tâm trong đạo Phật
- 5 Tứ diệu đế
- 6 Tương ưng giữa Giới-Định-Huệ và Bát Chánh đạo
- 7 Tìm hiểu khái quát về A-la-hán đạo và Bồ-tát đạo
- 8 Tìm Hiểu Khái Quát Về Huyễn Trong Đạo Phât
- 9 Thế Nào Là Tu Tâm Và Tu Tướng
- 10 Thiền dưới ánh sáng Khoa học
- 11 Chướng ngại trong việc tu thiền
- 12 Làm thế nào để đoạn trừ các lậu hoặc
- 13 Chánh niệm tỉnh giác
- 14 Tánh Không và Chân Như trong bài Bát Nhã Tâm Kinh
- 15 Thiền Huệ - Pháp Như Thật
- 16 Tu hạnh lắng nghe
- 17 Pháp tu “phản quan tự kỷ”
- 18 Pháp tu sám hối
- 19 Thuyết luân hồi trong đạo Phật
- 20 Tìm hiểu Niết bàn trong đạo Phật
- 21 Sống từ đâu đến chết đi về đâu?
- 22 Nhân quả nghiệp báo
- 23 Họa phước trong đời sống
- 24 Tam Tự quy y là gì
- 25 Đầu năm mở cửa hạnh phúc
THÍCH NỮ HẰNG NHƯ
Nhà xuất bản Ananda Viet Foundation
15
THIỀN HUỆ
PHÁP NHƯ THẬT (Yathàbhùta)
DẪN NHẬP
"Như Thật" là chủ đề thực hành quan trọng trong Phật pháp, tạm xếp thuộc về Thiền Huệ. Thiền Huệ được chia làm hai mức độ như sau:
1) Vipassanã: Tuệ Trí (Insight), còn gọi là Tuệ Minh Sát. Tuệ trí này cao hơn tuệ trí thế gian nên gọi là Trí xuất thế gian hay Trí siêu việt. Có Tuệ trí là bắt đầu bước vào dòng Thánh, có nghĩa là lậu hoặc/tập khí bị cô lập không khởi lên, tâm của người có Tuệ trí cũng dần dần được trong sạch, nhưng chưa sáng đạo. Trí này chỉ học theo khuôn khổ lời dạy của Đức Phật rồi thực hành.
2) Panna (P), Prajnã (Sanskrit): Âm phổ thông là Bát-Nhã (wisdom): Khi toạ thiền vào Định bật ra trí tuệ, sáng tạo những điều mới mẻ do chính mình kinh nghiệm. Những điều hiểu biết này gọi là "Huệ tự phát" hay "Huệ siêu vượt" hoặc là "Huệ Bát-Nhã".
Tóm lại Tuệ trí là học lời dạy của Đức Phật, hiểu và thực hành. Thực hành Thiền, có kinh nghiệm Định, tiềm năng giác ngộ kiến giải những điều mới lạ có tính cách sáng tạo gọi là Huệ Tự Phát hay Bát-Nhã.
TẠI SAO PHẢI HỌC THIỀN HUỆ?
Pháp Như Thật là pháp thực hành thuộc về Thiền Huệ, nhưng tại sao lại cần phải thực hành pháp Như Thật? Tại sao phải học Thiền Huệ? Đó là vì từ xưa đến nay khi giác quan con người tiếp xúc đối tượng, cái nhìn về đối tượng không xác thực, tựa như khi chúng ta đeo kính màu xanh thì nhìn thấy đối tượng màu xanh, kính màu hồng thì nhìn thấy đối tượng màu hồng. Đó là cái nhìn không đúng như thật về đối tượng.
Con người chưa học và thực hành Phật pháp, thì luôn có cái nhìn chủ quan. Khi nói đến chủ quan tức nói đến cái Ngã cái Ta làm chủ. Cái nhìn chủ quan luôn nặng thành kiến, thiên kiến, định kiến. Nhìn cái gì, nghe cái gì hay xúc chạm cái gì, cũng có Ý mình trong đó. Người chủ quan là người có nhiều tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến trong Tâm. Đức Phật gọi những thứ đó là lậu hoặc, ngoài ra còn thêm kiết sử, tuỳ miên trói buộc.
Lại nữa, con người cũng thường nhìn đối tượng qua lăng kính Tâm ba thời: Quá khứ, hiện tại, vị lai. Ba Tâm này ảnh hưởng lên cái nhìn khiến đối tượng bị lệch lạc không đúng bản chất của chính nó. Khi nghe, thấy, xúc chạm, nếu nhớ quá khứ thì luyến tiếc những gì mình yêu thích, hoặc bối rối hối hận vì lầm lỗi mình trót gây ra. Nếu dính với hiện tại thì tài sắc danh thực thuỳ cuốn hút ảnh hưởng vô cái thấy của mình. Còn dính với tương lai thì lại vẻ vời tưởng tượng về đối tượng không đúng sự thật.
Đó là chưa kể đến cái Tâm của con người kết hợp bởi: Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Khi giác quan tiếp xúc đối tượng thì Thọ cảm nhận biết liền. Nếu cái biết không dừng lại tại Thọ thì cảm nhận về đối tượng nhảy qua mạng lưới tri giác tức Tưởng. Mà đã Tưởng thì không thật, cái không thật này nhanh chóng đưa qua Tâm Hành là Tâm ưa hoặc ghét, rồi qua Thức tạo Khẩu nghiệp hay Thân nghiệp. Mà đã tạo Nghiệp thì gieo Nhân nào trước sau gì cũng phải trả Quả nấy. Đấy là định luật Tương quan Nhân Quả không thể nào tránh khỏi.
Nói chung xử dụng Tâm Ba Thời chúng ta không thể thấy, nghe, xúc chạm như thật về đối tượng, giống như mình mang kính màu thấy không thật về đối tượng. Đối tượng sờ sờ trước mắt mà mình không thấy chỉ thấy qua Tưởng.
Học thiền Huệ là để điều chỉnh cái thấy, nghe, xúc chạm của mình, chuyển đổi Tâm chủ quan sang khách quan, thanh lọc Tâm ô nhiễm trở nên Tâm thanh tịnh. Chuyển đổi Nhận thức, chuyển đổi Tâm sẽ chuyển đổi Nghiệp, hay nói cách khác không còn tạo Nghiệp thì sẽ thoát khổ. Ở lớp Thiền Căn Bản chúng ta thực tập thiền Huệ với kỹ thuật "Không dán nhãn đối tượng". Đây cũng là một cách thực hành Pháp Như Thật, nghĩa là đối tượng như thế nào chúng ta nhìn đối tượng như thế ấy, không phê phán chụp mũ. Lên lớp Bát Nhã chúng ta tiếp tục thực hành "Pháp Như Thật" sâu sắc hơn. Cách thực tập Pháp Như Thật này cũng không khác với nội dung thực tập của kỹ thuật "Không dán nhãn đối tượng" chỉ khác tên gọi theo quy ước thôi.
PHÁP "NHƯ THẬT / YATHÀBHÙTA"
Yathàbhùta là hai chữ Yathà và Bhùta ghép lại. "Yathà" nghĩa là giống như tiếng Anh là "as or like". "Bhùta" nghĩa là thực hay thật, tiếng Anh là "real or true". Có khi trong kinh dịch sang tiếng Việt là Như Chân, Chân là chân thật. Nhưng chúng ta xử dụng từ "Như Thực" hay "Như Thật" là tiếng dùng phổ thông, để tránh nhầm lẫn với từ Chân Như (Tathatà)
Bhùta là quá khứ phân từ (past participle) của động từ gốc là Bhàvatu có nghĩa theo tiếng Anh là "to be" (được) hay "to exist" (tồn tại, hiện hữu) hoặc "to become" (trở thành).
Bhùta có nghĩa tiếng Anh là "has been", "has become", hay "has existed". Như vậy Bhùta còn có một nghĩa khác để hành giả áp dụng vào việc tu tập Pháp Như Thật là: Khi giác quan tiếp xúc đối tượng ngay bây giờ và ở đây, thì trước đó đối tượng đã hiện hữu và nó vẫn còn tồn tại ở đó.
Quan trọng nhất là giác quan tiếp xúc với "cái đang là của đối tượng" nghĩa là ngay "bây giờ và ở đây" tức là ngay thời điểm không gian và thời gian gặp nhau, không phải quá khứ, không phải hiện tại cũng không phải tương lai. Như vậy đặc tính của Pháp Như Thật nhất định không có Tâm Ba Thời hiện diện khi hành giả thực hành pháp này.
Pháp Như Thực là phương thức thực hành để có cái biết phù hợp với sự thực. Tây phương định nghĩa: "Nhìn thấy sự thực như đang hiện hữu trước giác quan mình vậy". Giác quan là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, không xử dụng ý.
Khi thực hành pháp này phải xử dụng giác quan và phải có đối tượng. Nếu không xử dụng giác quan tiếp xúc đối tượng thì cái Biết rơi vào Tâm Ba Thời. Ý Căn suy nghĩ về đối tượng. Ý Thức, Trí Năng phân biệt so sánh, rồi suy luận suy đoán lung tung.
Cho nên, đối tượng này là đối tượng của giác quan, không có Ý Căn, Ý Thức và Trí Năng xen vào. Khi không có Ý Căn, Ý Thức, Trí Năng sẽ không có chủ quan, thành kiến, định kiến của ký ức, không có lậu hoặc vì không có cái Ngã.
Khi giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) tiếp xúc với đối tượng nhìn thấy như thật về đối tượng tức là thấy "cái đang là của đối tượng". Ngay "cái đang là" đó chính là điểm gặp gỡ của thời gian và không gian thuật ngữ gọi là " bây giờ và ở đây". Trong Thiền không xử dụng từ "hiện tại". Hiện tại là khoảng thời gian dài nên không diễn tả được "điểm" thời gian "bây giờ và ở đây".
Pháp Như Thật là pháp Đức Phật chứng ngộ. Trong lần chứng ngộ này Đức Phật tạm đặt tên là trạng thái "Như Vậy" và nhận ra cần có điều kiện để phát huy trí huệ. Điều kiện đó bây giờ Khoa học gọi là "Phản xạ giác quan" là chất xúc tác kích thích các Tánh kiến giải nghi tình hay "Phản xạ ngoài giác quan" còn gọi là "Phản xạ thụ động" kích thích Tánh Nhận Thức kiến giải những nghi tình sâu sắc hơn.
Về sau pháp Yathàbhùta được nâng lên thành pháp tu quan trọng cả hai hệ Theravada và Phát Triển. Các nhà Phát Triển nâng Pháp Như Thật lên là "Như Thật đạo" (Yathàbhùta Marga, nghĩa là Con đường tu tập Như Thật). Thí dụ như Pháp Tứ Niệm Xứ cũng chính là Pháp Như Thật, trong kinh dùng từ "Tuệ tri" là "Biết như thật". Đi tuệ tri đi, đứng tuệ tri đứng, ngồi tuệ tri ngồi… là biết Như thật khi đi, khi đứng, khi ngồi. Tên tuy gọi khác nhau nhưng tất cả đều quy về Biết Như thật. Biết Như thật cũng là Chánh Niệm tức là Biết Không Lời. Giữa Biết Như Thực và Biết Không Lời có khác nhau một chút. Đó là Biết Như Thực đòi hỏi phải dùng giác quan và đối tượng để thực tập trong bước đầu tiên. Biết Không Lời là cái Biết của Tánh Giác, có đối tượng biết, không đối tượng cũng biết.
THỰC TẬP PHÁP NHƯ THẬT
Tu tập bất cứ pháp môn nào cũng phải thực tập từ dễ tới khó, từ có lời đi đến chỗ không lời. Cho nên, lúc đầu hành giả vẫn còn dùng lời. Vật thế nào được quyền nói như thế ấy, ngăn chặn bớt chủ quan méo mó, Tâm cũng chuyển đổi đôi chút. Thấy cái đang là của đối tượng, nhưng còn gọi tên nên còn nằm trong Chân lý quy ước, trong kinh gọi là Tục đế Bát Nhã để phân biệt với Chân lý quy ước thế gian gọi là Tục đế.
1) Bước 1 (Biết Có Lời): Khi có người chỉ cái chuông hỏi: "Đây là cái gì?" thì mình được quyền trả lời: "Đó là cái chuông". Trả lời đúng như thực không khen chê, không nói gì thêm. Nếu có người chỉ ông A hỏi: "Ông đó tên gì vậy?" Nếu biết thì trả lời:" Đó là ông A". Không biết thì trả lời ngắn gọn: "Không biết". Chỉ thế thôi không thêm bớt khen chê kể lể gì thêm, thì Tâm không bị Ý Căn, Ý Thức, Trí Năng khởi lên quậy phá. Kết quả kinh nghiệm "Tuệ Trí Có Lời" về cái chuông hay ông A. Tuy Biết có lời nhưng chỉ là đơn niệm biết một nội dung nên Tâm vẫn được yên lặng.
2) Bước 2 (Biết Không Lời): Nhìn đối tượng, thầm nhận biết như thật về đối tượng, không nói thầm trong đầu (không tác ý phê phán, khen chê, không suy nghĩ, suy luận về đối tượng). Bây giờ Tâm yên lặng, không còn ở trong thế giới quy ước thế gian, bắt đầu bước vào Tánh giác, trong kinh gọi là Tâm bậc thánh. Kết quả của bước thứ hai kinh nghiệm "Tuệ Trí Không Lời".
Cả hai bước 1 và 2 thực tập trong 4 oai nghi: Thấy, Nghe, Xúc Chạm đối tượng, giữ niệm Biết Như Thật Không Lời về đối tượng. Từ Biết Như Thật Không Lời tiến đến Thầm Nhận Biết Không Lời về đối tượng sẽ kinh nghiệm Định. Nếu có nghi tình thì cũng có kiến giải qua ba Tánh.
3) Bước 3 (Nhận thức Như Thật Không Lời): Nhận thức Như thực đến Như vậy. Bước này phải toạ thiền tạo phản xạ thụ động ngoài giác quan. Kiến giải này là kiến giải của Phật tánh.
KHAI TRIỂN BỔ TÚC
Bước một, có thể diễn tả màu sắc, hình dáng hoặc gọi tên đối tượng theo quy ước thế gian. Nhưng nếu càng diễn tả, càng giải thích, thì càng đi xa với sự thật vì tâm đã bị Ý Thức chiếm lĩnh rơi vào Tâm Ba Thời. Cho nên chỉ giới hạn cho gọi tên thôi. Thực tập pháp môn nào cũng phải đi đến chỗ không lời. Còn nói tức còn Biết Có Lời thì không bao giờ đạt được mục tiêu thoát khổ, giác ngộ, giải thoát.
Khi nói Pháp Như Thật, chúng ta hiểu rằng cái Biết này chỉ giống Như Thật tức là chưa phải hoàn toàn thật. Bởi vì đối tượng và ngay cả giác quan của chúng ta không thực chất tính, nó vô thường biến đổi trong từng sát-na thời gian, cho nên kết quả ở bước một chỉ tương đối thôi. Mặc dù cái Biết tuy hạn chế, nhưng cũng chuyển đổi Tâm, giúp Tâm yên lặng khác với Tâm thế gian lăng xăng giao động nên gọi là Tuệ Trí.
Bước kế tiếp là Biết mà không tác ý trước đối tượng. Tâm trong sạch hơn trước, vững chắc hơn bước một. Bắt đầu tiến vào dòng Thánh tức Tánh Giác để tiến dần lên Nhận Thức Không Lời. Lúc này hành giả nhìn đối tượng bằng Tánh Thấy, nghe âm thanh bằng Tánh Nghe, va chạm đối tượng bằng Tánh Xúc Chạm. Tất cả những cái Biết này là Biết thầm lặng, Biết mà không phản ứng, không gọi tên, không suy nghĩ gì cả gọi là Thầm nhận biết không lời về đối tượng. Nói cách khác đây là cái Biết của Trí tuệ.
"Cái đang là" trong bước đầu còn cụ thể. "Cái đang là" bước thứ 2 trở nên siêu vượt, trừu tượng.
"Cái đang là" là trạng thái của đối tượng được nhìn bằng con mắt tâm, bằng cái biết của trí tuệ, in sâu vào Nhận thức cô đọng. Biết rõ ràng đối tượng mà không tác ý về đối tượng nên đối tượng có cũng như không, thì "Cái đang là" trở thành "Cái Như Vậy". Trong trạng thái Tâm Như Vậy kiến giải những điều mới lạ thì trí huệ ở giai đoạn này là Huệ Bát-Nhã, là viên ngọc trong chéo áo, là bản lai diện mục, là Phật tánh, là kho báu của chính mình v.v... Huệ Bát-Nhã cao hơn Tuệ Tri / Vipassanà ở bước một.
Vì thế, ở mức độ này, định nghĩa Như Thật, là Cái Biết của mình đúng với Chân Lý tối hậu của nó, nên không gọi Như Thật nữa, mà là Như Vậy, tức biết Vật trong chính nó. Vật là Vật. Vật là như vậy, là như thế, không có gì để diễn tả, bởi nó không có tên.
KẾT LUẬN
Pháp Như Thật là phương thức thực tập nhằm chuyển đổi Tâm lao xao, loạn động sang tĩnh lặng, khách quan. Lậu hoặc/tập khí, kiết sử, tuỳ miên vẫn còn nhưng bị cô lập không khởi lên thành tạp niệm. Cô lập Ngã, nên thành kiến, thiên kiến, định kiến không xuất hiện.
Thực tập Biết Không Lời về đối tượng thường xuyên, giúp hành giả an trú trong Chánh Niệm tức trong trạng thái bây giờ và ở đây.
Trạng thái không lời tác động vào Đối Giao Cảm thần kinh tiết ra những chất sinh hoá học tốt như Acetylcholine, Dopamine, Seretonin, Melatonin, Endorphine, Insuline .... giúp điều chỉnh những bệnh về tâm thể, phục hồi sức khoẻ.
Chuyển đổi quan niệm sống, chuyển đổi Nhận thức nên không tạo Nghiệp nữa. Bước đầu còn Biết Có Lời, khách quan tương đối. Kết quả được Tuệ Trí là Thiền Huệ. Bước 2 và 3 là Định. Vì thế Pháp Như Thật đưa đến Định-Huệ đồng thời. Khi thực hành thuần thục, đạt Định vững chắc sẽ khai mở trí huệ Bát Nhã.
Thực tập Pháp Như Thật chúng ta rút kinh nghiệm để huấn luyện cái Tâm của mình. Quan trọng là làm sao cho Tâm luôn an trú trong "bây giờ và ở đây" tức Thân ở đâu thì Tâm ở đó, Thân thiền thì Tâm thiền. Hằng ngày khi làm việc gì thì Tâm ở nơi việc đó, Tâm không như chú khỉ nhảy nhót lung tung. Chúng ta thực hành được như thế, sống được như thế là chúng ta sống tỉnh thức, sống có Chánh Niệm. Sống trong "bây giờ và ở đây" được giây phút nào thì chúng ta rời xa Tâm Phàm Phu giây phút đó. Tâm Phàm Phu, hạnh phúc ít mà khổ nhiều. An trú trong Tâm bậc Thánh lúc nào thân cũng khoẻ, tâm cũng an, và trí tuệ sẽ phát huy.
Tóm lại, đây là phương pháp tu tập được xếp là Thiền Huệ nhưng cần thực hành song song với Thiền Định. Chúc quý vị tu tập tốt. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
THÍCH NỮ HẰNG NHƯ
(Ghi lại bài giảng tại đạo tràng TTK Houston, TX, ngày 04/6/2018)
Tài liệu: Theo giáo trình giảng dạy các lớp Bát Nhã của HT Thích Thông Triệt Viện chủ Tu Viện Thiền Tánh Không, Perris, Riverside, CA.