Bài 42 - Prajña paramita hay sự hiểu biết siêu việt về hiện thực

16/04/20214:58 SA(Xem: 4423)
Bài 42 - Prajña paramita hay sự hiểu biết siêu việt về hiện thực

LÝ TƯỞNG CỦA NGƯỜI BỒ-TÁT
The Bodhisattva Ideal

***
Urgyen Sangharakshita
Hoang Phong chuyển ngữ

  

Chương VI

Trước Ngưỡng Cửa Giác Ngộ

 

Bài 42

Prajña paramita

hay sự hiểu biết siêu việt về hiện thực

 

            Dù đã phát động các cố gắng như trên đây (trong việc luyện tập thiền định) thế nhưng chúng ta vẫn không phát huy được các cấp bậc dhyana thật cao, thì qua một vài cảm nhận nào đó về dhyana mà mình đã thực hiện được, chúng ta cũng có thể phát huy prajña (prajña là tiếng Phạn, tiếng Pali là paññā, có nghĩa là Trí tuệ), là thể dạng paramita thứ sau (paramîta dịch âm là ba-la-mật-đa trong các kinh sách Hán ngữ, Chữ này có nghĩa là sự Hoàn hảo hay Toàn thiện, nghĩa từ chương là "vượt sang bờ bên kia"), và cũng là thể dạng paramita cao nhất. Hậu ngữ jña trong chữ prajña có nghĩa là sự hiểu biết và tiền ngữ pra thì đơn giản chỉ có nghĩa là sâu sắc (intense), do đó có thể hiểu chữ prajña / trí tuệ là một sự hiểu biết vượt bực (extreme / tối thượng), một sự hiểu biết siêu việt, điều đó cũng có nghĩa là sự hiểu biết về hiện thực, về shunyata (sự trống không, còn gọi là Tánh không trong kinh sách Hán ngữ).

 

            (Nhận xét trên đây của nhà sư Sangharakshita về hai đường hướng tu tập trong Phật giáo là các phép luyện tập thiền định và sự phát huy trí tuệ, rất quan trọng. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này trong phần ghi chú dưới đây).

 

            Nghĩa từ chương của chữ shunyata là sự trống không (vacuity, emptiness) hay trống rỗng (void, vacuum). Thế nhưng sự trống không đó không mang ý nghĩa đối nghịch với sự tròn đầy (full), mà đúng hơn là một thể dạng vượt lên trên tất cả mọi hình thức đối nghịch, kể cả trên phương diện ngôn từ. Shunyata là chủ đề trọng yếu nhất trong toàn bộ tập kinh "Toàn thiện trí tuệ" (Prajñāpāramitā Hṛdaya, còn gọi là Bát-nhã ba-la-mật-đa tâm kinh, là bộ kinh đồ sộ và quan trọng nhất của Đại thừa nói chung. Người Tây phương gọi bộ kinh này là The Perfection of Wisdom. Ngoài ra cũng xin mạn phép nhắc thêm là Đức Phật từng thuyết giảng rất nhiều về shunyata trong các kinh điển bằng tiếng Pali, qua các hình thức ứng dụng cụ thểthiết thực, tuy nhiên cũng có nhiều bài kinh nêu lên thật sâu sắc khái niệm này. Bảy thế kỷ sau đó, và sau khi Đại thừa đã được hình thành, thì Nagarjuna / Long thụ mở rộng và khai triển thêm, biến khái niệm này trở thành một học thuyết triết học siêu hình gọi là Trung quán / Madhyamaka), và cũng là chủ đề chính yếu nhất trong toàn bộ hệ thống kinh sách Đại thừa. Tập Hoàn thiện Trí tuệ (Bát-nhã ba-la-mật-đa tâm kinh) gồm chung hơn 30 bản kinh khác nhau (quan trọng nhất là Tâm kinh, Kinh Kim cương và Kinh hoa sen), có nhiều phiên bản rất dài (bản dài nhất gồm hơn 100 000 câu), nhưng cũng có những phiên bản ngắn hơn, trong số này có Kinh Kim cươngTâm kinh. Tâm kinh là một bản kinh ngắn (dùng để tụng) nhưng vô cùng cô đọng, tiêu biểu cho giáo huấn và các kết quả thực hiện (experience / các sự thành đạt) của toàn bộ kinh điển Hoàn thiện Trí tuệ

 

            Một số kinh nêu lên hai muơi hoặc ba mươi hai cấp bậc shunyata (sự trống không) khác nhau, thế nhưng tựu trung thì cũng chỉ có bốn cấp bậc chủ yếu nhất. Bốn cấp bậc này không phải là bốn thể loại hiện thực khác nhau, mà chỉ là bốn cấp bậc quán thấy (penetration, insight / sự quán nhận, thấu triệt hay khả năng thâm nhập) của trí tuệ về hiện thực tối hậu, tuần tự từ thấp lên cao. Các cấp bậc đó gợi lên một ý niệm - thật ra thì cũng chỉ đơn thuần là một ý niệm - về bản thể (nature)thực chất (contain, hold) của prajña (trí tuệ). Các cấp bậc của trí tuệ cũng vậy, cũng chỉ đơn giản là một sự phân loại, đúng với ý nghĩa từ chương của thuật ngữ này, [bởi vì] các cấp bậc ấy cũng chỉ là các sự tạo tác tâm thần (các sự tạo dựng của tâm thức) mang tính cách khái niệm, các cấp bậc ấy tự chúng không hề là một "sự vật" [cụ thể] hay một sự cảm nhận nào cả. Nếu nói theo thiền học Zen thì đấy là trường hợp nhiều ngón tay cùng trỏ vào một mặt trăng [duy nhất] (dưới đây nhà sư Sagharakshita sẽ lần lượt nêu lên bốn thể loại hiện thực tương ứng với bốn cấp bậc trí tuệ nói đến trên đây)

 

Sự trống không của những gì do điều kiện mà có

 

            (Xin nhắc lại nguyên lý căn bản nhất trong Phật giáo liên quan đến sự vận hành của toàn thể vũ trụ, tiếng Phạn gọi là Pratityasamutpada. Nguyên lý đó nêu lên sự tương liên, tương tác và tương tạo giữa mọi hiện tượng trong thế giới, từ vô hình đến hữu hình, từ bên trong tâm thức cho đến bên ngoài là vũ trụ. Kinh sách Hán ngữ gọi nguyên lý này là "Lý duyên khởi", các học giảtriết gia Tây phương thường gọi là "Sự tạo tác do điều kiện mà có" / Conditioned  Co-production.

 

            Nguyên lý đó cho biết là mọi hiện tượng sở dĩ "có" là nhờ vào sự tương liên và tương tác giữa chúng với nhau. "Một" hiện tượng không thể tự nó hiện hữu riêng rẽ và độc lập được Không có một hiện tượng đơn thuần nào trong thế giới cả. Hãy nêu lên một thí dụ cụ thể: sở dĩ mình "có" là do hay nhờ vào cha mẹ mình, sở dĩ cha mẹ mình "có" là do hay nhờ vào ông bà mình, v.v.. Bên trong tâm thức của mình cũng vậy, bất cứ một xúc cảm hay một tư duy nào cũng phải do nhiều yếu tốthành phần liên kết với nhau làm phát sinh ra chúng. Vì vậy, tất cả mọi hiện tượng đều mang tính cách "cấu hợp" có nghĩa là gồm thật nhiều yếu tốthành phần cùng kết hợp với nhau để tạo ra chúng. Thế nhưng sự kết hợp đó không bền vững, mà luôn biến đổi, tạo ra một thế giới hiện tượng thường xuyên trong tình trạng chuyển động và đổi thay.

 

            Vậy chúng ta hãy nêu lên thêm một thí dụ khác khúc triết hơn về nguyên lý tương liên trên đây, chẳng hạn như ý niệm về sự hiện hữu của Trời hay Thượng đế. Ý niệm đó liên hệ với khả năng hình dung và tưởng tượng của chúng ta, nói một cách khác thì đó là một sự tạo tác hay tạo dựng của tâm thức, xuyên qua tư duy và xúc cảm của con người. Đồng thời các tư duy và xúc cảm đó lại liên hệ với tánh khí, giáo dục, văn hóa, gia đình, xã hội, v.v… nói chung là tùy thuộc vào sự vận hành tâm lý của mỗi cá thể trong khung cảnh sống của cá thể ấy. Thượng đế do đó cũng là kết quả của một sự kết hợp gồm thật nhiều yếu tốthành phần, tóm lại là một hiện tượng "cấu hợp", tương tự như tất cả các hiện tượng khác. Ý niệm về Thượng đế hay Trời, kể cả ý chí, chủ đích và hành động của Vị ấy cũng luôn biến đổi và được hình dung khác nhau qua các tín ngưỡng khác nhau và các nền văn hóa khác nhau, qua không gianthời gian lịch sử khác nhau.  

 

            Mạn phép dài dòng và nhắc đi nhắc lại về nguyên lý này trong Phật giáo là vì Đức Đạt-lai Lạt-ma từng khuyên bảo chúng ta: "Hãy cứ lập đi lập lại một điều nào đó nếu cần, dù mệt mỏi, chán nản hay phải cố gắng đến đâu cũng vậy". Nguyên lý tương liên tương tác và tương tạo giữa mọi hiện tượng vô cùng vững chắc, không có một ngoại lệ nào cả trong thế giới hiện tượng này. Nắm vững được nguyên lý đó sẽ giúp chúng ta hiểu được dễ dàng hơn bài giảng này của nhà sư Sangharakshita  

 

             Sau hết cũng xin minh định một điều quan trọng là thí dụ về Thượng đế nêu lên trên đây qua góc nhìn của nguyên lý tương liên và tương tác giữa mọi hiện tượng, không phải là một sự phê phán nào cả, mà đơn giản chỉ là các luận cứ triết học, khoa học và tâm lý học nhằm cảnh giác chính chúng ta, những người Phật giáo, nên nhìn vào hiện thực một cách sâu sắc và khách quan hơn, hình dung tín ngưỡng của mình minh bạchsáng suốt hơn, vượt lên trên xúc cảm và các sự tạo tác tâm thần, bởi vì các sự sinh hoạt tâm thần đó là những gì có thể mang lại hoang mang, tạo ra khổ đau thêm cho mình mà thôi).

 

            Vậy trước hết chúng ta hãy nêu lên sự trống không của những gì do điều kiện mà có, gọi là samskrta shunyata (samskrta là tiếng Phạn, có nghĩa là do điều kiện mà có). Sự hiện hữu do điều kiện mà có (conditioned) - tức là sự hiện hữu dưới thể dạng hiện tượng và cũng có thể gọi là sự hiện hữu tương đối - nhất thiết chỉ là trống không: trống không ở đây có nghĩa là trống không về các đặc tính của [những gì] "Phi điều kiên" (Unconditioned). Theo Phật giáo [những gì] Phi điều kiện gồm có ba đặc tính. Đặc tính thứ nhất là niềm phúc hạnh (felicity / một niềm hạnh phúc hoàn hảo, sâu xa và lâu bền). Đặc tính thứ hai là sự trường tồn (permanent), thế nhưng sự trường tồn đó không mang ý nghĩa một sự kéo dài mang tính cách  thời gian, mà đúng hơn là các kích thước trong đó không có thời gian và cả không gian. Đặc tính thứ ba của Phi điều kiệntính cách rất thật trên phương diện tối hậu (nói một cách khác "Phi điều kiện" là một sự hiện hữu bất biến, vượt thoát sự chi phối của nguyên lý "tương liên, tương tác và tương tạo", và cũng có nghĩa là vượt thoát khỏi sự biến động và đổi thay của thế giới hiện tượng).  

 

            Sự hiện hữu do điều kiện mà có nói lên sự bất toại nguyện (khổ đau), vô thường (không trường tồn) và không thực (chỉ là trống không) trên phương diện tối hậu, do đó nó không hàm chứa các đặc tính trên đây [của Phi hiện hữu] (để giúp hiểu được khái niệm này, chúng ta hãy trở lại với thí dụ đơn giảncụ thể đã được nêu lên trên đây: sự hiện hữu của mình là do cha mẹ mình và vô số các yếu tố khác để mà "có", vì vậy sự hiện hữu đó là một sự hiện hữu do thật nhiều điều kiện làm phát sinh ra nó. Chính vô số các điều kiện trói buộc luôn ở trong tình trạng biến động và đổi thay đó là nguyên nhân tạo ra tình trạng khổ đau cho mình. Thoát ra khỏi tình trạng lệ thuộc, khổ đau và vô thường đó là cách đạt được thể dạng Phi điều kiện , một sự Giải thoát đích thật).

 

Sự trống không của Phi điều kiện

 

            Cấp bậc thứ hai của shunyata là sự trống không của Phi điều kiện (tức là Phi duyên khởi nếu nói theo kinh sách Hán ngữ, và cũng có nghĩa là không do "duyên khởi" mà sinh ra). Nếu có một trí tuệ tương xứng với cấp bậc này (tức là hiểu được sự trống không của Phi điều kiện là gì) thì chúng tất sẽ hiểu được Phi điều kiện không hề hàm chứa các đặc tính của sự hiện hữu do điều kiện mà có. Nó không mang tính cách bất toại nguyện. Nó không mang tính cách vô thường và cả sự vô thực thể tương đối (relative unreality. Để hiểu được ý niệm này, chúng ta hãy trở lại với thí dụ về sự trống không của sự hiện hữu của chính mình do Đức Đạt-lai Lạt-ma nêu lên, và cũng đã được nói đến trong trong bài 41 trước đây: nếu cho rằng sự hiện hữu của mình mang tính cách "vô thực thể " tức là "trống không", thì hãy cứ cứ thử véo vào cánh tay mình xem có đau hay không? Điều đó cho thấy tính cách "vô thực thể" hay sự "trống không" của sự hiện hữu của mình là một sự "tương đối". Nếu mở rộng hơn nữa thì chúng ta sẽ thấy quy luật "nguyên nhân - hậu quả" dù không thể tạo ra các tác động đối với tính cáchthực thể hay sự trống không tuyệt đối về sự hiện hữu của mình, thế nhưng nó vẫn có thể gây ra cảm giác đau nhói trên cánh tay mình. Điều đó cho thấy tính cáchthực thể của mình chỉ là tương đối, và đó cũng là sự hiện hữu của mình trong thế giới hiện tượng, chi phối bởi quy luật nguyên nhân - hậu quả), bởi vì các thứ ấy chỉ là bản chất của những gì do điều kiện mà có. Điều đó cũng tương tự như các bạn không thể tìm thấy Phi điều kiện bên trong những gì do điều kiện mà có, hoặc ngược lại cũng không tìm thấy những gì do điều kiện mà có bên trong Phi điều kiện!     

 

            Cả hai cấp bậc shunyata đó (sự trống không của những gì "do điều kiện mà có" và sự trống không của "Phi điều kiện") đều được nói đến trong tất cả các tông pháihọc phái Phật giáo, và cả hai đều nói lên phương cách tiếp cận nhị nguyên (sự suy nghĩ mang tính cách phân biệt, chẳng hạn như: chủ thể - đối tượng, cái này - cái kia, v.v.), thật cần thiết trong giai đoạn đầu tiên của cuộc sống tâm linh của mình (tức là các bước đầu trong việc tu tập). Trong giai đoạn đầu tiên đó, chúng ta nên suy nghĩ như thế này: "Nơi này là những gì do điều kiện mà có (duyên khởi) và nơi kia là Phi điều kiện (không do duyên khởi mà có), tôi mong sao có thể bước từ nơi này để đến được nơi kia". Và cũng rất có thể là các bạn sẽ phải để ra thật nhiều năm trong cuộc sống tâm linh của mình để nghiền ngẫm về sự kiện "những gì do điều kiện mà có" cũng chỉ là "những gì do điều kiện mà có",  và "Phi điều kiện" cũng chỉ là "Phi điều kiện". (đó là cách làm cho sự suy nghĩ nhị nguyên tức là sự phân biệt phải tan biến: địa ngục - cực lạc là một thứ, luân hồi - giải thoát là một thứ, v.v… Tất cả đều là trống không, và đó sẽ là cấp bậc quán nhận thứ ba về sự trống không của hiện thực. Cấp bậc này sẽ được nói đến dưới đây).       

 

Sự trống không to lớn

 

            Thế nhưng cuối cùng chúng ta cũng phải tập nhìn và tập cảm nhận các thứ như rupashunyata, hình tướng và trống không, những gì "do điều kiện mà có" và "Phi điều kiện", samsara (cõi luân hồi)nirvana (niết bàn), con người bình dị và chư Phật..., tất cả [các thứ ấy, các sự quán nhận nhị nguyên ấy] trên phương diện tối hậu cũng chỉ là một thứ, mang cùng một bản thể như nhau, cùng thuộc vào là một hiện thực duy nhất. Điều đó chính là shunyata  ở cấp bậc thứ ba, một sự "trống không to lớn" gọi là mahashunyata, trong đó tất cả mọi sự phân biệt đều tan biến hết. Mahashunyata là cách nhìn vào sự phân biệt giữa những gì do điều kiện mà có và cả Phi điều kiện cũng chỉ là trống không. Sự phân biệt chỉ đơn giản là sản phẩm của tư duy mang tính cách nhị nguyên, không hàm chứa một giá trị vững chắc nào cả trên phương diện tối hậu. Sự trống không đó sở dĩ được gọi là to lớn là vì chúng ta - và cả những vị đã đạt được các cấp bậc tâm linh thật cao - tất cả đều rất sợ biến mất bên trong sự trống không to lớn đó (nói một cách nôm na là tất cả mọi người dù là ở cấp bậc tâm linh nào cũng đều "sợ chết" trước sự trống không to lớn do chính mình hình dung ra cho mình. Những người có đức tin càng lớn càng tin tưởng vững chắc rằng mình sẽ được lên thiên đường, thế nhưng trong hiện tại thì mình vẫn cứ sợ chết, sợ cái trống không to lớn luôn ám ảnh trong tiềm thức mình). Chúng ta chỉ muốn bám víu vào cách suy nghĩ nhị nguyên: mình và kẻ khác, cái này và cái kia. Thế nhưng cuối cùng thì tất cả các thứ ấy (các hình tướng phát sinh từ sự hiểu biết khái niệm và cách suy nghĩ nhị nguyên) cũng sẽ ra đi. Sự trống không to lớn chẳng khác gì như một cái hang cọp, đầy ngõ ngách với các vết chân lưu lại khắp nơi, thế nhưng chẳng có một vết chân nào cho thấy là đã tìm được lối thoát. Trên phương diện tối hậu, sự sợ hãi của các bạn chính là nguyên nhân khiến các bạn chỉ mong được lưu lại [mãi mãi] trong sự trống không to lớn đó (tức là thế giới hiện tượng này), chẳng qua là vì chính "các bạn" ("cái tôi" của các bạn) và cả sự "sợ hãi" của các bạn là nguyên nhân khiến các bạn chẳng bao giờ thoát ra khỏi nó cả (cái tôi hay cái ngã của mình cùng với sự sợ hãi của mình trước sự trống không to lớn khiến mình bám víu vào cái thế giới này để mãi mãi chuyển động và luân hồi với nó). Nó sẽ nuốt chửng tất cả những gì tạo ra bởi cách nhìn nhị nguyên của chúng ta (trong đó kể sự suy nghĩ của chúng ta và cả chúng ta)

 

(Tư duy nhị nguyên - tạo ra sự phân biệt và các sự tương phản hay đối nghịch - khiến con người hình dung ra một Đấng toàn năng, to lớn, trường tồnhiện hữu cùng khắp, đối nghịch và tương phản với con người nhỏ bé, vô thường, đầy lo âusợ hãi của chính mình. Chủ đích sâu kín của sự tạo dựng ra Đấng Toàn năng đó là để tìm một sự che chở, một lối thoát. Thế nhưng thế giới hiện tượng này chỉ là một cái hang cọp to lớn. Tuy đầy rẫy ngõ ngách và các vết chân lưu lại, thế nhưng trong cái hang đó dường như chẳng thấy vết chân nào tìm ra lối thoát, bởi vì lần mò theo các vết chân và các ngõ ngách trong hang cũng chỉ là cách dọ dẫm loanh quanh. Hơn nữa những người mò mẫm trong đó cũng có thể bất ngờ chạm trán nhau, trách cứ và gây sự với nhau, đưa đến các cuộc xung đột triền miên)

 

Sự trống không của trống không

 

            Cấp bậc thứ tư của shunyata là sự trống không của trống không. Điều đó cho thấy sự trống không chính nó và tự nó cũng chỉ là một khái niệm, một thuật ngữ, một âm thanh (một tư duy, một sự hình dung, một sáng tạo của tâm thức). Khi cảm nhận được mahashunyata (sự trống không to lớn, tức là cấp bậc cảm nhận thứ ba của sự trống không đã được nói đến trên đây), thì người ta vẫn cỏn tiếp tục bám víu vào các tư duy tinh tế, các cảm nhận nhị nguyên tinh tế, thế nhưng trên phương diện tối hậu thì tất cả các thứ ấy cũng sẽ phải được loại bỏ. Khi nào chúng ta đạt được shunyata-shunyata (sự trống không của trống không) thì chẳng còn bất cứ gì để có thể nói lên được nữa. Tất cả những gì còn sót lại chỉ là một sự im lặng đinh tai (deafening / assourdissant / điếc tai, không còn nghe thấy bất cứ gì nữa)

 

« Gate gate paragate parasamgate bodhi svaha »

 

            Trong số toàn bộ tập kinh Hoàn thiện Trí tuệ (The Perfection of Wisdom, tiếng Phạn là (Prajñāpāramitā Hrdaya / Bát nhã Ba-la-mật-đa tâm kinh, là bộ kinh đồ sộ và quan trọng nhất của toàn bộ giáo huấn Đại thừa, gồm chung  nhiều bản kinh khác nhau, đã được nói đến trên đây), thì bản Tâm kinh là bản nổi tiếng nhất. Sở dĩ gọi là Tâm kinh là vì nó cất chứa con tim, là những gì tinh anh và chủ yếu nhất trong giáo huấn của toàn bộ tập kinh Hoàn thiện Trí tuệ. Câu chủ yếu nhất và cũng là câu kết thúc trong bản Tâm kinh là câu mantra (câu tụng mang tính cách mầu nhiệm) sau đây: "gate gate paragate parasamgate bodhi svaha" (kinh sách Hán ngữ dịch âm là "yết đế yết đế ba la yết đế bồ đề tát bà ha). Nếu dịch một cách từ chương, có nghĩa là không dịch được hết ý nghĩa trong đó, thì câu này đại khái sẽ là: "bước lên, bước lên, bước sang phía bên kia, hoàn toàn sang phía bên kia của bên kia - sự Giác ngộ - Sự thành công!".

 

            Người ta có thể xem câu mantra trên đây biểu trưng cho bốn cấp bậc shunyata (bốn cấp bậc trống không). "Bước lên" có nghĩa là bước ra khỏi sự hiện hữu do điều kiện mà có, và cũng có nghĩa là thoát khỏi thế giới. Đó là sự cảm nhận về bản chất trống không của những gì do điều kiện mà có, để tiếp tục tiến lên thêm.

 

            Sau đó là "bước sang tận phía bên kia" . Câu này có nghĩa là sau khi rời khỏi những gì do điều kiện mà có thì chúng ta sẽ bước vào "phía bên kia" tức là bước vào [lãnh vực] Phi điều kiện, và sau đó thì chẳng có một nơi nào khác để có thể vượt thêm được nữa.    

 

            Sau cùng là "hoàn toàn bước sang phía bên kia", có nghĩa là vượt lên trên sự phân biệt giữa những gì do điều kiện mà có (duyên khởi) và cả Phi điều kiện (Phi duyên khởi), điều đó có nghĩa là đã thực sự thực hiện được "hoàn toàn ở vào phía bên kia".

 

            (Có nhiều cách giải thích với ít nhiều khác biệt về câu mantra này trong Tâm kinh. Trong bài 41 trước đây, câu này cũng đã được người chuyển ngữ ghi chú thêm. Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng có giải thích rất tường tận và chi tiết về câu mantra này trong quyển sách "Tâm điểm của Thiền định - Khám phá tâm thức thần bí nhất" "The Heart of Meditation, Discovering Innermost Awareness", trong chương IV, tiểu đề Trí tuệ, phần thứ Nhất  - Hoang Phong chuyển ngữ - độc giả có thể tìm đọc quyển sách này trên trang mạng Thư Viện Hoa Sen).     

 

            Sau hết chúng ta sẽ đạt được sự Giác ngộ  hay bodhi.  Chữ bodhi không nằm trong cấu trúc của câu mà chỉ là một lời thốt lên: Bodhi!, Tỉnh ngộ!, Giác ngộ!. Trong sự Tỉnh ngộ tối thượng ngay cả shunyata (trống không) cũng không còn mang một ý nghĩa nào nữa cả. Chữ "svaha" ở cuối câu mantra là lời kết thúc, thường thấy nêu lên trong nhiều câu mantra khác, đó là để nói lên một điều tốt lành, một sự thành công, một sự hoàn tất. Các bạn đã hoàn tất được công việc của mình, các bạn đã đạt được mục đích của các bạn, các bạn đã thực hiện được sự Giác ngộ. Các bạn đã vượt được tất cả bốn cấp bậc shunyata, và Trí tuệ đã được phát huy trọn vẹn. Đại thừa (Mahayana) tất nhiên không hề nắm giữ độc quyền [khái niệm] shunyata (xin nhắc thêm sự trống không của hiện thực từng được Đức Phật nêu lên rất cụ thểthiết thực trong rất nhiều bài kinh, sau đó trên dòng tiến hóa của Phật giáo, ý niệm này đã  được nhấn mạnhtriển khai thêm để trở thành một học thuyết triết học siêu hình trong Phật giáo Đại thừa). Phật giáo cổ xưa (tức là Giáo huấn nguyên thủy của Đức Phật trong thung lũng sông Hằng, đại diện ngày nay là Phật giáo Theravada) tuy sử dụng một thuật ngữ khác hơn, thế nhưng cũng nói lên cùng một sự cảm nhận như vậy (tức là ý niệm về shunyata nêu lên trong Đại thừa). Đó là cách cho biết khi nào sự quán thấy siêu nhiên hiện ra thì cấp bậc bước vào dòng chảy (tiếng Pali là sotapanna, là cấp bậc đầu tiên trong số bốn cấp bậc tu tập. Kinh sách Hán ngữ gọi là "nhập lưu") sẽ được thực hiện, và điều này sẽ xảy ra nhờ vào một trong ba cửa ngõ thoát tục (emancipation), và một trong số ba cửa ngõ đó là shunyata samadhi (sự cảm nhận sâu xa về shunyata hay sự trống không. Nói một cách vắn tắt hơn là khi nào đã quán thấy được một trong số ba cấp bậc trống không của hiện thực, dù là ở cấp bậc nào, thì người tu tập cũng sẽ hoàn tất được cấp bậc đầu tiên trong cuộc sống tâm linh của mình, đó là sự gia nhập vĩnh viễn vào một Tăng đoàn). Theo quan điểm của Phật giáo Theravada thì cách nêu lên các cấp bậc shunyata khác nhau của Đại thừa chỉ là cách dễ khiến người tu tập rơi vào tình trạng giải thích dông dài (verbiage), thế nhưng thật ra chủ đích khi nêu lên các cấp bậc đó nhất thiết chỉ là để loại bỏ chúng [dễ dàng hơn] mà thôi. Sự xác định theo từng cấp bậc một là cách giúp mình tuần tự tách rời ra khỏi chúng, và đấy cũng là cách giúp mình "vượt hẳn sang phía bên kia" nhờ vào cách ý thức được thật cụ thể các cấp bậc "trước đó" [mà mình đã vượt qua được]. Phật giáo Theravada cho biết khi nào đạt được một sự hiểu biết trong sáng không quá từ chương vể shunyata thì sự phân biệt [theo từng cấp bậc một] sẽ không còn cần thiết nữa.      

 

            Quả đúng là có một sự khác biệt giữa shunyata về những gì do điều kiện mà có và những gì không do điều kiện mà có. Thế nhưng cho đến khi nào chúng ta không còn nhìn vào ý niệm shunyata một cách quá từ chương theo ý nghĩa của "từng chữ một", thì chúng ta sẽ chẳng phải cần "bước sang phía bên kia" (tức là cách thăng tiến theo từng cấp bậc một). Chúng ta có thể xem hầu hết vốn liếng giáo lý (tư tưởng) Đại thừa chỉ đơn giản là một hình thức trình bày (illustration / diễn đạt) hơn là một sự đại diện (representation) [cho toàn bộ Phật giáo] hay một sự tách biệt thật sự [so với Giáo huấn của Đức Phật]. Tốt hơn hết nên xem ý niệm về bốn cấp bậc và ba mươi hai thể dạng shunyata (nêu lên trong một số kinh sách Đại thừa) chỉ là một phương tiện giúp chúng ta đạt được một sự hiểu biết toàn diệnminh bạch hơn hiện thực là gì (qua một góc nhìn thật tổng quát thì Đại thừa chỉ đơn giản là một sự thích ứng của Giáo huấn của Đức Phật với các nền văn hóa khác nhau và cả sự tiến hóa chung của tư tưởng nhân loại, nhưng phần cốt lõi thì vẫn giữ được một giá trị vô song, vượt khỏi các kích thước không gian và cả thời gian).

 

 

Vài lời ghi chú của người chuyển ngữ

 

            Trong câu mở đầu của bài giảng này nhà sư Sangharakshita nêu lên trưởng hợp nếu chúng ta không đạt được các kết quả mà mình mong muốn trong việc luyện tập thiền định thì một vài dhyana dù chỉ là sơ đẳng mà mình đạt được cũng có thể giúp mình phát huy prajña tức là trí tuệ. Nhận xét này thật hết sức quan trọng trong việc tu tập Phật giáo nói chung.

 

            Trên phương diện tổng quát, có hai cửa ngõ giúp người tu tập bước vào con đường Phật giáo, đó là Thiền địnhTrí tuệ. Thiền định là một sự cảm nhận trực tiếp và siêu nhiên về các thể dạng sâu kín nhất của tri thức mình. Qua một góc nhìn nào đó thì sự cảm nhận ấy không cần đến một sự hiểu biết siêu việt nào của trí tuệ cả, ngoại trừ các phép thiền định phân giải, và do đó bất cứ ai cũng có thể thiền định được. Tuy nhiên, đối với những người không thích hợp với phép luyện tập này, thì sự phát huy trí tuệ sẽ là cửa ngõ thứ hai dành cho họ. Trí tuệ thường đòi hỏi phải có một sự suy tư sâu sắc, một sự hiểu biết minh bạch và một khả năng lý luận sắc bén, hầu giúp mình tiếp cận với hiện thực tối hậu.

           

            Thế nhưng cả hai cửa ngõ đó - thiền địnhtrí tuệ - đều phải được mở ra bởi một cổng to lớn hơn chung cho cả hai cửa ngõ, đó là sự tập trung tâm thần thật sâu và thật vững chắc gọi là samadhi ("định"). Khi nào tâm thức vẫn còn hoang mang và bị phân tán, thì cả hai cửa ngõ đó sẽ vẫn còn khép kín với mình. Thật ra cả hai cửa ngõ hay đường hướng tu tập trên đây ở một mức độ nào đó cùng hỗ trợ cho nhau: thiền định góp phần mở mang trí tuệ, và trí tuệ trợ giúp thêm cho việc luyện tập thiền định được hiệu quả hơn. Thế nhưng sau hết cũng không nên quên một điều rất quan trọng là động cơ thúc đẩy chúng ta bước vào hai cửa ngõ đó là lòng từ bi vô biên đối với chính mình và tất cả chúng sinh.

 

            Trên đây là mô hình đơn giản hóa của Con đường Phật giáo nói chung. Các phương tiện tu tập thiện xảo (upaya) thì rất nhiều, kinh sách cho biết có đến 84 000 phương tiện thiện xảo (một con số tượng trưng), thế nhưng tất cả cũng chỉ là các phương pháp tu tập giai đoạn và đại chúng, không giúp mình đi nhanh và đi xa được. Sau hết xin độc giả thứ lỗi về những lời ghi chú quá dài dòng của người chuyển ngữ đã được ghép thêm vào bài giảng này của nhà sư Sangharakshita, chẳng qua là vì một số khái niệm triết học nêu lên trong bài giảng này có thể là không quen thuộc lắm đối với một vài độc giả chăng?

           

                                                                                    Bures-Sur-Yvette, 15.06.21

                                                                                     Hoang Phong chuyển ngữ 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
21/03/2014(Xem: 24146)
30/05/2014(Xem: 21935)
02/12/2018(Xem: 14585)
26/08/2016(Xem: 11997)
26/08/2013(Xem: 41685)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.