Khi Đức Phật Hóa Thân

04/10/20224:57 SA(Xem: 3336)
Khi Đức Phật Hóa Thân

KHI ĐỨC PHẬT HÓA THÂN

 Nguyên Giác

 

nguyen giacXin có lời tâm sự, rằng trong lòng tôi vẫn luôn luôn là một đứa trẻ rất mực ngây thơ, nghĩa là, chưa bao giờ lớn cả. Nói cho đúng, tôi đã lớn dậy giữa rừng văn học cổ tích quê nhà, đã say mê đọc truyện cổ về những vị Bụt bay tới khi có ai đó gặp nạn và ngồi than khóc, đã miệt mài với những thần thoại tuyệt vời trong Kinh Phật… Và rồi, tôi tin rằng Đức Phật không bao giờ rời bỏ chúng sinh.

Dĩ nhiên, khi phải viết lý luận, đôi khi phải tranh biện chuyện đời thường, vì cái nghiệp làm báo của mình, tôi không bao giờ đem truyện thần thoại ra nói, và nếu có nói, sẽ chỉ nói rằng đúng là có nhiều truyện cổ, và ngay cả nhiều lời dạy của Đức Phật, chỉ có ý nghĩa tượng trưng, như một biểu tượng, như ngón tay chỉ trăng. Chớ không dám nói rằng chúng ta tu tới một mức nào đó, sẽ có thể bước đi xuyên qua tường, hay phóng được lên tòa nhà vài chục tầng lầu. Nhưng trong tận thâm sâu, tôi vẫn tin chuyện thần kỳ như thế. Cũng như, tôi từng nói giỡn với vài bạn hữu, rằng mỗi khi lái xe vào một sân đậu xe đã hết chỗ, thế nào cũng có người lái ra để chỗ cho mình đậu xe, đó là hộ pháp dọn chỗ đó; nói giỡn, vậy mà, hình như từ đó, chuyện xảy ra như thế. Lý luận cho đúng chánh pháp, không có hộ pháp nào bận tâm chuyện lặt vặt như thế. Nhưng, tôi đã thưa rồi, tôi chỉ là một đứa trẻ tóc trắng, lòng vẫn còn rất mực thơ ngây, vẫn tin vào các ông Bụt đời thường, dù là mắt không thấy và tai không nghe.

Thế rồi, niềm tin rằng Đức Phật có thể hóa thân thành vô lượng vị Phật được củng cố, khi đọc Kinh Trường Bộ. Đây là Kinh DN 16. Trong Kinh này, Đức Phật kể rằng ngài đã hóa ra vô lượng thân, với hình dung y hệt như chúng sinh trong tám chúng, giọng nói Đức Phật cũng y hệt như giọng chúng sinh, rồi ngài giảng dạy, khích lệ, làm chúng tội hoan hỷ, nhưng không ai biết đó là hóa thân của Đức Phật, rồi ngài biến mất. Đọc Kinh này xong, đôi khi tôi chợt ngoảnh nhìn ra quanh mình, xem có Đức Phật nào cũng dung sắc và giọng nói như mình và những người chung quanh không. Dĩ nhiên, những lúc đó không dám nói ra, vì bản thân mình đâu còn trẻ thơ nữa, và mình phải giải thích sao cho hợp Chánh pháp để người khác không đi chệch hướng..

Nơi đây, xin trích Kinh DN 16, bản dịch của Thầy Minh Châu:

Này Ānanda, có tám chúng. Thế nào là tám? Chúng Sát-đế-Lỵ, chúng Bà-la-môn, chúng Cư sĩ, chúng Sa-môn, chúng Bốn Thiên vương, chúng Tam thập tam thiên, chúng Ma, chúng Phạm thiên.

Này Ānanda, Ta nhớ lại Ta đã đến chúng Sát -đế-lỵ hơn một trăm lần. Tại đây trước khi Ta ngồi, trước khi Ta nói chuyện, và trước khi cuộc đối thoại bắt đầu, dung sắc của chúng Sát-đế-lỵ như thế nào, dung sắc của Ta cũng như vậy; giọng nói chúng như thế nào, giọng nói của Ta cũng như vậy. Và với bài pháp thoại, Ta giảng dạy, khích lệ, làm cho phấn khởi, khiến tâm hoan hỷ. Khi Ta đang nói, chúng không biết: “Kẻ nói ấy là ai, là chư Thiên chăng, là Người chăng?” Sau khi Ta giảng dạy, khích lệ, làm cho phấn khởi, khiến tâm hoan hỷ với bài pháp thoại, Ta biến mất. Khi Ta biến mất, chúng không biết: “Kẻ biến mất ấy là ai, là chư Thiên chăng, là Ngươi chăng?”.

Này Ānanda. Ta nhớ lại Ta đã đến chúng Bà-la-môn hơn một trăm lần … chúng Cư sĩ … chúng Sa-môn … chúng Bốn Thiên vương … chúng Tam thập tam thiên … chúng Ma … chúng Phạm thiên hơn trăm lần, tại đây trước khi Ta ngồi, trước khi Ta nói chuyện và trước khi cuộc đối thoại bắt đầu dung sắc của chúng Phạm thiên như thế nào, dung sắc của Ta cũng vậy; giọng nói của chúng như thế nào, giọng nói của Ta cũng vậy. Và với bài pháp thoại, Ta giảng dạy, khích lệ, làm cho phấn khởi, khiến tâm hoan hỷ. Khi Ta đang nói, chúng không biết: “Kẻ nói ấy là ai, là chư Thiên chăng, là Người chăng?” Sau khi Ta giảng dạy, khích lệ, làm cho phấn khởi, khiến tâm hoan hỷ, Ta biến mất. Khi Ta biến mất, chúng không biết: “Kẻ biến mất đó là ai, là chư Thiên chăng, là Người chăng?” Này Ānanda, như vậy là tám chúng.” (1)

 

Thế rồi, những lúc tôi ngẩn ngơ với những thần kỳ như thế, Đức Phật đã nhắc nhở, rằng không phải đâu, rằng Đức Phật chỉ dạy pháp thoát khổ thôi. Như Kinh DN 24, Đức Phật rầy một vị cũng ưa thích thần thoại, trích:

“- Này Sunakkhatta, Ta không nói với Ngươi: “Này Sunakkhatta, hãy đến đây và sống dưới sự chỉ dẫn của Ta, Ta sẽ khiến cho Ngươi chứng được các pháp thượng nhân thần thông; Ngươi cũng không nói với Ta: “Bạch Thế Tôn, con sẽ sống dưới sự chỉ dẫn của Thế Tôn, và Thế Tôn sẽ khiến cho con chứng được các pháp thượng nhân thần thông.” Này kẻ ngu kia, như vậy thời Ngươi là ai và Ta là ai mà Ngươi nói chuyện từ bỏ? Này Sunakkhatta, nhà Ngươi nghĩ thế nào? Các pháp thượng nhân thần thôngthực hiện hay không thực hiện, nhưng mục đích mà Ta thuyết giảng Chánh pháp là đưa người thực hành đến chỗ tận diệt khổ đau, có phải như vậy không?” (2)

Sau này, tôi nghiệm ra rằng những cuốn sách hay về Phật học chính là những hóa thân Phật, rằng những lời giảng Chánh pháp chính là những hóa thân Phật. Chỉ có cách lý giải như thế, mới thấy rằng Đức Phật chưa bỏ chúng sinh bao giờ, vẫn còn những vô lượng Bồ tát khác đang đi giữa đời thường, cũng dùng sắc và giọng nói hệt như chúng sinh, nhưng đang chỉ đường giải thoát.

Do vậy, tôi tin rằng những cuốn Kinh, và những cuốn sách của rất nhiều vị đáng kính trong tứ chúng cũng là những vị Phật đang vào đời. Khi chúng ta mở ra trang Kinh, mở ra trang sách của các vị đáng kính, chúng ta lại nghe được lời Phật dạy. Từng chữ, từng dòng phù hợp với Chánh pháp cũng đều là hóa thân Phật. Như cuốn sách mới phát hành của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc có nhan đề là “Buông” – hiển nhiên, với tấm lòng rất mực trẻ thơ của tôi, sách này cũng là một hóa thân Phật. Tác phẩm này của họ Đỗ mở đầu là bài “Thay lời tựa: Thư Cao Huy Thuần gởi Đỗ Hồng Ngọc” và sau đó là 15 bài viết. Nhan đề sách là dựa vào bài có nhan đề “Buông” của tác giả viết để “Kính tặng Thầy Thanh Từ, 99 tuổi.” (3)

Như thế, nhà văn bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã làm việc không ngừng nghỉ để hoằng pháp. Trong một email gần nhất, anh Đỗ Hồng Ngọc đã gửi ra vài tấm hình, trong đó chụp một số thiện tri thức của làng Phật học, trong đó có quý cư sĩ Đỗ Hồng Ngọc, Trần Tuấn Mẫn, Nguyên Cẩn, và Hòa Thượng Minh Diệu Nguyễn Thế Đăng. Chỗ này xin ghi thêm lời ghi chú: Thầy Minh Diệu viết với bút hiệu Nguyễn Thế Đăng; Thầy là sư huynh của tôi, cùng bổn sư là cố Hòa Thượng Tịch Chiếu (Chùa Tây Tạng Bình Dương).

Nơi đây, trong dịp mừng tác phẩm mới của BS Đỗ Hồng Ngọc ấn hành, và khi nhìn tấm hình các bậc tôn túc gặp nhau, xin làm bài thơ cúng dường. Cũng là để cúng dường tất cả các hóa thân Phật khắp các cõi trời, cõi người, trong tám chúng vẫn không ngừng tuyên thuyết Chánh pháp.

.

Như nắng tà huy

Đêm qua nghe pháp trên đồi
hôm nay xuống núi tụng lời kinh xưa
ai hỏi thì nói rằng thưa
học xong quên bẵng như chưa i tờ

may còn vài chữ trong thơ
phả hương theo mực loang bờ tử sinh
nói cười đi đứng như kinh
ta người chỉ thấy như hình trong gương

Đêm qua ngồi giữa pháp đường
nghe trời mưa bão bên sông dặm trường
ai hỏi thì chỉ khói sương
luận thư kinh sách chẳng vương vấn gì

thấy tâm không đến, không đi
hai bờ tan biến, viễn ly khổ sầu
trâu bùn vượt sóng về đâu
không lưu dấu tích, chân cầu cũng trôi.

Đêm qua trăng mọc trên đồi
thấy tâm tịch lặng không người, không ta
ai hỏi thì nhấc cành hoa
thấy gì, được thấy, đều xa muôn trùng

niềm vui ngồi chép vô thường
quyện dòng pháp ngữ giữa dòng thơ đêm
chữ rơi mất hết ngoài hiên
còn kinh vô tự dạy thiền cho ai.

Đêm qua sương ướt bờ vai
ngồi buông quá hiện vị lai muôn trùng
ai hỏi thì chỉ tiếng chuông

hỏi ai nắm giữ, như tuồng huyễn mơ

rồi mai hoằng pháp qua bờ
truyền tâm trăng sáng ai chờ ai đi
rỗng rang như nắng tà huy
không gì để giữ, không gì để buông.

---- Kính tặng quý tôn túc Đỗ Hồng Ngọc, Trần Tuấn Mẫn, Nguyên Cẩn,

pháp huynh Hòa Thượng Minh Diệu Nguyễn Thế Đăng

 

Nguyên Giác, 10/2022.   

 

GHI CHÚ:

(1) Kinh DN 16: https://suttacentral.net/dn16/vi/minh_chau
(2) Kinh DN 24: https://suttacentral.net/dn24/vi/minh_chau
(3) Đỗ Hồng Ngọc – Buông: https://thuvienhoasen.org/a38075/buong

 

_DHN 1_Saigon 26 9 2022

Gặp nhau, bàn chuyện pháp.

_DHN 2_Saigon 26 9 2022

Hòa Thượng Minh Diệu Nguyễn Thế Đăng và trang sách lưu niệm.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
20/01/2014(Xem: 16876)
18/05/2017(Xem: 20924)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.