Thích Giác Khang
Sau khi thành đạo, Đức Phật Thích Ca đã thấu suốt cội nguồn pháp giới trong vũ trụ. Ngài đã nhìn thấy rõ mỗi chúng sanh đều có Phật tánh, nhưng vì mê muội mà chưa nhận được. Với lòng bi mẫn, trong 49 năm, Ngài đã đi khắp nơi giảng đạo nhằm giúp chúng sanh thay đổi nhận thức để thành Phật như Ngài. Và Đức Phật đã truyền lại pho tạng Kinh-Luật cho người đời nương vào đó để mà “văn - tư - tu”. Trong quá trình tư - tu các vị Tổ Sư đã triển khai Kinh - Luật thành Luận. Nay, thông qua “Kinh-Luật-Luận” để tìm hiểu: Như thế nào gọi là Tái sanh? Như thế nào gọi là Chứng ngộ? Như thế nào gọi là Vãng sanh? Và ba cái này giống nhau và khác nhau ra sao?
Tái sanh:
Tái sanh tức là luân hồi đồng nghĩa với không giải thoát. Tái sanh là do nghiệp lực chiêu cảm mà sanh trở lại cõi Ta bà, tức là khi thọ mạng chấm dứt, mống tâm tác ý muốn hiện hữu do đó tái sanh dưới hình thức một xác thân mới.
Qua “Kinh - Luật - Luận”, hiểu rằng, trong cuộc sống hàng ngày, ngay xác thân ngũ uẩn, tiến trình tâm thức trải dài qua 15 hạng chúng sanh từ địa ngục cho tới Như lai, nhưng vì mê muội khó mà nhận biết. Nếu tâm thức dừng lại rồi tư tưởng phân biệt dính mắc tham đắm vào đâu thì khi thọ mạng chấm dứt sẽ tái sanh mang một xác thân mới ứng hợp với tâm thức cùng cảnh giới đang dính mắc.
Tâm thức lờ đờ dừng ở bề mặt của 5 căn phù trần không có cái biết. Khi thọ mạng dứt, lập tức sa đọa vào cảnh giới Địa ngục.
Tâm thức dừng lại ở cảm giác lờ mờ chưa phân biệt của 5 thức đầu, dục vọng phát khởi làm tăng trưởng cảm giác đam mê trau chuốt xác thân, dẫn đến tham lam chiếm hữu ngoại sắc thô tháo. Khi thọ mạng dứt, lập tức sa đọa vào cảnh giới Ngạ quỷ.
Tâm thức dừng lại ở óc có sự phân biệt lờ mờ dục vọng bản năng, không suy tính trong mọi hành động chiếm hữu ngoại sắc, vì thế thường thất bại nên dễ quạu quọ sân giận. Khi thọ mạng dứt lập tức sa đọa vào cảnh giới Súc sanh.
Tâm thức dừng lại ở tư tưởng phân biệt lờ mờ trên phương diện tật đố, ganh tỵ. Luôn tranh giành chiếm hữu ngũ dục bằng bạo lực qua hành động của thân - khẩu. Khi thọ mạng dứt, lập tức sa đọa vào cảnh giới Atula.
Tâm thức dừng lại ở ý chí. Khi đối cảnh, tư tưởng tập trung vào mỗi giác quan để so đo phân biệt theo luân lý, rồi dùng ý chí đè nén dục vọng bản năng cải sửa hành động hướng thiện, bằng lòng với hoàn cảnh sống hiện tại. Khi thọ mạng dứt, nếu không bị nghịch duyên sẽ tái sanh vào cảnh giới Người.
Tâm thức dừng lại ở ý chí và kinh nghiệm. Tư tưởng tổng hợp sự hiểu biết qua 5 giác quan kết hợp với kiến thức qua sách vở làm cho kinh nghiệm ngày càng phong phú, dễ thành công trong mọi lĩnh vực hoạt động, chiếm hữu ngoại sắc thanh cao, vui sống với cảnh an nhàn. Khi thọ mạng dứt, nếu không bị nghịch duyên sẽ tái sanh vào cảnh trời Dục giới.
Tâm thức dừng lại ở ý chí mạnh và kinh nghiệm dồi dào dễ dàng nhập định sơ thiền- nhị thiền- tam thiền, chìm đắm chiếm hữu nội sắc để tận hưởng cảm giác hỷ lạc, xem đây là cảnh thiên đường trần gian. Khi thọ mạng dứt lập tức tái sanh vào cảnh trời Sắc giới.
Tâm thức dừng lại ở ý chí mạnh mẽ và kinh nghiệm tuyệt vời, tự tại xuất nhập định, an trú trong cảm giác bất lạc bất khổ thọ của tứ thiền - tứ không, tư tưởng say mê tạo dựng cảnh giới mông lung, vui sống trong “hiện tại lạc trú và tịch tịnh trú”. Khi thọ mạng dứt lập tức tái sanh vào cảnh trời Vô sắc giới.
- 1 -
Tóm lại: Sau khi hết thọ mạng, sẽ tái sanh theo nghiệp vào các cõi người - trời không có Phật pháp. Có nhiều hướng tái sanh, nhưng tạm phân có 2: một là thường nghiệp lôi kéo sẽ tái sanh cảnh giới người- trời Dục giới; hai là trọng nghiệp thiện lập tức tái sanh vào cảnh trời Sắc giới và trời Vô sắc giới, còn nếu là trọng nghiệp ác lập tức sa đọa xuống 4 đường ác. Tái sanh là cũng để trả nghiệp cũ, song song đó tạo nghiệp mới bằng thân - khẩu - ý.
Chứng ngộ:
Chứng ngộ tức giải thoát. Chứng ngộ có tự độ và độ tha.
1/ Tự độ: là tự tu-tự chứng-tự đắc tức là tự mình tu tập, tự chứng ngộ Phật tánh và đắc quả Tứ Sa môn. Trước hết cần “giữ giới (3-5-8-10-250) để đạt định nhất niệm rồi tâm thức sẽ trong sáng”. Và nhờ thức trong sáng, có Thiện tri thức khai ngộ nhận lại Phật tánh, từng bước, tâm lặng lẽ nhìn-thấy-biết rõ tiến trình tâm thức trải dài qua 8 cảnh giới từ Địa ngục tới trời Phi tưởng phi phi tưởng, trở về “Niết bàn tịch tịnh”, chấm dứt tái sanh.
Thánh đầu tiên nhận lại Phật tánh là Nhập lưu, đây là quả Thánh quan trọng nhất vì “giải thoát đầu tiên cũng là giải thoát cuối cùng”. “Hơn thống lãnh cõi đất. Hơn được sanh cõi trời. Hơn chủ trì võ trụ. Quả Dự lưu tối thắng.”.
Thánh Nhập lưu, tâm lặng lẽ nhìn thấy biết rõ 16 oai nghi của thân sinh lý, tiến trình diễn biến phát sinh tâm tham lam, sân giận, tật đố. Do rõ biết nên vĩnh viễn không dính mắc vào cảnh giới 4 đường ác, nhưng nếu không tiến mà giậm chân một chỗ sẽ tái sanh vào cảnh giới người - trời Dục giới tối đa 7 lần.
Thánh Nhất vãng lai, tâm lặng lẽ nhìn thấy biết rõ tiến trình tư tưởng, ý chí cải sửa dục vọng theo hướng thiện hoặc ác và tư tưởng phân tích tổng hợp đúc kết thành kinh nghiệm như thế nào nhận như thế nấy. Vì rõ biết nên vĩnh viễn không dính mắc vào cảnh giới người - trời Dục giới. Nếu giậm chân một chỗ sẽ tái sanh vào cảnh trời Sắc giới tối đa 1 lần.
Thánh Bất lai, tâm lặng lẽ thấy biết rõ tư tưởng, ý chí dùng kinh nghiệm dồi dào nhập định kéo dài cảm giác hỷ lạc, vì rõ biết nên vĩnh viễn không dính mắc vào cảnh trời Sắc giới. Nếu giậm chân một chỗ sẽ tái sanh vào cảnh trời Vô sắc giới tối đa 1 lần.
Thánh Alahán, trở về Chân tâm như thật biết: ý chí mạnh mẽ, kinh nghiệm tuyệt vời tự tại xuất nhập định, tư tưởng tạo dựng cảnh giới mông lung và tiến trình tâm thức trải dài từ địa ngục đến trời Vô sắc giới, từ Thánh Nhập lưu đến Bất lai ngay xác thân ngũ uẩn của chính mình diễn biến như thế nhận như thế đó. Vì như thật biết nên tự độ đã xong, chấm dứt tái sanh, an trụ Niết bàn tịch tịnh.
2/ Độ tha: Thánh Alahán phát Bồ đề tâm, thực hiện hạnh Bồ tát, từ “Niết bàn tịch tịnh” trở ra hiện tượng giới để cứu độ chúng sanh.
Bích chi, Duyên giác hòa nhập vào cảnh giới chúng sanh cùng cõi để tìm hiểu tâm thức.
Bồ tát Thánh ứng hóa một thân đến nhiều thân chúng sanh hòa nhập vào một cảnh giới đến nhiều cảnh giới để từng bước hiểu rõ nguồn cội tâm thức chúng sanh trong pháp giới.
Như lai lập tức ứng hiện vô lượng thân chúng sanh trong vô biên cảnh giới, từ đó thấu suốt cội nguồn tâm thức chúng sanh trong pháp giới vũ trụ.
Tóm lại: Ba bậc Thánh hữu học chứng ngộ Phật tánh từng phần: 1/4, 2/4, 3/4. Vì còn tư tưởng chi phối, nếu các Ngài không tiến mà giậm chân một chỗ sẽ tái sanh vào cảnh giới người - trời có Phật pháp để tiếp tục tu học và trả nghiệp. Thánh Alahán chứng ngộ Phật tánh 4/4 an trụ Niết bàn tịch tịnh. Ba bậc Tam tôn “tịch chiếu” vào pháp giới, thị hiện ứng hóa nhiều thân chúng sanh trong nhiều cảnh giới, đến khi lập tức ứng hiện vô lượng thân chúng sanh trong vô biên cảnh giới thành tựu Như lai. Và chỉ có Như lai mới thật sự thấu suốt cội nguồn tâm thức tất cả chúng sanh trong toàn thể pháp giới.
- 2 -
Vãng sanh:
Vãng sanh tức giải thoát. Vãng sanh do tự lực cá nhân và tha lực của Phật A-Di-Đà tiếp dẫn về thế giới Cực lạc yểm ly thế giới Ta bà. Tự lực là tự mình hành trì câu niệm Phật đạt nhất niệm rồi phát nguyện cảm ứng đạo giao với Phật lực A-Di-Đà. Tha lực là Đức Phật A-Di-Đà phóng quang tiếp dẫn tâm thức chúng sanh về cõi Cực lạc.
Với tâm đại từ bi, Đức Phật A-Di-Đà phát 48 đại thệ nguyện, dùng Phật lực quán trong 5 a tăng kỳ kiếp lập thành thế giới Cực lạc, sau đó Ngài phát nguyện độ hết tất cả chúng sanh có duyên với Ngài về thế giới Cực lạc, thoát luân hồi sanh tử khổ.
Cực lạc là thế giới: vô lượng quang, vô lượng thọ, vô lượng công đức. Vô lượng quang vì toàn thể cảnh giới Cực lạc là do Phật lực của Đức Phật tạo thành, mặc dù mỗi chúng sanh, mỗi sự vật có hình tướng nhưng đều kết bằng hào quang xuyên suốt không chướng ngại. Vô lượng thọ vì thế giới Cực lạc chuyển biến sátna, là thế giới phát hiện nên vô lượng vô biên với hằng hà sa số chúng sanh có tuổi thọ vô cùng tận. Vô lượng công đức vì thế giới Cực lạc do công đức Đức Phật thành lập và Ngài là Đại Pháp Vương, vì thế, chúng sanh ở đây đều được thấm đẫm hào quang công đức của Phật và sau khi nghe Đức Phật thuyết một thời pháp đều phát trí tuệ đắc Thánh quả tối thiểu là Nhập lưu, có ngay lục thông được vay mượn từ Phật lực của Ngài, và tiến thẳng một đường thành Như lai. Đặc biệt, những chúng sanh nào còn mang nghiệp mà được vãng sanh, nhờ Phật lực sẽ trả bằng ý nghiệp cho đến chấm dứt nghiệp mà không tạo nghiệp mới.
Nhưng muốn được vãng sanh về Cực lạc cần có 3 điều kiện: Tín - Hạnh - Nguyện.
Tín: Tin sự là có thế giới Cực lạc ở hướng Tây. Tin lý là thế giới Cực lạc phát hiện từ Chân tâm là báo thân của Đức Phật A-Di-Đà. Và tin phải sâu tức là niệm Phật tối thiểu phải đạt nhất niệm.
Hạnh là thực hành chuyên cần niệm-nhớ-nghĩ-tưởng đến Phật A-Di-Đà trong mọi oai nghi đạt nhất niệm, nhưng muốn đạt nhất niệm đòi hỏi phải trì giới thật kỹ lưỡng. Tin sâu và hành chuyên luôn bổ sung hỗ tương cho nhau, có tin sâu thì hành mới chuyên và ngược lại.
Nguyện thuộc trí huệ, nghĩa là phải hiểu rõ thế giới Cực lạc và chí thành tha thiết nguyện cầu tha lực của Phật A-Di-Đà phóng quang tiếp dẫn về thế giới Cực lạc. Nguyện là yếu tố quyết định cho sự vãng sanh. Trong nguyện bao hàm cả tin sâu và hành chuyên.
Vậy, nếu niệm Phật tâm đạt nhất niệm trở lên và có phát nguyện cảm ứng với Phật lực mới được A-Di-Đà tiếp dẫn về thế giới Cực lạc.
- Chúng sanh 4 đường ác tâm tán loạn và tạp niệm nên khó thể cảm ứng với Phật lực A-Di-Đà do đó không vãng sanh.
- Chúng sanh người - trời Dục giới tâm được nhất niệm nhưng không liên tục, do đó sắp lâm chung, muốn chắc chắn vãng sanh bắt buộc phải đủ 3 yếu tố: thiện căn, phước đức, nhân duyên.Thiện căn là bản thân phải đầy đủ tín-hạnh-nguyện, Phước đức là có Ban hộ niệm và người nhắc niệm trợ duyên tích cực nhắc nhở người sắp lâm chung tâm thức luôn tỉnh táo niệm-nhớ-tưởng Phật A-Di-Đà, nhân duyên là thân tộc hân hoan cùng một lòng trợ lực với Ban hộ niệm giúp người sắp lâm chung được vãng sanh.
- Chúng sanh trời Sắc giới và trời Vô sắc giới nhờ tâm đạt định nhất niệm cao, sâu, liên tục do đó các vị muốn vãng sanh chỉ cần phát nguyện liền cảm ứng với Phật lực, lập tức được A-Di-Đà phóng quang tiếp dẫn về Cực lạc.
- Ba bậc Thánh hữu học: Nhập lưu, Nhất vãng lai, Bất lai đã nhận Phật tánh tức tâm vô niệm, nhưng vì còn tư tưởng, do đó nếu muốn vãng sanh thì các Ngài hướng tâm phát nguyện, lập tức Phật A-Di-Đà tiếp dẫn ngay về Cực lạc. Thánh Alahán có huệ lực trở về báo thân thường trụ, các Ngài chỉ hướng tâm đúng tần số là phát hiện ra thế giới Cực lạc.
- Ba bậc Tam Tôn tâm vô niệm mà niệm, niệm mà vô niệm, vì vậy chỉ hướng tâm là thế giới Cức lạc hiện tiền.
- 3 –
Tóm lại: Chúng ta biết rằng “cảnh giới treo trên đầu một tâm niệm”. Vì vậy muốn được vãng sanh về thế giới Cực lạc cần tối thiểu đạt tâm nhất niệm và phát nguyện. Người – trời Dục giới sắp lâm chung cần thêm 3 yếu tố: thiện căn – phước đức – nhân duyên mới chắc chắn vãng sanh. Trời Sắc giới và Vô sắc giới tâm định nhất niệm cao khi phát nguyện là “hiện tại” vãng sanh. Ba bậc Thánh hữu học tâm vô niệm khi phát nguyện là “hiện tiền” vãng sanh. Thánh Alahán có huệ lực và ba bậc Tam Tôn thì vô niệm-niệm, niệm-vô niệm, chỉ cần hướng tâm lập tức an trụ ngay thế giới Cực lạc.
Tái sanh – Chứng ngộ - Vãng sanh giống nhau ra sao và khác nhau như thế nào?
1/ Tái sanh và Vãng sanh khác nhau rất xa.
- Tái sanh là luân hồi trong cõi Uế độ do cộng nghiệp của chúng sanh phàm phu trong 3 cõi lập thành, gọi là thế giới “Dân lập”, là thế giới chuyển biến chu kỳ, có không gian và thời gian tương ưng, có điều kiện, có: đi- đến, xa- gần, trước- sau, nhanh- chậm, lớn- nhỏ, có sanh- già- bệnh- chết,…Tái sanh để rồi trả nghiệp cũ đồng thời tạo nghiệp mới bằng thân – khẩu – ý.
- Vãng sanh là hoàn toàn giải thoát và an trụ trong cõi Cực lạc do Phật lực của A-Di-Đà lập thành, gọi là thế giới “Phật lập”, thế giới rặt ròng hào quang, là thế giới phát hiện, thế giới chuyển biến sátna, chỉ có thời gian tuyệt đối, bất sanh bất tử,…Và đặc biệt vãng sanh được đới nghiệp gọi là “Đới nghiệp vãng sanh” nghĩa là mang nghiệp cũ về Cực lạc trả bằng ý nghiệp mà không bao giờ tạo nghiệp mới.
2/ Chứng ngộ và Tái sanh giống nhau là cùng tái sanh vào cõi người- trời, nhưng khác nhau là có Phật pháp hay không Phật pháp.
- Chứng ngộ: nếu giậm chân một chỗ thì ba bậc Thánh hữu học còn tái sanh vào cõi người- trời nhưng có Phật pháp.
- Tái sanh: theo nghiệp lực của mỗi cá nhân mà tái sanh vào cõi người- trời nhưng không Phật pháp
3/ Vãng sanh và Chứng ngộ: vãng sanh tức chứng ngộ, chứng ngộ có phát nguyện tức vãng sanh.
- Vãng sanh thù thắng nhất, nhờ Phật lực đương nhiên đắc Thánh bất thối chuyển, từ Nhập lưu tiến thẳng tới Như lai – Có lục thông – Được “Đới nghiệp vãng sanh”.
- Chứng ngộ tự chứng ngộ mà đắc Thánh quả. Nhưng nếu không có Phật tại thế, ba bậc Thánh hữu học dễ bị giậm chân tại chỗ, nên còn phải tái sanh để trả nghiệp.
Vậy, chúng ta thấy rằng, Đức Phật Thích Ca giới thiệu pháp môn Tịnh Độ cho chúng sanh trong thời mạt pháp là rất cần thiết và tối ư quan trọng. Chúng ta cần tin sâu – hành chuyên – nguyện thiết sẽ được vãng sanh về xứ Cực lạc của Đức Phật A-Di-Đà. Đây là thế giới an vui, giải thoát và thù thắng nhất, không có gì sánh bằng.