Pháp Môn Tịnh Độ - Bài 6

17/10/201312:00 SA(Xem: 8874)
Pháp Môn Tịnh Độ - Bài 6

PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ

(Tiếp theo)

Toàn Không

 

MỤC 8 – KẾT QUẢ

TU PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ

 

I) – ĐẮC THẤTCẢNH GIỚI:

1) – ĐẮC THẤT CỦA TU NIỆM PHẬT:

 Nếu hành giả tu đến mức, trong khi còn đang tu, hành giả đã thấy cảnh Cực Lạc, được Phật A Di Đà đến xoa đầu, hoặc biết trước ngày vãng sinh; như vậy, hành giả có thể tự lực của mình và tha lực của Phật là đủ để đi về Cực Lạc, không còn nghi ngờ gì nữa. Nếu không được như thế, phải có hộ niệm trợ sức lúc gần lâm chung mới hy vọng được.

 Có người niệm Phật còn yếu, nhưng nhờ hộ niệm mà được vãng sinh, có người niệm đã tinh tấn khá rồi, nhưng không được trợ niệm và bị cản duyên, chướng duyên làm cho thoái thất; như lúc sắp chết bị bệnh khổ bức bách sinh hôn mê, hoặc bị đưa vào nhà thương khám nghiệm mổ xẻ. Có khi bị gia đình bà con thương tiếc khó bề xả bỏ nên sinh bi ai, hoặc vì sự nghiệp tiền của khó dứt lòng tham đắm nên sinh si luyến, hoặc vì thù hận đầy dẫy khó giải nỗi lòng nên sinh sân hận. Nhiều khi sắp chết người thân trong gia đình không tin, không mời ban hộ niệm, hoặc khóc than, chống đối nhau, làm cho người ấy bối rối không thể niệm Phật được, v.v...; đó là chưa kể các trường hợp đột tử, miệng chưa kịp niệm đã chết mất rồi.

 Niệm Phật cũng không phải là hoàn toàn dựa vào tha lực, mà phải có tự lực dứt trừ phiền não, niệm kiên cố ngày đêm, cho tới khi tâm mình đồng với tâm Phật mới được cảm ứng, chứ chẳng phải dễ dàng đâu mà lầm.

 Khi niệm miên mật được quang minh của Phật âm thầm nhiếp thụ, lúc hành giả nhất tâm niệm Phật thì nghiệp lực chìm lặng, tâm lực lộ bày, ánh sáng của tự tâm giao tiếp với quang minh của Phật, nên hiện tiền có thể thấy cảnh Tây phương.

 Sức tâm nguyện của hành giả hướng về Tây phương gọi là tự tâm lực, sức phóng quang tiếp dẫn của Phật gọi là nhiếp thọ lực; khi qua đời tùy theo công đức của hành giả mà được thấy Phật, Bồ Tát, và Thánh chúng đến tiếp dẫn.

 Có khi bình thường niệm Phật không được nhất tâm, nhưng vì đã thường niệm lâu ngày, tới khi sắp chết, người ấy niệm Phật mạnh mẽ, nên được nhất tâm và được vãng sinh.

 

2)- CẢNH GIỚI CỦA TU NIỆM PHẬT

 Nếu tinh tấn công phu miên mật, có thể hành giả sẽ thấy những cảnh giới đặc biệt sẽ trình bày sau đây:

1 – Nội cảnh:

 Đó là cảnh giới bên trong, cũng gọi là tự tâm cảnh giới, do niệm không ngưng nghỉ sinh ra. Nếu không hiểu muôn pháp do tâm tạo, lại tưởng từ ngoài vào là sai lầm, vì sao? Vì khi hành giả niệm đến mức tương ưng dứt ngoại duyên, thì chủng tử (hột giống) của các pháp tiềm tàng trong tạng thức, tức thức thứ 8, còn gọi là A Lại Đa Thức, liền phát sinh thành hiện hành.

 Với người trì Chú niệm Phật thì lời trì Chú và câu niệm Phật đi sâu vào nội tâm, tất gặp hạt giống thiện ác trong tánh thức sinh ra cảnh giới phức tạp; các cảnh ấy thường hiện ra trong giấc mơ, hoặc đang khi niệm nhưng trong trạng thái mơ màng nửa tỉnh nửa mơ như sau:

- Trong giấc mơ, nếu do chủng tử ác nghiệp tham nhiễm bỏn sẻn, hiểm độc, sẽ hiện thấy sâu, bọ cạp, rắn rết v.v..., hoặc những loại quái dị màu trắng. Nếu nhiều nghiệp ác sân hận, thường thấy các loài ác thú như hổ (cọp) báo (beo) v.v..., hoặc những loại kỳ dị màu đỏ; nếu nhiều nghiệp si mê tà kiến, thường thấy súc vật, sò ốc, hoặc những loại quái lạ màu đen.

- Nếu do chủng tử lành xuất hiện, hành giả thấy cây cao hoa lạ, thắng cảnh đẹp, hoặc thấy ăn các thức ăn trân quý thơm ngon, hoặc ở cung điện nguy nga đồ sộ, hoặc bay lên không trung.

 Tóm lại trong tâm của mọi người có đủ các thứ chủng tử (thiện và ác), người đời trước có tu, khi niệm Phật thường thấy cảnh giới lành do nhân thiện; người kiếp trước làm ác, khi mới niệm thường thấy cảnh dữ của tam đồ (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh), trì niệm lâu ngày các ác tưởng ấy mới tan.

 Trong lúc tỉnh thức, nếu dụng tâm đến thuần thục, có lúc không thấy vọng tưởng đâu cả, thân tự tại, có lúc niệm 4, 5 giờ nhưng thấy như mới có 20, 30 phút; có lúc đang niệm, các tướng tốt hiện ra, có lúc bỗng nhiên thấy khoan khoái, có lúc ngộ lý khổ, không, vô ngã v.v...

 Đang niệm, có người thấy chung quanh hoa mọc cao bằng đầu, hoặc hoa trên không rơi xuống, có người thấy trước bàn thờ Phật hiện đóa hoa sen vàng lớn, từ búp nở dần thành hoa. Có người thấy trước mặt hiện ra nước mênh mông không sóng gió, có vô số hoa sen to lớn đủ màu mọc đầy cả v.v...

 Tất cả những cảnh như trên hiện ra trong vòng 5, 10, 15 phút, rồi biến mất, tất cả đều do chủng tử lành, công đức niệm Phật trì Chú thoạt hiện thoạt ẩn, hành giả không nên chấp cho là thật, cứ tiếp tục hành tri miên mật để đạt nhất tâm tam muội.

 Kinh Kim Cang nói: “Phàm có tướng đều là hư vọng, nếu thấy các tướng chẳng phải tướng tức thấy Như Lai”

2 – Ngoại cảnh:

 Ngoại cảnh không phải do nội tâm hiện ra, mà từ ngoài đến, có người thấy Phật, Bồ Tát thuyết pháp, khuyến tấn khen ngợi, có người đang niệm thấy cõi Cực Lạc, có người thấy chư Thiên đến lễ bái đi nhiễu chung quanh v.v..., những cảnh như thế là ngoại cảnh giới, đây là cảnh thật, tại sao? Vì người niệm Phật phát tâm từ nơi tướng mà vào, cầu được thấy Thánh cảnhTây phương, đến khi thấy tướng đẹp, đó là quả cầu được, nhân và quả hợp nhau.

 Tuy nhiên, người tu cao đã đắc đạo mới rõ biết thật hay giả, vì có khi là thật, có khi là ma, cho nên khi thấy những cảnh như thế, tốt nhất là không nên chấp, chẳng nên vội vui mừng.

3 – Cảnh Ma:

 Đây là nhân và quả không tương xứng, như người đang quán tưởng Phật, bỗng thấy tướng nam nữ, đang niệm Phật mong thấy cảnh Tây phương, lại thấy một vùng ô tạp, mong thấy hoa sen báu nhưng bỗng thấy súc vật chạy qua chạy lại, nếu thấy như thế là cảnh ma. Trong “Ấn Quang Văn Sao” của Đại Sư Ấn Quang ghi: “Người tu hành hay bị ma dựa, đều do dùng tâm vọng động mong cầu được những cảnh giới lạ thường là cảnh ma, dù có thù thắng, nếu sinh lòng vui mừng tham trước cũng bị tổn hại, huống chi cảnh ấy chưa thật là cảnh thù thắng. Nếu dứt tâm vọng động, khi thấy cảnh giới tâm không vui mừng, không sợ hãi, thì dù gặp ma cảnh cũng được lợi ích, vì không bị ma chuyển, huống là cảnh nhiệm mầu tâm không động lại càng lợi ích muôn phần.

 Những bóng đen: chẳng phải là bóng Chư Phật Bồ Tát, vì nếu Phật Bồ Tát hiện thân, tất phải tỏ rõ có thể trông thấy mặt mũi; còn nếu là oan gia thì nó sẽ hiện ra tướng ghê gớm đáng sợ. Mấy bóng mờ mờ ấy có lẽ là những cô hồn hữu duyên từ kiếp trước muốn nhờ sức tụng Kinh niệm Phật để siêu sinh về cõi lành; sau thời khoá tụng niệm: nên hồi hướng, cầu nguyện luôn cho vong ấy được tiêu trừ nghiệp ác, thêm lớn căn lành, nhờ sức từ lực của Phật vãng sanh về Tây phương, như thế vong kia sẽ được lợi ích.”

 Để phân biệt cảnh Ma, có các nguyên tắc sau đây:

- Quán tưởng này ra tướng khác, cầu cảnh nọ ra cảnh kia không phù hợp.

- Phật và Bồ Tát từ bi trong sạch, ta cảm thấy an nhiên, trái lại Ma dù giống Phật, nhưng ta cảm thấy không yên.

- Ánh sáng của Phật không chói mắt mà dễ chịu lại không có bóng (vì ánh sáng xuyên suốt), còn ánh sáng của Ma làm mắt ta xốn xang khó chịu lại có bóng (như bóng của mặt trời).

- Lời nói của Phật hợp với Kinh điển, lời của Ma có khi hợp có khi không.

- Khi thắng cảnh hiện ra, muốn khảo nghiệm hãy tụng Bát Nhã Tâm Kinh, hoặc trì Chú, hoặc niệm Phật, cảnh thật càng tỏ rõ thêm, cảnh Ma càng lu mờ dần ẩn mất.

 Tóm lại: thấy Ma, không chấp Ma, Ma liền tự hoại.

 

II) - DIỆU THẮNG VÃNG SINH:

 

 1) – NHỮNG ĐIỀM BÁO TRƯỚC:

 Những người công phu đầy đủ được thấy biết như sau:

1- Biết trước ngày ra đi, chuẩn bị đầy đủ, ngồi kết già an nhiên thị tịch.

2- Nói kệ khuyên tu, ngồi niệm Phật, an nhiên tịch.

3- Niệm Phật thấy Phật và Bồ Tát tới đón rồi tịch.

4- Đang niệm, có mùi thơm lạ khắp nhà rồi qua đời.

5- Đang niệm, có ánh sáng khắp nhà rồi mạng chung.

6- Đang niệm, có nhạc Trời trên không, rồi ra đi.

 Bậc tu hành cao: tự lực được vãng sinh, có đủ cả 6 điềm báo trên, bậc tu hành kém sẽ có ít điềm báo hơn; người vãng sinh Tịnh độ đỉnh đầu còn ấm khá lâu, toàn thân mềm mại khá lâu, mặt tươi.

 

2) – HÓA SINH TRONG HOA SEN:

 Khi qua đời, thần thức được Phật và Bồ Tát đến tiếp dẫn về Cực Lạc liền gá vào một hoa sen, hoa sen còn búp gọi là thai sen. Dù hoa chưa nở, nhưng những cảnh tượng rất đẹp và rất vui.

 Các hoa to nhỏ, quý đẹp khác nhau, thời gian hoa nở mau chậm khác nhau, do công đức tu hành trí tuệ sâu cạn khác nhau của mỗi người không đồng. Do đó có chín phẩm là vậy.

1- Ba phẩm bậc Thượng:

 Hoa sen bằng vàng đỏ tía, bằng chất kim cang, thời gian hoa nở là: Bậc Thượng nở liền, bậc Trung sau một đêm, bậc Hạ sau một ngày một đêm. Đây là do tu thâm sâu diệu lý vô sinh, có tâm Bồ đề, trí tuệ sâu, công đức đầy, tu hành kiên cố, hồi hướng nguyện vãng sanh về cõi Cực Lạc.

2- Ba phẩm bậc Trung:

 Hoa sen bằng bảy báu, thời gian hoa nở là: Bậc Thượng hoa nở liền, bậc Trung sau 7 ngày đêm, bậc hạ sau 21 ngày đêm. Đây là do tu trai giới tinh nghiêm, hiếu thảo nhân từ, bố thí rộng lớn, dốc lòng cầu về cõi Cực Lạc.

3- Ba phẩm bậc Hạ:

 Hoa sen bằng bảy báu, thời gian hoa nở là: Bậc Thượng sau 49 ngày đêm, bậc Trung sau 6 kiếp, bậc Hạ sau 12 kiếp. Đây là những người không biết tu tập, không biết làm lành, cho đến những kẻ gian ác; đến khi sắp chết biết ăn năn hối lỗi, chí tâm niệm Phật A Di Đà, thiết tha cầu vãng sinh cõi Cực Lạc.

 Xem như vậy, cõi Cực Lạc là chỗ về của cả Thánh lẫn Phàm ở 10 phương, dù vị ấy là Bồ Tát hay kẻ có tội ác, cho đến các loài, nếu tin chắc, chí tâm cầu vãng sanh đều được cả; khi được vãng sinh, tất cả mỗi mỗi đều có riêng một hoa sen ở trong Ao bảy báuNước tám công đức như thế.

 

3) – THÂN THỂ 32 TƯỚNG TỐT:

 Người dân trong cõi Cực Lạc có Thân kim cương, hóa sinh từ Hoa sen báu, da màu vàng ròng, thân không có vật chất như thịt xương máu v.v... Tất cả mọi người cõi Cực Lạc đều có 32 tướng tốt như sau:

1- Lòng bàn chân bằng phẳng. 2- Bàn chân có bánh xe nghìn cánh (mu bàn chân có vân xoáy tủa ra). 3- Ngón chân cong. 4- Gót chân rộng lớn. 5- Sống chân cong lên. 6- Ngón tay thon cong dài. 7- Tay dài quá đầu gối. 8- Tay chân mềm mại. 9- Thân người như con Sơn dương. 10- Thân thể nhiều lông. 11- Lông mọc hình xoáy. 12- Nước da vàng rực. 13- Thân phát ra ánh sáng. 14- Hai dái tai dài. 15- Da mềm. 16- Tay, vai và đầu tròn. 17- Hai nách đầy. 18- Thân ngực như sư tử. 19- Thân thẳng. 20- Thân, vai mạnh mẽ. 21- Nam căn ẩn kín. 22- Bốn mươi răng. 23- Răng đều đặn. 24- Răng trắng. 25- Hàm như sư tử. 26- Nước miếng có chất thơm. 27- Lưỡi rộng dài. 28- Giọng nói trong vang xa như Phạm Thiên. 29- Mắt xanh trong. 30- Lông mi dài cong. 31 Lông xoáy giữa hai chân mày (Bạch hào). 32- Chóp nổi cao giữa đỉnh đầu (nhục kế).

 

4) - THUẦN VUI:

 Trong quyển Đường Về Cực Lạc của Hòa Thượng Thích Trí Tịnh viết về cõi Cực Lạc không có 8 sự khổ, mà có toàn sự vui như sau:

1- Từ hoa sen hóa sinh, không do thai sanh là kết quả của dâm dục ô trược, nên không sinh ra khổ.

2- Thân Kim cang luôn luôn trẻ khỏe đẹp, không có sự sai khác về trẻ già, mạnh yếu, nên không già khổ.

3- Thân luôn luôn an lạc không bệnh hoạn tật nguyền thiếu cơ quan bộ phận, nên không bệnh khổ.

4- Thọ mệnh vô cùng lâu dài, sống lâu tới thành Phật, nên không chết khổ.

5- Toàn bạn hữu, không cha me vợ con, không có ái nhiễm, nên không ái biệt ly khổ.

6- Tâm tánh nhu hòa, đạo đức cao thượng vì cùng Thượng thiện nhân chung hội, không có oán hận, nên không có oan gia hội ngộ khổ.

7- Không có sự bất bình đẳng về giàu nghèo sang hèn, cầu gì cũng được toại nguyện, nên không có cầu không được khổ.

8- Đạo tâm kiên cố, không có thân kiến ngã chấp, ngũ ấm không dính mắc, không có năm trọc (ngũ trược) nên không bị năm ấm khổ.

 

5) – NHIỀU LỢI ÍCH:

  Tạm kể 10 lợi ích sau đây:

01- Thường thấy Phật, gần Phật, được hào quang Phật chiếu soi làm tăng Bồ đề tâm.

02- Thấy các Đại Bồ Tát và các Thượng nhân là Thầy và cũng là bạn cùng chung hội.

03- Luôn luôn được nghe tiếng pháp mầu.

04- Thường được Chư Phật hộ niệm.

05- Hết luân hồi lục đạo, không sợ bị đọa ba cõi ác, được vào chính định, không còn thoái thất đạo Vô thượng.

06- Dù có lâu dài nhưng một đời thành Phật.

07- Thụ dụng tự nhiên từ cung điện, vật dụng, ăn mặc, đều được toại theo ý muốn.

08- Trí tuệ sáng suốt, biện tài vô ngại, các căn tịch tĩnh, không còn tham sân si.

09- Nước, cây, chim, lưới, gió, nhạc, quang minh, đều là cảnh và âm thanh diễn nói pháp nhiệm mầu, khiến tâm vui vẻ thanh tịnh.

10- Có 5 Thần thông là:

- Thiên nhãn thông: Thấy suốt 10 phương, ít ra cũng thấy vô số thế giới.

- Thiên nhĩ thông: Nghe thấu 10 phương, ít ra cung nghe hiểu từ vô số thế giới.

-Tha tâm thông: Biết tâm niệm của chúng sinh trong 10 phương, ít ra cũng biết tâm của chúng sinh trong vô số thế giới.

- Túc mệnh thông: Biết rõ đời mình từ vô thủy, ít ra cũng biết vô số đời về trước.

- Thần túc thông: Trong thời gian một niệm đi 10 phương, ít ra cũng đi được vô số thế giới.

 

6) - THỤ DỤNG TỰ NHIÊN:

 Tất cả các thứ tại cõi Cực Lạc đều do đại nguyện lực của đức Phật A Di Đà mà có tự nhiên, không cần phải tạo dựng hay làm gì cả, như người Cực Lạc nghĩ đến quần áo như thế nào, tự nhiên quần áo ấy ở trên thân thể. Đến giờ ăn, nếu muốn bát đĩa vàng hay bạc, tự nhiên bát đĩa vàng hay bạc hiện ra trước mặt, muốn thức ăntự nhiên thức ăn ấy hiện trong bát đĩa của mình. Ăn xong, bát đĩa tự biến đi, không phải dọn dẹp lau rửa; nước uống, vật dụng cũng y như vậy, muốn thứ gì liền có thứ ấy.

 

7) - NHỮNG THÙ THẮNG: 

 Khi đã được vãng sinh cõi Cực Lạc rồi, ở đó sẽ có nhiều sự thuận lợi như sau:

1- Về con người Cõi Cực Lạc:

01. Thân tướng trang nghiêm: Nhân dân trong cõi Tịnh Độ, thân toàn sắc vàng, có đủ 32 tướng tốt, không có nam nữ, không kẻ đẹp người xấu, dung sắc vi diệu, cao lớn khôi ngô, vô cùng xinh đẹp

02. Thọ mạng vô hạn: Sống lâu vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp (a tăng kỳ: vô số), không có nỗi khổ của già bệnh chết, tự chủ hoàn toàn, tùy theo bản nguyện; không có nạn nhân mãn, mặc dù dân số vãng sanh mỗi ngày mỗi tăng.

03. Có phép thần thông: Như trên đã nói. 

04. Thường an trú chánh định: Tâm trí luôn luôn an định, không bị hoàn cảnh chi phối loạn động

05. Không còn đọa ác đạo: Đã sinh Tịnh Độ thì không bao giờ còn bị sa đọa vào ba đường dữ nên không có khổ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

06. Nhân dân: Không có buồn phiền, nhân dân sống trong thái bình an lạc, không có lời nói dâm dục nữ sắc; không có hận thù đối nghịch, không có người ác, không có ngoại đạo tà đạo mưu mô dụ dỗ, phỉnh gạt, bức hại. 

07. Hoa sen hóa sanh: Nhân dânTịnh Độ đều hóa sanh từ hoa sen mọc trong hồ bảy báu; tuyệt nhiên không do ái dục nam nữ mà thành. 

08. An vui thanh tịnh: Thân tâm được an lạc như các vị Tỳ-kheo đã chứng quả A la hán

09. Không còn có tên bất thiện:cõi Tịnh Độ không có gì được gọi là bất thiện; danh từ bất thiện cũng không có, huống nữa là sự thật bất thiện

10. Đạo tâm bất thoái: Được sanh về cõi Tịnh Độ, tâm niệm luôn luôn dũng mãnh tinh tấn, một mạch thăng tiến đến đạo quả Vô Thượng Bồ đề, không còn thoái chuyển

11. Trí huệ biện tài: Đọc tụng kinh văn, thọ trì giáo pháp một cách tinh tế và có đủ tài biện luận vô ngại12. Được vô sanh pháp nhẫn: Chứng quả vô sanh pháp nhẫn tức là phá trừ hết ngã chấppháp chấp, đạt được chân trí, và chân trí ấy xứng hợp với chân lý, lý và trí không hai. 

13. Uy lực tự tại: Có đủ năng lực lớn lao và thần thông tự tại như các bậc Thanh VănBồ Tát có đầy đủ năng lực

14. Thân sáng chói lọi: Thân phát ra ánh sáng rất sáng như mặt trời

15. Vô số Thanh Văn: Trong hội đầu tiên của đức Phật A Di Đà đã giáo hóa, số chúng sanh chứng quả Thanh Văn không thể kể xiết, số Bồ Tát cũng vậy. Về số lượng Thanh VănBồ Tát chứng quả nầy, Đức Thích Ca đã bảo cho Ngài A Nan hay rằng: "Có sức thần như Mục Kiền Liêndùng sức thần thông ấy trải qua trăm ngàn muôn ức kiếp, cũng không thể biết được số lượng Thanh Văn, Bồ Tát chứng quả trong đại hội đầu tiên của Đức A Di Đà giáo hóa; dù cho có biết được một phần nào mà nếu đem so với số chưa biết được thì cũng không khác nào một giọt nước so với biển cả." 

16. Vô số bổ xứ Bồ Tát:quốc độ Cực Lạc, chúng sanh đều bất thoái chuyển; trong số bất thoái chuyển đó, số người sẽ bổ xứ (sắp thành Phật) không thể đếm hết được, số người bổ xứ thật là vô số vậy. 

17. Thiện trí: Cõi tịnh độ có Phật có Chư Bồ-tát và thiện hữu tri thức, cho nên không lui sụt. Như trong kinh dạy: “Được cùng ở chung một chỗ với các bậc Thượng thiện nhân”

18. Dễ tu: Cõi tịnh không có tham sân chỉ có thiện tâm, nên đối tượng của sáu căn toàn là những duyên tiến tu đạo quả, nên không lui sụt. Như kinh dạy: “Mắt nhìn thấy sắc, liền phát tâm Bồ-đề

 

2- Về cảnh cõi Cực Lạc:

01. Đất đai: Đất đai bằng phẳng đầy châu ngọc trong suốt rải khắp mặt đất, xen lộn với bảy báu, trong suốt từ trong ra ngoài; không có khe, hố, núi, gò lởm chởm và vũng, rãnh, sông ngòi hang hố. 

02. Thiên tai: Không có các nạn thiên tai như đại hạn, nóng lạnh, lụt bão, sấm sét, gây ra mất mùa đói rét. Không có địa chấn động đất gây sóng thần, hư hại kiến trúc nhà cửa, chết chóc nhân dânchúng sinh

03. Bầu trời: Bầu trời luôn luôn quang đãng, không cần ánh sáng mặt trời mặt trăng hay đèn nến, khí trời luôn luôn mát mẻ.

04. Vật dụng: Tất cả vật dụng luôn luôn mới mẻ, không vỡ, không mục nát, không tồi tàn dơ bẩn cũ hư. 

05. Phong cảnh: Phong cảnh xinh tươi, cây hoa đẹp đẽ, lầu gác mỹ lệ, không cần nhọc công kiến trúc trang hoàng mà tự hiện thành; cảnh vật tiếp xúc gây được khoái cảm nhẹ nhàng mà không làm chao động tâm niệm

06. Âm nhạc: Âm thanh nhiệm mầu hòa tấu tự nhiên hay ngưng dứt tùy theo sở thích người nghe. 

07. Thuần chủng: Ngoài loài người, không có động vật nào khác, trừ sự biến hóa của Phật ra các loai chim để làm cho pháp âm nhiệm mầu lan tỏa. 

08. Nước công đức: Hồ nước trong thơm ngọt ngào, cạn sâu ấm mát tùy từng sở thích, muốn nông hay sâu, ấm hay mát đều được như ý

09. Báu vật: Bảy báuvật dụng tự nhiên thành tựu để cung ứng đầy đủ mà không cần đến sức người. 

 Nếu tâm không chút suy nghĩ tưởng nhớ việc gì khác, suốt ngày chỉ nhớ một câu Nam Mô A Di Đà Phật, người này chỉ vài năm sau là thành Phật được rồi; hiểu được như thế, mới biết công đức niệm Phật thật vô cùng thù thắng, đó là phúc báu, không gì sánh bằngĐức Phật A Di Đà chỉ vì muốn dẫn độ chúng sanh về cõi Cực Lạc mà thôi, và mục đích duy nhất của Ngài là chúng sinh trong cõi của Ngài một đời thành Phật

 Tóm lại, đối với người tu, việc thiết yếu bậc nhất là phải trì giới làm căn bản, phát nguyện làm nhân duyên phụ trợ, niệm Phậtquán tưởng làm chính hạnh; tu hành như thế, nếu không được vãng sanh, thì Phật nói vọng ngữ sao?

 Vậy những ai muốn được sinh về Tây phương cực lạc, hãy kiên trì niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”. Miệng niệm, tâm quán thấy Phật A Di Đà hoặc một cảnh nơi Tây phương Cực Lạc. Ngày đêm siêng năng tu hành, không lười mỏi, khi niệm như thế sẽ sạch ba nghiệp, vì khi niệm thân không làm hạnh tà, dứt thân nghiệp; khi miệng niệm Phật chẳng nói lời tà, dứt khẩu nghiệp; khi niệm Phật, ý nghĩ trong sạch, không nghĩ tà vạy, dứt ý nghiệp. Người niệm Phật A Di Đà lấy niệm làm nấc thang, lấy tinh tấn làm cây thang, nguyện sinh về cõi Phật. Siêng năng không ngưng nghỉ, tâm tính thuần thục duyên lành. Niệm cho tới nhất tâm bất loạn, khi nhắm mắt qua đời, đã có chỗ quy hướng là cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà; sinh về đó rồi tiếp tục tu hành, không mất hột giống lành, chờ ngày tu hành thành Phật.

 

(Còn tiêp)

 


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.