A DI ĐÀ* Nguyên tác: Đại sư Ấn Thuận Chuyển ngữ: Minh Tuệ Hồ Văn Tiến

29/12/20233:30 SA(Xem: 1647)
A DI ĐÀ* Nguyên tác: Đại sư Ấn Thuận Chuyển ngữ: Minh Tuệ Hồ Văn Tiến

A DI ĐÀ*
Nguyên tác: Đại sư Ấn Thuận
Chuyển ngữ: Minh Tuệ Hồ Văn Tiến


duc phat a di daCổ nhân nói rằng “sự khen ngợi của các kinh văn, đều quy về Di Đà” [诸经所赞, 尽在弥陀], điều này hoàn toàn xác đáng. Kinh điển Đại thừa tuyên thuyết rộng rãi về tịnh độ trong mười phương, nhưng đặc biệt chú trọng về cõi tịnh độ Tây Phương Cực Lạc của đức Phật A Di Đà. Tịnh độ của Phật A Di Đà có thể nói là sự bao trùm phổ quát về tư tưởng Tịnh độ của Đại thừa. Phật giáo Trung Quốc đặc biệt hoằng dương Tây Phương Tịnh Độ, điều này chẳng phải là không có lý do của nó. Dựa trên Phật Pháp mà nói, Phật phápbình đẳng, sự chứng ngộ, Phước đức, Trí tuệ, Đại bi, Đại nguyện của tất cả chư Phật đều như nhau. Do đó, như nói đức Phật A Di Đà lập 48 đại nguyện, hay nói đức Phật A Di Đà đặc biệt có duyên với cõi này, thì đây chẳng qua đều là phương tiện mà nói. Như vậy, tại sao trong vô lượng cõi Tịnh độ, vô lượng đức Phật, mà các kinh điển Đại thừa chỉ đặc biệt khen ngợi Tây Phương Tịnh Độ cùng với đức Phật A Di Đà? Điều này đáng được nghiên cứu.

Phạn ngữ amita, dịch là Vô Lượng. A Di Đà Phật với hàm nghĩa là Vô lượng Phật, nên có chung có riêng. Chung, chỉ cho tất cả chư Phật, tức vô lượng vô số đức Phật. Trong quá trình hoằng truyền Phật pháp, ý nghĩa vô lượng Phật đã trở nên đặc thù hoá, trở thành định ngữ ám chỉ cõi Tây Phương Cực Lạc của đức Phật A Di Đà. Mặc dù kinh văn không có xác chứng trực tiếp về hai ý nghĩa chung và riêng này, nhưng sự thật này có thể thấy được một cách rõ ràng. Nay đưa ra 2 bộ kinh để chứng minh:

Một, “Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh” [1], đây là kinh nói rõ cách Quán tưởng về sự trang nghiêm y báochánh báo của thế giới Tây Phương Cực Lạc. Trong đó điều quán tưởng thứ 9, là quán tưởng về sắc thân tướng tốt của đức Phật A Di Đà. Khi thành tựu điều quán tưởng này, kinh nói rằng: “thấy được điều này, tức là thấy chư Phật trong mười phương” [见此事者,即见十方诸佛], “thực hành quán tưởng này, gọi là quán tưởng thân của tất cả chư Phật” [作是观者,名观一 切佛身]. Ý nói là, thấy đức Phật A Di Đà, tức là thấy tất cả chư Phật trong mười phương; Quán tưởng đức Phật A Di Đà tức là quán tưởng tất cả chư Phật trong mười phương.

Hai, “Ban Chu Tam Muội Kinh” [2] đây cũng là kinh chuyên chỉ rõ về Niệm Phật Tam Muội dựa trên đức Phật A Di Đà, còn được gọi là “Thập Phương Hiện Tại Phật Tất Tại Tiền Lập Định Kinh” [十方现在佛悉在前立定经]. Khi mà tu tập quán tưởng được thành tựu, kinh nói rằng: “chư Phật hiện tại đều đứng trước mặt” [现在诸佛悉在前立]. Một lòng quán tưởng đức Phật A Di Đà, sẽ thấy tất cả chư Phật trong hiện tại. Điều này hoàn toàn tương đồng với “người nào thấy được điều này, tức là thấy chư Phật trong mười phương” của “Quán Kinh”. Từ đây có thể thấy, quán tưởng A Di Đà - Vô Lượng Phật, tức là quán tưởng tất cả chư Phật. Tuy việc lấy A Di Đà Phật làm danh hiệu chuyên chỉ cho một vị Phật, nhưng đối với ý nghĩa chung chỉ tất cả chư Phật [一 切佛] này vẫn được lưu giữ không bị mất. Trong tất cả chư Phật thì A Di Đà chiếm ưu thế hàng đầu khi được xưng danh. Điều này rất dễ lý giải trong giáo nghĩa “nhất thiết tức nhất, nhất tức nhất thiết” [一切即一,一即一切] của Phật giáo Đại thừa. Đức Phật A Di Đà được nhiều người đặc biệt khen ngợi và truyền bá, lý do trọng yếu chính ở điểm này.

Hậu tố của từ Phạn ngữ amita, có thêm ābha thành amitābha, dịch nghĩa là Vô Lượng Quang. Vô Lượng Quang là 1 tên gọi của đức Phật A Di Đà. Sau khi nghiên cứu tỉ mỉ, cho thấy đức Phật A Di Đà có mối quan hệ với mặt trời. Bà-la-môn giáo của Ấn Độ lấy mặt trời làm đối tượng sùng bái. Phật pháp vốn không có thuyết này, tuy nhiên trong quá trình đáp ứng rộng rãi căn cơ quần chúng của Đại thừa, tư tưởng sùng bái mặt trời được dung nhập vào trong A Di Đà. Điều này từ đâu mà biết được?

Một, điều quán tưởng thứ nhất trong “Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh” là quán tưởng mặt trời lặn [落日], từ đây lại tiếp tục quán tưởng nước, đất, rừng cây, phòng ốc, đức Phật A Di Đà, Quan Âm, Thế Chí v.v... điều này chính là lấy mặt trời lặn làm Mạn-đồ-la căn bản; y báochánh báo trang nghiêm của đức Phật A Di Đà tức là căn cứ vào mặt trờisanh khởi sự quán tưởng. “Nắng chiều đẹp vô hạn, chỉ tiếc sắp hoàng hôn” [3] đây là cách nhìn của người Trung Quốc. Ở Ấn Độ, mặt trời lặn là chỗ quay về trú ngụ của ánh sánh, [sự thể này] phụ thuộc vào góc nhìn [giữa Trung QuốcẤn Độ]. Mặt trời lặn xuống núi, chẳng phải là mất hút luôn, mà là nơi để cất chứa tất cả ánh sáng. Ngày mai mặt trời lại mọc ở đằng Đông, tức là dựa vào cái gốc gác này mà hiển hiện. Phật Pháp cho rằng Niết BànKhông tịch, là Tịch diệt, vốn Bất sanh; ở nơi Không tịch, Tịch tĩnh, Vô sanh này mà sinh khởi biến hoá tác dụng vô biên. Phật pháp lấy sự Tịch diệt làm bản tánh; mặt trời lặn cũng giống như vậy, là nơi cất chứa ánh sáng, là chỗ nương náu tối hậu của tất cả ánh sáng.

Hai, “Vô Lượng Thọ Phật Kinh” (tức Đại A Di Đà Kinh) nói rằng: lễ kính đức Phật A Di Đà, phải nên “quay về chỗ mặt trời lặn” [向落日处]. Do đó, đức Phật A Di Đà không chỉ đơn thuần chỉ cho phương Tây, mà đặc biệt xem trọng việc mặt trời lặn ở phương Tây. Nói rõ hơn chút nữa, đây thật ra chính là sự tịnh hoá của tín ngưỡng sùng bái mặt trời, hấp thu tư tưởng sùng bái mặt trời, từ nơi hết thảy Vô Lượng Phật, dẫn xuất ra danh hiệu đức Phật Vô Lượng Quang.


Còn hậu tố của từ Phạn ngữ amita được thêm vào chữ āyus thành amitāyus, thì dịch nghĩa là Vô Lượng Thọ, đây cũng là một danh hiệu của đức Phật A Di Đà. Trong kinh điển Đại thừa thường nói: Phật thì thường trú ở Niết-bàn, Phật nhập Niết-bàn chẳng phải là sự biến mất “khôi thân mẫn trí” [4], điều này có ý nghĩa tương đồng với việc mặt trời lặn về núi đằng Tây. Do đó thọ mạng của đức Phậtvô lượng vô biên. Đức Phật thường trú, tức Vô Lượng Thọ, cũng chỉ chung cho tất cả chư Phật.

Tóm lại, A Di Đà-Vô Lượng, đây là ý nghĩa căn bản. Như đã được nói trong “Ban Chu Tam Muội Kinh”. Được cho là Vô Lượng Quang như A Di Đa Bà Da [5] trong “Cổ Âm Thanh Vương Đà La Ni Kinh”, Vô Lượng Thọ như trong “Vô Lượng Thọ Phật Kinh”. Ánh sáng thì lan toả khắp mười phương, điều này cũng giống như trí tuệ tròn đầy của đức Phật, không có điều gì mà không biết. Trong kinh điển Đại thừa miêu tả mỗi lần trước khi thuyết pháp, thì đức Phật phóng hào quang, tức là tượng trưng cho sự chiếu sáng cùng khắp của trí tuệ (các tôn giáo ở Ba Tư, Ấn Độ đều sùng bái ánh sáng của lửa, được coi là sự tiếp nối của sự sống). Ánh sáng, trong quan niệm của phàm nhân, đại biểu cho sự khoái lạc, hạnh phúctự do. Ánh sáng trí tuệ của Phật pháp hàm chứa sự tự tại, an lạc của tất cả sự trang nghiêm phước đức. Theo thế gian mà nói, mọi người trên thế gian đều có khát vọng về tiền đồ chói sáng, quang minh vô hạn. Quang minh vô hạn - về khát vọng hạnh phúc, an lạc, tự do, tràn ngập sự an ổn vô bờ, là mong cầu chung của nhân loại. Vô Lượng Thọ, trong đó Thọ là sự tiếp diễn của sanh mạng. Con người đối với sanh mạng, luôn có ước nguyện trường tồn vĩnh cửu. Do đó mà Ki-tô giáo khuyên con người quay về thuần phục với Thượng đế để được hưởng sự sống đời đời; Đạo giáo dạy con người ta thuật cầu trường sinh bất lão. Mỗi người đều có ước nguyện sự sống vĩnh hằng, đây là quan điểm nổi bật của ngoại đạo thần ngã. Mong muốn tồn tại vĩnh hằng trong ý thức của nhân loại, bất kể thực tế dù đúng hay không đúng như vậy, thì đó thật sự là mong muốn chung của chúng sanh. Trong Phật pháp Đại thừa điều này được thâu thái mà biểu hiện thành tư tưởng Phật không nhập Niết-bàn. Không nhập Niết-bàn tức là thường trụ, cũng chính là đáp ứng lại cái mong cầu sự sống vô hạn của chúng sanh. Ánh sáng của đức Phật chiếu rộng khắp mười phương, thọ mạng của đức Phật thì cùng khắp ba đời. Ở trong ánh sáng vô hạn, thọ mạng vô hạn đã đại biểu cho tánh đức chung của tất cả chư Phật; lại có khả năng thích ứng với mong cầu ánh áng và thọ mạng vô hạn của chúng sanh. Vì vậy A Di Đà không chỉ là “nhất thiết tức nhất, nhất tức nhất thiết” trong sự bình đẳng của tất cả chư Phật, mà ánh sáng vô hạn, thọ mạng vô lượng thật sự biến thành sự sùng bái tối cao của con người. Đại Nhật Như Lai của Mật Tông thuộc Phật giáo hậu kỳ, cũng được hình thành từ quan điểm chiếu soi cùng khắp của ánh sáng mặt trời (Mặt trời tại thế tục chính là ánh sáng vĩnh hằng). Những vị tu tập Tịnh độ thời nay, thường chỉ chú trọng đến tường thành làm bằng bảy báu, đất bằng cát vàng của thế giới Tây Phương Cực Lạc, điều này đối với tư tưởng về Tịnh Độ Di Đà, rõ ràng là quá thô tục.

Vô Lượng, Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ là những ý nghĩa trọng yếu của đức Phật A Di Đà. Nhưng trong quá trình lưu truyền tư tưởng đức Phật A Di Đà, nó cùng với “A Di Lợi Đô” [阿弥唎都] hoà nhập lại với nhau, như “A Di Lợi Đô” được nói đến trong “Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Đắc Sanh Tịnh Độ Đà La Ni” (nói gọn là “Vãng Sanh Chú”). “A Di Lợi Đô” (amṛta hoặc dịch âm là “A Mật Lật Đa”) là loại “thuốc bất tử" [不死药] trong truyền thuyết Ấn Độ (người Trung Quốc gọi là Tiên Đan), dịch là Cam Lồ. Trong Phật pháp nó được tỷ dụ cho sự thường trụ của Niết-bàn, cho nên có các danh từ “Cam lồ vị”, “Cam lồ môn”, “Cam lồ đạo”, “Cam lồ giới”, “Cam lồ vũ”...A Di Lợi Đô có âm gần giống với A Di Đà, còn ý nghĩa chuyên chỉ cho Niết-bàn vĩnh hằng, phù hợp với ý nghĩa của A Di Đà, vì vậy đến thời kỳ Phật giáo Mật tông hay gọi là “A Di Lợi Đô”.


Sài Gòn, ngày 16/11/Quý Mão, tưởng niệm vía Phật A Di Đà, xin nguyện hồi hướng tất cả công đến thân mẫu quá cố!


*Đây vốn là một tiểu tiết phân tích về ngữ nghĩa của chữ A Di Đà, trong quyển Tịnh Độ Dữ Thiền/净土与禅 của ngài Ấn Thuận. Người dịch sử dụng ấn bản của Trung Hoa Thư Cục, tái bản lần thứ 5, tháng 5 năm 2022. Trong dịch phẩm này mọi chú thích trong () là của tác giả còn các chú thích, phụ chú trong [] là của người dịch.
1. Kinh này được lưu giữ trong 大正新脩大藏經 với tên 佛說觀無量壽佛經 mang số hiệu T.12, n. 0365, 1q. Do ngài Cương Lương Da Xá (畺良耶舍/Kālaṃ yaśas/ 383—442) dịch vào đời Tống.
2. Kinh này hiện còn 2 bản dịch được lưu giữ trong 大正新脩大藏經, của ngài Chi Lâu Ca Sấm ( 支婁迦讖/Lokakṣema, khoảng thế kỉ thứ II) và cả hai đều có đoạn trích dẫn của ngài Ấn Thuận. Với ký số là T. 13, n. 0417, 1q và T. 13, n. 0418, 3q. Cả 2 bản dịch đều được chuyển ngữ vào thời Hậu Hán.
3. 夕阳无限好,只是近黄昏. Đây vốn là 2 câu cuối trong bài thơ Đăng Lạc Du nguyên/登樂遊原 của thi nhân người Trung Quốc, là Lý Thương Ẩn/李商隱 (813-858).
4. 灰身泯智 là cụm từ chuyên chỉ cho trạng thái Niết-bàn vô dư, tức là thân này chỉ còn tro tàn còn tâm trí thì dứt bặt.
5. 阿弥多婆耶 dịch âm của từ Phạn ngữ amitābhāya, trong đó amitābha với ý nghĩaVô Lượng Quang, còn đuôi āya chỉ cho đây là từ đóng vai trò Gián bổ cách (dative) tức đối tượng của sự kính lễ.

 



 

Tạo bài viết
Bản tin ngày 3 tháng 12/2014 trên báo Global New Light of Myanmar (GNLM) của Bộ Thông Tin Myanmar loan tin rằng Trung tâm Giáo dục Phật giáo Quốc tế (IBEC: International Buddhist Education Centre) đã công bố sự tham gia của IBEC vào dự án Vườn Lumbini (Lumbini Garden) tại Tây Ban Nha, nơi sẽ trở thành Công viên Phật giáo lớn nhất châu Âu. Sáng kiến quan trọng này sẽ có sự đóng góp từ nhiều quốc gia, bao gồm Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Sri Lanka, Trung Quốc, Hồng Kông, Nepal, Bhutan và Đài Bắc Trung Hoa (Ghi nhận của người dịch: không thấy Việt Nam). Dự án sẽ có các chương trình giáo dục Phật giáo cấp cao hỗ trợ bởi IBSC (Thái Lan), SSBU, SIBA và IBEC-Myanmar.
Bhutan, vương quốc ở vùng núi Himalaya đã mang đến cho thế giới khái niệm về hạnh phúc quốc gia, chuẩn bị xây một "thành phố chánh niệm" (mindfulness city) và đã bắt đầu gây quỹ từ hôm thứ Hai để khởi động dự án đầy tham vọng này. "Thành phố chánh niệm Gelephu" (Gelephu Mindfulness City: GMC) sẽ nằm trong một đặc khu hành chánh với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á, theo lời các quan chức.
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…