Oai Đức Câu Niệm Phật

22/10/201012:00 SA(Xem: 27226)
Oai Đức Câu Niệm Phật


OAI ĐỨC CÂU NIỆM PHẬT

Thượng Tọa Thích Trí Minh
Phật Học Viện Quốc Tế Xuất Bản 1999

Người dòng Bà La Môn ở nước Thiên Trúc. Vào thời đại xa xưa, tại nước A Thâu Sa của xứ Thiên Trúc (vì nước Thiên Trúc vào thời cổ có 16 nước lớn) có một người dòng Bà La Môn (không thấy nói tên họ) , anh chàng này bẩm tánh chân thật, nhưng ngu si vô trí lại khổ một nổi là tâm nhiễm ái thiên trọng, nên anh đối với vợ yêu thương quá mức, với tình chồng vợ không biết chán nhàm. Trái lại vợ anh chẳng những là người hiền lành, mà lại thông minh lanh lợi. Cô này sanh trưởng trong một gia đình kính tin Tam Bảo, riêng cô là người chẳng những với ngôi Tam Bảo sùng kính đến mức tối đa, lại rất am tường Phật lý, về việc tu hành thì cô chuyên về Pháp môn Tịnh Độ, trường trai niệm Phật. Cô thuê thợ làm một chiếc trống thuần hoàng kim. Mỗi ngày Cô quy định hai thời khóa niệm Phật khuya và tối, vì trong lúc ban ngày phải bận việc gia đình, trong thời gian này cô niệm Phật cũng chỉ nhiếp tâm thầm niệm mà thôi. Mỗi khi niệm Phật thì cô gõ trống thế cho mõ, như trên đã nói, chồng của cô đã quá đần độn lại quá yêu vợ không rời, nên lúc cô vợ đang cúng đánh trống niệm Phật, mà anh nắm lôi tay cô bảo đi ngủ, cô ôn tồn đáp: "Không được anh ơi! Nếu anh muốn em cùng đi ngủ thì mỗi tối đồng với em đánh trống niệm Phật cho xong mới cùng nhau đi ngủ". Anh vì thương vợ nên sẳn sàng ưng thuận, có những lúc đang niệm Phật anh ta thúc hối đi ngủ thì cô ấy vẫn từ hòa nói, chưa đủ anh ơi! Niệm thiếu mang tội chết! Từ đây anh dòng Bà La Môn này cùng vợ niệm Phật không sót một đêm, trải qua thời gian ba năm, anh bị trọng bệnh rồi qua đời, nhưng vì tim vẫn nóng, nên không nhập liệm, trải qua năm ngày anh sống lại, bấy giờ anh đối với vợ khóc một cách thảm thiết dường như buồn tủi một việc gì?! Cô Phật tử vợ anh hỏi lý do, anh nói: "Em ơi! Giờ đây anh không có một niệm muốn gần em nữa! Duy có tâm niệm lo tu là chăm niệm Phật để được về Tây Phương Tịnh Độ mà thôi! Vì sau khi anh chết bị ngục tốt dẫn vào Hoạch Than địa ngục (địa ngục này hành phạt tội nhân bằng cách nấu trong vạc dầu sôi), lúc ấy anh thấy tất cả tội nhân đương bị nấu trong vạc trồi lên chìm xuống, dường như nấu đậu, lại có tội nhân la khóc thảm thiết, trườn qua vành chảo mà muốn chạy ra, bị Ngục tốt dùng gậy đánh đập trúng chảo đồng đang nấu nghe tiếng cảng cảng và nó lại bắt quăng vào chảo, lúc ấy anh vô cùng kinh hồn khiếp vía sợ hãi, bỗng nhớ lại khi cùng em đánh trống vàng niệm Phật, hai tay chắp lại chí thành niệm "Nam Mô A Di Đà Phật" thì lại chí thành niệm "Nam mô A Di Đà Phật" thì chảo dầu sôi tức khắc biến thành một ao nước mát có hoa sen đầy trong ấy, bao nhiêu tội nhân đều ngồi trên hoa sen, và thấy họ vui tươi không la khóc. Tất cả đều sanh về Tây phương Tịnh Độ. Ngục tốt tức khắc tâu với Minh Vương, Ngài liền đến chỗ chảo dầu sôi đã biến thành ao sen, vui mừng vô hạn, và tức khắc truyền lịnh phóng thích anh về dương thế, lại dạy bảo anh sau khi về dương thế phải siêng niệm Phật, đừng gần vợ nữa. Vì thế, anh giờ đây 100% không muốn gần em. Anh cũng muốn nói cho em được rõ, Minh Vương chẳng những vui vẻ truyền lệnh phóng thích anh về, mà Ngài còn nói:

Trên trời dưới trời Không ai bằng Phật

Đức từ bi Ngài Cứu khắp quần sanh

Có những chúng sanh Tạo nhiều tội ác

Đọa vào địa ngục Chịu khổ cực hình

Chỉ nghe một câu A Di Đà Phật

Dầu sôi lửa dữ Tức khắc biến thành

Tất cả tội nhân Đều được vãng sanh 

Ao nước thanh lương ( mát mẻ)

Tây phương Cực Lạc Đức từ bi ấy

Hết sức cao cả Con không thể gì

Dùng lời diễn tả Chỉ có chí thành

Tánh mạng nương về Nơi đấng Lưỡng Túc

( Phước đức trí huệ).

Truyện này tôi thành kính y trong bộ Tịnh Độ Thánh Hiền Lục thuật lại chữ Việt. Trong bộ sách này ghi lại truyện vãng sanh có mấy ngàn, truyện anh chàng Bà La Môn là một truyện trong ấy (trong truyện này ai là người được vãng sanh? Tức là các tội nhân bị nấu chảo).

Quý vị đọc truyện này có vài điểm nên lưu tâm:

_ Hành động của cô Phật tử (vợ anh Bà La Môn).

_ Niệm Phật đã ba năm mà bị đọa địa ngục.

_Hành động của cô Phật tử trong truyện ngắn này, chúng ta nên tán thán, vì nếu cô ấy như những người khác, thì có nhiều thất bại. 

_ Gia đình không an vui, tại sao vậy? Vì khi cô đương niệm Phật mà bị chồng quấy rầy như vậy, theo như những người phụ nữ khác, sẽ nổi sân si la mắng rằng đồ khốn nạn, người ta đang trong giờ tu niệm mà nắm tay lôi kéo hối thúc đi ngủ. Trong khi ấy anh Bà La Môn chắc 100% không nhịn, vì dù anh là người đần độn vô trí, nhưng vẫn có tâm tự ái, hơn thế nữa là chồng thì bao giờ cũng ở trong thế thắng, nghĩa là người có quyền hơn vợ, đương nhiên anh sẽ chửi mắng và có thể xảy ra việc đánh đập là khác.

_ Không thể an tu. Vì như trên đã nói, thì làm sao an tâm mà 

tu niệm? Thế là đại sự của mình bị hỏng! 

_ Không hướng dẫn chồng vào Phật pháp. Điểm này không 

cần dài dòng vì giữa hai bên đã bất hòa, đã chạm tự ái, tâm sân đã 

sùng sục nổi dậy, là vì ái với sân nó đi đôi không rời nhau, niệm 

đầu vì anh ấy quá yêu vợ và yêu trong trường hợp về nhục dục, mà không như ý thì đương nhiên lửa sân nổi dậy. Sơ lược ba điểm như trên, chúng ta thấy cô Phật tử trong truyện rõ là người khôn ngoan có trí lại gồm hiền từ.

_ Niệm Phật ba năm mà bị đọa. Sự việc này mới nghe qua, ai ai cũng phải có tâm nghi ngờ đối với lời vàng của đức Thế Tôn. Vì trong Kinh Ngài có dạy rõ "Niệm một câu A Di Đà Phật, sẽ tiêu diệt tội trọng trong đường sanh tử 80 ức kiếp". Chỉ một câu mà còn có hiệu lực dường ấy, tại sao anh Bà La Môn kia mỗi đêm đều cùng vợ niệm Phật suốt 3 năm mà bị đọa? Nam Mô A Di Đà Phật! Xin quý vị bình tâm, tôi sẽ trong Kinh mà lược thích sự nghi ngờ ấy. Chúng ta nên biết tất cả pháp, thì tâm đứng đầu, tâm làm chủ, nếu dùng tâm ấy mà tạo nghiệp thì như bóng theo hình không bao giờ sai chạy. Thế mà anh Bà La Môn niệm Phật, bằng cách đọc Thánh hiệu Phật mà thôi, trong tâm tưởng hoàn toàn không có niệm. Tại sao? Vì dù anh suốt ba năm niệm Phật theo vợ, nhưng trong tâm bao giờ cũng nghĩ được vợ theo ý mình. Chuyện này tôi nói phớt qua, quý vị thừa hiểu nhiều, hơn nữa cũng không nên nói. Có điều chúng ta 100% nên lưu ý là, dù anh Bà La Môn ấy suốt ba năm không có một phút thành tâm niệm Phật, chỉ miệng đọc Thánh hiệu bằng cách bắt buộc theo lời vợ đã hứa (tức là cô Phật tử ấy bảo anh nếu muốn đi ngủ phải cùng em niệm Phật cho đủ), do sự đọc Thánh hiệu bằng cách bắt buộc ba năm, nó huân sâu vào tạng thức, thành hạt giống niệm Phật nằm mãi trong tâm, như hạt kim cương không bao giờ hư hoại, nên khi gặp duyên thì hạt giống sẳn có ấy nó phát ra rất mạnh mẽ, theo Duy Thức Học của Phật dạy gọi là chủng tử khởi hiện hành. Do vậy nên anh Bà La Môn khi bị ngục tốt dẫn vào ngục nước dầu sôi, thấy bao tội nhân đang bị hành hình đã vô cùng khiếp sợ, lại nghe tiếng đánh đập tội nhân cây côn trúng vào chảo kêu lản cảng thì trong tâm thức anh tức khắc nhớ lại tiếng gõ trống vàng niệm Phật với vợ khi ở dương thế, liền thành kính chấp hai tay lại mà niệm Nam Mô A Di Dà Phật thật lớn! Kính thưa quý vị, với câu niệm Phật của anh Bà La Môn lúc này có công năng tiêu tội trọng vô lượng vô biên kiếp chứ không phải chỉ trong 80 ức kiếp, vì câu niệm Phật lúc này của anh chẳng những chí thành mà tất cả tâm lực đều dồn hết vào đó, nên mới được kết quả vĩ đại như vậy. Ví dụ cho dễ hiểu, như nhà tối vạn vạn năm, mà đem ngọn đèn pha soi vào, thì tất cả sự tối tăm đều tan tức khắc. Vì lý do này, mà chảo dầu sôi đang sôi sùng sục, tức khắc biến thành ao nước mát mẻ đầy cả hoa sen, bao nhiêu tội nhân đều ngồi trên ấy.

Ở đây chúng ta sẽ thấy rõ, cái công đức niệm danh hiệu Từ phụ A Di Đà của anh Bà La Môn không mất cũng vì vậy mà trong Kinh Phật dạy niệm Phật dù không chí thành cũng là nhân xa sẽ được giải thoát trong vô lượng kiếp về sau. Nói đến đây thuật giả nhớ lại, hay dùng bánh trái dụ trẻ con niệm Phật là chính ý ấy vậy. Còn việc tại sao do một câu niệm Phật của anh Bà La Môn mà tất cả tội nhân được ảnh hưởng lợi ích vĩ đại như vậy, điều ấy tôi xin dẫn một đoạn trong kinh Pháp HoaPhẩm Phổ Môn quý vị sẽ rõ: Trăm ngàn vạn ức người, vì kiếm bạc, vàng, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, trân châu, và những thứ quý báu cùng loại, nên ra biển cả; giả sử bị trận gió lớn trong bầu trời u ám thổi bạt thuyền tàu sa vào đảo quốc La Sát, trong những người ấy, nếu chỉ có một người trì niệm danh hiệu Quán Âm Đại Sĩ, thì những người kia cũng vẫn thoát được cái họa La Sát.

Tiếp theo thuật giả thành kính y trong các Kinh. Kinh địa ngục, kinh Lâu Thán, Kinh A Hàm, Chánh Pháp Niệm Xứ, trang Thung Lục Bộ Sách lược thuật về nguyên nhân vì sao vua Diêm Vương tức trong truyện gọi là Minh Vương. Khi thấy tội nhân vạc dầu sôi biến thành ao nước mát và có nhiều hoa sen tội nhân ngồi trên đó. Ngài vui mừng đến tột độ tức khắc truyền lệnh phóng thích người Bà La Môncung kính thuyết kệ diễn tả đức từ bi cứu khổ ban vui của Đức Từ Phụ Di Đà. Vì các Diêm Vương âm phủ đối với tất cả tội nhân quý Ngài đều có từ tâm với họ nên mỗi khi Ngục tốt bắt người dẫn đến liền truyền lệnh bảo Tàu quân đem bộ sổ ra xem, căn cứ theo lời 

khai của mỗi tội nhân phù hợp với trong ấy, gặp những người nào khi còn ở trên dương thế tu nhiều phước đức nhất là có tâm tin kính Tam Bảo ăn chay niệm Phật thì các Ngài vui mừng vô cùng. Trái lại gặp những tội nhân tạo nhiều tội ác thì các Ngài quở trách, nơi đây thuật giả xin dẫn nguyên văn chính cú của vua Diêm Vương đối với tội nhân quở trách như sau:

"Các ngươi may mắn Đã được thân người 

Mà chẳng lo tu Khác nào như người

Đã đến núi báu(núi có vàng ngọc) Mà về tay không

Hôm nay đến đây Phải chịu cực hình

Là do các ngươi Tạo nhiều tội ác

Tự mình tạo tội Thì tự thọ khổ 

Đâu có người nào Đem khổ đến cho

Giờ đây các ngươi Kêu la than khóc

Mong cầu việc gì! Ta đâu cứu được 

Ta cũng không thể Chịu thay các ngươi!" 

Như trên là nói qua Diêm Vương rất trọng Phật Pháp và rất 

thương kính người tu hành, mà nhất là ăn chay niệm Phật siêng làm các việc lành, lánh xa tất cả điều ác, việc ấy cứ xem trong ba câu chuyện ngắn Thuật giả dẫn trong Long Thơ Tịnh Độ sau đây thì rõ.

_ Phật tử Phòng Chữ Triều nhà Đường ở Trung Hoa, có một Phật tử tên Trần Chữ. Người này thành kính Tam Bảo, tu hành rất tinh tấn. Một hôm không hề bệnh hoạn gì bổng nhiên bị bạo tử, xuống Minh phủ yết kiến Diêm Vương. Diêm Vương tiếp đãi rất sùng hậu. Ngài phán rằng, căn cứ trong bộ sổ ghi tội phước thì Trẫm thấy khanh có một việc công đức rất lớn, là khuyên một người cao niên niệm Phật. Người ấy đã vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, khanh nương nhờ công đức ấy cũng chắc chắn được vãng sanh. Nên Trẫm mời khanh đến đây để được gặp nhau lần cuối cùng, và cũng có vài lời tán thán công đức vĩ đại ấy, vì khanh đã làm cho một người sẽ thành Phật, độ vô lượng hằng sa chúng sanh. Phòng Chữ sau khi nghe Diêm Vương ân cần tán dương công đức mình, anh nói một cách quả quyết rằng, kính tâu Diêm Chúa, con chân thành vạn tạ ơn Ngài đã chiếu cố gọi con đến đây, và có những lời dạy bảo quý hóa ấy. Con vô cùng cảm kích! Nhưng tâu Diêm Chúa, trước kia con có phát hai điều thiện nguyện: Một là trì tụng một vạn quyển Kinh Kim Cang, hai là đi Ngũ Đài Sơn chiêm bái Đức Đại Bi Quán Âm Đại Sĩ, vì vậy nên con chưa muốn vãng sanh Cực Lạc trong lúc này. Đức Diêm Vương phán rất quý hóa! Nhưng khanh nên biết với hai thiện nguyện ấy hoàn toàn không bằng sớm được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc. Vì được về cõi nước của Đức A Di Đà, chẳng những khỏi hẳn tất cả khổ thống trong sanh tử, mà sự tu hành đủ thắng duyên hơn ở cõi Ta Bà đến vạn ức lần. Hơn nữa, được diện kiến Đức Giáo Chủ cõi Cực Lạc, và hai Đại Thánh Quán Âm, Đại Thế Chí luôn hầu cạnh bên. Lúc bấy giờ khanh chẳng những được yết kiến lễ bái Phật A Di Đà mà lại được lễ bái Quán Âm, Đại Thế Chí lại được làm bạn với chư Thượng Thiện NhânLạc Bang. Nếu khanh ở lại cõi này đi chiêm bái, chẳng qua chỉ là Thánh tích của Quán Âm Đại Sĩ mà thôi. Những lời trên vừa tỏ bày và khuyến tấn đối với khanh đều là y theo Thánh giáo chứ không phải từ nơi ý kiến riêng của Trẫm, mong khanh nên nghĩ kỹ. Diêm Vương đã cạn lời huấn dụ như vậy mà ông cũng không vâng theo, nên Ngài cũng tùy thuận mà bảo Ngục tốt dẫn trở về dương thế.

Đọc truyện này chúng ta thấy rõ khuyến người niệm Phật tu hành chẳng những được phước rất lớn, mà chính mình cũng được vãng sanh Cực Lạc, lại cảm động chốn u minh được Diêm Vương kính phục. Thế nên Đức Đại Từ Bồ Tát làm kệ thuyết minh về công đức khuyên người tu pháp môn niệm Phật như sau:

Nếu ai có thể Khuyên được hai người

Tu hành niệm Phật Như thế tức là

Bằng mình tự tu Rất là tinh tấn

Nếu khuyên cho được Mười người trở lên 

Thì phước đức ấy Vô biên vô lượng

Nếu mà khuyên được Trăm người ngàn người

Làm được như vậy Thật là Bồ Tát 

Lại tiến lên thêm Cho đến số vạn

Như vậy tức là Phật A Di Đà.

_ Vua Diêm Vương khuyên bà lão tuổi đã 70 niệm Phật, ở tại xã Châu Lâm, huyện Kim Đàn, xứ Trân Giang. Bà này chết xuống âm phủ, nhưng chưa hết số phải trở về lại nhân gian. Trước khi bái biệt Diêm Vương để trở về chổ cũ, Diêm Vương khuyên bà lão: " Bà đã cao niên rồi, khi trở về dương thế lo tu phước đức sẽ được sanh đến cảnh giới an vui . Ngài lại hỏi bà niệm Kinh được không? Bà đáp: Thưa Đại Vương! Con không biết chữ tụng không được. Diêm Vương bảo không sao! Bà tụng kinh không được, chỉ thành tâm niệm Phật A Di Đà cho nhiều, đến kỳ mãn số sẽ về Tây phương Cực Lạc, không còn trở lại chốn này. Sau khi bà lão sống lại, bà thường nói với những người quen biết rằng: Tôi từ nào vô phước không ai chỉ dạy tu hành tụng kinh niệm Phật. Hôm nay nhân chết xuống âm phủ, vua Diêm Vương dạy tôi niệm Phật, do đó tôi biết đạo Phật không gì hơn. Đức Diêm Vương mà còn khuyên tôi niệm Phật, thì đâu nghi ngờ gì nữa.Từ nay tôi nguyện gác bỏ tất cảû mọi việc, đói no không quản đến, con cháu nó có thương cho bữa đói bửa no gì cũng được. Bà từ đấy chuyên tâm niệm Phật, lại sống lâu 120 tuổi mới mãn phần. Khi bà sắp qua đời không bệnh khổ gì lắm, chỉ mệt không đi đứng được nhiều như ngày thường, rồi niệm Phật mà thoát hóa. Cứ theo truyện này thì thấy có hai điều đặc biệt. Một là bà lão chắc chắn được vãng sanh vì bà niệm Phật không bê trễ, chẳng những từ ngày xuống âm phủ rồi về nhân gian, mà lúc lâm chung chánh niệm hiện tiền. Hai là do niệm Phật mà thọ

số rất cao, lại không bệnh khổ.

_ Thấy người sát sanh niệm Phật được phước.

Trong bộ Quán Âm Linh Cảm Ký thuyết minh Diêm Vương khuyên người niệm Phật như sau: Ở tại Nhiêu Châu (Trung Quốc) có người tên Trịnh Lân coi về việc trong quân đội, chết xuống Âm phủ, nhân vì bắt lầm nên được thả về dương thế( giống với truyện hai trên). Trước khi bái biệt Diêm Vương, Ngài có mấy lời khuyên nhắc Trịnh Lân rằng: Anh về dương thế gắng sức làm lành, kiếp người quá ngắn ngủi như bóng câu( ngựa) qua kẽ hở, như đèn leo lét giữa gió, như sương mai đầu ngọn cỏ..

Những việc lành thì có vô lượng, mà trong ấy công đức niệm Phật là lớn nhất. Vậy Trẫm khuyên anh cố gắng niệm Phật cho nhiều, khi tận số sanh được Cực Lạc không còn trở lại chốn Diêm Đài, lại bất luận lúc nào anh thấy người sát sanh thì anh chí thành niệm A Di Đà PhậtQuán Thế Âm Bồ Tát cầu nguyện cho chúng sanh bị giết sanh về Cực Lạc, dù chúng nó không được sanh Cực Lạc, thì cũng được thác sanh cảnh giới lành, anh được phước rất lớn. Căn cứ theo truyện này thì thấy rõ niệm Phật có ba điều lợi lớn: Một là đem công đức ấy tiến bạt cho tiên vong, hai là được phước, ba là được vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ.

Giờ đây xin nói qua mấy ông chủ ngục và mấy chú A bàn đối với tội nhân thôi khỏi nói, vì mấy ổng họ ghét tội nhân hơn ghét kẻ oan gia, cừu thù, cọp dữ, rắn độc và xem rẻ như thú vật. Họ đã hành hạ chửi mắng đánh đập một cách tàn nhẫn, vậy mà họ không vừa lòng. Họ muốn làm sao cho các tội nhân bị đau khổ cho thật dữ, không một phút một giây được yên thì họ mới hả dạ. Thật không có chút từ tâm, thế nên trong văn cảnh thế nói: "Tàu quan bảo án một nhân tình, Ngục tốt trì xoa vô tiếu diện.." ( Tàu quan xử thét la chẳng vị, Ngục tốt hờn tay chùy tay xoa) có người thấy vậy mới hỏi mấy ổng rằng: Tất cả tội nhân nơi đây cùng mấy ông đồng là chúng sanh, tại sao quá nhẫn tâm tay đánh miệng chửi mà chưa đã giận hết tức là nguyên nhân nào? Mấy ổng đáp: "Ông trách chúng tôi cũng đúng, nhưng nếu mấy ông ấy mà ở vào trong hoàn cảnh như chúng tôi, thì mấy ông cũng vậy. Vì tất cả tội nhân họ đến đây chịu cực hình, trong lúc họ còn trên dương thế toàn là những người có thể tu tập pháp lành, là vì được thân người yên ổn, dù trong ấy cũng có sai khác nhau rất nhiều, là nghèo giàu, khổ vui, nhưng không có một phần nào như chốn hắc ám khủng khiếp này! Thế mà nó không có một chút thiện niệm, đừng nói là làm lành. Chúng nó bất hiếu với cha mẹ ông bà quyến thuộc, hủy báng Tam Bảo, không kính trọng Thánh Hiền, mạ nhục lục thân quyến thuộc. Với bậc Sư Trưởng thì họ ngạo mạn khinh chê, với tất cả người thì xảo trá quỷ quyệt gian tham lường gạt tìm đủ mưu mô hãm hại họ, miệng thì nói lời thô ác, nói lưỡi đôi điều, làm ly gián quyến thuộc của người, nói dối trá, nói thêu dệt. Tâm thì tham lam keo kiết chỉ muốn cho mình vàng đầy rương, bạc đầy tủ, lúa đầy kho, thấy người đói thiếu không lòi một xu, dù họ lâm vào tình trạng đến chết cũng mặc kệ, nhưng đây là việc thường. Còn có những kẻ tàn ác hơn nữa, giết người cướp của, sát hại thú cầm, trên không gian thì dùng lưới rập dùng súng ná, đất liền thì gài bẫy đào hầm, dưới nước thì chài lưới lờ dẹp đó đăn.. cho đến phá làng phá xóm đốt nhà cửa lương dân, hãm hiếp vợ con người làm cho mất tiết mất trinh, buông lung kết án gây thù với người. Chúng tôi chỉ nói sơ lược như vậy, nếu nói cho đủ thì không biết bao giờ cho cùng tận, những tội ác của những kẻ đã đến đây!

Ông có biết không? Trong những giờ phút mà các tội nhân được thoát khỏi ngục hình, trên thì Đức Diêm Chúa, dưới thì chúng tôi vui mừng khôn xiết. Nên mỗi lần tội nhân được ra khỏi ngục, Diêm Vương Ngài đinh ninh dạy bảo khuyên răn một cách thống thiết rằng: Quý tội nhân! Từ ngày quý vị đến đây thọ tội, lòng Trẫm cũng buồn đau lắm, nhưng có biết làm sao! Vì quý vị tự tạo tội thì phải chịu khổ quả, không một ai thay cho, dù người chí thân như cha mẹ, anh em, chồng vợ.. Vậy hôm nay Trẫm xin nhắc quý vị luôn nhớ sự kịch khổ trong đây, thật không thể gì diễn tả! Trong thời gian qua quý vị đã nếm đủ rồi. Vậy trong giờ phút này, Trẫm mong quý vị ráng nhớ, đã ra được rồi đừng trở lại!!! Trẫm mong quý vị đừng tạo tội ác nữa nghe chưa?!

Thế mà những tội nhân này, với lời Diêm Chúa khuyên răn dạy bảo, chúng vẫn như nước chảy lá môn, như đàn khảy tai trâu, không một niệm chừa bỏ. Mới ra khỏi chốn cực hình ngày này, chốc lát vẫn lại vào. Chúng sanh trong cảnh luân hồi thọ khổ xem như nhà ở của mình, mê muội không chút ngao ngán, không sợ đau khổ. Làm cho chúng tôi khổ cực vì họ, bởi ngày đêm đánh đập hét la hao hơi rát cổ, thân thể mệt mỏi, gân xương đau nhức. Việc này không phải một, hai ngày, mà phải trải qua kiếp này đến kiếp nọ. Vì duyên cớ ấy, ông bảo chúng tôi đối với tội nhân phải có từ tâm, sự thật không thể khởi từ tâm với chúng nó được mà trái lại chúng tôi còn muốn cho chúng nó đau khổ, càng thêm đau khổ, đau khổ cho đến mức tận cùng không thể chịu nổi. Vì chúng tôiác ý như vậy là mong tội nhân biết khổ, đau biết hổ thẹn, biết chán ngán đừng trở lại nữa! Nhưng mà chúng tôi thấy vô số tội nhân không một niệm chán khổ, không chịu tu thiện cầu về Niết Bàn, không chịu niệm Phật cầu sanh Cực Lạc. Với lờøi Phật dạy, họ bỏ ngoài tai. Các tội nhân đã như vậy, thật như vật vô tri thì làm sao bảo chúng tôi khởi từ niệm với họ cho được?!

Ghi chú số (1)

Mấy ông A-bàn nói tội nhân dưới địa ngục ngày hôm nay ra khỏi, chốc lát, lại rơi vào, là một sự thật 100% chứ không phải vì giận ghét mà nói như vậy. Xin quý vị lưu ý Thuật giả sẽ nói rõ điều này, vì một ngày đêm dưới địa ngục lâu dài ngoài sức nghĩ tưởng của chúng ta. Như trong kinh luận thường nói, ngày đêm ở cõi Trời (ở đây Thuật giả dẫn các cõi TrờiDục giới rất lâu đối với ngày đêm ở nhân gian. Vì ở cõi Trời Tứ Thiên Vương một ngày đêm bằng ở nhân gian 50 năm. Cho đến một ngày đêm ở cõi Trời thứ 6 là Tha Hóa Tự Tại bằng 1.600 năm ở nhân gian. Thế là chúng ta thấy hai nơi nhân gianThiên Thượng đã khác nhau quá nhiều rồi. Giờ đây Thuật giả y theo kinh Quán Phật Tam Muội thì, một ngày đêm ở địa ngục A Tỳ bằng ở nhân gian là 60 tiểu kiếp. Mà một tiểu kiếpnhân gian là 1680 vạn năm (16.800.000 năm) mà tội nhân nơi đây (ngục A Tỳ) đời sống của họ trọn một đại kiếp. Niên số của một đại kiếpnhân gian là 1.344.000.000 (một tỷ ba trăm bốn mươi bốn triệu năm). Có điều nên lưu ý là, thọ số của tội nhân ở ngục A Tỳ một đại kiếp tức là tính theo đại kiếp dưới địa ngục không phải ở nhân gian. Vì nếu tính theo nhân gian thì một ngày đêm trong địa ngục A Tỳ đã 3/4 của một đại kiếp. Vì một đại kiếp là 80 tiểu kiếp. Nói cho rõ thêm thì, một ngày đêm trong địa ngục A Tỳ là 60 tiểu kiếp, tức là đã trãi qua 3/4 của một đại kiếpnhân gian. Một đại kiếp là 80 tiểu kiếp. Về con số của đại kiếp hay tiểu kiếpnhân gian hay âm phủ đồng nhau. Nghĩa là một đại kiếp thì 80 tiểu kiếp, nhưng chỉ khác nhau ở điểm ngày dưới địa ngục A Tỳ, khác với nhân gian, như trên đã nói: Một ngày đêm ở ngục A Tỳ là 60 tiểu kiếpnhân gian.

Thuật giả nói đi nói lại là vì sợ quý vị không lưu tâm đến điểm này thành, sai chi hào ly, thất chi thiên lý, hay tục ngữ có câu "Sai một con toán thì bán cái nhà".

Nam Mô A Di Đà Phật.

Kính thưa quý vị! Mỗi khi Thuật giả nhớ đến việc này, trong tâm cảm thấy kinh hoàng khủng khiếp, rởn óc cả người, muốn nhịn ăn bỏ ngủ để chuyên tâm niệm Phật cho kịp. Vì nếu lần lựa qua ngày mà lọt vào trong khám lớn ATỳ thì vạn vạn lần nguy to. Biết như vậy mà không thực hành được cũng là một điều đại tàm quý đáng buồn, đáng trách. Tại sao các vị Diêm Vương đối với tội nhân có tâm đại từ như mẹ hiền đối với con thơ? Các Ngài thốt ra những lời khuyên dạy tội nhân bằng một màu sắc từ bi đáng ái kính như vậy. Vì mười vị Diêm Vương trong mười điện ( mười điện thế gian gọi là 10 cửa ngục) toàn là chư Phật Bồ Tát hóa hiện không phải phàm phu. Sau đây xin nêu danh hiệu của mười vị Diêm Vương trong mười điện, đồng thời cũng nêu rõ Thánh hiệu của chư Phật Bồ Tát thị hiện làm mười vị Diêm Vương hóa độ tội nhân trong địa ngục, để quý vị càng rõ đức Diêm Chúa khi thấy các tội nhân đang bị khổ não cực hình trong chảo dầu sôi, mà nghe cảm Thánh hiệu của Đức A Di Đà Như Lai Giáo Chủ Tây Phương Cực Lạc liền biến thành ao hoa sen, tất cả tội nhân đều an tọa trên đó. Ngài mừng đến cực độ lập tức phóng thích anh chàng Bà La Môn và khuyên anh về trần gian lo tu niệm, lại dùng kệ tán dương đức từ bi cao cả có một không hai của đức Từ Phụ A Di Đà.

Quý vị A Bàn họ nói tội nhân ra khỏi địa ngục chốc lát lại vào. Thuật giả xin tạm dùng một việc khác làm ví dụ để quý vị dễ hiểu. Mỗi ngày lúc sáng điểm tâm, trước khi đi làm, quý vị bảo cháu bé năm tuổi ra trước cửa ngõ mua cho má một ly cà phê và nửa ổ bánh mì đem vào cho mau, theo Thuật giả nghĩ thời gian này có thể lâu hơn thời gian của mấy ông A Bàn nói về sự ra vào của tội nhânđịa ngục.

Đây là danh hiệu của mười vị Diêm Vương trong mười điện ở Minh Đồ.

Đệ nhất điện - Tần Quảng Minh Vương

Đệ nhị điện _ Sơ Giang Minh Vương

Đệ tam điện _ Tống Đế Minh Vương

Đệ tứ điện _ Ngũ Quan Minh Vương

Đệ ngũ điện _ Diêm La Minh Vương

Đệ lục điện _ Biến Thành Minh Vương

Đệ thất điện _ Thái Sơn Phủ Quân Minh Vương

Đệ bát điện _ Bình Đẳng Minh Vương

Đệ cửu điện _ Đô Thị Minh Vương

Đệ thập điện _ Chuyển Luân Minh Vương

Tiếp theo đây nêu rõ Thánh hiệu của chư Phật Bồ Tát thị hiện làm Diêm Vương để lợi ích chúng sanhMinh Giới.

_ Bất Động Như Lai: Đức Như Lai này khi ở Minh Đồ thì thị hiện làm Tần Quảng Minh Vương, chủ coi về lễ cúng dường tuần thất thứ nhất các vong linh.

_ Thích Ca Như Lai: Ở Minh Giới thị hiện làm Sơ Giang Minh Vương, chủ coi về lễ cúng dường tuần thất thứ hai cho các vong linh.

_ Văn Thù Đại Sĩ: Vị đại sĩ này thị hiện làm Tống Đế Minh VươngMinh Giới, để coi về lễ cúng tuần thất thứ ba các vong linh.

_ Phổ Hiền Đại Sĩ: Vị Đại Sĩ này thị hiện làm Ngũ Quan Minh Vươngđịa ngục, chủ coi về lễ cúng thất thứ tư cho các vong linh.

_ Địa Tạng Đại Sĩ: Vị Đại sĩ này khi ở trong địa ngục thị hiện làm Diêm Ma (cũng gọi là Diêm La) Minh Vương, chủ coi về lễ cúng dường tuần thất thứ năm cho các vong linh.

_ Di Lặc Đại Sĩ: Vị Đại Sĩ này biểu hiện thân hình vào trong địa ngục làm Biến Thành Diêm Vương, chủ coi về lễ cúng tuần thất thứ sáu cho chư vong linh.

_ Dược Sư Như Lai: Đức Như Lai này biểu hiện thân hình vào Minh Giới làm Thái Sơn Phủ Quân Minh Vương, chủ coi về lễ cúng tuần thất thứ bảy cho các vong linh.

_ Quán Âm Đại Sỹ: Vị Đại sĩ này biểu hiện thân hình vào Minh Đồ làm Bình Đẳng Minh Vương, chủ coi về tuần bách nhật cho các vong linh.

_ Đại Thế Chí Đại Sĩ: Vị Đại Sĩ này biểu hiện thân hình vào Minh Đồ làm Đô Thị Minh Vương, chủ coi về lễ cúng tuần tiểu tường cho các vong linh.

_ A Di Đà Như Lai: Vị Như Lai này biểu hiện thân hình vào chốn địa ngục làm Ngũ Đạo Chuyển Luân Minh Vương để coi về lễ cúng đại tường cho các vong linh.

Như trên là thành kính y trong Kinh Thập Vương nêu Thánh hiệu Chư Phật Bồ Tát biểu hiện thân hình làm mười vị Diêm Vương để tế độ chúng sanh trong Minh đồ. Đây chỉ lược nêu danh mà không giải thích, vì quá rộng, lại ở đây cũng không phải cần điều ấy, mà chỉ cần rõ 10 vị Diêm Vương là chư Phật Bồ Tát thương xót chúng sanh trong chốn u đồthị hiện thân hình làm Diêm Vương để tế độ đó thôi. Có một điều quan trọng nhất là chúng ta đã có thân này, thì không ai mà lại chẳng có cha mẹ ông bà quyến thuộc, thế nên trong những lễ thất tuần.. phải hết lòng thương nhớ thâm ân của cha mẹ ông bà mà lo tạo phước hồi hướng cầu nguyện. Nếu thật hành như vậy thì chẳng những trọn hiếu đạo cá nhân mình, mà chư Phật Bồ Tát cũng rất hoan hỉ.

Đồ biểu ghi về điểm đồng dị ngày, tháng, năm, tiểu kiếp, trung kiếp, đại kiếp của nhân gianđịa ngục A Tỳ.

_ Nhân gianđịa ngục A Tỳ. (1)

1 tháng = 30 ngày

1 năm = 12 tháng

1 tiểu kiếp = 16.800.000 năm

1 trung kiếp = 336.000.000 năm

1 đại kiếp = 1.344.000.000 năm

_ Ngày, tháng, năm, tiểu, trung, đại kiếp của địa ngục A Tỳ. (2)

1 ngày = 60 tiểu kiếp của nhân gian

1 tháng = 1.800 tiểu kiếp của nhân gian

1 năm = 21.600 tiểu kiếp của nhân gian

1 tiểu kiếp

1 trung kiếp

1 đại kiếp =

Biểu số (1) là nói về điểm tương đồng nhân gianđịa ngục A Tỳ. Nghĩa là ở nhân gian 1 tháng là 30 ngày, 1 năm là 12 tháng cho đến một đại kiếp là 1.344.000.000 năm. Ở địa ngục A Tỳ cũng vậy, hoàn toàn không khác nhau ( trong đây riêng nói địa ngục A Tỳ, các địa ngục khác cũng vậy, nghĩa là 1 tháng là 30 ngày).

Biểu số (2) nói về điểm tương dị của nhân gianđịa ngục A Tỳ nghĩa là:

1 ngày đêm ở địa ngục A Tỳ bằng 60 tiểu kiếpnhân gian,

1 tháng dưới địa ngục A Tỳ bằng 1.800 tiểu kiếpnhân gian,

1 năm ở dưới địa ngục A Tỳ bằng 21.600 tiểu kiếpnhân gian.

Đây là chỉ lấy 1 ngày, 1 tháng và 1 năm dưới địa ngục A Tỳ để so sánh sự sai khác với nhân gian. Còn tiểu, trung, đại kiếp con số quá lớn, Thuật giả kém về toán học, nên không tính được. Vậy xin quý vị nương theo một ngày, 1 tháng và 1 năm để tính tiểu, trung đại kiếp nhơn lên cho biết sự sai khác của hai nơi nhân gianđịa ngục A Tỳ.

Nam Mô A Di Đà Phật

Kính thưa quý vị! Thuật giả nhận thấy 27 trang giấy này có nhiều khuyết điểm vậy xin quý vị khi đọc cảm thông cho! Vì thâm ý của Thuật giả chỉ mong đem lại sự lợi ích về việc tu hành được thoát khổ sanh tử, vãng sanh Cực Lạc là điểm chính.

Những trang giấy này Thuật giả chẳng những không viết được một chữ, mà chỉ tự nói ra và nhờ một Phật tử viết lại để nghe qua vậy thôi. Thế nên rất nhiều khuyết điểm. Rất mong thông cảm hỉ xả cho! 


Về Thuyết So Sánh Công Đức 

Niệm Phật của Tuân Thức Đại Sư 

Trong kinh Đại Bát Niết Bàn thuyết minh rằng: Giả sửthiện nam tín nữ nào phát nguyện trong thời gian một tháng, thường đem y phục và các thức ăn uống cúng dường cho tất cả chúng sanh ( tất cả chúng sanh không phải riêng chỉ cho nhân loạitoàn thể chúng sanh trong lục đạo đều gồm trong ấy, vả lại không phải riêng chỉ cho chúng sanh trong một quốc độ nào, lại riêng nói một đạo trong sáu đạo là bàng sanh tức là súc sanh, súc sanh do người nuôi mà mệnh danh như thế, bàng sanh thì đúng hơn vì hình nó đi ngang đội trời mà đi, súc sanh chỉ số ít mà thôi. Như trong kinh Lâu Thán, kinh Chánh Pháp Niệm Xứ thì bàng sanh chủng loại sai khác không đồng nhau gồm có 40 ức, lại còn có các vi tế côn trùng bò bay cựa động số ấy nhiều không thể nói được, đều thuộc trong bàng sanh, lớn nhất là chim đại bàng, kim sí điểu và cá ma kiệt, cho đến nhỏ nhất như con kiến riện, con mạt cũng nhiếp trong bàng sanh. Lại còn những thứ nhục nhãn không thấy như vi trùng trong không khí, vi trùng trong nước, thiên nhãn mới thấy? Tại sao chỉ nói đến bàng sanh đạo? Vì chúng sanh các đạo khác chư Thiên, quỷ, thần v.v.. nhục nhãn nhân loại không thấy được) công đức này rất lớn, nhưng không bằng có thiện nam tín nữ nào, phát tâm chí thành niệm Phật trong một niệm. Chúng ta đem công đức bố thí rất lớn nói trên mà so sánh với công đức niệm Phật trong một niệm, thì công đức bố thí chỉ bằng một phần trong 16 phần mà thôi.

Giả sửthiện nam tín nữ nào dùng vàng đúc hình người rồi dùng xe ngựa vận tải đem đi bố thí, cho đến dùng các vật quý báu khác mỗi thứ đủ số 100, cũng đem toàn bộ đi bố thí, công đức này rất lớn, nhưng không bằng công đức của thiện nam tín nữ nào phát tâm dở chân đi một bước đến chỗ Phật.

Giả sửthiện nam tín nữ đem xe voi lớn vận tải hết tất cả trân bảotrong nước Đại Tần, và dùng chuỗi anh lạc đủ số 100 đem đi bố thí, cũng không bằng có thiện nam tín nữ phát tâm cất chân đi một bước đến chỗ Phật.

Nếu có thiện nam tín nữ dùng tứ sự ( tứ sự: 1- Thức ăn; 2- Y phục; 3- Đồ nằm; 4- Thuốc thang) cúng dường cho tất cả chúng sanh trong tam Thiên đại Thiên thế giới, công đức này rất nhiều, nhưng vẫn không bằng có thiện nam tín nữ phát tâm cất chân đi một bước đến chỗ Phật, công đức của các tiện nam tín nữ đó vô lượng vô biên không thể dùng toán số ví dụ mà xác định được.

( Như trên là thuộc về Kinh Văn. Sau đây là lời phổ khuyến của Đại Sư. Tôi (lời của Đại Sư) thành kính khắp khuyên tất cả thiện nam tín nữ Phật tử tại giatín tâm đối với Tam Bảo ( trong đây Đại Sư chỉ khuyên nhắc hàng Phật tử tại gia vì hàng Phật tử xuất gia với việc đi đến Phật đườngviệc hằng ngày) mỗi ngày trong lúc sớm mai mặc y phục chỉnh tề, giữ tâm thanh tịnh, đi đến Phật đường ( tức là chỗ thờ Phật), một lòng thành kính chiêm ngưỡng lễ bái Phật như thấy tôn dung của Phật sống không khác. (Liên tông Thập Tam Tổ thường dạy, khi lễ Phật phải một lòng thành kính xem Phật Bồ Tát mình đang đảnh lễ như Phật Bồ Tát thật, đừng nghĩ là tượng vàng, đồng, giấy v.v.. tức là tương tự với lời dạy của Tuân Thức Đại Sư) đừng cho một ngày nào thiếu sót. Nếu vì quá bận rộn về việc công hay việc tư cũng cần phải lưu tâm tạm vào Phật đường, đốt hương cúng dường, hai tay chấp lại chí thành cung kính xá Phật ba xá, đoạn lui ra đi làm việc. Nếu những vị có thời giờ rãnh rỗi, thì không hạn định trong lúc sớm mai, mà mai chiều hay tất cả thời đều có thể đến Phật đường làm các Phật sự như lạy Phật, tụng kinh, sám hối cho đến cúng dường hoa hương, hay lau chùi bàn Phật, tượng Phật v.v.. Quý vị nên nhận chân thân người khó được, Phật Pháp khó gặp, cơ hội thuận tiện lại còn khó hơn, vì sự vô thường không nhất định, giờ trước còn khỏe mạnh, giờ sau chẳng biết thế nào.. Xin quý vị xem kỹ đoạn Kinh Văn trên nói về công đức niệm Phật trong một niệm, và dở chân đi một bước đến Phật đường còn thù thắng đến dường ấy, huống chi mỗi niệm mỗi niệm đều niệm Phật, mỗi bước mỗi bước đi đến chỗ Phật, hay là nhiễu Phật niệm Phật, thì tội chướng được tiêu diệt, công đức được tăng trưởng thật không thể dùng tâm suy nghĩ hay lời luận bàn cho cùng được.

Lời phụ: Nguyên đề bài văn này là so sánh công đức niệm Phật của Tuân Thức Đại Sư.

Đại phàm nói so sánh thì phải đem việc này so sánh với việc khác, như thế tại sao chỉ nói so sánh công đức niệm Phật không thấy nói đem công đức gì để so sánh? Sự việc này chúng ta không nên thắc mắc, cứ đọc Kinh Văn của Đại Sư đã trích dẫn thì biết. Nghĩa là, Kinh Văn có nói rõ là đem công đức bố thí để so sánh với công đức niệm Phật, và đem công đức bố thí để so sánh với công đức phát tâm dở chân đi một bước đến Phật. 

Trong đây có điều nên lưu ý là, phát lòng thành kính niệm Phật trong một niệm, và phát tâm cất một bước đi đến Phật, là để thấy rõ niệm Phật quá ít, cũng như cất chân đi đến Phật chỉ một bước, mà công đức dường ấy. Thì mỗi niệm đều niệm Phật, và mỗi bước đều để tâm đi đến Phật, thì công đức ấy làm sao diễn tả cho cùng. Sự việc này trong lời khuyến tấn Đại Sư có nói rõ, ở đây Thuật giả chỉ nhắc lại cho quý vị lưu ýdụng tâm niệm Phật trong mỗi niệm, và dù gần hay xa cũng gắn đi cho tới chỗ Phật, đừng sợ nhọc tâm nhọc sức mà sanh lười nhác chỉ niệm vài ba trăm câu rồi nghỉ, hay đi vài trăm bước sợ mỏi chân. Như thế thì với công đức vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn kia không gặt hái được phần nào, và trong đây nói đi đến chỗ Phật không nhất định như thờ Phật trong nhà, đi vài chục bước thì tới, nếu từ nhà đến Chùa thì không nhất định là bao nhiêu bước. Công đức phát tâm cất chân đi một bước đến chỗ Phật, cũng gồm nhiếp trong công đức niệm Phật. Nên ở đề mục chỉ nói so sánh công đức niệm Phật là đủ và có điều chúng ta nên ý thức là trong bài văn nói sự so sánh công đức niệm Phật này, nói việc phát tâm đi đến Phật là thuộc về việc sau khi Đức Thế Tôn đã nhập diệt. Thế nên lời khuyến tấn của Tuân thức Đại Sưnhấn mạnh những vị bận rộn việc công tư cũng nên lưu tâm vào Phật đường v.v.. 

Tiện đây soạn giả xin y trong kinh Hiền Ngu kính dẫn một đoạn nói về việc Trưởng giả Cấp Cô Độc phát tâm đi chiêm bái đức Bổn Sư Thích Tôn khi còn tại thế cũng tương tự như trong kinh Niết Bàn đã nói trên. Sau đây là Kinh Văn:

Tu Đạt nghe nói một việc (việc ấy thuộc Kinh Văn ở trên) quý hóa, vui mừng bủn rủn chân tay một lòng tin kính, mong cho chóng sáng, để đến yết kiến Phật. Vì lòng thành kính thiết tha có thần cảm ứng, đương nửa đêm tối trời mà ông tự thấy ánh sáng tỏ soi khắp mặt đất như ban ngày, lòng hoan hỉ khôn xiết! Đứng dậy đi sang nước La Duyệt Kỳ để yết kiến Đức Thế Tôn, vừa ra khỏi thành gặp ngôi miếu thờ thiên thần, ông bước vào làm lễ, tự nhiên quên mất tâm khát vọng Phật, lại thấy tối om, sợ mãnh thú ác quỹ, ông định trở về thành chờ đợi sáng sẽ đi.

Cũng may ông có người bạn thân, chết được sanh lên cõi trời Tứ Thiên Vương, thấy ông hối hận trở về, liền xuống bảo rằng: "Cư sĩ! Ông chớ e ngại nữa! Đi yết kiến Phật được phúc đức vô biên, ví nay được một trăm cỗ xe chở châu báu, không bằng cất chân một bước đi yết kiến đức Thế Tôn, còn được lợi gấp muôn ngàn.

Cư sĩ! Ông đi yết kiến Phật, chớ ngần ngại nữa, ví như kiếp này được một trăm con voi chở châu báu, cũng không bằng rời chân một bước để đi yết kiến đức Thế Tôn còn được lợi ích khôn kể.

Cư sĩ! Ông nên đi chớ ngần ngại nữa, chính như ông có được vàng bạc châu báu, đầy cõi Diêm Phù chăng nữa, cũng không bằng dời chân một bước đi yết kiến đức Thế Tôn, còn được lợi trăm muôn ngàn triệu.

Cư sĩ! Ông nên đi chớ ngần ngại nữa, ví như kiếp này ông được vàng bạc châu báu đầy bốn thiên hạ, cũng không bằng cất chân một bước đi viếng đức Thế Tôn, còn được lợi ích gấp trăm muôn ngàn triệu kể trên.

Muốn Khỏi Tam Tai Phải Gấp Niệm Phật

Tam Tai trong Tam Tạng Thánh giáo nói có hai thứ: 1- Đại tam tai, 2- Tiểu tam tai, nhưng đại tam tai ít nói đến, mà thường nói là tiểu tam tai. Với đề mục muốn khỏi tam tai trong bài này là chính nói về tiểu tam tai.

Tiểu tam tai ở trong tiểu kiếp. Tiểu kiếp là một trong 20 tiểu kiếp của thời kỳ trụ. Thời kỳ trụ là một trong bốn thời kỳ (thành, trụ, hoại, không) của một đại kiếp. Mà 20 tiểu kiếp trong thời kỳ trụ hiện tại thuộc về tiểu kiếp thứ 9. Trong tiểu kiếp này có bốn đức Phật xuất thế. Thánh hiệu bốn đức Phật ấy như sau:

Một là, Câu Lưu Tôn Phật. Khi ngài xuất thế thì tuổi thọ của nhân loại giảm đến sáu vạn tuổi. Nghĩa là từ 84.000 giảm còn sáu vạn.

Hai là, Câu Na Hàm Mâu Ni Phật. Khi ngài xuất thế thì tuổi thọ của nhân loại giảm còn bốn vạn tuổi.

Ba là, Ca Diếp Phật. Khi Ngài xuất thế thì tuổi thọ của nhân loại giảm còn hai vạn tuổi.

Bốn là, Thích Ca Mâu Ni Phật. Khi Ngài xuất thế thì tuổi thọ của nhân loại giảm đến 100 tuổi. Hiện nay đức Bổn Sư Thích Ca của chúng ta nhập diệt đã 2540 năm, thì thọ mạng của nhân loại còn chỉ 75. Nhưng hiện tại cũng có những người sống đến 80 hay nhiều hơn nữa, đây chỉ là thiểu số mà thôi. Vì theo trong kinh nói, nhân loại ở châu Diêm Phù không nhất định về đời sống, nên có lắm người mới sanh thì chết, hoặc 2, 3, 4, 5.. cho đến 30. 40, 50 tuổi.. không nhất định, không như nhân loạiBắc Câu Lô Châu thọ số nhứt định 1000 tuổi, sự việc này không phải phần chính của bài này, xin gác qua.

Giờ đây xin nói vào phần chánh là tiểu tam tai. Trong tiểu kiếp thứ 9 này. Như trên đã nói, hiện tại thọ mạng của nhân loại còn 75 tuổi. Cứ 100 năm giảm 1 tuổi, giảm đến 30 tuổi thì có tai nạn đói khát phát sanh. Tai nạn này trải qua thời gian bảy năm bảy tháng bảy ngày. Trời không mưa một hạt, thế là quả đất khô thành bột, ngũ cốc hoàn toàn không trồng tỉa được, đến nổi không có một cọng cỏ, chúng ta thử tưởng tượng nhân loại làm sao sống còn?! Vì lí do này trong một ngày một đêm bị chết đói vô số không thể nói được. Bởi nhân duyên này, nhân loại bấy giờ có những người sanh tâm cực nhàm chán với tội ác, thiện niệm phát sanh, do vậy mà tai nạn đói khát chấm dứt. Từ đây nhân loại giảm đến lúc 20 tuổi thì có tai tật dịch (bệnh dịch, bệnh thời khí) phát sanh, trải qua bảy tháng bảy ngày nạn dịch tiếp tục lan tràn nhân loại bị bệnh ấy hoành hành chết gần hết, cái thảm kịch này không sao tả xiết! Do dó có những người cực chán cho cái khổ bệnh dịch hành hung, nên khởi niệm lành thì nạn thời khí chấm dứt. Từ đây thọ số con người giảm đến 10 tuổi thì nạn đao binh nổi dậy, do ác tâm của nhân loại lúc này quá mãnh liệt, nên gặp nhau như kẻ thù địch lập tức giết hại, lại do nghiệp lực của ác nghiệp, khiến cho tất cả cỏ cây trên quả địa cầu đều thành gươm giáo đụng đến là chết. Tai nạn đao binh này trải qua bảy ngày đêm, nhân loại chết vô số. Bởi đó, có những người thấy vậy sanh tâm cực chán, trước kia thấy nhau như kẻ thù địch, giờ đây ngược lại vừa thấy nhau như mẹ hiền thương con thơ, có người ôm nhau hôn rồi tự nói chúng ta ngu si quá, ác độc quá, giết hại lẫn nhau gần hết, giờ đây phải thương nhau như cha mẹ thương con, để mà sống còn đừng giết hại nhau nữa, nên tai nạn đao binh đình chỉ, và ngang đây (nhân loại 10 tuổi) thì thời kỳ kiếp giảm đã hoàn toàn chấm dứt. Trở lại đến thời kỳ kiếp tăng, cũng cứ 100 năm tăng lên một tuổi, tăng mãi cho đến tám muôn bốn ngàn (84.000) tuổi.

Thuật giả đã y kinh mà lược thuật về tam tai như trên chúng ta thấy rõ. Chúng sanh trên thế giới tu tập pháp lành thì tuổi thọ tăng, lại đời sống an lành. Trái lại tạo ác nghiệp thì tuổi thọ giảm, đời sống chịu nhiều đau khổ, đây là luật nhân quả, mà cũng là pháp duyên sanh, nó tự nhiên như vậy. Không phải do một đấng thiêng liêng tạo hóa nào làm ra. Mà là do nghiệp chúng sanh chiêu cảm. Chúng ta biết rõ cái kịch khổ ấy rồi, thì phải làm sao để tránh hay thoát hẳn cái khổ ấy, chỉ trong hiện đời? Thuật giả xin thưa, muốn chắc chắn thoát hẳn khổ ấy, có một con đường duy nhấtthành kính tin lời Phật huyền ký. Dưới đây thể văn chỉnh cú:

Thật vì sanh tử Phát lòng Bồ đề 

Tin sâu nguyện thiết Nhất tâm niệm Phật

Xem cái kịch khổ Sanh tử luân hồi

Như lửa cháy đầu Cùng với cái khổ

Của tiểu tam tai Nó cũng gần bên

Ngày cũng niệm Phật Đêm cũng niệm Phật

Đi đứng nằm ngồi Không rời Phật hiệu

Thật hành như thế (1) Cho đến thời kỳ

Vô thường nó đến Từ Phụ Di Đà

Cùng với Thánh chúng Đồng đến trước mặt

Tiếp về Tây Phương Ở trong lúc này

Đối với cái khổ Sanh tử luân hồi

Vĩnh viễn thoát ly Chừng ấy cái tên

Của tiểu tam tai Không còn nghe đến

Huống là thật sự Chịu cái khổ ấy

Chúng ta đã được Về Cực Lạc rồi

Ở tại nơi đây, Đủ mọi thắng duyên

Không các chướng ngại Một mặt tiến tu

Chứng vô sanh nhẫn Nương thuyền từ nguyện

Trở lại Ta bà Và cũng phân thân

Trần sát mười phương Cứu vớt chúng sanh

Đồng về An Dưỡng Cuối cùng Thuật giả

Một lòng thành kính Hy vọng nhân loại

Khắp trên thế giới Đây là nói chung

Toàn thể Phật tử Trong giới xuất gia

Cũng như tại gia Đây là nói riêng

Là người có trí Đừng có lầm lẫn

Cho khổ là vui Nói cho rõ hơn

Đừng cho sanh tử Là cảnh an vui 

Đến kỳ tam tai Khổ không nói được

Dù cho gặp lúc Nhằm thời kỳ tăng

Tuổi thọ nhân loại Tám muôn bốn ngàn

Hưởng vui tự nhiên Nhưng cũng vẫn còn

Trong vòng sanh tử!

Ghi chú (1)

Đây là nói những vị rảnh rỗi, trái lại những vị bận rộn vì việc sanh nhai, cũng gắng nhín chút thì giờ mỗi ngày hai thời, tối trước khi đi ngủ và sáng mai khi mới thức dậy lạy Phật niệm Phật phát nguyện hồi hướng trong 30 phút nếu quá bận thì khi mới thức dậy tu theo pháp thập niệm rất gọn cũng được vãng sanh, chỉ cần dụng tâm chí thành thì có kết quả vãng sanh. Dù là phẩm thấp cũng thoát luân hồi, xin cố gắng. Đừng để trôi qua đời sống con người. Một khi sa vào ác đạo khổ không nói được chừng ấy ăn năn cũng chẳng ích gì.

Kính thưa quý vị! Trong tam tạng Thánh giáo, đức Phật dạy về việc tu hành có 84.000 pháp môn, nhưng tóm tắt lại chia ra làm hai loại: Một là tự lực, hai là tha lực.

Một là về tự lực, phải trãi qua ba cái vô số kiếp mới chứng Phật quả, vả lại ở trong ba vô số kiếp ấy, khi thăng khi trầm chứ không phải một mặt đi thẳng tới, vì thế trong Kinh Luận có khẳng định sự tu hành tiến được một bước, thối lùi vạn bước.

Hai là về tha lực, ý nghĩa của môn tha lực nầy như trong thể văn chỉnh cú đã nói, nhưng đây là việc thuyết minh về việc hành trì. Ngoài ra như trong Kinh Luận tán dương về đặc điểm của tha lực thường dùng, ví dụ như người đi thuyền gặp nước xuôi lại trương buồm theo chiều gió thuận, người què mà được ngồi trên xe kim luân của Thánh Vương, con trùng ở trong cây tre 100 đốt mà đục ngang để ra khỏi v.v.. Tu theo pháp môn niệm Phật chóng thoát sanh tử luân hồi cũng tương tự như vậy.

Ở đây Thuật giả thành kính nêu lên hai pháp môn tự lực và tha lực để quý vị tự chọn lựa và khỏi nghĩ rằng khuyên người chuyên tu theo pháp môn Tịnh độ là thuộc về thiên kiến

HAI CÂU KINH VĂN

Phiên âm:

Quá khứ sanh tử thạch kiếp nan cùng

Vị lai luân hồi giới thành mạt tận.

Dịch nghĩa:

Sự sanh tử thời quá khứ dùng thạch kiếp

Thí dụ cũng không cùng

Việc luân hồi thuở vị lai đem giới thành

Thí dụ vẫn chẳng hết (Kinh Bồ Tát Anh Lạc Bổn Nghiệp).

Lược thích: Chia làm ba đoạn.

1- Chữ kiếp

2- Hai câu kinh văn

3- Tìm phương thoát khổ 

1/ Chữõ kiếp: là tiếng nói tắt từ kiếp ba của tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là phân biệt thời tiết, chính là chỉ cho thời tiết quá lâu xa rộng lớn ( trường huyễn quảng đại) không thể dùng năm tháng ngày giờ thông thường trong thế gian mà tính biết cho được nên cũng gọi là đại thời.

2/ Lược thích hai câu Kinh văn: Hai câu kinh văn đã dịch nghĩa như trên, ai đọc qua cũng hiểu không cần giải thích. Tuy nhiên cũng nên nói sơ lược ý nghĩa, nghĩa là hai câu Kinh văn ấy chính là từ kim khẩu của Bổn Sư Thích Tôn tuyên thuyết. Đức Phật Ngài dùng Phật nhãn thấy rõ sự sanh tử luân hồi của tất cả chúng sanh về thời gian quá khứ thì vô thỉ vô thỉ, về thời gian vị lai thì vô chung vô chung, tức là không có đầu mối cũng không có kết cuộc. Nên Đức Phật Ngài quá thương xót chúng sanh, sanh tử tử sanh ở trong cảnh luân hồi vô biên bất tận như thế, mà vẫn không hay không biết. Vì lí do ấy nên Ngài dùng hai thí dụ: Thạch Kiếp, Giới Thành, để chúng sanh nương theo đó mà biết tự mình chìm đắm trong sanh tử đã quá lâu xa, phải mau tỉnh ngộ tầm đường giải thoát.

Thạch kiếp: Nói cho đủ là Bàn thạch cùng với Giới tử thành mà thí dụ cho ý nghĩa của kiếp sanh tử luân hồi quá lâu xa. Giờ đây trước tiên giải thích Từ Bàn thạch kiếp.

Bàn thạch: tức là chỉ cho tản đá rất to, nghĩa là dụ như tản đá vuông vức 40 dặm, có một trượng phu nam tử trường thọ vô biên vô số (đây là thí dụ chứ không ai thọ số lâu dài như vậy) cứ mỗi một trăm năm đến nơi tảng đá ấy dùng chiếc thiên y rất mềm mịn phất lên tảng đá ( cũng có chỗ gọi là núi đá) lớn nói trên một cái, cứ làm mãi như vậy chừng nào tảng đá mòn hết, nhưng kiếp sanh tử của chúng sanh cũng không cùng. Nên trong Kinh văn nói Thạch kiếp nan cùng.

Giới tử thành kiếp: Như trên đã nói tản đá vuông vức 40 dặm, giờ đây Giới tử thành kiếp cũng như thế. Nghĩa là có một thành quách rộng lớn 40 dặm trong ấy hoàn toàn không chứa đựng một vật gì ngoài hạt cải ra, dĩ nhiên là trong đại thành ấy chỉ chứa toàn là hạt cải (giới tử). Cũng như trên, nghĩa là cứ mỗi một trăm năm có một nam tử trượng phu trường thọ đến nơi đại thành chứa hạt cải lấy đi một hạt, chừng nào hạt cải trong thành ấy hết, nhưng kiếp luân hồi của chúng sanh vẫn chưa hết. Nên trong Kinh văn gọi là Giới thành mạt tận.

_ Như trên đã lược thích ý nghĩa hai câu kinh văn thì chúng ta thấy rõ sự sanh tử luân hồi của chúng sanh ngoài đức Phật ra không một ai thấy được tường tận như vậy. Chúng ta cũng nên biết Phật dùng hai thí dụ ấy để chỉ rõ sự sanh tử luân hồi trường viễn không thể gì nói cho cùng. Nhưng đức Phật đã nhấn mạnh "thạch kiếp nan cùng"- "giới thành mạt tận" là cốt để cho chúng ta thấy rõ sự sanh tử luân hồi theo tỷ dụ đức Phật đã dạy lâu xa như thế cũng chưa chấm dứt. Nghĩa là phỏng sử có Bàn thạch 40 dặm, cùng với Giới tử thành 40 dặm, lại cũng có trượng phu nam tử trường thọ thực hành công việc như trên, chừng nào tản đá mòn và hạt cải trong đại thành kia hết. Nhưng kiếp sanh tử luân hồi chúng sanh cũng vô cùng bất tận ( đây là Thạch kiếp Giới tử thành thứ hai).

_ Chúng ta cũng nên hiểu thâm ý của đức Phật dùng thí dụ để nói lên sự sanh tử luân hồi của chúng sanh trong tam giới vô cùng bất tận như thế để làm gì? Đương nhiên là muốn cho chúng ta đối với luân hồi sanh tử nên sanh tâm ghê sợ mong cầu thoát ly.

Trái lại dù nghe thấy lời Phật dạy mà vẫn vui ở trong sanh tử không một niệm chán nhàm, sợ hãi thì thực có thể gọi là người sắt đá, nếu là người huyết nhục thì ai cũng phải rùng mình rởn óc. Tại sao thế? Vì chúng sanh luân hồi trong tam giới hưởng vui nhân thiên trong chốc lát, thọ khổ trong tam đồ quá lâu dài. Sự việc này muốn biết rõ thì nên xem trong các Kinh Luận như Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ, Luận Câu Xá v.v..

Tuy nhiên ở đây xin nói lược: Như trong Luận Câu Xá thuyết minh về niên số của cõi người, cõi Trờiđịa ngục như sau:

Một ngày một đêm ở cõi Trời Tứ Thiên Vương đem so sánh với cảnh nhân gian này trải qua 50 năm (nửa thế kỷ).

Cõi Trời Đao Lợi thứ hai một ngày một đêm, ở nhân gian trải qua một trăm năm (một thế kỷ).

Cứ như thế nhân lên đến cõi Trời thứ sáuTha Hóa Tự Tại Thiên, thì một ngày một đêm cõi Trời này, ở cõi nhân gian đã trải qua 16 thế kỷ, mà thọ mạng nhất định của hàng nhân thiêncõi Trời thứ sáu này một vạn sáu nghìn (16.000) năm . Đem thọ số trọn đời của người cõi Trời thứ sáu nàylà một vạn sáu nghìn năm mà so sánh với Viêm-Nhiệt địa ngục thứ sáu trong 8 đại địa ngục thì chỉ là một ngày một đêm của tội nhân trong địa ngục ấy .

Nói sơ lược như trên để thấy rõ chúng sanh trong cảnh luân hồi hưởng vui ở cõi nhân thiên chỉ là chốc lát, thọ kịch khổ trong địa ngục quá lâu dài. Hơn nữa trong các cõi Trời dù được hưởng thọ vui ngũ dục thắng dịu nhưng cũng còn cái khổ ngũ suy tướng hiện. Trong cõi người dù nói vui ấy chẳng qua là tương đối với tam ác đạo. Thực ra vui ít khổ nhiều, một điển hình rất rõ rệt, chúng ta vào trong các bệnh viện và các trại lao, trại cùi sẽ thấy cái kịch khổ trong ấy dường như cảnh địa ngục ngạ quỷ, thế có gì gọi là vui! Đây là chưa nói đến cảnh lao ngục của những tội nhân bị hành hình..

3-Tìm phương thoát khổ: Chúng tasi mê nên không thấy rõ sanh tử luân hồi trong tam giới, do đó từ vô lượng kiếp đến nay đã trải qua sanh tử không biết bao nhiêu lần ( điều này nên xem lại hai câu kinh văn đức Phật dạy trên) mà cứ sống say chết ngủ, khác nào những con phù du trên mặt nước mai sanh chiều chết, mà vẫn cho là an vui tự tại. Hôm nay có chút phước lành được làm thân người, dù không có phước duyên gặp Phật xuất thế, nhưng còn gặp được Chánh Pháp của Phật để lại, do đó mà được biết rõ lời vàng ngọc của Ngài đinh ninh dạy bảo.

Về sự sanh tử luân hồi quá lâu xa như trên đã diễn tả. Vậy chúng ta phải mau thức tỉnh tìm phương thoát khổ, nhưng muốn được thoát khỏi cái khổ luân hồi trong ba cõi cũng chẳng phải là việc dễ dàng, vì cần phải đoạn hai thứ phiền não Kiến tư, mà Kiến hoặc là thứ thô thiển nhậm lẹ dễ đoạn, nhưng đoạn được nó cũng rất khó khăn, khác nào ngăn chặn dòng nước từ 40 dặm chảy xuống, kiến hoặc mà còn khó đoạn dường ấy, huống chi Tư hoặc là một thứ vi tế lại ám độn khó đoạn gấp trăm nghìn lần. Vì thế Đức Bổn Sư Thích Tôn xuất hiện trong thế gian này, tùy cơ thuyết pháp 49 năm, giảng kinh hơn 300 hội. Pháp môn nhiều đến tám muôn bốn nghìn (84.000) trong ấy chỉ có pháp môn niệm Phật (Tịnh Độ) là một pháp tối thắng độc tôn. Tại sao vậy? Vì pháp môn này có hiệu lực làm cho tất cả chúng sanh mau thoát ly sanh tử luân hồi và thẳng tiến đến Phật quả. Vả lại luận về căn cơ thì gồm thu nhiếp cả ba căn: Thượng, Trung, Hạ.

Luận về phần hạ thủ công phu thì dễ thực hành, mà thành công cao nên nếu người nào có đủ lòng tin sâu, chí nguyện thiết, nhứt tâm niệm Phật thì chỉ trong một đời này bảo đảm 100% được thoát khỏi cái khổ sanh tử luân hồi vô cùng bất tận như đã nói trên. Cuối cùng tôi rất mong những người thiện căn vì lòng mong muốn thoát ly sanh tử luân hồi trong tam giới nên phát tâm Bồ đề khởi niệm tin sâu nguyện thiết nhất tâm trì Thánh hiệu của Đức Từ Phụ A Di Đà, cầu vãng sanh Cực Lạc, trên cầu thành Phật quả, dưới cứu độ chúng sanh, thì nơi tự mình chẳng những không phụ được thân này, vì có được thân người này rất khó như đất dính trong móng tay, mà cũng đền đáp thâm ân của Bổn Sư Thích Tôn và chư Phật trong sáu phương (nói 6 phương tức gồm đủ 10 phương) đồng đinh ninh dạy bảo khuyến hóa. Chúng ta và tất cả chúng sanh phát nguyện vãng sanh Cực Lạc.

Toàn bài văn này tôi nương theo ý của lời Phật, Bồ Tát, chư Tổ thuật lại không có một lời nào thuộc về tự ý của kẻ phàm phu si ám này. Vậy mong quý vị đừng vì người hèn mà bỏ qua diệu Pháp

PHẬT HỌC VIỆN QUỐC TẾ XUẤT BẢN
PHẬT LỊCH 2543 - 1999. 

Word Process: Nguyễn Thị Thanh Tâm

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
06/11/2014(Xem: 8305)
13/07/2017(Xem: 5608)
06/07/2014(Xem: 10042)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.