- Mục Lục
- Lời Giới Thiệu
- Chương 1: Đôi Nét Về Pháp Sư Tịnh Không
- Chương 2: Nguồn Gốc Của Hội Phật Đà
- Chương 3: Hướng Dẫn Về Chính Trị Của Các Hội Phật Đà
- Chương 4: Hội Phật Đà Với Chế Độ Quản Lý Độc Lập
- Chương 5: Quan Điểm Của Pháp Sư Tịnh Không
- Truyền Bá Giáo Lý Của Đức Phật Qua Giáo Dục
- Phát Huy Sự Hiểu Biết Nhau Qua Lòng Chân Thành
- Làm Lợi Ích Cho Xã Hội Với Lòng Từ
- Siêu Sinh Tịnh Độ Bằng Pháp Môn Nhất Quán
- Các Cơ Sở Hoằng Pháp Của Hội Phật Đà Trên Khắp Thế Giới
- Lời Kết
Nhân Vật Phật GiáoThế Giới
PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG
Người Có Công Phục Hưng Tông Tịnh Độ Thời Hiện Đại
Thích Nguyên Tạng
Melbourne, Úc Châu 2003
Truyền bá giáo lý của Đức Phật qua giáo dục Thiết lập Cơ Quan giáo dục Phật Đà:
Dưới sự hướng dẫn của Pháp Sư Tịnh Không, Hội Pháp Thí Hoa Tạng được thành lập năm 1962. Mục đích của Hội này là in ấn và phân phát miễn phí kinh điển cũng như các sách về luân lý và đạo đức. Tháng giêng năm 1985, cơ quan giáo dục Phật Đà chính thức thành lập ở Đài Bắc. Mục đích của cơ quan này là phát huy luân lý đạo đức và giúp mọi người phát tâm từ bi với chúng sinh. Tổ chức thực hiện việc này bằng cách phân phối miễn phí kinh sách, băng ghi âm, ghi hình cũng như bảo trợ những cuộc thuyết giảng về PG và tài trợ học bổng.
Cơ quan đã ấn hành “Đại Tạng Kinh”, các Kinh, Luật, Luận của chư Phật tổ, Tứ Thư Ngũ Kinh của Khổng Tử, các sách phát huy luân lý đạo đức, giá trị cổ truyền Trung Hoa. Những sách này đã được phân phát khắp Á châu, Úc châu, Âu châu và Phi châu. Chỉ riêng năm 1998, đã có hơn hai trăm nhóm trên khắp thế giới nhận được kinh sách và băng từ của cơ quan. Hơn hai mươi tám ngàn thùng chứa khoảng một triệu bảy trăm ngàn Kinh sách các loại đã được phân phối.Phật Giáo là một nền Giáo dục:
Dưới sự hướng dẫn của Pháp Sư Tịnh Không, mỗi Hội Phật Đà mới thành lập nên xem nhiệm vụ trước hết của mình là phân phối kinh sách, băng từ và những phương tiện vật chất giúp đỡ mọi người hiểu rằng PG là một nền giáo dục, một lối sống. Pháp Sư Tịnh Không luôn nói rằng PG đã bị hiểu lầm là một tôn giáo, mà lại là một tôn giáo đa thần. Ngày nay nhiệm vụ trước hết của mỗi Phật tử chúng ta là làm sáng tỏ và hiểu rõ sự liên hệ giữa Đức Phật và chúng ta. Chúng ta gọi Phật Thích Ca là một vị Thầy nguyên thủy của mình; Đức Phật và chúng ta có sự liên hệ như thầy trò. Điều này khác với các tôn giáo có liên hệ như cha con hay có liên hệ như chủ tớ. Phật giáo là một nền giáo dục có tính nghệ thuật cao. Mỗi bức tranh hay hình tượng Phật, Bồ Tát, mỗi nghi lễ là một sự biểu trưng hoàn hảo cho những giáo lý của Đạo Phật. Tất cả những cái đó tượng trưng cho những đặc thù thâm diệu của Phật Giáo. Khi bước vào một ngôi chùa, chúng ta sẽ thấy tượng Bồ Tát Di Lặc tôn trí ở giữa Chánh điện. Với nụ cười sảng khoái và cái bụng to, ngài biểu lộ ý tưởng cho rằng để học và thực hành Phật Pháp trước hết chúng ta phải học cách phát tâm hoan hỷ và phóng khoáng, có lòng bao dung, hiểu biết và không thiên vị đối với mọi người.
Bốn vị Hộ Pháp, bốn vị Đại Bồ Tát và mười tám vị La Hán, cũng như nước, hương, đèn, hoa, quả, tất cả đều tượng trưng cho những lời Phật dạy. Còn việc lễ bái chư Phật, Bồ Tát, đốt nhang, quỳ lạy các Ngài để cầu tài lộc hay thăng quan tiến chức là một loại sinh hoạt mê tín và là một sự xúc phạm đến chư Phật và chư Bồ Tát. Mọi sự vật đều hiện hữu theo luật nhân quả. Nếu không hiểu giáo lý nhân quả, không làm theo lời dạy của Đức Phật mà chỉ lễ bái một cách mù quáng thì chúng ta đã đi ngược lại với mục đích của Phật Pháp.Trong bốn mươi năm, Pháp Sư Tịnh Không đã liên tục truyền bá chánh pháp và giải thích rằng Phật giáo là một nền giáo dục. Cư Sĩ Hạ Liên Cư đã đặt tên cho các Hội là Trung Tâm Tịnh Độ Học, một tên khác của các Hội Phật Đà. Những ý tưởng này, vốn phát sinh sau thế chiến thứ hai chỉ đựợc thực hiện khi Pháp Sư trình bày ý tưởng PG là một nền giáo dục, đưa ý tưởng của Ngài Hạ Liên Cư vào cuộc sống hiện thực.
Học bổng dành cho Trung Hoa, quê hương của Pháp Sư Tịnh Không:
Pháp Sư Tịnh Không đã làm rất nhiều việc cho giáo dục nói chung. Năm 1993, Ngài đã thiết lập và tài trợ Học Bổng Hoa Tạng (Hwa Dza) ở Đại học Bắc Kinh, Đại học Phục Đán (Fudan), Đại học Liêu Ninh (Liaoling), Đại học Phổ thông Nam Kinh và Đệ nhất Cấp Trung Học Nam Kinh (trường cũ của Ngài Tịnh Không). Năm 1998, Pháp Sư Tịnh Không cũng thiết lập quỹ cấp Học Bổng Hiếu Kính Thành cho 30 trường học. Trong 5 năm, Ngài đã cấp học bổng cho 88 trường học khắp Trung Hoa, bao gồm 30 đại học sư phạm, 29 đại học, hai đại học y khoa, 24 trường sơ trung và ba trường tiểu học. Mỗi năm Ngài biếu tặng trên 200 ngàn Mỹ kim để tài trợ cho học bổng.
Từ việc cấp học bổng này, chúng ta có thể thấy các Đại Học Sư phạm huấn luyện các giáo viên là những trường chính yếu được hưởng học bổng Hoa Tạng và Hiếu Kính Thành. Pháp Sư hoàn toàn đồng ý với câu nói trong Kinh Lễ rằng “giáo dục là điều kiện thiết yếu nhất để xây dựng quốc gia và lãnh đạo nhân dân”. Ngài tin rằng giáo dục là nhân tố quan trọng để quốc gia được cường thịnh. Phát triển ngành giáo dục là công việc hàng đầu để tăng tiến nền văn minh, ổn định xã hội và cải thiện đời sống. Người giáo viên có phẩm chất và đạo đức cao sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc đạt được những thành quả nói trên.
Bất hạnh thay, trong xã hội ngày nay, chúng ta đang để mất đi những giá trị cổ truyền, chúng ta cần phải một lần nữa nhấn mạnh sự quan trọng của giáo dục, trong việc dạy những giá trị cổ truyền để con cháu chúng ta tự hào với nền văn hóa, di sản và tổ quốc của chúng. Thông qua giáo dục, mọi người sẽ dần dần mở mang trí óc, trở nên khoan dung với người khác, kế thừa, phát huy những phẩm chất ưu việt truyền thống và của những quốc gia khác. Như vậy tương lai của nhân loại và tổ quốc sẽ xán lạn và đầy triển vọng đều phát xuất từ nền tảng giáo dục. Giáo viên là chiếc cầu nối liền quá khứ với hiện tại và từ Tây phương đến Đông phương. Để thành tựu việc này, chúng ta cần phải có sự hỗ trợ của chính phủ và các kỹ nghệ gia cũng như xã hội.
Đào Tạo người kế thừa Phật Giáo
Sự quan trọng của người kế thừa Phật giáo:
Chủ tịch Hội Phật Giáo Trung Hoa, ông Triệu Phác Sơ (Pu Chua Zhao) đã có lời kêu gọi đơn giản mà hùng hồn tại Hội nghị Giáo Dục PG Trung Hoa ở Thượng Hải năm 1991 “Điều quan trọng nhất cho tương lai PG Trung Hoa là, thứ nhất, chúng ta cần đào tạo những người kế tục PG; thứ nhì, chúng ta cần đào tạo những người kế tục PG; thứ ba, chúng ta cần đào tạo những người kế tục PG”. Bài diễn văn nhiệt thành và thẳng thắn của ông đã làm cho thính giả cảm động sâu xa.
Sau buổi nói chuyện của ông, Phật tử Trung Hoa chỉ nghĩ tới và tìm cách thực hiện ý kiến của ông. Kết quả nhiệt tình đó là việc thiết lập nhiều Phật học viện mới, những cơ sở mọc lên như măng tre sau cơn mưa. Những trường này đào tạo những người kế thừa PG để chăm sóc tự viện và làm giáo viên, giảng viên, được cử tới những tự viện khắp Trung Hoa. Những người kế thừa có tài năng này sẽ đảm bảo một tương lai tươi sáng cho PG Trung Hoa và do lời kêu gọi của ông Triệu Phác Sơ.
Từ lâu Pháp Sư Tịnh Không đã mong ước sâu xa rằng một ngày nào đó Ngài sẽ có thể trở về Trung Hoa để hỗ trợ việc giáo dục cho đồng bào của mình. Không may là do nhiều lý do khác nhau, điều mong ước đó đã không thể thực hiện được, ngày nay hoài bảo ấy đã trở thành hiện thực, nên Pháp sư đang tập trung để hổ trợ cho Phật Giáo Trung Hoa.
Mở Khóa đào tạo giảng viên
Pháp Sư Tịnh Không được mời sang Hồng Kông thuyết giảng vào năm 1977 và Singapore năm 1987. Kết quả là việc thuyết pháp mỗi năm ở hai nơi này tạo điều kiện cho Ngài phát triển nhiều liên hệ vững chắc. Tháng năm, 1995, Hội PG Singapore và Hội Phật Đà đã thành tâm thỉnh cầu Ngài đến thuyết pháp và mở lớp đào tạo những thuyết trình viên. Khi được biết rằng tất cả các đại đức ở khóa thứ nhất đều là đồng hương của mình, Ngài đã vui mừng, vì điều mong ước đào tạo thuyết trình viên Trung Hoa của Ngài đã trở thành hiện thực.
Sau khi khóa thứ nhất kết thúc và với sự khuyến khích và giúp đỡ của Pháp Sư Tịnh Không, chín Tỳ kheo đều vui vẻ trở về Trung Hoa. Tin tức về sự thành công của khóa đào tạo này gây nhiều quan tâm ở Trung Hoa. Kết quả là khi khóa thứ hai được thông báo, số người ghi tên tham dự nhiều hơn con số dự định. Pháp Sư Tịnh Không và ông Lý Mộc Nguyên (Bock-Guan Lee), Chủ tịch Hội Phật Đà ở Singapore đồng ý tăng thêm số chỗ và thông báo rằng sẽ dành ưu tiên cho những người ghi tên trước. Như vậy vào năm 1996, khóa thứ hai tăng lên 30 Tăng sinh đến từ các tỉnh và thành phố khác nhau khắp Trung Hoa. Tiếp đó là khóa thứ ba mở vào tháng chín năm 1997 và khóa thứ tư mở tháng ba năm 1998. Tổng cộng các khóa đào tạo cho hơn 70 đại đức và cư sĩ từ Trung Hoa, Hoa Kỳ, Thái Lan, Phillipine và Mã Lai. Họ trở về tự viện của mình hoặc được mời đi thuyết giảng ở những nơi khác. Sự thành công trong công việc đào tạo người thuyết giảng mới hữu ích cho công cuộc truyền bá Phật Pháp, và chắc chắn hỗ trợ việc đưa tinh thần đổi mới vào PG Trung Hoa.
Mở Khóa Dạy Kinh Hoa Nghiêm:
Năm 1998, Ông Lý Mộc Nguyên cung thỉnh Pháp Sư Tịnh Không giảng Kinh Hoa Nghiêm cho Hội PG Singapore. Khi Pháp Sư Tịnh Không nhận lời mời, các hành giả khắp nơi trên thế giới đều hân hoan. Hội PG đã ủy nhiệm cho Khoa Kiến Trúc Đại học Tong-Ji tại Thượng Hải vẽ hai tòa tháp bằng đồng, đúc ở Trung Hoa rồi chuyển tới Hội ở Singapore, nơi tôn trí hai bảo tháp này. Hai tòa tháp này được đúc bằng đồng, được xem là tháp đồng cao nhất thế giới, được làm để kỷ niệm cho những bài thuyết giảng về Kinh Hoa Nghiêm, một bộ Kinh được coi là có tư tưởng bao quát nhất trong tất cả những kinh điển PG, một giáo lý viên mãn. Chương trình thuyết pháp này sẽ chiếm một thời gian từ một năm tới mười năm. Việc giảng sâu rộng này đã chưa được hoàn thành trong hai trăm năm qua.
Hiện tại có mười hai đại đức trong khóa nghiên cứu Hoa Nghiêm. Đa số họ đã tham dự những khóa đào tạo thuyết trình viên trước đây. Bây giờ họ nghe thuyết giảng, thảo luận và ghi chú về cuốn kinh, soạn bài và thuyết pháp, viết bài cho tạp chí Giáo dục PG, học tiếng Anh và học vi tính.
Thiết Lập Trường Giáo Dục Phật Giáo:
Cuối năm 1998, Pháp Sư Tịnh Không và ông Lý Mộc Nguyên chính thức lập kế hoạch thành lập Trường Giáo Dục PG, là trường đầu tiên thuộc loại này ở Singapore. Trong thời gian này, tất cả những văn bản công trình đã được hoàn thành và được trình cho Bộ Giáo Dục để được chấp thuận. Nhiệm vụ của trường là “học làm giáo viên tốt và làm gương cho mọi người”. Nơi đó sẽ có ba lớp: lớp thứ nhất là các lớp dự bị, ba năm kế tiếp là các lớp cao cấp và ba năm cuối là các lớp hậu tốt nghiệp. Nguyên tắc, nội dung và phương pháp giảng dạy của chương trình sẽ rất khác với trường Phật học thông thường. Sinh viên sẽ học một cuốn Kinh, từng phần một. Sau khi học xong một bài với sự chấp thuận của giáo sư, sinh viên sẽ học tiếp bài kinh kế đó.
Phương pháp này tập trung vào một cuốn kinh, tạo điều kiện cho sinh viên học và nghiên cứu sâu cuốn kinh chính của họ. Sinh viên có thể dự thính các lớp dạy những kinh khác nhưng khi họ đã chọn kinh chính thức thì không được thay đổi. Không giống như những lớp khác các giáo sư sẽ giảng giải tất cả; với chương trình này, sinh viên tự nghiên cứu tài liệu học, soạn bài, thuyết trình, nghe các bạn học nhận xét và sửa chữa bài soạn của mình.
Lúc đầu bài thuyết trình chỉ dành riêng cho các bạn học. Một khi bài soạn đã được sửa chữa theo lời bình của các bạn cùng lớp, sinh viên sẽ thuyết trình chính thức với thính giả công chúng. Khi học xong mỗi học phần, giáo sư sẽ cho điểm kết quả nghiên cứu của sinh viên để quyết định họ có thể tiếp tục với học phần kế tiếp hay không.
Pháp Sư Tịnh Không hy vọng rằng phương pháp dạy theo truyền thống Trung Hoa này sẽ đào tạo một thế hệ mới những giảng viên Phật học với trình độ cao, thông thạo giáo lý, thông hiểu ý nghĩa của giáo lý, và là khuôn mẫu cho các trường Phật học khác. Cách tốt nhất để thành tựu mục tiêu ngày hôm nay là học các ngôn ngữ và các nền văn hóa khác và có khả năng ứng dụng kỹ thuật hiện đại để mang nền giáo dục PG tới mọi người trên khắp thế giới.