- Lời Giới Thiệu
- Buổi Tối Thứ Nhất Lời Dạy Mở Đầu
- Buổi Tối Thứ Hai Bát Chánh Đạo
- Buổi Sáng Thứ Ba Bài Thực Tập: Cảm Thọ
- Buổi Tối Thứ Tư Sự Chú ý Đơn Thuần
- Buổi Sáng Thứ Năm Bài Thực Tập: Tư Tưởng
- Buổi Tối Thứ Năm Khái Niệm Và Thực Tại
- Buổi Sáng Thứ Sáu Bài Thực Tập: Đối Tượng Của Cảm Giác
- Buổi Tối Thứ Bảy Những Mẩu Chuyện
- Buổi Sáng Thứ Tám Bài Thực Tập: Tác ý
- Buổi Sáng Thứ Chín Bài Thực Tập: Ăn Trong Chánh Niệm
- Buổi Tối Thứ Chín Năm Triền Cái
- Buổi Sáng Thứ Mười Bài Thực Tập: Quán Tâm Thức
- Buổi Tối Thứ Mười Dũng Sĩ
- Buổi Sáng Thứ Mười Một Trò Chơi Định Tâm
- Buổi Tối Thứ Mười Hai Ba Trụ Pháp: Ba-la-mật
- Buổi Tối Thứ Mười Ba Sự Tương Đồng
- Buổi Tối Thứ Mười Bốn Tứ Diệu Đế
- Buổi Tối Thứ Mười Lăm Sự Cương Quyết Nửa Vời
- Buổi Tối Thứ Mười Sáu Nghiệp Báo
- Buổi Tối Thứ Mười Bảy Bài Thực Tập: Hôn Trầm
- Buổi Tối Thứ Mười Tám Sự Trong Sạch Và Hạnh Phúc
- Buổi Tối Thứ Mười Chín Tín Ngưỡng
- Buổi Tối Thứ Hai Mươi Mốt Thập Nhị Nhân Duyên
- Buổi Tối Thứ Hai Mươi Hai Cái Chết Và Lòng Từ Bi
- Buổi Tối Thứ Hai Mươi Lăm Đạo
- Buổi Tối Thứ Hai Mươi Sáu Thất Giác Chi
- Buổi Tối Thứ Hai Mươi Chín Con Đường Của Phật
- Buổi Sáng Thứ Ba Mươi Kết Thúc
BA MƯƠI NGÀY THIỀN QUÁN
Joseph Goldstein
Nguyễn Duy Nhiên Việt dịch
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, Hà Nội 2008
Buổi tối thứ mười bốn
Thế giới này đầy dẫy những khổ đau. Mỗi ngày có hàng triệu người không đủ thực
phẩm để nuôi thân, phải chịu đựng những cơn đói. Có hàng triệu người không đủ
quần áo che thân, nhà cửa để trú ngụ, phải sống dưới những cơn mưa lạnh hoặc
nắng cháy da. Lại có hàng triệu người phải gánh chịu những cơn đau gây ra do
bệnh tật. Mặc dù con người đã sẵn có phương pháp trị liệu, nhưng họ vẫn không
nhận được một sự chữa trị nào. Sự khổ đau trong việc sinh sản. Cái đau của
người mẹ. Và hơn nữa, cái đau của đứa con khi được sinh ra, bị đẩy qua người
mẹ, ra thế giới bên ngoài đầy những yếu tố va chạm, xây xát. Những thân thể
bệnh hoạn, già yếu và suy nhược. Sự khổ đau của cái chết...
Có biết bao người trên thế giới này đang sống bất lực trong tay kẻ thù, trong
tay những người muốn giết hại họ. Tại nhiều quốc gia, ngay giờ phút này đang có
những tù nhân đang bị tra tấn, đánh đập. Rồi còn sự tàn bạo của chiến tranh.
Những con người có tình cảm giống như chúng ta, bất lực khi đối mặt khổ đau, họ
không thể làm gì khác hơn được.
Có biết bao lần ta phải đối diện với những hoàn cảnh giống như thế, và trong
tương lai sẽ còn biết bao lần nữa. Chỉ cần một chuyển động nhẹ của bánh xe nhân
quả là ta có thể trở thành những con người đó. Mang tấm thân này là ta mang
trên người bao mầm mống khổ đau. Đã bao lần ta kinh nghiệm chúng, và sẽ còn bao
nhiêu lần nữa?
Những yếu tố vật chất trong thân ta được gọi là tứ đại. Chúng được gọi là
“đại”, có nghĩa là lớn, vì năng lực tàn hoại của chúng. Bốn yếu tố cấu tạo nên
thân ta cũng chính là bốn yếu tố cấu tạo nên quả đất này, mặt trời, các hành
tinh, và những vì tinh tú trong vũ trụ. Chính bốn yếu tố này mà ta đang kinh
nghiệm trong thân, chúng hoạt động theo một định luật tự nhiên, cũng là nguyên
nhân tạo dựng và tan rã của những thái dương hệ hoặc các dãy ngân hà. Năng
lượng của chúng rất vĩ đại.
Trong một thời gian ngắn ngủi, tứ đại hòa hợp với nhau. Sự hòa hợp tạm bợ này
làm ta quên đi bản chất tàn hoại của chúng, cho đến khi chúng biến đổi theo
định luật tự nhiên, trở nên mất thăng bằng và dẫn đến sự tàn hoại, tan rã của
thân thể, đau khổ và chết. Chúng ta như những đứa trẻ con vui chơi trong một
căn nhà đang bị cháy. Những đứa trẻ con đang mải mê chơi đùa, ham mê nhũng thú
vui tạm bợ, hoàn toàn quên đi quanh mình lửa đang bừng bừng thiêu đốt. Nhưng
trời đất vẫn còn lòng nhân từ, đã sai sứ giả đến báo trước những nguy hiểm,
những khổ đau đang hiện diện trong mọi khía cạnh. Vị sứ giả ấy đang ngày đêm
đặt ra cho chúng ta những câu hỏi rằng:
- Ngươi có thấy trong cuộc đời này có những ông lão, bà lão 80, 90 hay 100
tuổi, yếu đuối, lưng cong vòng như mái nhà, cúi xuống vịn người trên chiếc gậy,
chập chững bước, suy nhược, tuổi trẻ đã mất lâu rồi, răng rụng, tóc bạc thưa.
Và có bao giờ ngươi nghĩ rằng, rồi một ngày mình cũng sẽ bị tàn tạ như vậy?
Ngay cả ngươi cũng sẽ không thể nào trốn tránh khỏi?
- Ngươi có thấy trong cuộc đời này có những người đàn ông, đàn bà bệnh hoạn,
đau khổ vì các chứng bệnh nan y, nằm trên những phẩn uế của chính mình, phải
nhờ người này đỡ ngồi dậy, nhờ người kia đặt xuống giường... Và có bao giờ
ngươi nghĩ rằng, rồi một ngày mình cũng sẽ bị bệnh hoạn như vậy? Ngay cả ngươi
cũng không thể nào thoát khỏi?
- Ngươi có bao giờ thấy trên cõi đời này, thây ma của một người, sau khi chết
một, hai hoặc ba ngày, sình lên, màu bầm tím, hôi thối. Và có bao giờ ngươi
nghĩ rằng, một ngày nào đó mình cũng sẽ bị cái chết tìm đến. Ngay cả ngươi cũng
không thể nào thoát khỏi?
Tất cả chúng ta đều bị chi phối bởi những điều ấy. Cái chết không chừa một ai.
Nó là sự chấm dứt của tất cả. Không ai có thể trốn tránh sự thật này.
Rồi còn những nỗi đau của tâm. Buồn khổ, thất vọng, lo âu, hồi hộp, tức giận,
căm hờn, sợ hãi, ái dục, chán nản. Chúng ta còn phải chịu vướng trong bẫy rập
của sinh tử luân hồi, lôi kéo bởi tham dục và si mê trong bao lâu nữa? Nỗi khổ
bất tận... Mỗi sáng thức dậy với những màu sắc và mùi vị, âm thanh và cảm giác,
ý nghĩ... lặp đi lặp lại vô tận. Chúng ta sống một ngày, qua một giấc ngủ, rồi
lại thức dậy với cũng bấy nhiêu màu sắc, mùi vị, âm thanh, cảm giác và ý nghĩ...
trở đi, trở lại không dứt.
Cũng giống như những đứa trẻ mê chơi trong căn nhà lửa, chúng ta không chịu mở
mắt nhìn những nỗi đau trong cuộc sống của mình. Chúng ta nhốt những người già,
người bệnh vào nhà thương, viện dưỡng lão để ta khỏi phải chứng kiến những nỗi
sầu khổ của họ. Chúng ta đuổi những kẻ ăn mày ra khỏi đường phố của mình, để ta
khỏi thấy những nhục nhằn của sự nghèo khổ. Chúng ta chưng diện cho những thây
ma để che giấu đi cái chết.
Chân lý đầu tiên đức Phật đã dạy là sự khổ. Dù chúng ta có chối bỏ đến đâu đi
nữa, thân này rồi một ngày cũng sẽ già nua, bệnh hoạn. Rồi ta sẽ chết. Dù ta có
cố tìm quên lãng trong bao nhiêu thú vui đi chăng nữa, thì sự có mặt của giận
hờn, thù ghét, lo âu, bối rối và căng thẳng vẫn còn tồn tại. Chúng ta bị thiêu
đốt trong ngọn lửa tham, sân. Cho nên, chân lý đầu tiên, sự thật trước hết là
đau khổ.
Đức Phật không dừng lại ở đó. Sau khi chỉ cho ta thấy sự thật khổ đau, ngài
giải thích cho ta nghe về nguyên nhân của chúng. Cái gì đã trói cột chúng ta
vào vòng quay khổ lụy này? Đức Phật chỉ ra rằng sự trói buộc ấy nằm ngay trong
tâm của mỗi chúng ta. Chúng ta bị trói buộc vì lòng ái dục. Chúng ta lăn theo
bánh xe khổ đau vì ta đeo bám nó, và chúng ta đeo bám nó vì vô minh, hay sự ngu
si, mê muội.
Có bốn sự si mê lớn là nguyên nhân chánh hằng trói buộc chúng ta vào vòng quay
khổ đau. Mối đam mê đầu tiên là sắc dục. Sắc dục khiến ta lúc nào cũng đi tìm
những âm thanh và hình ảnh dễ chịu, những mùi vị ưa thích, những cảm giác êm ái
của thân thể. Chúng ta cứ mải mê đi tìm những thú vui tạm bợ, mỏng manh. Ta đeo
đuổi chúng như là chúng có thể giải quyết những khó khăn của ta, như là chúng
có thể đem đến sự chấm dứt khổ đau. Chúng ta sống trong sự mong đợi hai tuần
nghỉ hè sắp tới, mong đợi một mối liên hệ tình cảm kế tiếp, hoặc một cái gì đó
để chiếm hữu... Lúc nào ta cũng chờ đợi một hạnh phúc nào đó trong tương lai,
ngoài tầm tay với.
Mulla Nazrudin là một tu sĩ nổi danh của Hồi giáo. Một hôm ông đi xuống chợ và
thấy một thúng ớt cay bán hạ giá. Ông mua hết cả thúng, đem về nhà và bắt đầu
ngồi ăn. Những đệ tử của ông nhìn thấy ông mặt mày đỏ ké, nước mắt tuôn chảy,
miệng lưỡi bị nóng phỏng, bèn kêu lên:
- Thầy ơi, tại sao khổ như thế mà thầy vẫn cứ ngồi ăn hoài vậy?
Nazrudin lấy tay bốc thêm một trái ớt bỏ vào miệng rồi đáp:
- Ta hy vọng rồi sẽ có một trái ớt ngọt!
Mối si mê thứ hai là sự cố chấp vào ý kiến và quan điểm của mình. Chúng ta có rất nhiều ý kiến về những sự việc chung quanh. Biết bao nhiêu là thành kiến. Cố chấp vào quan điểm của mình là một trở ngại rất to tát. Nó ngăn chặn không cho ta nhìn thấy chân tướng của sự vật. Những thành kiến cá nhân giống như một lăng kính màu làm sai đi sự thật. Một thiền sư Thái Lan khi được hỏi, những học trò của ông bị trở ngại nào lớn nhất, ông đáp: “Ý kiến, quan điểm, ý niệm về mọi việc, về chính họ, về phương pháp tu tập, về giáo lý của đức Phật. Đầu óc họ lúc nào cũng đầy dẫy những ý kiến. Họ cho mình là khôn khéo nên không thèm lắng nghe ai hết. Cũng giống như một tách nước vậy. Nếu tách ấy chứa đầy nước dơ, bẩn đục thì cũng chỉ là vô dụng. Chỉ khi nào đổ đi nước cũ thì ta mới có thể sử dụng tách ấy lại được. Họ phải bỏ qua một bên những ý kiến của mình thì mới có thể thấy biết được.”
Vị tổ thứ ba của thiền Trung Hoa là Tăng Xán có viết: “Đừng đi tìm kiếm chân lý. Hãy thôi nâng niu những ý kiến của mình.”[2] Nếu chúng ta dẹp được mối si mê này, giáo pháp sẽ phô bày. Mọi hiện hữu sẽ có mặt. Chúng ta cần phải buông bỏ những thành kiến của mình về bản chất sự vật và những mơ ước về chúng. Hãy buông bỏ sự cố chấp vào những ý kiến của mình. Đây chính là mối ràng buộc lớn thứ hai, đã giữ chúng ta trong vòng luân hồi đau khổ.
Sự si mê thứ ba là cố chấp vào các lễ nghi và hình thức: cho rằng chỉ cần thắp một nén nhang hay đốt một ngọn nến đặt trên bàn thờ là mọi việc sẽ trở nên suôn sẻ. Những nghi lễ như đốt hương, thắp nến, đọc kinh, trì chú thường được thực hành với hy vọng sẽ có khả năng làm chấm dứt được khổ đau này. Ngay chính việc cố chấp vào những pháp tu, cố gắng để trở nên đạo đức, hay bất cứ hình thức tâm linh gắn liền với vật chất nào cũng đều là những sợi dây xích trói buộc ta.
Sự si mê thứ tư rất kín đáo và sâu xa, đó là chấp ngã, nghĩa là chấp có một cái ta riêng biệt cùng những sở hữu của nó, tin tưởng rằng có một tự thể thường hằng trong thân tâm để kinh nghiệm những gì đang xảy ra. Bởi sự tin tưởng này mà chúng ta đã lao vào những hành động bất thiện, đủ mọi tham, sân, si chỉ để cố thỏa mãn cái ta này, một cái ta không hề có thật. Sự chấp ngã này rất sâu đậm, mọi hành động của ta đều xoay quanh nó, càng lúc càng buộc chặt ta vào một khối khổ đau.
Chân lý thứ hai đức Phật đã dạy là nguyên nhân của khổ đau: lòng ái dục. Đam mê sắc dục, cố chấp vào quan điểm và ý kiến của mình, mê muội tin rằng những lễ nghi, hình thức bên ngoài có khả năng diệt được khổ đau, và nhất là cố chấp vào một cái tôi thường hằng, bất biến. Không một ai bắt ta phải cố chấp. Không một quyền lực nào bên ngoài chúng ta giữ ta trong vòng sinh tử luân hồi. Chỉ có sự cố chấp, luyến ái trong tâm ta là có thể làm được chuyện đó mà thôi.
Ở châu Á người ta dùng một cái bẫy rất đặc biệt để bắt khỉ. Một trái dừa được khoét lỗ để có thể buộc chặt vào một cây cột đóng trên mặt đất. Người ta khoét một lỗ nhỏ vừa lọt bàn tay con khỉ và bỏ vào bên trong một thứ đồ ăn ngọt. Cái lỗ được khoét thật khéo léo, sao cho vừa đủ để con khỉ có thể đút tay vào, nhưng nếu nó nắm tay lại thì sẽ không thể rút trở ra. Con khỉ đánh hơi được mùi thức ăn ngọt sẽ tìm tới, đút tay vào để bốc lấy thức ăn, rồi không thể rút tay ra được vì nắm chặt thức ăn. Khi người đặt bẫy đến, con khỉ sẽ sợ hãi quýnh quáng nhưng không cách nào chạy đi được. Sự thật là không có ai bắt giữ nó, ngoại trừ lòng tham của chính nó. Muốn thoát đi, nó chỉ cần mở cái nắm tay ra. Nhưng vì lòng tham quá mạnh nên hiếm khi có con khỉ nào thoát được bằng cách đó.
Chính vì lòng tham dục và quyến luyến trong tâm đã giữ chúng ta trong bẫy sinh tử này. Chúng ta chỉ cần mở nắm tay ra, buông bỏ hết những cố chấp, những tham muốn là có thể bước đi tự do.
Chân lý thứ ba đức Phật đã dạy là sự chấm dứt của khổ đau. Niết-bàn là một trạng thái thoát ra ngoài tiến trình thân tâm, không còn bị chi phối, ảnh hưởng bởi bản chất khổ đau của chúng. Tự tại, an lạc, thanh tịnh, tươi mát, buông xả... như là bỏ xuống một gánh nặng trên vai.
Niết-bàn có hai loại: loại thứ nhất là Niết-bàn nhất thời, tức là sự tự tại của một tâm thức không bị chi phối bởi tham, sân, si trong từng giây, từng phút. Mỗi giây phút không bị ảnh hưởng bởi những sự bất thiện là một giây phút của tươi mát và an lạc. Còn loại Niết-bàn thứ hai là một trạng thái thoát ra ngoài mọi tiến trình, là sự chấm dứt hoàn toàn của khổ đau, dập tắt hẳn đi ngọn lửa đang thiêu đốt.
Ví như có những người đang sống trên một vùng sa mạc khô cằn. Nước rất hiếm, thực phẩm không đủ, và không có gì để bảo vệ họ khỏi ánh nắng thiêu đốt của mặt trời. Nhưng những người ấy đã quen sống trong hoàn cảnh ấy từ thuở nhỏ. Cha ông của họ cũng đều như vậy, nên họ cho đó là tự nhiên và lấy đó làm hài lòng. Cho đến ngày kia, có một người trong bọn họ đi đến một nơi có thời tiết mát mẻ, thực phẩm đầy đủ, khi ấy anh ta mới ý thức được những điều kiện và hoàn cảnh bất lợi, cực khổ mà anh đã từng chịu đựng.
So với sự an lạc, tươi mát và thinh lặng của Niết-bàn thì những tiến trình dài vô tận của thân tâm, sự sinh diệt không ngừng là một gánh nặng to lớn, một khổ đau vĩ đại. Chân lý thứ ba là sự an lạc mà đức Phật nói rằng trên đời này không có gì là hạnh phúc hơn.
Đức Phật cũng chỉ ra cho chúng ta con đường để đi đến sự an lạc này. Đây không phải là một giáo lý bí mật chỉ dành cho một số người. Chân lý thứ tư là Bát chánh đạo, một phương pháp để buông bỏ gánh nặng đau khổ.
Đây không phải là con đường cực đoan. Nó không đòi hỏi ta phải hành hạ thân tâm, không buộc ta phải đi tìm đến những nơi hẻo lánh, cũng không phải là con đường khổ hạnh, không phải là con đường của sự sa đọa trong sắc dục. Đây là con đường trung đạo, con đường của sự tỉnh thức. Đi theo con đường này, ta luôn có chánh niệm về những gì đang xảy ra quanh mình, luôn có ý thức rõ ràng, không quyến luyến, không ghét bỏ, không nhận lầm những hiện tượng là cái tôi, ta sẽ giải thoát tâm mình ra khỏi những điều bất thiện trong từng giây phút.
Chân lý về khổ đau phải được ý thức. Chân lý về nguyên nhân khổ đau phải được hiểu rõ. Chân lý về sự chấm dứt khổ đau phải được kinh nghiệm. Và con đường để chấm dứt khổ đau phải được thực hiện bởi mỗi chúng ta. Sự giác ngộ của đức Phật giải quyết những vấn đề cho ngài chứ không giải quyết những khổ đau của ta. Ngài chỉ vạch ra cho ta thấy một con đường để tự ta đi tới. Không có một công thức huyền bí nào có thể đưa ta ra khỏi khổ đau. Mỗi người phải tự thanh lọc tâm mình, bởi vì chỉ có những ái dục trong tâm mới có khả năng trói buộc ta mà thôi.