- Lời Nói Đầu
- Lời Người Biên Tập
- Tỏ Ngộ
- Hòa Thượng Nuôi Rận
- Hành Động Không Suy Nghĩ
- Bắn Phật
- Tại Sao Thiền Có Vẻ Khó
- Tâm Điên Đảo
- Tâm Cố Gắng Của Thiền Sư Cổ Phong
- Quán Ếch
- Ngón Cái Và Ngón Trỏ Của Thiền Sư Mãn Không
- Y Phục Nguyên Thủy
- Những Điều Tốt
- Phong Cách Tự Nhiên
- Bồ Tát Thu Phí
- Mũi Tên Thuốc Độc
- Những Nhà Sư Tu Hành Đặc biệt
- Sự Khởi Đầu của Thế Giới Này
- Tại Sao Chúng Ta Có Mặt Ở Đây?
- Sự Sai Lầm của Lục Tổ
- Phật Thật Ở Đâu?
- Bản Thể Thiên Chúa
- Con Chó Giết Chết Triệu Châu
- Không Chứng, Không Đắc
- Không Chứng, Không Đắc, (Phần hai)
- Thiền Toán
- Tôi Muốn Chết!
- Tạo Ra Sanh Tử
- Phép Lạ Thần Thông
- Thiên Chúa Là Gì?
- Thiền và Hòa bình Thế giới
- Giữ Tâm Chẳng Động
- Tại Sao Trời Xanh?
- Ai Tạo Ra Bạn ?
- Phá Thai
- Làm gì khi mê ngủ
- Thiền Xi-Nê
- Giết Chết Cây Cối
- Thiền Sư trong tình yêu
- Luận về Nghiệp
- Bạn Là Người Máy!
- Bản Thể Không Mạnh
- Chúng Sanh Không Thể Độ Tận
- Thiền, Chiêm Tinh và Nghiệp
- Thiền sư Sùng Sơn Nhớ Thầy
- Hành Động Phóng Khoáng của Các Bậc Thầy
- Tuệ Giác trong Thiền Ba Khóa Học về Thiền Toán
- Nhớ nhà
- Học hỏi từ Las Vegas
- Một Cảm Giác Đúng về Phương Hướng
- Đau Khổ Nhiều, Nguyện Lực Lớn
- Phụ nữ không thể Thành Phật!
- Thư Gửi Nhà Độc Tài
- Cuộc Đời Niên Thiếu Của Thiền Sư Sùng Sơn
Thư Gửi Nhà Độc Tài
LỜI SƠ LƯỢC CỦA BIÊN TẬP VIÊN
Tổng thống Phác Chánh Hy (Park Chung-Hee) bị ám sát bởi người phụ tá được bổ nhiệm làm Giám đốc của Cơ quan Tình báo Trung ương Hàn Quốc vào ngày 26 Tháng 10 năm 1979, kết thúc hai mươi tám năm cầm quyền.
Chính phủ lâm thời của Tổng thống Choi Kyu-Ha đã được tiếp nối ngắn ngủi. Không bao lâu sau đó, vào ngày 12 tháng 12, 1979, một cuộc đảo chánh bởi một nhóm sĩ quan quân đội dưới sự lãnh đạo của Thiếu tướng Toàn Đẩu Hoán (Chun Du-Hwan: 전두환–全斗煥), tư lệnh An ninh Quân đội. Ông sanh ngày 18 tháng 01 1931, trở thành Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc từ ngày 01 tháng 9 năm 1980. Ông ban hành lệnh thiết quân lực, dưới khẩu hiệu chống Cộng cực đoan của viên tướng này, dẫn đầu một cuộc đàn áp tàn bạo vào những người chống lại chính phủ. Đặc biệt là những thành phần ủng hộ việc Dân chủ hóa đất nước và chấm dứt chế độ độc tài quân sự.
Khi những thành phần của các cuộc biểu tình hàng loạt đang diễn ra chống lại chế độ Quân phiệt Chun Du-Hwan, hàng ngàn sinh viên và dân chúng ở thủ đô cũng như phía nam tỉnh Kwangju đã xuống đường rầm rộ vào hồi tháng 5, 1980. Họ tấn công vào những đồn cảnh sát, cuối cùng họ bị truy đuổi, bắt bớ, làm cho toàn thành phố bị ngưng trệ, tê liệt.
Trong những sự kiện mà nhiều người tin rằng không thể xảy ra nếu không có sự thỏa thuận ngầm từ bên ngoài và có lẽ là sự thông đồng những quyền lực quân sự của người Mỹ đã kiểm soát các lực lượng an ninh của Nam Hàn. Một trong những chương đen tối nhất của lịch sử Hàn Quốc sau đó bắt đầu diễn ra vào ngày 18 đến 27 tháng 5, 1980. Chính phủ trung ương không cho kết nối điện thoại, thông tin liên lạc, và du lịch đến Kwangju, cắt đứt với thế giới bên ngoài. Hàng trăm vụ thảm sát người dân Nam Hàn, đặc biệt là các công dân của tỉnh Kwangju. Ước tính con số thương vong đã gây tranh cãi từ các học giả, cả số người chết và mất tích gấp bốn hoặc năm lần con số chính thức mà báo chí đã đưa tin.
Đất nước này đã rơi vào tình trạng hỗn loạn. Nghiêm trọng hơn nữa, là hàng ngàn sinh viên và người dân lao động đã bị bắt cầm tù và bị tra tấn dã man. Thậm chí những người dân chất phát bình thường còn bị theo dõi nghi ngờ việc phản đối chế độ dù là trong tư tưởng, lời nói hay hành động. Họ cũng thường xuyên được thổi phồng lên điều mà nếu ai bị thẩm cung và được phóng thích liền khi đó là sự may mắn, còn những người bất hạnh đơn giản là không bao giờ được trở về, bặt vô âm tín. Các vết thương gây ra bởi Hiến pháp mới (vào cuối năm 1980) khi ông lên làm Tổng thống, vốn có khuynh hướng cực Hữu, vẫn có thể nhìn thấy ở Nam Hàn ngày nay.
Để phản đối nền móng cai trị này, một ngày vào năm 1982, Thiền sư Sùng Sơn đặt bút viết lá thư sau đây cho Tổng thống họ Chun. Sự phẫn nộ cùng cực (của quần chúng nhân dân), trong đó, Thiền sư tự đặt mình qua hành động này, nhưng không thể công bố rộng rãi. Vì ngài thường xuyên qua lại từ hải ngoại trở về Hàn Quốc, nếu thông tin tiết lộ ra ngoài, họ sẽ nghi ngờ và ngài có thể bị tra tấn, cầm tù, hoặc tệ hơn là bị giết chết nếu việc làm không khéo léo.
Sự cố như vậy không phải là không xảy ra, và tình trạng của ngài dù là một nhà sư không thể miễn trừ từ những gì mà ngài phải đối mặt. Về sau, dân chúng Hàn Quốc đã đọc bức thư này, họ đã tỏ ra sửng sốt và không tin cho lắm. Điều đặc biệt là người đứng đầu Hàn Quốc cũng đã trực tiếp xem lá thư này sau khi bị truất phế. Đại thiền sư thẳng thắn bày tỏ một cách gay gắt và thậm chí phê phán Tổng thống, ít ra về mặt lịch sự cần tế nhị.
Lịch sử xa xưa của Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản thường hay xảy ra chuyện quần chúng tôn vinh các tu sĩ vĩ đại đã nổi lên vị thế như một bậc thầy của Hoàng gia, hoặc là Quốc sư. Từ vị trí này, họ được trao quyền để giáo dục cho một người mới lên ngôi nhiếp chính, các cơ quan lập pháp và tòa án giúp đỡ họ hướng dẫn đất nước. Bức thư này đứng vững chãi trong truyền thống Đạo học Đông phương từ thời cổ đại: “Bậc hiền nhân vững an như núi, không sợ hãi việc truyền đạt lời khuyên can (đối với vận mệnh quốc gia) nhằm hướng dẫn dân tộc thoát khỏi mọi thành kiến áp bức, khiến người cầm quyền không bị dính mắc trong những cây dã tường vi (briars) với sức mạnh kềm kẹp.”
Ở đây không chỉ là một lời cảnh báo chống lại lạm dụng quyền lực, tham nhũng tài sản quốc gia, mà đó còn là một lời kêu gọi tâm huyết đến với người cầm quyền phải trở thành một nhà lãnh đạo thực sự. Và để nhận thức rằng, nhà lãnh đạo trước tiên phải hiểu chính mình: "Làm thế nào ông có thể cai trị một đất nước có hàng triệu người dân một cách chính xác trong khi thậm chí ông không biết ông là Ai?" Đây là môn Khoa học Chánh trị theo Thiền.
Bức thư được viết tay đặc biệt của Thiền sư Sùng Sơn, trên giấy đánh máy sạch sẽ, và gửi trực tiếp đến Tổng thống Chun. Thiền sư Sùng Sơn chỉ đạo cho người thư ký gốc Mỹ của mình để dịch bức thư trực tiếp sang tiếng Anh. Nó không bao giờ được tiết lộ hoặc phát tán công khai, dù là tiếng Hàn, hoặc tiếng Anh. Chỉ trừ một vài đệ tử gần gũi nhất với ngài đã có lần nhìn thấy nó, hoặc biết nó vẫn còn lưu giữ cho đến bây giờ.
Bức thư được gửi đi vào cuối tháng Tám hoặc đầu tháng Chín năm 1982 (nhưng không tới tay Tổng thống). Sau này, Thiền sư Sùng Sơn từ Hoa Kỳ trở về Hàn Quốc cùng với một nhóm môn sinh phương Tây, tại sân bay Seoul, ngài đã gặp các nhân viên an ninh mặc bộ “com-lê” màu đen, đeo kính râm. Họ tách rời ngài ra từ những đệ tử người Mỹ, làm cho ai nấy bàng hoàng lo lắng, khi chứng kiến Sư phụ của họ bị đưa đến một chiếc xe màu đen đậu bên lề đường. Một trong những đệ tử nhớ lại rằng, mặc dù mỉm cười bình thường và lộ vẻ hân hoan, Thiền sư ngay tức khắc, đã chớp mắt tỏ ra phân vân chưa biết xảy ra chuyện gì, nhưng trong một vài giây phút thoáng qua, ngài quay lại với cặp kính lão phản chiếu, như để trấn an các đệ tử của mình bằng tiếng Anh với giọng nhát gừng phớt lờ của ngài:
–Các con đừng lo lắng, không sao cả. Cứ về Chùa Tổ Hoa Khê rồi thầy sẽ về liền.
Nói xong, ngài bước vào chỗ ngồi trong xe họ và được chở tới trụ sở của Cơ quan Tình báo Trung ương Hàn Quốc (KCIA), nằm sâu dưới lòng núi Nam, giữa trung tâm thủ đô Seoul. Ngài đã bị giữ trong vài giờ, khi những viên chức mặc đồng phục màu tối sẩm của bộ máy an ninh đáng gờm và thậm chí cả biệt phái riêng của Tổng thống, thăm dò Thiền sư để tìm hiểu động cơ chính trị bí mật nào của ngài khiến ngài viết thư phản ánh. Khám phá nơi ngài không có gì nên được phóng thích cùng ngày.
Sau khi trở về Chùa Tổ Hoa Khê, ngài đã kể lại với các đệ tử của mình rằng: “Lúc tại sân bay thầy bị cách ly, họ đưa thầy đến chiếc xe ô tô đậu sẵn, cánh cửa trước đã mở ra và thầy được mời vào ngồi bên cạnh tài xế, chỉ có một người ngồi ở ghế sau, đó là một viên chức quan trọng từ KCIA.” Rồi ngài nói tiếp về cuộc gặp mặt: "Không có một lời trao đổi nào giữa thầy và ông ta. Ông ta nhìn vào mặt thầy trong một thời gian khá lâu và không nói bất cứ điều gì. Chỉ cố gắng thăm dò một cái gì đó về thầy, có lẽ chú tâm đọc ý tưởng của thầy. Hai con cọp già đối mặt nhau, quan sát ánh mắt của nhau. Ha ha ha !”
Tổng thống Chun Du-Hwan đã thoái vị ngày 25 tháng 02 năm 1988, gây phản ứng mạnh mẽ với những tội cáo buộc ông lạm dụng quyền lực và tham nhũng. Ông bị truy tố bởi các sinh viên biểu tình phản đối, đặc biệt là vụ thảm sát Kwangju. Tiếp sau đó vào năm 1996, tám chính khách đã bị ra tòa với tội danh phản loạn và tàn sát. Các bản án được thực thi vào năm 1997, trong đó có án chung thân dành cho cựu Tổng thống Chun Doo-Hwan. Tuy vậy những kẻ bị kết tội đều được ân xá bởi Tổng thống Kim Young-Sam vào ngày 22 tháng 12 cùng năm. Thời gian đi tù, ông và vợ ông (mặc dù cả hai mới theo đạo Cơ đốc Tin lành vào thời điểm đó) đã chọn hình thức lưu đày và sám hối tại ngôi chùa cổ Bách Đàm (百潭古寺) tọa lạc gần núi Tuyết Nhạc (雪 岳 山), thuộc xã Bắc Diện (北面), quận Nhân Tế (仁濟), tỉnh Giang Nguyên Đạo (江原道). Do Từ Tạng Luật Sư (慈藏律師) (590 ~ 658) khai sơn vào thế kỷ thứ 7 trong thời cai trị của Thực Đức Nữ Vương (眞德女王, 647 ~ 654), đời thứ 28 của triều đại Tân La (新羅).) Chun Du-Hwan ở đó trong nhiều tháng.
Năm 1994, một trong những đệ tử xuất gia của Thiền sư Sùng Sơn đề nghị một cuộc gặp gỡ giữa Thiền sư với cựu lãnh tụ độc tài này tại chùa Bách Đàm. Mặc dù sống lưu đày và bị thất sủng, nhiều người căm ghét và ông ta cũng bị từ chối sự giúp đỡ của những mục sư Tin lành (Christian churchmen) của ông đã từng cải đạo cho ông. Ông quay về Phật giáo, nhà độc tài già vẫn còn nắm giữ quyền lực lớn. (Trước khi thoái vị, vào năm 1987 ông đã chọn Roh Tae Woo là ứng cử viên được đắc cử làm Tổng thống thuộc đảng Dân chủ cầm quyền đảng Công Lý, hiện nay là một phần của đảng Đại Dân Tộc).
Như đã được sự mời thỉnh, Thiền sư Sùng Sơn cũng muốn đến hướng dẫn họ Chun tiến sâu hơn vào sự thực hành: “Phản quan tự kỷ” để tự ăn năn sám hối những lỗi lầm do ông đã gây ra. Vì vậy, Thiền sư cùng với một trong những đệ tử xuất gia của mình đi đến chùa Bách Đàm cho cuộc gặp gỡ này.
Họ ăn trưa trong Trai đường với cựu tướng lãnh từng là Tổng thống, nói chung bây giờ ông ta mặc quần áo màu lam khiêm tốn trong chùa. Khi ăn, lúc nào cũng có một vài tu sĩ phục vụ sẽ dừng lại ở bàn ăn để xem hỏi thực phẩm có được đầy đủ không, họ cúi đầu thật sâu và ân cần chào nhà lãnh đạo độc tài với các chức danh kính cẩn và chọn những từ ngữ lịch sự dành riêng cho cựu Tổng thống Nam Hàn này.
Thị giả của Thiền sư Sùng Sơn nhớ lại, với lối xưng hô của ngài theo phong cách lịch sự hàng ngày, không phân biệt cho bất kỳ người cư sĩ bình thường nào. Sau khi ăn trưa, họ ngồi xuống uống trà, Thiền sư muốn tỏ bày những gì được viết trong bức thư đã gởi cho ông năm xưa. Người đàn ông quân sự đã quặm cằm lại và trong tư thế bật dậy như một lò xo nhìn vào thái độ hiển nhiên không hề sợ hãi của vị Thiền sư đang mỉm cười. Chun hỏi:
–Thư gì? Thầy đang nói gì thế?
Thiền sư Sùng Sơn, cho gọi thị giả là một nhà sư trẻ người Mỹ của mình tìm trong túi xách và lấy ra một phong bì dài mang con dấu của Trung Tâm Thiền Providence.
Ngài trao phong bì này cho cựu Tổng thống, người mà có khuôn mặt bây giờ đã được thu hẹp và tỏ ra căng thẳng. Thiền sư Sùng Sơn nhìn vào nhà cựu độc tài đang mở phong bì và bắt đầu đọc. Khuôn mặt của cựu Tổng thống Chun nổi lên màu đỏ, tỏ ra giận dữ khi ông ta xem qua bức thư, đôi mắt như tên bắn lướt qua lại trên tất cả các dòng chữ. Hơi thở của ông trở nên mạnh mẽ hơn. Sự căng thẳng dày đặc trong căn phòng, khiến người phụ tá của ông ta liếc nhìn Thiền sư rất thận trọng và hoàn toàn nghĩ đến cơn nóng giận sắp xảy ra bởi cá tính nổi tiếng của Chun.
Dốc cạn ly trà của mình, Thiền sư Sùng Sơn mỉm cười một cách thoáng đạt, ngài rất hài lòng khi thấy rằng việc cảm hóa cuối cùng đã đạt được mục tiêu. Ngài chỉ vào người thị giả của mình đứng dậy xin cáo lui. Dưới đây là nội dung bức thư:
THƯ GỬI NHÀ ĐỘC TÀI
Trung Tâm Thiền Providence, Cumberland, R.I.
Ngày 25 tháng 8 năm 1982
Kính thưa Tổng thống Chun,
Chào mừng ông đã từng về nương Ba ngôi báu: Phật, Pháp, Tăng.
Vầng ô trôi nhanh như tên bắn và nó đã được hơn hai năm kể từ khi ông trở thành Tổng thống của xứ sở Kim Chi, Hàn Quốc. Trong thời gian qua, ông đã làm việc chăm chỉ với cương vị lãnh đạo đất nước và nhân dân ta. Tôi kính gửi đến ông về sự quan tâm của tôi, hy vọng chuyện này không có gì gây ảnh hưởng đến sức khỏe của ông.
Tôi không có dụng ý viết thư chỉ trích có hay không về những luật lệ của ông ban hành là "tốt" hay "xấu". Xã hội ngày nay, chúng ta càng thấy có rất nhiều cuộc tranh cãi với nhau hơn giữa cái "đúng" và cái "sai". Trong thế giới loài người, đây là một cuộc đấu tranh cũ rích và hầu như vô tận. Nhưng thay vì tham gia vào loại đấu tranh này, chúng ta tự hỏi: Bản chất của “thiện” là gì? Bản chất của “ác” là gì?" Bản chất của “vũ trụ bao la” này là gì? Hoặc bản chất của "thời gian" và "không gian" là gì? Chúng thực sự tồn tại mãi không? Hiểu được như thế thì những sự tranh cãi vụn vặt đó ắt không còn, và chúng ta ngay lập tức sẽ bắt đầu nhìn thấy thế giới hiện thực trong cuộc sống chúng ta. Một vị Tổ sư nổi tiếng đã từng nói:
“Thiện–ác nguyên vô tánh.
Thánh–phàm thị hư danh.
Môn tiền tịch quang thổ.
Xuân lai thảo tự sanh.”
Thiện–ác vốn không tánh.
Thánh–phàm chỉ giả danh
Ngoài sân, nắng chiều xuống
Xuân về, cỏ tự sanh.
(Good and evil have no self-nature.
“Enlightened” and “unenlightened” are empty names.
In front of the doors* is a land of perfect stillness and light:
Spring comes, and grass grows by itself.)
Vì vậy, "tốt" và "xấu", “thiện” hay “ác”, tự nó không tồn tại. Nó phát xuất từ tâm suy nghĩ của chúng ta tạo ra. Một khi chúng ta cắt đứt mọi suy nghĩ, thì đâu là sự tồn tại của tốt và xấu, sanh và tử, cao và thấp? Nếu chúng ta khám phá ra mặt thật xưa nay (bản lai diện mục) của chính mình, thì ngay đó thực chứng hiện tiền trước suy nghĩ phát sinh, chúng ta sẽ có thể biến đổi thế giới này thành một vương quốc của hòa bình, tự do và bình đẳng.
Đó là lý do tại sao tôi không muốn thảo luận ở đây dù pháp lệnh của ông đã được chỉ thị không công bằng. Thay vào đó, tôi viết lá thư này cũng bởi vì những giọt lệ ray rứt trào dâng trong mắt tôi, khi tôi nhìn thấy đất nước thân yêu của chúng ta đã bị chia cắt làm hai, mà không cần nghĩ tới bao nỗi đau khổ hằn sâu trong tâm khảm của hàng triệu người dân do chính sự kiện này gây ra.
Thưa ông, trong lúc còn học trung học, tôi đã trải qua bốn tháng giam cầm như một tù nhân lương tâm trong thời gian Nhật Bản chiếm đóng Hàn Quốc. Sau khi đất nước được giải phóng, chúng ta thoát khỏi ách thống trị của Nhật, tôi đã tham gia vào các phong trào của sinh viên, tích cực phản đối chế độ Kim Nhật Thành (Kim II-Sung) ở Bắc Triều Tiên, để rồi buộc phải chạy trốn về miền Nam. Sau đó, đang học đại học, tôi đã chứng kiến những người thân phương Tây và đa số sinh viên thân Cộng, chia ra hai thành phần khác nhau tại thủ đô Seoul. Họ cùng đến tham dự cuộc “mít-ting” để đánh dấu ngày 01 tháng 3 năm 1919, là ngày lễ quốc gia kỷ niệm cuộc nổi dậy chống lại chế độ thực dân xâm lược Nhật. Cả hai phe cuối cùng tiến vào quảng trường trước nhà ga xe lửa, trung tâm thủ đô Seoul, nơi mà tôi thấy họ đấu tranh và thậm chí bắn giết lẫn nhau. Tôi không thể diễn tả cho ông biết thế nào là nỗi đau, khiến tôi tan nát cõi lòng, khi tôi chứng kiến cảnh này! Trong giây phút đó, tôi nói với bản thân mình, "A! đây đích thực là sự cáo chung của Hàn Quốc! Tại sao chúng ta lại có thể giết hại nhau vào một ngày thiêng liêng trọng đại như vậy? "
Tôi không thể nào chịu đựng tình trạng này được nữa, vì vậy tôi bước vào núi sâu, cạo tóc và trở thành tu sĩ. Cho đến bây giờ đã được gần bốn mươi năm kể từ khi tôi quyết định điều đó.
Như ông đã biết, sau khi đất nước được giải phóng từ Nhật Bản, có một bài hát đồng dao khá phổ biến ở trẻ em: "Đừng bị lừa bởi Nga; / Không phụ thuộc vào Mỹ; / Và coi chừng Nhật sẽ quay lại, người ơi! " Những lời này bây giờ đã trở thành hiện thực.
Thưa ông, chúng ta là người Hàn Quốc, người của trí tuệ soi sáng và tôn trọng đạo đức nhân văn, rất tận tâm với truyền thống Đông phương bác học, có tính thẩm mỹ tinh tế. Chúng ta tự hào là người tuyệt vời.
Kể từ khi đặt chân đến Hoa Kỳ lần đầu tiên cách đây mười năm (1972), tôi đã làm việc chăm chỉ để biểu hiện cho nhiều người phương Tây biết làm thế nào để tìm thấy con người thật của mình thông qua thực hành Thiền. Trong khi đi hoằng hóa khắp các tiểu bang Hoa Kỳ và các nơi trên thế giới, tôi đã bày tỏ tâm nguyện (niềm tự hào) rộng lớn là tôi có tình người (dân tộc) của chúng ta, và đã giải thích nhiều lần, kể cả lá cờ quốc gia của chúng ta hình bát quái, được dựa trên các nguyên tắc của triết lý Đạo học phương Đông. Tôi đã sử dụng điều này để bày tỏ những gì thuộc về triết học và con người có tâm hồn rộng mở mà chúng ta thật sự quan tâm.
Nó không phải là sự mong muốn của tôi để tạo ra một câu chuyện được đánh bóng dài dòng. Nhưng tôi không thể giúp đỡ gì khác, mà chỉ cho ông nhận ra một điều: Trong tâm chúng ta, không có Bắc hay Nam, không có sống hay chết, không có thời gian hoặc không gian. Chúng ta vốn tự đủ đầy toàn diện.
Nhưng khi suy nghĩ xuất hiện, tâm sẽ xuất hiện. Và khi tâm xuất hiện, tất cả các loại khái niệm tư duy xuất hiện, để rồi dính mắc ích kỷ với cái Tôi- của Tôi- thuộc về Tôi. Đây là lý do để tạo ra "cánh Hữu" và "cánh Tả" và đánh giá chúng một trong hai điều là "tốt" hay "xấu". Dính mắc suy nghĩ là mầm mống của tất cả các cuộc tranh cãi và xung đột trên cái "tốt" và "xấu". Đây là nguyên nhân sanh tử tràn đầy oan trái. Ai có thể mong chờ hòa bình thế giới xuất hiện thông qua các điều kiện và tình huống như vậy?
Khả năng của sự thống nhất Bắc và Nam Triều Tiên gắn liền với khả năng hòa bình thế giới. Vậy làm thế nào chúng ta mong đợi bao giờ mới có hòa bình? Trong khi hai miền đất nước chúng ta chỉ tạm thời ký hiệp ước ngừng bắn. Trong khi các chính trị gia, các học giả và các nhà lãnh đạo tôn giáo cho rằng tất cả họ và những người suy nghĩ như họ đều đúng, còn những người khác không nghĩ như họ đều là sai!
Tuy nhiên, tôi cầu mong ông có thể nghĩ ra cách tạo thành một thế giới an bình, trong đó bất cứ ai xuất hiện để trở thành một chính trị gia đích thực, một học giả, hoặc giảng viên tôn giáo. Hòa bình thế giới sẽ hiện ra ngay lập tức! Đây là mục tiêu mà tôi cống hiến tất cả những nỗ lực ít ỏi của mình.
Vì vậy, tôi kêu gọi ông, là Tổng thống của đất nước chúng ta, hướng dẫn toàn dân tham gia một cuộc vận động toàn quốc để tìm lại bản chất Con người nguyên sơ , đó là Chân ngã của chúng ta. Khi nhiều người thực hiện công việc này, sẽ chấm dứt sự tranh cãi nhau, và không chỉ chúng ta sẽ đạt được một thế giới tuyệt đối, trong đó "đúng" và "sai"; "tốt" và "xấu", không còn tồn tại. Dẫu rằng nhiệm kỳ Tổng thống của ông có thể nói đã có một số giá trị tương đối là tập trung công cuộc hiện đại hóa đất nước, nhưng cũng bất chấp sự đau khổ của nó đã mang lại cho nhiều người dân ở mặt khác.
Tôi buộc lòng phải viết thư cho ông với tính cấp bách như thế, bởi vì những nỗi khổ niềm đau đối với mỗi cá nhân, cũng như cả quốc gia và dân tộc sẽ tăng thêm từ nay đến lúc hoa anh đào nở vào mùa Xuân năm 1984. Trừ khi ông đạt được Chân ngã của ông, nếu không, ông sẽ phải đối mặt với nỗi đau khổ riêng mình, thậm chí còn lớn hơn thế nữa. Vì vậy, điều quan trọng là phải ghi nhớ lời Phật dạy trong Kinh Đại Niết Bàn:
“Chư hành vô thường, Thị sanh diệt pháp,
Sanh diệt diệt dĩ, Tịch diệt vi lạc. “
Các hành vô thường, Là pháp sanh diệt,
Sanh diệt diệt rồi, Tịch diệt làm vui”.
Tất cả mọi sự vật trong thế giới này luôn luôn thay đổi, thay đổi: đó là quy luật sanh và diệt. Nhưng khi tâm biến mất, những ý kiến tư duy của chúng ta và sự dính mắc về cái Tôi – của Tôi – thuộc về Tôi của chúng ta cũng biến mất. Khi chúng ta trải nghiệm ở trạng thái hoàn toàn “vô ngã” này, hoặc "không có cái Tôi", sau đó tất cả mọi thứ mà chúng ta thấy và nghe đều là sự thật. Bầu trời xanh lơ, đó là sự thật. Cây cỏ xanh lục, đó là sự thật. Nước chảy, đó là sự thật. Chó sủa "Gâu! Gâu!"; Chim kêu "Chíp, Chíp! Muối mặn, đường ngọt: tất cả đều là sự thật tuyệt đối.
Ngay bây giờ toàn thể chúng ta đang sống trong một thế giới của sự thật. Nhưng bởi vì con người không biết nhận ra Chân tánh của họ, họ không thấy, nghe và ngửi trong thế giới – “Như thật” mà họ đang sống.
Thưa ông, tôi không quan tâm đến việc thảo luận về thành tích của ông trong cơ quan làm việc. Cho dù đường lối chính trị của ông đúng hay sai, nó được thể hiện qua những hành động và tư cách Tổng thống của một đất nước. Do vậy, ông cần phải có nhiệm vụ dẫn dắt và điều phối người dân Hàn Quốc thật tốt. Thành phần nội các trong chánh phủ của ông với chính sách đã thực thi trong quá khứ, thay vào đó, ông nên tự hỏi mình bây giờ nên làm gì có thể cải thiện cuộc sống thực sự cho dân tộc, quê hương mình.
Tôi biết rằng có những thế lực từ bên ngoài xúi giục một nhóm người muốn kích động xung đột tôn giáo và sự hiểu lầm ở Hàn Quốc. Làm thế nào chúng ta có thể cho rằng điều này là đúng? Một số nhà lãnh đạo tôn giáo liên tục nói về việc có hay không những người đang nắm "quyền" thiên vị về tôn giáo. Hoặc có hay không là người tin vào một đức tin đặc biệt của họ, mà họ coi như là đạt tiêu chuẩn duy nhất để lãnh đạo quốc gia. Nhưng một người lãnh đạo thực sự có tín ngưỡng của một tôn giáo, cho dù những người khác không theo tôn giáo của mình, họ cũng phải sử dụng lòng Bác ái và tâm Từ bi, chí công vô tư, để dẫn dắt tất cả chúng sanh vào thế giới của sự thật, vào cõi thiên đường hạnh phúc và bình đẳng. Các tôn giáo phải có cùng mục đích: Vì quyền uy của Tổ quốc và lợi ích của nhân dân trên hết.
Ông sẽ có một trọng trách dễ dàng hơn nhiều trong việc điều hành đất nước, nếu ông có thể làm cho con người của các tôn giáo khác nhau, đặc biệt là các nhà lãnh đạo tinh thần phải đạt được Chân tánh của họ. Và bằng cách đó đạt được Chân lý tuyệt đối, trước khi họ nhận trách nhiệm lãnh đạo chính trị và tâm linh.
Một vị Tổ sư nổi tiếng đã từng viết:
“Trời đất, đất trời: trời đất chuyển.
Nước non, non nước: nước non không.
Trời trời, đất đất: khi nào chuyển?
Non non, nước nước: mỗi chia phân.”
(Heaven is earth, earth is heaven: heaven and earth revole.
Water is mountain, mountain is water: water and mountain are empty.
Heaven is heaven, earth is earth: when did they ever revole?
Mountain is mountain, water is water: each is separate from the other.)
Bài thơ này chỉ trực tiếp đến thể tánh con người và bản thể vũ trụ mà tôi đang nói. Con người mãi sống với vô minh, bởi vì trong khi họ đòi hỏi phải hiểu biết đủ thứ, nhưng họ không có ý chí nghị lực từ bản thân họ để hiểu thực sự “Họ là Ai!”
Vì vậy, nếu ông đạt được tự tánh của mình, thì ranh giới "Bắc" và "Nam" sẽ biến mất khỏi tâm ông. Một khi đạo đức trí tuệ được tròn đầy và có tính thuyết phục, thì sự thống nhất của Hàn Quốc sẽ xảy ra sớm hơn ông nghĩ. Nếu tất cả người dân Hàn Quốc chỉ đơn giản là chuyển sự chú ý của họ để đạt được chân tâm, thì việc thống nhất đất nước là một điều rất dễ dàng.
Đường lớn không cổng;
Cái lưỡi không xương.
Nắng Xuân lan tỏa.
Liễu xanh, hoa đỏ .
(The Great Way has no gate;
The tongue has no bone.
Spring sunlight fills everywhere.
Willow is green, and flowers are red.)
Chúng ta người Hàn Quốc vốn dĩ có tâm hồn chất trực thuần phác và ôn hòa. Tuy nhiên, trong suốt lịch sử của chúng ta, và đặc biệt là kể từ khi giải phóng khỏi ách thống trị của Nhật Bản, các chính trị gia đã giết chết linh hồn người dân Hàn Quốc và cổ vũ họ hành xử như loài động vật luôn luôn gây thù hận, chiến đấu sát phạt lẫn nhau dù là cùng ngôn ngữ, dân tộc anh em.
Thưa ông, chúng ta hãy nhìn vấn đề từ một khía cạnh khác: Hai hoặc ba ngàn năm trước, dân số thế giới có khoảng từ năm đến bảy trăm triệu người. Trong những ngày đó, mọi người sống hạnh phúc, giúp đỡ và yêu thương nhau trong sự hòa hợp tình làng nghĩa xóm. Nhưng bây giờ, năm 1982, dân số thế giới đã vượt qua cột mốc hơn năm tỷ người. Ông có thể tưởng tượng những người này từ đâu đến đây ? Ông có nghĩ rằng Thiên Chúa hay Đức Phật tạo ra họ? Tôi sẽ cho ông một gợi ý: Trên đời này, nhân quả rất rõ ràng. Không có gì xảy ra do ngẫu nhiên hoàn toàn. Cũng như ông trở thành Tổng thống là biệt nghiệp của ông, và cũng là một phần cộng nghiệp của người dân Hàn Quốc.
Vì vậy, chúng ta biết rằng, từ thời xa xưa cho đến bây giờ, con người đã giết chết quá nhiều động vật và rất thích ăn thịt, uống máu chúng. Kết quả của việc làm này là do con người tạo nghiệp, đã vô tình ăn thịt chính mình (trong cõi luân hồi). Theo Do Thái giáo và Ki-tô giáo cho rằng thượng đế sanh ra con người để thống trị trái đất, cùng sanh ra với các loài động vật để nuôi dưỡng sự sống cho con người (Vật dưỡng nhơn). Do đó họ phải giết và ăn tất cả các loài động vật họ muốn. Điều này khác nào khuyến khích con người trở thành người máy của chủ nghĩa duy vật biện chứng theo định hướng xã hội (không có tâm linh và không có nhân quả luân hồi). Như chúng ta đã nhìn thấy sự thống trị của nền văn minh phương Tây muốn dẫn đạo thế giới. Họ đã lấy từ cảm hứng này hình thành chủ nghĩa Cộng sản. Cả hai nền giáo dục: đặc quyền kềm kẹp và tự do phóng đảng đã tạo ra một loại đấu tranh ngu xuẩn. Với lối sống con chó-ăn thịt-chó và trên bất kỳ loại giá trị nào so với cái nhìn sâu sắc vào bản chất con người thật sự. Các quốc gia phương Tây, khi tôi viết điều này, họ đang tìm cách bảo vệ lối sống hip-py, tự do thác loạn của họ và mặt khác họ cố gắng theo đuổi việc chế tạo và dự trữ vũ khí hạt nhân. Nhưng ai có thể bảo đảm rằng một người nào đó vào một ngày không xa họ sẽ không bấm nút sử dụng các loại vũ khí nguyên tử để tránh tiêu diệt toàn thể nhân loại?
Trong khi đó, những loài động vật phải được đầu thai, chuyển kiếp. Do các yếu tố nghiệp giết mổ của người khác cùng với các điều kiện về cái chết của chúng, phần nhiều trong số chúng có thể được làm người. Chúng xuất hiện trong thế giới này là những con người, mang theo một tâm lý của luật "bù trừ" về những cái chết của chúng dưới dạng trả thù.
Đó là lý do tại sao chúng ta có thể thấy trường hợp mỗi ngày càng gia tăng cách đối xử của giới trẻ, không chỉ chúng không thèm chú ý đến lời khuyên của cha mẹ, của nhà trường. Thậm chí chúng giết chết cha mẹ của chúng bằng rìu, hoặc dao, hoặc súng. Đó cũng là lý do tại sao một cảnh sát trẻ ở phương Tây gần đây đã nỗi khùng giết chết nhiều người. (Hoặc một kẻ cuồng tín, điên loạn nào đó sả súng vào đám đông, hoặc những kẻ khủng bố gài bom giết người hàng loạt). Đó là lý do tại sao đa số thảm họa như máy bay rơi và các tai nạn giao thông khác xảy ra thường xuyên. Đó là lý do tại sao chính phủ Argentina vừa mới đây bắt đầu một cuộc nổi dậy chống lại Vương quốc Anh hùng mạnh dẫn đến những cái chết vô nghĩa của nhiều ngàn người. Và đó là lý do tại sao Hàn Quốc đã cho phép tự thân chế độ bị lừa gạt bởi Nga và Mỹ trong suốt ba mươi bảy năm dài kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ II, và thậm chí đất nước chúng ta không thể gọi là một quốc gia thực sự độc lập hay tự chủ nữa.
Bởi vì con người quá thèm khát máu thịt, nhiều loài động vật có khả năng được tái sinh làm người để trả thù, hoặc "bù trừ" với cái chết của chúng. Đây là luật nhân quả! Vì vậy, nó không phải là một tai nạn mà mọi người thường xuyên diễn tả. Các cụm từ như "đồ chó đẻ", "đồ ngu như bò", "đồ khỉ", " bọn súc sinh," hoặc "loài chuột bọ bẩn thỉu" để mô tả sự nguyền rủa người khác. Bởi vì nhiều người có tâm địa như chó, hoặc khỉ, hoặc bò, hoặc rắn vẫn còn ẩn tàng bên trong họ từ nhiều đời trước, mà những cá tính này dễ dàng bộc lộ với người khác.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy chúng ta không được giết hại chúng sanh. Ngài tuyên bố rằng tất cả chúng sinh đều có quyền sống tuyệt đối. Chúng ta những người Hàn Quốc sử dụng thuật ngữ "đảng chó" (dog party) khá nhiều. Điều này đề cập đến một tình trạng hỗn loạn và nhầm lẫn, nơi mà mọi thứ đều bị phân tán, chia rẻ. Ông có còn nhớ lại những sự kiện diễn ra đã dẫn đến sự thăng tiến của ông lên làm Tổng thống Hàn Quốc không? Sau khi cựu Tổng thống Park Chung-Hee bị ám sát, "ba đời nhà Kim" chiếm ưu thế trong đời sống chánh trị người dân Hàn Quốc, đó là: Kim Dae-Jung, Kim Jong-Pil, và Kim Yong-Sam, tất cả dưới những ánh mắt của họ cho là chắc chắn sẽ thắng cuộc trên một miếng thịt ngon thơm để trở thành chủ tịch nước. Nhưng không ai trong số họ có thể nắm bắt được đầy đủ cơ hội để chiếm nó hoàn toàn. Sau đó, ông xuất hiện, với họ Chun của ông, có nghĩa là "Toàn: 全" bằng tiếng Trung Quốc. Trong khi ba thế hệ nhà Kim đã chiến đấu với những người khác để giành miếng thịt ở "đảng chó", ông liền chụp lấy và ăn nó hoàn toàn, phải vậy không?
Nếu chẳng kể dòng họ nhà Kim thực sự có bản chất con người, lịch sử hiện đại của Hàn Quốc có thể đã có một khóa học khác. Loài chó không có sáng tạo, trong khi bản chất con người tràn đầy năng lượng để sáng tạo, hiểu biết, thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau. Một chính trị gia thực sự hoạt động vì dân vì nước phải vì Đại nghĩa – Đại cuộc trên hết và không phải là tâm của một con chó, chỉ biết tranh giành sự lợi ích của miếng xương mà chiến đấu lẫn nhau, hạ bệ nhau, bôi xấu nhau trên chính trường. Nếu một người đứng đầu nhà nước được quy định, thông qua bản chất con người của mình, ông ấy sẽ trở thành một "người lãnh đạo anh minh." Nếu ông ấy cai trị với những động cơ xấu xa và ích kỷ, ông ấy sẽ trở nên dính mắc đến một "đảng chó", và gây thảm bại cho quốc gia.
Vì vậy, một chính trị gia phải được hướng dẫn bởi tác phong đạo đức và hạnh kiểm. Chỉ có Chính trị Đạo đức mới có thể mang lại bất kỳ loại hòa bình thực sự trên thế giới này. Trong quá khứ, một vị vua luôn luôn nhận ra rằng, tính chuyên môn của mình trong chính trị có thể được phát triển nhân rộng, nhưng vẫn còn thiếu hiểu biết về mặt đạo đức và hạnh kiểm chân thật. Vì vậy, truyền thống tôn vinh các bậc minh sư cố vấn và học hỏi ở những bậc hiền tài, những bậc thầy giác ngộ đã được tấn phong lên vị trí "Quốc sư." Đó mới là quan trọng. Nếu một người lãnh đạo điều hành đất nước được hiệu quả, thì cựu Tổng thống Park Chung-Hee có một cuộc sống minh triết cá nhân rất trong sáng rõ ràng .
Chính sách của cố Tổng thống Park Chung-Hee, cho dù được đánh giá đúng hay sai, nó đã có một định hướng khá sáng suốt. Ông ta đã nhấn mạnh những bổn phận hiếu thảo và gìn giữ truyền thống cổ xưa của người dân Hàn Quốc. Ông ta nhắc nhở người dân Hàn Quốc tự hào về quá khứ của họ, và khuyến khích họ có sự tự tin mạnh mẽ trong công việc. Ông ta muốn làm cho họ ngẫng đầu lên về một cái gì đó trước thế giới. Nhưng thực sự là cơ cấu thể chế lâu dài của ông ta tạo ra nhiều mặt hậu quả không được chuẩn xác, không phù hợp với khế cơ khế lý, khiến cho một số người không ưa thích. Nhưng đó là một thực tế mà nhiều người trong chính sách của ông ta được hướng tới muốn làm sống lại niềm tự hào của chúng ta trong truyền thống đạo đức và làm việc có năng lực .
Thưa Tổng thống Chun, tôi có thể tìm hiểu những gì về hệ tư tưởng của ông không? Nó thật rất khó cho tôi để nhận ra! Ông nên sống với một nền Đạo học được coi trọng hiếu thảo và nhân phẩm cao thượng. Đây là cách duy nhất để người dân Hàn Quốc có thể sống còn. Nhân dân ta có thể sống còn nếu mỗi người trong chúng ta phục hồi được tự tánh (self-nature).
Vì vậy, thưa Tổng thống Chun, nếu ai đó hỏi ông, "Ông là ai?" Ông sẽ trả lời ra sao?
Khi Triết gia Socrates đã dạy người dân thành Athens hãy tự biết chính mình, có người hỏi Socrates: Thưa thầy, thầy có tự biết thầy là ai chưa? Socrates đã trả lời, "Tôi không–biết. Nhưng tôi biết cái mà tôi không–biết”. Câu nói này rất nổi tiếng " Không– biết" đó là triết lý của Socrates.
Thưa ông, ông phải tìm một triết lý sống để hướng dẫn cho chính mình. Nếu ông cai trị đất nước mà không có đường lối minh triết và không có sự hiểu biết đúng hướng, thay vào đó dựa trên ích kỷ, bản năng của đảng phái xôi thịt, tất sẽ có quá nhiều người dân Hàn Quốc phải gánh chịu khổ đau.
Tổng thống Mỹ Jimmy Carter thường đề xướng việc ủng hộ Nhân quyền, nhưng ông ta đã thất bại trong những nỗ lực chủ yếu của ông, vì ông ta không thể thực hiện lời nói của mình thành hành động. Một khi ông hoặc ai đó nói rằng chúng ta cần những Nhân quyền và những nguyên tắc đạo đức là chưa đủ. Cổ nhân đã dạy: "Đạo đức trong hành động, và kiên nhẫn trong phẩm hạnh." Chỉ khi nào có kiên nhẫn, ông mới có thể đạt được hướng đi đúng đắn. Và vũ trụ trở thành của ông, nếu ông thực hiện những lời nói của ông thành hành động chính xác.
Những kiến thức khôn ngoan độc tài không phải là Con đường mà chỉ là thủ đoạn của một chính sách hà khắc hung dữ như cọp (*). Có kiến thức khôn ngoan, cũng giống như nhân viên ngân hàng quản lý tiền bạc: Số lượng tiền có thể là rất to lớn, nhưng nó không thuộc về người quản lý ngân hàng. Họ đang cất giữ giùm sự giàu có của một số người nào khác! Số tiền này một phần nhỏ sẽ trở thành tiền lương của họ chỉ khi họ kiếm được nó bằng sức lao động chính mình.
Trong cùng một phương thức, người ta ở khắp mọi nơi đang tranh cãi không ngừng về sự tò mò hiểu biết của những người khác, mà không tạo ra sự hiểu biết của chính họ. Đây là lý do tại sao thế giới của chúng ta được chia thành nhị nguyên đối đải: "đúng" và "sai". Khi ông cắt đứt mọi suy nghĩ và trở về Tự tánh, đạt được Thật tánh, thì không còn bất kỳ phải hay trái; thiện và ác, sanh và tử; cao và thấp.
(*)孔夫子過泰山側,有婦人哭於墓者而哀。夫子式而聽之,使子路問之,曰:“子之哭也,壹似重有憂者。“乃曰:然。昔者吾舅死於虎,吾夫又死焉,今吾子又死焉。夫子問:何為不去也?曰:無苛政。夫子曰:“小子識之苛政猛於虎也。
Phiên âm: Khổng Phu tử quá thái sơn trắc, hữu phụ nhân khốc ư mộ giả nhi ai. Phu tử thức nhi thính chi, sử Tử Lộ vấn chi ,viết: “Tử chi khốc dã, nhất tự trùng hữu ưu giả.” nãi viết: “Nhiên. Tích giả ngô cữu tử ư hổ, ngô phu hựu tử yên, kim ngô tử hựu tử yên.” Phu tử vấn : “Hà vị bất khứ dã ?” Viết:“Vô hà chính.” Phu tử viết: “Tiểu tử chí chi, hà chính mãnh ư hổ dã.”
Dịch nghĩa: Khổng Phu Tử đi qua núi Thái, gặp một người đàn bà khóc bên mộ rất bi thương. Phu tử cúi đầu tựa vào đòn ngang xe để lắng nghe, rồi sai Tử Lộ hỏi bà ta rằng: “Tiếng khóc của bà dường như có nhiều nỗi đau buồn phải không?”. Bà bèn trả lời: “Đúng thế. Ngày trước cha chồng tôi chết vì cọp vồ, sau đó chồng tôi chết vì cọp, bây giờ con trai tôi cũng chết vì cọp”. Phu tử hỏi: “Tại sao bà không bỏ đi?”. Bà đáp: “(Tuy vậy) ở đây không có chính sách hà khắc”. Phu tử nói rằng: “Các trò hãy ghi nhớ điều đó. Chính sách hà khắc còn tàn bạo hơn cọp dữ”. (ND)
Phật giáo chỉ dạy rất cơ bản về cách chúng ta tạo ra những ưu việt trong tâm chúng ta. Khi cái "Tôi" tồn tại, thì đối tượng “đó” tồn tại; và khi "Tôi" không tồn tại, thì đối tượng “đó” biến mất. Như vậy cái “Tôi” hão huyền này là vấn đề quan trọng nhất. "Ông là ai?" Ông có hiểu cái "Tôi" này của ông không, thưa Tổng thống Chun? Nó là gì? Xin hãy cho tôi biết! Có lẽ điều đó thực sự bây giờ ông chưa biết phải không? Vậy thì, tôi hỏi ông, bằng cách nào ông có thể ban hành Hiến pháp và luật lệ quá khắc khe để cai trị một quốc gia trong khi ông không biết cái "Tôi" là gì? Làm thế nào ông có thể lãnh đạo một đất nước có hàng triệu ý kiến đúng đắn của người dân, mà thậm chí ông không biết ông là Ai ? Và vị trí, thế đứng của ông ở chỗ nào? Nếu không muốn nói từ lòng dân!
Nho giáo cũng có những lời dạy tuyệt vời có thể giúp ông tìm ra con đường lãnh đạo. Đức Khổng Tử dạy rằng: “Dục thiên hạ bình, tiên trị kỳ quốc. Dục trị kỳ quốc, tiên tề kỳ gia. Dục tề kỳ gia, tiên tu kỳ thân. Dục tu kỳ thân, tiên chánh kỳ tâm”. Nói ngược lại, có nghĩa là đào tạo về mặt đạo đức “Tu thân, Chánh tâm” của một con người, sẽ dẫn đến quản lý đúng đắn của một gia đình được an vui hạnh phúc. Khi gia đình an vui hạnh phúc dẫn đến một quốc gia yên ổn thạnh trị. Và hòa bình thế giới có thể lan tỏa khắp muôn nơi.
Khi đất nước chúng ta được dẫn dắt bởi nhà cầm quyền đã đạt được hướng đi đúng đắn. Việc đào tạo đạo đức xuất phát từ việc đào tạo tâm thức (Chánh-Thiện) của mỗi con người, được chỉ ra bởi Con Đường Rộng Mở, đó là chân lý tuyệt đối của vũ trụ. Nhấn mạnh tầm quan trọng từ việc đào tạo Đạo đức, Khổng Tử đã kêu gọi những ai theo ngài phải tuân theo ba nguyên tắc cơ bản (Tam cang) quan hệ giữa con người với nhau. Đó là Đạo vua tôi, Đạo cha con và Đạo vợ chồng (Quân thần cang, Phụ tử cang, Phu thê cang). Ngoài ra có năm đức (Ngũ thường): Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Nhưng ngày nay mọi người chả cần lưu tâm qua những giáo lý đó và đánh giết nhau túi bụi như những loài động vật hoang dã (dù là cùng một giống nòi, một dân tộc).
Vì vậy, như tôi đã nhấn mạnh nhiều lần, chúng ta có thể mong đợi sự thống nhất của Hàn Quốc và đạt được nền hòa bình trên thế giới, chỉ khi nào chúng ta khôi phục lại bản chất Con người ban sơ hiền thiện của chúng ta. Không có cách nào khác, như một cuốn sách lịch sử Hàn Quốc từ xa xưa đã ghi: "Thế giới bình đẳng, tự do và hòa bình sẽ chỉ đến khi chúng ta trở về với bản thể ban đầu của chúng ta." Và điều đó rất quan trọng mà ông có thể đạt được cái "Tôi" chính xác. Một bài thơ Trung Quốc cổ đại diễn tả ý nghĩa này:
Đến tay không, đi tay không, đó là kiếp con người.
Khi bạn sinh ra, bạn từ đâu đến?
Lúc bạn chết rồi, bạn về nơi đâu?
Sống như mây nổi.
Chết như mây tan.
Mây nổi tự thể vốn không còn.
Sống và chết, đến và đi, cũng như thế.
Nhưng có “một vật” luôn luôn vẫn rõ ràng.
Tinh khiết và sáng trong, Không phụ thuộc vào sanh tử.
(Coming empty-handed, going empty-handed
—that is human.
When you are born, where do you come from?
When you die, where do you go?
Life is like a floating cloud appearing in the sky;
Death is like a floating cloud disappearing in the sky.
The floating cloud itself originally does not exist.
Life and death, coming and going, are also like that
But there is one thing which always remains clear.
It is pure and clear, not depending on life and death.
Có “Một vật" mà nó hiểu rõ rằng trời xanh, cây xanh, nó nghe tiếng chó sủa, "Gâu! Gâu!" Khi nếm muối thì mặn, đường thì ngọt. Đó là "một vật" tinh khiết và rõ ràng, không phụ thuộc vào sanh tử. Vâng, cơ thể chúng ta có sanh có tử, nhưng Chân tánh của chúng ta không có sanh tử.
Vậy thì, một vật trong sáng và rõ ràng này là gì, thưa Tổng thống? Ông sẽ trả lời câu hỏi đó thế nào? Ông có thể hiểu ít nhất thời điểm đó, một khi ông đang điều hành đất nước. Nếu ông không thể trả lời câu hỏi này, thì ông cũng không hiểu được Chân lý một cách chính xác, hoặc cuộc sống đúng nghĩa. Nếu không có sự hiểu biết này, ông có thể không trung thực để được gọi là nhà lãnh đạo sáng suốt.
Chúa Giê-su đã dạy: "Ta là Con đường, Chân lý và Sự sống.” Đức Phật cũng dạy cùng một quan điểm: "Khi nhận ra Chân tánh của mình, các người sẽ hiểu Chánh đạo, thấu đạt chân lý của vũ trụ, và chức năng cuộc sống đúng nghĩa". Vì vậy, chúng ta có thể thấy rằng Phật giáo và Thiên Chúa giáo cả hai đều có cùng một mục đích. Họ chỉ sử dụng phương tiện khác nhau để đạt được mục đích đó, chủ yếu Ki-tô giáo là một tôn giáo dựa trên đối tượng, trong khi Phật giáo tìm cách hiểu biết về chủ thể chính mình, Tự hỏi: Ta là gì?
Tuy nhiên, một số người theo Ki-tô giáo tại Hàn Quốc luôn luôn tuyên bố sai lầm, cho Phật giáo là một tôn giáo mê tín dị đoan. Tại sao tâm địa họ quá hẹp hòi, nông cạn thế nhỉ?! Những người như vậy, thậm chí không hiểu những lời đầu tiên trong Kinh Thánh đã dạy. Khi tôi hoằng hóa ở Hoa Kỳ, tôi đã được mời đến thăm nhiều nhà thờ, gặp gỡ các linh mục và mục sư, chúng tôi đã tự do thảo luận nhiều khía cạnh của đời sống tâm linh chung của chúng ta. Chúng tôi đều đồng ý rằng chúng ta, những nhà lãnh đạo tôn giáo, cần phải bắt tay ngồi lại bên nhau và làm việc thật chăm chỉ, nếu chúng ta muốn cứu giúp tất cả nhân loại chúng sinh thoát khỏi khổ đau.
Thưa Tổng thống Chun. Có nên làm như vậy đối với tình huống tại Hàn Quốc của chúng ta hôm nay hay không? Các nhà lãnh đạo của các tôn giáo có nên hợp tác với nhau chăng? Nếu một mái ấm gia đình muốn phát triển thịnh vượng, không nên có bất kỳ thủ đoạn gây hấn giữa các thành viên trong ngôi nhà đó. Hãy nhận thức rõ về tình huống đáng buồn của những mối quan hệ tôn giáo tại Hàn Quốc, và kịp thời chấn chỉnh bằng một chiến dịch toàn quốc đổi mới, khuyến khích tất cả mọi người nhận ra Chân tánh của họ. Một chiến dịch như vậy cuối cùng sẽ dẫn chúng ta đến hiệp thông và thống nhất đất nước, (không hận thù, không chia rẻ, tránh được đổ máu giữa những người anh em). Đó sẽ là một bước quan trọng đối với nền hòa bình cho đất nước chúng ta và cho cả thế giới.
Thưa Tổng thống Chun, người ta thường nói có ba điều nguy hiểm: đó là mũi kiếm, đầu lưỡi và ngọn bút. Vì vậy, người xưa dạy rằng: “Không khuất phục trước mũi kiếm, không để bị đánh lừa bởi đầu lưỡi, và không nên bẻ cong ngọn bút.”
Thưa ông, ông có dàn dựng cuộc đảo chánh với một mũi kiếm không? Vì chính ông đã làm, dĩ nhiên ông phải biết rằng đó là trách nhiệm của ông sử dụng quyền lực một cách khôn khéo mà ông đã đạt được. Nếu đạt được điều đó rồi, ông phải hiểu rõ “Chức năng Tuyệt vời” của ông, là giữ cái tâm sáng suốt như hư không, và ứng dụng nó một cách tỉ mỉ cho việc chăn dân trị nước.
Mặc dù Chân tánh của chúng ta là tuyệt đối và bao la, nhưng khi ông có được “Chức năng Tuyệt vời” thì ngay đó trời và đất, núi và nước, trên và dưới được phân định rõ ràng. Khi đói phải ăn; khi khát phải uống: đây là những ví dụ về “Chức năng Tuyệt vời”. Khi một người thực sự chiến thắng theo Công lý, lẽ Đạo, họ nhận được nhiều phần tán thưởng. Nếu ai đó thực hiện hành động sai lầm, dẫn đến thất bại thì phải chịu hình phạt. Lịch sử đã cho thấy điều đó: Có công thì thưởng, có tội thì trừng là như thế. Khi ông hiểu rõ Giáo pháp này hoàn toàn, ông sẽ thấy rằng thực sự pháp luật đúng đắn chứa đựng Đạo lớn của Công lý, Lòng từ và hành động Nhân bản. Đạt được điều này, ông sẽ trải rộng tấm lòng thương dân mến nước như thể không khác gì tình yêu của ông đối với con cái và gia đình.
Thưa ông, có khi nào ông thực sự nghĩ rằng ông đã nắm vững tất cả những gì về nguyên tắc lãnh đạo? Chúng ta có một kho báu vô tận về chúng nằm sẵn bên trong tâm trí của chúng ta. Nếu ông không biết điều này, tôi đề nghị ông nên đi tìm một bậc thầy giác ngộ chỉ bảo, trước khi ông lãnh đạo một quốc gia.
Tôi thấy sự kiện đất nước thông qua những cuộc đấu tranh lâu dài và gian khó của quần chúng nhân dân, vì vậy tôi muốn cảnh báo để ông có thể dành thời gian và nỗ lực cần thiết!
Tôi vốn sinh ra trong một gia đình theo đạo Tin lành ở Bình Nhưỡng (Bắc Hàn) và thường đi nhà thờ vào mỗi Chủ Nhật. Khi tôi còn học trung học, những học sinh Hàn Quốc có khoảng chừng nửa lớp, trong khi học sinh Nhật Bản cũng chiếm một nửa lớp. Không có chuyện công bằng, dù cho các học sinh Hàn Quốc thông minh cở nào, chỉ có học sinh Nhật Bản mới được làm trưởng lớp và phó trưởng lớp mà thôi. Trên thực tế, những người trưởng lớp và phó trưởng lớp lại là một trong số các học sinh dở nhất lớp! Nhưng vì người Nhật cai trị chúng ta, nên họ có đặc quyền áp đặt vào thời điểm ấy.
Hơn nữa, như ông đã biết, người Nhật cai trị, họ đã cố gắng muốn xóa sạch toàn bộ lịch sử, văn hóa, và ngôn ngữ của chúng ta. Thậm chí còn thay đổi tên của chúng ta bằng tiếng Nhật và thay đổi ngay cả lá cờ Tổ quốc thân yêu của chúng ta. Lúc đó lòng yêu nước và sự hận thù của tôi đối với người Nhật rất mãnh liệt, cho nên tôi đã tranh cãi cùng với các học sinh Nhật Bản mỗi ngày, và đã bị trừng phạt bởi các giáo viên người Nhật.
Sau đó, vào một ngày, tôi gặp một thành viên của quân đội Hàn Quốc Tự do. Ngay lập tức tôi lấy trộm tiền từ gia đình ba mẹ tôi và đi về phía Bắc đến Cáp Nhĩ Tân để tham gia kháng chiến cùng với một người bạn thân. Đến Cáp Nhĩ Tân, tôi gặp anh trai của bạn tôi, người đã tốt nghiệp từ một trường đại học Nhật Bản và làm chủ một nhà máy gạo ở đó. Khi chúng tôi bày tỏ về việc tham gia quân đội kháng chiến, ông đã lên cơn thịnh nộ và hét to:
–Đồ con nít ranh mà bày đặt! Tụi bây hiểu gì về kháng chiến và độc lập hả? Vấn đề độc lập không thể hành động bằng cảm tính riêng tư! Nó có thể thực hiện chỉ khi nào lý trí, cảm xúc, và ý thức toàn dân trở thành một khối. Tụi bây phải có một tầm nhìn chính xác vào cuộc sống và tổng thể phổ quát. Với kiến thức như vậy, thì hành động đúng sẽ luôn luôn xuất hiện. Hiểu không?
Ông cũng chỉ ra rằng, "Ba điều: Mũi kiếm, đầu lưỡi và ngọn bút" mà người xưa để lại (nêu trên) nên cân nhắc cho kỹ. Do vậy tôi phải trở về Bình Nhưỡng và đi học trở lại cho đến khi trung tâm năng lực của tôi đã trở nên mạnh mẽ và ý chí tôi kiên định không đổi dời.
Cho nên, từ kinh nghiệm này, tôi nói với bạn tôi: chúng ta phải tìm ra bản chất thực sự của chúng ta để chúng ta không bị khuất phục trước mũi kiếm, không để đánh lừa bởi đầu lưỡi, và không bị dối gạt bởi ngọn bút. Chính Ba điều trên từ lúc ban đầu đã lừa dối nhân loại, tạo ra sự tồn tại của "chủ nghĩa Cộng sản" và "chủ nghĩa Tư bản". Và sau đó đã thu hút nhiều người lao vào cuộc chiến này, để rồi chúng đe dọa phá hủy cả thế giới hay sao? Vì vậy, rõ ràng rằng chúng ta phải vượt qua những nguy hiểm nghiêm trọng của "Ba điều trên". Để thực hiện, chúng ta phải trở về với tánh thể ban đầu của chúng ta.
Nhưng thưa Tổng thống, kể từ khi ông chấp chánh, thậm chí không biết gì về cái "Tôi" của ông làm Tổng thống, tôi khuyên ông nên tìm kiếm các bậc minh sư và đặt câu hỏi về một người đã thấu rõ về bản chất của chính trị đạo đức.
Tuy nhiên, ông không nên để bị lừa bởi kiến thức tư duy chỉ về vấn đề này: đó là kiến thức khái niệm vẫn chưa phải là minh triết khôn ngoan thật sự. Khi tôi còn là thành viên trong ban giám đốc của Đại học Đông Quốc (Dongguk), một trường đại học Phật giáo lớn nhất trong nước, tôi đã cố gắng để xác định vị trí cho nhà trường một người thực sự gồm cả hai: có học và có hạnh. Tôi khám phá nhiều, rất nhiều những người xuất sắc trong các lĩnh vực học tập của họ, nhưng không thể tìm được một giáo sư đại học xứng đáng là bậc Thầy có tài năng kết hợp với phẩm hạnh và đạo đức thật sự. Quan điểm của tôi là, chúng ta không thể mong đợi những người lãnh đạo hướng dẫn đất nước tốt, vì đó chỉ là kiến thức thu thập và học tập theo sự hiểu biết của thế gian đầy mưu mẹo, xảo trá để tranh giành quyền lực, kiếm chác tiền của và tài sản quốc gia. Ông phải hiểu rằng trong các trường học, chúng ta chỉ tích lũy kiến thức thế gian nhiều hơn và cô đặc hơn. Trong khi sự minh triết thuộc lãnh vực trí tuệ sáng tạo, thật sự xuất phát từ cái nhìn sâu sắc của chúng ta tiến thẳng vào bản thể tự nhiên. Sự khôn ngoan của loại hình này hướng dẫn trực tiếp đến hành vi đạo đức và phẩm hạnh.
Sách vở kiến thức giống như một máy ghi âm: tất cả mọi thứ được ghi lại từ người khác. Đó chỉ là ý tưởng của người khác, mà ta đã thu thập được vào bộ não. Nhưng chúng ta có thể thấu tột và sống rõ ràng chỉ khi có Trí tuệ sáng suốt, dẫn đến lòng Từ bi cứu độ tất cả chúng sinh khỏi đau khổ.
Thưa ông, trong suốt chiều dài lịch sử, chúng ta có nhiều vị Thiền sư đã kết hợp sự hiểu biết của họ với tư duy đúng đắn để tạo thành trí tuệ làm nền tảng đạo đức trong công việc hộ quốc an dân. Những người như vậy luôn xuất hiện bất cứ khi nào đất nước cần họ, nhất là tại những thời điểm vận nước lâm nguy. Đại Thiền sư Won Hyo của triều đại Tân La là một ví dụ, cũng như Quốc sư Bo Myong từ triều đại Koryo, Đại sư So Sahn và Sah Myong của triều đại Yi, và Thiền sư Cảnh Hư và Mãn Không trong thời kỳ đầu hiện đại hóa đất nước của chúng ta.
Trong thời gian chiếm đóng và ngay sau khi giải phóng từ Nhật Bản, chúng tôi đã nhìn thấy Thiền sư Dong Sahn, Hyo Bong, Keum Oh, Hyong Dahm, Kyong Sahn, và Kyong Bong, tất cả những ngọn đèn lớn đã ra đi trong những năm gần đây.
Mặc dù chúng ta đã mất đi rất nhiều bậc chân tu thạc đức vĩ đại, nhưng hiện tại vẫn còn duy trì đường lối tu tập chín chắn và sự giảng dạy đúng đắn tại Hàn Quốc. Nhiều người đi vào núi sâu để tầm sư học đạo. Họ là kho báu của quốc gia.
Thưa Tổng thống, những người được ca ngợi như những bậc thánh sống, hiện giờ đã ở về phía Tây đất nước chúng ta. Thật không may, bởi vì nền chính trị ở Hàn Quốc lúc này rất khốc liệt, ba vị minh sư đó đã quyết định không tham gia vào thế sự và đã sống hạnh xa lìa thế giới trần tục mà ông đang sống.
Thưa ông, vì lợi ích của người dân Hàn Quốc, ông có thể vui lòng tìm đến ba vị minh sư này để học hỏi, và hiểu rõ về tuệ giác cũng như bản chất đạo đức để hành động. Hãy dẫn dân tộc của ông trong một hướng đi đúng đắn bằng sự đạt được thể tánh uyên nguyên của ông.
Ông có thể tìm học nơi ba vị thầy này, mà một trong ba vị là Đại Thiền Sư Soeng Chol, người đã hoàn toàn vứt bỏ cuộc sống thế gian, sống trong mái chòi tranh BacK Ryon Am, ẩn dật sâu trong núi Kaya, phía sau chùa Hải Ấn (Hae In Sah). Ngài đã tuyên bố sẽ không bao giờ xuống núi.
Vị thầy thứ hai có một sự hiểu biết thâm sâu về Nho giáo, Phật giáo và Lão giáo. Đó là Đại sư Tan Ho, hiện trú trì tại chùa Weol Jeong trong núi O Dae.
Vị thầy thứ ba là Kwan Ung Sunim, trú trì tại chùa Yu Ji trong núi Hwang Ak .
Tôi thiết tha mong cầu ông đạt được trí tuệ chính xác của ông, Thưa Tổng thống, và đó là ý nghĩa mà ông nên tìm ra những bậc thầy vĩ đại này. Học hỏi các vị ấy về giáo lý và được chỉ cho sự tu tập để ông minh tâm kiến tánh. Ai có thể đảm bảo rằng ông sẽ sống đến ngày mai hoặc những ngày sau đó nữa? Một người như ông chết đi mà không giúp ích gì cho đất nước, cho dân tộc, hoặc cho gia đình, hoặc thậm chí thống nhất hai miền Triều Tiên và làm cho thế giới hòa bình thật uổng tiếc. Do vậy, Khổng Tử nói: "Sáng nghe Đạo, chiều chết cũng cam". Và Đức Phật dạy trong Tâm Kinh Bát Nhã rằng: “Khi quán chiếu Ngũ uẩn giai không, tỏ ngộ tự tánh, vượt thoát sanh tử, nên không còn sợ hãi.” Nói chính xác là chỉ có tâm nguyện cứu độ tất cả chúng sanh khỏi đau khổ, không chỉ trong đời này, mà cả những đời sau nữa. Chúng tôi gọi đây là Đại Bồ tát Đạo, không riêng lợi ích cho mình mà vì lợi ích của tất cả nhân loại chúng sanh. Ba vị minh sư trên có thể chỉ cho ông phương pháp để thực hiện điều này!
Thưa ông, tôi không biết có những bậc hiền tài thực sự chung lo đại cuộc trong xã hội và của các tôn giáo khác hiện có mặt hôm nay trên nước ta hay không? Nếu có, xin vui lòng tìm đến họ, ân cần mời họ để chung sức, chung lòng xây dựng đất nước thân yêu của chúng ta trong những lúc khó khăn này. Nếu làm được như vậy, sau đó toàn dân sẽ đoàn kết và có hướng đi đúng đắn để chúng ta có thể đạt được sự thống nhất đất nước mà không đổ máu và không còn thù hận. Điều này sẽ là nhân tố tạo nên những hạt giống hòa bình trên thế giới.
Lịch sử cho chúng ta biết rằng khi các tôn giáo của một quốc gia hoạt động đúng đắn, (luôn luôn đặt quyền lợi quốc gia và sinh mệnh dân tộc lên trên hết) thì quốc gia đó thịnh vượng, an bình. Khi các tôn giáo cố tình khuynh loát chính trị, gây chia rẻ, bảo thủ, cố chấp, cực đoan, giành giựt tín đồ, dẫn đạo sai lầm, sẽ đưa đất nước đến loạn lạc, tiêu vong. Đây là những trường hợp của hầu hết các quốc gia trên thế giới trong từng giai đoạn lịch sử đã diễn ra. Chỉ cần nhìn vào các nước Hồi giáo, ngay cả, Hoa Kỳ và Nhật Bản chúng ta cũng sẽ thấy rõ điều này. Bởi vì tôn giáo ở những nơi đó đã rơi vào tình trạng hỗn loạn, đường hướng chủ trương ban đầu của họ đã bị xuyên tạc vì mục đích không trong sạch. Do đó hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội dẫn đến mức độ nền kinh tế vật chất cạnh tranh hưởng thụ, đánh mất phương hướng tâm linh của họ.
Đây là lý do tại sao nó vô cùng quan trọng để từ bỏ những suy nghĩ cực đoan, cho là “tôn giáo của tôi là tối cao so với tôn giáo của ông”. Đây là lý do tại sao nó có tầm quan trọng hơn hết để chúng ta khám phá ra bản chất con người thật của chúng ta. Chúng ta có thể sống với niềm tin tôn giáo đúng đắn, một đường lối chính trị chính xác, một hệ thống kinh tế vững vàng, và một nền văn hóa cao đẹp, chỉ khi nào mọi người cố gắng nỗ lực tu tập đạt được Chân tánh (true-nature) của mình. Khi ông buông xuống ý tưởng, điều kiện và tình huống, tức thì tự-tánh (self-nature) sẽ xuất hiện một cách tự nhiên, tỏa sáng như ánh mặt trời. Sau đó, thế giới này sẽ được chuyển thành một thiên đường, nơi ông có được vị trí chính xác.
Ông có nhận ra rằng chúng ta đang sống trong một thế giới liên tục thay đổi không ngừng không? Toàn bộ sự hiện hữu này là đầy dãy sự thay đổi, thật không thể tin tưởng được. Vì vậy, ông phải đạt được cội rể đích thực của ông; ông phải đạt được bản thể của đất mà bây giờ ông đang đứng trên đó. Ngay cả một đứa trẻ biết rằng một cây không có rễ, không bám sâu trong đất, không thể đứng vững được! Nó sẽ nhanh chóng bị ngã đổ.
Cương vị của ông là Tổng thống, ông cần phải cảm nhận được tâm trạng của người dân bức xúc và xác định những gì họ thực sự mong muốn. Đây là căn gốc của ông khi làm Tổng thống. Ông có thể nhìn thấy bằng đôi mắt của ông thay đổi các điều kiện, trong đó mọi người sống và làm việc với ông. Ông phải sử dụng đôi tai của ông để biết lắng nghe sự chuyển động của tâm hồn họ, và những khiếu nại của họ. Ông phải sử dụng mũi để ngửi thấy chiều hướng trạng thái của họ, để cảm nhận những cơn gió mà họ cho là Cách Mạng thổi qua xã hội chúng ta và trên thế giới. Ông phải sử dụng lưỡi của ông để biết hương vị của những gì tự mình đang nếm trải trong từng khoảnh khắc. Và ông phải sử dụng thân thể của ông để hành động, xúc tác phục vụ cho họ.
Ông chỉ có thể làm Tổng thống lâu dài nếu tự thân ông có thể tìm thấy gốc rễ của nó, và sau đó biết được thế đứng của ông trên mặt đất. Tôi yêu cầu ông hãy tìm ra câu hỏi "Gốc rễ của tôi là
gì?" "Khi nào gốc rễ của tôi được tạo ra?" "Ai là gốc rễ của tôi?" Ông phải tự hỏi mình điều này một cách thật sâu sắc. Rồi sau đó, ông mới có thể cảm nhận được sự chỉ đạo và hướng đi đúng đắn của toàn xã hội. Từ loại học tập này cho chính mình, đất nước Đại Hàn ắt được hồi sinh. Và nếu qua tấm gương của ông, các nhà lãnh đạo khác sẽ đến liên kết tình giao hảo và để học hỏi như vậy. Chúng ta sẽ thực sự đạt được nền hòa bình thế giới được lâu dài. Vấn đề là hòa bình thế giới chỉ xuất hiện khi nào người nắm quyền lãnh đạo một cách đúng đắn.
Thưa Tổng thống, người ta nói rằng “Giọt máu đào hơn ao nước lã.” Mặc dù tôi đã sống nơi đất khách quê người trong những thập niên cuối cùng của thế kỷ Hai mươi, đi giảng dạy tại Nhật Bản và các nước phương Tây, cùng nhiều nơi trên thế giới. Sự hạnh phúc của Hàn Quốc và nhân dân ta luôn luôn được đề cao trong tâm trí của tôi. Trên thực tế, nó không quan trọng đối với tôi cho dù ai nắm quyền lực hoặc những gì bên trong nội bộ lãnh đạo. Nếu ông muốn biết sự thật, sự mong muốn của tôi đã luôn luôn và sẽ luôn luôn là quê hương Hàn Quốc được cường thịnh và vững an lâu dài.
Thưa ông, xin hãy đến viếng một trong những bậc thầy tỏ ngộ tuyệt vời đã thành tựu tuệ giác. Hãy khôi phục lại bản chất con người của ông được anh minh và trở thành ánh sáng hướng dẫn cho mọi người dân Hàn Quốc cùng tiến bước. Nếu người Hàn Quốc có một ánh sáng như vậy để soi đường, chúng ta có thể tin rằng rằng buổi bình minh của một đất nước thống nhất toàn vẹn và hùng mạnh sẽ không còn xa xôi nữa. Và như thế không ai còn khi dễ đè bẹp chúng ta.
Chúc ông thật nhiều sức khỏe, tiếp tục công việc thực hiện những điều mong muốn tốt đẹp từ nơi ông.
Nước sông Hàn vẫn chảy mãi hàng trăm năm;
Núi Viên Giác còn hiển hiện từ ngàn xưa ấy.
Kính chào ông trong tình thân Phật Pháp,
Sùng Sơn Hạnh Nguyện