Tâm vô tâm tức Phật

06/12/20143:16 CH(Xem: 28071)
Tâm vô tâm tức Phật

TÂM VÔ TÂM TỨC PHẬT
Thiền sư Hoàng BáTrần Tuấn Mẫn dịch 

blankSư nói:

            -  Phật cùng chúng sinh một tâm không khác. Tỷ như hư không, không tạp loạn, không hư hoại. Như vầng nhật lớn chiếu khắp thiên hạ; khi mặt trời lên chiếu sáng khắp nơi, hư không chưa từng sáng. Lúc mặt trời lặn u tối khắp nơi, hư không chưa từng tối. Cảnh sáng tối tự tranh nhau, còn tính của hư không thì rỗng rang không thay đổi. Tâm của Phật và tâm của chúng sinh cũng như vậy. Nếu quán Phật mà thấy ra cái tướng thanh tịnh, quang minh, giải thoát và nếu quán chúng sinh mà thấy ra cái tướng ô nhiễm, cấu trọc, ám muội, sinh tử thì với kiến giải như thế, trải qua hằng hà sa số kiếp vẫn không đạt được chứng quả Bồ Đề. Đấy là vì chấp trước sắc tướng vậy.

            Chỉ có tâm này mà thôi, ngoài ra không có một chút mảy may pháp gì có thể đạt được. Tức tâm là Phật. 

            Nay người học Đạo nếu không ngộ được cái bản thể của tâm này mà sinh ra một cái tâm khác trên cái tâm này, tìm Phật bên ngoài, chấp trước sắc tướngtu hành thì đều là tà pháp, không phải đạo Bồ Đề

hoang-ba-truyen-tam-phap-yeu            Cúng dường chư Phật mười phương không bằng cúng dường một vị đạo nhân vô tâm. Vì sao? Vô tâm thì không có bất cứ một tâm gì. Cái thể như  như, trong thì như gỗ đá, không động không lay, ngoài thì như hư không, không chướng không ngại, không năng không sở, không nơi không hướng, không tướng mạo, không được mất. 

            Kẻ tu hành không dám vào pháp môn này vì sợ rơi vào chỗ trống rỗng. Những trường hợp như thế thường là muốn rộng cầu tri kiến. Cho nên những người cầu tri kiến thì như lông mà người ngộ Đạo thì như sừng.

___________________

            Dù một niệm mà được cái vô tâm, hoặc mãi cho đến hàng thập địa mới được vô tâm thì cái công dụng ấy đều như nhau, không có sâu cạn gì cả. Thật là trải bao kiếp công phu tu hành lao nhọc một cách oan uổng! Tạo ác nghiệp, tạo thiện nghiệp đều là chấp tướng. Chấp tướng mà tạo ác nghiệp thì thọ quả báo luân hồi một cách oan uổng. Chấp tướng mà tạo thiện nghiệp thì thọ sự lao khổ một cách oan uổng. Chung quy chẳng bằng nghe xong liền tự thể nhận lấy cái pháp bổn  nhiên.

            Pháp này là tâm. Ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp không có tâm. Tâm tự nó vô tâm mà cũng không vô tâm. Đem tâm này mà làm cho ra vô tâm thì tâm này lại thành ra hữu tâm

            Cứ âm thầm thể nhập mà thôi vậy! Muốn thế phải dứt bặt mọi nghĩ bàn, gọi là "Dứt đường ngôn ngữ, bặt nơi tâm hành" (Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt). 

            Cái tâm bổn nguyên thanh tịnh này thường trọn vẹn, sáng suốt cùng khắp. Người đời không liễu ngộ được, chỉ nhận định cái "kiến văn giác tri" (cái thấy nghe cảm biết) là tâm, bị kiến văn giác tri che lấp. Chỉ cần ngay đây mà vô tâm thì bổn thể tự hiển hiện. Như vầng nhật giữa hư không, chiếu khắp mười phương, tuyệt không chướng ngại

            Nhưng nếu người học Đạo cho rằng kiến văn giác tri là tạo tác vọng động mà trừ khử kiến văn giác tri đi thì lại không còn lối nào để thể nhập vào tâm nữa vậy. Cứ việc nương vào kiến văn giác tri mà thể nhận bổn tâm mình, nhưng phải biết rằng bổn tâm không thuộc kiến văn giác tri, mà cũng không xa rời kiến văn giác tri. Đừng móng khởi kiến giải nơi kiến văn giác tri, đừng động niệm nơi kiến văn giác tri, cùng đừng xa rời kiến văn giác tri mà tìm tâm, đừng rời bỏ kiến văn giác tri mà thọ nhận pháp. Không phải chính đấy, không phải nơi khác, không y trụ, không chấp trước, cứ tung hoành tự tại, không có gì là không phải "đạo trường" (nơi tu tập).

___________________

            Phàm phu nắm lấy ngoại cảnh, đạo nhân nắm lấy tâm. Tâm, cảnh đều quên, chính là pháp chân thực. Quên cảnh thì còn dễ, quên tâm thực khó. Người ta không dám quên tâm, sợ rơi vào hư không không chỗ nắm níu, chứ không biết rằng không vốn vô không, chỉ một pháp giới chân thật mà thôi vậy. Cái tính linh giác này từ vô thủy đến nay cùng lâu dài với hư không, chưa từng sinh chưa từng diệt, chưa từng có chưa từng không, chưa từng dơ chưa từng sạch, chưa từng động chưa từng tĩnh, chưa từng trẻ chưa từng già, không nơi chốn, không trong ngoài, không số lượng, không hình mạo, không sắc tướng, không âm thanh, không thể tìm, không thể cầu, không thể dùng trí tuệ mà biết, không thể dùng ngôn ngữ mà lấy, không thể dùng cảnh vật mà hiểu, không thể dùng công dụng mà tới. 

            Chư Phật, Bồ tát cùng hết thảy mọi sinh linh mê tối đều cùng một tính Đại Niết Bàn này. Tính đó tức là tâm, tâm đó tức là Phật, Phật đó tức là pháp. Một niệm xa rời cái chân thật đó tức là vọng tưởng

            Không thể lấy tâm mà mong cầu tâm, không thể lấy Phật mà mong cầu Phật, không thể lấy pháp mà mong cầu pháp. Cho nên, người học Đạo ngay đó thể nhập cái vô tâm, âm thầm thể nhập mà thôi, chứ động niệm tức là sai vậy. 

            Lấy tâm truyền tâm, đó là chánh kiến. Coi chừng chớ đuổi theo cảnh bên ngoài, nhận cảnh làm tâm, nhận giặc làm con. Vì có tham, sân, si nên mới lập giới, định, tuệ. Vốn không phiền não, há có Bồ Đề? Nên Tổ sư nói: "Phật nói hết thảy pháp để trừ hết thảy tâm. Ta không có tâm nào, vậy cần gì pháp nào?" Nơi Phật bổn nhiên thanh tịnh, không có dính mắc một vật gì. Ví như hư không, dù có lấy vô lượng châu báutrang hoàng, rốt cũng không thể được. Phật tính cũng như hư không, dù có lấy vô lượng công đứctrang nghiêm cũng không thể được. Chỉ vì mê muội bổn tính mà thành ra không thấy vậy. 

            Đây gọi là pháp môn tâm địa. Vạn pháp đều dựa vào tâm này mà kiến tập. Gặp cảnh tức có, không cảnh tức không. Cho nên đừng hiểu lầm cái bổn tính thanh tịnh đó ra một cảnh tướng. Cái gọi là tác dụng chiếu soi của định tuệ thì rõ mồn một, vắng lặng, trong sáng, còn kiến văn giác tri thì y vào cảnh mà thấy biết. Nếu tạm dùng đó để dẫn dắt hạng có căn cơ trung bình trở xuống thì được, chứ nếu lấy đó mà thể chứng chân lý thì không thể được, vì đó đều là cảnh cả. Cảnh có chìm vào cõi có, cảnh không chìm vào cõi không. Đối với các cảnh, chỉ cần không thấy rằng có hay không có tức là thấy pháp. 

__________________

            Thiền tông này của ta, từ xưa truyền đến nay chưa từng dạy người cầu tri thức, kiến giải. Chỉ bảo rằng "học Đạo", đã là một lời phương tiện để tiếp dẫn, chứ Đạo cũng không thể học được. Theo tình mà cố chấp sự học hiểu thành ra lạc đường. Đạo không có nơi chốn, gọi là tâm Đại thừa. Tâm này không ở trong, không ở ngoài, không ở giữa, thực không nơi chốn. Điều tối cần là đừng khởi trí giải. Ta chỉ bảo ông rằng: Nơi nào mà những tình chấp, suy lường mà dứt bặt, thì tâm không nơi chốn. 

            Đạo này vốn thiên chân, bổn thiên, không danh dự. Chỉ vì người đời không biết, mê muội trong tình chấp nên chư Phật xuất hiện, dùng lời dạy mà phá bỏ sự ấy; sợ các người không hiểu,  mới tạm gọi là Đạo. Chớ lấy cái tên ấy mà sinh kiến giải. Cho nên có câu: "Được cá quên nơm". Thân tâm tự nhiên, đạt Đạo biết tâm, đến tận nguồn gốc, gọi là Sa-môn. Quả Sa-môn là do dứt bặt niệm thức, tư lự mà thành chứ không phải là do học mà được.

            Nay ông lấy tâm cầu tâm, đứng ở hiên nhà người khác, chỉ toan tính việc học cho được thì có lúc nào được? Tâm người xưa bén nhậy, mới nghe một lời liền đến chỗ tuyệt học. Cho nên có câu: "Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân".  Người đời nay chỉ muốn được biết nhiều, hiểu nhiều, rộng cầu nghĩa lý văn tự, cho đó là tu hành, chứ không biết rằng biết nhiều, hiểu nhiều thành ra bế tắc, chỉ biết rằng cứ cho trẻ con uống thật nhiều sữa, còn chúng có tiêu được hay không thì không cần biết đến. Kẻ học Đạo trong ba thừa đều là loại đó, đều gọi là kẻ ăn mà không tiêu. Đó là điều mà người ta bảo rằng: "Tri giải mà không tiêu hóa đều là độc dược." Tất cả các thứ ấy đều lấy trong chỗ sinh tử, còn trong chân như thì không có những thứ ấy. Cho nên nói: "Trong kho vua (vương khố) của ta không có loại đao đó."

            Hết thảy những chỗ kiến giải từ trước, đều phải tống khứ cho sạch trơn. Rốt không còn phân biệt, đấy là Như Lai Tạng hư không. Như Lai Tạng không mảy may chi có thể có, chính là pháp vương phá hữu xuất hiện trên thế gian. Phật dạy: "Ta không có mảy may pháp gì sở đắc nơi Phật Nhiên Đăng." Lời đó chỉ để tiêu trừ hết tình chấp, kiến giải, suy lường. Chỉ cần tiêu dung trong ngoài, dứt bặt hết mọi tình chấp nương tựa, được như vậy là kẻ vô sự. 

            Giáo lý tam thừa chỉ là vị thuốc ứng cơ đối trị, tùy nghithuyết giảng, theo lời mà đặt để, mỗi mỗi đều khác. Chỉ cần biết rõ như vậy thì không bị lầm lẫn. Điều cốt yếu là đừng ôm giữ văn từ mà sinh kiến giải nơi lời dạy vốn ứng biến theo từng cơ hội. Sao vậy? Quả thực Như Lai không nói một pháp nào nhất định. Tông môn này của ta chẳng nói chi nhiều, chỉ biết dứt bặt vọng tâm là xong chứ chẳng cần nghĩ trước lo sau!

_______________________

Hỏi:

            - Phật là gì?

Sư đáp:

            - Tâm ông là Phật, Phật tức là Tâm. Tâm và Phật không khác, cho nên nói "tức tâm là Phật". Nếu xa rời tâm thì không có Phật nào khác.

Hỏi:

            - Nếu tâm mình là Phật thì Tổ sư sang Đông còn truyền thọ chi?

Sư đáp:

            - Tổ sư sang Đông chỉ truyền cái tâm Phật, chỉ thẳng vào cái tâm của các ông xưa nay vốn là Phật. Tâm tâm chẳng khác nên gọi là Tổ. Nếu thấy thẳng được ý chỉ này thì vượt liền hết thảy mọi quả vị của ba thừa. Vốn là Phật, không cần nhờ tu mà thành.

Hỏi:

            - Như vậy thì chư Phật mười phương ra đời truyền dạy pháp gì

Sư đáp:

            - Chư Phật mười phương ra đời đều chỉ cùng nói một cái tâm pháp ấy mà thôi. Cho nên Phật mật truyền cho ngài Ma Ha Ca Diếp cái pháp thể của cái Nhất tâm này, cùng cả hư không, khắp hết pháp giới, gọi là chư Phật.

            Lý luận về pháp này, ông há có thể vin vào ngôn cú mà tìm kiến giải được sao? Cũng không thể nắm vào một cơ một cảnh mà thấy được. Ý này cứ thế mà âm thầm khế nhập. Pháp môn này gọi là pháp môn vô vi. Nếu muốn hiểu được thì chỉ cần vô tâm, hốt nhiên khế ngộ là được. Nếu dụng tâm mong học cho được thì càng ngày càng xa cách. Nếu không có tâm chia xẻ, không có hết thảy mọi tâm niệm thủ xả và tâm như gỗ đá thì mới có điều kiện học Đạo.

Hỏi:

            - Các thứ vọng niệm đang hiện ra đó, sao bảo là không

Sư đáp:

            - Vọng vốn vô thể. Đó là do ông móng khởi lên mà thôi. Nếu ông biết tâm vốn là Phật và tâm vốn không vọng thì làm sao có thể khởi ra cái tâm nhận đó là vọng? Nếu ông không sinh tâm động niệm thì tự nhiên không có vọng. Cho nên nói: "Tâm sinh thì pháp sinh, tâm diệt thì pháp diệt."

Hỏi:

            - Nay đang lúc vọng niệm khởi thì Phật ở đâu?

Sư đáp:

            - Khi ông biết rằng vọng niệm khởi sinh thì cái biết đó là Phật, chứ nếu trong đó không có vọng niệm thì Phật cũng không có.

            Sao vậy? Vì khởi cái vọng niệm về Phật, nên cho rằng có một quả Phật có thể tu mà thành; vì ông khởi vọng niệm về chúng sinh,  nên cho rằng có chúng sinh có thể được cứu độ. Khởi tâm động niệm đều là chỗ kiến chấp của ông. Nếu khôngkiến chấp nào thì Phật còn có nơi đâu? Như Văn Thù mới khởi một chút kiến chấp về Phật, liền bị đẩy vào giữa hai núi Thiết Vi.

Hỏi:

            - Đang lúc ngộ thì Phật ở đâu?

Sư đáp:

            - Câu hỏi từ đâu tới? Cái biết từ đâu khởi? Nói im động tĩnh, thảy thảy các tiếng các mầu đều là Phật sự thì tìm Phật nơi đâu? Chẳng lẽ trên đầu lại còn dựng thêm một cái đầu nữa, nơi miệng còn đắp thêm một miệng nữa? Chỉ cần đừng sinh dị kiến. Non là non, nước là nước, tăng là tăng, tục là tục, sơn hà đại địa, nhật nguyệt tinh tú đều không ngoài tâm ông. Thế giới ba ngàn đều là chính ông vậy, chứ chỗ nào đâu mà lắm chuyện?

            Ngoài tâm không có pháp. Núi xanh đầy mắt, thế giới vô cùng, lồng lộng vậy thay! Chẳng có mảy may gì có thể để ông sinh kiến giải. Cho nên hết thảy mọi tiếng mọi mầu đều là con mắt trí tuệ của Phật.

            Pháp không riêng khởi, nương theo cảnh mà sinh ra nên mới thành vật. Kẻ có trí tuệ, suốt ngày nói mà đâu từng nói, suốt ngày nghe mà đâu từng nghe. Cho nên Phật Thích Ca 49 năm nói pháp mà chưa từng nói một chữ nào.

_________________

thượng đường:

            - Tâm này là Phật, lên đến hàng chư Phật, xuống tới hàng hàm linh xuẩn động, thảy đều có Phật tính, cùng một thể tâm. Cho nên Sơ tổ Đạt Ma từ Tây Thiên sang, chỉ truyền một tâm pháp, chỉ thẳng rằng hết thảy chúng sinh vốn là Phật, không cần nhờ tu mà nên. Nay chỉ cần nhận biết bổn tâm mình, thấy bổn tính mình, đừng cầu tìm chi khác nữa. Làm sao nhận biết tâm mình? Chính cái "đang nói năng" đây là tâm ông. Nếu không nói năng mà cũng không dụng tâm thì cái thể của nó cũng như hư không, không có tướng mạo, cũng không nơi chốn, nhưng cũng không hoàn toàn không, có đó mà không thể thấy. Cho nên Tổ sư nói:

            Trong tâm chân tính ẩn

            Không đầu cũng không đuôi

            Ứng duyên mà hóa vật,

            Là trí, tạm xưng thôi. 

            (Bài kệ của Bất Như Mật Đa (Punyamitra), Tổ thứ 26 của Thiền tông Ấn độ.)

            Lúc không ứng duyên, không thể nói có hay không. Còn lúc ứng duyên, cũng không dấu vết. Đã biết như vậy thì nay chỉ cần nương đậu vào cái không, tức là đi cùng đường với chư Phật. Kinh dạy: "Nơi chỗ không trụ mà sinh tâm" (Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm).

            Hết thảy chúng sinh luân hồi không ngừng trong cõi sinh tử, ý bị ngoại duyên cuốn hút xô đẩy nên tâm không ngừng trôi lăn trong lục đạo, mà phải thọ nhận các thứ khổ. Tịnh Danh (ngài Duy Ma Cật) nói: "Hạng người khó điểm  hóa, tâm như khỉ vượn, cho nên phải lấy nhiều pháp mônchế ngự tâm họ, sau đó mới có thể điều phục được." Cho nên tâm sinh thì các pháp cũng sinh, tâm diệt thì các pháp diệt. Nên biết rằng các pháp đều do tâm tạo. Cho đến sáu đường: Trời, Người, Địa ngục, Tu la... thẩy đều do tâm tạo.

            Nay chỉ cần học cái không không, dứt ngay mọi duyên, đừng sinh vọng tưởng phân biệt, không nhân không ngã, không tham giận, không ưa ghét, không hơn thua, chỉ việc trừ khử hết mọi vọng tưởng như vậy. Bản tính tự nó vốn thanh tịnh, đó chính là tu hành Phật đạo Bồ Đề.

            Nếu không hiểu ý này, dù cho ông có học rộng, có chuyên cần khổ nhọc tu hành, chay tịnh mà không biết được bổn tâm mình thì đều là tà hạnh cả, chỉ thành được thiên ma ngoại đạo, chư thần tiên trên đất dưới nước mà thôi! Tu hành như vậy, phỏng có ích gì?

            Chí Công bảo: "Bổn thể ở ngay tâm mình, đâu có thể cầu tìm trong chữ nghĩa?" Nay chỉ cần nhận biết tự tâm, ngưng bặt mọi tư duy thì mọi vọng tưởng trần lao tự nhiên không sinh. Tịnh Danh nói: "Chỉ đặt một giường, bệnh mà nằm". Đó tức là tâm không khởi vậy. Như người nằm bệnh, mọi sự bám víu vào ngoại duyên đều ngưng nghỉ, vọng tưởng dứt bặt. Đấy là Bồ Đề. Còn như trong tâm cứ phân vân bất định thì dù cho ông có học đến những quả vị trong tứ quả của tam thừa thì cũng chỉ được ngồi trong hàng phàm Thánh. Các hành đều thuộc lẽ vô thường. Cũng như mũi tên bắn vào hư không, hết đà thì rơi xuống, rốt cũng trở về sinh tử luân hồi. Tu hành như vậy là không hiểu ý Phật, uổng chịu lao khổ đắng cay, há chẳng lầm lắm sao?

            Chí Công nói: "Không gặp bậc minh sư xuất thế thì uổng công uống thuốc Đại thừa." Nay trong mọi lúc, đi đứng nằm ngồi, chỉ cần học cái vô tâm, cũng không phân biệt, cũng không nương tựa, cũng không chấp trước, cứ suốt buổi nhiệm vận đằng đằng, giống như kẻ ngây. Người đời chẳng ai biết ông, ông cũng chẳng cần họ biết hay không biết. Tâm như đá tảng, tuyệt không kẽ hở, hết thảy mọi pháp đều không có chỗ lọt vào, sừng sững như không. Có như vậy mới tương ứng được phần nào.

            Suốt qua được cảnh giới của ba cõi, gọi là Phật xuất thế. Không mảy may dấu vết tâm tướng, gọi là trí tuệ vô lậu. Không tạo nghiệp người, trời, không tạo nghiệp địa ngục, không khởi mọi tâm niệm, mọi duyên đều không sinh; cái thân tâm đó chính là người tự do. Thân tâm này chẳng phải hoàn toàn không sinh, chỉ là theo ý mình mà sinh; đó là ý nghĩa của câu: "Bồ tát có thân do ý sinh", như trong Kinh nói.

            Còn như chưa thể hội được cái vô tâm, chấp trước vào tướng mà hành động thì đều là ma nghiệp, và như thế thì cả Phật sự Tịnh Độ cũng đều là tạo nghiệp, gọi là Phật chướng. Vì nghiệp ấy ngăn ngại tâm ông nên ông bị nhân quả ràng buộc, đi đứng không được tự do. Cho nên các pháp Bồ Đề vốn không phải thực có, lời dạy của Phật đều là để hóa độ người ta, cũng như lấy lá úa làm vàng, tạm dỗ cho con nít nín khóc. Cho nên thực không có pháp gì gọi là A-nậu bồ-đề.

            Như nay đã thể hội được ý đó, còn cần chi rong ruổi cầu tìm? Chỉ cần tùy duyên mà làm tiêu mất nghiệp cũ, đừng tạo nên tai ương mới. Trong lòng sáng rỡ, cho nên những kiến giải ngày trước đều phải buông xả hết. Tịnh Danh nói: "Gạt bỏ mọi sở hữu." Pháp Hoa nói: "Suốt hai mươi năm thường xuyên tống phẩn." Câu đó chỉ có nghĩa là gạt bỏ những chỗ kiến giải trong tâm vậy. Cho nên Như Lai Tạng vốn tự không tịch, chỉ là tuyệt nhiên không lưu giữ một pháp gì. Kinh dạy: "Quốc độ của chư Phật cũng đều là không."

            Nếu bảo rằng Phật đạo do tu học mà được thì kiến giải như vậy  hoàn toàn chẳng ra gì. Còn  nếu vin vào một cơ một mảnh mà trừng mắt nhíu mày, thấy đối đáp được tương đương mà bảo rằng đã khế hội được, đã chứng ngộ được lẽ Thiền; rồi đến khi gặp một người không hiểu thì nói: "Chẳng biết gì cả!"; khi đáp được có lý lẽ hay ho thì trong chỗ không đâu ấy lại tự nhiên thấy khoái trá; còn như bị người ta bắt bẻ, thấy mình không bằng người ta thì buồn bã trong lòng. Học Thiền với tâm ý như vậy thì ăn thua gì đâu?

            Dù cho ông có thể hội được ít nhiều ý nghĩa thì đây cũng chỉ là được một pháp tâm sở mà thôi, không dính chi đến đạo Thiền. Cho nên pháp môn "Ngó Vách" (diện bích) của Đạt Ma hoàn toàn cấm chỉ người học có chỗ thấy. Cho nên nói: "Dứt cơ là Phật đạo, phân biệt là ma cảnh". Tính này dù cho lúc ông có ngu mê thì nó cũng không mất đi đâu cả, đến khi giác ngộ cũng không có chỗ được. Bản tính tự nhiên chân thật vốn không mê ngộ. Khắp hư không mười phương kỳ thực chỉ là một tâm thể của ta. Dù cho ông có động dụng tạo tác, há rời hư không được sao?

            Hư không vốn không lớn nhỏ, vô lậu vô vi, không mê không ngộ. Thấy rõ làu làu không một vật, cũng không người, cũng không Phật, không mảy may số lượng, không nương tựa, không vá víu, chỉ một dòng trong suốt lưu hành; đó là tự tính, là pháp nhẫn* vô sinh. Có nghĩ bàn chi được?

            Phật chân thật không có mồm miệng, chẳng biết nói năng. Nghe chân thật thì không tai. Ai nghe?

            Xin trân trọng.

*Pháp nhẫn: lĩnh hội thấu suốt một sự thật gì (pháp) không mảy may nghi hoặchoan hỷ chấp nhận (nhẫn), hàm dưỡng thân tâm mình trong đó để gạn lọc cho dứt tuyệt những tập khí bệnh hoạn xưa cũ.

 

Thiền sư Hoàng Bá Hy Vận

(Trích từ Hoàng Bá Truyền Tâm Pháp Yếu, bản dịch của Trần Tuấn Mẫn)

XEM THÊM BẢN DỊCH CỦA HT. THÍCH DUY LỰC:
(trích đoạn)

Tryen_Tam_Phap_YeuHOÀNG BÁ THIỀN SƯ 
TRUYỀN TÂM PHÁP YẾU 
(Trích trong Chỉ Nguyệt Lục của bộ Tục Tạng Kinh
Việt Dịch: Tỳ Kheo Thích Duy Lực 
Từ Ân Thiền Đường Hoa Kỳ Xuất Bản 1992

Sư khai thị cho Bùi Công Mỹ rằng :

_Chư Phật với tất cả chúng sanh chỉ là một tâm, chẳng có pháp khác. Tâm này từ vô thủy đến nay chưa từng sanh chưa từng diệt, chẳng xanh chẳng vàng, vô hình vô tướng, chẳng thuộc hữu vô, chẳng phải mới cũ, không dài không ngắn, không lớn không nhỏ, siêu việt tất cả hạn lượng, tên gọi, dấu tích, đối đãi. Vật nào ngay bản thể đó là phải, động niệm liền sai. Cũng như hư không chẳng có biên giới, chẳng thể đo lường, chỉ một tâm này tức là Phật. Phật với chúng sanh chẳng có sai biệtchúng sanh thì chấp tướng hướng ngoại tìm cầu. Tìm cầu trở thành lạc lối, đem Phật tìm Phật, dùng tâm bắt tâm, trọn đời suốt kiếp cũng chẳng đắc được. chẳng biết ngưng niệm dứt tưởng thì Phật tự hiện tiền. Tâm này tức là Phật, Phật tức là chúng sanh, lúc làm chúng sanh tâm này chẳng bớt, lúc làm chư Phật tâm này chẳng thêm, cho đến lục độ vạn hạnh hằng sa công đức vốn tự đầy đủ, chẳng nhờ tu tập. Gặp duyên thì làm hết duyên thì thôi. Nếu chẳng quả quyết tin tự tâm Phật này mà muốn chấp tướng tu hành để cầu công dụng đều là vọng tưởng, đều trái với đạo. Tâm này tức là Phật chẳng còn Phật khác, cũng chẳng tâm khác. Tâm này sáng tỏ trong sạch như hư không chẳng có tướng mạo. Nếu cử tâm động niệm liền trái pháp thể, gọi là chấp tướng. Từ vô thủy đến nay chẳng có Phật chấp tướng. Nếu tu lục độ vạn hạnh muốn cầu thành Phật tức là thứ lớp. Từ vô thủy đến nay chẳng có Phật thứ lớp. Hễ ngộ được tâm này thì không có một mảy may pháp để đắc, ấy tức là chân Phật, Phật với chúng sanh tất cả không khác. Cũng như hư không chẳng tạp nhiễm chẳng hủy hoại, như mặt trời chiếu khắp bốn thiên hạ, khi mặt trời lên sáng khắp thiên hạ, hư không chưa từng sáng, khi mặt trời lặn tối khắp thiên hạ, hư không chưa từng tối. Cái cảnh sáng tối tự đoạt lẫn nhau mà tánh của hư không thì rõ ràng chẳng biến đổi. Phật và chúng sanh tâm cũng như thế.

Nếu xem tướng Phật cho là thanh tịnh, quang minh, giải thoát, xem tướng chúng sanh cho là ô trược, ám muội, sanh tử, nếu hiểu theo như thế thì trải qua hằng sa kiếp cũng chẳng đắc bồ đề, tại vì chấp tướng. Thực ra chỉ có một tâm này, không có một chút pháp bằng vi trần cho mình đắc được. Tức tâm là Phật, người học đạo đời nay chẳng ngộ tâm thể này, cứ ở nơi tâm sanh tâm, hướng bên ngoài cầu Phật, chấp theo tướng tu hành, đều là pháp tà chẳng phải đạo bồ đề.

Nói cúng dường mười phương chư Phật không bằng cúng dường một đạo nhân vô tâm. Tại sao? Kẻ vô tâm là vô tất cả tâm, chẳng phải tuyệt không. Cái bản thể như như bên trong như gỗ đá chẳng lay chẳng động, bên ngoài như hư không chẳng nghẽn chẳng ngại, vô năng sở, vô phương sở, vô tướng mạo, vô đắc thất. Kẻ tu chẳng dám vào pháp này, e sợ đọa vào rỗng không chẳng chỗ đứng chân,nên cảm thấy khó, rồi lui sụt. Trái lại đều rộng cầu tri kiến, cho nên kẻ cầu tri kiến thì rất nhiều, kẻ ngộ đạo thì rất ít.

Nói Văn Thùxứng với lý, nói Phổ Hiềnxứng với hạnh, nói lý là lý chân không vô ngại, nói hạnh là hạnh lìa tướng vô tận.

Quan Âm xứng với đại từ, Thế Chí xứng với đại trí.Duy Ma Cật dịch là Tịnh Danh. Tịnh là tánh, danh là tướng, tánh tướng chẳng khác nên gọi là Tịnh Danh.

Những biểu hiện của chư đại Bồ Tát, con người đều sẵn có, thật chẳng lìa một tâm này, hễ ngộ thì đủ. Nay người học đạo chẳng hướng ngay tự tâm mà ngộ lại ở bên ngoài lấy cảnh chấp tướng, đều trái với đạo.

Phật nói hằng hà sa, sa tức là cát, chư Phật Bồ Tát Thích Phạm chư Thiên đi qua cát cũng không vui, trâu dê trùng kiến bò qua cát cũng không giận. Châu báu hương thơm cát cũng không tham, phẩn nước tiểu hôi thối cát cũng không ghét. Dụ như tâm này, tức cái tâm của vô tâm, lìa tất cả tướng, chúng sanh chư Phật chẳng có khác biệt, hễ được vô tâm thì đến cứu kính. Người học đạo nếu chẳng ngay đó vô tâm, dù nhiều kiếp tu hành cũng chẳng thành đạo, vì bị công hạnh của tam thừa trói buộc chẳng được giải thoát. Nhưng chứng ngộ tâm này có nhanh chậm, có kẻ nghe pháp trong một niệm liền được vô tâm, có kẻ đến thập địa mới được vô tâm. Lâu mau cũng phải đến vô tâm mới xong (chẳng phải tuyệt không). Lúc ấy mới biết vô tu vô chứng, thật vô sở đắc. Sự chân thật bất hư trong một niệm mà được với thập địa mới được công dụng bằng nhau không có sâu cạn, chỉ là trải qua nhiều kiếp uổng chịu lao nhọc mà thôi. Tạo ác tạo thiện đều là chấp tướng. Chấp tướng tạo ác thì uổng chịu luân hồi, chấp tướng tạo thiện thì uổng chịu lao nhọc, đều không bằng ngay đó tự nhận lấy bản pháp. Pháp này tức tâm, ngoài tâm chẳng pháp, tâm này tức pháp, ngoài pháp chẳng tâm. Tâm tự vô tâm, cũng chẳng có kẻ vô tâm, nếu đem tâm làm cho vô tâm thì tâm lại thành có. Kẻ ngộ dứt tuyệt tư nghì chỉ mặc khế (âm thầm khế ngộ) mà thôi, nên nói " Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt " ( đường ngôn ngữ dứt, nơi suy nghĩ diệt ). Bổn nguyên của tâm này vốn thanh tịnh, chư Phật Bồ Tát trời người cho đến sâu bọ hàm linh, bản thể Phật tánh đều chẳng khác, chỉ vì vọng tưởng phân biệt tạo đủ thứ nghiệp, trên bản thể Phật tánh thật chẳng một vật, miễn cưỡng nói là hư không tịch tịnh minh diệu an lạc mà thôi. Nếu tự ngộ nhập thì ngay đó đầy đủ chẳng gì thiếu sót, dẫu cho trải qua vô số kiếp tinh tấn tu hành được nhiều quả vị, khi một niệm chứng đắc chỉ chứng bổn lai tự tánh Phật, hướng thượng chẳng thêm được một vật, khi ấy trở lại xem công dụng của nhiều kiếp đều là việc vọng trong chiêm bao, nên Như Lai nói : " Ta ở nơi Vô Thượng Bồ Đề thật vô sở đắc. Nếu có sở đắc thì Nhiên Đăng Phật không thọ ký cho ta thành Phật ".

Hỏi :

_Thế nào là Phật?

Sư nói :

_Tâm ngươi là Phật, Phật tức là tâm. Tâm với Phật chẳng khác nên nói tức tâm tức Phật. Nếu lìa nơi tâm thì chẳng có Phật nào khác.

Hỏi :

_Nếu tự tâm là Phật, Tổ Sư từ Ấn Độ đến truyền thọ như thế nào?

Đáp :

_Tổ Sư đến chỉ truyền tâm Phật, chỉ thẳng tâm của các ngươi vốn là Phật. Tâm tâm chẳng khác nên gọi là Tổ. Nếu ngay đó thấy ý này tức đốn siêu tam thừa. Tất cả quý vị bản tâm là Phật, chẳng nhờ tu mới thành.

Hỏi :

_Nếu như thế mười phương chư Phật ra đời thuyết pháp gì?

Đáp :

_Mười phương chư Phật ra đời chỉ cùng thuyết một tâm pháp, cho nên Phật mật phó cho Ma-Ha-Ca-Diếp bản thể một tâm pháp này cùng hư không khắp pháp giới. Dù gọi là giáo lý Phật pháp, cái pháp này đâu phải cho ngươi ở trên lời nói mà hiểu được nó, cũng không thể ở trên một cơ một cảnh mà thấy được nó. Kẻ ngộ chỉ là mặc khế ý này. Môn này gọi là pháp môn vô vi, nếu muốn hiểu chỉ cần vô tâm, bỗng ngộ liền được. Nếu dùng tâm muốn học lấy thì lại càng xa cách. Nếu chẳng có tâm đi đường tẽ, chẳng có tất cả tâm thủ xả, tâm như gỗ đá, mới có phần học đạo.

Hỏi :

_Hiện có đủ thứ vọng niệm đâu thể nói vô?

Đáp :

_Vọng vốn chẳng bản thể, chỉ do tâm ngươi sở khởi. Ngươi nếu biết tâm là Phật thì tâm vốn chẳng vọng, đâu thể khởi tâm nhận tâm là vọng. Ngươi nếu chẳng sanh tâm động niệm, tự nhiên chẳng vọng. Cho nên nói tâm sanh thì mỗi mỗi pháp sanh, tâm diệt thì mỗi mỗi pháp diệt.

Hỏi :

_Nay khi đang khởi vọng niệm thì Phật ở đâu?

Đáp :

_Ngay khi ngươi giác vọng khởi, giác chính là Phật. Hễ không có vọng niệm thì. Phật cũng không. Tại sao như thế? Vì ngươi khởi tâm tác Phật-Kiến (tri kiến) thì nói có Phật để thành, tác chúng sanh kiến thì nói có chúng sanh để độ. Khởi tâm động niệm đều là chỗ tri kiến của ngươi. Nếu chẳng có tất cả tri kiến thì Phật đâu có xứ sở. Cũng như Văn Thù mới sanh khởi Phật-kiến pháp-kiến liền bị đày đi hai núi Thiết Vi.

Hỏi :

_Nay ngay khi ngộ thì Phật ở đâu?

Đáp :

_Cái hỏi từ đâu đến? Cái giác từ đâu khởi? Động tịnh nói nín, tất cả thanh sắc đều là Phật sự, còn nơi nào tìm Phật? Đâu thể trên đâù lại thêm đầu, trên miệng laị thêm miệng. Nếu chẳng sanh tri kiến khác biệt thì núi là núi, sông là sông, tăng là tăng, tục là tục. Sơn hà đại địa, nhật nguyệt tinh tú, trọn chẳng ở ngoài tâm ngươi. Đại thiên thế giới đều là cái tự kỷ của ngươi, chỗ nào còn vật này vật nọ? Ngoài tâm chẳng pháp, đầy mắt núi xanh. Cả hư không thế giới rõ ràng chẳng có mảy may để cho ngươi làm kiến giải. Nên nói tất cả thanh sắc đều là huệ nhãn của Phật.

Pháp chẳng tự khởi, nhờ cảnh mới sanh. Vì tiếp vật độ sanh mới nói có nhiều trí tuệ. Thực ra suốt ngày nói đâu từng nói, suốt ngày nghe đâu từng nghe, cho nên Phật Thích Ca bốn mươi chín năm thuyết pháp chưa từng nói một chữ là vậy.

Hỏi :

_Nếu như thế chỗ nào là Bồ-Đề?

Đáp :

_Bồ-Đề chẳng có chỗ. Phật cũng chẳng đắc Bồ-Đề, chúng sanh cũng chẳng mất Bồ-Đề. Chẳng thể dùng thân đắc, chẳng thể dùng tâm cầu. Tất cả chúng sanh tức là tướng Bồ-Đề.

Hỏi :

_Làm sao phát Bồ-Đề tâm?

Đáp :

_Bồ-Đề vô sở đắc, nay ngươi hãy phát tâm vô sở đắc, quyết định chẳng đắc một pháp tức là Bồ-Đề tâm. Bồ-Đề chẳng có chỗ trụ cho nên chẳng có kẻ đắc, nên Phật Thích Ca nói :"Ta ở nơi Phật Nhiên Đăng chẳng có chút pháp nào để đắc mới được thọ ký thành Phật". Đã biết rõ tất cả chúng sanh vốn là Bồ-Đề, không nên lại đắc thêm Bồ-Đề. Nay ngươi nghe nói phát Bồ Đề tâm thì muốn dùng tâm đi học để thành Phật, dẫu cho ngươi trải qua ba vô số kiếp tu cũng chỉ được cái báo thân, hóa thân Phật còn đối với cái bản nguyên tự tánh Phật của ngươi chẳng dính dáng gì cả. Nên nói cầu Phật hữu tướng bên ngoài đâu bằng Phật của chính ngươi.

Lại nói pháp ấy bình đẳng chẳng có cao thấp gọi là Bồ-Đề. chính cái tâm bổn nguyên thanh tịnh này với chúng sanh chư Phật, thế giới sơn hà, hữu tướng vô tướng, khắp mười phương cõi, tất cả bình đẳng, chẳng có tướng ta tướng ngươi. Cái tâm bổn nguyên thanh tịnh này thường tự tròn đầy sáng tỏ chiếu soi khắp nơi, người đời chẳng ngộ chỉ nhận kiến văn giác tri là tâm, bị kiến văn giác tri che khuất cho nên chẳng thấy cái bản thể tinh diệu sáng tỏ. Nếu ngay đó vô tâm thì bản thể tự hiện như mặt trời trên hư không chiếu khắp mười phương chẳng gì chướng ngại. Người học đạo chớ nên chỉ nhận kiến văn giác tri, động tác làm việc, cho đó là tâm, cũng chớ nên bỏ hẳn kiến văn giác tri khiến cho đường tâm bị bít tuyệt chẳng có chỗ nhập. Hãy ngay nơi kiến văn giác tri nhận bản tâm, nhưng bản tâm chẳng thuộc kiến văn giác tri cũng chẳng lìa kiến văn giác tri. Chớ nên ở nơi kiến văn giác tri sanh khởi kiến giải, nghĩa là chớ ở nơi kiến văn giác tri động niệm. Cũng chớ lìa kiến văn giác tri tìm tâm, cũng chớ bỏ kiến văn giác tri lấy pháp. Bất tức bất ly, chẳng trụ chẳng chấp,tung hoành tự tại đều là đạo tràng.

Nếu muốn biết yếu quyết chỉ cần ở nơi tâm chớ dính mắc một vật. Kinh nói chân pháp thân của Phật cũng như hư không, ấy là dụ pháp thân tức hư không,hư không tức pháp thân. Người thường cho pháp thân khắp nơi hư không, nói trong hư không hàm chứa pháp thân, chẳng biết pháp thân tức là hư không, hư không tức là pháp thân vậy. Nếu nhất định nói có hư không, hư không chẳng phải pháp thân, nếu nhất định nói có pháp thân, pháp thân chẳng phải hư không, ấy là bệnh lớn. Khi thấy hư không chớ cho là hư không, hư không tức pháp thân, nhưng cũng chớ chấp cho là pháp thân. Vì pháp thân tức hư không, hư không với pháp thân chẳng khác tướng, Phật với chúng sanh chẳng khác tướng, sanh tử với niết bàn chẳng khác tướng, phiền não với bồ đề chẳng khác tướng. Lìa tất cả tướng tức là Phật.

Phàm phu chấp cảnh, ngoại đạo chấp tâm, tâm cảnh đều quên, mới là chân pháp. Quên cảnh còn dễ, quên tâm rất khó. Người thường chẳng dám quên tâm, e sợ đọa vào rỗng không, chẳng chỗ đứng chân. Chẳng biết Không vốn chẳng không, chỉ là nhất chân pháp giới mà thôi.

Hỏi :

_Thấy tánh là thề nào?

Đáp :

_Tánh tức là thấy, thấy tức là tánh, chẳng thể lấy tánh thấy thêm tánh. Nghe tức là tánh, chẳng thể lấy tánh nghe thêm tánh. Chỉ vì ngươi cho là có cái tánh thấy, nghe, tánh ấy năng thấy, năng nghe, nên mới có những pháp đồng, dị sanh khởi.

Kinh nói rõ ràng cái sở thấy đó chính là tánh ngươi rồi chẳng thể thấy nữa, nếu thấy nữa tức là ngươi ở trên đầu lại sanh thêm đầu. Trong kinh nói rõ ràng đủ thứ hạt châu trong mâm, lớn thì tròn theo lớn, nhỏ thì tròn theo nhỏ, mỗi mỗi chẳng biết nhau , mỗi mỗi chẳng ngại nhau. Những hiện tượng thế giới lúc khởi chẳng nói ta khởi, lúc diệt chẳng nói ta diệt, cho nên tứ sinh lục đạo chưa có pháp nào chẳng trụ như thời.

Lược Giải

Tứ sanh lục đạo chưa có pháp nào chẳng trụ như thời : 
Kinh Pháp Hoa nói :

Pháp đó trụ ngôi pháp 
Thế gian tướng thường trụ.

Nghĩa là pháp nào trụ theo ngôi pháp đó, cũng như pháp sanh trụ ngôi sanh, pháp diệt trụ ngôi diệt. Tướng thế gian sanh diệt từng sát na, những pháp sanh diệt ấy trụ theo thời điểm của sát na đó, cho nên nói chưa có pháp nào chẳng trụ như thời.

Lại chúng sanh chẳng thấy Phật, Phật chẳng thấy chúng sanh tứ quả chẳng thấy tứ hướng (1),tứ hướng chẳng thấy tứ quả, tam hiền thập thánh chẳng thấy Đẳn Giác Diệu Giác, Đẳng Giác Diệu Giác chẳng thấy tam hiền thập thánh, cho đến thủy chẳng thấy hỏa, hỏa chẳng thấy thủy, địa chẳng thấy phong, phong chẳng thấy địa, chúng sanh chẳng nhập pháp giới, chư Phật chẳng xuất pháp giới, cho nên pháp tánh chẳng khứ lai, chẳng năng sở. Tánh đã như thế vì sao còn nói ta thấy ta nghe?

Thiện tri thức thuyết pháp cho ta, chư Phật ra đời thuyết pháp cho chúng sanh, đều muốn chúng ta ngay đó khế ngộ tánh này. Ca-Chiên-Diên chỉ vì dùng tâm sanh diệt để truyền pháp thực tướng nên bị Duy-Ma-Cật quở. Kinh nói rõ ràng tất cả pháp vốn chẳng có trói đâu cần mở nó, vốn chẳng có nhiễm đâu cần tịnh nó. Nên nói :" Thực tướng như thế há có thể thuyết ư!".

Ghi chú:

(1)Tứ Hướng : Từ nhân hướng đến quả gọi là hướng, như từ sơ cơ hướng đến sơ quả, từ sơ quả hướng đến nhị quả, nhị quả hướng đến tam quả, tam quả hướng đến tứ quả, gọi là tứ hướng.

Nay ngươi chỉ tự lập tâm thị phi, tâm nhiễm tịnh, học được một tri một giải, đi dạo khắp thiên hạ tự đắc khoe tài gặp ai cũng muốn làm thầy cho họ. Thực ra thì ai có tâm có mắt, ai mạnh ai yếu ? Nếu chấp như thế thì cách xa như trời với đất, còn nói gì thấy tánh!

Hỏi :

_Đã nói tánh tức thấy, thấy tức tánh, thế thì tánh tự chẳng chướng ngại, chẳng giới hạn. Tại sao cách vật thì không thấy? Lại ở nơi hư không, gần thì thấy, xa thì không thấy, ấy là tại sao?

Đáp : Ấy là vọng sanh dị kiến (cái thấy có khác) của ngươi. Nếu nói cách vật chẳng thấy hoặc thấy có xa gần, thì nói bản tánh có cách ngại. Thật ra đều chẳng dính dáng, vì bản tánh phi kiến phi bất kiến, pháp cũng phi kiến phi bất kiến, nếu ngươi thấy bản tánh cùng khắp không gian thời gian thì ở đâu chẳng phải bản tánh của ngươi. Cho nên lục đạo tứ sinh sơn hà đại địa đều là tánh thể trong sạch sáng tỏ của ta. Nên nói thấy sắc thì thấy tâm, sắc tâm chẳng khác, chỉ vì chấp tướng đuổi theo kiến văn giác tri, nếu xóa bỏ vật trước mắt mới cho là chứng đắc, ấy là đọa vào kiến giải y-thông (dựa theo thần thông ) của người nhị thừa. Còn nói trong hư không gần thì thấy xa thì chẳng thấy, ấy là thuộc về ngoại đạo. Kinh nói rõ ràng :"chẳng trong cũng chẳng ngoài, chẳng gần cũng chẳng xa". Gần mà chẳng thể thấy ấy là tánh của vạn vật (như lông mi ở sát ngay mắt mà mắt không thấy). Gần còn chẳng thể thấy huống là nói xa mà chẳng thấy, vậy có ý nghĩa gì đâu?

Hỏi :

_Phật hết sạch vô minh chăng?

Đáp :

_Vô minh tức là chỗ đắc đạo của tất cả chư Phật cho nên nói duyên khởiđạo tràng, vì có vô minh mới có đắc đạo. Sở thấy một trần một sắc đều hợp với lý tánh vô biên, giở chân đặt chân chẳng lìa đạo tràng. Nói đạo tràng tức là vô sở đắc, ta nói với ngươi ngay cái vô sở đắc đó gọi là tọa đạo tràng.

Hỏi :

_Nói vô minh là sáng hay là tối?

Đáp :

_Chẳng sáng chẳng tối. Sáng tối là pháp sanh diệt, vô minh lại chẳng sáng cũng chẳng tối. Nói chẳng sáng vì tự tánh vốn minh, do chấp tâm sanh ra phân biệt mới có minh với vô minh. Lời nói chẳng sáng chẳng tối này đã nhiễu loạn biết bao nhiêu con mắt của thiên hạ! Nên kinh nói :"Giả sử khắp thế gian, đều như Xá Lợi Phất, tận sức cùng suy lường, chẳng thể thấu trí Phật".

Trí huệ Phậttrí huệ vô ngại, siêu việt hư không, chẳng có chỗ cho ngươi luận bàn. Cũng như đại thiên thế giới rất rộng lớn có một Bồ Tát chỉ bước một bước thì qua khỏi, nhưng cũng chẳng ra khỏi một lỗ chân lông của Phổ Hiền. Vậy ngươi nay lấy bản lĩnh gì mà muốn học nó.

Hỏi :

_Đã là học không được tại sao còn nói " về cội tánh chẳng hai, phương tiện có nhiều lối " là thế nào?

Đáp :

_"Về cội tánh chẳng hai" nghĩa là : thực tánh của vô minh tức là Phật tánh. "Phương tiện có nhiều lối" nghĩa là: sở thấy của bậc thánh có nhiều lối khác nhau, bậc Thanh Văn thấy vô minh sanh vô minh diệt, bậc Duyên Giác chỉ thấy vô minh diệt chẳng thấy vô minh sanh, niệm niệm chứng tịch diệt, còn chư Phật thì thấy chúng sanh suốt ngày sanh mà vô sanh, suốt ngày diệt mà vô diệt, vô sanh vô diệt tức là quả Đại Thừa cho nên nói :" Quả mãn Bồ-Đề viên, hoa khai thế giới khởi.

Giở chân là Phật, đặt chân là chúng sanh. Nói chư Phật lưỡng túc tôn nghĩa là lý túc, sự túc, chúng sanh túc, sanh tử túc, tất cả đều túc. Túc nên chẳng cầu, nay ngươi niệm niệm muốn học Phật tức là chê bai chúng sanh. Nếu chê bai chúng sanh tức là phỉ báng mười phương chư Phật. Cho nên Phật ra đời cầm đồ trừ phẩn để trừ phẩn của hý luận, chỉ là bảo ngươi trừ bỏ cái tâm ham học ham thấy từ xưa nay. Hễ trừ hết sạch thì chẳng đọa hý luận cũng gọi là đem phẩn ra, nghĩa là bảo ngươi chẳng sanh tâm. Tâm nếu chẳng sanh tự nhiên thành người đại trí, quyết định chẳng phân biệt Phật với chúng sanh. Tất cả đều chẳng phân biệt mới được vào cửa Tào Khê ta. Nên bậc Thánh nói :"Nếu hành pháp môn ta, phải biết ta lấy vô hành làm pháp môn của ta. Pháp môn này gọi là nhất tâm môn (cửa một tâm). Mọi người đến cửa này đều chẳng dám vào nên chẳng đắc đạo. Chẳng phải không ai đắc chỉ là ít người đắc. Kẻ đắc tức là Phật".

Người học đạo trước tiên nên bỏ các duyên tạp học, quyết định chẳng cầu, quyết định chẳng chấp, nghe pháp thâm sâu giống như gió thoảng qua lỗ tai, qua rồi thì thôi chẳng truy tầm nữa, ấy mới gọi là thâm sâu. Tức là vào Như Lai Thiền, lìa "sanh Thiền tưởng"(sanh tâm cho là Thiền gọi là sanh Thiền tưởng). Tổ Sư từ xưa nay chỉ truyền một tâm, chẳng có hai Phật, chỉ thẳng tâm ngươi tức là Phật, đốn siêu Đẳng Giác Diệu Giác. Chỉ một tâm bản niệm, quyết định chẳng chảy ra niệm thứ hai mới vào được thiền môn ta. Pháp vốn như thế, các ngươi đối với chỗ này tính làm sao mà học? Cho nên nói khi tâm tính muốn thì bị ma của tâm tính muốn trói buộc, khi tâm chẳng tính muốn lại bị ma của tâm chẳng tính muốn trói buộc, ma chẳng từ ngòai đến, từ tự tâm ngươi ra. Chỉ có Bồ -Tát-Vô-Thần-Thông dấu tích chẳng thể tìm. Trong bất cứ lúc nào, nếu tâm cho là thường tức là ngoại đạo thường kiến, nếu xem tất cả pháp không, trụ nơi không kiến, tức là ngoại đạo đoạn kiến. Cho nên nói tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức. Ấy còn là đối với người tà kiến ngoại đạo mà nói. Nếu nói pháp thân là qủa cùng tột, ấy còn là đối với tam hiền thập thánh mà nói. Nên Phật phải đoạn dứt hai thứ ngu, một là vi tế sở tri ngu, hai là cực vi tế sở tri ngu. Phật đã như thế còn nói gì đến Đẳng Giác Diệu Giác nữa.

Nay mọi người chỉ muốn sáng, không muốn tối, chỉ muốn cầu ngộ không muốn phiền não vô minh, cứ cho Phật là giác, chúng sanh là vọng. Nếu sanh kiến giải như thế thì muôn ngàn kiếp phải chịu luân hồi lục đạo không thể đoạn dứt được. Tại sao vậy? Vì phỉ báng bổn nguyên tự tánh của chư Phật. Kinh nói rõ ràng :" Phật cũng chẳng sáng, chúng sanh cũng chẳng tối vì pháp chẳng sáng tối, Phật cũng chẳng mạnh, chúng sanh cũng chẳng yếu, vì pháp chẳng mạnh yếu, Phật cũng chẳng trí, chúng sanh cũng chẳng ngu, vì pháp chẳng trí ngu ". Tất cả chỉ vì ngươi tự đắc khoe tài, ló đầu ra cho là hiểu thiền hiểu đạo, không biết rằng mở miệng ra liền mắc bệnh, chẳng nói gốc chỉ nói ngọn, chẳng nói mê chỉ nói ngộ, chẳng nói thể chỉ nói dụng. Thực ra đâu có chỗ để cho ngươi luận bàn, vì tất cả pháp xưa vốn chẳng có, nay cũng chẳng không, duyên khởi chẳng có, duyên diệt chẳng không. Bản thể cũng chẳng có, vì bản thể tức phi bản thể, tâm cũng chẳng tâm vì tâm tức phi tâm, tướng cũng chẳng tướng, vì tướng tức phi tướng. Cho nên nói :"Vô pháp vô bản tâm, mới hiểu tâm tâm pháp, pháp tức phi pháp, phi pháp tức pháp, vô pháp vô phi pháp, nên gọi tâm tâm pháp".

Thình lình sanh khởi một niệm liễu tri như huyễn như hóa liền chảy vào Phật quá khứ. Phật quá khứ lại chẳng có, Phật vị lai lại chẳng không,lại cũng chẳng gọi là Phật vị lai. Hiện tại niệm niệm chẳng trụ cũng chẳng gọi là Phật hiện tại. Nếu khi chư Phật sanh khởi không nên cho đó là giác, là mê, là thiện, là ác, không được chấp trước chướng ngại nó, đoạn dứt nó. Như một niệm bỗng khởi,ngàn lớp cửa khóa khóa chẳng được, muôn sợi dây cột cột chẳng được. Nếu đã như thế sao lại còn muốn diệt nó, ngưng nó. Kinh nói rõ ràng : Cái thức huyễn hóa của ngươi, ngươi làm sao tính muốn đọan dứt nó, dụ như dương diệm (1),ngươi nói gần thì mười phương thế giới tìm chẳng được, ngươi nói xa thì lúc xem lại ngay trước mắt, ngươi muốn đuổi theo, nó lại rời xa, ngươi muốn tránh nó thì nó trở lại đuổi theo ngươi. Lấy chẳng được, bỏ cũng chẳng được. Nếu pháp đã như thế thì nên biết tất cả pháp tánh tự nó vốn như vậy thì chẳng cần lo âu cho nó. Cũng như nói tiền niệm là phàm hậu niệm là thánh, như bàn tay trở qua lật lại ấy còn là giáo lý cao tột của tam thừa. Nếu theo thiền tông ta thì tiền niệm cũng chẳng phải phàm, hậu niệm cũng chẳng phải thánh, tiền niệm chẳng phải Phật, hậu niệm chẳng phải chúng sanh. Cho nên nói : tất cả sắc là sắc Phật, tất cả thanh là thanh Phật. Hễ đề ra một lý thì tất cả lý đều vậy, thấy một sự là thấy tất cả sự, thấy một tâm là thấy tất cả tâm, thấy một đạo là thấy tất cả đạo. Tất cả nơi không nơi nào chẳng phải đạo. Thấy một trần như vầy thì mười phương thế giới núi sông đất đai đều vậy. Thấy một giọt nước tức là thấy tất cả nước trong mười phương thế giới.

(1)Ghi chú

Như phản ảnh của ánh sáng mặt trời rọi trên mặt đất, ở xa trông như có nước, đến gần thì không có gì cả, gọi là dương diệm.

Lại nữa, thấy tất cả pháp tức thấy tất cả tâm. Tất cả pháp vốn không, tâm thì chẳng không, chẳng không tức diệu hữu, hữu cũng chẳng hữu, chẳng hữu tức hữu, ấy là chân không diệu hữu. Nếu tất cả pháp đã như thế thì mười phương thế giới chẳng ra ngoài một tâm của ta, tất cả quốc độ cũng chẳng ra ngoài một niệm của ta. Nếu vậy thì còn nói gì trong với ngoài. Cũng như tánh mật là ngọt thì tất cả mật đều vậy, chẳng thể cho mật này ngọt mật kia đắng. Đâu có việc như thế! Cho nên nói :" Hư không chẳng trong ngoài, pháp tánh tự như vậy, hư không chẳng chính giữa, pháp tánh tự như vậy". Vậy thì chúng sanh tức Phật, Phật tức chúng sanh, chúng sanh với Phật vốn đồng một thể. Sanh tử niết bàn,hữu vi vô vi vốn đồng một thể. Thế gian xuất thế gian cho đến lục đạo tứ sanh, sơn hà đại địa, hữu tánh vô tánh cũng đồng một thể. Dù nói là đồng nhưng danh tướng đều không, hữu cũng không, vô cũng không, hằng sa thế giới trọn là một không. Nếu pháp đã như thế thì nơi nào có Phật độ chúng sanh, nơi nào có chúng sanh được Phật độ. Tại sao vậy? Tại tánh của vạn pháp vốn tự như vậy. Nếu cho là tự nhiên thì đọa vào ngọai đạo tự nhiên, nếu cho là vô ngãngã sở thì đọa vào ngôi tam hiền thập thánh. Nay ngươi sao lại muốn đem thước kẻ để đo lường hư không.

Kinh nói rõ ràng : Pháp với pháp chẳng đến với nhaupháp tự tịch diệt. Ngay đó tự trụ, ngay đó tự chân. Vì thân không nên gọi pháp không, vì tâm không nên gọi tánh không, thân tâm đều không nên gọi pháp tánh không. Cho đến học thuyết ngàn lối khác biệt đều chẳng lìa bản tâm của ngươi. Nay nói những danh từ Bồ-Đề, Niết-Bàn, Chân Như, Phật Tánh, Nhị Thừa,Bồ Tát đều là đem lá cây vàng cho là vàng ròng để lừa gạt trẻ con, cũng như nắm tay không khi mở ra thì tất cả trời người đều thấy trong bàn tay chẳng có một vật. Nên Lục Tổ nói :"Bổn lai vô nhất vật, hà xứ nhạ trần ai". Bổn lai đã vô vật thì tam tế (quá khứ, hiện tại, vị lai) vốn chẳng có, người học đạo nên thẳng tay đâm vào ngay đó ngộ ý này mới được.

Tổ Đạt Ma từ Ấn Độ đến trải qua bao nhiêu quốc độ chỉ tìm được một mình Huệ-Khả mật truyền tâm ấn. Nói ấn là ấn chứng bản tâm của ngươi, lấy tâm ấn pháp, lấy pháp ấn tâm, tâm đã như thế, pháp cũng như thế. Đồng thực tế, đẳng pháp tánh, trong pháp tánh đã là không thì ai là người thọ ký, ai là người thành Phật, ai là người đắc pháp. Kinh nói rõ ràng Bồ Đề chẳng thể dùng thân đắc, vì thân vốn vô tướng, chẳng thể dùng tâm đắc, vì tâm vốn vô tướng, chẳng thể dùng tánh đắc, vì tánh tức là bổn nguyên tự tánh thiên chân Phật, nên chẳng thể đem Phật để đắc thêm Phật, chẳng thể đem vô tướng để đắc thêm vô tướng, chẳng thể đem không để đắc thêm không, chẳng thể đem đạo để đắc thêm đạo. Vốn vô sở đắc, cái vô đắc cũng bất khả đắc, cho nên nói : Vô nhứt pháp khả đắc. Nếu có đắc tức là trên đầu lại mọc thêm đầu.

Nay chỉ bảo ngươi liễu đạt bản tâm, ngay khi liễu đạt rồi cũng chẳng thấy tướng liễu hay chẳng liễu. Cái pháp liễu này cũng bất khả đắc, kẻ đắc tức đắc, kẻ đắc chẳng tự biết, kẻ chẳng đắc cũng chẳng tự biết. Cái pháp như thế từ xưa đến nay đâu có mấy người được biết nên nói khắp thiên hạ kẻ quên mình đâu có mấy ai? Nay những người ở nơi một cơ một cảnh, một kinh một giáo, một thế một thời, một danh một tự, ở trước cửa lục cănlãnh hội được, những người ấy so với người múa rối đâu có khác.

  • Lược giải

Chư Tổ nói " Y văn giải nghĩa tam thế Phật oan ". Vì lời nói của chư Phật, chư Tổ chỉ là phương tiện tạm thời, nghĩa là tùy bệnh cho thuốc, ý của Phật chẳng phải ở trong văn tự. Nếu cứ y theo lời văn, rồi đem ý mình (vọng tâm) mà tìm hiểu thì nghịch với ý Phật, tức là làm oan cho Phật.

Giả sử nếu có một ngừơi nào chẳng ở nơi một danh một tướng lập kiến giải thì ta nói khắp mười phương thế giới muốn tìm kẻ như người này trọn chẳng thể được, vì chaüng có người thứ hai để kế thừa ngôi Tổ. Cũng nói dòng Thích Ca thuần nhất vô tạp. Nói tóm lại tất cả tự tánh saün đủ chớ nên tìm cầu nữa, hễ tìm cầu thì liền mất cả thể dụng của chính mình, cũng như kẻ ngu ở trên núi kêu một tiếng, nghe tiếng vang ở dưới núi đáp lại liền chạy xuống núi đi tìm, tìm không được lại kêu một tiếng nữa, nghe tiếng vang trên núi đáp lại rồi lại chạy lên núi tìm. Cứ vậy lên lên xuống xuống tìm mãi trải qua muôn ngàn kiếp, chỉ là một người đuổi theo âm thanh, rốt cuộc thành một người lãng phí cuộc đời sanh tử của chính mình một cách oan uổng. Ngươi phải biết vô thanh tức vô tiếng vì niết bàn vốn vô thanh vô văn vô tri, tuyệt tông tuyệt tích, kẻ được như thế mới là ở sát cạnh bên Tổ Sư.

Ngài thượng đường rằng :

_Tức tâm là Phật, trên từ chư Phật, dưới đến sâu bọ hàm linh đều có Phật tánh, đồng một tâm thể, nên Tổ Đạt Ma từ Ấn Độ đến chỉ truyền một tâm pháp, chỉ thẳng tất cả chúng sanh vốn là Phật, chẳng nhờ tu hành, chỉ cần nhận lấy tự tâm, thấy tự bản tánh, chớ nên tìm cầu cái khác. Thế nào là nhận lấy tự tâm? Cũng như cái hiện đang nói năng chính là tâm ngươi, nếu chẳng nói năng lại chẳng tác dụng thì tâm thể giống như hư không, chẳng có tướng mạo cũng chẳng phương sở cũng chẳng phải tuyệt không có, vì có mà chẳng thể thấy, nên Tổ Sư nói :"Tâm địa tức chân tánh, chẳng đầu cũng chẳng đuôi, ứng duyên mà giáo hóa, phương tiện gọi là trí". Nếu khi chẳng ứng duyên chẳng thể nói hay không, đang khi ứng duyên cũng chẳng dấu tích, đã biết như thế nay chỉ cần đi theo đường vô trụ của chư Phật. Kinh nói :"Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm".

Tất cả chúng sanh dùng ý căn phan duyên tạo tác, trôi lăn trong lục đạo, sanh tử luân hồi chẳng ngừng, uổng chịu đủ thứ khổ như Duy Ma Cật nói :"Người khó hóa độ tâm như con khỉ phải dùng bao nhiêu thứ pháp kềm chế tâm họ rồi mới điều phục được". Nên nói tâm sanh thì mỗi mỗi pháp sanh, tâm diệt thì mỗi mỗi pháp diệt. Phải biết tất cả các pháp từ trời, người, a tu la cho đến dịa ngục, lục đạo đều do tâm tạo, nay chỉ cần học vô tâm, các duyên bỗng ngưng, chớ sanh vọng tưởng phân biệt, vô nhân vô ngã vô tham sân, vô yêu ghét, vô thắng bại. Chỉ cần trừ bỏ đủ thứ vọng tưởng, bản tánh vốn tự thanh tịnh, tức là tu hành đúng theo Phật pháp, Bồ Đề v.v... Nếu chẳng ngộ ý này dẫu cho ngươi siêng năng học rộng, khổ hạnh tu tập, ăn mặc cực khổ mà chẳng nhận thức tự tâm đều gọi là hạnh tà, đều thành thiên ma ngoại đạo, thủy lục chư thần. Tu hành như thế có ích lợi gì!

Bảo-Chí-Công nói :"Bản thể là tự tâm làm, đâu thể cầu nơi văn tự. Nay chỉ cần nhận thức tự tâm, ngưng nghỉ tư duy, vọng tưởng trần lao tự nhiên chẳng khởi".

Duy Ma Cật nói :"Chỉ để một giường nằm bệnh dụ cho tâm chẳng khởi. Hôm nay nằm bệnh phan duyên đều dứt, vọng tưởng tiêu diệt tức là Bồ Đề ".

Nếu trong tâm lăng xăng tìm hiểu này nọ, dẫu cho ngươi học đến các bậc tam thừa, tứ quả, thập địa, chỉ là ham ngồi trên thánh phàm đối đãi. Chẳng biết chư hạnh đều quy vô thường, thế lực đều có ngày tàn, cũng như bắn tên trên hư không, sức hết thì phải rơi xuống trở lại, vẫn về nơi sanh tử luân hồi. Tu hành như thế là chẳng hiểu ý Phật, uổng chịu cay đắng, sai lầm biết bao Bảo Chí Công nói :"Chưa gặp minh sư ra đời oan uổng pháp thuốc đại thừa".

Bất cứ lúc nào đi đứng nằm ngồi hãy học vô tâm, chẳng còn phân biệt, cũng chẳng nhờ cậy ai và dựa vào nơi nào, chẳng trụ chẳng chấp, suốt ngày thong thả tùy duyên, ngây ngây như người khờ ngốc. Người đời trọn chẳng biết được ngươi, ngươi cũng chẳng cần người ta biết hay không biết. Tâm như tảng đá chẳng có chút kẽ hở, tất cả pháp thấu tâm ngươi chẳng lọt, ngây thơ chẳng dính mắc chỗ nào, như thế mới có ít phần tương ưng, mới thấu qua được cõi tam giới, gọi là Phật ra đời. Tâm tướng vô lậu, gọi là vô lậu trí. Chẳng làm nghiệp trời người, chẳng làm nghiệp địa ngục, chẳng khởi tất cả tâm, các duyên đều chẳng sanh, ngay thân tâm này là người tự do, không phải luôn luôn chẳng sanh, chỉ là tùy ý mà sanh. Kinh nói :" Bồ Đề có Ý-Sanh-Thân" là nghĩa này vậy. Nếu chưa ngộ vô tâm, chấp theo tướng mà tạo tác đều thuộc về nghiệp ma, cho đến làm Phật sự nào cũng đều thành nghiệp, gọi là chướng Phật vì chướng ngại tâm ngươi, bị nhân quả quản thúc, đi ở chẳng có phần tự do. Nên nói :

_Các pháp Bồ Đề vốn chẳng phải có, Như Lai sở thuyết đều là lời của người huyễn hóa, cũng như lá cây vàng cho là vàng ròng để gạt trẻ con cho nín khóc,thực chẳng có pháp gọi là Vô-Thượng Bồ-Đề. Nay nếu đã ngộ ý này thì trong tâm rõ ràng là phải tẩy sạch kiến giải từ xưa nay, đâu cần bận việc lăng xăng, chỉ tùy duyên tiêu nghiệp cũ, chớ tạo thêm nghiệp mới. Kinh Pháp Hoa nói :" Trong hai mươi năm luôn luôn trừ phẩn " là trừ bỏ những kiến giải trong tâm, cũng gọi là quét trừ phẩn của hý luận cho nên nói Như-Lai-Tạng vốn tự không tịch, chẳng còn để lại một pháp nào.

Kinh nói :"Quốc độ chư Phật cũng đều là không ", nếu nói Phật đạo do tu học mà đắc, hoặc ở nơi một cơ một cảnh nhướng mày nháy mắt, vấn đáp ăn khớp cho là khế hội, cho là chứng ngộ lý thiền, kiến giải như thế đối với Phật pháp trọn chẳng dính dáng.

Có kẻ ham làm thầy dạy người, gặp người không hiểu thì nói họ ngu không biết. Nếu họ hiểu đúng ý mình thì trong tâm liền sanh hoan hỉ. Nếu không bằng họ, bị họ hàng phục, cãi không lại họ, liền sanh tâm sân hận, ôm tâm ý như thế để học thiền dẫu cho ngươi ngộ được nhiều đạo lý, ấy chỉ là đắc cái pháp tâm sở, đối với thiền đạo trọn chẳng dính dáng. Cho nên Đạt Ma xoay mặt hướng vách không cho người có chỗ thấy (kiến giải), nên nói :"Quên cơ là Phật đạo, phân biệtma vương ". Tánh này dẫu cho ngươi khi mê cũng chẳng mất, khi ngộ cũng chẳng đắc, tự tánh thiện chân vốn chẳng mê ngộ. Hư không khắp mười phương cõi vốn là một tâm thể ta, dẫu cho ngươi vận dụng tạo tác đâu thể lìa khỏi hư không. Hư không vốn chẳng lớn nhỏ, vô lậu vô vi, vô mê vô ngộ, liễu liễu kiến, vô nhất vật, cũng vô chúng sanh vô chư Phật, cách tuyệt số lượng, chẳng có chỗ mảy may để y nhờ dính mắc.

Một dòng nước trong sạch ấy là vô sanh pháp nhẫn của tự tánh, đâu có chỗ để suy lường tính toán. Chân Phật chẳng miệng, không hiểu thuyết pháp, chân thính chẳng tai, ai mà nghe ư!

Lại nói, hễ vô tất cả tâm tức là vô lậu trí, ngươi mỗi ngày đi đứng ngồi nằm, tất cả ngôn ngữ chớ nên dính mắc pháp hữu vi thì nói nín, nháy mắt đều đồng như vô lậu. Nay thời mạt pháp kẻ học thiền đạo phần nhiều đều bị dính mắc tất cả thanh sắc. Tại sao không để cho ta tâm tâm đồng như hư không, như cây khô tảng đá, như tro lạnh lửa tắt, mới có ít phần tương ưng. Nếu chẳng như thế thì ngày sau đều sẽ bị Diêm La Vương tra khảo. Ngươi hãy lìa bỏ các pháp hữu và vô, tâm như mặt trời thường ở tại hư không, ánh sáng tự nhiên chẳng chiếu mà chiếu, ấy là việc ít phí sức biết bao. Khi đó thì chẳng có chỗ để trụ tức là hành cái hạnh của chư Phật, cũng là "ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm". Đây là pháp thân thanh tịnh của ngươi, gọi là vô thượng Bồ Đề. Nếu chẳng ngộ ý này, dẫu cho ngươi học được ngiều tri giải, siêng năng cực khổ tu hành mà chẳng tin tự tâm thì đều gọi là hạnh tà.

Lại nói, nay ngươi bất cứ lúc nào chỉ học vô tâm, lâu ngày sẽ được chứng đắc. Vì sức ngươi còn nhỏ chẳng thể đốn ngộ, phải trải qua năm, mười năm khi cơ duyên đến mới được ngộ nhập.

Vì có tham sân si mới lập giới định huệ, nếu vốn chẳng phiền não thì đâu có Bồ Đề, nên Tổ Sư nói :"Phật thuyết tất cả pháp, vì độ tất cả tâm, ta chẳng tất cả tâm, đâu cần tất cả pháp". Nơi bản nguyên thanh tịnh Phật chẳng dính mắc một vật. ví như hư không dù dùng vô lượng thất bảo để trang nghiêm đều chẳng thể trụ, Phật tánh đồng như hư không dù dùng vô lượng công đức trí huệ để trang nghiêm cũng chẳng thể trụ. Vì mê bản tánh nên chẳng tự thấy mà thôi. Nói pháp môn tâm địa, vạn pháp đều y tâm này kiến lập, gặp cảnh thì có, lìa cảnh thì không. Chẳng thể ở nơi tánh thanh tịnh sanh ra tri giải để làm cảnh. Những lời nói như định huệ, chiếu soi, công dụng, sáng tỏ, tịch tịch, tỉnh tỉnh, kiến văn giác tri v.v... đều là đem kiến giải làm cảnh, tạm vì người trung hạ căn thuyết thì được, đối với người muốn thân chứng thì chẳng nên có kiến giải như thế.

 

 XEM BẢN TIẾNG ANH:
pdf_download_2
Huangpo Hoang Ba Thien su

Tạo bài viết
01/09/2015(Xem: 18719)
16/09/2014(Xem: 21143)
01/08/2014(Xem: 12598)
Bản tin ngày 3 tháng 12/2014 trên báo Global New Light of Myanmar (GNLM) của Bộ Thông Tin Myanmar loan tin rằng Trung tâm Giáo dục Phật giáo Quốc tế (IBEC: International Buddhist Education Centre) đã công bố sự tham gia của IBEC vào dự án Vườn Lumbini (Lumbini Garden) tại Tây Ban Nha, nơi sẽ trở thành Công viên Phật giáo lớn nhất châu Âu. Sáng kiến quan trọng này sẽ có sự đóng góp từ nhiều quốc gia, bao gồm Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Sri Lanka, Trung Quốc, Hồng Kông, Nepal, Bhutan và Đài Bắc Trung Hoa (Ghi nhận của người dịch: không thấy Việt Nam). Dự án sẽ có các chương trình giáo dục Phật giáo cấp cao hỗ trợ bởi IBSC (Thái Lan), SSBU, SIBA và IBEC-Myanmar.
Bhutan, vương quốc ở vùng núi Himalaya đã mang đến cho thế giới khái niệm về hạnh phúc quốc gia, chuẩn bị xây một "thành phố chánh niệm" (mindfulness city) và đã bắt đầu gây quỹ từ hôm thứ Hai để khởi động dự án đầy tham vọng này. "Thành phố chánh niệm Gelephu" (Gelephu Mindfulness City: GMC) sẽ nằm trong một đặc khu hành chánh với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á, theo lời các quan chức.
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…