Nghiên Cứu Về Mỗi Quan Hệ Giữa Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi Và Tam Tổ Tăng Xán

24/12/20201:00 SA(Xem: 6092)
Nghiên Cứu Về Mỗi Quan Hệ Giữa Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi Và Tam Tổ Tăng Xán

NGHIÊN CỨU VỀ MỖI QUAN HỆ GIỮA
TỔ TỲ NI ĐA LƯU CHI VÀ TAM TỔ TĂNG XÁN
Đại đức, Thạc sĩ Thích Huệ Lương
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên
Đại Đình, Tam Đảo, Vĩnh Phúc

Tổ Tỳ Ni Đa Lưu ChiI. Dẫn Nhập

Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Trung: 毘尼多流支; Phạn: Vinītaruci; ? – 594), cũng được gọi là Diệt Hỉ (滅喜), là một Thiền sư người Ấn Độ. Năm 580, Tổ tới Giao Châu truyền pháp và được tôn xưng là Tổ khai sáng dòng thiền Pháp Vân, cũng gọi là thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi tại Việt Nam.

Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã mở ra một thời đại nghiên cứu, tu tậphoằng dương Phật pháp huy hoàng, trước đó chưa từng có. Thiền phái này cũng có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, chính trị nước Nam, góp phần quan trọng cho sự nghiệp dành độc lập tự chủ dân tộc, thoát khỏi ách nô lệ nghìn năm Bắc thuộc vào nửa cuối thiên niên kỉ thứ nhất. Vai tròcông lao của Tổ đối với Phật giáolịch sử nước nhà quan trọng đến như vậy. Tuy nhiên, những ghi chép, nghiên cứu về Tổ còn rất sơ sài. Đặc biệt, một số nhận định về cuộc đờisự nghiệp của Tổ vẫn còn để lại nhiều nghi vấn, chưa rõ ràng.

Trong bài nghiên cứu này, tác giả sẽ đưa ra và giải quyết một số điểm nghi vấn như sau:

1)    Tỳ Ni Đa Lưu Chi có phải là đệ tử được truyền tâm pháp của Tam tổ Tăng Xán hay không?

2)    Tỳ Ni Đa Lưu Chi có chịu ảnh hưởng của tư tưởng Thiền học của Tổ Tăng Xán hay không?

3)    Có phải Tỳ Ni Đa Lưu Chi sang Giao Châu để truyền bá Thiền Tông Trung Hoa?

Sau đây, tác giả sẽ lần lượt giải quyết những vấn đề nêu trên.

II. Sử liệu ghi chép về Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi

Sách “Cổ Châu Pháp Vân Phật Bản Hành ngữ lục chép: Vào khoảng đời Đông Tấn, niên hiệu Tả Kiến (569-582) có một pháp sư người Ấn tên là Tỳ Ni Đa Lưu Chi, nhân nghe nói có trung tâm Phật giáo Luy Lâu ở Giao Châu, bèn sang, trú ở chùa Pháp Vân, giảng dạy Thiền pháp. Thiền tông ở Giao Châu thịnh hành từ đó”.

Tài liệu này không có đề cập tới mối quan hệ giữa Tổ Tỳ Ni Đa Lưu ChiTổ Tăng Xán.

Sách “Lịch đại Tam Bảo ký” của Trung Hoa nói: “Tam tạng Pháp sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi người nước Ô Trượng, Bắc Thiên Trúc. Tùy thư dịch là “Diệt Hỷ”. Khi nghe đức Hoàng đế ta phục hưng Tam Bảo, Pháp sư không cho 500 do tuần là xa, bèn chống gậy nhắm phương đến, xem sự thạnh hóa đến mức nào. Bèn được mời vào, sai dịch kinh, ở nơi chùa Đại Hưng Thiện, dịch kinh “Tượng Đầu Tinh Xá” và kinh “Đại Thừa Phương Quảng Tổng Trì”.

Tài liệu này cũng không có đề cập tới mối quan hệ giữa Tổ Tỳ Ni Đa Lưu ChiTổ Tăng Xán. Tương tự như vậy, các sử liệu khác từ nguồn tư liệu phía Trung Quốc cũng không có ghi chép nào nói về mối quan hệ giữa Tổ Tỳ Ni Đa Lưu ChiTổ Tăng Xán.

Sách Thiền Uyển Tập Anh Quyển Thượng ghi lại lời của Quốc Sư Thông Biện (?- 1134) rằng: “Nay lại có Pháp Hiền thượng sĩ, đắc pháp với Tỳ Ni Đa Lưu Chi, truyền tông phái của tam Tổ, là người trong hàng Bồ tát, đang ở chùa Chúng thiện dạy dỗ học trò.[1]

Sử liệu này có nhắc đến việc Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi và các môn đồ của Ngài truyền Thiền tông của Tam Tổ. Tuy nhiên, chúng ta không biết Quốc Sư Thông Biện căn cứ vào tư liệu nào để đưa ra nhận xét như vậy. Và vì vậy, phát biểu này của Ngài vẫn cần được kiểm chứng lại.

Sách Thiền Uyển Tập Anh (Quyền Hạ) Phần IV chép rằng: “Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Chùa Pháp vân, làng Cổ Châu, Long Biên. Người nước Nam Thiên Trúc, dòng Bà la môn. Nhỏ đã mang chí xuất tục, đi khắp Tây Trúc, cầu tâm ấn Phật. Nhân duyên đạo chưa gặp, bèn cầm gậy sang Đông Nam.

Đời Trần, Đại Kiến thứ 6 (574), năm Giáp ngọ, Sư mới đến Trường An. Gặp lúc Chu Võ Đế phá diệt Phật Pháp, Sư muốn sang đất Nghiệp. Bấy giờ đệ tam tổ Tăng Xán vì tị nạn, nên mang y bát ở ẩn trong núi Tư Không. Sư đến gặp Tổ, thấy cử chỉ phi phàm, trong lòng phát niềm kính mộ, bèn đến trước, chấp tay đứng ba lần. Tổ vẫn ngồi yên không nói. Sư suy nghĩ giây lát, bỗng nhiên lòng như có sở đắc, liền sụp lạy ba lạy. Tổ gật đầu ba cái mà thôi. Sư lùi ba bước, thưa rằng: "Đệ tử bấy lâu không gặp thuận tiện, nay nhờ Hoà thượng đại từ bi, cúi xin cho con theo hầu hạ hai bên".

Tổ dạy "Ngươi nên mau qua phương Nam giáo hóa, không nên ở đây lâu".

Sư từ biệt ra đi, đến Quảng Châu trác tích chùa Chế Chỉ. Trải qua 6 năm, Sư dịch được Kinh Tượng Đầu, Báo Nghiệp Sai Biệt. Đến tháng 3 năm Canh Tý đời Chu Đại Tường thứ 2 (580), Sư đến nước ta ở tại chùa đó, lại dịch ra kinh Tổng Trì, 1 quyển.

Một hôm, Sư gọi đệ tử nhập thấtPháp Hiền dạy rằng:

"Tâm ấn chư Phật

Tất không lừa dối

Tròn đồng thái hư

Không thiếu không dư

Không đi không đến

Không được không mất

Chẳng một chẳng khác

Chẳng thường chẳng đoạn

Vốn không chỗ sinh

Cũng không chỗ diệt

Cũng chẳng lìa xa

Chẳng không lìa xa

Vì đối vọng duyên.

Nên giả đặt tên

Bởi thế chư Phật ba đời

Cũng dùng như thế mà được

Tổ sư nhiều đời

Cũng dùng như thế mà được

Ta cũng dùng như thế mà được

Ngươi cũng dùng như thế mà được

Cho đến hữu tình, vô tình

Cũng dùng như thế mà được

Vả, Tổ ta Xán công

Khi ấn cho ta tâm đó

Bảo ta mau Nam hành giáo hóa

Không nên ở lại đây lâu

Từng trải nhiều nơi

Mới đến được đây

Nay gặp phải ngươi

Quả hợp huyền ký

Ngươi khéo giữ gìn

Giờ đi ta đến.

Nói xong, Sư chấp tay mà mất. Pháp Hiền làm lễ trà tỳ, thu xá lợi 5 sắc, xây tháp để thờ. Khi ấy là năm Giáp Dần, đời Tùy Khai Hoàng thứ 14 (594).

Vua Lý Thái Tông có làm bài kệ truy tán:

"Mở lối sang nước Nam

Nghe ông giỏi tập Thiền

Mở bày niềm tin Phật

Xa hợp một nguồn tâm

Trăng Lăng già vằng vặc

Sen Bát nhã ngát thơm

Bao giờ được gặp mặt

Cùng nhau bàn đạo huyền

Và tặng phong”.[2]

Như vậy, Thiền Uyển Tập Anh là sử liệu duy nhất còn đến ngày nay có đề cập tới mối quan hệ giữa Tổ Tỳ Ni Đa Lưu ChiTổ Tăng Xán.

III. Nhận định về Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi của các học giả Việt Nam

Căn cứ vào các nguồn sử liệu của cả Trung QuốcViệt Nam, các học giả, nhà nghiên cứu Phật học đã có những nhận định khác nhau về tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi như sau:

Trong Phật Học Phổ Thông, Phần Lịch sử Phật Giáo Việt Nam, HT Thích Thiện Hoa có viết: “Phải đợi đến vài ba trăm năm sau, đạo Phật mới thâm nhập dần vào dân chúng và do ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa. Có một điều chúng ta ngạc nhiên là, mặc dù Phật giáo Trung Hoa gồm mười tôn phái, mà chỉ có Thiền-tôn là được truyền đi sang Việt Nam trước nhất và mạnh nhất. Tôn này được truyền vào Việt Nam trước hết do ngài Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi (Vinitaruci) đưa sang (580). Ngài là đệ-tử được truyền tâm-pháp của Tam tổ Tăng-Xán, và chính là sơ-tổ Thiền-tôn Việt Nam.[3]

Trong Việt Nam Phật giáo sử lược, HT. Mật thể có viết: “Ngài là Sơ tổ phái Thiền Tôn thứ nhất ở nước ta, sau ngài truyền pháp cho Pháp Hiền Thiền sư, rồi truyền thống mãi đến đời Y Sơn Thiền sư (1216) được 19 đời, biết được danh hiệusự tích cộng 31 người. Xét ngược lên về trước thì ngài là đệ tử đức Tam tổ Tăng Xáng. Ngài Tăng Xáng là đệ tử của đức Nhị tổ Huệ Khả và ngài Huệ Khảđệ tử của đức Bồ-Đề Đạt-Ma (Bodhidharma), tức là Sơ tổ phái Thiền tôn ở Trung Hoa vậy[4]

Trong tác phẩm Việt Nam Phật giáo sử luận, GS. Nguyễn Lang có nhận định: “Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã vân du tham học thiền ở Ấn Độ nhiều năm, sau đó mới qua Trung quốc gặp Tổ sư Tăng Xán. Sau khi được Tổ sư Tăng Xán truyền tâm ấn, Sư lại về chùa Chế Chỉ hoằng hóa và dịch kinh Tượng Đầu Tinh Xá (Tinh xá Đầu Voi). Đến Việt Nam, gặp Pháp Hiền và Quán Duyên, lại dịch thêm Kinh Tổng Trì. Như thế là Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi chịu ảnh hưởng của Thiền Tông Ấn Độ, Trung quốcViệt Nam”; Trong phần tiếp theo của tác phẩm này, Ngài viết tiếp nhận định của mình như sau: “Ngay trong Bài Phó chúc của Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi cho Pháp Hiền như trên, chúng ta thấy rõ ảnh hưởng sâu xa của Tổ Tăng Xán. Bài Phó chúc của Tỳ Ni Đa Lưu Chi giống như quan điểm của Tổ Tăng Xán trong bài Tín Tâm Minh…” và tiếp theo là một nhận định tương tự: “Tỳ Ni Đa Lưu Chi chịu ảnh hưởng của Tăng Xán khá sâu đậm; sự ảnh hưởng này thấy rõ trong lời ông dặn lại đệ tử Pháp Hiền trước khi viên tịch[5]

Trong công trình nghiên cứu Lịch sử Phật giáo Việt Nam, căn cứ vào những ghi chép trong Thiền Uyển Tập Anh về cuộc gặp gỡ giữa Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Tam Tổ Tăng Xán, GS. Lê Mạnh Thát cũng đã nhận định: “Cuộc gặp gỡ xảy ra tương đối ngăn ngủi, nhưng đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn Tỳ Ni Đa Lưu Chi, mà sau này ông đã kể lại cho Pháp Hiền trước khi mất năm 594[6]

Như vậy, đa số các học giả Việt Nam đều có chung một số nhận định về Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi như sau:

1)    Tổ là người Thiên Trúc, đã đi khắp Ấn Độ để học hỏi Phật pháp.

2)    Tổ là đệ tử được truyền tâm pháp của Tam tổ Tăng Xán

3)    Tổ chịu ảnh hưởng lớn từ tư tưởng Thiền học của Tăng Xán

4)    Tổ đã nghe lời của Tăng Xán sang Giao Châu truyền bá Thiền Tông Trung Hoa.

IV. Phân tích thêm về những nhận định về Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi

  1. 1.     Mối liên hệ giữa Tỳ Ni Đa Lưu ChiTăng Xán

Qua nghiên cứu các nguồn sử liệu của cả Trung Hoa lẫn Việt Nam, chúng ta thầy rằng, những ghi chép của Trung Hoa xuất hiện rất sớm, chỉ sau khi Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi tịch một thời gian ngắn, thì lại không đề cập tới chi tiết Tổ có gặp, học đạo và chịu ảnh hưởng của Tăng Xán. Nguồn tư liệu ở Việt Nam xuất hiện khá muộn thì mới có thông tin này. Hầu hết các nhận định về Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi đều căn cứ vào những ghi chép về cuộc gặp gỡ giữa Ngài và Tam Tổ Tăng Xán trong Thiền Uyển Tập Anh như sau:

Bấy giờ đệ tam tổ Tăng Xán vì tị nạn, nên mang y bát ở ẩn trong núi Tư không. Sư đến gặp Tổ, thấy cử chỉ phi phàm, trong lòng phát niềm kính mộ, bèn đến trước, chấp tay đứng ba lần. Tổ vẫn ngồi yên không nói.

suy nghĩ giây lát, bỗng nhiên lòng như có sở đắc, liền sụp lạy ba lạy. Tổ gật đầu ba cái mà thôi.

Sư lùi ba bước, thưa rằng:

"Đệ tử bấy lâu không gặp thuận tiện, nay nhờ Hoà thượng đại từ bi, cúi xin cho con theo hầu hạ hai bên".

Tổ dạy:

"Ngươi nên mau qua phương Nam giáo hóa, không nên ở đây lâu".

Sư từ biệt ra đi”.

Đây là nguồn tư liệu duy nhất còn ghi chép lại về cuộc gặp gỡ của Ngài với Tam Tổ Tăng Xán. Và chúng ta có thể thấy, chỉ căn cứ vào cuộc gặp gỡ ngăn ngủi này mà vội kết luận Tỳ Ni Đa Lưu Chiđệ tử của Tăng Xán là có phần vội vàng. Cuộc gặp gỡ này (nếu có) thì cũng không đủ cơ sở để kết luận Tỳ Ni Đa Lưu Chiđệ tử của Tăng Xán. Hơn nữa, lời đề nghị xin được ở lại hầu hạ cũng bị Tam Tổ Tăng Xán từ chối. Trong lịch sử Thiền tông, sau khi đắc pháp, người đệ tử thường phải ở bên hầu hạ và học pháp trong một thời gian dài. Tổ Huệ Khả sau khi được pháp An Tâm cũng phải ở lại bên Tổ Bồ Đề Đạt Ma nhiều năm mới đạt được cốt tủy. Tổ Tăng Xán sau khi được pháp Sám hối cũng phải ở lại bên tổ Huệ Khả hai năm. Lịch sử các đời Tổ sư cũng đều như vậy. Nhưng trường hợp của Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi thì không như vậy. Tổ không ở lại học pháp với Tăng Xán. Hơn nữa, chi tiếtsuy nghĩ giây lát, bỗng nhiên lòng như có sở đắc” được đưa vào câu chuyện gặp gỡ này có phần vụng về. Tín Tâm Minh nói: “Chí Đạo vô nan, duy hiềm giản trạch[7]. Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn nói: “Suy nghĩ tức không trúng. Người kiến tánh nói ra là thấy liền[8]. Như vậy, suy nghĩ giây lát thì không thể có sở đắc được.

Lời khuyên mau đi về phương Nam của Tam Tổ (nếu có), đơn giảnxuất phát từ một sự thật rằng, phương Bắc đang bị Chu Võ Đế đàn áp Phật Giáo, chỉ có phương Nam là yên bình cho người tu hành đạo. Điều đó không có vẻ bí hiểm như là một lời gửi gắm của Tam Tổ cho Ngài đi tới truyền đạo của mình ở phương Nam.

Ngoài những ghi chép về cuộc gặp gỡ ngắn ngủi này, người ta còn có thể căn cứ vào bài kệ trước khi thị tịch của Tỳ Ni Đa Lưu Chi căn dặn Pháp Hiền:

“…Tròn đồng thái hư

không thiếu không dư…”

và:

“…Vả, Tổ ta Xán công

Khi ấn cho ta tâm đó

Bảo ta mau Nam hành giáo hóa

Không nên ở lại đây lâu…”.

Hai câu “Tròn đồng thái hư, không thiếu không dư” có nguồn gốc từ bài Tín Tâm Minh, tương truyền là của Tổ Tăng Xán. Đây là căn cứ quan trọng để kết luận Tỳ Ni Đa Lưu Chiđệ tử của Tăng Xán và chịu ảnh hưởng tư tưởng thiền học từ Tăng Xán. Tuy nhiên, căn cứ quan trọng này lại có vấn đề.

Trong tác phẩmLịch sử Thiền Tông Trung Quốc” của Hòa Thượng Ấn Thuận, khi nghiên cứu về Tông Ngưu ĐầuThiền Sư Pháp Dung (594-657), căn cứ vào những ghi chép hết sức rõ ràng trong tác phẩmTông Cảnh Lục” và “Vạn Thiện Đồng Quy Tập” của Vĩnh Minh Diên Thọ (904-975), HT. Ấn Thuận đã phân tích và đưa ra một kết luận hết sức khoa học rằng: Tín Tâm MinhTâm Minh là hai tác phẩm có cùng một nội dung của Thiền sư Pháp Dung, Tông Ngưu Đầu.[9] Đó là điều đến nay đã không còn phải bàn cãi.

Ta thấy, Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi tịch năm 594, và cũng năm đó, Thiền sư Pháp Dung ra đời. Và hiển nhiên, lúc đó tác phẩm Tâm Minh hay Tín Tâm Minh đều chưa được sáng tác. Như vậy, những lời căn dặn Pháp Hiền của Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi trước khi thị tịch được ghi chép trong Thiền Uyển Tập Anh có thể do người đời sau đưa vào. Lý do mà người đời sau, có thể là một đệ tử của dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, đã thêm những thông tin liên quan đến Tam Tổ Tăng Xán vào cuộc đời của Tỳ Ni Đa Lưu Chi có thể xuất phát từ giả thuyết:

1-    Người đó tin tưởng vào thuyết 28 vị tổ Ấn Độ và 6 vị Tổ Trung Hoa. Và cũng cho rằng, Thiền tông Trung Hoa là một sự truyền thừa chính thống từ đức Phật Thích Ca xuống các đời Tổ Sư và truyền đến Trung Hoa thông qua hình thức trao truyền Y BátTâm Ấn.

2-    Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi tuy là một vị Tăng người Ấn Độ, nhưng vì Tâm Ấn đã được truyền tới Trung Hoa nên cũng phải tới Trung Hoa nhận Tâm Ấn rồi mới mang Tâm Ấn Đó truyền vào nước ta.

3-    Muốn khẳng định dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi cũng có sự truyền thừa chính thống từ đức Phật, qua các đời Tổ Sư Ấn Độ, sang Trung Hoa và tới Việt Nam.

Theo những nghiên cứu của GS. Lê Mạnh Thát, Thiền Uyển Tập Anh là một tác phẩm đời Trần, ra đời vào khoảng 1337, mà tác giả của nó có thể là Thiền Sư Kim Sơn, một nhà sư thân cận và được tin cậy của vua Trần Minh Tông. Như vậy, tác phẩm này ra đời sau thời đại của Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi gần 800 năm. Tư liệu sớm nhất viết về Ngài được tìm thấybài kệ truy tán của vua Lý Thái Tông cũng ra đời sau gần 500 năm. Và Thiền sư Thông Biện nhắc đến tên Ngài trong cuộc nói chuyện với Thái hậu Ỷ Lan cũng sau gần 550 năm. Sau một khoảng thời gian trên dưới năm thế kỷ như vậy, việc thêm bớt một số thông tin về cuộc đời Ngài nhằm một mục đích nào đó cũng là điều không phải là không thể xảy ra. Mặc dù thái độ nghiên cứu, biên soạn của tác giả Thiền Uyển Tập Anhhết sức cẩn trọng, nghiêm túc và khoa học, như nhận xét của GS Lê Mạnh Thát, nhưng trong hoàn cảnh thiếu thông tin và phương tiện kiểm chứng như vậy, việc sao chép lại những thông tin sai lầm từ các nguồn tư liệu trước đó vẫn có thể xảy ra.

Như vậy, với những ghi chép ít ỏi còn xót lại trong Thiền Uyển Tập Anh về mối quan hệ giữa Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Tam Tổ Tăng Xán, mà đa phần những ghi chép đó chúng ta đã biết là được ngụy tạo, chúng ta không thể khẳng định được Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chiđệ tử của Tam Tổ Tăng Xán.

  1. 2.     Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi có chịu ảnh hưởng của tư tưởng Thiền học của Tổ Tăng Xán hay không?

Tam Tổ Tăng Xánđệ tử đắc pháp của đệ nhị Tổ Huệ Khả. Ngài được truyền Y Báttrở thành vị Tổ thứ ba của Thiền tông Trung Hoa. Đến nay, ghi chép về Tổ Tăng Xán không nhiều, thiếu rõ ràng. Đến nỗi, nhiều học giả, khi nghiên cứu, còn nghi ngờ về sự tồn tại thật sự của Ngài. Tuy nhiên, Ngài vẫn được các đệ tử của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn và các môn đồ của Thiền Tông Trung Hoa thừa nhận. Tư tưởng thiền học của Ngài được tiếp thu từ Tổ Huệ Khả và được xếp vào những người chịu ảnh hưởng của tư tưởng kinh Lăng Già (Lăng Già Sư Tư Ký). Kinh Lăng Già là một cuốn kinh được Bồ Đề Đạt Ma trao cho Huệ Khả và được truyền lại cho các Tổ kế tiếp.

Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi không chịu ảnh hưởng của kinh Lăng Già. Tổ biên dịchtruyền bá kinh Tượng Đầu Tinh Xá mang tư tưởng của Bát Nhãkinh Đại thừa Phương Quảng Tổng trì. Hai bộ kinh này đã giải quyết rốt ráo phương pháp tu hành để chứng ngộ thành Phật, an trụ Bồ đề cho hành giả ở Giao Châu.

Kinh Tượng Đầu Tinh Xá nói về bản chất của giác ngộ, tức là bồ đề. Cũng giống như các Kinh thuộc hệ Bát Nhã, Kinh Tượng Đầu Tinh Xá có tính phá chấp mạnh mẽ và đặc biệt chú trọng thiền quán.

Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Bồ đề siêu việt tam giới, siêu việt ngôn ngữ, siêu việt văn tự, không cần địa điểm nương tựa. Lại nữa Văn Thù, an trú vào nơi không an trú tức là an trúbồ đề; an trú ở nơi không chấp trước tức là an trúbồ đề; an trúpháp không tức là an trú nơi bồ đề; an trú nơi chân lý tất-cả-các-pháp-không-có-thể-tướng tức là an trú nơi bồ đề; an trú nơi không-tăng-không-giảm tức là an trú nơi bồ đề…[10]

Sau khi xác định bản chất của việc an trụ Bồ đề như vậy, hành giả phải “dấy lên lòng đại từ đối với tất cả chúng sinh” và thực hành lục độ Ba la mật[11]. Ở đây, năm Ba la mật trước gồm Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Thiền Định thuộc về hữu vi, hữu lậu, hữu lượng, và trụ hạnh. Chỉ có Ba la mật thứ 6 là Bát nhã Ba la mật là thuộc về vô vi, vô lậu, vô lượngvô trụ hạnh. Các hạnh này hay khiến cho Bồ tát Ma ha tát mau chóng chứng được A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.

Tuy nhiên, khi quá nhấn mạnh về Bát nhã Ba la mật, người ta dễ có cảm tưởng rằng, chỉ cần tu Bát nhã Ba la mật là đủ để chứng ngộ, an trụ Bồ đề. Vì vậy mà Tổ dịch tiếp kinh Đại thừa Phương Quảng Tổng trì để cảnh giác việc này và khẳng định vai trò quan trọng của việc thực hành đủ cả sáu Ba la mật:

Như ông đã nói, ngày xưa ta từng trong sáu mươi kiếp thực hành bố thí Ba la mật, trì giới Ba la mật, nhẫn nhục Ba la mật, tinh tấn Ba la mật, thiền định Ba la mậtbát nhã Ba la mật, mỗi thứ 60 kiếp. Kẻ ngu si kia dựng lời nói bậy là chỉ tu một Bát nhã Ba la mật thì thành được bồ đề. Không có chuyện đó đâu. Kẻ đó mang lấy quan điểm hư vô nên có lời thuyết pháp bất tịnh như vậy…

Như vậy, “tổng trì” ở đây mang ý nghĩa là việc nắm giữ, thực hành tổng thể các phương pháp, phương tiện tu hành, hơn là ý nghĩa là một câu mật chú, chân ngôn bí mật (đà la ni).

Kinh Tượng Đầu Tinh Xá cũng dạy về vai trò của việc thực hành thiền quán: “Lại nữa, kẻ trí giả phải lấy thiền làm thể; thiền tri phải bình đẳng, không có phân biệt, bởi vì đó là phương tiện vậy. Phải quán ấm (ngũ ấm), nhập (lục nhập), giới (thập bát giới), mười hai nhân duyên, sự lưu chuyển của sinh tử về các hình tướng thiện ác đều như huyễn hóa, không phải hữu cũng không phải vô.”

Bản Kinh này cũng dạy về mười phương pháp thiền quán nội ngoại để phá trừ các chấp trước, như sau:

1) Quán nội giới của thân là không,

2) Quán ngoại giới của thân là không,

3) Quán các pháp trong và ngoài đều không,

4) Không bị chấp trước vào nhất thiết trí,

5) Không bị chấp trước vào những phương tiện tu hành,

6) Không bị chấp trước vào các địa vị tu chứng của các bậc hiền thánh,

7) Không chấp trước vào sự thanh tịnh đạt được do sự hành đạo lâu ngày,

8) An trúBát Nhã Ba La Mật,

9) Không bị chấp trước vào công việc giảng luận giáo hóa,

10) Quán các chúng sinh phát khởi từ bi và lòng lân mẫn.[12]

Như vậy, Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã căn cứ vào Kinh điển mà truyền dạy một phương pháp tu tập hoàn toàn mới, khác hẳn với Thiền tông Trung Hoa nói chung và của Tổ Tăng Xán nói riêng, khẳng định sự độc lập về tư tưởng, phương pháp tu hành của người Việt trong thời đại của Ngài.

  1. 3.     Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi truyền bá Thiền Tông Trung Hoa hay Thiền Tông Ấn Độ ở Việt Nam?

Qua những phân tích ở phần trên, chúng ta thấy rằng, Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi mang một tư tưởng học Phật, tu Phật độc đáo riêng, không chịu ảnh hưởng của các Tổ sư Trung Hoa. Ngài trực tiếp biên dịch các bộ kinh phù hợp để làm cơ sở cho sự hoằng đạo, hướng dẫn tu hành của mình. Không những thế, Ngài còn mang một số phương pháp tu hành của Nam Thiên Trúc tới Giao Chỉ.

Nghiên cứu Thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi, ta thấy có nhiều Thiền sư của dòng thiền này vẫn giữ nếp sống tu hành khổ hạnh, giữ 12 hạnh đầu đà, vốn là một truyền thống tu hành phổ biến của miền Nam Thiên Trúc. Thiền Uyển Tập Anh Quyển thượng có ghi lại về một số Thiền sư giữ hạnh đầu đà như sau:

Thiền sư Pháp Hiền (?- 626): “Khi Chi tịch rồi, Sư thẳng vào núi ấy, tu tập thiền định, hình như cây khô, vật, ngã đều quên, chim bay đến chầu, dã thú vây quanh[13].

Thiền sư Trí Nhàn: “Sau khi đã hiểu được yếu chỉ, Sư vào thẳng núi ấy, ở dưới gốc cây ngày đọc kinh, đêm thiền định, chuyên tu khổ hạnh, thề đủ sáu năm”.

Thiền sư Giới Không: “Chùa làng Tháp bát, quận Mãn đẩu. Người quận đấy, họ Nguyễn, tên Tuân, con nhà lương, nhỏ đã ưa Phật giáo. Ban đầu, Sư theo Quảng Phước chùa Nguyên hòa núi Chân ma. Xuất giathọ giới cụ túc, hầu hạ vài năm, Sư được Thiền chỉ. Sư dựng một cái am ở núi Lịch. Trải qua năm năm, chuyên thiền định, sau chống gậy xuống núi, tùy nơi giảng hóa. Đi tới Nam sách, Sư vào núi Thánh chúa ở cấm túc sáu năm, tu hạnh đầu đà, đến nỗi sai được quỷ thần theo lệnh, thú dữ đến phục”.

Thiền sư Viên Học (1073 -1136): “Chùa Đại an quốc, làng Cổ hạnh, Tế giang. Người Như nguyệt, họ Huỳnh. Nhỏ học sách đời, đến tuổi đội mũ, đi học nội điển, nhân nghe một câu nói của Chân Không, tâm địa bỗng nhiên tỏ ngộ. Từ ấy, Thiền học cao vút, luật nghi không ngại, thân mặc một áo suốt mùa lạnh nóng, bình bát tích trượng mang theo bên mình, tùy phương khai hóa; cho đến sửa cầu, đắp đường, không việc nào là không xung phong trước”.

Như vậy, nếp sống khổ hạnh, thực hành Hạnh Đầu đà được Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi mang tới nước ta vẫn được các Thiền sư Việt Nam tiếp tục duy trìtrở thành một phương pháp tu hành được các vị thiền sư đời sau kế tục, hành trì và phát huy. Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã truyền bá một dòng thiền Việt lai Ấn độc đáo trên đất Việt, đóng góp cho dân tộc Việt nhiều vị thiền sư, cao tăng, thạc đức khả kính, góp phần định hình một nền Phật giáo mang bản sắc riêng của người Việt.

V. KẾT LUẬN

Qua những ghi chép còn xót lại của nguồn sử liệu Trung QuốcViệt Nam, gác lại những mâu thuẫn giữa các nguồn sử liệu, chúng ta chỉ có thể có những nhận định chung về Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi như sau:

1-    Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi là người Thiên Trúc, đã đi khắp Ấn Độ để học hỏi Phật pháp.

2-    Tổ đến nước ta vào năm 580 và dạy Thiền ở chùa Pháp Vân, một phương pháp thiền độc đáo dựa trên những lời dạy của đức Phật trong 2 bản kinh: Tượng Đầu Tinh XáĐại thừa Phương quảng Tổng trì.

3-    Tổ đã dịch ít nhất là 2 kinh: Tượng Đầu Tinh XáĐại thừa Phương Quảng Tổng Trì.

4-    Tổ thị tịch ở chùa Pháp Vân năm 594 và truyền pháp cho Pháp Hiền, mở ra một dòng Thiền Việt lai Ấn đặc sắc.

Như vậy, Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi đóng một vài trò quan trọng đối với Phật giáo Việt Nam, cũng giống như vai trò của Tổ Bồ Đề Đạt Ma đối với Phật giáo Trung Quốc vậy. Phật giáo Việt Nam dưới thời kỳ của Ngài là một nền Phật giáo độc lập về tư tưởng, ý thức hệ, tiếp nhận trực tiếp Phật giáo Nam Thiên Trúc mà không bị lệ thuộc vào tư tưởng của Phật giáo Trung Hoa. Không những thế, dưới sự ảnh hưởng của Kinh Tượng Đầu Tinh XáKinh Đại Thừa Phương Quảng Tổng Trì, thời kì này còn là một thời kì Phật giáo cổ súy cho tinh thần đoàn kết mạnh mẽ, chống chia rẽ, bè phái, cũng như chống chỉ trích lẫn nhau, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc./.

Vĩnh Phúc, mùa thu năm Canh Tý.


 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Sa môn Thích Thiện Hoa, Phật Học Phổ Thông Quyển 2, Khóa V: Lịch Sử Truyền Bá Phật Giáo
  2. Thích Mật Thể, Việt Nam Phật Giáo Sử Lược, NXB Tôn Giáo, Chương VI. Phật Giáo Đời Hậu Lý Nam Đế (571 - 602) và Đời Bắc Thuộc Thứ Ba (603 - 939)
  3. Nguyễn Lang Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Tập I, NXB Văn Học - Hà Nội 1979. Chương V Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi.
  4. Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Tập 2, Từ Lý Nam Đế (544) đến Lý Thánh Tông (1054), NXB Thành phố Hồ Chí Minh, tr 49
  5. Hòa Thượng Ấn Thuận, Lịch sử Thiền Tông Trung Quốc, NXB Phương Đông, 2016 do Thích Hạnh Bình và các học viên dịch ra tiếng Việt.
  6. Lữ Trừng, Lịch sử Tư tưởng Phật học Trung Quốc, NXB Hồng Đức, 2018, Trang 563.
  7. HT Ấn Thuận, TT. Thích Hạnh Bình Việt dịch, Lịch sử Thiền Tông Trung Quốc, NXB Phương Đông 2016, Trang 112.
  8. HT Ấn Thuận, TT Thích Hạnh Bình Việt Dịch, Lịch sử Thiền Tông Trung Quốc, NXB Phương Đông 2016, Trang 130.
  9. Lê Mạnh Thát dịch và chú, Thiền Uyển Tập Anh,


[1] Lê Mạnh Thát, Nghiên Cứu Về Thiền Uyển Tập Anh, NXB Phương Đông 2006.

[2] Lê Mạnh Thát, Nghiên Cứu Về Thiền Uyển Tập Anh, NXB Phương Đông 2006.

[3] Sa môn Thích Thiện Hoa, Phật Học Phổ Thông Quyển 2, Khóa V: Lịch Sử Truyền Bá Phật Giáo

[4] Thích Mật Thể, Việt Nam Phật Giáo Sử Lược, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, Chương VI. Phật Giáo Đời Hậu Lý Nam Đế (571 - 602) Và Đời Bắc Thuộc Thứ Ba (603 - 939)

[5] Nguyễn Lang Việt Nam Phật Giáo Sử Luận Tập I Nhà Xuất Bản Văn Học - Hà Nội 1979. Chương V. Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi.

[6] Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Tập 2, Từ Lý Nam Đế (544) đến Lý Thánh Tông (1054), NXB Thành phố Hồ Chí Minh, tr 49

[7] Tín Tâm Minh, Tổ Tăng Xán, Trúc Thiên dịch

[8] Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ Huệ Năng, Soạn thuật: Pháp Hải – Dịch giả: Thích Nữ Trí Hải.

[9] Hòa Thượng Ấn Thuận, Lịch sử Thiền Tông Trung Quốc, NXB Phương Đông, 2016 do Thích Hạnh Bình và các học viên dịch ra tiếng Việt.

[10]   Nguyễn Lang Việt Nam Phật Giáo Sử Luận Tập I Nhà Xuất Bản Văn Học - Hà Nội 1979. Chương V Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi.

[11] Kinh Tượng Đầu Tinh Xá, ĐTK 466 tở 478b22

[12]  Nguyễn Lang Việt Nam Phật Giáo Sử Luận Tập I Nhà Xuất Bản Văn Học - Hà Nội 1979. Chương V Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi.

[13] Lê Mạnh Thát dịch và chú, Thiền Uyển Tập Anh - Quyển Thượng,

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
25/01/2012(Xem: 58340)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.