Thư Viện Hoa Sen

Tắc 49 - Tắc 52

25/11/201012:00 SA(Xem: 12284)
Tắc 49 - Tắc 52

BÍCH NHAM LỤC
Tác giả:Thiền sư Viên Ngộ - Việt dịch: HT. Thích Thanh Từ
Tu viện Chân Không 1980

TẮC 49

TAM THÁNH CÁ VÀNG PHỦNG LƯỚI

LỜI DẪN: Bảy xoi tám phủng cướp trống đoạt cờ, trăm vòng ngàn lớp, xem trước ngó sau, cỡi đầu cọp nắm đuôi cọp, chưa phải tác gia. Đầu trâu mất đầu ngựa về, cũng chưa là kỳ đặc. Hãy nói khi người quá lượng đến thì thế nào, thử cử xem?

CÔNG ÁN: Tam Thánh hỏi Tuyết Phong: Cá vàng vọt phủng lưới, chưa biết lấy gì làm thức ăn? Tuyết Phong đáp: Đợi ông ra khỏi lưới đến, vì ông nói. Tam Thánh nói: Là thiện tri thức của một ngàn năm trăm người mà thoại đầu cũng chẳng biết. Tuyết Phong nói: Lão tăng trụ trì nhiều việc.

GIẢI THÍCH: Tuyết Phong, Tam Thánh tuy nhiên một ra một vào, một xô một đẩy, chưa phân thắng bại. Hãy nói hai vị tôn túc này đủ con mắt gì? Tam Thánh từ Lâm Tế nhận ấn ký trải khắp các nơi, đều được các nơi đãi vào hàng cao khách. Xem Sư đặt câu hỏi bao nhiêu người dò tìm chẳng được. Vả lại chẳng dính lý tánh Phật pháp. Hỏi con cá vàng vọt phủng lưới, chưa biết lấy gì làm thức ăn? Thử nói ý Sư thế nào? Cá vàng vọt phủng lưới bình thường đã chẳng ăn mồi thơm của người, chẳng biết lấy gì làm thức ăn? Tuyết Phongtác gia dường như nhàn rỗi, chỉ lấy một hai phần đáp kia, lại vì kia nói “đợi ông ra khỏi lưới đến, vì ông nói”. Phần Dương gọi là hỏi “trình giải”, tông Tào Động gọi là hỏi “mượn việc”. Phải là vượt quần thoát loại được đại thọ dụng, trên đảnh có con mắt, mới gọi là cá vàng vọt phủng lưới. Nào ngờ Tuyết Phong là hàng tác gia chẳng ngại làm giảm uy danh của người, nên nói đợi ông ra khỏi lưới đến, vì ông nói. Xem hai vị nắm vững phong cương, vách đứng muôn trượng. Nếu chẳng phải Tam Thánh một câu này liền đi chẳng được. Nhưng Tam Thánh cũng là hàng tác gia mới biết nói với kia, là thiện tri thức của một ngàn năm trăm người mà thoại đầu cũng chẳng biết. Tuyết Phong lại nói “Lão tăng trụ trì nhiều việc”. Câu này thật cứng rắn cao ngạo. Hai vị tác gia gặp nhau, một bắt một thả, gặp mạnh liền yếu, gặp tiện liền quí. Nếu ông khởi hiểu hơn thua thì chưa mộng thấy Tuyết Phong. Xem hai vị lúc đầu nguy hiểm cao vót, rốt sau hai người đều là kẻ chết. Hãy nói có được mất, hơn thua chăng? Những vị tác gia khác đối đáp ắt chẳng như thế. Tam Thánh ở chỗ Lâm Tế làm Viện chủ, Lâm Tế sắp tịch dạy: Sau khi ta đi, chẳng được diệt chánh pháp nhãn tạng của ta. Tam Thánh ra thưa: Đâu dám diệt chánh pháp nhãn tạng của Hòa thượng. Lâm Tế hỏi: Về sau có người hỏi ông làm sao? Tam Thánh liền hét. Lâm Tế nói: Ai biết chánh pháp nhãn tạng của ta đến bên con lừa mù này diệt rồi. Tam Thánh liền lễ bái. Sư là chân tử của Lâm Tế mới dám đối đáp như thế. Tuyết Đậu rốt sau chỉ tụng cá vàng vọt phủng lưới, bày chỗ tác gia thấy nhau.

TỤNG:

Thấu võng kim lân
Hưu vấn đới thủy
Diêu càn đảng khôn
Chấn liệp bãi vĩ.
Thiên xích kình phún hồng lãng phi
Nhất thanh lôi chấn thanh tiên khỉ
Thanh tiên khỉ
Thiên thượng nhân gian tri kỷ kỷ.

DỊCH:

Thủng lưới cá vàng
Thôi bảo dính nước
Rung càn động khôn
Mang chấn đuôi quạt.
Ngàn thước cá kình phun sóng to
Một tiếng sấm vang gió mạnh nổi
Gió mạnh nổi
Trên trời nhân gian mấy người biết.

GIẢI TỤNG: Hai câu “thủng lưới cá vàng, thôi bảo dính nước”, Ngũ Tổ tiên sư nói chỉ trong một câu này tụng xong vậy. Đã là cá vàng vọt thủng lưới há kẹt trong nước, ắt ở chỗ nước nổi mênh mông sóng dậy ngập trời. Hãy nói trong mười hai giờ lấy cái gì làm thức ăn? Các ông hãy nhằm dưới ba cây đòn tay, trước cái đơn bảy thước thử định đúng xem? Tuyết Đậu nói việc này tùy phần niêm lộng, như loại cá vàng khi “mang chấn đuôi quạt” thì “rung càn động khôn”. Câu “ngàn thước cá kình phun sóng to” là tụng Tam Thánh nói “là thiện tri thức của một ngàn năm trăm người mà thoại đầu cũng chẳng biết”, như cá kình phun sóng to. Câu “một tiếng sấm vang gió mạnh nổi” là tụng, Tuyết Đậu nói “Lão tăng trụ trì nhiều việc”, giống như một tiếng sấm gió mạnh nổi dậy. Đại cương tụng hai vị đều là hàng tác gia. Hai câu “gió mạnh nổi, trên trời nhân gian mấy người biết”, thử nói hai câu tụng này rơi tại chỗ nào? Chữ tiên là gió, khi gió mạnh thì trên trời nhân gian có mấy người hay biết.

TẮC 50

VÂN MÔN TRẦN TRẦN TAM-MUỘI

LỜI DẪN: Vượt qua giai cấp siêu tuyệt phương tiện, cơ cơ hợp nhau, cú cú vào nhau. Ví chẳng phải vào cửa đại giải thoát, được dụng đại giải thoát, lấy gì quyền hoành Phật Tổ, qui giám tông thừa. Hãy nói đương cơ cắt đứt nghịch thuận tung hoành, làm sao nói được câu xuất thân, thử mời cử xem?

CÔNG ÁN: Tăng hỏi Vân Môn: Thế nào là trần trần tam-muội? Vân Môn đáp: Cơm trong bát, nước trong thùng.

GIẢI THÍCH: Lại định đúng được chăng? Nếu định đúng được thì lỗ mũi Vân Môn ở trong tay các ông. Nếu định đúng chẳng được thì lỗ mũi các ông ở trong tay Vân Môn. Vân Môn có câu chặt đinh cắt sắt, trong một câu đủ ba câu. Có người hỏi đến liền nói, cơm trong bát, mỗi hạt đều tròn, nước trong thùng, mỗi giọt đều ướt. Nếu hiểu thế ấy, chẳng thấy chỗ Vân Môn đoan đích vì người.

TỤNG:

Bát lý phạn, dũng lý thủy
Đa khẩu a sư nan hạ chủy
Bắc đẩu Nam tinh vị bất thù
Bạch lãng thao thiên bình địa khỉ.
Nghĩ bất nghĩ
Chỉ bất chỉ
Cá cá vô côn trưởng giả tử.

DỊCH:

Cơm trong bát, nước trong thùng
Ông thầy lanh mồm khó mở miệng
Sao Bắc sao Nam vị khác nào
Sóng bủa ngập trời đất bằng dấy.
Nghĩ chẳng nghĩ
Dừng chẳng dừng
Mỗi mỗi không quần con trưởng giả.

GIẢI TỤNG: Ở trước, Tuyết Đậu tụng Vân Môn đối một nói “đối một nói, quá cao tột, quả chùy không lỗ thêm hạ chốt”. Sau tụng Mã Tổ ly tứ cú tuyệt bách phi nói “Tạng đầu bạc, Hải đầu đen, Thiền tăng mắt sáng hội chẳng được”. Nếu nơi công án này thấu được thì thấy tụng kia. Tuyết Đậu mở đầu nói “cơm trong bát, nước trong thùng”, trong lời có vang, trong câu trình cơ. Tiếp “ông thầy lanh mồm khó mở miệng”, theo sau vì ông chú cước. Nếu ông nhằm trong này cần tìm huyền diệu đạo lý, so sánh càng khó mở miệng. Tuyết Đậu đến đây cũng được, ông ta yêu thích là ngay mở đầu nắm đứng, sợ e trong chúng có người đủ mắt sáng nhìn thấu, nên đến phần sau lại phóng qua một nước, rồi cúi xuống vì kẻ sơ cơ vạch bày tụng ra khiến người thấy. Bắc Đẩu như xưa ở phương bắc, sao Nam như xưa ở phương nam, vì thế nói “sao Bắc sao Nam vị khác nào”. Câu “sóng bủa ngập trời đất bằng dấy”, bỗng nhiên đất bằng dậy sóng phải làm sao? Nếu nhằm trên sự xem thì dễ, nếu nhằm dưới ý căn tìm thì mò bắt chẳng được. Cái này giống hệt cây cọc sắt, lung lay chẳng được, cắm mỏ chẳng được. Nếu ông nghĩ nghị muốn hiểu thì chẳng hiểu, muốn dừng mà không dừng. Loạn trình túi dốt chính là “mỗi mỗi không quần con trưởng giả”. Thơ của Hàn Sơn nói: “Lục cực thường thêm khổ, cửu duy luống tự bàn, có tài vứt cỏ rậm, không thế đóng cửa bồng, trời lên núi vẫn tối, khói hết hang còn mờ, trong kia con trưởng giả, mỗi mỗi thảy không quần.”

TẮC 51

TUYẾT PHONG LÀ CÁI GÌ

LỜI DẪN: Vừa có phải quấy, lăng xăng mất tâm, chẳng rơi giai cấp, lại không dò tìm. Hãy nói thả đi là phải, nắm đứng là phải? Đến trong đây còn có mảy tơ đường hiểu, vẫn kẹt nói bàn, còn mắc cơ cảnh, trọn là nương cỏ gá cây. Dù cho liền đến chỗ độc thoát, chưa khỏi muôn dặm trông quê nhà, lại nắm được chăng? Nếu chưa nắm được, chỉ lý hội công án hiện thành, thử cử xem?

CÔNG ÁN: Khi Tuyết Phong ở am có hai vị Tăng đến lễ bái. Tuyết Phong thấy đến, lấy tay đẩy cửa am, phóng thân ra ngoài, nói: Là cái gì? Tăng cũng nói: Là cái gì? Tuyết Phong cúi đầu về am. Vị Tăng sau đến Nham Đầu, Nham Đầu hỏi: Ở đâu đến? Tăng thưa: Lãnh Nam đến. Nham Đầu hỏi: Từng đến Tuyết Phong chưa? Tăng thưa: Từng đến. Nham Đầu hỏi: Có những ngôn cú gì? Tăng thuật lại việc trước. Nham Đầu hỏi: Ông ấy nói gì? Tăng thưa: Không nói, chỉ cúi đầu về am. Nham Đầu nói: Ôi! Ta hối hận buổi đầu chẳng nói với y câu rốt sau, nếu nói với y thì người trong thiên hạ làm gì được lão Tuyết. Tăng đến cuối hạ nhắc lại việc trước thưa hỏi. Nham Đầu hỏi: Sao không hỏi sớm? Tăng thưa: Chưa dám khinh thường. Nham Đầu nói: Tuyết Phong tuy cùng ta đồng điều sanh, chẳng cùng ta đồng điều tử, cần biết câu rốt sau chỉ là thế.

GIẢI THÍCH: Phàm là người phù trì tông giáo phải biện rõ đương cơ, biết tiến thối phải quấy, rành giết sống giữ tha. Nếu như con mắt mờ mờ mịt mịt đến nơi gặp hỏi thì hỏi, gặp đáp thì đáp, không biết lỗ mũi ở trong tay người khác. Tuyết Phong, Nham Đầu đồng tham kiến Đức Sơn. Vị Tăng này tham vấn Tuyết Phong kiến giải chỉ đến thế ấy, cho đến yết kiến Nham Đầu cũng chẳng từng thành được một việc, luống phiền hai vị lão Tôn túc, một hỏi một đáp, một giữ một tha, thẳng đến ngày nay người trong thiên hạ thành khúc mắc rối loạn phân giải không ra. Hãy nói khúc mắc rối loạn ở tại chỗ nào? Tuyết Phong tuy trải khắp nơi, rốt sau ở quán trọ Ngao Sơn nhờ Nham Đầu kích phát mới được dứt bặt đại triệt. Nham Đầu sau bị sa thải, ở bên hồ làm người đưa đò, hai bên bờ treo mỗi bên một cái bản, có người cần qua gõ một tiếng bản. Nham Đầu nói: “ông qua bờ kia”, liền trong lùm lau múa chèo chui ra. Tuyết Phong về Lãnh Nam ở am, vị Tăng này cũng là người cửu tham, Tuyết Phong thấy đến lấy tay đẩy cửa am phóng thân ra ngoài nói “là cái gì”. Như hiện nay có hỏi thế ấy, liền chụp lấy nghiền ngẫm. Vị Tăng này cũng lạ, chỉ đáp lại “là cái gì”. Tuyết Phong cúi đầu về am. Thường thường bảo đây là vô ngữ hội vậy. Vị Tăng này dò tìm chẳng được. Có người nói Tuyết Phong bị một câu hỏi của vị Tăng này khiến phải lặng câm về am. Đâu chẳng biết ý Tuyết Phong có chỗ độc hại. Tuyết Phong tuy được tiện nghi đâu ngờ giấu thân lại bày bóng? Sau vị Tăng mang công án này từ Tuyết Phong đến Nham Đầu nhờ phán xét. Đến nơi, Nham Đầu hỏi: Ở đâu đến? Tăng thưa: Lãnh Nam đến. Hỏi: Từng đến Tuyết Phong chăng? Nếu cần thấy Tuyết Phong chỉ một câu hỏi này khéo để mắt xem thấy. Đáp: Từng đến. Hỏi: Có ngôn cú gì? Lời này cũng chẳng phải qua suông. Vị Tăng chẳng hiểu, chỉ thiết chạy theo ngữ mạch kia chuyển. Hỏi: Ông ấy nói gì? Đáp: Sư cúi đầu không nói về am. Vị Tăng này đâu chẳng biết Nham Đầu mang giày cỏ đi trong bụng ông mấy lượt rồi. Nham Đầu nói: Ôi! Ta hối hận buổi đầu chẳng nói với y câu rốt sau, nếu nói với y câu rốt sau thì người trong thiên hạ làm gì được lão Tuyết. Nham Đầu cũng là giúp mạnh chẳng giúp yếu. Vị Tăng như trước vẫn tối mịt mịt chẳng phân đen trắng, ôm một bụng nghi, cho thật là Tuyết Phong chẳng hội, đến cuối hạ lại nhắc việc ấy để thưa thỉnh. Nham Đầu bảo: Sao chẳng hỏi sớm? Lão già này mưu mô làm sao. Tăng thưa: Chẳng dám khinh thường. Nham Đầu nói: Tuyết Phong tuy cùng ta đồng điều sanh, chẳng cùng ta đồng điều tử, cần biết câu rốt sau chỉ là thế. Nham Đầu quá mực chẳng tiếc lông mày, các ông cứu kính làm sao hội? Tuyết Phong ở trong hội Đức Sơn làm phạn đầu, một hôm trai trễ, Đức Sơn ôm bát đến pháp đường, Tuyết Phong nói: Chuông chưa kêu, trống chưa đánh, ông già ôm bát đi đâu? Đức Sơn không nói, cúi đầu về phương trượng. Tuyết Phong thuật lại với Nham Đầu. Nham Đầu nói: Cả nhà Đức Sơn chẳng hội câu rốt sau. Đức Sơn nghe, bảo Thị giả gọi đến phương trượng hỏi: Ông chẳng nhận Lão tăng sao? Nham Đầu thưa thầm ý này. Đến hôm sau, Đức Sơn thượng đường chẳng giống bình thường. Nham Đầu ở trước Tăng đường vỗ tay cười to, nói: Đáng mừng ông già hiểu câu rốt sau, sau này người trong thiên hạ không làm gì được ông, tuy nhiên như thế, chỉ được ba năm. Công án này như Tuyết Phong thấy Đức Sơn đều không nói. Sẽ bảo là được tiện nghi, đâu biết làm giặc rồi vậy. Bởi Sư từng làm giặc, sau này cũng khéo làm giặc. Vì thế, cổ nhân nói: Một câu rốt sau mới đến lao quan. Có người nói Nham Đầu hơn Tuyết Phong. Hẳn là hiểu lầm rồi vậy. Nham Đầu thường dùng cơ này dạy chúng: “Kẻ mắt sáng không hang ổ, bỏ vật là thượng, theo vật là hạ, câu rốt sau giả sử thân thấy Tổ sư đến cũng lý hội chẳng được.” Trai trễ, Đức Sơn ôm bát đến pháp đường. Nham Đầu nói cả nhà Đức Sơn chưa hội được câu rốt sau. Tuyết Đậu niệm: Từng nghe nói độc nhãn long nguyên lai chỉ đủ một con mắt. Đâu chẳng biết Đức Sơn là con cọp không răng, nếu chẳng phải Nham Đầu biết được, sao biết hôm qua cùng ngày nay chẳng đồng. Các ông cần hội câu rốt sau chăng? Chỉ cho lão Hồ biết, chẳng cho lão Hồ hiểu. Từ xưa đến nay, công án muôn sai ngàn khác như rừng gai góc, nếu ông thấu được thì người trong thiên hạ không làm gì được ông, chư Phật ba đời đứng ở dưới gió. Nếu ông thấu chẳng được thì tham: Nham Đầu nói “Tuyết Phong tuy cùng ta đồng điều sanh chẳng cùng ta đồng điều tử”, chỉ một câu này tự nhiên có chỗ xuất thân. Tuyết Đậu tụng ra:

TỤNG:

Mạt hậu cú
Vị quân thuyết
Minh ám song song để thời tiết
Đồng điều sanh dã cộng tương tri
Bất đồng điều tử hoàn thù tuyệt.
Hoàn thù tuyệt
Huỳnh đầu bích nhãn tu chân biệt
Nam bắc đông tây qui khứ lai
Dạ thâm đồng khán thiên nham tuyết.

DỊCH:

Câu rốt sau
Vì anh nói
Sáng tối song song đấy thời tiết
Đồng điều sanh mọi người cùng biết
Chẳng đồng điều tử lại đặc biệt.
Lại đặc biệt
Đầu vàng mắt biếc nên phân rõ
Đông tây nam bắc về lại qua
Đêm khuya đồng thấy tuyết ngàn núi.

GIẢI TỤNG: “Câu rốt sau, vì anh nói”, Tuyết Đậu tụng câu rốt sau này, ý kia toàn rơi trong cỏ, vì nhau tụng, dù có tụng tột cũng chỉ được đôi chút lông sắc. Nếu cần thấy thấu cũng chưa được. Thế mà dám há miệng nói to “sáng tối song song đấy thời tiết”, vì ông mở một đường tàn, cũng vì ông một câu đập chết rồi vậy. Rốt sau lại vì ông chú giải. Như một hôm Chiêu Khánh hỏi La Sơn: Nham Đầu nói thế ấy thế ấy, chẳng thế ấy, chẳng thế ấy, ý chỉ thế nào? La Sơn gọi: Đại sư! Khánh ứng thanh: Dạ! La Sơn bảo: Hai sáng cũng hai tối. Khánh lễ tạ rồi đi. Sau ba ngày, Khánh lại hỏi: Ngày trước nhờ lòng từ bi của Hòa thượng chỉ dạy, nhưng khán chẳng vỡ. La Sơn nói: Tận tình vì ông rồi. Khánh thưa: Hòa thượng cầm lửa đi. La Sơn bảo: Nếu thế ấy, cứ chỗ Đại sư nghi hỏi ra. Khánh thưa: Thế nào là hai sáng hai tối? La Sơn bảo: Đồng sanh cũng đồng tử. Khánh lễ tạ rồi đi. Sau có vị Tăng hỏi Chiêu Khánh: Khi đồng sanh cũng đồng tử thì thế nào? Khánh đáp: Ngậm lấy miệng chó. Tăng thưa: Đại sư nhận lấy miệng ăn cơm. Vị Tăng ấy lại đến hỏi La Sơn: Khi đồng sanh chẳng đồng tử thì thế nào? La Sơn đáp: Như trâu không sừng. Tăng hỏi: Khi đồng sanh cũng đồng tử thì thế nào? La Sơn đáp: Như cọp mọc sừng. Câu rốt sau chính là đạo lý này.

Trong hội La Sơn có vị Tăng lấy ý này đến hỏi Chiêu Khánh. Khánh đáp: Kia đây đều biết, cớ sao? Nếu ta đến Đông Thắng Thần Châu nói một câu, Tây Cù-da-ni Châu biết, trên trời nói một câu, nhân gian cũng biết, tâm tâm biết nhau, mắt mắt chiếu nhau. Đồng điều sanh vẫn là dễ thấy, chẳng đồng điều tử lại đặc biệt. Thích-ca, Đạt-ma cũng dò tìm chẳng được. “Nam bắc đông tay về lại qua”, cảnh giới có đôi chút đẹp. “Đêm khuya đồng thấy tuyết ngàn núi”, hãy nói là song minh hay song ám, là đồng điều sanh hay đồng điều tử? Thiền tăng đủ mắt sáng thử phân rành xem?

TẮC 52

TRIỆU CHÂU ĐỘ LỪA ĐỘ NGỰA

CÔNG ÁN: Tăng hỏi Triệu Châu: Nghe tiếng cầu đá Triệu Châu đã lâu, đến nơi chỉ thấy cầu khỉ. Triệu Châu bảo: Ông chỉ thấy cầu khỉ, nên chẳng thấy cầu đá. Tăng hỏi: Thế nào là cầu đá? Triệu Châu đáp: Độ lừa độ ngựa. 

GIẢI THÍCH: Thành Triệu Châu có cây cầu đá do Lý Ưng tạo, đến nay nổi tiếng trong thiên hạ. Cầu khỉ tức là cây cầu bắc một cây. Vị Tăng này cố ý làm giảm uy quang Triệu Châu, nên hỏi: Nghe tiếng cầu đá Triệu Châu đã lâu, đến nơi chỉ thấy cầu khỉ. Triệu Châu đáp: Ông chỉ thấy cầu khỉ nên chẳng thấy cầu đá. Cứ chỗ hỏi của vị Tăng giống như lối nói chuyện bình thường. Triệu Châu dùng câu để câu y, quả nhiên y bị mắc câu. Theo sau y hỏi: Thế nào là cầu đá? Triệu Châu đáp: Độ lừa độ ngựa. Quả thật, trong lời tự có chỗ xuất thân. Triệu Châu không giống Lâm Tế, Đức Sơn dùng gậy dùng hét, chỉ dùng ngôn cú sống chết. Công án này khéo khéo xem chỉ giống như bình thường đấu cơ phong. Tuy nhiên như thế, cũng thật khó nương gá. Một hôm, Triệu Châu cùng Thủ tọa xem cầu đá. Châu hỏi: Là người nào tạo? Thủ tọa đáp: Lý Ưng tạo. Châu hỏi: Khi tạo nhằm chỗ nào hạ thủ? Thủ tọa đáp không được. Châu bảo: Bình thường nói cầu đá, hỏi đến chỗ hạ thủ cũng không biết. Một hôm, Triệu Châu quét đất, có vị Tăng hỏi: Hòa thượngthiện tri thức vì sao lại có bụi? Châu đáp: Bên ngoài đến. Tăng hỏi: Già-lam thanh tịnh vì sao lại có bụi? Châu đáp: Lại có một điểm. Có vị Tăng hỏi: Thế nào là đạo? Châu đáp: Ngoài tường ấy. Tăng thưa: Chẳng phải hỏi đạo này, hỏi đại đạo. Châu đáp: Đại đạo thấu Trường An. Triệu Châu riêng dùng cơ này, Sư đến chỗ bình thật an ổn, vì người cũng không chạm bén đứt tay, tự nhiên cao vót, dùng được cơ này quá khéo. Tuyết Đậu tụng ra:

TỤNG:

Cô nguy bất lập đạo phương cao
Nhập hải hoàn tu điếu cự ngao
Kham tiếu đồng thời Quán Khê lão
Giải vân phách tiễn diệc đồ lao.

DỊCH:

Vút siêu chẳng lập đạo mới cao
Vào biển cần câu được cá ngao
Cười ngất đồng thời lão Quán Khê
Bảo rằng chụp tiễn uổng công lao.

GIẢI TỤNG: Câu “vút siêu chẳng lập đạo mới cao”, Tuyết Đậu tụng Triệu Châu chỗ bình thường vì người, chẳng lập huyền diệu, chẳng lập cao vút. Như các nơi nói: Đập nát hư không, đập nát Tu-di, đáy biển sanh bụi, Tu-di vỗ sóng, mới gọi là đạo của Tổ sư. Do đó, Tuyết Đậu nói: “Vút siêu chẳng lập đạo mới cao.” Vách đứng muôn nhẫn, bày chỗ linh nghiệm kỳ đặc của Phật pháp, tuy là cô nguy cao vót chẳng bằng không lập cô nguy. Chỉ bình thường tự nhiên lăn trùng trục, chẳng lập mà tự lập, chẳng cao mà tự cao, cơ thoát cô nguy mới thấy huyền diệu. Vì thế, Tuyết Đậu nói: “Vào biển cần câu được cá ngao.” Xem Sư là bậc Tông sư mắt sáng, thong thả buông một câu, dùng một cơ, chẳng câu tôm tép ốc trai, chỉ câu cá ngao to, quả là bậc tác gia. Một câu này dùng bày rõ phần đầu công án. Câu “cười ngất đồng thời lão Quán Khê”, có vị Tăng hỏi Quán Khê: Nghe danh Quán Khê đã lâu, đến nơi chỉ thấy cái ngâm. Quán Khê đáp: Ông chỉ thấy cái ngâm nên chẳng thấy Quán Khê. Tăng hỏi: Thế nào là Quán Khê? Quán Khê đáp: Chụp tên gấp. Lại Tăng hỏi Hoàng Long: Nghe tiếng Hoàng Long đã lâu, đến nơi chỉ thấy con rắn khoang đỏ. Long đáp: Ông chỉ thấy con rắn khoang đỏ nên chẳng thấy Hoàng Long. Tăng hỏi: Thế nào là Hoàng Long? Long đáp: Dài lê thê. Tăng hỏi: Bỗng gặp kim sí điểu đến thì sao? Long đáp: Tính mạng khó còn. Tăng hỏi: Thế thì bị chim ăn rồi? Long đáp: Cám ơn ông cúng dường. Đây là lập cô nguy, phải thì phải, chẳng khỏi phí công, không bằng Triệu Châu dùng lối bình thường. Thế nên, Tuyết Đậu nói: “Bảo rằng chụp tiễn uổng công lao.” Chỉ như Quán Khê, Hoàng Long thì gác lại, đến Triệu Châu nói “độ lừa độ ngựa” làm sao hội, thử biện xem?

Tạo bài viết
25/11/2010(Xem: 75757)
25/11/2010(Xem: 88456)
30/10/2010(Xem: 24731)
08/10/2010(Xem: 28916)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: