Thư Viện Hoa Sen

Tắc 91 - Tắc 95

25/11/201012:00 SA(Xem: 12851)
Tắc 91 - Tắc 95

BÍCH NHAM LỤC
Tác giả:Thiền sư Viên Ngộ - Việt dịch: HT. Thích Thanh Từ
Tu viện Chân Không 1980

TẮC 91

DIÊM QUAN CÂY QUẠT TÊ NGƯU

LỜI DẪN: Vượt tình lìa kiến mở trói gỡ niêm, dựng dậy tông thừa hướng thượng, đỡ đứng chánh pháp nhãn tạng, phải là mười phương đồng ứng, tám mặt linh lung, thẳng đến điền địa ấy. Hãy nói lại có đồng đắc đồng chứng, đồng tử đồng sanh hay không, thử cử xem?

CÔNG ÁN: Một hôm, Diêm Quan gọi Thị giả: Đem cây quạt tê ngưu lại cho ta. Thị giả thưa: Cây quạt rách rồi. Diêm Quan bảo: Cây quạt đã rách trả con tê ngưu cho ta. Thị giả không đáp được. Đầu Tử nói: Chẳng từ đem ra, ngại đầu sừng chẳng đủ. Tuyết Đậu niêm: Ta cần cái đầu sừng chẳng đủ. Thạch Sương nói: Nếu trả Hòa thượng thì không vậy. Tuyết Đậu niêm: Con tê ngưu vẫn còn, Tư Phước vẽ một vòng tròn, ở trong vẽ một chữ ngưu. Tuyết Đậu niêm: Vừa rồi vì sao chẳng đem ra? Bảo Phước nói: Hòa thượng tuổi cao, riêng mời người thì tốt. Tuyết Đậu niêm: Đáng tiếc nhọc mà không công.

GIẢI THÍCH: Một hôm Diêm Quan gọi Thị giả: “Đem cây quạt tê ngưu lại cho ta.” Việc này tuy chẳng ở trên ngôn cú, song cần nghiệm tác lược ý khí bình sanh của người, lại cần mượn lời như thế để hiểu. Đến ngày ba mươi tháng chạp vẫn được đắc lực làm chủ, muôn cảnh đầy dẫy trông thấy mà chẳng động, đáng gọi công mà vô công, lực mà vô lực. Diêm QuanThiền sư Tề An. Thời xưa lấy sừng con tê ngưu làm quạt. Khi ấy Diêm Quan há chẳng biết cây quạt tê ngưu đã rách, mà cố hỏi Thị giả. Thị giả thưa: Cây quạt tê ngưu đã rách. Xem cổ nhân trong mười hai giờ thường ở trong ấy sờ đến chạm đến. Diêm Quan bảo: Cây quạt đã rách, trả con tê ngưu lại cho ta. Hãy nói Sư cần con tê ngưu làm gì? Chỉ cần nghiệm người biết được chỗ rơi hay không? Đầu Tử đáp: Chẳng từ đem ra, ngại đầu sừng chẳng đủ. Tuyết Đậu nói: Ta cần cái đầu sừng chẳng đủ. Cũng là nhằm dưới câu liền đầu cơ. Thạch Sương nói: Nếu trả Hòa thượng thì không vậy. Tuyết Đậu nói: Con tê ngưu vẫn còn. Tư Phước vẽ một vòng tròn, ở trong vẽ một chữ ngưu. Vì Sư kế thừa Ngưỡng Sơn nên bình sanh thích lấy cảnh tiếp người để rõ việc này. Tuyết Đậu nói: Vừa rồi vì sao chẳng đem ra? Lại xỏ lỗ mũi kia vậy. Bảo Phước nói: Hòa thượng tuổi cao riêng mời thì tốt. Lời này nói được ổn đáng. Ba câu trước dễ thấy, một câu này có ý xa xôi. Tuyết Đậu cũng đã phá xong. Sơn tăng khi xưa ở chỗ Khánh Tạng chủ lý hội, nói: Hòa thượng tuổi cao già nua, được đầu quên đuôi, vừa rồi đòi cây quạt, giờ đây lại đòi con tê ngưu, khó vì hầu hạ, cho nên nói riêng mời người khác thì tốt. Tuyết Đậu nói: Đáng tiếc nhọc mà không công. Đây đều là cách thức hạ ngữ. Cổ nhân thấy tột việc này, mỗi mỗi tuy chẳng đồng, mà nói ra đều trăm phát trăm trúng, cần có con đường xuất thân, mỗi câu chẳng mất huyết mạch. Người nay bị hỏi đến, chỉ cần tạo đạo lý suy gẫm. Vì thế trong mười hai giờ cần người gặm nhấm, dạy một giọt cô đọng một giọt, cần chỗ chứng ngộ. Xem Tuyết Đậu tụng nhất quán.

TỤNG:

Tê ngưu phiến tử dụng đa thì
Vấn trước nguyên lai tổng bất tri
Vô hạn thanh phong dữ đầu giác
Tận đồng vân vũ khứ nan truy.

DỊCH:

Cây quạt tê ngưu dụng đã lâu
Hỏi đến thì ra thảy không hay
Đầu sừng với gió lành vô hạn
Trọn đồng vân vũ đi khó tìm.

Tuyết Đậu lại nói: Nếu cần gió mát trở lại, đầu sừng sanh ra, thỉnh Thiền khách mỗi người hạ một chuyển ngữ. Hỏi rằng: Cây quạt đã rách trả con tê ngưu lại cho ta? Có vị Tăng ra thưa: Đại chúng đến nhà tham thiền đi. Tuyết Đậu hét, nói: Thả câu cá kình mà câu được con ếch. Liền xuống tòa.

GIẢI TỤNG: Hai câu “cây quạt tê ngưu dụng đã lâu, hỏi đến thì ra thảy không hay”, mỗi người sẵn có cây quạt tê ngưu, trong mười hai giờ toàn nhờ sức của nó, vì sao hỏi đến thảy không biết? Thị giả Đầu Tử cho đến Bảo Phước thảy cũng chẳng biết. Hãy nói Tuyết Đậu lại biết chăng? Đâu chẳng thấy Vô Trước đến tham vấn Văn-thù, khi uống trà Văn-thù đưa cái chung pha lê lên hỏi: Phương Nam lại có cái này chăng? Vô Trước thưa: Không. Văn-thù hỏi: Bình thường dùng cái gì uống trà? Vô Trước không đáp được. Nếu biết được chỗ rơi của công án này, thì biết được cây quạt tê ngưu có vô hạn thanh phong, cũng thấy được đầu sừng con tê ngưu sừng sững. Bốn vị Trưởng lão nói thế ấy, như sáng mây chiều mưa, một phen đi thật khó tìm. Tuyết Đậu lại nói: Nếu cần gió mát trở lại, đầu sừng sanh ra, thỉnh Thiền khách mỗi người hạ một chuyển ngữ. Hỏi: Cây quạt đã rách, trả con tê ngưu lại cho ta? Có một Thiền khách đáp: Đại chúng đến nhà tham thiền đi. Vị Tăng này đoạt được quyền bính của chủ nhà, nói đến tột chỉ nói được tám phần. Nếu cần mười phần, liền lật ngược giường thiền. Ông hãy nói, vị Tăng này hiểu con tê ngưu hay chẳng hiểu? Nếu chẳng hiểu sao lại biết nói thế ấy? Nếu hiểu, tại sao Tuyết Đậu chẳng chấp nhận y? Vì sao nói “thả câu cá kình mà câu được con ếch”? Hãy nói cứu kính thế nào? Quí vị vô sự thử nêu lên xem?

TẮC 92

THẾ TÔN ĐĂNG TÒA

LỜI DẪN: Nhạc điệu bản hay ngàn năm khó gặp, thấy thỏ thả chim ưng một lúc thật tài, gom tất cả ngữ ngôn làm một câu, góp đại thiên sa giới làm một hạt bụi, đồng chết đồng sống, bảy xoi tám phủng, lại có người chứng cứ hay chăng, thử cử xem?

CÔNG ÁN: Một hôm Thế Tôn đăng tòa, Văn-thù bạch chùy rằng: Quán kỹ pháp đấng Pháp Vương, pháp đấng Pháp Vương như thế.

GIẢI THÍCH: Trước kia Thế Tôn đưa cành hoa, sớm đã có tin tức này. Buổi đầu từ vườn Lộc Uyển, sau cùng đến sông Bạt-đề, đâu từng dùng đến cây bảo kiếm Kim Cang Vương. Trong chúng khi đó, nếu có người có hơi hám Thiền tăng nhận ra được, mới khỏi sau này Ngài đưa cành hoa khiến một trường rối bời. Thế Tôn trong khoảng im lặng bị Văn-thù đẩy một cái, liền xuống tòa. Khi ấy cũng có tin tức này. Đức Thích-ca đóng cửa thất, ngài Tịnh Danh ngậm miệng, đều giống cái này, đã nói xong vậy. Như câu vua Túc Tông hỏi Quốc sư Huệ Trung về tháp Vô Phùng. Như lời ngoại đạo hỏi Phật, chẳng hỏi có lời chẳng hỏi không lời. Xem hành lý của người hướng thượng đâu từng vào hang quỉ làm kế sống. Có người nói ý ở chỗ làm thinh. Có người nói ở chỗ im lặng giây lâu. Dùng có lời để rõ việc không lời, không lời để rõ việc có lời. Vĩnh Gia nói: “Khi im lặng nói, khi nói im lặng.” Thảy hiểu thế ấy thì ba đời sáu mươi kiếp cũng chưa mộng thấy. Nếu ông thẳng đó thừa đương được, chẳng thấy có phàm có Thánh, pháp ấy bình đẳng không có cao thấp, mỗi ngày cùng chư Phật ba đời nắm tay đồng đi. Phần sau, xem Tuyết Đậu tự nhiên thấy được tụng ra.

TỤNG:

Liệt Thánh tùng trung tác giả tri
Pháp Vương pháp lệnh bất như tư
Hội trung nhược hữu Tiên-đà khách
Hà tất Văn-thù hạ nhất chùy.

DỊCH:

Liệt Thánh tùng lâm tác giả tri
Pháp Vương pháp lệnh chẳng như đây
Hội này nếu có Tiên-đà khách
Nào thiết Văn-thù hạ một chùy.

GIẢI TỤNG: Câu “liệt Thánh tùng lâm tác giả tri”, trong hội Linh Sơn tám muôn đại chúng đều là liệt Thánh, Văn-thù, Phổ Hiền cho đến Di-lặc, chủ bạn đồng hội, phải là khéo trong khéo, kỳ trong kỳ, mới biết chỗ rơi kia. Ý Tuyết Đậu nói liệt Thánh trong tùng lâm không một người “Tri hữu”. Nếu có bậc tác gia mới biết chẳng thế ấy. Cớ sao? Văn-thù bạch chùy: “Quán kỹ pháp đấng Pháp Vương, pháp đấng Pháp Vương như thế.” Tuyết Đậu nói: “Pháp Vương pháp lệnh chẳng như đây.” Cớ sao như thế? Trong hội khi ấy, nếu có người đảnh môn đủ mắt, trong tay có linh phù, nhằm trước khi Thế Tôn đăng tòa xem được phá, đâu cần Văn-thù bạch chùy. Kinh Niết-bàn nói: Tiên-đà-bà một tên có bốn nghĩa:

1)- Là muối, 2)- Là nước, 3)- Là đồ dùng, 4)- Là ngựa.

vị quan thông minh khéo hiểu bốn nghĩa, nếu vua cần rửa tay gọi tiên-đà-bà liền dâng nước, khi ăn gọi tiên-đà-bà thì dâng muối, ăn xong gọi tiên-đà-bà thì dâng đồ dùng uống nước, muốn đi gọi tiên-đà-bà thì dâng ngựa. Tùy ý ứng dụng không sai chạy. Hẳn thế, phải là người lanh lợi mới được. Như Tăng hỏi Hương Nham: Thế nào là vua đòi tiên-đà-bà? Hương Nham đáp: Qua bên này đi. Tăng qua bên này, Hương Nham nói: Ngu chết người. Tăng lại hỏi Triệu Châu: Thế nào là vua đòi tiên-đà-bà? Triệu Châu bước xuống giường thiền cúi đầu khoanh tay. Khi ấy nếu có kẻ Tiên-đà-bà, trước khi Thế Tôn đăng tòa thấu được, vẫn còn so sánh đôi chút. Thế Tôn lại đăng tòa, liền xuống tòa, đã là chẳng tiện rồi vậy. Đâu kham Văn-thù lại bạch chùy, hẳn là làm mờ đường lối đề xướng của Thế Tôn. Hãy nói thế nào là chỗ làm mờ?

TẮC 93

ĐẠI QUANG ĐÂY LÀ DÃ HỒ TINH

CÔNG ÁN: Tăng hỏi Đại Quang: Trường Khánh nói nhân trai khánh tán, ý chỉ thế nào? Đại Quang liền múa. Tăng lễ bái. Đại Quang bảo: Thấy cái gì liền lễ bái? Tăng liền múa. Đại Quang nói: Đây là dã hồ tinh.

GIẢI THÍCH: Hai mươi tám vị Tổ ở Ấn Độ, sáu vị Tổ ở Trung Hoa chỉ truyền cái này. Các ông lại biết chỗ rơi chăng? Nếu biết khỏi được lỗi này. Nếu chẳng biết, như xưa chỉ là dã hồ tinh. Có người nói: Là kéo lỗ mũi kia, đến gạt người. Nếu thật thế ấy, thành đạo lý gì? Đại Quang thật khéo vì người, trong câu có con đường xuất thân, là bậc Tông sư phải vì người nhổ đinh tháo chốt, gỡ niêm cởi trói, mới gọi là thiện tri thức. Đại Quang liền múa, vị Tăng lễ bái, rốt sau Tăng liền múa, Đại Quang nói đây là dã hồ tinh. Chẳng phải chuyển vị Tăng, cứu kính chẳng biết đúng đích. Ông chỉ biết liền múa đổi thay nhau thế ấy, đến bao giờ được thôi dứt. Đại Quang nói: Đây là dã hồ tinh. Câu này cắt đứt Kim Ngưu, thật là kỳ đặc. Vì thế nói: Kia tham câu sống, chẳng tham câu chết. Tuyết Đậu chỉ thích Sư nói “đây là dã hồ tinh”, do đó tụng ra. Hãy nói “đây là dã hồ tinh” cùng “Tạng đầu bạch, Hải đầu hắc” là đồng là khác? Với “thùng sơn”, “Sư Tăng tốt” là đồng hay khác? Lại biết chăng? Chỗ chạm gặp y, Tuyết Đậu tụng ra.

TỤNG:

Tiên tiễn du khinh hậu tiễn thâm
Thùy vân hoàng diệp thị huỳnh kim
Tào Khê ba lãng như tương tợ
Vô hạn bình nhân bị lục trầm.

DỊCH:

Tên trước còn nhẹ tên sau sâu
Ai rằng lá úa ấy vàng ròng
Tào Khê dậy sóng dường tương tợ
Vô hạn người thường bị đắm chìm.

GIẢI TỤNG: Câu “tên trước còn nhẹ tên sau sâu”, Đại Quang liền múa là tên trước, lại nói đây là dã hồ tinh là mũi tên sau. Đây là nanh vuốt từ trước đến giờ. Câu “ai rằng lá úa ấy vàng ròng”, Ngưỡng Sơn dạy chúng nói: “Cả thảy các ông mỗi người tự hồi quang phản chiếu, chớ nhớ lời tôi. Các ông từ vô thủy đến giờ trái sáng hợp tối, gốc vọng tưởng sâu dày, rất khó nhổ nhanh. Vì thế, tạm bày phương tiện cướp thô thức của ông, như đem lá vàng dỗ con nít khóc, giống như đem quả ngọt đổi lấy trái đắng.” Cổ nhân quyền bày phương tiện vì người, đến khi hết khóc thì lá vàng chẳng phải lá vàng. Thế Tôn nói pháp một đời cũng chỉ là nói để dỗ nín khóc. Câu “đây là dã hồ tinh”, chỉ cần đổi nghiệp thức cho kia. Ở trong cũng có quyền thật, chiếu dụng, mới thấy lỗ mũi Thiền tăng. Nếu hiểu được, như cọp chắp cánh. Câu “Tào Khê dậy sóng dường tương tợ”, bỗng chợt bốn phương tám hướng học giả, chỉ quản liền múa như thế. Một bề thế ấy thì “vô hạn người thường bị đắm chìm”, có chỗ nào mà cứu được?

TẮC 94

LĂNG NGHIÊM CHẲNG THẤY

LỜI DẪN: Trước tiếng một câu ngàn Thánh chẳng truyền, trước mặt một sợi tơ hằng không gián cách, lột trần bày lồ lộ, trâu trắng phơi bày, trợn mắt vảnh tai. Sư tử lông vàng gác lại, hãy nói thế nào là trâu trắng phơi bày?

CÔNG ÁN: Kinh Lăng Nghiêm nói: “Khi ta chẳng thấy sao chẳng thấy chỗ chẳng thấy của ta. Nếu thấy cái chẳng thấy, tự nhiên chẳng phải tướng chẳng thấy kia. Nếu chẳng thấy chỗ ta chẳng thấy, tự nhiên chẳng phải vật, tại sao chẳng phải ông?”

GIẢI THÍCH: Kinh Lăng Nghiêm nói: “Khi ta chẳng thấy sao chẳng thấy chỗ chẳng thấy của ta. Nếu thấy cái chẳng thấy, tự nhiên chẳng phải tướng chẳng thấy kia. Nếu chẳng thấy chỗ ta chẳng thấy, tự nhiên chẳng phải vật, tại sao chẳng phải ông?” Tuyết Đậu đến đây dẫn văn kinh mà dẫn chẳng hết. Dẫn hết thì có thể thấy. Kinh nói: “Nếu cái thấy là vật, thì ông cũng thấy được cái thấy của ta. Nếu đồng thấy gọi là thấy cái thấy của ta. Khi ta chẳng thấy sao chẳng thấy chỗ chẳng thấy của ta? Nếu thấy cái chẳng thấy, tự nhiên chẳng phải tướng chẳng thấy kia. Nếu chẳng thấy chỗ ta chẳng thấy, tự nhiên chẳng phải vật, tại sao chẳng phải của ông?” Vì lời nhiều chẳng chép hết. Ý Tôn giả A-nan nói: “Thế giới, lồng đèn, cột cái đều nên có tên, cần thiết Thế Tôn chỉ ra cái Diệu tinh nguyên minh này gọi là vật gì, khiến con thấy ý Phật?” Thế Tôn nói: Ta thấy đài hương. A-nan thưa: Con cũng thấy đài hương, tức là cái thấy của Phật. Thế Tôn nói: Ta thấy đài hương thì dễ biết, nếu khi ta chẳng thấy đài hương, ông làm sao thấy? A-nan thưa: Khi con chẳng thấy đài hương là thấy Phật. Phật bảo: Ta nói chẳng thấy, tự là ta biết, ông nói chẳng thấy tự là ông biết, chỗ người khác không thấy ông làm sao biết được? Cổ nhân nói: Đến trong đây chỉ nên tự biết, vì người nói chẳng được. Như Thế Tôn nói khi ta chẳng thấy, sao chẳng thấy chỗ chẳng thấy của ta. Nếu thấy cái chẳng thấy, tự nhiên chẳng phải tướng chẳng thấy kia. Nếu chẳng thấy chỗ ta chẳng thấy, tự nhiên chẳng phải vật, tại sao chẳng phải ông? Nếu nói nhận cái thấy là có vật thì chưa có thể phủi dấu “khi tôi chẳng thấy”. Như con linh dương mọc sừng, tiếng vang dấu vết, khí tức đều tuyệt, ông nhằm chỗ nào dò tìm? Ý kinh trước buông ra để phá, sau đoạt để phá. Tuyết Đậu mở con mắt giáo pháp để tụng, chẳng tụng vật, cũng chẳng tụng thấy cùng chẳng thấy, thẳng thừng tụng thấy Phật.

TỤNG:

Toàn tượng toàn ngưu ế bất thù
Tùng lai tác giả cộng danh mô
Như kim yếu kiến Hoàng đầu lão
Sát sát trần trần tại bán đồ.

DỊCH:

Voi đủ trâu đầy mắt bệnh đồng
Từ lâu tác giả thảy dò tìm
Như nay cốt thấy lão già Ấn
Cõi cõi trần trần ở giữa đường.

GIẢI TỤNG: Câu “voi đủ trâu đầy mắt bệnh đồng”, những người mù rờ voi, mỗi người nói khác nhau, xuất xứ từ kinh Niết-bàn. Có vị Tăng hỏi Ngưỡng Sơn: Hòa thượng thấy người hỏi thiền hỏi đạo, liền vẽ một vòng tròn, ở giữa vẽ chữ ngưu, ý tại chỗ nào? Ngưỡng Sơn đáp: “Cái này cũng là việc nhàn, nếu như hội được chẳng từ ngoài đến, nếu như hội chẳng được quyết định chẳng biết. Ta thử hỏi ông, các bậc lão túc mọi nơi ở trên thân ông chỉ ra cái gì là Phật tánh của ông? Lại là nói thì phải, nín thì phải, chẳng nói chẳng nín thì phải? Hoặc giả thảy phải, thảy chẳng phải? Nếu ông nhận nói là phải, như người mù mò được cái đuôi con voi. Nếu ông nhận nín là phải, như người mù mò được lỗ tai con voi. Nếu ông nhận chẳng nói chẳng nín là phải, như người mù mò được lỗ mũi con voi. Nếu nói vật vật đều phải, như người mù mò được bốn chân con voi. Nếu nói tất cả chẳng phải, là bỏ con voi rơi tại không kiến. Như thế chỗ thấy của những người mù chỉ ở trên con voi mà danh từ tướng mạo sai biệt. Ông cần yếu chớ mò voi, chớ nói kiến giác phải, cũng chớ nói chẳng phải.” Tổ sư nói: “Bồ-đề vốn không cội, gương sáng cũng không đài, xưa nay không một vật, chỗ nào dính trần ai.” Lại nói: “Đạo vốn không hình tướng, trí tuệ tức là đạo, khởi kiến giải thế ấy, gọi là chân Bát-nhã.” Người sáng mắt thấy toàn thể con voi, như Phật thấy tánh cũng thế. Toàn ngưu là xuất phát từ Trang Tử. Bào Đinh mổ trâu chưa từng thấy toàn ngưu kia, chỉ thuận lý mà mổ, dao dao tự tại, chẳng cần nhọc công, trong khoảng chớp mắt đầu sừng chân thịt đồng thời mổ xong. Như thế mười chín năm dao vẫn bén như mới ra từ lò rèn, gọi đó là toàn ngưu. Tuy nhiên kỳ đặc như thế, Tuyết Đậu nói giả sử được toàn tượng toàn ngưu cùng trong mắt có cườm lại chẳng khác. Câu “từ lâu tác giả thảy dò tìm”, dù là tác gia đến trong đây dò tìm cũng chẳng được. Từ Tổ Ca-diếp cho đến chư Tổ ở Ấn Độ, Trung Hoa, các bậc lão Hòa thượng trong thiên hạ đều chỉ gọi mò. Tuyết Đậu nói thẳng thừng rằng “như nay cần thấy lão già Ấn”, sở dĩ nói cần thấy tức thì thấy, đợi tìm kiếm mới thấy cách ngàn dặm muôn dặm. Hoàng đầu lão tức là ông già mặt vàng. Như nay ông cần thấy thì “cõi cõi trần trần ở giữa đường”. Bình thường nói “một hạt bụi, một cõi Phật, một chiếc lá, một Thích-ca”. Trọn cả tam thiên đại thiên thế giới có bao nhiêu hạt bụi, chỉ nhằm trong một hạt bụi thấy. Chính khi ấy vẫn ở nửa đường. Bên kia lại còn có nửa đường không? Hãy nói còn chỗ nào? Ông già Thích-ca còn chẳng biết, bảo Sơn tăng làm sao nói được?

TẮC 95

TRƯỜNG KHÁNH A-LA-HÁN BA ĐỘC

LỜI DẪN: Chỗ có Phật chẳng được trụ, trụ đây đầu mọc sừng, chỗ không Phật chạy qua nhanh, chẳng chạy qua cỏ cao một trượng. Dù cho lột trần bày lồ lộ, ngoài việc không cơ, ngoài cơ không việc, chưa khỏi ôm gốc cây đợi thỏ. Hãy nói thảy chẳng thế ấy, hành lý thế nào, thử cử xem?

CÔNG ÁN: Trường Khánh có khi nói: Thà nói A-la-hán có ba độc chẳng nói Như Lai có hai thứ lời, chẳng nói Như Lai không nói, chỉ là không hai thứ lời. Bảo Phước hỏi: Thế nào là Như Lai nói? Trường Khánh đáp: Người điếc đâu được nghe. Bảo Phước nói: Biết rõ ông nhằm đầu thứ hai nói. Trường Khánh hỏi: Thế nào là Như Lai nói? Bảo Phước đáp: Uống trà đi.

GIẢI THÍCH: Trường Khánh, Bảo Phước ở trong hội Tuyết Phong thường cùng nhau nhắc những công án của cổ nhân để thương lượng. Một hôm như thường lệ, Trường Khánh nói: Thà nói A-la-hán có ba độc, chẳng nói Như Lai có hai thứ lời. Tiếng Phạn A-la-hán, Trung Hoa dịch Sát tặc, do công năng mà lập tên, hay đoạn tám mươi mốt phẩm phiền não, các lậu đã sạch, phạm hạnh đã xong, đây là bậc A-la-hán vô học. Ba độc tức là tham sân si căn bản phiền não. Tám mươi mốt phẩm còn tự đoạn sạch, huống là ba độc. Trường Khánh nói: Thà nói A-la-hán có ba độc, chẳng nói Như Lai có hai thứ lời. Đại ý cần nêu lên Như Lai hẳn là nói thật. Kinh Pháp Hoa nói: Chỉ đây một sự thật, còn hai thì chẳng chân. Lại nói: Chỉ có pháp Nhất thừa, không hai cũng không ba. Thế Tôn hơn ba trăm hội, xem căn cơ dạy giáo pháp, hợp bệnh cho thuốc, thuyết pháp muôn thứ ngàn loại, cứu kính không hai thứ lời. Ý của Ngài đến đây, quí vị làm sao thấy được? Phật dùng một âm diễn nói pháp thì chẳng không, Trường Khánh vẫn còn chưa mộng thấy lời nói của Như Lai. Tại sao? Giống như người nói ăn, trọn không thể no. Bảo Phước thấy y trên đất bằng nói giáo, liền hỏi: Thế nào là Như Lai nói? Trường Khánh đáp: Người điếc đâu được nghe. Kẻ này biết những lúc khác ở trong hang quỉ làm kế sống. Bảo Phước nói: Biết rõ ông nhằm trên đầu thứ hai nói. Quả thật đúng lời kia. Lại hỏi Sư huynh, thế nào là Như Lai nói? Bảo Phước đáp: Uống trà đi. Cán thương đổi ngược bị người khác cướp rồi. Cả thảy Trường Khánh mất tiền bị tội. Xin hỏi quí vị, Như Lai nói có mấy thứ? Phải biết thấy được thế ấy, mới thấy chỗ bại khuyết của hai vị này. Kiểm điểm chín chắn trọn nên ăn gậy. Phóng một bước nói cùng kia lý hội. Có người nói: Bảo Phước nói được đúng, Trường Khánh nói chẳng đúng. Chỉ thiết theo lời sanh hiểu, nói có được có mất. Đâu chẳng biết cổ nhân như chọi đá nháng lửa, tợ làn điện chớp. Người nay chẳng xem chỗ cổ nhân chuyển, chỉ cần chạy dưới câu, nói Trường Khánh khi ấy dùng chẳng tiện, vì thế rơi vào đầu thứ hai. Bảo Phước nói uống trà đi, là đầu thứ nhất. Nếu chỉ xem thế ấy, đến đức Phật Di-lặc hạ sanh cũng chẳng thấy ý cổ nhân. Nếu là tác gia thì chẳng khởi loại kiến giải này, nhảy khỏi hang ổ ấy, hướng thượng tự có một lối đi. Nếu ông nói người điếc chẳng được nghe, có chỗ nào là chẳng phải? Bảo Phước nói uống trà đi, có chỗ nào là phải? Càng không dính dáng. Thế nên nói “kia tham câu sống, chẳng tham câu chết”. Nhân duyên này cùng “khắp thân phải, toàn thân phải” một loại. Không có chỗ cho ông so tính thị phi. Phải là dưới chân ông lột trần, mới thấy chỗ cổ nhân thấy nhau. Ngũ Tổ lão sư nói: Giống như trước ngựa đánh nhau, phải là mắt nhìn tay nắm. Công án này nếu dùng chánh nhãn xem đó, đều không có chỗ được mất để biện được mất, không có chỗ thân sơ để biện thân sơ. Trường Khánh cũng phải lễ bái Bảo Phước mới được. Cớ sao? Chỗ khéo này dùng rất tài, giống như điện xẹt sao băng, Bảo Phước quả là trên nanh sanh nanh, trên vuốt sanh vuốt.

TỤNG:

Đầu hề đệ nhất đệ nhị
Ngọa long bất giám chỉ thủy
Vô xứ, hữu nguyệt ba trừng
Hữu xứ, vô phong lãng khỉ.
Lăng thiền khách! Lăng thiền khách!
Tam ngoạt võ môn tao điểm ngạch.

DỊCH:

Đầu chừ thứ nhất thứ hai
Rồng nằm chẳng xem nước đứng
Chỗ không, có trăng sóng dừng
Chỗ có, không gió sóng dậy.
Thiền khách Lăng! Thiền khách Lăng!
Tháng ba võ môn bị điểm trán.

GIẢI TỤNG: Câu “đầu chừ thứ nhất thứ hai”, chỉ cần hiểu thứ nhất thứ hai, chính là ở trong nước chết làm kế sống. Cái cơ khéo này, ông chỉ khởi hiểu thứ nhất thứ hai thì dò tìm chẳng đến. Tuyết Đậu nói “rồng nằm chẳng xem nước đứng”, trong nước chết đâu có rồng ẩn. Nếu là thứ nhất thứ hai, chính là trong nước chết làm kế sống. Phải là chỗ nước nổi sóng to, sóng bủa ngập trời mới có rồng ẩn. Giống như trước nói “đầm lặng chẳng cho rồng to ở”. Đâu chẳng thấy nói “nước chết chẳng chứa rồng”? Lại nói: “Rồng nằm hằng sợ nước đầm trong.” Vì thế nói “chỗ không rồng, có trăng sóng dừng”, gió lặng sóng yên, “chỗ có rồng, không gió sóng dậy”. Giống như Bảo Phước nói “uống trà đi”, chính là không gió sóng dậy. Tuyết Đậu đến trong đây một lúc vì ông chập chùng tình giải tụng xong. Sư có vận thừa khiến thành văn lý, như trước đến trong đầu đặt một con mắt, cũng thật là kỳ đặc. Lại nói “Thiền khách Lăng! Thiền khách Lăng! tháng ba võ môn bị điểm trán”. Trường Khánh tuy là con rồng vượt khỏi Long môn, lại bị Bảo Phước ngay đầu điểm một cái.

Tạo bài viết
25/11/2010(Xem: 75757)
25/11/2010(Xem: 88456)
30/10/2010(Xem: 24731)
08/10/2010(Xem: 28916)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: