GESAR LÀ AI?
[Orgyen Tobgyal Rinpoche giảng ở] Lerab Ling, 11/11/2013[1]
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.
Như một thói quen, Orgyen Tobgyal Rinpoche[2] thường nói vài lời mỗi ngày trong một Pháp hội Drupchen (Đại Thành Tựu) ở Lerab Ling để truyền cảm hứng cho đại chúng tham dự thực hành nhóm này và làm sáng tỏ những khía cạnh quan trọng của con đường. Thỉnh thoảng trong những lúc nghỉ giải lao, điều gì đó xảy ra khiến Rinpoche đưa ra những giải thích đơn giản về thực hành, điều có thể giúp ích cho toàn bộ đại chúng. Vào một dịp như thế, cuối Pháp hội Drupchen Tác Minh Phật Mẫu (Kurukulle), Rinpoche đã nói về Gesar, và đặc biệt là, cách thức liên hệ với Ngài khi chúng ta tiến hành các pháp tu Gesar của mình.
Đêm qua, tôi về phòng mình sau thực hành và xem phần ghi hình thời khóa buổi tối. Sogyal Rinpoche đã đến chùa và rất tích cực. Khi tôi xem Ngài cử hành các Pháp tu Gesar, chẳng hạn Lời Cầu Nguyện Cúng Dường Đại Sư Tử Gesar Bảo Châu Tự Nhiên Viên Thành Các Hoạt Động, Sollo Chenmo, chư Hộ Pháp, v.v... tôi cảm thấy muốn đáp lại bằng việc dâng lên một món cúng dường. Vì thế, bây giờ tôi sẽ nói đôi lời về Gesar.
Có nhiều nghi quỹ Gesar khác nhau. Trong một số, Gesar được thực hành như là Lama (đạo sư), và trong số khác, Ngài được thực hành như là Yidam (Bổn Tôn) hoặc Hộ Pháp hay một vị Tài Bảo, v.v.
Khi tiến hành những Pháp tu này, bạn thực sự phải hiểu điểm chính yếu. Những ai bỏ qua nó, cuối cùng sẽ thực hành Gesar như thể Ngài chỉ là một nhân vật lịch sử – một vị vua nhỏ của Tây Tạng, người chẳng hơn gì một lãnh chúa phong kiến – vị đã sống ở Kham và tiến hành nhiều cuộc chiến. Tuy nhiên, có gì đó không đúng lắm nếu cầu nguyện đến Ngài và dâng lên những cúng phẩm dựa trên sự hiểu đó. Và thành thật mà nói, như tôi biết, đó là cách mà phần lớn mọi người ở đây nghĩ về Ngài.
Điều mà tôi muốn nói với các bạn tối nay là: Gesar không phải là một lãnh chúa phong kiến đơn thuần – Ngài không giống vậy chút nào!
1. CHƯ HỘ PHÁP LÀ AI?
Chư Hộ Pháp trí tuệ
Đầu tiên, hãy nói về chư Hộ Pháp. Có hai kiểu: Hộ Pháp trí tuệ và Hộ Pháp thế gian. Hộ Pháp trí tuệ là ai? Chư vị bao gồm bộ ‘Gonpo’ của các Hộ Pháp nam, bộ ‘Lhamo’ thiên nữ của các Hộ Pháp nữ và bộ ‘Maning’ của các Hộ Pháp trung tính. Về cơ bản, chư Hộ Pháp trí tuệ là chư Phật mang hình tướng những vị bảo vệ.
Điều này như sau. Cõi giới căn bản của các hiện tượng là ‘không sinh’ hay ‘thanh tịnh nguyên sơ’. Chư vị Báo thân Phật hiển bày từ hư không căn bản không sinh đó để ‘điều phục’ mọi hữu tình chúng sinh có thể điều phục và chư vị được phú bẩm vô số phẩm tính giác ngộ của thân, khẩu và ý giác ngộ. Công việc của Báo thân Phật là làm lợi lạc hữu tình chúng sinh và để làm thế, chư vị phải hóa hiện hình tướng vật lý thích hợp, nói những từ ngữ thích hợp và bước vào vô số định (Samadhi), thứ là sự hiển bày của ý giác ngộ. Nói cách khác, mọi phẩm tính giác ngộ của thân, khẩu và ý, những hoạt động giác ngộ và hiển bày giác ngộ của một Báo thân phải phù hợp và thích hợp với hoàn cảnh và thiên hướng của hữu tình chúng sinh mà chư vị muốn giúp đỡ.
Hữu tình chúng sinh không thể liên hệ với thân, khẩu, ý, phẩm tính và hoạt động giác ngộ như chúng là; nhưng dĩ nhiên, chư Phật có thể. Vì thế, điều gì phải xảy ra? Vòng quay vô tận của những sức trang hoàng của khẩu giác ngộ, cũng được biết đến là ‘đám mây những chủng tự’ phải hiển bày trong hình tướng của các Mật điển, để hữu tình chúng sinh có thể được lợi lạc từ mọi phẩm tính giác ngộ.
Khi thời điểm để giảng dạy Mật điển xảy đến, đó là điều xảy ra. Vị Phật đầu tiên, Pháp thân Phổ Hiền Như Lai, là sự thanh tịnh nguyên sơ thoát khỏi sự tạo tác – khía cạnh của tính Không; và vị phối ngẫu, Phổ Hiền Vương Mẫu Samantabhadri – vị mà tâm trí tuệ không bao giờ tách rời tâm trí tuệ của Đức Phổ Hiền Như Lai – là khía cạnh của sự sáng tỏ. Chư vị không bao giờ không phải là một, nhưng Đức Phổ Hiền Phật Mẫu xuất hiện là một vị tách rời, người đã thỉnh cầu Đức Phổ Hiền Như Lai giảng dạy các Mật điển; sau đấy, vì lòng bi mẫn dành cho hữu tình chúng sinh, Đức Phổ Hiền Như Lai đã tạo ra ‘vòng quay của những đám mây chủng tự’. Nói cách khác, Ngài đem các Mật điển đến thế giới bằng cách giảng dạy chúng.
Khi các Mật điển lần đầu tiên được giảng dạy, cả Mật điển gốc và hỗ trợ đều được bao trọn. Ví dụ, giáo lý Dzogchen (Đại Viên Mãn) chính yếu được ban là Mật điển gốc được biết đến là Mật Điển Sự Vang Dội Của Âm Thanh và đi kèm là sáu triệu bốn trăm nghìn Mật điển Dzogpa Chenpo khác. Các Mật điển bao gồm những nghi quỹ, tức là ‘phương tiện để đạt thành tựu’, và từ đó vô số Bổn tôn xuất hiện – ví dụ, chư Phật của năm gia đình và một trăm gia đình an bình và phẫn nộ thù thắng. Rất nhiều Bổn tôn được thỉnh cầu bởi nhiều chương nghi quỹ được giảng dạy và trong những Bổn tôn này có chư vị Hộ Pháp, người sở hữu, quan tâm và bảo vệ những giáo lý này. Lấy ví dụ, Phật Mẫu Phổ Hiền đã hóa hiện từ núi đá trong hình tướng vật lý là Nữ Hộ Pháp Của Mật Chú [Ekadzati] – bởi các bạn đều thực hành Magon Chamdral mỗi ngày, các bạn ắt hẳn đã biết điều này.
Bậc thầy Phổ Hiền Như Lai, Phổ Hiền Phật Mẫu, chư Bổn tôn của một trăm gia đình an bình và phẫn nộ thù thắng và Nữ Hộ Pháp Của Mật Chú, đều đơn giản là những sự hiển bày khác nhau của cùng một trí tuệ duy nhất. Về nhận thức đó, chư vị giống nhau. Những sự hóa hiện khác nhau của một trí tuệ này được gọi là ‘chư Bổn tôn trí tuệ’, và nói một cách đơn giản, những vị Bổn tôn trí tuệ này không phải là sự hiển bày của vô minh, mà là của sự sáng tỏ thấu biết.
Chư Hộ Pháp thế gian
Bên cạnh chư vị trí tuệ, những tinh linh tồn tại độc lập như Tsen và Gyalpo xuất hiện, nhưng chúng chịu ảnh hưởng của vô minh trong thời gian dài. Cuối cùng, chư đạo sư chỉ ra tình cảnh mê lầm của chúng – ít nhất là đến một mức độ nhất định – và ‘thiết lập chúng là những vị bảo vệ của giáo lý’.
Cũng có những thần bản địa. Những vị ở Tây Tạng bị khuất phục bởi Guru Rinpoche, người mà sau đó họ đã hứa phục vụ. Những vị thần bản địa này vì thế làm bất cứ điều gì họ có thể để giúp hoằng dương giáo lý của Đức Phật và tăng cường sự an lạc của hữu tình chúng sinh – những vị mà họ không làm hại – và trưởng dưỡng tâm giác ngộ của Bồ đề tâm. Một vài trong số những thần bản địa này đã có khả năng tuân theo những lời của Guru Rinpoche và kính trọng lời hứa mà họ đã phát trước Ngài ngay tức thì, nhưng có thể số khác thì không – ít nhất là lúc bắt đầu.
Đây là điểm quan trọng đầu tiên mà các bạn cần hiểu.
2. CHƯ PHẬT CẦN HÓA HIỆN MỘT CÁCH THÍCH HỢP
Điểm tiếp theo là để có khả năng thực sự giúp đỡ hữu tình chúng sinh, điều quan trọng là hiển bày và hành xử theo những cách mà hữu tình chúng sinh có thể liên hệ. Thực sự, không có lựa chọn nào khác. Thậm chí đạo sư của chúng ta, Phật Thích Ca Mâu Ni, cũng đã nhập thai của Mayadevi, hoàng hậu của Vua Tịnh Phạn [Shuddhodana] để Ngài có thể thực sự giúp đỡ hữu tình chúng sinh và vì thế tuân theo những mong chờ của họ bằng cách tiến hành mười hai hành động. Guru Rinpoche cũng đã hiển bày vì lợi ích của hữu tình chúng sinh. Một chủng tự HRIH phóng ra từ tim của Phật A Di Đà, giáng hạ xuống bông sen giữa Hồ Dhanakosha và lập tức biến thành Guru Rinpoche. Theo cách này, Ngài xuất hiện trên thế giới này nhờ sự chào đời diệu kỳ; và bởi Ngài không nhập diệt, các phương pháp mà Ngài đã dùng để giúp đỡ hữu tình chúng sinh là mười một hành động. Khi hiện thân trí tuệ của tất cả chư Phật, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, phải giảng dạy hữu tình chúng sinh các môn như chiêm tinh, Ngài xuất hiện trên thế gian này từ một cái nút trên cây ở Trung Hoa, từ đó, Ngài hóa hiện diệu kỳ thành một chú chim. Sau đấy, Ngài mang nhiều hình tướng bên cạnh hình tướng đó của Văn Thù Sư Lợi, ví dụ, một con rùa vàng. Các tường thuật về thời điểm đầu tiên mà giáo lý chiêm tinh được ban luôn bắt đầu với câu chuyện này về sự chào đời diệu kỳ của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, rùa vàng và v.v.
Như tôi đã đề cập hôm qua, chính vào lúc những giáo lý Mật điển được đem đến thế gian, Rudra Giải Thoát Đen xuất hiện. Để điều phục hắn, sức mạnh của tất cả lòng bi và năng lực của chư Phật hóa hiện trong các hình tướng của Mã Đầu Minh Vương và Hợi Mẫu Kim Cương, những vị sau đấy điều phục hắn trên đỉnh Núi Malaya Thiên Thạch Bùng Cháy. Đây chính là nơi những giáo lý của Mật điển bí mật sau đấy xuất hiện. Đó là điểm thứ hai mà bạn cần biết.
3. GESAR LÀ AI?
Bạn cần hiểu hai điểm đầu tiên này một cách rõ ràng trước khi chúng ta có thể thảo luận điểm thứ ba, tức là về Gesar Norbu Dradul, ‘Gesar – Đấng Bảo Châu Điều Phục Kẻ Thù’. Quan trọng hơn cả, bạn cần hiểu rằng những hóa thân, vị hóa hiện để giúp đỡ hữu tình chúng sinh, phải hiển bày trong hình tướng phù hợp với thiên hướng và căn cơ của hữu tình chúng sinh thời đó và nhờ đó, họ có thể giúp những chúng sinh này. Dĩ nhiên, đây không phải điều gì đó mà tự thân hữu tình chúng sinh biết được, đó là điều mà chư Phật mới biết.
Thời kỳ mà chúng ta đang trải qua hiện nay được xem là ‘xấu’ bởi năm sự suy đồi đang tràn khắp. Hữu tình chúng sinh ở trong trạng thái tệ hơn so với quá khứ – nhiều đến mức họ không thể nương theo con đường giải thoát và toàn tri. Tại sao vậy? Bởi Lungta của họ suy yếu và bởi những che chướng mạnh mẽ che lấp tâm thức họ, khi những giáo lý như Dzogpa Chenpo [Đại Viên Mãn] được giới thiệu với họ, họ không thể hiểu điều đang được giảng dạy. Bây giờ mọi thứ là như thế. Và như tôi vừa nói, khi Đức Phật thị hiện để điều phục chúng sinh có thể được rèn luyện, hữu tình chúng sinh phải có thể liên hệ với hình tướng mà Ngài hóa hiện. Đức Gesar xuất hiện vào thời kỳ mà chúng sinh hoàn toàn bị cảm xúc tiêu cực chiếm hữu và dành cả đời tranh đấu với nhau. Để điều phục chim chóc, Đức Phật phải hóa hiện làm chim; để điều phục chó, Ngài hóa hiện làm chó; để điều phục loài ong, Ngài hóa hiện thành ong; và để điều phục loài người, Ngài phải thị hiện trong thân người, phải không nào?
Vào thời điểm như vậy, Đức Phật xuất hiện là Gesar Norbu Dradul – hóa thân diệu kỳ của Đức Liên Hoa Sinh và của chúa tể của ba gia đình. Chúa tể của ba gia đình gồm: Quán Thế Âm – hiện thân của lòng bi, vị dõi theo mỗi hữu tình chúng sinh bằng đôi mắt bi mẫn như mẹ hiền nhìn đứa con duy nhất; Văn Thù Sư Lợi, hiện thân của trí tuệ, vị biết tất cả; và Bí Mật Chủ – Kim Cương Thủ, hiện thân của tất cả sức mạnh, năng lực và khả năng của chư Phật. Chính Gesar là hóa hiện diệu kỳ của ba gia đình này.
Guru Rinpoche cũng là hiện thân các hoạt động giác ngộ của tất cả chư Phật. Các hoạt động giác ngộ của Ngài là không thể nghĩ bàn, nhưng một phần nhỏ xảy ra ở xứ Ling, thuộc Kham, được gọi là ‘thung lũng Ma mà mọi người đều muốn thấy’ – đây là cách mà nó được gọi trong tất cả các câu chuyện được viết về Gesar. Cha của Ngài xuất thân từ dòng họ Mukpo Dong và vì thế là một thành viên của dòng tộc Mukpo gia trưởng. Tộc Mukpo gồm nhiều tộc nhỏ hơn, bao gồm dòng họ Chophen và Cholaphen, nhưng chính một trong những người con trai của dòng họ Senglon đã trở thành cha của Đức Gesar; mẹ của Ngài thuộc về dòng tộc gọi là Gogza và đến từ vùng đất của chư Naga. Như là kết quả của sự hợp nhất của hai vị, Gesar đã nhập thai mẹ Ngài và xuất hiện trên thế giới này.
Khi Gesar nhập thai của mẹ Ngài, Bà có một giấc mơ về năm luân xa – luân xa đại lạc trên đỉnh đầu, luân xa hỷ lạc ở cổ họng, luân xa Giáo Pháp ở tim, luân xa hóa hiện ở rốn và luân xa duy trì hỷ lạc ở vùng bí mật – và tất cả năm đứa con của bà, bốn trai và một gái, nhập thai cùng lúc đó.
Vị đầu tiên trong năm Hóa thân sắp sinh ra này là Puwo (‘anh trai’), sau đó Nuwo (‘em trai’) và Singmo (‘em gái’) và họ mang hình tướng của chư thiên, Naga, con người và v.v. để hỗ trợ Gesar trong các hoạt động của Ngài. Gesar Norbu Dradul sinh ra từ vùng bí mật của Bà ấy. Tôi không thể kể cho các bạn câu chuyện về cuộc đời của Đức Gesar ngay bây giờ bởi nó gồm nhiều quyển. Nhưng bởi các bạn thực hành Sollo Chenmo thường xuyên và vì thế có tụng, “Chúng con dâng thứ này […] lên Puwo Dungkhyung Karpo[3]!, lên Nuwo Lutrul Ochung[4]! […] lên Singcham Tale Okar[5]!”. Tôi nghĩ tôi sẽ đề cập điều gì đó về các anh chị em của Ngài.
Đức Gesar cũng có một anh em cùng cha khác mẹ – họ có cùng cha, nhưng mẹ của người đó gọi là Gyatsa – và cũng có vài người khác. Một vài trong số những bản văn của chúng ta, chẳng hạn thực hành Sang, nhắc đến Denma; Ngài dẫn dắt ‘ba mươi chiến binh-phi thường uy mãnh’, những thượng thư của Ngài, tất cả cũng đã xuất hiện lúc ấy trong hình tướng Drala.
Chư vị đều là những Hóa thân, điều nghĩa là chư vị đã xuất hiện trong một hình tướng mà hữu tình chúng sinh có thể liên hệ, chứ không phải là những hữu tình chúng sinh. Chư vị có thể bay trên trời, sống dưới mặt đất và hiển bày đủ mọi điều diệu kỳ. Tiểu sử Đức Gesar chứa đầy những câu chuyện không thể nghĩ bàn. Ngài là kiểu người mà với Ngài, mọi thứ xuất hiện như là sự hiển lộ tự nhiên của trí tuệ nguyên sơ – Ngài có thể thu hút và kiểm soát mọi hình tướng. Nhưng Ngài chỉ duy trì trên thế gian này trong một khoảng thời gian ngắn.
Mặc dù Đức Gesar không có những hậu duệ trực tiếp, gia đình Mukpo Dong, những vị xuất thân từ người anh em cùng cha khác mẹ, vị có mẫu thân là Gyatsa, vẫn tồn tại. Dĩ nhiên, các thành viên đều nổi tiếng, nhưng cũng có thể xác định một thành viên gia đình vào lúc chết bởi một chữ A lớn được viết trên sọ của họ. Cũng có thể nhận ra họ nhờ màu đỏ của mắt. Sogyal Rinpoche và mẹ Ngài đã sinh ra trong một trong những dòng họ Mukpo Dong.
4. CÁC THỰC HÀNH GESAR
Sau thời kỳ của Gesar, nhiều vị Terton đã phát lộ các Pháp tu, nghi quỹ, cẩm nang hoạt động, quán đỉnh v.v. về Gesar, dưới dạng những Terma tâm, và vì thế ngày nay, chúng ta có nhiều tập sách về thực hành Gesar. Tổ Jamyang Khyentse Wangpo[6] và Tổ Jamgon Kongtrul[7] đã phát lộ các thực hành Gesar, Mipham Rinpoche[8] cũng để lại nhiều Pháp tu, Đức Shechen Gyaltsab[9] đã phát lộ một số, và Khenpo Jigphun[10] cũng vậy; và Dilgo Khyentse Rinpoche[11] – ví dụ, trong pho Tâm Yếu Chư Drala. Nói cách khác, nhiều Terton đã phát lộ vô số Terma về Gesar.
Như tôi đã nói, những giáo lý này là các Terma Tâm. Để phát lộ một Terma Tâm, tâm trí tuệ của vị Terton phải bất khả phân với tâm trí tuệ của Guru Rinpoche, điều bất khả phân với tâm trí tuệ của Gesar. Điều này nghĩa là khi những vị Terton này phát lộ các Terma Tâm, tâm của chư vị giống như tâm trí tuệ của Gesar. Và không thể có bất cứ sai sót nào trong một Terton chân chính, bởi Phật không mắc lỗi! Mipham Rinpoche là vị phát lộ chính yếu các Terma Tâm về Gesar, và cả từ ngữ của Terma và ý nghĩa đều không sai sót. Chúng không chỉ không có lỗi lầm, mà sức mạnh thành tựu các hoạt động và đem lại kết quả mong muốn có thể được chứng kiến cho đến ngày nay. Đó là lý do tại sao tôi từng nói rằng bạn có thể thực hành Gesar như là Lama [đạo sư], Yidam [Bổn tôn] hoặc là Hộ Pháp, và bất cứ cách nào cũng đều tốt và sẽ rất lợi lạc.
KẾT LUẬN
Tôi biết một chút về các khía cạnh bên ngoài và trong của Đức Gesar; vì thế, tôi nghĩ nói đôi lời để làm sáng tỏ đôi nét về Ngài cũng như các thực hành của Ngài có lẽ hữu ích. Xin hãy lưu ý rằng ‘đôi lời’ mà tôi nói không phải của tôi! Mọi điều tôi đã nói tối nay tuân theo hoàn hảo với các giáo lý. Đó là món cúng dường của tôi lên Đức Gesar. Nếu bạn thêm điều tôi vừa nói vào những giáo lý mà tôi đã ban vài năm trước ở Lerab Ling về thực hành Sang, trong đó, tôi đã nhắc đến các lợi lạc của thực hành Hộ Pháp Gesar, có lẽ một chút lợi lạc sẽ đến từ nó. Hôm nay, tôi sẽ không lặp lại điều tôi đã nói trong quá khứ. Dẫu sao, tôi biết các bạn đều thích ngủ và đang muốn lao về giường.
Gyurme Avertin chuyển dịch Tạng-Anh; Janine Schulz hiệu đính.
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.
[1] Nguồn Anh ngữ: http://all-otr.org/vajrayana/34-who-gesar-is.
[2] Theo Rigpawiki (https://www.rigpawiki.org/), Orgyen Tobgyal Rinpoche sinh năm 1951 ở Nangchen, Kham, miền Đông Tây Tạng. Ngài là con trai của Neten Chokling Rinpoche đời thứ ba. Mặc dù nổi tiếng là Gyalchen Tulku, hóa thân hoạt động của Tổ Taksham Nuden Dorje, Ngài không được chính thức công nhận là một vị Tulku – đạo sư tái sinh – khi còn trẻ, bởi người ta nói rằng điều này sẽ gây ra nhiều chướng ngại cho cuộc đời Ngài. Ngài là anh trai của Khyentse Yeshe Rinpoche – Jamyang Gyaltsen và Dzigar Kongtrul Rinpoche và được trìu mến gọi là Abu Rinpoche (Abu nghĩa là anh trai trong phương ngôn vùng Kham).
[3] Anh trai của Đức Gesar – Dungkhyung Karpo (“Kim Sí Điểu Ốc Trắng”).
[4] Em trai của Đức Gesar, Lutrul Ochung (“Rắn Naga Ánh Sáng Nhỏ”).
[5] Em gái của Đức Gesar, Tale Okar (“Bạch Quang Chói Ngời”).
[6] Về Đức Jamyang Khyentse Wangpo, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a33069/tieu-su-van-tat-duc-jamyang-khyentse-wangpo-1820-1892-.
[7] Về Đức Jamgon Kongtrul, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a30929/tieu-su-duc-jamgon-kongtrul-yonten-gyatso.
[8] Về Đức Mipham, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a32261/tieu-su-duc-mipham-jamyang-namgyal-gyatso-1846-1912-.
[9] Về Đức Shechen Gyaltsab, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a32440/cuoc-doi-duc-shechen-gyaltsab-gyurme-pema-namgyal.
[10] Về Khenpo Jigphun, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a29403/trai-tim-larung-gar-tieu-su-kyabje-jigmey-phuntsok-rinpoche.
[11] Về Dilgo Khyentse Rinpoche, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a32138/tieu-su-dilgo-khyentse-rinpoche-1910-1991-.