TIỂU SỬ VẮN TẮT TÔN GIẢ TARANATHA
Alak Zenkar Rinpoche[1] soạn | Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ
Jonang Jetsun Kunga Nyingpo hay Đức Taranatha như Ngài thường được biết đến sinh ở Chokhor Ding vào ngày Tám tháng Sáu năm Mộc Hợi của chu kỳ [sáu mươi năm] thứ mười (1575). Cha của Ngài là ông Namgyal Puntsok, một hậu duệ của Ra Lotsawa và mẹ của Ngài là bà Dorje Buga Lhamo. Ngay khi cậu bé chào đời, ông của cậu đã đặt tên cho cậu là Pema Sicho Dorje.
Lên bốn tuổi, cậu bé được Khen Lungrik Gyatso thỉnh mời, theo yêu cầu của thủ hiến Nakartse, và được tấn phong ở Cholung Jangtse là vị tái sinh của Lama Kunga Drolchok[2]. Tại đó, Ngài bắt đầu tự học đọc và viết mà thậm chí không có sự trợ giúp của một giáo thọ. Lên tám tuổi, Ngài thọ giới xuất gia từ Đức Taklung Kunga Gyaltsen và nhận danh hiệu Kunga Nyingpo Tashi Gyaltsen. (Danh hiệu Taranatha được ban trong một linh kiến bởi đấng hóa hiện dẫn dắt Jvalanatha người Ấn Độ.)
Với Đức Jampa Lhundrup vô cùng uyên bác, Ngài nghiên cứu nhiều tác phẩm liên quan đến Kinh điển và Mật điển. Ngài cũng thọ nhận các quán đỉnh và chỉ dẫn cho vô số pho giáo lý Sakya, đặc biệt là Đạo Và Quả (Lamdre) từ Đức Doringpa vĩ đại. Từ Draktopa Choku Lhawang Drakpa tôn quý, Ngài thọ nhận các chỉ dẫn khác nhau, đặc biệt về Đại Thủ Ấn. Khen Lungrik Gyatso ban cho Ngài sự trao truyền chính thức và gia trì về Sáu Nhánh Du Già, bao gồm các quán đỉnh và chỉ dẫn cho Thời Luân (Kalachakra) vinh quang. Ngài cũng thọ nhận trao truyền cho rất nhiều bản văn về những lời dạy của Đức Phật và các bộ luận. Từ Đức Khedrup Sangye Yeshe, Yeshe Wangpo và nhiều đạo sư khác, Ngài thọ nhận những quán đỉnh và chỉ dẫn liên quan đến các pho Giáo Pháp từ nhiều truyền thống, bao gồm Jonang, Shangpa, Zhalu, Drukpa, Kamtsang và Taklung.
Năm hai mươi tuổi, Ngài thọ Đại giới trước một tập hội đầy đủ số lượng cần thiết với vị trì giữ Luật Tạng Kunga Gyaltsen là Giới Sư.
Từ trưởng lão Ấn Độ – Buddhaguptanatha, Ngài thọ nhận vô số quán đỉnh và chỉ dẫn Mật thừa về giai đoạn phát triển và hoàn thiện. Chính vị đạo sư đã nói rằng điều này tạo ra năm trăm khái niệm mới liên quan đến các tác phẩm Mật điển vô song mà trước kia chưa từng được biết đến ở Tây Tạng. Ngài cũng thọ nhận nhiều Giáo Pháp sâu xa từ chư đạo sư Ấn Độ – Nirvanasri, Purnavajra và các vị khác. Nhờ điều này và nhờ việc nghiên cứu ngữ pháp Phạn ngữ cùng vô số ngành khoa học bên ngoài và bên trong, Ngài đạt đến đỉnh cao của sự nghiên cứu. Nhờ rèn luyện trong những điểm trọng yếu của sự hành trì liên quan đến cả Kinh và Mật, Ngài chứng ngộ mọi phẩm tính của các giai đoạn và con đường và trở thành chúa tể của chư Yogi.
Năm hai mươi mốt tuổi, Ngài chọn trụ xứ tại ẩn thất Jonang. Tại đó, Ngài thiết lập truyền thống Giảng Giải Thời Luân Vĩ Đại và ban những chỉ dẫn mở rộng. Năm hai mươi sáu tuổi, Ngài du hành đến Radreng và những nơi khác. Khi Ngài thấy các bản văn Ấn Độ, sự tin tưởng chắc chắn của Ngài trở nên lớn đến mức Ngài giải thích Mật điển Yamantaka Kẻ Thù Đen bằng hai ngôn ngữ với sự sinh động và tốc độ lạ thường. Mọi người có mặt đều ngạc nhiên và dâng lời tán thán.
Năm Ngài bốn mươi mốt tuổi, vị cai quản Tsang – Puntsok Namgyal đã trao cho Ngài đất đai cùng với công nhân và nhờ những hoàn cảnh cát tường như vậy, Ngài thành lập Taktsen Damcho Ling Ngedon Gawe Tsal (Rừng Hoan Hỷ Của Ý Nghĩa Rốt Ráo, Vùng Đất Của Giáo Pháp Thù Thắng Vĩnh Cửu Vững Chắc).
Theo cách này và những cách khác, Ngài là vô song trong việc phụng sự giáo lý nhờ giải thích, thực hành và hoạt động.
Cuối cùng, năm sáu mươi mốt tuổi, vào ngày Hai mươi tám tháng Ba Tây Tạng năm Mộc Hợi, Ngài xả bỏ Sắc thân và du hành đến cõi của Dược Sư Vương.
Trong các đệ tử chính yếu của đạo sư, những vị tiếp tục hoạt động của Ngài, có chư vị trì giữ truyền thừa Jonang, bao gồm Tulku Sangye Gyatso, học giả uyên bác Yeshe Gyatso, viện trưởng vĩ đại Rinchen Gyatso và Lodro Namgyal uyên bác và thành tựu. Các đệ tử của Ngài cũng bao gồm vị cai quản Tsang – Phuntsok Namgyal và con trai của ông ấy, cũng như Changdak Tashi Tobgyal, và nhiều vị cai quản và thí chủ khác, những vị dũng mãnh hộ trì giáo lý.
Các trước tác được tuyển tập của đạo sư thù thắng bao gồm Trăm Hành Động Của Đức Phật, Lịch Sử Giáo Pháp Ở Ấn Độ, tiểu sử của nhiều học giả và thành tựu giả, các luận giải về Tâm Kinh, Phổ Hiền Hạnh Nguyện và nhiều bản văn khác, những giải thích về các thực hành phát triển và hoàn thiện cho Mật điển Thời Luân Kalachakra, Samvara và Mật Tập Guhyasamaja và nhiều tác phẩm bình giảng khác liên quan đến Kinh và Mật. Đặc biệt, Ngài đã biên soạn các tác phẩm như Trung Đạo Mở Rộng Của Tối Thượng Thừa, thứ trình bày tri kiến của tính Không không cố hữu (Zhentong). Ngài cũng biên soạn nhiều nghi lễ Mật thừa cũng như những lời tán thán, lời nguyện và v.v. Tổng cộng, Ngài viết hơn bốn mươi tập, làm sáng tỏ một cách toàn diện và chuẩn xác tri kiến của Kinh và Mật nói chung và truyền thống Jonangpa về Trung Đạo vĩ đại của ý nghĩa rốt ráo nói riêng. Ngài mở rộng sự trao truyền về Sáu Nhánh Du Già và giương cao cờ chiến thắng của giáo lý truyền thừa thực hành.
Tudeng Nima soạn.
Adam Pearcey chuyển dịch Tạng-Anh năm 2019.
Nguồn Anh ngữ: https://www.lotsawahouse.org/tibetan-masters/alak-zenkar/brief-taranatha-biography.
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.
[1] Về Alak Zenkar Rinpoche, tham khảo https://thuvienhoasen.org/p38a33793/2/tieu-su-alak-zenkar-rinpoche.
[2] kun dga’ grol mchog (1507-1565).