Chương 10: Quán Tưởng Về Kiếp Sống Tương Lai Của Quý Vị

10/09/201212:00 SA(Xem: 14249)
Chương 10: Quán Tưởng Về Kiếp Sống Tương Lai Của Quý Vị

Tsongkhapa
ĐẠI LUẬN VỀ
GIAI TRÌNH CỦA ĐẠO GIÁC NGỘ
Tập 1
(Bồ-đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận – Quyển Thượng)
Nhóm Dịch Thuật Lamrim Lotsawas
༄༅༎ བྱང་ཆུབ་ལམ་རིམ་ཆེན་མོ་། །།ཀ།།
རྗེ་ཙོང་ཁ་པ་བློ་བཟང་གྲགས་པ༎

Chương 10: Quán Tưởng về Kiếp Sống Tương Lai của Quý Vị

b’ Quán chiếu những điều sẽ xảy đến trong đời sống tương lai của quý vị: hạnh phúc và khổ đau của hai hạng chúng sanh

1’ Quán chiếu sự đau khổ của chúng sinh ở những địa ngục

a” Quán chiếu sự đau khổ của chúng sinh trong những địa ngục nóng

b” Quán chiếu sự đau khổ trong những địa ngục cận biên

c” Quán chiếu sự đau khổ trong những địa ngục lạnh

d” Quán chiếu sự đau khổ trong những địa ngục phụ

2’ Quán chiếu sự đau khổ của súc sinh

3’ Quán chiếu sự đau khổ của ngạ quỷ

a” Loài ngạ quỷ không lấy được thức ăn và nước uống do những trở ngại bên ngoài

b” Loài ngạ quỷ không lấy được thức ăn và nước uống do những trở ngại bên trong

c” Loài ngạ quỷ gặp những trở ngại đối với thức ăn và nước uống

 

––––\––––

 

b’ Quán chiếu những điều sẽ xảy đến trong đời sống tương lai của quý vị: hạnh phúc và khổ đau của hai hạng chúng sanh

Như đã đề cập trong phần trước, bởi việc quý vị sẽ sớm chết đi là điều tất nhiên nên quý vị không thể duy trì mãi kiếp sống này. Vì quý vị không chấm dứt sự hiện hữu sau khi chết nên quý vị sẽ tái sinh. Hơn nữa, quý vị sẽ tái sinh vào cảnh giới hạnh phúc hoặc khổ đau, bởi vì không có một nơi đầu thai nào khác cho hai hạng chúng sinh này. Vì quý vị bị nghiệp của mình kiểm soát và không thể lựa chọn nơi đầu thai, nên quý vị sẽ tái sinh theo cách những nghiệp thiện và bất thiện buộc quý vị phải tái sinh vào. [115] Trong trường hợp này, khi quán chiếu về sự khổ đau ở những cảnh giới khốn cùng, hãy suy tư rằng: “Mọi việc sẽ thế nào nếu tôi bị sinh vào cảnh giới đau khổ?” Như ngài hộ pháp Long Thọ Bồ-tát nói:

 

Ngày ngày quán chiếu những địa ngục,

Cả hai cực nóng và cực lạnh.

Cũng suy tư về các ngạ quỷ

Bị gầy mòn vì đói và khát.

Quan sátquán chiếu súc sinh

Bị khổ đau vô minh đánh bại.

Hãy diệt trừ nhân gây ra chúng

Cấy duyên lành cho bao phúc hạnh.

Thân người đây đời nay khó thành

Có được nó, tinh tấn, đừng gieo

Những nhân gây tái sanh đau khổ.

 

Thiền quán về những đau khổ của luân hồi nói chung và những đau khổ trong những cảnh giới khốn cùng nói riêng là điều tối quan trọng, bởi vì nếu quý vị quán chiếu về việc mình phải rơi vào đại dương đau khổ như thế nào, thì sau đó quý vị sẽ tránh xa khỏi nó, và nhờ vậy quý vị vượt qua được sự ngã mạnkiêu ngạo. Nhận thấy đau khổ chính là kết quả của nghiệp bất thiện, quý vị sẽ cẩn trọng để tránh xa những tội lỗi và những sự vi phạm. Bởi vì quý vị mong mỏi hạnh phúc chứ không phải khổ đau, và hiểu rằng hạnh phúc là kết quả của sự đức hạnh nên quý vị sẽ yêu thích việc trau dồi phẩm hạnh. Một khi đánh giá được tình trạng của chính mình thì quý vị sẽ phát triển được lòng từ bi dành cho người khác. Sau khi chuyển hóa được vòng sinh tử luân hồi, quý vị sẽ phát triển được lòng ước mong giải thoát. Vì sợ hãi đau khổ nên quý vị quy y tam bảo một cách đầy nhiệt thành. Thiền quán về đau khổ là sự tóm lược tuyệt vời bao gồm những điều này và những điểm quan trọng khác của việc thực tập.

Tương tự, trong tác phẩm Nhập Bồ-đề Hành Luận:[1]

 

Bởi không có khổ đau, sẽ không có quyết tâm được giải thoát

Các ngươi, tâm thức, hãy giữ trong chánh niệm!

 

tương tự như vậy:

 

Vả lại, đặc tính tốt của đau khổ – đó là

Giúp các ngươi tỉnh ngộ và xua tan ngạo mạn

Tăng trưởng lòng bi mẫn với chúng sinh trong vòng luân hồi

Cẩn trọng tránh xa tội lỗi, và yêu thích đức hạnh

 

xa hơn nữa là:

 

Bị nỗi sợ hãi tràn ngập lòng

Tôi dâng mình cho đức Phổ Hiền Bồ-tát

 

Mặc dù tác phẩm Nhập Bồ-đề Hành Luận thảo luận những đặc tính này của đau khổ trên quan điểm nói về sự đau khổ đã trải nghiệm trong quá khứ, thì sự đau khổ trong tương lai cũng có những tính chất tương tự như vậy. [116]

 

1’ Quán chiếu sự đau khổ của chúng sinh ở những địa ngục

a’’ Quán chiếu sự đau khổ của chúng sinh trong những địa ngục nóng {đại địa ngục}

[Trong tác phẩm Du-già Sư Địa Luận]:[2]

 

Có tám Địa Ngục nóng[3]. Đầu tiên là Đẳng Hoạt Địa Ngục, nằm bên dưới quý vị ba mươi hai ngàn dặm; dưới nơi ấy là bảy Địa Ngục khác mỗi nơi nằm cách nhau bốn ngàn dặm. Chúng sinhĐẳng Hoạt Địa Ngục hợp lại và chém chặt nhau bằng nhiều loại vũ khí xuất hiện lần lượt thông qua nghiệp lực, cho đến khi họ bất tỉnh và ngã xuống sàn. Sau đó, một giọng nói từ trên trời ra lệnh: “Hãy hồi sinh!” và họ đứng lên trở lại, chém nhau giống như trước đó, và trải qua vô vàn đau khổ.

Hắc Thằng Địa Ngục, những quản ngục dùng các dây thừng đen để đánh dấu và chia cơ thể của chúng sinh nơi này thành bốn phần, tám phần và nhiều phần nhỏ khác. Chúng sinh chịu đựng sự đau đớn khi bị chia cắt và chặt ra từng mảnh theo những đường đánh dấu này bằng các loại vũ khí.

Khi chúng sinhChúng Hợp Địa Ngục tập hợp lại, những quản ngục dồn họ vào giữa hai ngọn núi sắt có hình dạng như những đầu dê và sau đó nén chặt họ giữa những ngọn núi ấy, khiến những dòng máu phun ra từ miệng họ. Họ cũng bị ép vào những ngọn núi có hình đầu cừu, đầu ngựa, đầu voi, đầu sư tử và đầu hổ. Khi họ tập hợp lại lần nữa, thì họ bị chèn vào một cỗ máy khổng lồ bằng sắt và bị ép chặt như thể ép mía đường. Sau đó, họ tái hợp trên một mặt phẳng sắt đá, nơi những tảng đá cuội khổng lồ bằng sắt được ném mạnh vào họ, chia cắt thân thể họ, đập họ tan ra từng mảnh, san phẳng họ, và tiếp tục khiến những dòng máu vọt ra phía trước. [117]

Viêm Nhiệt Địa Ngục, những chúng sinh đang đi tìm nhà ở bị dồn vào một ngôi nhà sắt và bị những ngọn lửa và đám cháy nóng rực thiêu đốt thành tro.

Đại Nhiệt Địa Ngục cũng tương tự như thế, chỉ khác một điều là chúng sinh ở trong hai ngôi nhà sắt, một cái nằm bên trong cái còn lại.

Trong Hào Khiếu Địa Ngục, những quản ngục ném chúng sinh vào một cái ấm đun nước nóng rực sâu vài dặm và đun sôi, chiên họ như thể chiên cá. Sau đó, các quản ngục dùng những cây xiên sắt nóng rực đâm xuyên qua hậu môn lên đến đỉnh đầu của họ; những ngọn lửa nóng rực phừng cháy phía trước từ miệng, mắt, mũi, tai và các lỗ chân lông của họ. Tiếp đến, cả lưng hoặc mặt của họ bị đặt xuống một bề mặt nóng rực bằng sắt, nơi mà họ bị giã đập phẳng lì bởi một cái búa sắt nóng như thiêu đốt.

Trong Đại Khiếu Địa Ngục, những quản ngục đâm các đinh ba bằng sắt vào hậu môn của các nạn nhân, hai ngạnh trái và phải xuyên lên vai họ và ngạnh chính giữa xuyên lên đỉnh đầu họ, khiến cho những ngọn lửa cháy bỏng bùng lên từ miệng và những lỗ khác. Thân thể họ bị đặt vào một cái máy ép bằng sắt nóng rực, họ bị ném theo hướng từ đầu vào một ấm đun nước cực nóng bằng sắt chứa đầy nước sôi và họ bị nấu sôi, trôi nổi lên xuống và xung quanh, cho đến khi da, thịt, máu bị tiêu hủy và chỉ còn lại bộ xương. Ngay sau đó, những quản ngục moi họ ra, trải dài thân họ trên một bề mặt bằng sắt – nơi mà da thịt và máu của họ được tái tạo – và tiếp đó chúng lại ném họ vào ấm đun nước. Những sự tra tấn còn lại tương tự như trong Hào Khiếu Địa Ngục.

 

Vô Gián Địa Ngục, mặt đất bốc cháy dữ dội đến hàng trăm dặm từ hướng đông. Khi ngọn lửa này bốc lên thì nó chất chứa sức mạnh của một tai họa lớn. Tiếp đó, lửa dần dần thiêu đốt da thịt, ruột và xương của chúng sinh thành tro, thâm nhập mọi ngõ ngách dẫn đến phần cốt tủy của họ. [118] Toàn thân của chúng sinh bị nhận chìm trong những ngọn lửa nóng rực, như thể họ là những con bấc trong ngọn đèn. Điều tương tự cũng diễn ra từ ba hướng khác. Khi những ngọn lửa đến từ cả bốn phương thì chúng kết hợp lại, và chúng sinh phải trải qua sự đau đớn không ngừng nghỉ. Quý vị nhận biết họ là chúng sinh chỉ nhờ vào những tiếng than khóc thảm thương mà họ phát ra. Trong những tình cảnh khác, họ bị đặt cạnh những cục than hồng nóng rực bằng sắt trong một cái rổ sàn bằng sắt, và cái rổ được lắc rất mạnh. Trong những tình cảnh khác, họ bị buộc phải leo lên những ngọn núi sắt khổng lồ, sau đó ngã từ núi xuống một bề mặt bằng sắt. Trong những tình cảnh khác, lưỡi của họ bị một trăm cái móc sắt kéo ra từ miệng và bị căng dài ra, giống như những tấm da bò, cho đến khi chúng không còn nếp gấp hay đường rănh. Vào những dịp khác, lưng họ bị đặt nằm trên mặt phẳng bằng sắt, miệng họ bị cái kẹp sắt cạy mở ra, trong lúc đó những cục sắt nóng rực và đồng đỏ đun sôi được nhét vào cho đến khi miệng, thực quản và ruột họ bị đốt cháy và phần cặn bã trôi xuống bên dưới. Những sự tra tấn khác tương tự như trong Đại Khiếu Địa Ngục.

 

Đây chỉ là sự mô tả sơ lược về những sự hành hạ, nhưng còn có nhiều hình phạt khác. Ta đã viết về các vị trí và những nỗi khổ sở trong những địa ngục này một cách chính xác như được trình bày trong tác phẩm Du-già Sư Địa Luận.

Tiến trình của những nỗi đau khổ này được giải thích trong tác phẩm Bằng Hữu Thư:[4]

 

Dù các ngươi trải bao đau khổ

Khủng khiếp dài đến một tỷ năm

Thì các ngươi cũng không thể chết

Đến khi nghiệp bất thiện trả xong.

 

Vì vậy, quý vị phải trải nghiệm những sự đau khổ này cho đến khi nghiệp lực của quý vị cạn kiệt. Liên quan đến điều này, người ta nói rằng năm mươi năm ở cõi người là một ngày của các vị thần tiêncõi trời {thiên giới} Tứ Thiên Vương [là cảnh giới thấp nhất trong sáu loại chư thiêndục giới], ba mươi lần của năm mươi năm là một tháng, và mười hai lần của con số này là một năm. Năm trăm năm theo cách tính ấy là tuổi thọ của những vị thiên này. Lấy tất cả khoảng thời gian này tính là một ngày, ba mươi ngày như thế là một tháng, mười hai tháng như thế là một năm, kiếp sống của những cư dân ở Địa Ngục Đẳng Hoạt là bằng năm trăm năm theo cách tính như vậy. [119] Tương tự, một trăm, hai trăm, bốn trăm, tám trăm, và sáu trăm năm ở cõi người, lần lượt tương đương với từng ngày của các vị tiên từ cung trời Đao Lợi cho đến cõi trời Tha Hóa Tự Tại [những cảnh giới còn lại trong sáu cõi chư thiêndục giới]. Kiếp sống của họ dài một ngàn, hai ngàn, bốn ngàn, tám ngàn, và mười sáu ngàn năm thánh[5]. Những chu kỳ thời gian này lập thành từng đơn vị ngày cho các cư dân Địa Ngục tương ứng lần lượt từ Hắc Thằng Địa Ngục đến Hào Khiếu Địa Ngục, những kẻ phải chịu đựng từ một ngàn đến mười sáu ngàn năm tính theo thời gian của chính họ. Trong tác phẩm Vi Diệu Pháp Báu Luận:[6]

 

Năm mươi năm trong cõi người

Chỉ là một ngày trong tầng trời thấp

Của cõi dục giới;

Và gấp hai lần trong mỗi tầng trời cao hơn.

 

tương tự:

 

Kiếp sống của chư thiên trong dục giới tương đương một ngày

Của Địa Ngục Đẳng Hoạt trong sáu địa ngục, và v.v..., theo trình tự

Vì vậy kiếp sống của họ

Dài tương tự như thần tiên trong dục giới.

Kiếp sống trong Đại Khiếu Địa Ngục bằng phân nửa một niên kỷ trung bình

Kiếp sống trong Vô Gián Địa Ngục tương đương một niên kỷ trung bình

 

Tác phẩm Du-già Sư Địa Luận cũng diễn giải điều này theo cách tương tự.[7]

 

b’’ Quán chiếu sự đau khổ trong những địa ngục cận biên

Trong tám địa ngục nóng, mỗi nơi đều có bốn bức tường và bốn cánh cửa và bị một hàng rào sắt với bốn cửa ấy bao quanh. Ở mỗi cánh cửa này, có thêm bốn địa ngục dành cho chúng sinh: Hầm Than {hay Địa Ngục Thiêu Cước}; Đầm Lầy của những Tử thi thối rữa hay còn gọi là Đầm Phân, nơi bốc mùi hôi thối giống như xác chết; Con đường dao {hay Địa Ngục Đao Đồ}; và Dòng sông không chỗ cạn.

Địa ngục đầu tiên chứa những cục than hồng mà cư dân trong đó bị lún đến đầu gối họ. Khi những chúng sinh này đến đây để tìm kiếm một ngôi nhà, họ bước vào trong đó, và da thịt cũng như máu của họ hoàn toàn bị hủy hoại, chỉ phục hồi khi họ nhấc được bàn chân lên.

Cách đó không xa là địa ngục thứ hai, một đầm phân bốc mùi hôi thối như xác chết, ở nơi đó những chúng sinh đang đi tìm nhà cố gắng băng qua nhưng thất bại và bị lún xuống qua cả vai họ. Cái đầm này bị những con trùng mũi nhọn chiếm cứ, chúng chọc thủng da thịt, ruột, xương của họ và khoan đến tận cùng. [120]

Gần đó là địa ngục thứ ba, nơi chúng sinh đi tìm nhà phải bước qua một con đường chứa đầy những mũi dao. Với mỗi bước họ đi, những mũi dao xé rách da thịt và máu, nhưng mỗi lần họ nhấc bàn chân lên thì cơ thể họ lại được phục hồi. Gần đó là Rừng Lá Gươm. Khi chúng sinh đi tìm nhà ngồi xuống nghỉ ngơi trong bóng tối, những thanh gươm rơi xuống từ trên cây, đâm thủng và chia cắt các chi, các ngón tay và các ngón chân của họ. Khi họ bất tỉnh, những con chó lai tấn công họ, tóm gáy họ mang điăn thịt họ. Gần đó là Rừng cây bông gòn sắt. Những chúng sinh đi tìm nhà đến đó và trèo lên những cây này với những cái gai bao quanh, chúng chĩa xuống khi họ leo lên và chĩa lên khi họ trèo xuống, để cho gai đâm thủng và cắt đứt các chi, các ngón tay và các ngón chân của họ. Những con quạ mỏ sắt đậu trên vai hay đầu họ, móc nhãn cầu của họ ra và ăn mất. Vì tất cả những nơi này đều buộc cư dân phải chịu tổn hại bởi các loại vũ khí, chúng nên được tính như là một địa ngục cận biên.

Địa ngục thứ tư ở gần đó là những cây bông gòn sắt. Dòng sông không chỗ cạn chứa đầy nước sôi. Những chúng sinh đi tìm nhà té ngã vào đó, bị lật qua trở lại và bị nấu chín, như thể họ là những hạt đậu bị ném vào ấm nước trên một ngọn lửa lớn nóng rực. Ngồi ở cả hai bờ dòng sông là những kẻ được trang bị gậy, lưỡi câu và lưới, họ ngăn chặn những người bị tra tấn trốn thoát, hay dùng những lưỡi câu và lưới để lôi họ đi và đặt lưng họ trên mặt đất nóng rực, gặng hỏi họ muốn cái gì. Khi họ trả lời rằng: “Chúng tôi không hiểu gì cả và không thể nhìn thấy, nhưng chúng tôi đói và khát”, thì họ bị cho ăn những cục sắt nóng rực và đồng xu đun sôi. [121]

Tôi đã nói về những địa ngục này theo như tác phẩm Du-già Sư Địa Luận trình bày. Tác phẩm nói rằng những kiếp sống của chúng sinh trong những địa ngục cận biênđịa ngục phụ không cố định, nhưng họ phải chịu đựng trong những nơi này một thời gian dài cho đến khi nghiệp lực trải nghiệm những nỗi khổ này cạn kiệt.

 

c’’ Quán chiếu sự đau khổ trong những địa ngục lạnh[8] {Lãnh Địa Ngục}

Tám địa ngục nóng, mỗi nơi nằm cách nhau mười ngàn dặm theo chiều rộng, và tám địa ngục lạnh nằm bên ngoài chúng. Địa ngục đầu tiên là Át-phù-đà nằm bên dưới cách mặt đất ba mươi hai ngàn dặm. Dưới nơi ấy là bảy địa ngục khác mỗi nơi nằm cách nhau hai ngàn dặm.

Trong Át-phù-đà Địa Ngục, cư dân bị tàn phá bởi một cơn gió khủng khiếp làm teo quắt người và sau đó nổi lên những vết bỏng giộp trên khắp cơ thể. Ni-la-phù-đà Địa Ngục cũng tương tự, chỉ thêm một điểm là những vết bỏng giộp bị bể ra khi cơ thể teo quắt lại. Các địa ngục A-đa-đa, A-bà-ba, và Hổ-bà-bà mang tên những âm thanh rên rỉ mà cư dân phát ra. Trong Ưu-bát-la Địa Ngục, cư dân bị tàn phá bởi một cơn gió khủng khiếp, khiến da họ tái xanh và nứt vỡ ra thành năm hay sáu mảnh. Trong Bát-đặc-ma Địa Ngục, da họ chuyển từ xanh sang đỏ và nứt vỡ ra thành mười mảnh hay nhiều hơn, trong khi ở Ma Ha Bát-đặc-ma Địa Ngục, da của cư dân trở nên đỏ sẫm và nứt vỡ ra thành hàng trăm mảnh hay nhiều hơn nữa. Tôi đã diễn giải về thứ tự, quy mô và những nỗi khốn khổ ở các địa ngục này dựa theo tác phẩm Du-già Sư Địa Luận.

Kinh Bổn sanh nói rằng cư dân ở những địa ngục này sống trong bóng tối như sau:[9]

 

Trong kiếp sống tương lai của kẻ theo thuyết đoạn kiến

Luồng gió lạnh sẽ nổi lên từ nơi tuyệt nhiên tăm tối ấy.

Bởi nó khiến các ngươi bệnh tật đến nỗi xương bị hủy hoại,

Thì liệu ai muốn vào giúp đỡ các ngươi?

 

Tương tự, tác phẩm Đệ Tử Thư nói rằng:[10]

 

Làn gió vô song xuyên thấu xương; [122]

Cơ thể ngươi run và đông lại;

Ngươi cong người xuống và teo quắt.

Trăm vết giộp nổi lên vỡ ra

Thú vật ăn và cào xé ngươi;

Mỡ, bạch huyết và tủy rỉ ra

Kiệt sức, nghiến răng, tóc dựng đứng

Thương tích ở mắt, tai và cổ họng tra tấn ngươi

Tinh thần và thể xác u mê bởi đau đớn,

Ngươi sống trong hàn ngục và phát ra tiếng rên đau xót.

 

Quý vị chịu đựng những nỗi khổ này cho đến khi nghiệp xấu (gây tạo đau khổ) cạn kiệt. Tác phẩm Du-già Sư Địa Luận nói rằng:[11]

 

Hãy hiểu rằng kiếp sống của chúng sinh trong những địa ngục lạnh dài hơn gấp một lần rưỡi so với kiếp sống của chúng sinh trong những địa ngục nóng tương ứng.

 

Tác phẩm Vi Diệu Pháp Báu Luận Tự Thích của ngài Thế Thân có trích dẫn một đoạn kinh như sau:[12]

 

Ví dụ như, này các tỳ kheo: Một con thuyền lớn được chất đầy hạt vừng nhiều gấp tám mươi lần so với diện tích xứ Ma-kiệt-đà này. Sau đó, hãy nhờ người nào đó cứ mỗi một trăm năm ném đi một hạt vừng. Này các tỳ kheo, với cách thức ấy, con thuyền này trở nên trống rỗng hoàn toàn một cách rất nhanh chóng và sớm hơn nhiều so với kiếp sống của những chúng sinh trong Át-phù-đà Địa Ngục, nhưng ta không thể nói được kiếp sống như thế có ý nghĩa gì. Này các tỳ kheo, hai mươi kiếp trong Át-phù-đà Địa Ngục mới cấu thành một kiếp sống trong Ni-la-phù-đà Địa Ngục.

 

Và {bài luận} tiếp tục như thế cho đến:

 

Tương tự, này các tỳ kheo, hai mươi kiếp trong Bát-đặc-ma Địa Ngục mới cấu thành một kiếp sống trong Ma Ha Bát-đặc-ma Địa Ngục.

 

Theo cách ấy, họ phải sống và chịu đựng trong một khoảng thời gian như vậy.

 

d’’ Quán chiếu sự đau khổ trong những địa ngục phụ

Những địa ngục phụ nằm sát những địa ngục nóng và lạnh, tác phẩm Du-già Sư Địa Luận nói rằng chúng có tồn tại trong cõi người. Theo tác phẩm Các cơ sở giới luật,[13] chúng cũng hiện hữu gần những bờ hồ lớn, như mô tả trong Tăng Hộ Thuyết.[14] [123]

Tác phẩm Vi Diệu Pháp Báu Luận Tự Thích cũng nói rằng:[15]

 

Mười sáu địa ngục dành cho các chúng sinh này được tạo ra bởi nghiệp lực của tất cả chúng sinh. Những địa ngục phụ được tạo ra bởi nghiệp của cá nhân một, hai, hay nhiều chúng sinh, và vì thế có rất nhiều loại khác nhau. Chúng không có một địa điểm cố định, bởi chúng tồn tại ở những con sông, những ngọn núi, những vùng đất hoang, dưới mặt đất cũng như ở những nơi khác.

 

Vì vậy, như đã giảng giải bên trên, việc gây tạo những cơ duyên dẫn đến bị sinh vào những địa ngục là rất dễ dàng, và cứ mỗi ngày qua quý vị càng tích lũy chúng nhiều hơn. Bởi quý vị đã tích tụ vô số những nhân trong quá khứ nên sự tự mãn của quý vị là không thích đáng. Do đó, sau khi quán chiếu về những địa ngục này, hãy biết sợ hãi – không ai cách ly được quý vị khỏi chúng sau khi hơi thở cuối cùng của quý vị chấm dứt.

 

Tác phẩm Nhập Bồ-đề Hành Luận nói rằng:[16]

 

Đã gây tạo nghiệp đọa địa ngục,

Sao ngươi còn tự mãn như thế?

 

Và trong tác phẩm Bằng Hữu Thư:[17]

 

Những kẻ tội lỗi nghe về sự khốn khổ khôn cùng nơi địa ngục

Chỉ cách biệt chúng đến khi trút hơi thở cuối cùng

Mà không hoàn toàn khiếp sợ

Chỉ khi họ có trái tim cứng như kim cương.

 

Nếu các ngươi sợ hãi đơn thuần bởi nhìn thấy bức tranh địa ngục,

Bởi nghe hay nhớ về chúng,

Bởi đọc về chúng và bởi những sự miêu tả

Thì đâu cần phải đề cập đến việc trải nghiệm nỗi sợ thực tế về địa ngục?

 

Trong những sự khốn khổ của luân hồi, thì nỗi đau khổ trong các cảnh giới khốn cùng là khó chịu đựng nhất. Trong đó, những đau khổ ở các địa ngục là điều khó kham nổi nhất, bởi vì nỗi đau đớn khi thân thể liên tục bị ba trăm cây xiên sắc nhọn đâm thủng suốt cả ngày cũng không thể sánh nổi với ngay cả những sự đau khổ nhẹ nhất trong địa ngục. Trong số những địa ngục, thì sự khốn khổ ở Vô Gián Địa Ngục kinh khủng nhất. Tác phẩm Bằng Hữu Thư:[18]

 

Trong tất cả những điều hạnh phúc

Chấm dứt ái dục là niềm vui lớn nhất, [124]

Vì vậy trong những nỗi khổ đau

Thì nỗi đau đớn trong Vô Gián Địa Ngục đáng sợ nhất.

 

Nỗi đau khắc nghiệt khi bị đâm

Bởi ba trăm ngọn giáo một ngày

Không thể so sánh hay diễn đạt,

Với nỗi đau nhẹ nhất địa ngục.

 

Hãy ý thức được rằng nguyên nhân duy nhất gây tạo những nỗi khổ như thế chính là việc làm sai trái của quý vị về thân, khẩu và ý. Hãy nỗ lực với tất cả khả năng có thể để quý vị không bị những việc sai trái, ngay cả điều nhỏ nhất, làm ô uế. Trong đoạn văn tương tự:

 

Hạt giống gây quả xấu chính là

Sự sai lầm về thân, khẩu, ý

Hãy nỗ lực hết khả năng mình

Không sai lầm dù điều nhỏ nhất!

 

2’ Quán chiếu sự đau khổ của súc sinh

Những con vật mạnh giết những con yếu hơn. Những thần thánhcon người khai thác loài vật. Do bị những kẻ khác kiểm soát, những con vật không có tự do, bị làm hại, đánh đập và giết chết. Tác phẩm Du-già Sư Địa Luận giải thích bởi vì chúng ở cùng thần thánhcon người, nên chúng không còn nơi cư ngụ nào khác. Tác phẩm Vi Diệu Pháp Báu Luận Tự Thích nói rằng:[19]

 

Loài vật có mặt khắp trên đất liền, dưới nướctrên trời. Nơi ở đầu tiên của chúng là đại dương bao la, và những loài vật khác bắt đầu nhân rộng ra từ đó.

 

Tương tự, trong tác phẩm Bằng Hữu Thư:[20]

 

Có nhiều nỗi khổ khi tái sinh làm thú

Bị giết, trói, đánh, và v.v...

Những con vật không phẩm hạnh an bình

Ăn thịt lẫn nhau một cách khiếp đảm

Một số bị giết để lấy ngọc, lông, xương, thịt hay da.

Những con yếu hơn bị bắt làm việc

Do bị đá, đấm, quất, dùng lưỡi sắt đâm mạnh, hoặc bị chọc thúc. [125]

 

Đoạn thơ đầu tiên diễn giải tổng quát về những nỗi khốn khổ của súc sinh và đoạn thứ hai mô tả cụ thể những nỗi khổ ấy. Cụm từ “và v.v...” trong “bị trói, đánh, và v.v...” bao hàm bị bắt làm việc, bị xỏ mũi lôi đi, và tương tự thế, và thậm chí ám chỉ việc loài người và những loài khác giết hại súc sinh, và v.v.... “Ăn thịt lẫn nhau” nói về những nguy hại nói chung đối với súc vật. “Phẩm hạnh an bình” bao hàm những phẩm chất dẫn đến niết bàn. Những kẻ đã rời xa các phẩm chất này được ngụ ý là rất ngu dốt và không thích hợp cho con đường dẫn đến niết bàn. Từ “bị đá” cho đến “bị chọc thúc” diễn tả năm cách thức bắt loài vật làm việc – lần lượt dành cho ngựa, trâu, lừa, voi, và bò, và tương tự. Những luận giải đã nói ở trên được trích từ tác phẩm Thân Hữu Thư Thích của Mahāmati.[21] {Tên dịch nghĩa là Đại Huệ}

Một số con vật bị sinh ra trong bóng đêm hay dưới nước, nơi mà sau đó chúng già và chết đi. Một số khác bị kiệt sức bởi những gánh nặng chồng chất. Một số bị bắt đi cày, bị cắt lông, hay bị đuổi bắt. Một số bị giết bởi những cách thức khác nhau sau khi bị nạp mạng không ai giúp vào lò sát sinh. Một số bị những cơn đói, khát, nắng và gió hành hạ. Một số bị những kẻ đi săn làm hại bằng những cách khác nhau. Vì vậy, chúng lúc nào cũng lo lắng sợ hãi. Sau khi quán tưởng những đau khổsúc sinh phải chịu đựng, hãy biết tỉnh ngộ và tránh xa.

Đối với kiếp sống của súc vật, tác phẩm Vi Diệu Pháp Báu Luận nói rằng:[22] “dài nhất đến tận một kiếp lượng”. Tác giả giảng giải rằng những con vật sống lâu nhất phải chịu đựng sự khốn khổ khoảng một kiếp lượng, và những con vật có kiếp sống ngắn hơn thì độ dài không cố định.

 

3’ Quán chiếu sự đau khổ của ngạ quỷ

Những kẻ hà tiện quá mức sẽ bị sinh làm ngạ quỷ. Những chúng sinh này đói khát và da, thịt, máu của họ bị sấy khô, khiến cho họ mang vẻ ngoài như những khúc gỗ bị đốt cháy. Khuôn mặt họ bị tóc che phủ, miệng cực kỳ khô cằn, và lưỡi thường xuyên liếm môi. Có ba loại ngạ quỷ:

 

a” Loài ngạ quỷ không lấy được thức ăn và nước uống do những trở ngại bên ngoài

Khi những ngạ quỷ này đến gần những con suối, hồ và ao thì những kẻ cầm kiếm, cầm giáo dài, ngắn chặn đường họ. [126] Hoặc nước sẽ biến thành mủ và máu trước mắt họ, khiến họ mất đi niềm khao khát được uống nước.

 

b” Loài ngạ quỷ không lấy được thức ăn và nước uống do những trở ngại bên trong

Những chúng sinh này có những bướu ở cổ và cái bụng thật to, nhưng miệng họ phun ra lửa và nhỏ như cái lỗ kim. Dù những kẻ khác không ngăn cản họ nhưng họ cũng không thể tiêu hóa được thức ăn hay nước uống ngay cả khi họ lấy được chúng.

 

c” Loài ngạ quỷ gặp những trở ngại đối với thức ăn và nước uống

Một số loài ngạ quỷ không thể sử dụng thức ăn, nước uống sạch và lành mạnh được, họ cắt thịt của chính mình để ăn. “Những kẻ sở hữu vòng hoa lửa” bị đốt cháy bởi bất kỳ món gì họ ăn hay uống vào đều nổ tung thành những ngọn lửa. “Những kẻ ăn rác bẩn” chỉ có thể tiêu hóa được những món dơ bẩn, hôi hám, có hại và hèn hạ, vì thế họ ăn phân và uống nước tiểu.

Về nơi ở của họ, tác phẩm Vi Diệu Pháp Báu Luận Tự Thích nói rằng: [23]

 

Vua của các loài ngạ quỷ được gọi là “Diêm-la Vương”. Nơi ở nguyên thủy của chúng là cách bên dưới thành Vương Xá {skt. Rājagṛha nay là Rajgir} trong cõi Nam Thiệm Bộ Châu {skt. Jambudvīpa} năm trăm dặm. Những loài ngạ quỷ khác bắt đầu nhân rộng ra từ đó.

 

Tương tự, trong tác phẩm Bằng Hữu Thư:[24]

 

Ngạ quỷ không bao giờ chữa lành được

Nỗi khổ sở thiếu thốn do tham dục

Họ bị nỗi khốn khổ kinh sợ thống trị

Đến từ sự đói khát, nóng, lạnh, kiệt sức, và sợ hãi.

 

Một số miệng nhỏ bằng lỗ kim

Và bụng tròn như những trái núi

Cơn đói hành hạ không đủ sức

Tìm thức ăn dù chỉ rác bẩn.

 

Một số thân trơ xương và da

Tựa như thân cây không chút lá,

Tựa như cây cọ không có ngọn.

Một số miệng hóa lửa mỗi đêm,

Bởi thức ăn bốc cháy khi vào miệng.

 

Những kẻ cùng khổ thì thậm chí

Không tìm được cả thứ bẩn dơ

Như phân, mủ, máu và tương tự;

Đấm vào mặt nhau để uống mủ

Rỉ ra từ bướu chín ở cổ.

 

Cõi ngạ quỷ, mùa hè mặt trăng nóng,

mặt trời lạnh vào mùa đông. [127]

Cây có trái trở thành không trái

Chỉ một ánh nhìn, suối cạn khô.

 

Đoạn thơ đầu tiên diễn giải tổng quan về những nỗi khốn khổ của ngạ quỷ, và những câu kệ còn lại mô tả cụ thể những sự thống khổ ấy. “Kiệt sức” ý chỉ sự mệt mỏi khi phải chạy theo tìm thức ăn. “Kinh sợ” ám chỉ nỗi kinh hoàng khi thấy những kẻ cầm gươm, dùi và thòng lọng. “Rác” ám chỉ đến rác rưởi không mong muốn. “Mỗi đêm” cho thấy lửa từ miệng của họ hằng đêm. “Thức ăn bốc cháy khi vào miệng” ngụ ý rằng những thứ họ ăn vào miệng sẽ bốc thành lửa cháy. Những cái nhìn chằm chằm của một số ngạ quỷ sẽ làm khô cạn ngay cả một con suối mát mẻ và ngọt ngào, như thể ánh mắt họ đốt cháy dòng suối với chất độc cực mạnh. Tác phẩm Thân Hữu Thư Thích[25] giảng giải rằng với một số ngạ quỷ, một dòng suối trở nên như thể nó bị một đống than hồng nóng rực lấp đầy; với một số khác nó tựa như một dòng suối toàn mủ với nhiều loại côn trùng khác nhau. Tương tự, hãy quán chiếu những điều trong tác phẩm Đệ Tử Thư2 của ngài Nguyệt Quan:

 

Bị cơn khát khủng khiếp hành hạ, họ tìm thấy dòng suối trong lành

Từ phía xa và khát khao được uống nước

Khi họ đến, suối hóa thành dòng sông hỗn tạp đầy vỏ sò,

Những lọn tóc, chất mủ thối rữa, một hầm cầu chứa đầy máu và phân.

 

Nếu họ đi lên một đỉnh đồi mát mẻ

với những cơn gió nhẹ mùa xuân

Và một lùm cây đàn hương xanh tươi,

Nó sẽ thành đám cháy rừng trong mắt họ

với những ngọn lửa nhấp nhô

Và những khúc gỗ cháy ngã thành đống.

 

Khi họ đi đến một bờ biển

Sủi đầy bọt lấp lánh trong veo từ những cơn sóng vỗ

lập tức biến thành một hoang mạc

Héo tàn bởi cát nóng, sương đêm và gió khô.

 

Ở nơi ấy, họ mong chờ những đám mây báo mưa xuất hiện

Khi mây đến, một cơn mưa rơi xuống

Gồm những mũi tên sắt, tro thuốc lá,

và những tảng đá lăn sắc và cứng như kim cương,

Và ngay sau đó, những tia sét vàng và cam

đột ngột đánh xuống người họ như mưa.

 

Những kẻ bị sức nóng hành hạ

thì bão tuyết cũng trở nên nóng; [128]

Những kẻ bị gió bão dày vò

thì lửa cũng trở thành lạnh lẽo.

Với ngạ quỷ, vũ trụ này hoàn toàn đảo ngược

Rối tung bởi kết quả nghiệp ác.

Dù một kẻ khổ sở với cái miệng chỉ bằng lỗ kim

Và bụng to vài dặm, uống hết nước đại dương rộng lớn

Thì nước cũng không thể qua khỏi cổ

Và miệng độc làm bay hơi từng giọt.

 

Về kiếp sống của họ, tác phẩm Du-già Sư Địa Luận[26] Vi Diệu Pháp Báu Luận[27] giảng giải rằng ngạ quỷ phải chịu đựng năm trăm năm tính theo thời gian của ngạ quỷ, nghĩa là một ngày của họ tương đương một tháng của loài người. Trong tác phầm Bằng Hữu Thư:[28]

 

Một số chúng sinh, tiếp tục chịu đựng đau khổ,

Bị dây thừng của nghiệp sai trái,

Trói chặt lại mà không được chết

Trong khoảng năm ngàn, thậm chí mười ngàn năm.

 

Tác phẩm Thân Hữu Thư Thích[29] giảng giải rằng một số ngạ quỷ sống năm ngàn năm và một số khác sống đến mười ngàn năm. Tác phẩm Du-già Sư Địa Luận nói rằng kích thước cơ thể của họ không cố định trong cả ba cảnh giới đau khổ - nó biến đổi tùy theo nghiệp bất thiện của họ.

Vì vậy, khi quý vị quán chiếu về những nỗi khổ này trong những cảnh giới khốn khổ, hãy tư duy rằng: “Hiện tại, tôi thật khó lòng chịu đựng nổi việc ngồi với bàn tay đặt trong lò than hồng nóng hổi dù chỉ trong một ngày, hoặc trần trụi chỉ một ngày trong hang đá dưới những cơn gió đông, hoặc đi đâu vài ngày mà không thức ăn nước uống, hoặc cơ thể bị ong đốt và tương tự thế. Nếu ngay cả những điều này thật khó mà chịu nổi, thì làm sao tôi chịu đựng những khốn khổ của những địa ngục nóng, những địa ngục lạnh, của ngạ quỷ, hay những súc sinh đang ăn tươi nuốt sống ngấu nghiến lẫn nhau?” Sau khi quý vị đánh giá được hoàn cảnh thực tại của mình, hãy thiền quán đến khi tâm thức quý vị mang đầy nỗi sợ hãi và khiếp đảm. Nếu chỉ đơn thuần nhận biết điều này mà không điều phục tâm thức tập trung vào nó, hoặc chỉ thiền quán về điều này trong một chốc lát, quý vị sẽ không đạt được gì cả. Tác phẩm Các cơ sở giới luật dạy rằng:[30] [129]

 

Hai người con trai của người chị của tôn giả A-nan {skt. Ānanda} gia nhập tăng đoàn và được yêu cầu nghiên cứu và đọc sách. Sau khi đọc được vài ngày, họ trở nên lười biếng và ngừng học. Sau đó họ được giao cho tôn giả Mục-kiền-liên {skt. Maudgalyāyana} trông coi, nhưng vẫn lười nhác như trước, vì vậy A-nan bảo Mục-kiền-liên: “Ngài phải buộc họ từ bỏ thói biếng nhác”.

Vì vậy Mục-kiền-liên dẫn họ đi dạo và bằng thần thông ngài khai mở cho họ thấy địa ngục của chúng sinh. Khi nghe những âm thanh của tiếng cắt, chém, và những hành động khác, hai người cháu trai bèn đi khám pháchứng kiến sự đau đớn khi bị cắt xén, v.v… Vì nhìn thấy hai ấm nước sôi khổng lồ ở đó, họ hỏi rằng liệu có ai bị đem bỏ vào đó hay không. Những quản ngục bèn đáp: “Hai người cháu của A-nan đã trở thành tu sĩ và đang lãng phí thời gian cho sự lười nhác; nên khi chết, họ sẽ tái sinh vào đây”. Cả hai đều khiếp sợ và tự nghĩ: “Nếu tôi thật sự sáng suốt, tôi sẽ nỗ lực ngay bây giờ!”

Họ trở về nơi của Mục-kiền-liên và tường thuật lại những điều đã xảy ra. Sau đó Mục-kiền-liên bảo rằng: “Này các Sa-di, sự lười nhác sẽ gây ra các vấn đề như vậy cũng như gây ra những điều khác. Các ngươi hãy hoan hỷ kiên trì!” Kể từ đấy, cả hai bắt đầu tinh tấn tu tập một cách nhiệt thành. Nếu họ nhớ đến cảnh tượng địa ngục trước khi ăn thì họ không thể ăn nổi. Nếu họ nhớ đến sau khi ăn, họ lập tức bị nôn mửa.

Sau đó, Mục-kiền-liên đưa họ dạo bước trên con đường khác, nơi họ nghe được giai điệu đầy lôi cuốn của những vị thần tiên từ một hướng khác. Khi tiến đến khám phá, họ nhìn thấy những cung điện đẹp tuyệt trần đầy những vị nữ thần, nhưng không hề có vị chư thiên nào. Khi họ hỏi vì sao không có chư thiên thì được đáp rằng: “Hai người cháu của A-nan đã trở thành tu sĩ và đang hoan hỷ tinh tấn tu tập; nên khi chết, họ sẽ tái sinh vào đây”. Cả hai vui mừng và về thuật lại với Mục-kiền-liên, ngài bảo họ: “Này các Sa-di, vì điều đó đem lại những lợi ích, hãy gia tăng sự hoan hỷ tinh tấn, hãy tinh tấn tu tập một cách hoan hỷ!”

Họ đã làm như vậy, và khi nghe giảng kinh, họ được dạy từ những bài kinh tối thượng rằng các ngươi có thể bị tái sinh từ những cảnh giới hạnh phúc xuống những cảnh giới khốn khổ, như đã trích dẫn phần trước. [130] Khi nghe những điều này, họ đến hỏi Mục-kiền-liên: “Kính thưa thầy, khi là thần tiên hoặc con người, có phải chúng con cũng phải chết và sau đó tái sinh vào ba cảnh giới đau khổ?” Ngài đáp rằng: “Này các Sa-di, chừng nào các ngươi chưa dứt được những phiền não, thì các ngươi vẫn phải di chuyển như những bánh xe nước vào năm cảnh giới trong vòng sinh tử luân hồi”. Cả hai sau khi đã quyết tâm từ bỏ luân hồi, thưa rằng: “Từ đây trở đi, chúng con sẽ không tham đắm trong những phiền não nữa; vì vậy, xin người ban những lời huấn thị cho chúng con!” Bởi thế, Mục-kiền-liên đã giảng dạy cho họ, và họ đã trở thành những vị A-la-hán.

 

Vì vậy, quán tưởng về nỗi đau khổ sẽ giúp chấm dứt sự lười nhác và phát sinh sự tinh tấn hoan hỷ để hoàn tất lộ trình tu tập. Nó sẽ khích lệ quý vị tìm đến sự giải thoát và là căn nguyên để đạt được sự giải thoát. Chính vì điều này được tán dương ngay khi Đạo sư còn sống, ông đã không ban bố những huấn thị cá nhân siêu việt nào để đạt sự giải thoát. Đoạn văn này đã trình bày rõ về lộ trình quán chiếu dành cho những hành giảcăn cơ giới hạn và trung bình. Về biện pháp đo lường thái độ của hai hạng người này, quý vị phải liên tục nỗ lực thiền quán về những điểm trên cho đến khi quý vị phát triển được thái độ như những người cháu trai của A-nan.

Ngài Neu-sur-ba (sNe’u-zur-pa) đã nói:

 

Hãy tự kiểm chứng xem trước đây các ngươi đã gây tạo những nhân duyên để sinh vào những cảnh giới đau khổ chưa, hiện tại các ngươi có đang gây tạo chúng không, và các ngươi có định gây tạo chúng trong tương lai không. Vì các ngươi sẽ đến những cảnh giới ấy nếu các ngươi đã, đang và sẽ gây tạo chúng, hãy tư duy rằng: “Nếu tôi sinh vào đó thì tôi sẽ làm gì, liệu tôi có đủ khả năng làm được điều gì không?” Với trái tim ngươi đập thình thịch hay tựa như một kẻ chiến đấu trên sa mạc, hãy cân nhắc rằng các ngươi sẽ hoàn toàn không thể làm được gì, và khai triển sự sợ hãi khiếp đảm càng nhiều càng tốt.

 

Rõ ràng điều này là điểm mấu chốt. Hiện tại quý vị đang có được cuộc sống thuận lợi để khai triển con đường tu tập. Vì vậy, nếu quán chiếu theo cách này, quý vị sẽ dẹp bỏ được những nghiệp bất thiện đã tích lũy trước đây và ngăn chặn những sự tích lũy trong tương lai của quý vị. Những lời cầu nguyện thể hiện khát vọng nhiệt thành của quý vị sẽ dẫn dắt những công đức tích lũy trước đây và khiến chúng ngày càng tăng trưởng. Quý vị có thể bước vào những chặng đường mới để thực hiện những việc làm đức hạnh. Vì vậy, quý vị sẽ tạo sự an lạcthuận duyên đầy ý nghĩa cho mình mỗi ngày. [131]

Nếu quý vị không quán chiếu những điều này ngay bây giờ, thì khi rơi vào một cảnh giới đau khổ, quý vị sẽ không tìm được nơi nương tựa để bảo vệ mình khỏi những nỗi khiếp sợ này cho dù quý vị có tìm kiếm. Vào thời điểm ấy, quý vị sẽ không có khả năng sáng suốt để hiểu được điều gì quý vị nên áp dụng và điều gì nên loại bỏ. Như tác phẩm Nhập Bồ-đề Hành Luận đã nói:[31]

 

Nếu tôi xao lãng việc tu công đức

Ngay cả khi có thuận duyên thực hiện,

Thì tôi làm được gì khi bấn loạn

Bởi đau khổ nơi cảnh giới khốn cùng?

 

tương tự:

 

Hãy nói: “Ai sẽ bảo vệ tôi

Khỏi nỗi sợ hãi kinh hoàng này?”

Tôi sẽ hiểu rõ, sẽ kinh hãi

Và đi khắp tìm nơi quy y.

 

Nhận thấy không nơi nào nương tựa

Tôi sẽ hoàn toàn bị thất vọng

Nếu chốn ấy không nơi nương tựa

Liệu tôi sẽ phải làm gì đây?

 

Nên từ nay tôi xin quy y

Đấng Điều ngự chở che chúng sinh

Người nỗ lực giải thoát chúng sinh

Người vĩ đại xua tan sợ hãi.

 

Sự bàn luận trên đây chỉ là mô tả khái quát. Quý vị chắc chắn cần phải đọc tác phẩm Diệu Pháp Chánh Niệm Hiện Tại,[32] bởi những điều này được giảng giải kỹ lưỡng hơn trong đó. Hãy đọc đi đọc lại, và quán chiếu những điều quý vị đọc được.



[1]BA277 Vaidya 1960b: 72; P5336: 216.5.7.  

[2]BA278 Ngài Tsongkhapa sử dụng đề tựa Du-già Hạnh Địa Yếu Luận (Sa'i dngos gzhi), theo tác giả Thurman (1984: 410), để nói đến các phân đoạn trong Du-già Sư Địa luận chứ không phải là Bbh và Śbh. Phần trích dẫn dài này (P5536: 230.3.8-231.5.6) là phần đầu của Du-già Sư Địa luận.

[3]Còn gọi tám hỏa ngục hay bát nhiệt địa ngục. Chữ Phạn Naraka có nghĩa là thế giới bên dưới (hạ thế). Tên Phạn ngữ của tám địa ngục tương ứng kể trên và các tên Hán-Việt thường dùng trong kinh điển là: (1) saṃjīva-naraka (Đẳng Hoạt Địa Ngục hay Địa Ngục Hoàn Sinh), (2) kālasūtra-naraka (Hắc Thằng Địa Ngục hay Địa Ngục Dây Trói Chết), (3) saṃghāta-naraka (Chúng Hợp Địa Ngục), (4) raurava-naraka (Hào Khiếu Địa Ngục hay Địa Ngục Kinh Khiếp), (5) mahāraurava-naraka (Đại Khiếu Địa Ngục hay Địa Ngục Kinh Khiếp Lớn), (6) tāpana-naraka (Viêm Nhiệt Địa Ngục hay Địa Ngục Gây Đau Đớn), (7) pratāpana-naraka (Đại Nhiệt Địa Ngục hay Địa Ngục Gây Đau Đớn Lớn), (8) avīci-naraka (Vô Gián Địa Ngục, Địa Ngục Không Suy Giảm, hay Địa Ngục A-tì).

[4]BA279 Shuṛl-lekha: 87; P5682: 237.2.8-237.3.1.

[5]Có tổng cộng 6 cõi trời (hay cung trời) thuộc về dục giới. Đó là: (1) cõi Tứ Thiên Vương cai trị bởi 4 vị vua trời (skt. Caturmahārājakāyika), (2) cõi Đạo Lợi có 33 vị trời làm chủ (skt. Trāyastriṃśa), (3) cõi Vô Chiến hay Dạ-man (skt. Yāma), (4) cõi Đâu Suất (skt. Tushita) nơi các vị Phật trụ thế trong đó có Phật Di Lặc, (5) cõi Hóa Lạc Thiên (skt. Nirmāṇarataya) nơi các vị trời có thể tạo ra hưởng thụ các thú cực lạc của họ, và cõi Tha Hóa Tự Tại (skt. Parinirmitvashavartin) là cõi Thiên cao nhất trong dục giới. Các vị trời ở đây hưởng lạc thú tạo được từ các vị trời khác.

[6]BA280 AK: 3.79, 3.82-83b; P5590:120.2.5-7.

[7]BA281 Yogā-caryā-bhūmi {Sa'i dngos gzhi), P5536: 230.3.8.

[8]Tên Phạn của 8 địa ngục lạnh này lần lược là (1) Arbuda (nghĩa là bỏng dập), (2) Nirarbuda (nghĩa là nổ vỡ bỏng dập), (3) Aṭaṭa, (4) Hahava, (5) Huhuva, (6) Utpala (nghĩa là hoa sen xanh lam), (8) Padma (nghĩa là hoa sen đỏ), (8) Mahāpadma (nghĩa là sen đỏ lớn).

[9]BA282 Jm: 29.22; P5650: 52.2.3-4.

[10]BA283 Śiṣya-lekha: 52-53; P5683: 239.4.3-5.

[11]BA284 Yogā-caryā-bhūmi (Sa'i dngos gzhi), P5536: 230.4.1-2.

[12]BA285 AKbh, P5591: 187.1.4-6.

[13]BA286Vinaya-vastu, P1030: 42.5.2.

[14]BA287Tăng Hộ Thuyết {skt. Saṃgharaksitavadāna} là câu chuyện thứ 67 trong tác phẩm Bồ-tát Bách Truyện {skt. Bodhisattvāvadāna-Kalpalarā} của Kṣemendra, P5655: 83.4.3-85.1.6; cf. Vaidya 1959b: 204-212.

[15]BA288 AKbh: 717; P5591:184.2.3-5.

[16]BA289 BCA: 8.12cd; P5272: 253.3.5.

[17]BA290 Shuṛl-lekha: 83; P5682: 237.2.4-6.

[18]BA291 Ibid.: 84-86, 88; P5682: 237.2.6-8, 237.3.1-2.

[19]BA292 AKbh, P5591:184.2.5-6.

[20]BA293 Shuṛl-lekha: 89-90; P5682: 237.3.2-4.

[21]BA294Vyakta-padā-Shuṛl-lekha-ṭīkā, P5690: 267.3.5-268.1.1.

[22]BA295 AK: 3.83c; P5590:120.7.8.

[23]BA296 AKbh: 517; P5591:184.2.6-7.

[24]BA297Shuṛl-lekha: 91-95; P5682: 237.3.4-8.

[25]BA298 Vyakta-padā-suhṛl-lekha-ṭīkā, P5690: 267.3.1-6.

2BA299: 35-40; P5683: 239.2.1-7.

[26]BA300 Yogā-caryā-bhūmi (Sa'i dngos gzhi), P5536:230.2.8-230.4.1.

[27]BA301 AK: 3; P5590:187.1.3.

[28]BA302 Shuṛl-lekha: 96; P5682: 237.3.8-237.4.1.

[29]BA303Vyaktapada-Shuṛl-lekha-ṭīkā, P5690: 268.1.1-2.

[30]BA304 Vinaya-vastu (Lunggzhi), P1030: 36.3.3-37.1.3.

[31]BA305 BCA: 4.18, 2.46-48; P5272: 247.5.8-248.1.1,246.4.4-6.

[32]BA306 Sad-dharmānusmṛty-upasthāna, P953.

 





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
08/08/2010(Xem: 109919)
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới. Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :