Chương 22: Thái Độ Của Một Người Có Khả Năng Trung Bình

10/09/201212:00 SA(Xem: 8884)
Chương 22: Thái Độ Của Một Người Có Khả Năng Trung Bình

Tsongkhapa
ĐẠI LUẬN VỀ
GIAI TRÌNH CỦA ĐẠO GIÁC NGỘ
Tập 1
(Bồ-đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận – Quyển Thượng)
Nhóm Dịch Thuật Lamrim Lotsawas
༄༅༎ བྱང་ཆུབ་ལམ་རིམ་ཆེན་མོ་། །།ཀ།།
རྗེ་ཙོང་ཁ་པ་བློ་བཟང་གྲགས་པ༎

Chương 22: Thái Độ của Một Người Có Khả Năng Trung Bình

b) Mức độ quyết tâm muốn được giải thoát

c) Phá tan những ý niệm sai lầm

 

–––\–––

 

 

b) Mức độ quyết tâm muốn được giải thoát

Quý vị phải hiểu chi tiết những tính chất của luân hồi, về cả phương diện khổ đau và nguồn gốc của khổ đau lẫn phương diện mười hai yếu tố duyên sinh. [258] Một khi hiểu những tính chất này, quý vị sẽ phát khởi ước muốn từ bỏdập tắt khổ đau và các nguồn gốc của nó. Vào lúc này, mặc dù quý vị có thể mang một quyết tâm đơn giản muốn được giải thoát, quý vị không nên đơn thuần thỏa mãn với với điều này. Vì thế Lục Thập Tụng Như Lý Luận Thích (Yukti-sasṭīkā-vṛtti) của ngài Nguyệt Xứng nói:

 

Một khi chúng ta chắc chắn rằng sống trong ba tầng luân hồi[1] – ngọn lửa cháy rực của vô thường – cũng giống như bước vào trong nhà lửa, chúng ta muốn trốn khỏi cảnh đó.

 

Và, như đã dẫn trước đây:[2]

 

Cũng như khi có cơ hội

Để tù nhân trốn khỏi nhà tù …

 

Phát triển một thái độ đối với luân hồi như những người chán ghét bị giam hãm trong nhà lửa hoặc trong tù ngục, và muốn trốn đi. Rồi dần dần làm tăng thêm cảm giác chán ghét và muốn trốn thoát này.

Sha-ra-wa đã mô tả quyết tâm giải thoát ở mức thô thiển giống như khi quý vị đổ bột vào bia loại phẩm chất kém; bột chỉ tạo thành một lớp mỏng trôi nổi trên mặt chất lỏng bia[3]. Nếu quý vị chỉ có khả năng nhìn thấy đặc tính khó ưa của những nguồn gốc đích thực – những nguyên nhân của luân hồi – ở mức thô thiển như thế này, thì sự tìm cầu giải thoát của quý vị, sự chấm dứt khổ đau và nguồn gốc của nó, cũng sẽ giống y hệt. Tương tự, ước muốn đạt đạo giải thoát của quý vị cũng chỉ là những lời nói suông mà thôi. Như thế quý vị sẽ chẳng thể phát triển được lòng từ không thể kham nhẫn được khi nhìn thấy những khổ đau của chúng sinh trong luân hồi hay cũng không thể phát triển được tâm chân thật muốn đạt giác ngộ vô thượng giúp truyền dẫn sức mạnh cho quý vị. Do đó, sự hiểu biết của quý vị về Đại Thừa cũng chỉ là những tri kiến. Cho nên quý vị phải thực hành những giáo pháp dành cho người có khả năng trung bình và xem đó là những huấn thị cốt yếu.

 

c) Phá tan những ý niệm sai lầm

Vấn: Mặc dù trong Tiểu Thừa việc tu tập tâm chán ngán luân hồi là điều thích đáng, việc làm này lại không thích đáng cho bậc Bồ-tát, bởi vì nếu Bồ-tát tu tập tâm cực kỳ ghê tởm và chán ngán luân hồi, họ cũng sẽ giống như hàng Thanh Văn và rơi vào cực đoan an bình tĩnh lặng, sau khi đã bất mãn với việc dấn thân vào trong luân hồi. [259] Như Như-lai Bất Khả Tư Nghì Mật Thuyết Kinh nêu lên:[4]

 

Bậc Bồ-tát, nghĩ tới việc trưởng thành cho chúng sinh, coi luân hồilợi ích. Theo đó, các vị không coi đại niết-bàn (giải thoát) như là lợi ích cho sự trưởng thành của chúng sinh.

 

Và hơn nữa:

 

Nếu bậc Bồ-tát sợ dấn thân vào luân hồi, họ sẽ bị rơi vào chỗ thiếu thốn cơ cực.

 

Ngoài ra:

 

Bạch Thế Tôn, trong khi hàng Thanh Văn sợ dấn thân vào luân hồi, bậc Bồ-tát tình nguyện tái sinh vô lượng kiếp trong luân hồi.

 

Trả lời: Đây là một lầm lẫn lớn, hiểu sai ý nghĩa của kinh điển. Bởi vì đoạn kinh nói: “Như thế, chư Bồ-tát không nên chán ngán luân hồi”, không dạy Bồ-tát không được ghê tởm cái khổ của sinh, lão, bệnh, tử, v.v… – kết quả của việc lang thang trong luân hồi dưới sự khống chế của nghiệp và phiền não. Đúng hơn, kinh này dạy cho quý vị hạnh hỷ nhẫn. Để tu tập các hành vi vị tha của Bồ-tát cho tới khi dòng luân hồi chấm dứt, Bồ-tát phải mặc áo giáp [dũng cảm]. Một khi làm việc này, ngay cả mọi đau khổ của mọi chúng sinh được gom lại và Bồ-tát phải thường xuyên chịu những khổ đó cả về tinh thần lẫn thể chất, Bồ-tát vẫn vui vẻ kham nhẫn, hoan hỷ với những việc làm phi thường để giúp người khác, không bị khổ não làm cho chán ngán hoặc sợ hãi. Vì thế mà Đức Phật nói Bồ-tát không được chán ngán luân hồi. Bậc thầy Nguyệt Xứng nói:

 

Bồ-tát từng giây từng phút đón nhận những đau khổ của mọi chúng sinh cho tới khi dòng luân hồi chấm dứt mà không sợ thân hoặc tâm mình bị tổn hại. Bồ-tát đồng thời nhận những đau khổ của mọi chúng sinh cho tới khi dòng luân hồi chấm dứthoan hỷ trong việc làm này. Mỗi giây phút vui vẻ kham nhẫn như vậy là nguyên nhân mà kết quả sinh ra vô lượng các tập hợp của cải, mang lại toàn trí cho tất cả chúng sinh. Một khi hiểu điều này, Bồ-tát có thể tái sinh hàng trăm lần và làm như vậy là điều chính đáng.

 

Để nhấn mạnh điểm này, ngài Nguyệt Xứng trích dẫn những đoạn kinh đã được đề cập ở trên rút ra từ Như-lai Bất Khả Tư Nghì Mật Thuyết Kinh. [260]

 

Cũng kinh này nêu lên rằng luân hồi nên được coi là lợi ích bởi vì Bồ-tát đạt được hạnh phúc tỉ lệ với nỗ lực bỏ ra khi họ cố gắng làm việc vì sự an lạc của chúng sinh. Do đó Đức Phật nói rằng không chán ngán luân hồi có nghĩa là không chán ngán việc thành tựu những điều tốt lành cho các chúng sinh trong luân hồi cũng như hoan hỷ trong hành động này.

Khi quý vị lang thang trong luân hồi do năng lực của nghiệp và phiền não, quý vị bị nhiều khổ đau dày vò. Nếu quý vị không thể hoàn tất được những mục tiêu của chính mình, thì còn cần chi phải nói tới việc quý vị không thể thành tựu những mục tiêu giúp người khác? Bởi vì lang thang như vậy là cánh cửa mở ra mọi phiền toái, Bồ-tát càng cần phải chán ngán luân hồi hơn các hành giả Tiểu Thừa và phải chấm dứt sự lang thang gây ra bởi nghiệp và phiền não. Tuy nhiên, Bồ-tát phải vui thích được tái sinh trong luân hồi qua nguyện lựclòng từ của mình. Hai cách tái sinh này không giống nhau.

Không phân biệt được điều này dẫn tới những thắc mắc giống như trên đây. Bồ-tát Địa nói rằng nếu những người chủ xướng một quan điểm như vậy có thọ Bồ-tát giới thì họ đã phạm phải một hành động sai trái nhuộm đầy những phiền não. Tuy nhiên, sợ quá nhiều lời nên tôi đã không trích dẫn toàn thể đoạn kinh.

Vì vậy thật là kỳ diệu khi Bồ-tát nhìn những khiếm khuyết của luân hồihoàn toàn kinh tởm nhưng vẫn không từ bỏ thệ nguyện của mình bởi vì động lực của chư vị là lòng đại bi. Nếu những ai coi những điều kỳ thú của luân hồi giống như tòa lâu đài ở cõi trời – mà không giảm thiểu được lòng ham muốn của mình một chút nào – tự cho là đang phục vụ người khác, thì làm sao cái ý không muốn từ bỏ luân hồi của họ có thể làm vui lòng bậc trí giả được? Như Trung Đạo Tâm Yếu Luận của ngài Thanh Biện nói:[5]

 

Bởi vì Bồ-tát thấy những khiếm khuyết của luân hồi, chư vị không ở lại đây. Bởi vì chư vị chăm lo cho người khác, chư vị không ở niết-bàn. Để hoàn thành nhu cầu của người khác, chư vị quyết tâm ở lại trong luân hồi.

 

Một khi quý vị thấy những đau khổ vô biên của tất cả chúng sinh – chẳng hạn như một trăm mười đau khổ được giải thích trong Bồ-tát Địa – quý vị biến điều này trở thành nguyên nhân phát khởi lòng đại bi. Vào lúc này, khi quý vị nuôi dưỡng một tấm lòng mãnh liệt và bền vững không thể chịu đựng được việc thấy cảnh khổ của người khác, thì việc không chán ngán luân hồi dù chỉ một chút sẽ là điều mâu thuẫn rồi. [261]

Chủ đề trong Tứ Bách Kệ Tụng của ngài Thánh Thiên là các giai đoạn đường đạo trong đó Bồ-tát phát triển lòng chán ghét cùng cực luân hồi và rồi, xem các chúng sinh như bà con thân thuộc của mình, vì họ mà đi vào biển luân hồi. Trong chú giải về tác phẩm đó, bậc thầy vĩ đại Nguyệt Xứng minh định điều này:[6].

 

Nhờ lời giải thích của Đức Phật về các khiếm khuyết của luân hồi, các đệ tử biết sợ và mong muốn được giải thoát khỏi nó. Đức Thế Tôn đã nói điều sau đây để các đệ tử phát triển được mối liên hệ mãnh mẽ với Đại Thừa: “Này các thầy tì kheo, trong số tất cả những người đã trôi lăn trong luân hồi suốt một thời gian dài, không có chúng sinh nào trong số tất cả các loại chúng sinh đã không từng như là cha, mẹ, con trai, con gái, họ hàng, hoặc có quan hệ họ hàng với cha kế hoặc mẹ kế của các ông”.

 

Và hơn nữa:

 

Do hiểu lời dạy của Đức Thế Tôn, Bồ-tát có thể lao vào biển luân hồi. Chư vị làm điều này để mọi chúng sinh, những người đã từng là thân quyến của chư vị – như cha và mẹ – suốt từ vô thủy và những người đang bị mất hết, không ai bảo vệ để họ có thể được con thuyền Đại thừa giải thoát.

 

Chân Ngôn thừa vô thượng {Mật thừa vô thượng} cũng đòi hỏi phương pháp này. Bởi vì như ngài Thánh Thiên nói trong Hạnh Hiệp Đăng Luận của ngài:[7]

 

Qua những giai đoạn này, các ngươi nên dấn thân vào các hoạt động mà không có các diễn tưởng[8]. Các giai đoạn để làm việc này là như sau: vào lúc ban sơ, các ngươi cần nhớ đến những đau khổ từ vô thủy của luân hồi, và rồi ước mong phúc lạc của niết-bàn. Cho nên các ngươi cần hoàn toàn từ bỏ mọi dao động, và thậm chí cần nuôi dưỡng ý nghĩ rằng những người trị vì các vương quốc cũng đều phải chịu đau khổ.



[1]Tức dục giới, sắc giới, và vô sắc giới.

[2]BA548 LRCM:95.3.

[3]Theo cách giải thích của ngài Lhundub Sopa, đây là một hình ảnh đặc thù Tây Tạng mô tả hình ảnh ý tưởng nông cạn về sự từ bỏ thế tục. Hầu hết người Tạng thông thường không uống nước lã mà hay dùng một loại bia gọi là chang. Ngoài ra, mọi người Tạng đều dùng trà. Loại bột, mang tên tsampa, mà họ bỏ vào bia là để có thêm một lượng dinh dưỡng. Tsampa đã ừng là thức ăn Tạng. Steps on the Path to Enlightenment. Vol2. P.362. Chapter 10. Lhundub Sopa. Wisdom. 2005.

[4]BA549 Tathāgatacintya-guhya-nirdeśa-sūtra, P760: 87.4.1-2,87.4.8,87.5.2-3.

[5]BA550 Madhyamaka-hṛdaya-kārikā, P5255: 3.3.2-3.

[6]BA551 Bodhisattva-yogā-caryā-Catuḥ-śataka-ṭīkā, {Bồ-tát Du-già Hạnh Tứ Bách Luận Thích – tức là luận 400 kệ về Bồ-tát hành thiền} P5266:194.4.7-194.5.1.

[7]BA552 Caryā-melāpaka-pradīpa, P2668: 315.1.7-315.2.1.

[8]Thuật ngữ Anh là elaboration. Đây là một loại tiến trình định danh của tâm nhằm thêm thắt, diễn giải, chi tiết hóa hay mở rộng một nhận thức sau khi các thức thụ cảm nhận thông tin từ môi trường bên ngoài {trần cảnh} đang hoàn toàn khách quan không nhị nguyên. Như vậy tiến trình này tạo ra tư tưởng nhị nguyên phân biệt. Một số tài liệu dịch là vọng tưởng nhưng nghĩa của từ Hán-việt vọng sẽ không đủ ý.

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
08/08/2010(Xem: 108693)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.