Chương 13: Các Tính Chất Tổng Quát Của Nghiệp

10/09/201212:00 SA(Xem: 9904)
Chương 13: Các Tính Chất Tổng Quát Của Nghiệp

Tsongkhapa
ĐẠI LUẬN VỀ
GIAI TRÌNH CỦA ĐẠO GIÁC NGỘ
Tập 1
(Bồ-đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận – Quyển Thượng)
Nhóm Dịch Thuật Lamrim Lotsawas
༄༅༎ བྱང་ཆུབ་ལམ་རིམ་ཆེན་མོ་། །།ཀ།།
རྗེ་ཙོང་ཁ་པ་བློ་བཟང་གྲགས་པ༎

Chương 13: Các Tính Chất Tổng Quát của Nghiệp

b’ Phát triển được niềm tin xác tín rằng nghiệp là cội rễ của mọi hạnh phúc tạm thời và điều thiện lành chắc chắn

1’ Quán chiếu về nghiệp và ảnh hưởng của nó nói chung

a” Phương cách thật sự để quán chiếu một cách tổng quát

1” Tính chắc chắn của nghiệp

2” Tính khuếch đại của nghiệp 

3” Không phải chịu những hậu quả của các hành động quý vị không làm

4” Những hành động quý vị làm sẽ không mất đi

 

–––––\–––––

 

Ở thời điểm này quý vị cần nắm vững những phân loại thiện hạnhbất thiện hạnh cũng như các hậu quả của nó. Kế đó quý vị phải thực hành việc loại bỏ các bất thiện hạnhthực hiện các thiện hạnh một cách đúng đắn. Bởi vì, trừ khi quý vị quán chiếu lâu dài về hai loại nghiệp này,[1] các hậu quả của nó, rồi loại bỏ bất thiện hạnhthực hiện thiện hạnh một cách đúng đắn, quý vị sẽ không chấm dứt được các nguyên nhân dẫn tới các kiếp tái sinh khổ đau. Như thế, quý vị có thể sợ các cõi khổ đau mà vẫn không thể thoát khỏi điều quý vị sợ.

Do đó, để giữ mình khỏi phải sinh vào các giới khổ đau lúc phải nhận quả, quý vị phải tự kiềm chế không làm những điều bất thiện lúc tạo nhân. Điều này đến lượt nó lại còn tùy thuộc vào việc phải có được niềm xác tín về nghiệp và nghiệp quả.

 

b’ Phát triển được niềm tin xác tín rằng đó là cội rễ của mọi hạnh phúc tạm thời và cội rễ của thiện lành chắc chắn[2]

 

Phần hai trong giải thích làm thế nào để đạt được hạnh phúc trong đời kế tiếp – phát triển niềm tin xác tín vào nghiệp và nghiệp quảbao gồm việc quán chiếu về nghiệp và nghiệp quả một cách tổng quát (Chương 13-14) và chi tiết (Chương 14).

 

1’ Quán chiếu về nghiệp và nghiệp quả một cách tổng quát

Giải thích này được chia ra làm hai phần:

1. Cách thực tiễn để quán chiếu tổng quát (Chương 13)

2. Quán chiếu về những phân biệt trong những loại nghiệp khác nhau (Chương 14)

 

a” Cách thực tiễn để quán chiếu tổng quát

Nói chung, cách thực tiễn để quán chiếu về nghiệp và nghiệp quả bao gồm bốn điểm:

1. Tính chắc chắn của nghiệp

2. Tính khuếch đại của nghiệp

3. Không phải chịu những kết quả của các hành động quý vị không làm

4. Những hành động quý vị làm sẽ không mất đi

 

1” Tính chắc chắn của nghiệp

Mọi hạnh phúc về ý nghĩa các cảm giác thoải mái – cho dù là của người thường hoặc bậc hiền thánh, kể cả ngay chỉ một chút khoan khoái nhỏ nhất như một cơn gió mát nổi lên cho một chúng sinhđịa ngục – đều phát sinh từ thiện nghiệp đã tích lũy từ trước. Hạnh phúc không thể nào phát sinh từ nghiệp bất thiện được.

Mọi khổ đau về ý nghĩa các cảm giác đau đớn – kể cả ngay chỉ một chút khổ nhỏ nhất xảy ra trong dòng tâm thức của bậc A-la-hán – phát sinh từ nghiệp bất thiện đã tích lũy từ trước. Khổ đau không thể nào phát sinh từ thiện nghiệp được. Trong Bảo Hành Vương Chính Luận:[3] {skt. Rāja-parikathā-ratnāvalī}

 

Từ bất thiện hạnh mọi khổ đau sẽ đến

Và cũng từ đó đến mọi cõi khổ đau.

Từ thiện hạnh mọi cõi hạnh phúc sẽ đến

Cùng những niềm vui trong các kiếp lai sinh.

 

Do đó, hạnh phúc và khổ đau không xảy ra mà lại không có các nguyên do, và cũng không xảy ra từ những nguyên do không tương hợp chẳng hạn như từ một đấng sáng tạo thiêng liêng hoặc một nguyên chất căn bản[4]. Đúng hơn, hạnh phúc và khổ đau, nói chung, phát sinh từ nghiệp thiện và nghiệp bất thiện và những khổ đau và hạnh phúc cá biệt phát sinh riêng rẽ từ những trường hợp cụ thể của hai loại nghiệp này mà không hề có chút mảy may lẫn lộn nào. Đạt được một hiểu biết nào đó về tính xác định, hoặc không lừa dối, của nghiệp và nghiệp quả được gọi là chánh kiến đối với tất cả Phật tử và được ca ngợi là nền tảng của mọi đức hạnh.

 

2” Tính khuếch đại của nghiệp

Quả hạnh phúc to lớn có thể sinh ra từ một nghiệp thiện nhỏ. Quả khổ đau to lớn có thể sinh ra từ một nghiệp bất thiện rất nhỏ. Vì vậy quan hệ nhân quả bên trong [về nghiệp] có vẻ như bao hàm một sự khuếch đại mà quý vị không thấy ở quan hệ nhân quả bên ngoài. Hơn nữa, Vô Vấn Tự Thuyết[5] nói:

 

Giống như đã ăn phải chất độc,

Phạm chỉ một tội nhỏ

Cũng tạo ra trong những đời sau

Nhiều sợ hãisuy tàn ghê gớm.

 

Giống như lúa chín trở thành thu hoạch dồi dào,

Ngay cả việc tạo một phước đức nhỏ

Sẽ dẫn tới hạnh phúc lớn lao trong những đời sau

Và cũng sẽ mang đầy ý nghĩa.

 

Hãy tin chắc về việc những hậu quả to lớn có thể phát sinh từ những hành động nhỏ bằng cách nghiên cứu những câu chuyện thuật lại về các diễn biến đã xảy ra trong quá khứ được trình bày trong những kinh văn như Cơ Sở Giới Luật, Hiền Ngu Kinh (Dama-mūko-sūtra)[6] Bách Nghiệp Kinh (Karma-śataka). Thí dụ, có những câu chuyện trong Cơ Sở Giới Luật[7], về mục tử Nanda {Tên dịch nghĩa Hỷ Lạc} và con ếch bị Nanda dùng gậy đánh, về con ngỗng, con cá, năm trăm con rùa, năm trăm con ma đói, người nông dân, và năm trăm con bò mộng; và, trong Hiền Ngu Kinh, những câu chuyện của Suvarṇadevatā, Suvarnavasu, và Hastipala[8]. [160]

Hơn nữa, có những người đã một phần sa ngã trong bốn điều này – giới luật, nghi thức tôn giáo, phương kế sinh nhai, và quan điểm triết lý. Nghĩa là, họ đã không bị lầm lạc chút nào về quan điểm triết lý, nhưng với ba điều trước chưa đạt được đến mức hoàn toàn thuần khiết. Đức Phật nói rằng những người này sẽ sinh làm rồng. Hải Long Vương Vấn Kinh (Sāgara-nāga-rāja-paripṛcchā) nói:[9]

 

“Bạch Thế Tôn, vào đầu đại kiếp con sống trong đại dương lớn và Đức Như Lai Krakuchanda {Câu-lưu-tôn} đang trụ thế. Vào lúc đó, chư long thần cùng con trai và con gái của họ trong đại dương trở nên ít hơn và ngay cả quyến thuộc của con cũng giảm đi. Bây giờ, Bạch Thế Tôn, chư long thần cùng con trai và con gái của họ trong đại dương nhiều vô cùng và con số chư long thần này nhiều không có giới hạn. Bạch Thế Tôn, đâu là những nhân và duyên cho tình trạng này?”

Đức Thế Tôn đáp: “Này Long Vương {Chúa Tể của loài rồng}, đã từng có những người từ bỏ thế tụcđi vào con đường giới hạnhgiáo pháp đã được dạy rõ ràng – nhưng họ không hoàn toàn hoàn thiện được giới luật thanh tịnh. Họ không hoàn toàn hoàn hảonghi thức tôn giáo của họ đã suy đồi, phương kế sinh nhai của họ đã suy đồi, và giới luật của họ đã suy đồi. Tuy vậy, cái nhìn của họ vẫn chân chính. Họ đã không bị sinh vào cõi địa ngục. Khi chết, họ tái sinh vào những nơi loài rồng sinh ra.

 

Hơn nữa, được kể lại rằng trong thời Trang Nghiêm Kiếp của đấng Đạo Sư Câu-lưu-tôn Phật, 980 triệu người tại gia và người xuất gia sinh làm rồng vì nghi thức, sinh kế và đạo đức buông lung của họ. Trong thời Trang Nghiêm Kiếp tiếp theo của đấng Đạo Sư Câu-na-hàm-mâu-ni Phật, có 640 triệu người như vậy. Trong thời Trang Nghiêm Kiếp của đấng Đạo Sư Ca-diếp Phật, có 800 triệu người như vậy. Trong thời Hiền Kiếp của đức Bổncủa quý vị {tức đức Thích-ca-mâu-ni}, có 990 triệu người đã sinh hoặc sẽ sinh làm rồng. Ngay cả từ lúc đức Bổn Sư nhập niết-bàn, trong hàng tứ chúng những người phạm tộigiới luật sa đà đều sinh làm rồng. [161]

Tuy nhiên, người ta nói rằng, mặc dù sự hành trì của họ không tinh thuần, lúc chết khi bỏ thân rồng và chuyển tới cuộc đời mới, họ sẽ tái sinh làm thần thể hoặc làm người do sức mạnh của niềm tin vững chắc không lầm lạc của họ nơi giáo pháp. Trong số này, ngoại trừ những ai đã bước vào con đường Đại Thừa, tất cả sẽ nhập niết-bàn trong những thời giảng pháp của những Đức Phật sẽ thành trong đời hiền kiếp này.

Do đó, hãy củng cố niềm tin vững chắc rằng ngay cả những việc làm thiện và bất thiện vi tế nhất cũng đi theo quý vị như hình với bóng và sẽ sinh ra hạnh phúc to tát và khổ đau lớn lao. Kế đó hãy cố gắng vun trồng ngay cả những thiện hạnh vi tế nhất và diệt trừ ngay cả những tội lỗi và xoá bỏ vi phạm vi tế nhất. Trong Vô Vấn Tự Thuyết[10]

 

Như các bóng của những chim di trú

Sẽ dõi theo thân chúng trên bầu trời

Các chúng sinh kia bị theo đuổi bởi

Những điều đã làm dù đúng hay sai.

 

Giống như những người có ít tư lương

Bắt đầu lên đường và ra đi trong đau khổ,

Những chúng sinh chưa vun trồng thiện nghiệp

Sẽ phải về tới các cõi khổ đau.

 

Như những ai đã có đủ tư lương

Lên đường và ra đi trong hạnh phúc,

Những chúng sinh đã vun trồng thiện nghiệp

tái sinh đến các nơi hạnh phúc.

 

tương tự:

 

Đừng khinh thường ngay cả tội nhỏ nhất,

Vì nghĩ rằng nó chẳng hại gì;

Chính do tích lũy nhiều giọt nước

Mà thùng chứa lớn sẽ dần tràn đầy.

 

Và thêm vào đó:

 

Đừng nghĩ rằng tội nhỏ bé

Sẽ không theo đuổi chúng ta.

Như bình lớn sẽ đầy

Do vì các giọt nước rơi,

Cũng vậy kẻ khờ sẽ đầy ắp những tội

Tích chứa thêm mỗi lần một chút.

 

Đừng nghĩ rằng phước đức nhỏ nhoi

Sẽ không theo đuổi chúng ta.

Giống như chậu lớn sẽ đầy

Do vì các giọt nước rơi,

Cũng vậy người trung kiên sẽ chứa đầy

Công đức tích chứa mỗi lần một chút.

 

Lại nữa, trong Bổn Sanh Kinh:[11]

 

Bằng cách huân tập nghiệp thiện và bất thiện

Con người trui thành tập quán với các hành động này.

Dù ngươi có thể vô minh về những chuyện như vậy,

Trong những đời khác ngươi sẽ lãnh nghiệp quả, tựa một giấc chiêm bao. [162]

 

Những ai không tu tập bố thí, trì giới,[12] và những phẩm chất tương tự

Có thể có được các dòng dõi hạnh đức, thân thể tốt lànhsức khỏe,

Và có thể có quyền hành lớn, của cải vô vàn,

Nhưng họ sẽ không tìm được hạnh phúc trong các đời tương lai.

 

Còn với những ai thuộc dòng dõi thấp kém hay tương tự nhưng không bám chấp vào tội lỗi

Và có những phẩm hạnh như bố thítrì giới,

Hạnh phúc của họ trong các đời tương lai sẽ tăng trưởng

 

Chắc chắn như những cơn mưa gió của mùa hè làm đầy đại dương.

Một khi ngươi chắc chắn rằng nghiệp thiện và bất thiện

Sinh ra hạnh phúc và khổ đau trong những đời sắp đến,

Hãy diệt trừ tội lỗinỗ lực làm những việc thiện lành.

Hỡi những người không có niềm tin, hãy làm theo ý ngươi muốn.

 

3” Không phải chịu những hậu quả của các hành động quý vị không làm

Nếu quý vị không tích lũy nghiệp làm nguyên nhân cho việc trải nghiệm hạnh phúc hoặc khổ đau, thì sẽ không có cách nào để quý vị phải trải qua hạnh phúc hoặc khổ đau là quả của nhân đó cả. Những ai được hưởng quả của vô lượng công đức do đấng Đạo Sư thu thập không cần phải tích lũy tất cả những nhân của những quả này, nhưng họ chỉ cần tích lũy một phần {công đức ấy}.

 

4” Những hành động quý vị làm sẽ không mất đi

Hành động thiện và bất thiện tạo ra các quả xứng ý và không xứng ý. Như trong Tán Thán Thế Tôn của Udbhaṭasiddhasvāmin {Tên Dịch nghĩa Diệu Tất-đạt Thánh} nói:[13]

 

Người Bà-la-môn nói tội và phước

Có thể chuyển cho người khác – như biếu và nhận quà vậy.

Ngài [đức Phật] dạy rằng điều các ngươi làm sẽ không mất đi

Và người ta không phải nhận kết quả của những điều họ không làm.

 

Thêm nữa, Định Vương Kinh nói:[14]

 

Hơn nữa, một khi các ngươi làm một việc gì, các ngươi sẽ nhận lãnh kết quả của nó;

Và các ngươi sẽ không nhận lãnh kết quả của những việc những kẻ khác làm.

 

Vả lại, Cơ Sở Giới Luật nói:[15]

 

Ngay cả trong một trăm kiếp lượng

Nghiệp cũng không mất đi.

Khi cơ duyênthời gian tới

Chắc chắn chúng sinh cảm nhận nghiệp quả.



[1]BA360 Las, karma. Karma [nghiệp] là một thuật ngữ, trong hầu hết các trường hợp, có nghĩa là hành động, nhưng đôi khi lại có nghĩa là kết quả. Bởi vì “karma” đã trở thành một từ phổ biến trong tiếng Anh, các dịch giả bản tiếng Anh đã dùng karma để dịch chữ las (Tạng ngữ) trong một số ngữ cảnh; trong các ngữ cảnh khác họ đã dịch chữ las là “hành động”. {Trong tiếng Việt, karma được dịch là “nghiệp” và actions được dịch là hành “động” (hay hành “vi”); riêng trong trường hợp “paths of actions”, cụm từ này được dịch là “nghiệp đạo”.}

[2]BA361 Khung dàn bài này bắt đầu từ phần 2. {Xem trình bày trong đầu chương 9 là phần b. 1) a) 2.} “Dựa vào những phương tiện để đạt được hạnh phúc trong kiếp sống tiếp theo”. Phần đầu của 2’ là “Tu tập cho việc quy y, cánh cửa tuyệt diệu cho việc nhập môn giáo pháp”, tức phần thứ nhì trong dàn bài của chương 11.

[3]BA362 Ra: 2.21; P5658:174.2.5-6.

[4]BA363 Theo những người thuộc trường phái Sāṃkhya hữu thần {Sāṃkhya hay Số Luận Phái là một học phái cổ của Bà la môn giáoẤn Độ có mặt trước khi đức Phật ra đời chủ trương nhị nguyên}, đấng thần linh tối cao (dbang phyug, Isvara) khởi sự và giám sát sự tạo lập thế giới từ “bản thể cơ bản” (rang bzhin, prakrti), cũng được gọi là “nguyên chất căn bản” (gtoso bo, pradhana).

[5]BA364 Ud: 28.24-25; P992: 100.4.4-5.

[6]BA365 Tựa đề Ấn ngữ đặt trong ngoặc cho thuật ngữ mDzang lun zhe bya ba’i mdoDama-mūko-nāma-sūtra. Fry 1981 ghi là Skt Dama-mūrkha-sūtra P1008.

[7]BA366 Vinaya-vastu (Lung gzhi) P1030:174.3.8-176.4.1.

[8]Tên dịch nghĩa Suvarṇadevatā, Suvarnavasu, và Hastipala lần lượt là Kim Thiên, Kim Bảo, và Tượng Hộ.

[9]BA367 Ārya-sāgara-nāga-rāja-paripṛcchā, 820:109.5.7-110.1.4. Sāgara-nāga là một vị vua của loài rồng, những sinh vật liên hệ tới nước, giống như rồng và rất hùng cường.

[10]BA368 Ngoại trừ hai câu kệ cuối cùng (Ud: 17.5-6; P992:95.3.8-95.4.1), cách dùng chữ không giống hệt như các bản Tạng ngữ hoặc bản tiếng Phạn của Bernhard trong Udāna-varga.

[11]BA369 Jm: 15.1,28.16-17,29.2; P5650:26.4.5,40.2.3-5,51.3.6-7. Về nội dung, xem tnChan: 309.3-6.

[12]Ở đây ngài Tsongkhapa nhắc đến các tu tập chính trong 6 đại hoàn thiện tức 6 Ba-la-mật-đa bao gồm bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định, và trí tuệ.

[13]BA370 Viśeṣa-stava, {Tán Dương Tập} P2001: 3.5.2.

[14]BA371 Samādhi-rāja-sūtra: 37.35; P795:1.3.5.

[15]BA372 Vinaya-vastu (Lung gzhi), P1020:19.1.6.

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
08/08/2010(Xem: 108689)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.