Kết thúc sự Thực Tập
OM VAJRASATTVA ARGHAM...SHABDA PRATICCHA HUM SVAHA
OM
VAJRASATTVA OM AH HUM
Từ Trí Bất Nhị... con kính lạy Thầy.
Vì vô minh và vọng tưởng con đã hủy hoại lời nguyện hứa của con. Hỡi Thầy, Ngài có sức mạnh giải thoát con, Ngài nắm giữ sự bất hoại, bản tính của lòng đại bi, Ngài là Chúa Tể của muôn loài chúng sinh, con xin qui y Thầy.
Vajrasattva nói, “ Ôi con yêu quý, tất cả ô trược ám chướng, tất cả tính tiêu cực và sự thất hứa của con đã được thanh tẩy hoàn toàn.” Rồi Ngài hòa nhập vào tôi. Ba cửa thân, khẩu và ý của tôi trở thành một với thân, khẩu và ý của Vajrasattva.
Tiếp theo sau sự tụng niệm chúng ta lại dâng lên Vajrasattva những phẩm vật bên ngoài và bên trong cùng những lời cầu khẩn của chúng ta như lúc đầu.
Ta đã thưa với Heruka Vajrasattva rằng vì vô minh nên ta không tỉnh thức, ta không biết những gì ta đã làm nên đã hành động ngược lại những gì ta đã nguyện hứa. Đúng vậy, khi chúng ta vào sống trong một tu viện hay một thiền viện, chúng ta không thể xác định chúng ta đã tinh tấn như thế nào. Nhưng khi về nhà hay về thành phố chúng ta sẽ nhận ra ngay. Khi đang thực tập với một nhóm người, chúng ta cảm thấy chúng ta mạnh, đầy năng lực nên chúng ta cho rằng ta có thể thực hành mỗi ngày một cách dễ dàng, sẽ thiền mỗi buổi sáng sớm, sẽ tụng niệm đầy đủ...vân vân....
Nhưng khi về nhà, chúng ta đi ngủ trễ, thức dậy trễ, uể oải, nói chuyện, tính chuyện đi chơi với bạn, ăn sáng... ôi, 9 giờ rồi! không còn giờ để thiền, vội vàng đi làm. Rồi, đến giờ ăn trưa, đi uống trà, ăn tối và cuối cùng tới giờ đi ngủ – trễ rồi, không thiền nữa. Cuộc đời cứ kéo dài như vậy. Thực sự chúng ta muốn thiền nhưng chẳng bao giờ chúng ta sửa soạn, xếp đặt thì giờ cho thiền. Chúng ta dành hết thì giờ để kiếm tiền. Chúng ta không cho đời sống tâm linh một cơ hội. Hãy phân tích đời sống hàng ngày, hãy nhìn thẳng vào những sinh hoạt thường ngày, chúng ta sẽ thấy ngay, sẽ hiểu đời sống trần tục của chúng ta như thế nào.
Thực ra chúng ta không muốn phá hủy đời sống của chúng ta, chúng ta cũng không vô minh tới độ từ chối đời sống tâm linh, tìm kiếm an lạc. Nhưng chúng ta đã tạo ra một đời sống bên ngoài quá hấp dẫn đến nỗi phải dành cả đời đễ chăm sóc nó. Vì thế, chúng ta không bao giờ cho đời sống tâm linh một cơ hội, ngồi xuống, thiền định với thế giới nội tâm. Thế giới bên ngoài chạy tới chạy lui, hết ngày đến đêm không bao giờ ngừng. Mặc dầu chúng ta không muốn như vậy nhưng trí tuệ của chúng ta đang suy tàn, Đạo pháp đang sa sút.
Giống như những gì đã xẩy ra tại tu viện Kopan của chúng tôi ở Nepal. Khi mùa mưa đến, vì mưa nhiều nên nước cũng quá nhiều, rồi khi nắng lên, nước dần dần hết, đất khô, gió thổi bụi mù. Đời sống Đạo của chúng ta cũng như nước: nó bốc hơi tới lúc để lại trong tâm ta đầy bụi bặm, ô nhiễm. Lúc đó chúng ta mới ngạc nhiên, “Tôi nghĩ tôi có, nhưng tôi chẳng thấy gì, tại sao lại như vậy?” Chúng ta cảm thấy trống rỗng ở nội tâm. Trí tuệ ở đó nhưng chúng ta đã không cho nó một cơ hội nào để hé mở, phát triển. Trí tuệ không thể đến trong một ngày. Trước tiên chúng ta phải cởi bỏ, phải tẩy rửa những ý niệm cũ đi rồi từ từ, từ từ những làn sóng, những tác động trí tuệ mới lớn dần để hướng dẫn chúng ta.
Chuyện này đã xẩy ra khi những người Tây phương qua Đông phương sống một thời gian để học Đạo. Họ tiếp nhận được Đạo pháp nhưng rồi từ từ mất mà chẳng một chút quan tâm. Họ cũng chẳng hiểu hoặc khó hiểu tại sao nó lại xẩy ra như vậy. Rồi họ biện minh, “ Ồ những gì tôi học được từ những Lạt ma là những đặc sản của Đông phương, nó không áp dụng được ở Tây phương.” Cái gì không áp dụng được? Nếu chúng ta không dùng nó thì làm sao áp dụng được nó? Thực sự áp dụng được, nếu chúng ta dùng trí tuệ của Phật; nếu chúng ta không dùng nó thì làm sao mà áp dụng được nó; nó sẽ thành lạc hậu! Lại nữa, rất khó mà nhận ra từng thay đổi nhỏ trong trí tuệ. Chúng ta cần nhạy cảm và quan sát tinh tế. Lúc đó chúng ta mới nhận ra được tâm ta lên xuống như thế nào.
Nếu không bén nhậy hoặc không quan sát tâm, chúng ta sẽ chẳng bao giờ nhận ra được sự làm việc của tâm. Giống như con chó, tâm của nó thay đổi cả ngàn lần trong một ngày, nhưng đến buổi chiều nó không biết nó đã trải qua những gì trong ngày. Nó không nhớ được. Nó không thể biết được tâm của nó hoạt động như thế nào, ngay cả chúng ta. Chúng ta không nên như vậy. Một khi tâm đã bị ám ảnh, đã bị tràn ngập bởi những vọng tưởng của cái tôi thì đời ta tan mất.
Trong phần thứ hai của sự cầu nguyện, chúng ta qui y với vị thầy (lạt ma) của chúng ta, người có năng lực hướng dẫn chúng sinh trên con đường giải thoát. Người Ấn độ hay người Nepal thường dùng danh từ lạt ma cho những vị sư Tây tạng. Ở đây ý nghĩa thực sự của danh từ này là vị thầy tâm linh, guru. Ngài nắm giữ nguồn đại lạc siêu việt không thể hủy hoại trong tâm ngài, chính là lòng bi mẫn và đại nguyện từ bi bao la, ngài cũng là vị lãnh đạo chúng sinh.
Heruka Vajrasattva trả lời chúng ta, “Hỡi con yêu dấu, tất cả ô trược ám chướng, ô nhiễm xấu xa và sự thất hứa của con đã được thanh tẩy hết.” Sau đó, Phật mẫu tan thành ánh sáng rồi hòa nhập vào thánh tâm Ngài. Heruka Vajrasattva cũng tan thành ánh sáng rồi tuôn vào kinh mạch chính của ta và tràn ngập trái tim ta. Ba cửa (tam mật) thân khẩu và ý của ta và của Heruka Vajrasatta trở thành một. Hãy ở yên trong tâm thái bất nhị, hợp nhất, hưởng hỉ lạc của kinh nghiệm tính không, hoàn toàn khác tâm thái nhị nguyên tôi và người khác, chủ thể và đối tượng. Đây chính là trạng thái an lạc cao nhất, tuyệt đỉnh.
Chúng ta nên thiền trong khi cầu nguyện, niệm chú. Sau khi cầu nguyện, vẫn tiếp tục thiền, chú tâm vào cảm giác hợp nhất, bất nhị, tránh có những tư tưởng nhị nguyên như cái này cái kia và “ tôi là.....” Chúng ta hay có những ý nghĩ đó trong lúc cúng dường, sư Tây tạng tụng kinh rồi ngừng, sư Tây tạng tụng kinh rồi ngừng... Có người cho rằng kỳ cục, nhưng các ngài đang thiền trong trạng thái hợp nhất tối cao, họ không vội vã tụng cho hết rồi ngừng để nghĩ. Khi thực tập nghi quỹ Heruka Vajrasattva, ta cũng nên làm như vậy. Rồi sau khi hồi hướng, chúng ta không nên vội vã chạy ra khỏi phòng, nên đi ra một cách từ từ và giữ tâm trạng vẫn đang hợp nhất với Heruka Vajrasattva, Ngài cũng đang hợp nhất với thầy của ta.
Chúng ta hãy hiểu một cách vững chắc đây chính là trí tuệ siêu việt thân khẩu và ý của Heruka Vajrasatta, chứ không phải phóng chiếu “tôi là.” Còn nữa, như tôi đã nhấn mạnh trước đây, đừng vọng tưởng, đừng tin tưởng, như “ Ồ, hôm nay tôi sẽ gặp Heruka Vajrasattva.” Điều này không cần thiết, chỉ tạo thêm mê tín dị đoan mà thôi. Vì thế hãy bỏ đi những ý nghĩ như vậy. Thêm nữa, trong lúc nhập thất hay trong thời tĩnh tâm, đừng lo sẽ bị bệnh, chính sự lo sợ làm chúng ta bị bệnh. Hãy thoải mái, an nhiên, hãy tin tưởng mãnh liệt vào Heruka Vajrasattva và nghiệp lực.
Hồi hướng
Vì ơn phước này, xin cho con mau chóng trở thành Heruka Vajrasattva để hướng dẫn mỗi một và muôn loài chúng sinh vào con đường giác ngộ.
LAMA YESHE
___________________________________________________________________
Người dịch xin chấm dứt
sự trích dịch ở đây. Cuốn sách này còn ba phần nữa:
Thời tĩnh
tâm
Thuyết giảng
Giải thích
mật chú.
Con Đường Thanh Tẩy theo
Mật Tông
Nguyên
tác The Tantric Path of Purification
của Lama
Yeshe
Do Wisdom
Publications xuất bản
Vô Huệ
Nguyên trích dịch
Email:
vohuenguyen@yahoo.com
“ CON
XIN HỒI HƯỚNG TẤT CẢ CÔNG ĐỨC NÀY ĐẾN MUÔN VÀN CHÚNG SINH TRONG MƯỜI PHƯƠNG PHẬT
VÀ MƯỜI PHƯƠNG BỒ TÁT, CON KHÔNG GIỮ LẠI MỘT CHÚT GÌ CHO RIÊNG CON. ”