- Mục Lục
- Lời Nói Đầu Của Dịch Giả
- Lược Sử Về Đức Liên Hoa Sanh
- Giáo Huấn Dẫn Nhập
- Những Giáo Lý Đi Lên Với Hạnh
- Quy Y
- Bồ Đề Tâm
- Phát Bồ Đề Tâm Thực Tế
- Mười Nền Tảng Của Kim Cương Thừa Và Những Lời Dạy Chọn Lọc Khác.
- Thực Hành Pháp Với Sự Chân Thành
- Kim Cương Sư Và Bổn Tôn Yidam
- Tu Tâm Theo Kim Cương Thừa
- Tràng Hoa Pha Lê Của Sự Thực Hành Không Lỗi
- Cốt Tủy Tinh Hoa Của Những Giáo Huấn Khẩu Truyền
- Thuật Ngữ
KIM CƯƠNG SƯ VÀ BỔN TÔN YIDAM
Những lời
chỉ dạy cho công chúa Tsogyal
Những giáo huấn
khẩu truyền về Kim Cương Thừa .
Những câu
hỏi và đáp về những tính cách của một vị Thầy
Và làm sao
thiền định về một Bổn Tôn Yidam.
NAMO GURU
Trước hết, Padmakara, Đại Đạo Sư từ Uddiyana, được sanh ra từ một hoa sen. Tiếp theo Ngài thành tựu mức độ Vidyadhara đời sống[30] . Cuối cùng Ngài đạt sự chứng đắc tối thượng của Đại ấn (mức độ thứ ba của bốn mức độ Vidyadhara). Ngài có thể thấy biết nhiều chu Như Lai như số sao trên trời và thiện xảo trong những phương tiện bi mẫn.
Vì lòng bi đối với Tây Tạng, một xứ sở không có Phật Pháp, bị bao phủ trong tối tăm như một màn sương dày đặc, Ngài đã đi đến đó. Ngài đã xây dựng chùa Samye Vinh Quang ở Núi Đỏ để đáp ứng nguyện vọng của vua Trisen Deutsen, một vị Bồ Tát ở vào địa thứ tám.
Ngài thực hành Sadhana trong hang Dregu ở Chimpu và trụ trong thiền định. Trong thời gian này, Vua Trisen Deutsen thường hay lui tới hầu hạ Ngài và là thị giả của Ngài. Vairocana người xứ Pagor dịch thuật tất cả giáo Pháp từ tiếng Uddiyana sang tiếng Tây Tạng.
Những người Tây Tạng học rộng và đức hạnh thỉnh cầu những lời chỉ dạy của Đạo sư. Đặc biệt công chúa Tsogyal xứ Kharchen đã kiên trì thỉnh cầu về những giáo huấn khẩu truyền liên quan đến thực hành và làm thế nào để xóa sạch những nghi ngờ của bà về Pháp.
Công chúa Tsogyal hỏi Đạo sư: Thưa Đạo sư, Đạo sư và vị Thầy là quan trọng nhất khi đi vào những giáo lý Mật Thừa. Vị Đạo sư mà người ta theo phải có những tính cách gì?
Đạo sư trả lời: Đạo sư và vị Thầy là quan trọng duy nhất. Những tính cách của một Đạo sư là: Ngài đã tu hành tâm thức mình, Ngài phải có nhiều giáo lý khẩu truyền, Ngài phải học rộng và có kinh nghiệm trong thực hành và trong thiền định. Ngài phải có tâm an định và thiện xảo trong những phương tiện làm thay đổi tâm thức của những người khác. Ngài phải có trí tuệ lớn và chăm sóc những người khác với lòng đại bi. Ngài phải có lòng tin và sự sùng mộ vĩ đại đối với Pháp. Nếu con theo một Đạo sư như vậy, đó cũng giống như tìm thấy một viên ngọc như ý: tất cả những nhu cầu và mong ước của con sẽ được đáp ứng.
Công chúa Tsogyal hỏi Đạo sư: Không nhận sự truyền Pháp từ một Đạo sư, người ta có đạt được thành tựu hay không?
Đạo sư trả lời: Nếu nỗ lực nghiên cứu đến đâu mà không tham học với một vị Thầy và không nhận được những truyền Pháp, con sẽ không có kết quả và những nỗ lực của con sẽ bị phung phí.
Truyền Pháp là cửa vào của Mật thừa. Đi vào Mật thừa mà không có những truyền Pháp thì vô nghĩa, vì nó sẽ không dẫn đến kết quả và dòng tâm thức của con sẽ bị hư tổn.
Công chúa Tsogyal hỏi Đạo sư: Nếu bản thân một vị Thầy chưa nhận được những truyền Pháp và vị ấy lại ban chúng cho những người khác thì họ có nhận được những truyền Pháp hay không?
Đạo sư trả lời: Dù con có được một kẻ bịp bợm phong chức vào hàng bộ trưởng và như thế có được quyền hành, con sẽ chỉ gặp bất hạnh. Cũng thế, dù con có thể có được một truyền Pháp từ một vị Thầy tự bản thân đã chưa từng nhận nó, thì tâm thức con sẽ bị hư hại. Hơn nữa con sẽ hủy hoại tâm thức của những người khác và rớt vào các cõi thấp như một đàn gia súc đóng ách lại với nhau cùng rơi xuống một vực thẳm. Bị khiêng đi trong một hòm sắt không lối thoát, con sẽ bị đưa xuống đáy địa ngục.
Công chúa Tsogyal hỏi Đạo sư: Có phải sự cúng dường một phẩm vật khi nhận được sự truyền Pháp chỉ là một cái gì do Thầy tự sáng chế ra?
Đạo sư trả lời: Tất cả mọi giáo lý và mọi tantra giải thích rằng vào lúc này khi con may mắn sở hữu một thân người sau vô số lang thang lạc lỏng trên những nẻo đường sanh tử, con nên thoát khỏi ba lãnh vực của ý niệm đối tượng, chủ thể và hành động, hãy cúng dường thân thể, đời sống và chồng vợ của con cho Đạo sư, vị khai thị con đường giác ngộ vô thượng.
Công chúa Tsogyal hỏi Đạo sư: Tà hạnh phá vỡ mệnh lệnh khuyên bảo của Đạo sư nghiêm trọng như thế nào?
Đạo sư trả lời: Ác hạnh của ba cõi sanh tử cũng không sánh bằng một phần của sự xấu ác khi phá vỡ mệnh lệnh khuyên bảo của Đạo sư của con. Vì điều ấy con sẽ tái sanh trong địa ngục Kim Cương Vô Gián và không tìm thấy giải thoát.
Công chúa Tsogyal hỏi Đạo sư: Chúng con phải xem Đạo sư sở đắc những giáo huấn khẩu truyền mà từ Ngài chúng con cầu xin những lời chỉ dạy như thế nào?
Đạo sư trả lời bằng bài kệ:
Con phải biết
rằng Đạo sư là quan trọng hơn
Chư Phật của một
trăm ngàn kiếp
Bởi vì tất
cả chư Phật của các kiếp
Có xuất hiện ở đời
là nhờ theo những Đạo sư
Sẽ không bao giờ
có vị Phật nào
Không theo học một
Đạo sư.
Đạo sư là Phật,
Đạo sư là Pháp
Như vậy Đạo sư
cũng là Tăng
Ngài là hiện thân
của tất cả chư Phật
Ngài là bản tánh
của Kim Cương Trì (Vajradhara)
Ngài là gốc của
Tam Bảo.
Hãy giữ gìn lời
dạy bảo của Kim Cương Sư
Không phá hư dù
một phần nhỏ lời Ngài
Nếu phá vỡ sự dạy
bảo của vị Thầy Kim Cương của con,
Con sẽ rơi vào địa
ngục Kim Cương Vô Gián
Nơi đó sẽ không
còn dịp may cho giải thoát.
Phụng sự Đạo sư
con sẽ nhận được những ban phước.
Công chúa Tsogyal hỏi Đạo sư: Đạo sư hay Bổn Tôn Yidam, vị nào quan trọng hơn ?
Đạo sư trả lời: Chớ xem Đạo sư và Yidam là khác nhau bởi vì chính Đạo sư là người đã đưa Bổn Tôn Yidam đến với con. Bằng cách luôn luôn tôn thờ Đạo sư trên đỉnh đầu của con, con sẽ được ban phước gia bị và những chướng ngại của con sẽ được xua tan. Nếu con nhìn Đạo sư và Yidam là khác nhau trong phẩm tính hay tầm mức quan trọng, thì con đang bám giữ những tà kiến.
Công chúa Tsogyal hỏi Đạo sư: Tại sao thực hành Bổn Tôn Yidam là quan trọng?
Đạo sư trả lời: Thiết yếu cần thực hành một Bổn Tôn Yidam vì qua đó con sẽ đạt đến Ngài thành tựu (siddhi), những chướng ngại của con được dẹp bỏ, con sẽ đạt được những thần lực, nhận những ban phước và làm phát sanh chứng ngộ. Bởi vì mọi phẩm tính này đến từ sự thực hành Bổn Tôn Yidam, nếu không có Bổn Tôn Yidam con sẽ chỉ là một người bình thường. Thực hành Bổn Tôn Yidam con đạt được những thành tựu, thế nên thực hành Bổn Tôn Yidam là thiết yếu.
Công chúa Tsogyal hỏi Đạo sư: Khi thực hành một Bổn Tôn Yidam, chúng con nên thiền định và thực hành như thế nào để thành tựu?
Đạo sư trả lời: Bởi vì phương tiện và trí tuệ là thực hành thân, ngữ, tâm hiện diện tự nhiên qua phương pháp yoga sadhana, chúng sẽ thành tựu bất kỳ con tiến hành những mặt nào của sadhana với thân, ngữ, tâm. Chúng sẽ thành tựu khi sadhana và trì tụng được thực hành tới mức đầy đủ.
Công chúa Tsogyal hỏi Đạo sư: Chúng con nên tiếp cận Bổn Tôn Yidam như thế nào?
Đạo sư trả lời: Hãy thấu hiểu rằng con và Yidam là không hai và không có Yidam nào ở ngoài chính con. Con tiếp cận Bổn Tôn Yidam khi con thấu hiểu rằng bản tánh của con chính là Pháp thân vô sanh.
Công chúa Tsogyal hỏi Đạo sư: Một Bổn Tôn hiền minh hay một Bổn Tôn phẫn nộ, Bổn Tôn Yidam nào tốt hơn để thực hành?
Đạo sư trả lời: Bởi vì Phật và trí tuệ là thực hành thân, ngữ, tâm hiện diện tự nhiên qua phương pháp yoga sadhana, nên tất cả vô số chư Thiện Thệ, hiền minh hay phẫn nộ, những nhân vật chính hay tùy tùng, quyến thuộc, biểu lộ phù hợp với những chúng sanh cần được thuần hoá theo cách thức nào cần thiết-hiền minh hay phẫn nộ, nhân vật chính hay tùy tùng quyến thuộc. Nhưng vì các Ngài là đều một vị trong trạng thái Pháp thân, nên mỗi người có thể thực hành bất cứ Yidam nào mình (y) có khuynh hướng.
Công chúa Tsogyal hỏi Đạo sư: Nếu chúng con thực hành một Bổn Tôn Yidam thì có giống như thực hành tất cả các bậc Thiện Thệ hay không?
Đạo sư trả lời: Thân, ngữ, tâm của tất cả các Bổn Tôn đều biểu lộ bởi ba thân phù hợp với tri giác của những chúng sanh cần được thuần hoá. Thật ra, bất kể các vị xuất hiện như thế nào, nếu con thực hành một vị tức là con đang thực hành tất cả các vị. Nếu con thành tựu một vị sẽ thành tựu tất cả các vị.
Công chúa Tsogyal hỏi Đạo sư: Có lỗi lầm nào khi thực hành một Bổn Tôn Yidam rồi lại thực hành một vị khác?
Đạo sư trả lời: Dù các vị Thiện Thệ biểu lộ thành các loại bộ tộc và hình thức khác nhau, từ những phương tiện thiện xảo dễ hoá độ chúng sanh, thì trong thực tế các vị là không thể phân chia, nhất như bình đẳng. Nếu con thực hành tất cả các vị Phật với sự thấu hiểu bản tánh bất khả phân của các Ngài, công đức của con sẽ tột bậc. Nhưng nếu con thực hành khi vẫn xem các Bổn Tôn Yidam là có những phẩm tính khác nhau mà con nên chấp nhận hay khước từ, con sẽ bị che ám vô cùng. Không nên xem các Bổn Tôn là tốt hay xấu, chấp nhận hay khước từ các Ngài. Nếu không xem các Ngài như vậy, thì sẽ rất tốt khi con thực hành dù là bao nhiêu vị.
Công chúa Tsogyal hỏi Đạo sư: Qua việc thực hiện sự tiếp cận[31] với một bậc Như Lai, chúng con sẽ thành tựu tâm của tất cả chư Như Lai?
Đạo sư trả lời: Bằng cách thực hành với một cái thấy bao la và ở trong bản tánh bổn nhiên, con sẽ đạt được sự vững chắc, an trụ trong một Bổn Tôn Yidam. Khi con hoàn thành việc trì tụng, con sẽ thành tựu những hoạt động của tất cả các bậc chiến thắng không trừ một vị nào bằng cách chỉ bắt đầu khởi sự các hoạt động ấy.
Công chúa Tsogyal hỏi Đạo sư: Nếu cái thấy (tri kiến) của người ta thì cao, có thể không cần đến Bổn Tôn Yidam chăng?
Đạo sư trả lời: Nếu con đạt được xác tín vào cái thấy đúng, bấy giờ chính cái thấy đúng ấy là Bổn Tôn Yidam. Chớ nhìn Bổn Tôn Yidam như một thân thể sắc tướng. Một khi con chứng ngộ bản tánh của Pháp thân, con sẽ thành tựu Bổn Tôn Yidam.
Công chúa Tsogyal hỏi Đạo sư: Thân thể con nên xuất hiện như mạn đà la của Bổn Tôn như thế nào và con nên tu hành hai bộ tộc như thế nào?
Đạo sư trả lời: Quán tưởng thân con là đại ấn[32] của sắc tướng Bổn Tôn, tức là quán tưởng bản tánh của tâm con trong sắc tướng của Bổn Tôn.
Bởi vì bản tánh của tâm con biểu lộ trong nhiều cách khác nhau, như những nhân vật chính và những tùy tùng quyến thuộc, nhưng dù họ có xuất hiện ra sao, họ cũng đều là sự phô diễn như huyễn hoá của tâm giác ngộ của Phật tánh.
Công chúa Tsogyal hỏi Đạo sư: Những Bổn Tôn phẫn nộ dẫm đạp lên các vị cao cả như Brahma (Trời Phạm Thiên), Indra (Trời Đế Thích) và các hộ pháp bốn góc thế giới dưới chân mình. Thiền định như vậy có phạm tội không?
Đạo sư trả lời: Việc ấy được bày tỏ như một tượng trưng hay biểu thị để diệt trừ chấp ta và người, để dẫm đạp những tư tưởng vào trong Pháp giới, và để sáng chói hơn sự kiêu ngạo của những chúng sanh tự phụ. Xem các thần đó như toà ngồi cụ thể là vô minh và lầm lẫn.
Công chúa Tsogyal hỏi Đạo sư: Thiền định về những Bổn Tôn có ba đầu và sáu tay hay chỉ một đầu và hai tay thì có sự khác biệt nào về mức độ công đức?
Đạo sư trả lời: Khi các Bổn Tôn phẫn nộ có nhiều đầu và tay, ba đầu của các Ngài tượng trưng cho ba thân, sáu tay tượng trưng sáu ba la mật, bốn chân tượng trưng bốn tâm vô lượng và những thuộc tính của các Ngài tượng trưng sự hủy diệt các sự xấu ác cũng như tượng trưng cho những phiền não khác. Trong thực tế những sắc tướng này không có bản chất nào cả, chúng đều vô tự tánh.
Khi những Bổn Tôn con một đầu và hai tay. Cái đầu độc nhất tương trưng Pháp thân bất biến và hai tay tượng trưng sự hoàn thành lợi lạc của chúng sanh qua phương tiện và trí tuệ. Hai chân các Ngài tượng trưng hư không và trí huệ, vừa biểu lộ vừa thường trụ, cho lợi ích của hữu tình. Dù con quán tưởng những Bổn Tôn như thế nào, pháp thân thì siêu việt khỏi mọi khác biệt về phẩm tánh và số lượng.
Công chúa Tsogyal hỏi Đạo sư: Chúng con cần phải làm gì để có một thị kiến về Bổn Tôn Yidam?
Đạo sư trả lời: Chớ nhìn Bổn Tôn Yidam như một thân thể sắc tướng, đó là Pháp thân. Sự thiền định về thân thể sắc tướng này như biểu lộ từ Pháp thân và xuất hiện với những màu sắc, thuộc tính, trang sức, trang phục, các tướng chánh và phụ cần được thực hành như có thấy được nhưng vô tự tánh. Nó cũng giống như bóng trăng trong nước. Khi con đạt đến sự định tĩnh của tâm thức bằng cách thực hành như thế, con sẽ có một thị kiến về Bổn Tôn, nhận những lời dạy,v.v.. Nếu con bám chấp vào đó con sẽ đi lạc và bị Ma bắt giữ. Chớ trở nên mê mẩn hay vui mừng quá độ bởi các thị kiến như vậy bởi vì chúng chỉ là những biểu hiện của tâm thức con.
Công chúa Tsogyal hỏi Đạo sư: Nếu chúng con có một thị kiến về một Bổn Tôn Yidam, có phải điều đó cũng như có một thị kiến về tất cả các đấng Thiện Thệ?
Đạo sư trả lời: Nếu con có một thị kiến về một Bổn Tôn Yidam, đấy cũng như có một thị kiến về tất cả Bổn Tôn bởi vì Pháp thân vượt khỏi số lượng.
Con sẽ một thị kiến về bất kỳ Bổn Tôn nào con đang thực hành bởi vì tâm thức con đang trở nên dễ dàng uốn nắn. Bởi vì Bổn Tôn là một biểu lộ của tâm thức chúng ta, nó không hiện hữu ở một nơi nào khác ngoài chính chúng ta.
Công chúa Tsogyal hỏi Đạo sư: Khi nói rằng người ta đạt đến mức độ của một vị Vidyadhara, điều ấy nghĩa là sao?
Đạo sư trả lời: Qua việc thiền định về thân thể con như là một sắc tướng thân thể thiêng liêng (đại ấn) bằng trí của tánh giác, con sẽ đạt đến Bổn Tôn của bản tánh tâm đã được chứng ngộ. Bổn Tôn này có đầy đủ những tướng chánh và tướng phụ và những tri giác siêu nhiên. Đó là một sắc tướng đại ấn của bộ nào mà con đã thực hành. Cái ấy gọi là Vidyadhara.
Công chúa Tsogyal hỏi Đạo sư: Các Vidyadhara trụ ở đâu?
Đạo sư trả lời: Vidyadhara (Trì Minh Vương) chính là tự tâm của con đang trụ trong hình thức một vị Bổn Tôn, và nó trụ theo cách không trụ vào ai cả. Có nói rằng một khi con đạt đến một mức độ Vidyadhara , con sẽ vượt khỏi mọi sự rơi trở lại.
Công chúa Tsogyal hỏi Đạo sư: Chúng con nên tôn thờ vị Bổn Tôn Yidam như thế nào?
Đạo sư trả lời: Con phải tôn thờ vị Bổn Tôn Yidam bằng cách không rời bỏ Bổn Tôn Yidam dù với cái giá của cuộc đời con, bằng cách không giữ một nghi ngờ nào về Bổn Tôn Yidam, bằng cách không tách lìa với Yidam dù một khoảnh khắc chứng nào con chưa đạt được tâm vô thượng của giác ngộ. Bằng cách quán tưởng Bổn Tôn khi con đi, đứng, nằm, ngồi, con sẽ tự động nhận được những thành tựu và ban phước.
Công chúa Tsogyal hỏi Đạo sư: có cần thiết thực hành Bổn Tôn Yidam một cách liên tục không? Một khi đã thực hành một phương pháp, có còn cần thiết để thực hành nữa không?
Đạo sư trả lời: Khi trước tiên thực hành một Bổn Tôn Yidam và sau đó là một bản văn sadhana, cho dù con có một thị kiến về Bổn Tôn và nhận được những chỉ dạy, nếu con gián đoạn sự thực hành thì đó là một trọng tội. Bởi thế cần yếu là thực hành liên tục.
Công chúa Tsogyal hỏi Đạo sư: Chúng con cần liên tục thực hành sự tiếp cận và thành tựu Bổn Tôn Yidam như thế nào?
Đạo sư trả lời: Khi thực hành một Bổn Tôn Yidam, con cần thực hành giai đoạn phát triển trong mỗi thời. Hãy thực hiện sự trì tụng trong mỗi thời, dâng cúng torma , tán thán và cầu khẩn sự đáp ứng những ước muốn của con. Hãy đóng dấu ấn lên sự thực hành với tánh Không và trong tánh Không, bằng giai đoạn thành tựu.
Tốt nhất hãy làm tám thời mỗi ngày, tốt hạng nhì là làm bốn thời. Ít nhất hãy làm một thời mỗi ngày. Ít hơn nữa thì không thể được. Qua đó, những thệ nguyện của con được thực hiện và con sẽ nhận được những thành tựu.
Khi con đạt được sự vững chắc trong giai đoạn phát triển và thành tựu mà không lìa bỏ thân xác, con sẽ chín muồi trưởng thành thành một Bổn Tôn. Đó gọi là mức độ trưởng thành của Vidyadhara. Dù cho thân thể con vẫn là một người bình thường, tâm con đã chín thành một Bổn Tôn. Điều như cũng như một bức tượng được tạo hình trong cái khuôn.
Khi bỏ thân đi vào trạng thái trung ấm, con trở thành Bổn Tôn đặc biệt đó giống như bức tượng được lấy ra khỏi khuôn. Đó gọi là mức độ đại ấn của Vidyadhara. Thân thể của hành giả được gọi là một hộp chứa, và phút giây thân thể được bỏ lại, hành giả trở thành hình thể của Bổn Tôn Yidam.
Công chúa Tsogyal hỏi Đạo sư: Tại sao một số Bổn Tôn được biểu hiện có đầu thú vật trên thân thể? Thế có phải thiền định về Bổn Tôn như có một hiện hữu bản chất?
Đạo sư trả lời: Những Bổn Tôn biểu lộ với đầu thú vật tượng trưng phẩm tính đặc biệt mà con thú đó có. Đấy không phải là những Bổn Tôn hiện hữu một cách bản chất và thực sự với đầu thú vật được thành tựu từ nơi nào khác, các vị Bổn Tôn này là những biểu lộ của tự tâm con.
Hóa xuất từ những Bổn Tôn kết hợp là những con cái pha trộn giống (tramenma) với những đầu thú vật, như những Bổn Tôn Ăn Thịt và Giết Chết của Kilaya hay tám nữ thần pha trộn (tramenma) của Yangdag. Cũng như một hỗn hợp của vàng và bạc được gọi là một pha trộn (tramen), những Bổn Tôn này được hoá xuất có thân của một Bổn Tôn với cái đầu của một con thú. Các vị được hoá xuất giữa đại bi của Bổn Tôn nam và trí tuệ của Bổn Tôn nữ, hay từ Bổn Tôn nam là bản tánh của phương tiện và từ Bổn Tôn nữ là bản tánh của trí tuệ. Tượng trưng hoạt động đặc biệt mà các vị thực hành, các vị được biểu lộ với cái đầu có phẩm tính đặc biệt ấy.
Công chúa Tsogyal hỏi Đạo sư: Có mâu thuẫn không khi đặt những Bổn Tôn siêu thế gian và thế gian cùng với nhau, như khi vị Bổn Tôn chính là siêu thế gian được một đoàn tùy tùng gồm những Bổn Tôn thế gian bao quanh?
Đạo sư trả lời: Nhân vật chính siêu thế gian là một Bổn Tôn trí tuệ. Giống như một đức vua quyền lực, Ngài đặt những người kiêu căng dưới sự sai bảo của mình. Tùy tùng quyến thuộc gồm những Bổn Tôn thế gian được quán tưởng ra là những Bổn Tôn thực hiện những mệnh lệnh của Ngài, thả các kẻ địch, ngăn chặn các lực lượng, v.v.. Siêu thế gian và thế gian giống như một nhà vua và triều thần của mình, thế nên không có gì mâu thuẫn.
Công chúa Tsogyal hỏi Đạo sư: Thiền định và trì chú cái nào quan trọng hơn trong sự thực hành hằng ngày?
Đạo sư trả lời: Đối với sự hoàn thành thành tựu tối thượng của Đại ấn, khi tâm thức con mềm dẻo dễ sử dụng, sự tập trung của con sẽ mềm dẻo dễ sử dụng, và bấy giờ thực sự con sẽ gặp hình thể của Bổn Tôn. Bằng cách nhận biết rằng Bổn Tôn là tâm thức của chính con, ba thân sẽ biểu lộ trong con.
Đối với sự hoàn thành những thành tựu thông thường, những hoạt động vô số như làm bình an, tăng ích, kính yêu, hàng phục, v.v thì những thần chú là quan trọng nhất. Do đó hãy hoàn thành đủ số biến trì tụng. Cho đến khi con chấm dứt việc ẩn cư nhập thất, điều thiết yếu là không làm gián đoạn sự thực hành của con bằng sự chuyện trò thường tục. Dù con có thành tựu cái gì đi chăng nữa, con phải kiên trì trong trì chú, hãy rất kiên trì.
Công chúa Tsogyal hỏi Đạo sư: Nếu người ta thành tựu Bổn Tôn Yidam tự nhiên hiện diện, thì có sự thành tựu nào nữa không?
Đạo sư trả lời: Bổn Tôn Yidam biểu lộ như hoạt động vô ngại của những phương tiện đại bi của tất cả các bậc Thiện Thệ. Bởi thế trong tri giác của những chúng sanh cần được hoá độ, các Ngài xuất hiện như hoà bình hay phẫn nộ, như những mạn đà la và các cõi Phật, nam và nữ, nhân vật chính với tùy tùng quyến thuộc hay nhân vật đơn độc. Cung điện của Bổn Tôn, nhân vật chính, tùy tùng quyến thuộc,v.v ở trong cõi Akanishtha (của Phật Pháp thân Vajradhara) bởi thế khác với những cõi của chư thiên. Những sắc thân biểu lộ từ trạng thái Pháp thân vô sanh cho lợi lạc của chúng sanh và được thấy biết theo khuynh hướng tập khí riêng biệt của họ.
Công chúa Tsogyal hỏi Đạo sư: Về việc làm những lễ cúng torma cho Bổn Tôn, nếu Bổn Tôn chấp nhận đồ cúng và vui lòng vì những sự tán thán, thì cũng giống như thần, trời thế gian hiện hữu với chất thể. Nếu không thế, thì thực hiện những việc ấy có lợi ích gì đâu?
Đạo sư trả lời: Bổn Tôn trí tuệ không thích thú vì những tán thán hay vui lòng vì những đồ dâng cúng. Để tịnh hoá tâm thức của con, con quán tưởng và thỉnh mời Bổn Tôn, tán thán, cúng dường v.v... Làm như vậy, sự sùng mộ của con sẽ tịnh hoá tâm thức con. Nhờ phương tiện đại bi không ngừng của các bậc Thiện Thệ, con sẽ nhận được những ban phước gia bị và những thành tựu. Điều ấy giống như thí dụ sau: khi làm lễ cúng cho một viên ngọc như ý, nó sẽ đáp ứng những nhu cầu và mong muốn của chúng sanh dù cho nó không có ý định làm lợi lạc cho họ.
Tsogyal, những hành giả Tây Tạng bỏ qua một bên Bổn Tôn đang hiện diện trong chính họ mà đi tìm Phật trong cõi Akanishtha. Không có một hạt bụi tập trung thiền định nào, hoạt động của họ lạc vào những cầu đảo bùa chú. Không biết làm sao tịnh hoá tự nhiên ba độc của họ, họ cúng torma thịt và máu. Không thực hành cho sự đạt đến thành tựu tối thượng, họ ham mê những năng lực huyền thuật, con cháu và giàu có. Ứng dụng sai Mật Thừa, họ làm tiết lộ những bí mật của nó. Đổi chác, mua bán những giáo huấn khẩu truyền như những món hàng, họ bận rộn lo toan với những thần chú cầu đảo huyền thuật và ma thuật. Nhiều người trong họ sẽ tái sanh thành những người tà kiến, ma vương, dạ xoa, la sát. Thế nên hãy hoàn thiện năng lực của cái thấy (tri kiến), thực hành với định tâm, dấn thân vào bốn hoạt động (tức tai, tăng ích, kính ái, hàng phục) như là hạnh của con, và đạt đến quả, thành tựu tối thượng của đại ấn.
Đến đây chấm dứt những giáo huấn khẩu truyền về Mật chú do Đạo sư Padmakara dạy cho công chúa Tsogyal xứ Kharchen, trong hình thức những câu hỏi đáp.
Dấu ấn kho
tàng.
Dấu ấn chôn giấu.
Dấu ấn giao phó.