NỘI DUNG
Lời
mở đầu của Dalai Lama
Lời
nói đầu của những dịch giả
Lời
cám ơn của những dịch giả
Dẫn
nhập
Động Cơ Chân
Chánh để Nhận Lãnh và
Nghiên Cứu những
Lời Dạy
Làm thế nào để
Nghiên Cứu những Lời Dạy này
Những Lời Dạy
này chứa đựng điều gì
Những
bài kệ mở đầu
Kính lễ
Động
lực của Tác Giả trong việc Biên Soạn Bản Văn Này
PHẦN MỘT
Những khuyết
điểm của thời đại suy thoái của chúng ta
PHẦN
HAI
Cái thấy,
thiền định và hành động của đại thừa
Ba
con đường
Con
đường của những kinh điển
Quy
y
Tư
tưởng Giác Ngộ
Tịnh
hóa
Cúng
dường
Guru
Yoga
Con
đường của những tantra
Quán
đảnh
Tri
giác thanh tịnh
Giai
đoạn phát triển
Thân
Kim Cương
Ngữ
Kim Cương
Tâm
Kim Cương
Sau
thiền định
Giai
đoạn thành tựu
Bản
tánh của Tâm thức
Bốn
yoga: Nhất niệm, Đơn giản, Một vị, Không-thiền-định
Sự
chuyển hóa những Giác quan, Thức tình phiền não và các Uẩn
Sáu
đối tượng của giác quan
Sắc, Thanh,
Hương, Vị, Xúc, Tâm thức
Năm
thức tình phiền não
Sân hận, Kiêu
mạn, Tham lam, Ghen ghét, Vô minh
Năm
uẩn:Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức
Bốn
điểm chính yếu về Thân, Ngữ, Tâm và Pháp Thân
Kết
luận Bài Giảng Thứ Hai
PHẦN BA.
quyết tâm giải thoát khỏi sanh tử
Buông
bỏ những hoạt động sanh tử
Những hành
động
Nói năng
Đi đây đó
Ăn
Suy nghĩ
Những sở
hữu
Ngủ
Nhu
Cầu Khẩn Thiết phải Thực Hành
Làm chủ tâm
thức
Những
bài kệ kết thúc
Hồi Hướng Công
Đức
Lời
Kết
Chú
thích
Về
Patrul Rinpoche
Về
đức Dilgo Khyentse Rinpoch
LỜI MỞ ĐẦU
Tôi sung sướng biết rằng bản dịch này về một giải thích ứng khẩu sâu xa do Kyabje Khyentse Dorje Chang về tác phẩm Thog mtha bar gsum du dge ba’i tam của Za Patrul Rinpoche đã được ấn hành dưới tiêu đề : Kho Tàng Tâm của các Bậc Giác Ngộ. Kyabje Khyentse Dorje Chang là vị trưởng phái của dòng phái Cổ Truyền.
Za Patrul Rinpoche, Jigme Chokyi Wangpo, là một Đại Bồ tát đã đến Xứ Tuyết nhiều lần gần đây. Vị đại hành giả cao cả và học rộng ấy đã ban cho lời dạy này, được biết với tên Giáo Huấn về Cái Gì là Tốt trong lúc Bắt Đầu, lúc Giữa và lúc Kết Thúc – Viên Ngọc Tâm của sự Thực Hành Thiêng Liêng về Cái Thấy, Thiền Định và Đức Hạnh, cho lợi lạc của những ai mong ước sự giải thoát. Nó bao gồm tất cả những giáo huấn chính yếu, và bởi vì ý nghĩa sâu xa mà nó chứa đựng và ngôn ngữ đẹp đẽ trong đó nó được tỏ bày, nó thực sự giống như một phương thuốc trường sanh làm sống lại người chết.
Tôi hy vọng và cầu nguyện rằng qua sự xuất bản lời dạy này và phần giải thích của nó, người của cả Đông phương và Tây phương sẽ có thể tìm thấy sự an bình của tâm thức trong hạnh phúc không gì hơn của tình thương và bi mẫn.
DALAI LAMA
8
tháng 2, 1991
LỜI NÓI ĐẦU CỦA NHỮNG DỊCH GIẢ
Trong cuốn sách này, hai đại sư của thế kỷ mười chín và thế kỷ hai mươi trình bày toàn bộ con đường Phật giáo, bắt đầu từ động lực căn bản nhất và kết thúc trong kinh nghiệm trực tiếp về thực tại tuyệt đối vượt khỏi sự nắm bắt của tâm thức ý niệm.
Bản văn gốc là một bài thơ dài viết vào cuối thế kỷ mười chín bởi Patrul Rinpoche, một trong những vị thầy Phật giáo lỗi lạc nhất vào thời ngài. Patrul Rinpoche đã không nhân nhượng trong sự giải thích của ngài về những giáo lý và đã sống đúng như ngài dạy, lang thang khắp miền đông Tây Tạng, tìm chỗ ở trong những hang núi hay dưới cây rừng, thoát khỏi mọi giàu có, địa vị và sự tự xem là quan trọng. Ngài là một người thô lỗ không chịu nổi thói bịp bợm và đạo đức giả, những người mới gặp ngài lần đầu đôi khi bực bội ; nhưng không ai biết khá nhiều về ngài lại không bị xúc động bởi trí huệ của ngài, sự học rộng, tính khôi hài và lòng tốt sâu xa của ngài.
Ngài viết bài thơ này cho một trong những đệ tử thân thiết khi đang sống trong một hang hẻo lánh gần biên giới Hoa-Tạng. Trong đó, trước tiên ngài trình bày một diễn tả tàn phá và không thương xót về sự lừa bịp và giả dối rất thịnh hành trong đời sống bình thường hàng ngày. Ngài kết luận rằng giải pháp duy nhất là từ chối tham dự vào bãi lầy của sự không chân thật này, và tiếp tục cho một giải thích súc tích về những thực hành chính yếu của con đường Phật giáo, bắt đầu với sự nhận ra cái gì là sai lầm trong thế giới bình thường của vọng tưởng và vô minh. Ngài diễn tả những thực hành sơ khởi, những giai đoạn phát triển và thành tựu, và sự thiền định không ý niệm hóa của Mahamudra và Đại Toàn Thiện. Cuối cùng, ngài trở lại với chủ đề ban đầu, thúc dục chúng ta khảo sát một cách phê phán những mối bận tâm vật chất của chính chúng ta và suy nghĩ cẩn thận chúng ta muốn tiêu dùng phần đời còn lại của chúng ta như thế nào.
Ngôn ngữ của bản văn là oai vệ. Lấp lánh thông tuệ, sự lập lại, và thiên tài đích thực về thi ca, nó không hề mất sự súc tích và sáng sủa bộc trực. Chúng tôi đã làm hết sức để truyền đạt thành Anh ngữ vài chỗ mơ hồ về văn phong của nguyên bản, nhưng không có sự chuyển dịch nào có thể làm điều đó hoàn toàn thích đáng (Với những người có căn bản tiếng Tây Tạng, chúng tôi in bản văn gốc bằng tiếng Tây Tạng trong phần phụ lục).
Tuy nhiên, có cái gì hơn cả sự điêu luyện thi ca đàng sau những vần thơ sáng chói của Patrul Rinpoche. Điểm chủ yếu của bản văn là cung cấp một hệ thống súc tích và trên tất cả là dễ nhớ, đầy ắp sự chỉ dạy cá nhân, được dùng để truyền đạt phần bao la của kinh nghiệm, hiểu biết và trí huệ tích chứa được, để trao truyền toàn bộ từ thầy xuống trò trải qua nhiều thế hệ bằng sự chỉ dạy bằng lời, sự thực hành được giám sát, và sự tiếp xúc cá nhân. Chính vì để đáp ứng yêu cầu này mà Patrul Rinpoche đã viết tám mươi hai đoạn kệ súc tích và rất đáng nhớ này tổng kết những giáo lý, rồi ngài truyền cho những đệ tử với một sự giải thích chi tiết bằng lời.
Khi nhiều đoạn kệ này đã trở nên nổi tiếng như những trích dẫn trong các tác phẩm của những tác giả sau đó, nó như là một toàn bộ và một phần của truyền thống truyền miệng mà chúng giữ lại đầy đủ giá trị. May mắn thay, những đệ tử của Patrul Rinpoche đã thực hành, chứng ngộ, và truyền lại truyền thống một cách cẩn thận như những vị tiền bối của họ. Ngày nay, sau hai thế hệ, Dilgo Khyentse Rinpopche đã có thể truyền lại cho chúng ta di sản của kinh nghiệm và trí huệ này.
Bởi thế sự bình giải của
Khyentse Rinpoche không phải chỉ là một mở rộng mang tính giải thích những đoạn
kệ của bản văn gốc. Nó chứa đựng chính giáo lý nhận được bởi Patrul Rinpoche từ
những vị thầy của ngài, đi ngược lại đến Jigme Lingpa, đến Longchenpa, đến những
guru vĩ đại Padmasam-bhava và Vimalamitra.
Dù lời bình
giảng được trình bày ở đây trong hình thức một cuốn sách, không nên quên rằng
nó không phải là một bản văn mà Khyentse viết ra trong một khoảng thời gian và
rồi có suy nghĩ, sửa chữa, xem lại, chỉnh đốn, thêm vào và xóa bỏ. Ngài chỉ nói
nó ra, đúng như nó là, không có một chút ngừng nghỉ, hay ngắt đoạn của tư
tưởng. Bất kỳ ai có mặt trong một buổi giảng dạy của Khyentse Rinpoche sẽ quen
với phong cách đặc biệt này. Hiếm khi liếc nhìn vào bản gốc, Rinpoche nói không
cố gắng với một nhịp độ đều đặn, bằng phẳng và không có nhấn mạnh, như đang đọc
từ một cuốn sách vô hình trong trí nhớ của ngài. Mỗi câu, dầu dài và phức tạp,
đều đầy đủ và văn phạm hoàn hảo. Bằng cách nào đó, chủ đề luôn luôn được bao trùm
đều đặn từ đầu cho đến cuối, đúng trong thời gian được phân phối, nâng lên
chính xác với mức độ thấu hiểu của thính chúng. Hơn nữa, khả năng phi thường
này không bị bó hẹp trong những giáo lý của một truyền thống riêng biệt nào ;
tính cách chiết trung của Khyentse Rinpoche đến nỗi, dù ngài đi đâu, ngài cũng
có thể ngồi xuống trong một trung tâm tu viện thuộc bất kỳ truyền thống nào và
giảng dạy chính xác theo dòng phái riêng biệt đó.
Tháng Chín năm 1991, khi bản dịch này ở vào những giai đoạn sửa soạn cuối cùng, cuộc đời phi thường của Dilgo Khyentse đến chỗ kết thúc. Ngài thọ tám mươi mốt tuổi (Giờ đây, ngài đã tái sanh trở lại vào ngày 30 tháng 6 năm 1993, ngày sinh nhật của đức Liên Hoa Sanh và hiện ở tại Dharam-sala – chú thích thêm của bản dịch Việt ngữ). Từ tuổi nhỏ, toàn bộ cuộc đời của ngài đã được tiêu dùng trong nghiên cứu, thực hành và giảng dạy. Bất kỳ lúc nào, ngày hay đêm, ngài cũng ở trong một dòng không đứt đoạn và như nhau của lòng tốt, hài hước, trí huệ và nghiêm trang, mọi cố gắng của ngài đều hướng đến sự giữ gìn và diễn đạt tất cả những hình thức của giáo lý Phật giáo, về điều này, không nghi ngờ gì, ngài là một trong những vị xiển dương vĩ đại nhất của thời hiện đại.
Trong thời trẻ, Khyentse Rinpoche đã sống và đã thực hành nhiều giống như Patrul Rinpoche, trong những núi non và nơi hoang dã. Cuộc đời về sau của ngài được đóng vai để chống lại một số lớn những giả dối phù phiếm, nhưng ngài không bao giờ mất đi phong cách giản dị rốt ráo của mình. Cả hai bậc thầy lỗi lạc này rõ ràng chia xẻ với nhau đường lối không khoan nhượng trong đó các ngài sống và thở những giáo lý. Vượt khỏi mọi bối cảnh văn hóa riêng biệt, cả hai có khả năng truyền đạt cảm hứng cho mọi người để tự vấn nạn một cách sâu xa những chọn lựa của họ trong cuộc sống, và rồi kinh nghiệm thực hành phong phú và trí huệ bao la để hướng dẫn họ tìm thấy con đường thực hành chân chính những giáo lý của chính họ.
Những vấn đề mà chúng ta chạm mặt trong cuốn sách này cũng tươi mới và hiện đại như bao giờ. Chính Khyentse Rinpoche đã chọn bài dạy này để xuất bản như là một bản văn nó có thể gây cảm hứng cho bất kỳ ai để suy nghĩ về cuộc đời mình và nó đồng thời trao tặng một cái nhìn toàn bộ về quan điểm và thực hành của ba thừa vĩ đại của Phật pháp. Những câu kệ tươi mát và xuyên thấu của Patrul Rinpoche, cùng với những bình giải rõ ràng và thực tế của Khyentse Rinpoche, tạo thành một toàn thể súc tích toàn vẹn một cách lạ lùng.
Chính trong tinh thần kiên cường của hai vị thầy này mà giáo lý được luận giải như một cái gì để được sống trọn vẹn, một hơi thở không dứt không khí tươi mát và mới mẻ, một đường lối để chứng nghiệm sự vật như chúng thực là, mà chúng tôi vui mừng đem cho xuất bản với hy vọng rằng những độc giả sẽ tìm thấy trong đó sự liên quan và cảm hứng – và thực sự đặt nó trong lòng.
LỜI CÁM ƠN CỦA NHỮNG DỊCH GIẢ
Thuận theo mệnh lệnh tôn
quý của Đức Dalai Lama thứ mười bốn và của Thượng Tọa Doboom Rinpoche, đức
Dilgo Khyentse Rinpoche đã ban cho những lời dạy này ở Nhà Tây Tạng, Tân Delhi,
vào tháng Hai năm 1984. Về sau, trong dịp trì tụng một trăm triệu thần chú
manÏi vào tháng Tư năm 1986 ở Tu viện Shechen Tennyi Dangyeling xứ Nepal, và
lại nữa vào tháng Bảy năm 1986 trong sửa soạn cho cuộc ẩn tu ba năm lần thứ ba
ở Dordogne, Pháp, đức ngài ban thêm những lời chỉ dạy về cùng bản văn ấy, chúng
cũng được gồm trong cuốn sách này.
Những thành
viên của Nhóm Dịch Thuật Padmakara làm việc cho bản văn này gồm Košnchog Tenzin
và John Canti, những dịch giả ; và Micheal Friedman, Charles Hastings, Mari-lyn
Silverstone, Daniel Staffler và Phyllis Taylor, những người biên tập.
Chúng tôi rất biết ơn Thượng Tọa Doboom Rinpoche đã cho phép sử dụng nguyên bản của những lời dạy này, xuất hiện trong Tinh Túy của Phật giáo (Tân Delhi : Nhà Tây Tạng, 1986).
Chúng tôi cũng muốn mở rộng sự cám ơn chân thành nhất của chúng tôi đến Košnchog Lhadrepa, người lo về bìa, và đến những người đã tốt lòng đóng góp vào việc ghi chép và đánh máy bản văn này : Christine Fondecave, Suzan Foster đã quá cố, John Petit, Anne Munk và S. Lhamo.
DẪN NHẬP
Động Cơ Chân Chánh để
Nhận Lãnh
và Nghiên
Cứu những Lời Dạy
Tất cả vô số chúng sanh khắp pháp giới, mỗi một ai, dầu xuống đến con côn trùng bé nhất, đều chỉ muốn được hạnh phúc và không khổ đau. Nhưng không ai trong họ hiểu rằng trong cuộc tìm cầu hạnh phúc của họ, hạnh phúc chỉ đến từ hành động tốt ; và không ai trong họ có thể thấy rằng trong những cố gắng để trốn thoát khổ đau của mình, cái đem lại khổ đau cho họ là những hành động xấu. Bởi thế, một cách vô ý thức, họ xoay lưng lại với hạnh phúc và phóng mình vào khổ đau.
Mong mỏi hạnh phúc mà không từ bỏ hành động xấu thì cũng giống như đưa tay vào lửa mà hy vọng không bị cháy bỏng. Dĩ nhiên, không ai thực sự muốn khổ đau, bệnh tật, lạnh hay đói – nhưng chừng nào chúng ta còn buông thả trong ác hạnh chúng ta sẽ không bao giờ chấm dứt được khổ. Tương tự, chúng ta sẽ không bao giờ thành tựu hạnh phúc trừ phi qua những hành vi, lời nói và tư tưởng tốt. Hành động tốt là cái gì chúng ta cần tự trau dồi ; nó không thể mua hay lấy trộm, và không ai ngẫu nhiên may mắn gặp nó.
Bất cứ cái gì chúng ta làm đều là sự sử dụng của thân, ngữ và tâm thức. Trong ba cái này, nếu chỉ có thân và ngữ thì không thể phát động ra hoạt động nào ; chính ¬tâm thức quyết định mọi thứ chúng ta làm và nói. Tâm thức, nếu chúng ta thả lỏng nó, sẽ tiếp tục làm khởi sanh càng nhiều hành động xấu, và đấy là vì sao tất cả chúng ta cứ lang thang vô số đời kiếp trong sanh tử.(1)
Trong mỗi đời trong vô số đời sanh tử từ vô thủy này chúng ta phải có cha mẹ. Thật vậy, chúng sanh đã sanh từ thời này qua thời khác nhiều đến nỗi mỗi một chúng sanh(2) phải đã từng là mẹ hay cha của chúng ta. Khi chúng ta nghĩ đến tất cả những chúng sanh này, họ đã là cha mẹ của chúng ta đang lang thang không ai giúp đỡ đã lâu trong sanh tử, như một người mù lạc mất đường, chúng ta chỉ có thể cảm thấy thương xót họ vô vàn. Tuy nhiên lòng bi mẫn tự nó thì không đủ ; họ cần được giúp đỡ thật sự. Nhưng chừng nào tâm thức chúng ta còn bị giới hạn bởi tham chấp, thì sự việc cho họ thức ăn, áo quần, tiền bạc hay thương mến chỉ đem đến cho họ một hạnh phúc giới hạn tạm thời. Điều chúng ta phải làm là tìm kiếm một cách thức nào để giải thoát họ khỏi khổ đau. Việc này chỉ có thể xảy ra bằng cách đem những lời dạy của Pháp(3) vào thực hành.
Bởi thế, trước khi nhận lãnh những giáo lý quý báu, trước tiên chúng ta làm sanh khởi động lực thích đáng, đó là nghiên cứu và thực hành không chỉ vì chúng ta mà trước hết để giải thoát tất cả chúng sanh khỏi biển cả sanh tử và đưa họ đến giác ngộ hoàn toàn. Đây là thái độ rộng lớn và hoàn hảo của Bồ đề tâm.
Bồ đề tâm, nghĩa là “tư tưởng giác ngộ”, nó có hai phương diện, một hướng đến tất cả chúng sanh và một tập trung vào trí huệ.
Phương diện thứ nhất là lòng bi bình đẳng hướng đến tất cả chúng sanh, không phân biệt giữa những ai là bạn, những ai là thù. Với lòng bi này thường trực trong tâm, chúng ta nên thực hiện mọi hành động tốt, dù chỉ dâng một ngọn đèn hay trì tụng chỉ một thần chú, với ước nguyện nó có thể làm lợi lạc cho tất cả chúng sanh không sót một ai.
Tuy nhiên, để thực sự giúp đỡ tất cả chúng sanh, thì cảm thấy bi mẫn với họ là không đủ. Một câu chuyện thường được kể để minh họa điều này nói rằng một người mẹ hai cánh tay bị tê liệt không làm gì được khi trông chừng đứa con bà khỏi bị dòng sông cuốn trôi ; dầu lòng thương xót tràn ngập, bà không thể nào cứu con bà khỏi bị chết đuối. Bất cứ cái gì phải làm để cứu thoát chúng sanh khỏi khổ và đưa họ đến giác ngộ, chúng ta phải thực sự làm. Chúng ta cần hiểu rằng chúng ta đã có phước đức được sanh trong một thế giới nơi đã có một đức Phật đến và dạy Pháp, và chúng ta đã gặp một vị thầy tâm linh và nhận những giáo huấn của ngài. Bây giờ là lúc chúng ta phải dùng cuộc đời làm người quý báu này để tiến bộ trên con đường giải thoát.
Có nói, “Đời người có thể dẫn bạn đến giác ngộ ; đời người có thể đưa bạn đến địa ngục.” Dựa vào động lực và hướng đi của chúng ta, chúng ta có thể thành những thánh nhân vĩ đại và đạt đến Phật tánh, hay chúng ta cũng có thể trở nên rất xấu xa và khi chết thì đi thẳng vào địa ngục. Những giáo lý của Pháp cho phép chúng ta phân biệt hai hướng đi này, chỉ rõ cho chúng ta điều cần làm và điều cần tránh.
Hiện giờ chúng ta thiếu rất nhiều khả năng giúp đỡ những người khác. Nhưng nếu việc gì chúng ta làm đều được điều động bởi ý muốn làm giảm nhẹ sự khổ đau của họ, ước vọng thường trực này cuối cùng sẽ thành tựu. Động lực dẫn vào kinh những năng lực của những hành động của chúng ta, như là một kinh dẫn nước đem nước đi đến nơi nào cần. Mọi sự đều tùy thuộc vào động lực của chúng ta. Nếu tất cả điều chúng ta muốn là một đời sống thọ và giàu, thì cùng lắm chúng ta chỉ thành tựu được tương tự như thế ; nhưng nếu chúng ta khát khao giải thoát tất cả chúng sanh thoát hẳn sanh tử, cuối cùng chúng ta sẽ có thể hoàn thành ý định cao cả nhất đó. Bởi thế rất quan trọng là không hướng nguyện vọng của mình vào những mục tiêu thấp hơn.
Một lần, một người mẹ và đứa con nhỏ vượt qua một dòng sông rộng và chảy mạnh trong một chiếc thuyền nhỏ. Giữa dòng, sức chảy mạnh đến nỗi thuyền sắp lật úp. Cảm thấy tai họa sắp đến, người mẹ nghĩ “Mong cho con tôi được cứu thoát !” trong khi ấy, đứa con cũng nghĩ “Mong cho mẹ tôi được cứu thoát !” Dù thuyền chìm và cả hai chết đuối, năng lực và sự trong sạch của những mong muốn của họ khiến cho cả mẹ và con đều được tức thì tái sanh trong cõi Phật.(4)
Phương diện thứ hai của Bồ đề tâm, phương diện nhắm vào trí huệ, là sự chứng ngộ tánh Không để thành tựu giác ngộ vì lợi lạc cho những người khác. Hai Bồ đề tâm này – phương diện thiện xảo của đại bi và trí huệ của tánh Không – không bao giờ tách rời nhau. Chúng giống như hai cánh của một con chim, cả hai đều cần thiết để chim bay ; các bạn không thể thành tựu giác ngộ chỉ bằng đại bi, cũng không thể bằng chỉ sự chứng ngộ tánh Không.
Làm một điều gì đức hạnh với một động cơ tầm thường chắc chắn sẽ đem lại cho chúng ta một số hạnh phúc, nhưng chỉ là nhất thời. Hạnh phúc ấy sớm qua đi, và cuộc lạc lõng vô vọng trong sanh tử của chúng ta sẽ tiếp tục. Nếu mặt khác, mọi thứ chúng ta làm, nói và nghĩ được chuyển hóa bởi Bồ đề tâm, hạnh phúc của chúng ta sẽ tiếp tục và tăng trưởng không hề cạn kiệt. Kết quả của những hành động được vận hành bởi Bồ đề tâm, khác với những hành động tốt được làm do những động lực kém cao cả, không bao giờ có thể bị hủy diệt bởi sân hận hay những tình thức tiêu cực khác.
Bởi thế, bất cứ việc gì chúng ta làm, chính tâm thức là cái quan trọng nhất. Đấy là tại sao những giáo lý Phật giáo tập trung vào sự hoàn thiện hóa tâm thức. Tâm là vua, còn thân và ngữ là những hầu cận phải làm theo mệnh lệnh của nó. Chính cái tâm nảy sinh ra niềm tin và cái tâm sinh ra nghi ngờ ; chính cái tâm khởi phát tình thương và cái tâm tạo ra thù hận.
Thế nên hãy nhìn vào bên trong và xét nghiệm động cơ của các bạn, vì nó là cái định đoạt điều bạn làm là tốt hay xấu. Tâm thức giống như một viên pha lê trong suốt nhận lấy màu của tấm vải nào nó đặt lên – vàng trên vải màu vàng, xanh trên vải màu xanh... Cũng thế, thái độ của các bạn nhuộm màu cho tâm thức, và thái độ đó xác định tính chất thật sự của những hành động của các bạn, bất kể chúng có vẻ như thế nào. Bản chất của tâm thức này không phải là cái gì xa xôi và không thể hiểu ; nó luôn luôn trực tiếp hiện diện. Tuy nhiên, nếu các bạn nhìn vào xem nó là gì, các bạn không tìm thấy cái gì là đỏ, vàng, xanh, trắng hay lục ; nó không vuông hay tròn, cũng không có hình dáng như một con chim hay một con khỉ, hay cái gì khác. Tâm chỉ đơn giản là cái tưởng ra và ghi nhớ vô số tư tưởng. Nếu dòng những tư tưởng là đức hạnh, tức là các bạn đã thuần hóa tâm thức ; nếu nó là xấu, tức là bạn đã không thuần hóa.
Thuần hóa tâm thức và làm cho nó thành tốt, tích cực cần phải có sự kiên trì. Chớ có nghĩ, “Phật đã giác ngộ hoàn toàn, và Quán Thế Âm(5) là hiện thân thực sự của đại bi ; nhưng làm sao một người tầm thường như tôi có thể giúp đỡ những người khác ?” Chớ ngã lòng. Khi động lực của các bạn càng ngày càng rộng lớn, khả năng của các bạn cho hành động tốt cũng sẽ lớn rộng theo. Các bạn có thể không có khả năng như Quán Thế Âm ngay bây giờ, nhưng cách phát triển nó là sự thực hành Pháp. Nếu các bạn duy trì ý muốn thường trực làm lợi lạc cho những người khác, năng lực để hiện thực hóa điều đó sẽ tự đến, cũng tự nhiên như nước chảy xuống chỗ thấp.
Mọi sự khó khăn đến từ việc không nghĩ đến những người khác. Bất cứ điều gì bạn làm, hãy thường trực nhìn vào tấm gương của tâm bạn và xem xét động lực của các bạn là vì mình hay vì người khác. Dần dần các bạn sẽ phát triển khả năng làm chủ tâm thức các bạn trong mọi trường hợp ; và bằng cách đi theo những bước chân của những bậc thầy đã thành tựu của quá khứ, các bạn sẽ đạt đến giác ngộ trong chỉ một đời. Một tâm thức tốt giống như một miếng đất có nhiều vàng lấp lánh, chiếu sáng cả bầu trời với ánh sáng vàng chói. Nhưng nếu thân, ngữ và tâm thức không được tu hành, rất ít cơ may bạn có thể thành tựu được bất cứ chứng ngộ nào. Hãy tỉnh giác với những tư tưởng, lời nói và hành động của các bạn trong mọi lúc. Nếu chúng đi lạc hướng, sự nghiên cứu và thực hành Pháp của các bạn sẽ không ích lợi gì.
Sanh tử là hoàn cảnh của những chúng sanh kéo dài nỗi khổ của mình do hành động dưới ảnh hưởng của những thức tình che ám ; niết bàn là trạng thái vượt khỏi mọi khổ não, hay nói cách khác, là Phật tánh. Nếu chúng ta để cho tâm thức theo mọi vọng tưởng tiêu cực của nó, dĩ nhiên nó sẽ đi vào con đường sanh tử. Giờ đây chúng ta đang ở ngã tư đường. Chúng ta đã có phước được sanh làm một con người trong một thế giới nơi có một vị Phật đã đến và dạy Pháp ; chúng ta đã gặp một vị thầy có thể truyền Pháp cho chúng ta, và chúng ta đã nhận sự chỉ dạy của vị thầy ; và về thể chất và tinh thần, chúng ta có khả năng đưa những lời dạy ấy vào thực hành. Bởi thế giờ đây là lúc chúng ta quyết định : Chúng ta có bước lên con đường giải thoát với sự cương quyết đưa tất cả chúng sanh đến mức độ tối thượng của giác ngộ không ? Hay chúng ta sẽ đi xuống sâu hơn vào mê cung của sanh tử rất khó thoát ra khỏi ?
Làm thế nào để Nghiên Cứu những Lời Dạy này
Nhờ những lời dạy của Pháp chúng ta có thể đem tất cả chúng sanh đến Phật tánh viên mãn. Bởi thế, khi chúng ta nhận những lời dạy này, cần yếu là chúng ta thoát khỏi những hậu quả của thói quen chúng ngăn chặn chúng ta không hiểu được rõ ràng – ba khuyết điểm, sáu cái dơ nhiễm, và năm cách sai lầm khi giữ lại những lời dạy.(6) Nếu khác đi, nghiên cứu bản văn này chỉ là mất thì giờ. Xin hãy chuyên tâm vào lời dạy ở sau với một chánh niệm hoàn hảo và áp dụng sáu cái hoàn thiện.(7)
Những Lời Dạy này chứa đựng điều gì
Lời dạy chúng ta sẽ nghiên cứu ở đây có tên là Bài Giảng Đức Hạnh trong lúc Bắt Đầu, lúc Giữa, và lúc Kết Thúc. Nó cũng có tên phụ thêm là Sự Thực Hành Cái Thấy, Thiền Định và Hành Động, Là Kho Tàng Tâm của các Bậc Giác Ngộ. Bản văn này được Dza Patrul Rinpoche, Orgyen Jigme Choškyi Wangpo viết ra, ngài là một hóa thân của Đại Bồ tát Shanti-deva.(8) Suốt đời, Patrul Rinpoche biểu lộ một giới hạnh không lỗi lầm, lòng bi không giới hạn, hiểu biết sâu xa và một sự từ bỏ toàn triệt những quan tâm thường tục của thế gian.
Tất cả những giáo huấn sâu và rộng do đức Phật dạy với sự khéo léo hoàn hảo và lòng bi bao la của ngài, được kết tập trong Ba Tạng.(9) Những lời dạy này được giải thích trong Luận,(10) những bản văn không do chính đức Phật tạo ra mà do những thế hệ đạo sư Phật giáo kế tiếp nhau sau đó – những pandita của Ấn Độ và những hiền triết bác học và thành tựu của Tây Tạng. Bản văn này của Patrul Rinpoche là một kiểu mẫu của một luận, hay bình giải.
Tất cả những giáo lý Phật giáo khác nhau đều cuối cùng dẫn đến giải thoát. Sự khác biệt và con số lớn lao của chúng phản ánh những khả năng và khuynh hướng sai biệt đa thù của những hành giả. Bài Giảng Đức Hạnh trong lúc Bắt Đầu, lúc Giữa và lúc Kết Thúc được tạo theo một cách dễ dàng đặc biệt để hiểu và thực hành ; tuy nhiên nó chứa đựng tinh yếu của những giáo lý Tiểu thừa và Đại thừa(11) trong toàn bộ.
Như truyền thống, lời dạy này được chia làm ba phần : nhập đề, phần chính và phần kết luận. Mỗi phần tập trung vào một chủ đề đặc biệt. Phần thứ nhất nói đến những đường lối hư hỏng và sự khổ sở mãnh liệt của chúng sanh trong thời đại tối tăm ; phần hai đến cái thấy (tri kiến), thiền định và hành động (hạnh) của Kinh thừa và Mật thừa(12) ; và phần ba đến giải thoát khỏi những mối bận tâm thế gian.
Phần thứ nhất cổ vũ chúng ta suy nghĩ về những khuyết điểm của chúng ta và những hậu quả của cuộc đời trong sanh tử. Qua phần này chúng ta sẽ nhận ra sự tự lừa dối của mình và sự tự lừa dối của những người khác, chúng là tính cách của những nỗ lực của chúng ta trong công việc và là tính cách của những hoạt động vị kỷ của những người khác, cũng như chúng ta họ bị giam nhốt trong thích và không thích, luyến ái với bạn bè và ghét bỏ với kẻ thù. Thấy ra sự vô nghĩa biết bao trong mọi thứ đó, tự nhiên chúng ta mệt mỏi chán ngán và bắt đầu cảm thấy một ước ao giải thoát khỏi tất cả chúng. Quyết tâm này để giải thoát là nền tảng của mọi sự thực hành Pháp, bởi vì chỉ khi chúng ta hoàn toàn nhận ra cái gì là sai lầm trong sanh tử chúng ta mới cảm thấy sự khẩn thiết không cưỡng lại nổi hiến mình trọn vẹn cho sự thực hành.
Trong lần chuyển bánh xe Pháp thứ nhất, đức Phật dạy rằng không có gì ngoài khổ đau trong sanh tử. Đây là cái đầu tiên của Bốn Chân Lý Cao Cả.(13) Mọi chúng sanh đang cố gắng tìm cầu hạnh phúc, nhưng vì vô minh của họ, cái họ đang làm là ngược lại với cái thực sự đưa lại hạnh phúc cho họ. Họ không hiểu rằng hạnh phúc thực sự chỉ đến từ sự thực hiện Pháp, và họ bị lọt vào những tham đắm và ghét bỏ tạo ra từ tâm thức của họ. Vướng mắc vào mạng lưới lầm lẫn vọng tưởng, họ lần mò từ khổ này đến khổ khác không ngừng nghỉ.
Thời đại này được biết như là thời thoái hóa,(14) hay là thời đại cặn bã, vì nó chỉ chứa những cặn bã của những phẩm tính và những hoàn thiện của thời hoàng kim vĩ đại của quá khứ xa xôi. Người của ngày nay quay lưng với những lời dạy của đức Phật, và chỉ có một số rất ít những người vĩ đại thực sự sống tùy thuận với Pháp. Ai ai cũng khao khát một cách tuyệt vọng hạnh phúc, nhưng những quan kiến và lối sống đang thịnh hành của thời đại chúng ta chỉ dẫn đến nhiều khổ đau hơn nữa.
Sự thống khổ của ba cõi thấp thì quá lớn lao đến nỗi chúng ta cũng khó tưởng tượng ra. Trong những cõi địa ngục, chúng sanh bị hành hạ bởi nóng và lạnh làm cho hấp hối ; trong những cõi quỷ đói, bởi đói và khát không thể hình dung. Những thú vật, trong sự ngu dốt mù lòa, bị bắt làm nô lệ và khai thác hay hành hạ bởi sợ hãi. Dầu chúng ta không thể hiểu trọn vẹn những gì chúng sanh trong những cõi ấy trải nghiệm, ít ra tại sao chúng ta không nghĩ về khổ mà những hành động của chúng ta gây ra trong cuộc đời đang sống này ?
Như những vị thầy vĩ đại phái Kadam thường nói, “Lời dạy tốt nhất trong tất cả là lời dạy soi sáng vào những lỗi lầm còn chưa thấy của chúng ta.” Trước tiên chúng ta phải nhận thức rằng sanh tử luân hồi này không có gì ngoài khổ đau. Bấy giờ, nhận ra những sai lầm của chúng ta, chúng ta có thể tìm kiếm đâu là nguyên nhân. Nguyên nhân gốc rễ của khổ là vô minh, và nguyên nhân gốc rễ của vô minh là sự tin tưởng sai lầm vào một cái “tôi”. Như Chandrakirti(15) vinh quang đã nói :
Đầu tiên tưởng tượng ra
một cái Tôi, chúng ta bám vào một bản ngã.
Rồi vọng
tưởng ra một cái của tôi, chúng ta bám vào một thế giới bên ngoài.
Như nước
trong guồng bánh xe quay nước, chúng ta quay vòng một cách vô vọng ;
Con kính
lạy lòng đại bi khởi ra cho tất cả chúng sanh.
Bám chấp vào thân tôi, tâm tôi, và tên tuổi tôi, chúng ta cố gắng xua đuổi cái gì không thích và chụp bắt cái gì mình thích. Đây là tiến trình căn bản của bám chấp, và cái ta là gốc rễ thực sự của khổ đau.
Bằng cách làm cho chúng ta suy nghĩ con người cư xử như thế nào trong thời đại suy thoái này, phần đầu có ý định làm rõ sự hiểu biết của chúng ta về sanh tử và gợi ra trong chúng ta một sự buồn chán sâu xa với nó. Điều này cho chúng ta một động lực mạnh mẽ để giải thoát chúng ta khỏi những khuôn khổ thói quen và vô minh chúng kéo dài nỗi khổ. Tuy nhiên, dù mạnh mẽ, tự bản thân động lực thì không đủ. Bấy giờ điều chúng ta cần là biết làm thế nào để chúng ta có thể thực sự thoát khỏi sanh tử – nói cách khác, làm sao chúng ta có thể thực hành Pháp.
Phần hai giải thích Pháp, cái đối trị với mọi sai lầm của sanh tử, được đưa vào thực hành như thế nào. Nó giải thích cái thấy, thiền định và hành động của Đại thừa, cái này tạo thành cốt lõi của những lời dạy của đức Phật. Qua thực hành những lời chỉ dạy này, những che chướng và nghiệp tạo ra từ những hành động sai lầm của chúng ta trong quá khứ sẽ được tịnh hóa, và mọi phẩm tính của giải thoát và giác ngộ tiềm ẩn nội tại trong chúng ta sẽ hiển lộ. Trong bản văn này, những chỉ dạy được đưa ra trong bối cảnh đặc biệt của thiền định về Quán Thế Âm, vị Phật của lòng Đại Bi.
Trước hết, tuyệt đối cần thiết là thiết lập cái thấy đúng. Thiết lập cái thấy nghĩa là nắm được sự chắc chắn hoàn toàn về chân lý tuyệt đối, đó là thế giới hiện tượng, dù rõ ràng có xuất hiện và đang vận hành, thì không có một thực tại tối hậu nào. Cái thấy tất cả những hiện tượng tuy xuất hiện nhưng trống không là hạt giống từ đó quả trọn vẹn của giác ngộ sẽ lớn lên. Bước đầu tiên trong thiết lập cái thấy là nắm được sự hiểu biết đúng về những lời dạy về cái thấy ấy. Bây giờ, đem cái thấy vào kinh nghiệm bên trong của chúng ta, chúng ta đưa nó vào thực hành trở đi trở lại càng lúc càng hơn ; đây là thiền định. Duy trì kinh nghiệm chúng ta về cái thấy trong mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh là hành động (hạnh). Qua sự kết hợp thường trực của ba cái này – cái thấy, thiền định và hành động – quả của sự thực hành Pháp sẽ chín trọn vẹn. Như câu nói, “Khi sữa được quậy cẩn thận, bơ được tạo thành.”
Những kết quả của thực hành là gì ? Hòa nhã và tự chế là những chỉ dẫn của sự thông hiểu ; thoát khỏi những cảm xúc tối tăm, là dấu hiệu của thiền định. Những cái này và mọi phẩm tính tâm linh của giải thoát sẽ bắt rễ trong hiện thể của chúng ta và sẽ được hiển lộ không phải cố gắng trong những hoạt động của chúng ta. Thiết lập cái thấy thì giống như nhận ra những phẩm tính và sự ích dụng của một dụng cụ đặc biệt. Thiền định giống như mua dụng cụ ấy, sở đắc nó và học cách sử dụng nó. Hành động giống như đưa nó vào sự sử dụng khéo léo trong tất cả mọi thời. Quả tương đương với những công việc được hoàn thành hay những sản phẩm hoàn tất đến từ sự sử dụng nó.
Phần ba của bản văn chỉ ra những kết quả của thực hành biểu lộ như thế nào trong đời sống hàng ngày thoát khỏi sự bận tâm với những chuyện thế gian và trong sự hòa hợp với những giáo lý. Khi chúng ta khai triển một cảm giác ghê sợ đối với sanh tử, vượt qua vọng tưởng rằng sanh tử sẽ đem lại hạnh phúc, và trầm mình vào sự thực hành Pháp, một cảm thức lớn dần của tự do sẽ tự nhiên sanh ra : chúng ta không còn bị lôi kéo đến những sự vật gây ra khổ đau. Chỉ bằng xoay tâm thức khỏi những mục tiêu thế gian và khai triển một quyết định chân thật phải giải thoát mà mục tiêu giải thoát có thể được đạt đến.
NHỮNG BÀI KỆ MỞ ĐẦU
Kính lễ
Bản văn mở đầu với sự kính lễ :
NAMO LOKESHVARAYA
Câu tiếng Sanskrit này nghĩa là “Con kính lễ Bậc Tối Cao của Vũ Trụ”, chỉ Đại Bồ tát Quán Thế Âm, hay Chenrezi.
Đại bi khắp vũ trụ của Quán Thế Âm bao trùm mọi chúng sanh, từ người bình thường đến vua chúa, từ Thanh Văn và Bích Chi Phật đến Bồ tát trong mười địa.(16) Quán Thế Âm hiện thân của lòng đại bi không tách lìa với cảnh giới bao la của tâm Phật. Lòng bi có một vị trí trung tâm trong giáo lý Phật bởi vì chính từ lòng bi mà tất cả sự rộng lớn và sâu xa của con đường Bồ tát sanh khởi ; lòng bi là bản thân tâm giác ngộ. Trong phương diện tương đối, Quán Thế Âm xuất hiện trong vũ trụ vì tất cả chúng sanh trong hình thể một Đại Bồ tát của địa thứ mười, một người con ruột của tất cả chư Phật. Trong phương diện tuyệt đối, ngài chính là nền tảng từ đó xuất sanh tất cả chư Phật và các cõi Phật của chư Phật, cũng như tất cả chuyển luân vương của kiếp này. Bởi thế ngài được biết như là Bậc Tối Cao của Vũ Trụ, nghĩa là ngài không chỉ là một vị vua trong nghĩa thông thường mà là Vua của Pháp, bậc tối cao của trí huệ và đại bi, hoàn toàn giải thoát khỏi ba cõi sanh tử,(17) vĩnh viễn vượt ngoài sự chạm đến của sanh, già, bệnh, chết. Để gặp gỡ mọi nhu cầu của chúng sanh, ngài biểu lộ trong vô số hình thể, từ những bậc cai trị thế giới đến người dân thường và thú vật. Ngài tiêu biểu cho sự giải thoát hoàn hảo hồi hướng về phúc lợi của tất cả.
Đây là tại sao dòng mở đầu để dành cho sự kính lễ Quán Thế Âm, với sự sùng mộ không bờ. Rồi tiếp theo một sự kính lễ mở rộng hơn :
1. Nếu như chỉ một
giọt cam lồ của danh hiệu ngài lọt vào tai tôi,
Chúng sẽ
ngập đầy âm thanh của Pháp cho vô số kiếp.
Tam Bảo
thần diệu, nguyện sự sáng chói của danh ngài
Đem đến
hạnh phúc hoàn hảo cho khắp cả !
Ở đây, sự kính lễ mở rộng đến Tam Bảo : Phật, Pháp và Tăng. Những danh hiệu của Tam Bảo, cực kỳ dễ nói lên, tuy nhiên có năng lực vô biên để ban phước cho chúng sanh và giải thoát họ khỏi sanh tử. Những danh hiệu này giống như nước cam lồ của sự bất tử, amrita, chỉ một giọt cũng có thể làm dịu những thống khổ của sanh tử. Chỉ nghe được chúng là đã gieo trồng trong chúng ta hạt giống của giải thoát và bảo đảm một sự tái sanh vào một nơi có Phật pháp được chỉ dạy và ở đó sự tiến bộ đến giác ngộ là khả thi.
Chúng ta phải xem Phật là vị thầy, Pháp là con đường, và Tăng là những bạn đồng hành trên con đường.
Ở cấp độ tuyệt đối, Pháp thân, tâm của Phật là cảnh giới bao la của toàn trí, nó biết mọi sự đúng như chúng là. Ở cấp độ Báo thân, siêu vượt khỏi sanh tử, lời của Phật tương tục thuyết pháp. Ở cấp độ Hóa thân, có thể thấy biết được cho những người bình thường như chúng ta, thân của Phật mang hình tướng là Phật Thích Ca Mâu Ni, vị thứ tư trong một ngàn vị Phật xuất hiện trong kiếp này.
Phật Thích Ca Mâu Ni sinh tại Ấn Độ như là hoàng tử Siddhartha của Vua Shuddhodana và hoàng hậu Mahamaya thuộc giai cấp Shakya. Khi còn trẻ, ngài hưởng những thú vui của cuộc đời một hoàng tử, nhưng về sau ngài từ bỏ những quan tâm thế gian và hiến mình thực hành khổ hạnh trong sáu năm. Cuối cùng, từ bỏ ngay cả những khổ hạnh này, ngài thành tựu giác ngộ trọn vẹn dưới cội cây bồ đề ở Vajrasana.(18) Trong bốn mươi năm ngài dạy Pháp cho sự lợi lạc của chúng sanh. Sau chót, khi phước lành của họ đã cạn kiệt, ngài đi vào đại thanh bình của đại niết bàn.(19)
Qua năng lực của toàn giác, đức Phật thấy rõ những tính khí và khuynh hướng khác biệt nơi những người ngài chỉ dạy. Để cho mỗi người một phương cách đạt đến giác ngộ, ngài chỉ bày tám mươi bốn ngàn phần khác nhau của Pháp. Giáo lý này, Pháp, là Viên Ngọc Quý thứ hai.
Ba chu kỳ chỉ dạy của ngài được biết như là ba lần chuyển bánh xe Pháp. Trong lần chuyển bánh xe Pháp thứ nhất, ngài dạy Bốn Chân Lý Cao Cả chung cho cả Tiểu thừa và Đại thừa. Trong lần thứ hai ở Rajagriha hay Núi Linh Thứu, ngài trình bày những giáo lý Đại thừa về chân lý tuyệt đối – chân lý không có những tính chất và vượt khỏi phạm trù ý niệm. Những giáo lý này được chứa đựng trong Kinh Bát Nhã Ba La Mật trong Một Trăm Ngàn Bài Kệ. Lần chuyển bánh xe Pháp thứ ba, ở những thời điểm và nơi chốn khác biệt, được dành cho những giáo lý tối hậu của Kim Cương thừa.
Pháp gồm có Pháp Trao Truyền và Pháp Thực Chứng. Pháp Trao Truyền là lời của Phật được kết tập thành Ba Tạng : Luật, Kinh và Luận. Pháp Thực Chứng là sự chứng ngộ thực sự những giáo lý này, được tu hành qua giới, định và huệ.
Viên Ngọc Quý thứ ba là Tăng, dịch ra tiếng Tây Tạng là Gendun có nghĩa đen là “cộng đồng đức hạnh”. Theo truyền thống những Bồ tát là Tăng già của Đại thừa, và những Thanh Văn và Bích Chi Phật là Tăng già của Tiểu thừa. Tuy nhiên, nói chung, tất cả những người nghe Pháp, suy nghĩ về nó, và thiền định về nó tạo nên Tăng già.
Tam Bảo là chỗ quy y tối
thượng và tạo thành nền tảng của mọi thực hành Pháp. Kính lễ Tam Bảo là đồng
thời kính lễ tất cả các bậc thầy, chư Phật và chư Bồ tát.
Động lực
của Tác Giả trong việc
Biên Soạn
Bản Văn Này
Bởi vì chính Patrul Rinpoche xem Tam Bảo là vị thầy tối thượng của mình, tâm ngài hoàn toàn thấm nhuần Pháp, và ngài sống một cuộc đời hoàn toàn thanh tịnh. Bởi thế những lời dạy của ngài hoàn toàn thanh tịnh và xác thực, và bản văn này ngài tạo ra từ lòng bi tròn đầy, không chút kiêu căng hay ngạo mạn. Tuy nhiên ngài nói với sự khiêm hạ lớn lao :
2. Giống như vài quả
hồng vàng trong mùa thu
Chúng dù
bên trong chưa chín, mà bên ngoài thấy chín vàng,
Bản thân
tôi chỉ có vẻ giống như một người thực hành Pháp,
Và bởi
vì tâm tôi và Pháp chưa hòa lẫn, sự giảng dạy Pháp của tôi chẳng đáng gì nhiều.
Khi hè chuyển sang thu, những quả hồng vàng có những độ chín khác nhau. Một số quả hồng vàng thấy đã chín, nhưng bên trong chúng còn xanh. Chúng giống như những người làm ra vẻ những hành giả kiểu mẫu nhưng đầy những tư tưởng độc hại, thật ra họ bận tâm với việc tích tập giàu có, thực hiện những lễ lạc thôn làng và gây danh tiếng cho bản thân mình.
Ngược lại, những quả khác trông thì xanh ở bên ngoài, nhưng bên trong đã chín. Chúng giống như những người, dù có vẻ như ngu dốt, những người khất thực tầm thường, nhưng hoàn toàn thoát khỏi những bận tâm của sanh tử, đầy đức tin, và đã thành tựu kinh nghiệm định và chứng ngộ chân thật.
Những quả hồng vàng khác, cả ngoài lẫn trong đều xanh và chưa chín. Chúng giống như những người chưa từng đi vào Pháp, không biết gì về nó và không có niềm tin vào nó.
Cuối cùng, có vài trái hồng vàng trông đã chín và cũng thực sự chín. Chúng giống như những Đại Bồ tát, bên trong tràn đầy trí huệ và đại bi và bên ngoài trình diễn vô số cách thức để cứu giúp chúng sanh. Thật ra, không nghi ngờ gì, Patrul Rinpoche là một trong những Bồ tát hoàn hảo này. Jamyang Khyentse Wangpo(20) đã nói về ngài như thế này :
Tôi cầu nguyện ngài
Jigme Choškyi Wangpo, bậc Vô Úy của Pháp ;
Bên ngoài
ngài là Bồ tát Shantideva,
Bên trong
ngài là đại thành tựu giả Shavaripa,
Và trong
bản tánh tuyệt đối ngài là Giải Thoát Tự Nhiên Khỏi Khổ.(21)
Đây không phải là xưng tán chiếu lệ. Như câu chuyện cuộc đời ngài đã chứng tỏ, mọi sự Patrul Rinpoche nghĩ, nói và làm đều hoàn toàn tương ưng với Pháp. Thật vậy chính từ quan điểm này mà ngài có một lời từ chối khiêm nhường như thế.
Bất cứ ai muốn giảng dạy Pháp trước tiên phải biến nó thành một phần toàn vẹn của cuộc sống mình ; không tốt nếu chỉ lập lại những lời, giống như một người điếc đàn những âm điệu dầu đẹp đẽ du dương, nhưng chính người ấy lại không nghe. Để nhận những giáo lý, động lực của chúng ta phải là một nguyện vọng thành thật muốn áp dụng chúng cho chính chúng ta ; nếu chúng ta chỉ cố gắng có được một cái gì mà chúng ta có thể dạy lại cho người khác, như bài nhạc một người ăn xin chơi để xin tiền, thì sự nhận lãnh những lời dạy sẽ không ích lợi cho bản thân chúng ta cũng như cho những người khác. Cũng sai lầm khi góp nhặt kiến thức về Pháp vì danh tiếng và thế lực cho chúng ta. Như có nói, “Càng lớn kiến thức, càng nhiều kiêu mạn ; càng xa khỏi nhà, càng xa trung thực.” Làm sao chúng ta có thể giúp đỡ những người khác trước khi chúng ta đã thuần hóa những năng lực tiêu cực ẩn nấp trong bản thân chúng ta ? Đấy chỉ là một chuyện đùa, giống như một người ăn xin không có xu teng nói đến việc nuôi cả làng. Để bảo trợ cho phúc lợi thật sự của những người khác, trước tiên chúng ta phải tự hoàn thiện mình cho đến khi chúng ta có thể thi đua với Patrul Rinpoche, ngài khiêm hạ tuyên bố rằng mình chẳng có chứng ngộ nào, tuy nhiên toàn thể hiện sinh ngài thấm đẫm ý nghĩa của Pháp.
3. Nhưng vì con,
người bạn xứng đáng, khăng khăng nài nỉ ta,
Ta không
thể từ chối – Ta sẽ nói thẳng thắn.
Nhất là
trong thời đại suy đồi này,
Ta trao
tặng con những lời không lừa dối, thế nên hãy cẩn thận lắng nghe.
Nếu các bạn chỉ ra những lỗi lầm của một ai, nó sẽ trở nên hoàn toàn đảo lộn – ngay cả với con bạn hay học trò bạn. Nhưng nếu các bạn tâng bốc nó, gán cho nó những phẩm tính nó không có, thì nó sẽ thích thú. Nhưng như một châm ngôn nói, “Dù gây chấn động, tiếng sấm sét thực là âm thanh chân chánh.” Nếu người ta luôn luôn đồng ý và tâng bốc chúng ta điều ấy làm cho chúng ta cảm thấy tốt đẹp nhưng sẽ chẳng giúp gì cho chúng ta để khai triển những phẩm tính của một người thực hành Pháp. Cái thực sự giúp chúng ta nhiều nhất là chỉ ra những lỗi lầm của chúng ta và chỉ bày cách thức đúng để chúng ta xử lý với chúng. Vàng nhờ đập và nấu chảy liên tục, trở nên càng ngày càng tinh sáng. Cùng cách đó, nhờ nhận ra liên tục những lỗi lầm của chúng ta và áp dụng những giáo huấn của thầy, chúng ta sẽ có thể chuyển hóa những phẩm tính tiêu cực, xấu xa của chúng ta thành con đường giải thoát.
Khi một kẻ phá rối được nhận ra và tóm lấy, bình an trở lại trong làng ; tương tự, khi những lỗi lầm của chúng ta được một vị thầy từ ái khai quật, cho phép chúng ta nhận ra và nhổ gốc chúng, bình an trở lại thân tâm chúng ta. Ở đây, như trong tác phẩm Kunzang La-me Shelung(22) nổi tiếng của mình, Patrul Rinpoche nói một cách thẳng thắn, đánh vào cốt lõi của những khuyết điểm của chúng ta để dẫn dắt chúng ta vào đường chánh. Ngài chỉ khai thị cái tinh yếu của Pháp, vì chúng ta không cần biết nhiều chi tiết ; điều tất cả chúng ta cần là tâm của những lời dạy dẫn đến giác ngộ.
Trong những bài kệ này, Patrul Rinpoche nói rằng dù ngài không có một đại chứng ngộ nào, ít nhất nếu ngài có thể khiêu gợi trong chúng ta quyết tâm giải thoát khỏi sanh tử và kích thích một thái độ của lòng bi, thì viết ra bản văn này không phải là điều vô ích.