Thư Viện Hoa Sen

Một Bông Hồng Trắng Cho Mùa Vu Lan Để Nhớ Ơn Cha Mẹ, Nhớ Ơn Đời, Nhớ Ơn Người!!!

29/08/20245:44 CH(Xem: 5594)
Một Bông Hồng Trắng Cho Mùa Vu Lan Để Nhớ Ơn Cha Mẹ, Nhớ Ơn Đời, Nhớ Ơn Người!!!

blank
MỘT BÔNG HỒNG TRẮNG CHO MÙA 
VU LAN
ĐỂ NHỚ ƠN CHA MẸ,

NHỚ ƠN ĐỜI, NHỚ ƠN NGƯỜI!!!

Người Long Hồ
PDF icon (4)MÙA VU LAN CÀI BÔNG HỒNG TRẮNG
audio book.jpg



 

hoa hong trangNhân mùa Vu Lan 2024, nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, và ngậm ngùi tự cài lên áo mình một bông hồng trắng khi nhớ tới câu nói của Thầy Tử Lộ: Tử Dục Dưỡng Thân, Nhi Thân Bất Tại (khi con muốn phụng dưỡng cha mẹ thì cả cha lẫn mẹ đều đã khuất núi). Nhớ lại lời dạy của cha mẹ lúc sinh thời: “Khi thọ ơn bất kể lớn nhỏ, bất kể mới đây hay đã lâu xa, vẫn phải luôn ghi nhớ trong lòng. Nếu không trả được ơn cho người làm ơn thì ít nhất cũng phải đem ơn ấy đáp đền cho bá tánh.” Chính vì lời dạy nầy mà tôi xin một lần nữa, được viết lên nỗi lòng: “MỘT BÔNG HỒNG TRẮNG CHO MÙA VU LAN ĐỂ NHỚ ƠN CHA MẸ, NHỚ ƠN ĐỜI, NHỚ ƠN NGƯỜI!!!”. Trước hết, con xin kính dâng lên hương hồn cha mẹ với niềm thương kính vô biên. Con xin ghi nhớ tất cả những lời cha mẹ đã nhắn nhủ, và con xin trân trọng ôm ấp một đời cha mẹ đã trao như một báu vật, một hành trang hay một thứ của hồi môn để con tiếp tục vào đời. Cha Mẹ ơi! Có lẽ con là một trong những đứa con bất hạnh nhất trên cõi đời nầy, vì số phận trôi nổi của đất nước, mà ngày cha mẹ đi xa con cũng không về được để nhìn thấy lần sau cuối, thật còn bất hạnh nào hơn bất hạnh nầy? Con biết ngày cha mẹ ra đi mà lòng vẫn còn nuối tiếc vì không nhìn thấy được đứa con trai thân yêu của cha mẹ, vì cha mẹ muốn mãi mãi là ánh sáng chiếu rọi tâm hồn các con của mình, cha mẹ muốn mãi mãi là nguồn sinh lực tiếp sức cho chúng con vượt qua những chông gai nghiệt ngã của dòng đời, phải không cha mẹ? Nhưng trên đời này có thứ nào chạy ra khỏi định luật vô thường đâu hở cha hở mẹ? Xin cha mẹ nhận nơi đây một nén hương lòng của đứa con trai thân thương của cha mẹ và xin các Ngài hãy yên lòng siêu thoát.

Thật tình mà nói, tôi chưa bao giờý định viết văn, vì từ nhỏ tôi đã không thích văn chương thi phú. Từ hồi còn ở trung học, tôi là một học sinh Ban Toán, nhưng rồi dòng đời đưa đẩy, tôi chả lấy được một bằng cấp nào ở đại họcliên quan đến Toán. Làm trai thời loạn mà, chưa hết ngưỡng cửa trung học tôi đã xếp bút nghiên theo nghiệp binh đao, cho tới ngày đất nước ngửa nghiêng, tôi cũng như bao nhiêu những thanh niên thời loạn miền Nam khác bị lùa vào những trại tù, nên vốn liếng văn chương của tôi, nếu không muốn nói là kém cỏi thì cũng chẳng có là bao. Đã bao lần tôi muốn viết, viết nhiều thứ lắm, nhưng lại thôi vì ngòi bút nhỏ nhoi và khả năng kém cỏi của mình. Tuy nhiên, mỗi lần nhớ đến cha đến mẹ với một đời tận tụy hy sinh cho con cái được thành nhân chi mỹ, cha mẹ sẵn sàng hy sinh cuộc đời mình làm viên gạch lót đường cho cuộc đời hoa gấm của các con các cháu cha mẹ sau này, lòng tôi không khỏi ngậm ngùi. Bài viết nầy chỉ để tỏ lòng biết ơn sâu xa đến công lao sanh thành dưỡng dục của cha mẹ, cũng như tri ơn những người đã cưu mang và giúp đỡ tôi về mọi mặt trong những năm tháng trầm luân khổ hãi của cuộc đời, những người đã nâng đỡ tôi về cả vật chất lẫn tinh thần giúp tôi vượt qua những lúc cùng cực nhứt của đời tôi, và cuối cùng là cám ơn rất nhiều đến hiền thê và các con của tôi, những người đã cùng tôi đi qua một giai đoạn nghiệt ngã nhứt của cuộc đời.

Tôi là một CHS Tống Phước Hiệp (62-68). Từ ngày tôi rời mái trường thân yêu đến nay đã trên nửa thế kỷ, một khoảng thời gian khá dài với biết bao nhiêu vật đổi sao dời, và trên hành trình của nửa thế kỷ ấy, tôi may mắn nhận được rất nhiều sự giúp đỡ và hỗ trợ từ cha mẹ, anh chị em, từ các bậc trưởng thượng, từ những người đàn anh đi trước, và từ những người đàn em rất thân thương của ngôi trường mà tôi đã từng một thời được theo học. Những huynh đệ trong quân đội, cũng như những người bạn đồng tù… đã giúp đỡ và tôi luyện cho tôi có được như ngày hôm nay. Tôi cũng muốn nhân bài viết nầy được một lần nói tiếng VÔ CÙNG BIẾT ƠN ĐỜI, BIẾT ƠN NGƯỜI.

Trong suốt gần bảy mươi lăm năm cuộc đời với quá nhiều thăng trầm của tôi, vinh cũng có mà nhục cũng rất nhiều… nhưng phải thực tình mà nói, tôi là một người có rất nhiều may mắn. Bây giờ đã qua cái tuổi thất thập cổ lai hy, tôi mới thấy bên cạnh nhiều bất hạnh, so với nhiều cuộc đời khác của dân tôi xứ tôi, thì những bất hạnh của tôi chẳng thấm vào đâu. Trong khi đó, nếu chịu nhìn theo chiều hướng tốt, tôi thấy tôi đã từng quá may mắn. Dầu tôi sanh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, rất nghèo và dầu tôi chưa từng học hết bậc Trung Học nơi xứ Vĩnh, nhưng ngay từ thời rất nhỏ, tôi đã có những nhà giáo tuyệt vời, đó là tính nhẫn nại dạy dỗ con cái của mẹ tôi, tính nghiêm khắc của cha tôi cũng góp phần không nhỏ cho tôi được nên người, mấy cậu dì , ông bà ngoại tôi là ông bà Trần Văn Tiếng và ông chú Ba tôi là ông Trần Văn Hương. Ngay từ thời còn chạy giặc Tây trong Phước Hậu và Ngã Tư Long Hồ, mẹ và mấy dì cậu tôi đã dạy cho tôi ý chí sinh tồn trong những cơn bão lửa của chiến tranh. Ông bà ngoại tôi và ông chú Ba đều là những con dân kỳ cựu của Đất Nam Kỳ, những người đã mớm cho tôi những kiến thức đầu đời về vùng đất hết sức đặc biệt nầy. Khi lớn lên tôi lại may mắn gặp được cũng như đã từng sống chung với những nhân vật mà tôi cho là những bộ từ điển sống về vùng ĐẤT PHƯƠNG NAM như ông cụ Sáu ở xóm Bánh Phồng bên Thiềng Đức (năm 1961, cụ Sáu 105 tuổi, nghĩa là cụ được sinh ra khoảng năm 1855), gặp chú Huỳnh Minh và anh Hứa Hoành… và nhiều lắm những vị bô lão mà tôi không nhớ hết. Chính nhờ vậy mà ngay từ lúc tôi hãy còn rất nhỏ, tôi đã rất yêu cái vùng đất mang tên Phương Nam, và rất muốn sau nầy có cơ hội và điều kiện sẽ viết về vùng đất nầy.

Thuở còn đi học trong tuổi thơ cơ hàn, tôi vô cùng biết ơn thầy cô và bạn hữu đã hết lòng nâng đỡ cho cậu học trò nghèo và thiếu thốn đủ mọi bề. Tôi luôn nhớ ơn các cô Dung (trường Thiềng Đức), thầy Mai Phùng Võ (hội trưởng Hội PHHS TPH), cô Võ thị Ngọc Dung (dạy Sử Địa), Đào Khánh Thọ (dạy Vạn Vật, rồi sau nầy trở thành Hiệu trưởng TPH), thầy Hảo (dạy Anh văn), thầy Vỹ và thầy Diệp (dạy Toán), thầy Võ Thanh Bai (dạy Vật Lý, chính thầy đã chỉ cách nhớ công thức để làm bài mà không phải tốn quá nhiều thì giờ để học bài, rất thích hợp với tôi, vì lú đó đi học về quăng cặp xuống là tôi phải giữ em, làm công chuyện phụ chị Hai, đến tối lại phải xuống dòng sông Long Hồ để giăng lưới hay thả đăng kiếm đồ ăn phụ ba má), và còn nhiều thầy cô nữa mà tôi không nhớ hết tên. Tôi cũng luôn nhớ đến các bạn Biện Công Danh, Nguyễn Phước Anh, Đặng Văn Còn (đã thất lộc) Nguyễn Hữu Lô, Huỳnh Hữu Đức, Vương Văn Huệ (đã thất lộc), và nhiều lắm những người bạn rất thân thương. Những người bạn học cùng cấp ở trung học như bạn Dương Thanh Khải, Lê Ngọc Điệp… cũng như 2 em gái cùng xóm là Kim Oanh và Kim Phượng lúc nào cũng hết lòng ủng hộ tinh thần cho tôi trong lúc tôi đang làm biên khảo về Đất Phương Nam. Tôi cũng vô cùng biết ơn các bạn cùng đơn vị đã nhiều lần cứu tôi thoát khỏi bà tay tử thần trên nhiều chiến trường trong suốt hơn 6 năm quân ngủ (cuối năm 1968 đến ngày 30 tháng 4, 1975). Tôi cũng hết sức biết ơn các bạn đồng tù đã kiên cường đồng cảm cộng khổ trong suốt tám năm trong lao ngục, nhất là các bạn Trần văn Hội, Vĩnh Toàn, Bùi Văn Sử (1975-1983).

Khi còn ở trong quân đội và được đổi về vùng IV, tức cả miền Tây Nam Kỳ ngày nay, đi đâu đến đâu tôi cũng đã cố gắng chụp lại hết hình ảnh của miền đất nầy, nhưng không may, sau năm 1975, nhà tôi sợ quá nên đã đem đốt hay xé bỏ hết những hình ảnh nào có liên hệ đến chính quyền cũ. Đến khi vượt biên qua tới Bataan, Phi Luật Tân, tôi đã gặp lại anh Hứa Hoành và những người đàn anh của trường Tống Phước Hiệp là anh Nguyễn Hữu Trí, Phạm Hữu Bì… Trong những đêm trà mạn đàm về Nam Kỳ Lục Tỉnh, chúng tôi đã nói rất nhiều về vùng đất Phương Nam thân thương. Tôi có nói với anh Hứa Hoành là bằng mọi giá anh phải ráng viết hết những gì anh biết về NAM KỲ LỤC TỈNH để lưu truyền lại cho thế hệ con cháu sau nầy. Anh Hứa Hoành cũng nhắn nhủ: Chú mầy cũng biết nhiều không thua anh đâu, qua đó cũng ráng viết những gì chú biết cho con cháu được nhờ sau nầy. Rồi sau khi qua Mỹ, anh Hứa Hoành đã viết một bộ sách nhiều tập mang tên NAM KỲ LỤC TỈNH. Trong khi đó tôi ráng cố gắng cũng viết được quyển MỘT THOÁNG NAM KỲ LỤC TỈNH.

Lúc còn ở thành phố Santa Ana của Quận Cam, tôi có phụ trách một lớp học Việt Ngữ tại chùa Huệ Quang. Lúc đó mấy em trong gia đình Phật tử cứ tới hỏi tôi liên tục về Anh ngữ và ý nghĩa của một số thuật ngữ Phật giáo như Tam Bảo, Ngũ Giới, Bát Thánh Đạo, vân vân. Ban đầu tôi còn trả lời cho từng em, nhưng sau đó có quá nhiều em tới hỏi nên tôi không còn thì giờ để làm chuyện khác, tôi bèn nói với mấy em là tôi sẽ cố gắng làm một quyển sách về từ ngữ Phật Giáo (PHRASE BOOK) nho nhỏ cho mấy em tiện sử dụng, và rồi cái quyển phrase book nho nhỏ đó đã dần trở thành một bộ Từ Điển Phật Học 6 tập với khoảng gần 5.000 trang giấy khổ lớn. Anh rất cám ơn mấy em gia đình Phật tử Huệ Quang cũng như mấy em học sinh lớp Việt ngữ từ khoảng những năm 1985 đến 1995, đã tạo cơ hội cho anh viết nên bộ Từ Điển Phật Học Việt-Anh Anh-Việt. Lúc đó Thầy Giác Nhiên đã phải du hành qua tận Đài LoanTích Lan để tậu sách tham khảo về giúp đệ tử, thầy đã viên tịch hồi tháng 8 năm 2015. Con vô cùng biết ơn Thầy. Nguyện cầu hương linh Thầy sớm Cao Đăng Phật Quốc.

Vào đầu thập niên 1970s, lúc còn đóng ở Đà Nẳng, tôi đã được Thầy Thích Minh Tuấn, hiệu trưởng trường trung học Bồ Đề Đà Nẳng mời phụ trách lớp Anh ngữ cho trường Bồ Đề Đà Nẳng, nhờ đó mà tôi được biết Thầy Thích Quảng Liên, tổng Hiệu Trưởng hệ thống các trường Bồ Đề thời VNCH. Chính nhờ vậy mà về sau nầy lúc biết tôi đang biên soạn bộ Từ Điển Phật Học Việt Anh, từ năm 1985, thầy Quảng Liên đã gửi cho tôi rất nhiều tài liệu tham khảo. Khi thầy qua Mỹ thăm lại trường cũ (Yale University) vào năm 2003, khi ghé lại miền Nam California, khi biết tôi đã hoàn tất bản thảo bộ từ điển, thầy đã lưu lại Nam California thêm hai tuần lễ nữa để đọc bản thảo, chỉnh sửa nếu cần và viết lời giới thiệu cho bộ sách nầy. Khi trở về Việt Nam không bao lâu thì thầy viên tịch. Con vô cùng biết ơn Thầy. Nguyện cầu hương linh Thầy sớm Cao Đăng Phật Quốc.

Vào khoảng những năm đầu của thập niên đầu của năm 2000 (Y2K), sau khi gặp lại Thầy Đào Khánh Thọ và cô Võ thị Ngọc Dung, anh Lưu Vĩnh Khương (anh của một người bạn thân thuở thiếu thời của tôi là bạn Lưu Vĩnh Sơn), anh Lê Châu Trí… các vị nầy bắt đầu thành lập hội Ái Hữu CHS TPH, kể từ đó, tôi gặp lại rất nhiều người quen, trước tôi có, mà sau tôi cũng nhiều. Rồi sau đó, tôi được gặp thêm nhiều nhân vật phải nói là có tiếng tăm thời VNCH, trong số nầy có cả Thầy Nguyễn Văn Trường, nguyên Bộ Trưởng bộ Giáo Dục VNCH, thầy Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Thứ Trưởng bộ Giáo Dục VNCH. Năm 2003, sau khi đọc bản thảo bộ biên khảo 2 tập ĐẤT PHƯƠNG NAM của tôi, thầy Nguyễn Thanh Liêm và thầy Đào Khánh Thọ có kêu tôi đến nhà của thầy Liêm nói chuyện. Thầy Liêm nói: Thầy biết, em biết rất nhiều về đất Phương Nam, nếu em cần thêm tài liệu tham khảo, hiện thầy sẽ biếu cho em vài chục quyển mà thầy đang có, đồng thời, thầy có thể giới thiệu cho em một số địa chỉ ở Việt Nam hãy còn rất nhiều sách xưa. Thầy cũng nói, thầy sẽ viết lời giới thiệu cho bộ ĐẤT PHƯƠNG NAM.

Các vị thầy Nguyễn Văn Trường, thầy Nguyễn Thanh Liêm và thầy Đào Khánh Thọ cũng giới thiệu cho tôi nhiều tiệm sách cũ ở Việt Nam như các tiệm sách Xưa & Nay ở khu cư xá Bắc Hải Sài Gòn, Sa Đéc, Cao Lãnh, Cần Thơ. Riêng Thầy Trường giới thiệu rất nhiều vị trí bán sách cũ ở Tây Ninh. Một lần nữa, em rất cảm ơn mấy thầy. Bây giờ cả 3 vị thầy khả kính đều đã quá vãng. Cầu mong cho hương linh các thầy sớm được về cõi Vĩnh Hằng.

Điều làm tôi hết sức cảm động là trong một chuyến về thăm chị ruột của thầy là một Ni SưViệt Nam, thầy Thọ đã mang qua cho tôi rất nhiều sách tham khảo, khoảng trên 50 quyển sách xưa về các tỉnh Nam Kỳ và về Phật giáo. Cũng cùng lúc đó, trong khi tôi đang phụ trách những quyển Đặc San của Hội Ái Hữu CHS TPH, bên hội Ái Hữu CHS TPH, các em Nguyễn Hoàng Hưng, Trần Văn Mỹ Phước, Nguyễn thị Ly và cô Vân Nguyễn đã cung cấp cho tôi rất nhiều tài liệu về trường Tống Phước Hiệp, đặc biệt là tập kỷ yếu TPH 1971 và 1972 với rất nhiều hình ảnh. Nhất là cô Vân Nguyễn và em Nguyễn Hoàng Hưng đã nhiều lần góp công sức và ngay cả tài chánh trong việc xuất bản sách. Riêng cô Vân Nguyễn đã hết lòng yễm trợ từ tinh thần đến vật chất, cô đã tình nguyện duyệt đọc và chỉnh sửa rất nhiều sách của tôi trước khi những sách nầy được in ấn và xuất bản, đồng thời cô Vân Nguyễn đã nhiều lần đóng góp hỗ trợ tài chánh trong việc xuất bản những bộ sách lớn. Khi tôi đang bận với một số tác phẩm đang viết của mình, tôi và thầy Thọ đã nhờ Phan Các Chiêu Hằng, một đồng môn đàn em rất tài hoa và dễ mến, thay thế tôi phụ trách việc xuất bản các quyển đặc san Tống Phước Hiệp, Chiêu Hằng rất vui vẻ đồng ý. Phải nói là những quyển đặc san do Chiêu Hằng đặc trách về sau nầy đẹp hơn những quyển do tôi phụ trách trước đây nhiều. Thiệt đúng là hậu sinh khả quý! Rất cám ơn mấy em, vì nếu không có sự giúp đỡ của mấy em, chắc chắn tôi khó lòng hoàn thành những tác phẩm nầy, và cũng chính nhờ những tài liệuhình ảnh mà các em đã cung cấp tôi mới có thể hoàn thành những bài viết có liên quan đến trường Tống. Một lần nữa, rất cám ơn mấy em.

Về sau nầy tôi lại biết thêm Công Tử Miệt Vườn (chị Nguyễn thị Liễu, mà tôi thường gọi là chị Minh. Chị là cháu Thầy Nguyễn Văn Trường, Bộ Trưởng Giáo Dục thời VNCH). Chị Minh là người rất am hiểu về con ngườicách sống của dân Nam Kỳ Lục Tỉnh. Chị có rất nhiều bài viết miệt vườn rất hay. Dầu quen biết chị không lâu nhưng chị lúc nào cũng yểm trợ và bổ sung cho những thiếu sót của tôi một cách hết sức tế nhị. Tôi thật sự biết ơn chị. Cùng lúc, tôi cũng biết thêm thầy giáo Minh Triết Trần Thiện Đạt, một người con của quê ngoại tôi nơi núi Ấn sông Trà, cũng tiếc là quen anh hơi muộn, nhưng cũng đủ lắm cho một đời với những khuyến tấn vô cùng quý báu của một người đàn anh. Cám ơn huynh Đạt rất nhiều.

Nhớ lại trong lúc tôi đang biên soạn 4 bộ Từ Điển về Thiền & Phật Giáo vào khoảng đầu thập niên 1990s (Từ Điển PH Việt-Anh, Từ Điển PH Anh-Việt, Từ Điển Thiền & Thuật Ngữ PG Việt-Anh, Từ Điển Duy Thức Học & Thuật Ngữ Phật Giáo), các bạn đồng nghiệp của tôi ở bộ Giáo Dục cho học sinh khuyết tật tại tiểu bang California là các thầy cô Sonia Brousseau, Kung Chap, Sorath Hangse… đã giúp đỡ tôi rất nhiều, thay vì đi du lịch sang Anh, họ trở về với nhiều quà cáp hơn, thì họ đã đặc biệt đem về cho tôi những bộ sách tham khảo Phật giáo bằng Anh ngữ, mà người Anh đã phiên dịch sau khi họ chiếm Ấn Độ vào đầu thế kỷ thứ XVIII, một lần nữa, cám ơn quý vị rất nhiều.

Tôi cũng không quên cám ơn gia đình của anh chị Tám Lò Tương Huỳnh Thiếu Khanh cùng em Chen Chen, cũng như những người học trò rất dễ mến của tôi như Khả Khả, Doanh Doanh, Viên Viên… nhất là em Tầy Tầy, người lúc nào cũng tặng cho tôi một nụ cười hết sức dễ chịu, nhưng em đã đi xa khi tuổi đời còn rất trẻ. Một lần nữa, rất cám ơn sự giúp đỡ tận tình của gia đình họ Huỳnh, đã giúp đỡ tôi rất nhiều, đặc biệt là chị Tám, mỗi khi tôi cần bất cứ tài liệu nào, chỉ việc gọi về cho chị là có ngay. Riêng anh Tám, khi biết tôi đang biên soạn sách Phật giáo, anh đã gửi qua Bắc Kinh mua cho tôi rất nhiều sách Phật viết bằng Hoa ngữ. Khi tôi ngồi đây viết lại những dòng chữ cám ơn nầy thì chị Huỳnh Thiếu Khanh và em Tầy Tầy đã đi xa, nguyện cầu hương linh chị Tám và em Tầy Tầy sớm Vãng Sanh Cực Lạc.

Tôi cũng vô cùng cám ơn người học trò nhỏ của tôi là em Nguyễn Chí Minhgia đình anh chị Chín và mấy cháu Hiếu, Thiện, và Diệp đã gửi cho tôi không biết bao nhiêu là sách biên khảo về đất phương Nam và về Phật giáo. Trong những lần về Việt Nam trở qua, 2 va li của Minh chỉ toàn là sách dành cho tôi. Riêng Minh đã bỏ ra không biết bao nhiêu thì giờ để đánh máy vào máy vi tính những bài viết tay của tôi. Riêng ba má của Minh, trong lần qua định cư đầu tiên ở California cũng đã không quản ngại mang theo cho tôi rất nhiều sách tham khảo.

Tôi cũng muốn cảm ơn Cô Thầy Tư, quản lý Kho Dầu Shell Vĩnh Long trước năm 1975, người đã cứu mạng 2 đứa con tôi thoát khỏi bàn tay tử thần của nạn dịch sốt xuất huyết hồi giữa năm 1975, trong lúc tôi đang bị tù đày và nhà tôi thì không còn được phép dạy học nữa. Tôi cũng rất cảm ơn em Thuỷ Võ (con của cô Thầy Tư, Quản Lý Kho Dầu Shell Vĩnh Long trước năm 1975) cũng đã cung cấp một số tài liệu về Phật Giáo tỉnh Vĩnh Long.

Trong lần được Phật Giáo Thế Giới mời tôi tham dự Đại Lễ Phật Đản Vesak 2008 tại Hà Nội, tôi có ghé thăm sư ông chùa Quán Sứ và được sư ông biếu rất nhiều sách xưa thiệt xưa về Phật Giáo Việt Nam. Tôi luôn nhớ ơn sư cụchư Tăng Ni chùa Quán Sứ đã cho tôi có thêm nhiều tài liệu để viết về Phật giáo Việt Nam. Sau lễ Phật Đản, tôi về Vĩnh Long có gặp Lương Minh, một người đàn em rất dễ thương. Thấy tôi đang đi tìm thêm tài liệu biên khảo, Lương Minh bèn trao ngay cho tôi tập sách về Vĩnh Long mà anh Việt Chung vừa mới tặng. Minh nói chắc anh cần hơn em, thôi anh sử dụng nó, để thủng thỉnh em tìm cuốn khác cũng được. Ôi quý làm sao tấm tình của một người em đồng môn Tống Phước Hiệp trong lần đầu gặp gỡ!

Tôi cũng nhớ mãi những bạn học cùng cấp với tôi trong đó có các bạn Vương văn Huệ, Lê Ngọc Điệp, Huỳnh Hữu Đức, nhất là thầy giáo Dương Thanh Khải người đã trao cho tôi những sách do chính anh dịch từ Hoa ngữ sang Việt ngữ như Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, Ngũ Đăng Hội Nguyên, Lâm Tế Ngữ Lục, Pháp Bảo Đàn kinh… những tác phẩm nầy của anh đã góp phần không nhỏ trong việc hoàn thành một số sáng tác sau nầy của tôi. Phải thật tình mà nói, nếu không có sự giúp đở của các bạn, khó khăn lắm tôi mới có thể hoàn thành những tác phẩm mà tôi có hôm nay. Một lần nữa, rất cám ơn các bạn.

Tôi cũng vô cùng biết ơn anh chị Lê Quang Trung đã bỏ ra rất nhiều thời giờ và công sức để thiết kế và trình bày một số sách đã xuất bản của mình, đặc biệt nhất là hình bìa của bộ sách 8 quyển Phật Pháp Căn Bản. Tôi cũng vô cùng biết ơn các vị cư sĩ Minh Hạnh (đã quá vãng), Mật Nghiêm (đã quá vãng) và Tâm Diệu, đặc biệt cư sĩ Tâm Diệu của Thư Viện Hoa Sen và nhà xuất bản Ananda đã thiết kế và trình bày hầu hết các sách biên khảo Đất Phương Nam và những sách Phật giáo khác của tôi. Đồng thời, cư sĩ Tâm Diệu cũng đã đưa rất nhiều sách của tôi vào trang mạng Thư Viện Hoa Sen. Phải thật tình mà nói, nếu không có sự hỗ trợ góp công góp sức, đóng góp những thì giờ hết sức quý báu của quý vị, chắc chắn tôi khó lòng hoàn tất công việc của mình. Một lần nữa, hết sức cảm ơn toàn thể quý vị.

Tôi cũng vô cùng biết ơn anh chị em trong gia đình tôi là chị Hai Ngọc Nhi (đã quá vãng),các em Ngọc Minh (đã quá vãng), Ngọc Châu, Ngọc Sương, Ngọc Trước, Ngọc Đào (Mạnh), Út Anh, Út Em và Kim Hoàng (cả 3 em vừa kể đều đã quá vãng), Bích Vân và Thanh Tùng (Giỏi) đã đi khắp các hang cùn ngỏ hẻm trên khắp miền Nam để tìm sách tham khảo cho tôi. Một lần nữa, rất cám ơn mấy em. Tôi cũng rất nhớ ơn các anh chị em bên gia đình của người bạn đời của tôi là các anh Trần Khâm Loan (đã quá vãng), chị Tuyển Thục, chị Tuân Thục (đã quá vãng), em Mão Tân, Tùng Thục và em Thuần thục… Bên cạnh đó, tôi cũng không thể nào không kể đến thầy giáo Thành, bạn của em trai tôi là Ngọc Châu. Lúc nào thầy cũng sẵn sàng cùng đi với em trai tôi để tìm những bộ sách tài liệu mà tôi cần. Rất cảm ơn thầy giáo Thành. Cuối cùng, tôi vô cùng biết ơn các thành viên trong gia đình nhỏ của tôi là hiền phụ Tương Thục và các con Thanh Phú, Thanh Mỹ và Thiện Phú đã tạo cho tôi có mọi điều kiện thuận lợi cũng như một cuộc sống hết sức an lạc trong việc biên khảo và hoàn tất những sách Phật giáo nầy trong suốt gần bốn thập niên qua.

Sau hết, tôi cũng xin chân thành cảm tạ tất cả những trang mạng đã đăng tải những bài viết và sách của tôi, điển hình có các trang sau đây: thuvienhoasen (.org), tangthuphahoc (.net), hoavouu (.com), chuadieungu (.org), quangduc (.com), và nhiều trang mạng khác.

Như lời đã hứa với các vị đã hỗ trợ sách tham khảo, đến khoảng năm 2015, khi tôi đã hoàn tất những công trình biên soạn chính yếu của mình, như ý nguyện của các vị, tôi đã hiến cho Thư Viện Tổ Đình Minh Đăng Quang gần hết thư viện của tôi, khoảng trên 5.000 quyển sách đủ loại. Bây giờ ở nhà vẫn còn một số sách đủ thể loại, khoảng trên một ngàn quyển mà thỉnh thoảng tôi vẫn đọc. Tôi có dặn con cái tôi là khi tôi đi xa, nếu các con muốn đọc thì để lại số nào các con cần đọc, số còn lại thì hiến hết cho các thư viện tại địa phương hay các chùa viện.

Tôi và gia đình tôi rất cảm ơn sự giúp đỡ của toàn thể quý vị. Tất cả những gì mà tôi đã hoàn tất đều là kết quả của sự giúp đỡ hết sức lớn lao của quý vị. Trước hết, tôi xin hồi hướng tất cả những công đức nếu có từ việc làm nầy đến toàn thể quý vị và gia đình. Kế thứ tôi xin hồi hướng công đức đến những ai có cơ duyên đọc được những gì tôi đã viết ra vì lợi lạc của nhiều người. Và sau cùng tôi xin hồi hướng dẫn đến pháp giới chúng sanh đều được hưởng sự an lạc, tỉnh thứchạnh phúc. Phải thật tình mà nói, chừng ấy tình nghĩa từ các vị cũng đủ lắm cho một kiếp người tôi. Với riêng tôi, để phần nào trả ơn đời, trả ơn người, tất cả những sách xuất bản, tôi chỉ bỏ tiền ra in và hiến hết cho các thư viện và các chùa viện. Mặc dầu tôi có bản quyền trên các sách, nhất là các sách Phật giáo, bản quyền chỉ với mục đích là giữ nguyên ý của giáo lý. Rất nhiều chùa viện muốn in lại các sách mà tôi đã xuất bản đều luôn được sự hoan hỷ đồng ý của tôi. Một lần nữa, tôi VÔ CÙNG BIẾT ƠN ĐỜI, BIẾT ƠN NGƯỜI!!!

Nhân mùa Vu Lan 2024, nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, và ngậm ngùi đến trước bàn thờ cha mẹ, tự cài lên áo mình một bông hồng trắng và viết lên nỗi lòng: “MỘT BÔNG HỒNG TRẮNG CHO MÙA VU LAN ĐỂ NHỚ ƠN CHA MẸ, NHỚ ƠN ĐỜI, NHỚ ƠN NGƯỜI!!!” Để tưởng nhớ lại lời dạy của cha mẹ lúc sinh thời: “Khi thọ ơn bất kể lớn nhỏ, bất kể mới đây hay đã lâu xa, vẫn phải luôn ghi nhớ trong lòng. Nếu không trả được ơn cho người làm ơn thì ít nhất cũng phải đem ơn ấy đáp đền cho bá tánh.” Vâng, con đã và đang luôn lắng nghe và cố gắng làm theo lời dạy của cha mẹ đây. Bên cạnh nhớ ơn cha mẹ, con luôn nhớ ơn đời và nhớ ơn người, và lúc nào cũng muốn đáp đền ơn cho bá tánh như lời dạy của cha mẹ năm xưa.

Xin một lần nữa, kính lời chúc đến toàn thể quý ân nhân, những người đã giúp đỡ và hổ trợ tôi về cả tinh thần lẫn vật chất trong việc cung cấp rất nhiều tài liệu và sách tham khảo trong suốt gần bốn thập niên qua, kẻ còn người mất, mà rất nhiều vị cao niên đã đi xa. Cầu mong cho các vị sớm được về cõi Vĩnh Hằng, và cầu mong cho những người còn tại thế luôn vui khỏe và bình yên. Kế thư, tôi xin cảm ơn và kính chúc quý thầy cô, quý anh chị CHS và quý thân hữu cùng gia đình luôn an khang thịnh vượng, vạn sự cát tường như ý, sở cầu như nguyện, tràn đầy sức khỏehạnh phúc. Kế nữa, tôi muốn gửi đến quý thầy cô và đồng môn TPH của tôi. Các bạn rất thân thương có biết không, dầu tôi đã xa ngôi trường Tống Phước Hiệp từ năm 1968, nhưng tất cả các anh chị CHS Tống Phước Hiệp đối với tôi, dầu cùng cấp hay khác cấp, dầu trước hay dầu sau, lúc nào các bạn cũng là một phần kỷ niệm và một phần đời của tôi. Cũng như tất cả các bạn, nếu không có ngôi trường thân yêu ấy, nếu không có thầy cô dạy dỗ, và nếu không có sự nâng đỡ tinh thần của các bạn, có lẽ giờ này tôi và gia đình tôi sẽ không có những kỷ niệm đẹp, thật đẹp của một quảng đời đi qua như bây giờ. Thân chúc các bạn và gia đình luôn vui khỏe và hạnh phúc, và các thế hệ hậu duệ luôn thành tựu trong mọi lãnh vực. Mong lắm vậy!!!

 

Thân ái.

 

Picture1Hình 1: Đường vào Chòi Thiền, nơi đã tạo cho tôi

sự thanh tịnh để có thể làm được nhiều việc, ảnh 2024.

Picture2Hình 2: Hình chụp ngày hưu trí vào đầu tháng 11 năm 2013.

Picture3Hình 3: Hình chụp năm 2015.

Picture4Hình 4: Hình chụp trong sau vườn, có thể ngồi uống trà

hay viết bài vào mùa hè, ảnh tháng 12, 2023.

Picture5Hình 5: Hình chụp vào cuối tháng 1 năm 2024.

 

 

Tạo bài viết
16/04/2024(Xem: 2622)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: