Cao Huy Hóa
Xã hội Việt Nam trong mấy mươi năm sau này có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Nếu đời sống kinh tế của đất nước có những bước phát triển rõ rệt và tích cực, đời sống của nhân dân, nói chung được nâng lên, đời sống văn hóa thể hiện nhiều mặt phong phú, làm cho mọi người được hưởng thụ nhiều hơn, thì ngược lại, những giá trị đạo đức, tinh thần bị thử thách, tệ nạn xã hội ngày càng lan rộng, chất lượng giáo dục không mấy cải thiện, nếp sống văn minh bị xem thường,… Trong hoàn cảnh phức tạp như thế, nhiều người đã trở lại tin tưởng hoặc tìm về các giá trị tâm linh và tôn giáo.
Phật giáo vẫn còn đó như đã từng tồn tại trong lịch sử dân tộc, là nơi chốn nương tựa cho con người thanh thản sống trong gai góc cuộc đời. Thanh bình trở lại, chùa chiền trùng tu, xây mới, thành phần xuất gia nhiều hơn, có học vấn chính quy hơn, Phật tử có điều kiện tu học và sinh hoạt tôn giáo, các buổi lễ được tổ chức trang nghiêm. Không chỉ ở miền Nam vốn đã hoạt động liên tục, Phật giáo miền Bắc đã trở lại cội nguồn, có chùa, có tín đồ, có tổ chức.
Trong khi đại chúng vẫn tin Phật như lưu truyền dân gian, tu tập theo Tịnh độ, thì những người trí thức, trong đó có tầng lớp trẻ, bao gồm trí thức, sinh viên, lại có nhu cầu tìm hiểu đạo Phật, dù có thể họ chưa sẵn sàng làm người Phật tử. Trên phương diện tâm linh, họ nhận ra đạo Phật là tôn giáo của trí tuệ, bình an, Đức Phật là con người minh triết, đến chùa cảm thấy thanh thản, nhưng họ muốn hiểu sâu hơn, sống đạo nhiều hơn. Trên phương diện giáo dục, không thể bỏ qua Phật giáo khi sinh viên nghiên cứu về lịch sử, về văn hoá dân tộc, về triết học,… vì thế sinh viên có khát vọng thâm nhập đạo Phật một cách đáng tin cậy nhất. Ngay cả ở người bình thường, những vấn đề sau đây thường đặt ra: Đạo Phật có đem lại an lạc trong cuộc sống? Đạo Phật có bi quan, yếm thế? Phật giáo chấp nhận có “Thượng đế”? Phật giáo có thích hợp với thời đại cạnh tranh ngày nay? Có gì vui mà nhiều người đi tu? Phật giáo đồng hành với dân tộc, nghĩa là sao? Rồi những thắc mắc về vô thường, vô ngã, tánh Không, nhân quả, luân hồi, nghiệp báo, tái sinh, …
Một người có nền tảng học vấn, hoàn cảnh bình thường, muốn tìm đến Phật giáo, thì được thuận lợi gì? Trước hết, về mặt xã hội, những người xung quanh ít nhiều thấm nhuần tinh thần và sinh hoạt Phật giáo (ăn chay, đi chùa, niệm Phật, cầu siêu,…); một thuận lợi khác là ai ai cũng có thể đến chùa để hưởng không khí thanh thản, và nếu thuận duyên thì được đàm tạo, học hỏi quý thầy, quý Ni sư và Tăng Ni chúng. Còn một thuận lợi mà trước đây ít có là kinh sách dồi dào, kinh luật luận đều có đủ, sách chuyên sâu cũng như phổ thông phong phú, sách tiếng Việt cũng như tiếng Anh, chưa kể các đĩa CD, VCD, DVD về giảng pháp, về các buổi lễ. Nhờ hoàn cảnh thuận lợi như vậy mà nhiều người có vốn hiểu biết nhiều hơn về đạo Phật, và nhận ra đạo đã giúp ích cho đời, trước hết cho đời mình. Như vậy, Phật Pháp Tăng không phải là xa lạ đối với người bình thường.
Trong các thuận lợi trên, sách và tạp chí Phật giáo là dễ tiếp cận nhất. Nhưng chọn và đọc như thế nào thì không phải là dễ, dù là sách tiếp cận Phật phổ thông. Sách cho người tu thì nhiều mà sách cho người tìm hiểu thì ít, lại không có một hệ thống sách trình bày khoa học, từ thấp đến cao để thuận lợi cho mọi trình độ. Cũng có thể có những sách như thế, nhưng thiếu quảng bá, hướng dẫn nên tìm hiểu nay đọc cuốn này, mai đọc cuốn kia, mà không đọng lại gì. Còn cảnh chùa thì tuy không khép, nhưng đã xa rồi thời mọi người có thể tự nhiên ra vào, uống bát nước chè, được thầy trú trì hỏi han, và càng ngày càng ít cảnh cả đoàn cha mẹ con cái đi lễ chùa. Không có mục đích cụ thể gì thì người thăm chùa khó mà thoải mái, dầu là vãn cảnh. Xã hội đổi thay, chốn thiền môn cũng thế, ai cũng có việc, không mấy ai rảnh rỗi thanh nhàn để tiếp chuyện. Chia sẻ với nhau chuyện đời, chuyện đạo, trao đổi chuyển giáo lý, khó để làm chuyện đó. Thật ra, có rất nhiều chùa và niệm Phật đường tổ chức nhiều sinh hoạt hàng tuần, hàng tháng cho cư sĩ, mở các khóa Bát quan trai, các khóa tu ngắn ngày về Thiền, Tứ niệm xứ… nhưng đối tượng thật sự là những cư sĩ đã thấm nhuần Phật pháp, không phải là nơi thuận lợi cho những người mới có ý tưởng hướng về Đạo.
Như thế, trong tình hình mới, tổ chức Phật giáo cần để tâm nhiều hơn đến nhu cầu tìm hiểu đạo Phật của một số đông quần chúng có học thức. Ở đây, phải có hai chiều: một mặt người có nhu cầu chủ động gần gũi với kinh sách, với chùa, với Tăng Ni chúng, với trí thức Phật tử; mặt khác tổ chức Phật giáo phải gần gũi hơn với quần chúng, có thêm sinh hoạt Phật giáo cho nhiều người dự, biên tập và quảng bá sách về Phật pháp phổ thông… Dù cho thời thế như thế nào thì mọi người đều ngưỡng vọng về quý Tăng chúng: thâm sâu về đạo hạnh và giáo lý, giữ đúng tư thế người tu hành mà gần gũi với mọi người, hiểu biết về tâm lý, để làm nhiệm vụ hoằng pháp và chỗ dựa vững chắc cho những người tin Phật.
Nhìn sang một nước khác, trước đây cũng là một nước có truyền thống Phật giáo Đại thừa, cũng có một con đường truyền bá đạo Phật qua ngả Trung Hoa, rõ rệt là Nho giáo, trước đây đại đa số người dân theo Phật giáo, nhưng bây giờ Phật giáo đang ở vị trí thất thế: đó là Hàn Quốc, Bán đảo Triều Tiên bị phân ly, Hàn Quốc chịu ảnh hưởng của Mỹ, thế lực Cơ đốc giáo (rõ nhất là đạo Tin Lành) ngày càng mạnh 1. Đầu tiên là ở con số: dân số theo Tin Lành và Công giáo là khoảng 14 triệu, chiếm 30% dân số. Phật giáo đã từng chiếm đại đa số nay chỉ còn khoảng 10 triệu tín đồ, theo điều tra năm 2005. Tin Lành càng nỗ lực chứng tỏ phù hợp với một xã hội có kinh tế phát triển, có nền dân chủ theo mô hình phương Tây: khuyến khích làm giàu – giàu vì của cải của Thượng đế, giàu để vinh danh Chúa, giàu để san sẻ của cải theo ý Chúa, mục sư sống gần gũi với quần chúng, có gia đình sống lành mạnh, thường xuyên thăm hỏi dân tình, nhà thờ không nhất thiết uy nghi lộng lẫy mà ở lẫn với địa bàn dân cư, kinh sách đến tay mọi người… Trong thời gian gần đây, thế lực chính trị có vẻ thúc đẩy mạnh tiến trình truyền đạo Tin Lành phía Nam bán đảo Triều Tiên, làm cho quần chúng Phật tử lo ngại. Ngay cả phương tiện truyền thông, phim ảnh cũng quảng bá hình ảnh nhà thờ: đám cưới huy hoàng và thiêng liêng trong nhà thờ, thanh niên gặp buồn phiền đến nhà thờ…
Số tín đồ Cơ đốc giáo ngày càng tăng không phải là mối lo chính của Phật giáo. Những người theo Cơ đốc giáo của Hàn Quốc có học thức cao hơn Phật tử. Điều tra gần đây của một học giả Phật giáo cho thấy 23,1% tín đồ Tin Lành có học vấn đại học trở lên, con số đó của Công giáo là 9,8% trong khi con số của Phật giáo chỉ là 10,8%.
Ngày càng nhiều người nghĩ rằng Cơ đốc giáo đại diện cho một tôn giáo siêu việt, một tôn giáo phương Tây với suy nghĩ tích cực, trong khi Phật giáo là tôn giáo truyền thống và cổ, chỉ ở mức tôn giáo dân gian, chủ yếu được duy trì thông qua mong muốn mơ hồ về may mắn và thịnh vượng, Kim Yong Pyo, một giáo sư tại Trường Đại học Phật giáo Dongkook ở Seoul nói.
Thế hệ trẻ thậm chí còn tiêu cực hơn. “Bạn không muốn đến chùa, nơi bạn chỉ tụng kinh hoặc quỳ trước hình ảnh Đức Phật, suốt ngày lẫn trong những người cao tuổi”, một sinh viên đại học giấu tên nói. Đối với anh, Phật giáo chỉ hơn mê tín một chút, một điều gì đó xa lạ với thần học hiện đại, vốn có thể trả lời các vấn đề của thời đại ngày nay.
Kwon Ki Jong, một giáo sư khác nói Phật giáo phải tìm cách tốt hơn để thu hút giới trẻ bằng lý trí, trí tuệ chứ không phải sự thần bí. Ông gợi ý rằng phải tổ chức các hội thảo hoặc hội nghị với ngôn ngữ tôn giáo hiện đại để bàn về các vấn đề của đời sống và xã hội hiện đại. Nếu không, Phật giáo sẽ chẳng còn liên quan gì đến những người trẻ có giáo dục trong xã hội Hàn Quốc ngày nay.
Nâng cao chất lượng giảng pháp là nhân tố yếu để chấn hưng Phật giáo và đưa Phật giáo gần gũi với giới trẻ, giáo sư Kwon nói.
Việt Nam không thể và không bao giờ phát triễn tôn giáo như Hàn Quốc, Phật giáo Việt Nam không chỉ ở mức “cổ” của tín ngưỡng dân gian và không phải thoái trào như Phật giáo Hàn Quốc, nhưng không thể xem nhẹ ảnh hưởng ngoại lai thiếu lành mạnh của những thế lực kinh tế và chính trị trên đời sống tâm linh của người dân. Phật giáo trước đây bị buộc phải chống lại chính sách kỳ thị Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, cho nên càng thấy rất rõ giá trị của tự do tôn giáo và sự nguy hại của thế lực bên ngoài lôi kéo người vào đạo. Phật giáo đề cao tự do của mọi người, không mảy may lôi kéo ai vào cửa Phật, chỉ làm sao hình ảnh và con đường giải thoát của Đức Phật gần gũi với mọi người, tạo cơ duyên cho những ai rộng mở tiếp thu giáo lý của Phật. Không hấp dẫn bằng một hứa hẹn thiên đường nào, không có một phép lạ nào giữa chốn trần thế, không thánh thiện, lãng mạn, quyến rũ trong lời ca, điệu nhạc, Phật giáo không dễ dàng cho mọi người tiếp nhận. Ngay cả những người có ý hướng tìm đến Phật giáo, nhưng đầu óc mê muội, thiếu rộng mở thì khó mà tiếp nhận tinh hoa của Đạo. Trong một bài kệ, Phật ví những người này như cái vá (môi), còn những người có tâm rộng mở như cái lưỡi: thức ăn có ngon lành đến mấy thì cái vá chẳng biết gì, trong khi cái lưỡi, dù nếm trong giây lát có thể thưởng thức trọn vẹn hương vị. Tuy nhiên, không phải cứ là học thức cao thì được xem như cái lưỡi, vì chưa chừng vướng cái cố chấp, nhị nguyên, trong khi người bình dân vẫn có thể dễ tu tập ví cái tâm “trống rỗng”. Vì thế, Phật giáo đi vào lòng người phải tùy căn cơ của từng người.
Trong tình hình biến chuyển đảo điên của thế giới, trước sự khủng khoảng niềm tin vào các giá trị hữu thần, nhiều trí thức phương Tây đã tìm về giá trị phương Đông, đặc biệt là Phật giáo, thì ở nước ta, Phật giáo phải lấy lại niềm tin từ đại đa số nhân dân, bằng những hoạt động thiết thực, có hiệu quả. Chúng ta đã thấy những hoạt động ấy: các tổ chức Phật giáo đã ra đời ở những địa phương trước đây chưa có – kể cả miền núi, những hội trại Gia đình Phật tử, trại hè thanh thiếu niên như sinh hoạt hè tập thể 2008 thu hút 2.000 thanh thiếu niên tham dự của chùa Hoằng Pháp, TP.HCM, hoạt động xã hội, từ thiện trên khắp cả nước, những ngày lễ tổ chức trọng thể như Phật đản, Vu lan, các website Phật giáo có nhiều nội dung phong phú… Chắc chắn mọi người có tấm lòng với Phật giáo đều suy nghĩ, và quan trọng là phải hành động hơn nữa:
– Cần có những nội dung và phương pháp giảng nhập môn giáo lý, hoặc Phật pháp phổ thông, khóa tu thiền, thực tập dưỡng sinh cho nhiều đối tượng rộng rãi trong xã hội. Trang bị thêm kiến thức sư phạm và tâm lý cho các giảng sư để hướng dẫn Phật pháp cho thanh thiếu niên.
– Phật giáo không chủ trương tổ chức địa bàn dân cư như kiểu giáo xứ để hướng dẫn sinh hoạt tôn giáo cho giáo dân, thăm hỏi tiến đến truyền đạo trong quần chúng; nhưng Giáo hội cũng cần mở rộng “tầm ảnh hưởng” bằng tổ chức các niệm Phật đường ở các địa phương, bằng thăm hỏi và giúp đỡ những số phận khốn khó, phân công các vị Tăng Ni nhiệt tâm, có năng lực, có tác phong gần gũi quần chúng về các địa bàn dân cư ở nông thôn, miền núi.
– Tổ chức các hoạt động văn hóa, giáo dục: hội thảo, triển lãm, nói chuyện, văn nghệ dân tộc, diễn đàn…; có quan hệ tốt với giới nghiên cứu học thuật, văn hóa, văn nghệ, khoa học,… Các cơ sở giáo dục Phật giáo mở rộng các hình thức đào tạo và sinh hoạt hướng về quần chúng, thỏa mãn sở thích học hỏi, tu tập của mọi người. Các cấp thẩm quyền của Phật giáo cần đặt đúng mức tầm quan trọng của văn hóa Phật giáo, văn hóa dân tộc trong kế hoạch Phật sự.
Trong cuộc sống vất vả xuôi ngược ngày nay, cảnh thanh bình trong thơ Nguyễn Bính chỉ là hoài niệm xa xưa.:
Quê tôi có gió bốn mùa,
Có trăng giữa tháng, có chùa quanh năm
Chuông hôm gió sớm trăng rằm
Chỉ thanh đạm thế, âm thầm thế thôi.
Nhưng sau cái chộn rộn lao xao của xã hội, của con người cần có khoảng lặng của tâm linh, của trí tuệ, dầu thời nào vẫn không thể:
Bỏ trăng bỏ gió, chao ơi bỏ chùa.
Chỉ mong sao chùa gần với tôi hơn.
Chú thích
1. Tài liệu chữ nghiêng (kể cả in đậm) dưới đây về tình trạng tôn giáo ở Hàn Quốc được trích dẫn từ tác giả Shim Jae Hoon (theo Asia Sentinel), Trọng Hoàng dịch, đăng trong phattuvietnam.net, truy cập tháng 9/ 2008.
- Từ khóa :
- đạo phật
- ,
- đến với mọi người